Saturday, December 12, 2020

BÀI 155: NHỮNG RẮC RỐI BẦU CỬ NĂM NAY

     Tuần qua, ngày 8/12 là hạn chót, tất cả các tiểu bang đã chính thức xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Trên nguyên tắc, theo TTDC, cụ Biden đã được 306 phiếu cử tri đoàn. Các cử tri đoàn sẽ bầu tổng thống dựa trên kết quả chính thức này vào ngày thứ Hai 14/12, nghĩa là cụ Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Mỹ, tiếp theo TT Trump.

    Tuy nhiên, trong cái mùa bầu cử quái dị năm nay, chưa chắc mọi chuyện sẽ xẩy ra trong những tuần tới một cách xuông sẻ như vậy. Vẫn còn tranh cãi, thưa kiện. Nghĩa là cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa khẳng định được ai sẽ giơ tay tuyên thệ tháng Giêng tới.

    Cuộc bầu vẫn chưa kết thúc vì sẽ còn phải trải qua nhiều thủ tục nữa.

    Ngay bây giờ, phe TT Trump vẫn tiếp tục các vụ thưa kiện. Nhiều cụ DUT hô hoán ầm ĩ, ngày 8/12, mọi thưa kiện phải chấm dứt, làm như họ hiểu luật Mỹ hơn các luật sư của TT Trump vẫn đang thưa kiện khắp nơi. Các cụ ta có câu “không biết thì dựa cột mà nghe”, nhưng các cụ DUT không biết gì mà vẫn thích bàn.

    Cuộc bầu cử chính thức của các cử tri đoàn sẽ còn phải được tổ chức ngày 14/12. Mỗi tiểu bang họp riêng tại tiểu bang mình, bỏ phiếu rồi gửi kết quả về quốc hội liên bang, chứ không có chuyện tất cả cử tri đoàn của 50 tiểu bang về Hoa Thịnh Đốn họp như các cụ DUT loan tin. Trước đó, ngay cả việc bổ nhiệm các cử tri đoàn cũng còn bị tranh cãi, chưa ai biết chắc ai sẽ ở trong thành phần cử tri đoàn được quyền bỏ phiếu. Rồi quốc hội liên bang còn phải kiểm tra và xác nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn nữa. Chỉ sau khi quốc hội kiểm tra phiếu xong vào ngày 6 tháng Giêng, đương kim PTT Pence với tư cách chủ tịch thượng viện tuyên bố kết quả bầu cử chính thức thì lúc đó mới biết chắc ai là tổng thống. Từ giờ tới đó, chẳng ai biết còn bao nhiều vụ kiện và kết quả ra sao. Tuy nhiên, cánh cửa của TT Trump càng ngày khép lại.

    Đó là nói chuyện trong hai ứng cử viên, đã có một người có đủ 270 phiếu. Nếu vì lý do nào đó, không ai có đủ túc số cần thiết, thì sẽ cần quốc hội vào cuộc, bầu TT và PTT đầu tháng Giêng, với hạ viện bầu tổng thống với mỗi tiểu bang được một phiếu, có thể đưa đến việc đắc cử của TT Trump khi đảng CH hiện nay nắm đa số 28 tiểu bang trong hạ viện. Với những độc giả thắc mắc, kẻ này xin nhắc lại, nước Mỹ là một liên bang của 50 tiểu bang, lá phiếu phổ thông của người dân chỉ có giá trị trong nội bộ tiểu bang thôi, trong khi bầu tổng thống liên bang dựa trên phiếu của đại diện các tiểu bang.

    Còn nhiều rắc rối với không ít giải pháp để TT Trump 'binh', mà ta thử xét qua.


CHỨNG THỰC KẾT QUẢ BẦU CỬ

    Hầu hết các tiểu bang xác thực kết quả không có vấn đề gì. Chỉ một nhúm tiểu bang then chốt bị rắc rối là Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Georgia, Arizona, Nevada là có vấn đề thôi.

    Tại sao lại rắc rối vậy? Lý do rất giản dị: năm nay, có tới hơn 70% cử tri đã bầu bằng thư theo lời kêu gọi cũng như hù dọa lây nhiễm của đảng DC với sự phụ họa của TTDC. Các cuộc bầu cử trước đây, trung bình có 30% phiếu bằng thư là cao rồi.

    Điểm đáng nói là hệ thống bầu cử của Mỹ chưa sẵn sàng để cõng một số lượng bầu bằng thư cao như vậy. Cả ngàn kẽ hở kỹ thuật chưa được biết tới, hay biết rồi mà chưa biết cách bít lại, cả vạn nhân viên kiểm phiếu và đếm phiếu chưa hiểu rõ tất cả thủ tục làm việc. Đưa đến tình trạng luộm thuộm tranh cãi không có câu trả lời. Cũng như đưa đến tình trạng gian lận thật và nghi ngờ có gian lận, mà chẳng ai biết đâu là sự thật. 

    Thực tế, có thể chỉ là chuyện phe DC cấp tiểu bang và địa phương bao che cho nhau, hay gian lận nhưng chùi mép kỹ, nên phe CH dù đã gom được một số bằng chứng gian lận, nhưng cũng chưa đủ mức quy mô lớn, hay đủ tính thuyết phục để các quan tòa lấy quyết định lớn, thay đổi kết quả bầu cử một cách quy mô đáng kể. Dĩ nhiên ai cũng có câu nói dễ dãi ở cửa miệng là “phải có đủ bằng chứng”. Thực tế trong cõi đời ô trọc này, chuyện bằng chứng tội phạm là chuyện nói dễ nhưng thấy không dễ.

    Cả thế giới đều biết Al Capone là đại trùm mafia, buôn lậu rượu, tổ chức động điếm, rửa tiền, tham nhũng, hối lộ,… đủ thứ, kể cả giết người như ngóe. Nhưng Al Capone chùi mép rất kỹ, chưa bao giờ bị bắt và truy tố về những tội này một lần nào vì FBI chẳng có được một bằng chứng nào có thể trình tòa được. Cuối cùng FBI phải tìm mãi mới ra một tội khai gian giấy thuế, dựa vào đó để bắt và nhốt hắn.

    Mà nghĩ cho cùng, trong chính trị, có ai cần bằng chứng bao giờ đâu? Có bằng chứng thì cũng chẳng ai cần biết.

    Trong suốt 15 năm cuộc chiến của VNCH chống xâm lăng của CSBV, VC gân cổ chối việc có cả triệu lính CSBV được tung vào nam đánh nhau, bộ đội chết cả triệu, súng ống, bom đạn, xe tăng Nga và TC, cả thế giới đều thấy, nhưng VC vẫn chối, cả thế giới CS vẫn chối và cả triệu trí thức thiên tả -useful idiots- Tây Phương và Mỹ không nhìn thấy gì hết. Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến,... tất cả đều không nhìn thấy gì.

    Tình trạng bầu cử ở Mỹ năm nay cũng giông giống. Cả thế giới biết phe DC gian lận trong các tiểu bang then chốt mà đảng DC nắm quyền, nhưng các luật sư của TT Trump loay hoay mãi vẫn chưa tìm đủ bằng chứng đầy đủ, rõ rệt, có tính thuyết phục và tới mức quy mô có thể thay đổi kết quả bầu cử. Đưa đến tình trạng là tất cả các tiểu bang tranh cãi, kể cả những tiểu bang CH như Georgia và Arizona, nơi đã có gian lận ở mức quy mô, cũng đành thúc thủ.


CHUYỆN CỬ TRI ĐOÀN

    Chuyện cử tri đoàn, năm 2016, bà Hillary đã gây sóng gió khi bà công khai kêu gọi các cử tri đoàn bỏ phiếu theo số phiếu của cả nước, tức là bỏ phiếu cho bà thay vì cho ông Trump trong các tiểu bang ông Trump thắng. Nỗ lực của bà Hillary thất bại. 

   Sau khi bà Hillary thất bại, một số tiểu bang ra luật đòi thay đổi thể thức bầu bán cho cả nước, bắt cử tri đoàn phải bỏ phiếu cho ứng cử viên nào được nhiều phiếu nhất tính trên cả nước, bất kể kết quả bầu cử tại tiểu bang. Luật mới chẳng đi đến đâu. Chỉ được một thiểu số tiểu bang theo phe DC ủng hộ.

    Do đó, năm nay, bầu cử vẫn theo luật cũ. 

    Từ trước đến nay, thành phần cử tri đoàn thường do thống đốc bổ nhiệm dựa trên kết quả bầu cử tiểu bang đã được chính thức xác thực, và các cử tri đoàn bị bắt buộc theo luật, phải bỏ phiếu cho ứng cử viên đã đắc cử trong tiểu bang, không có lựa chọn nào khác.

    Nhưng đặc biệt, năm nay, trước tình trạng gian lận thành công, bất ngờ ta thấy một giải pháp mới lạ có thể hóa giải gian lận. Đó là giải pháp hạ viện các tiểu bang có quyền bác bỏ cử tri đoàn bổ nhiệm bởi thống đốc theo kết quả bầu cử gian lận của tiểu bang, thay vào đó, hạ viện tiểu bang sẽ bổ nhiệm thành phần cử tri đoàn để cử tri đoàn này sẽ bỏ phiếu theo chỉ thị của hạ viện, bất kể kết quả bầu cử của tiểu bang.

    Đây là giải pháp có thể giúp TT Trump vượt qua gian lận và đắc cử tại các tiểu bang tranh chấp. Ngoại trừ tiểu bang Wisconsin, đảng CH chiếm đa số tại tất cả hạ viện của các tiểu bang tranh chấp còn lại, sẽ bổ nhiệm cử tri đoàn theo khuynh hướng CH ủng hộ TT Trump để họ bầu cho TT Trump. Nghĩa là các tiểu bang Michigan, Pennsylvania, Georgia, Arizona sẽ bổ nhiệm cử tri đoàn CH đi bỏ phiếu cho TT Trump bất kể kết quả bầu cử tại những tiểu bang này, và ông này sẽ tái đắc cử dễ dàng. Luật sư của TT Trump, ông Giuliani cho biết có thể ba tiểu bang Georgia, Michigan và Arizona sẽ để hạ viện tiểu bang bổ nhiệm thành phần cử tri đoàn.

    Giải pháp này có thực tế hay có căn bản pháp lý gì không? Câu trả lời không giản dị chút nào đâu, các cụ ơi.

    Giải pháp này có vài vấn đề lớn.

   Thứ nhất, có vẻ đi ngược lại ý định của các Cha Già Lập Quốc khi họ viết Hiến Pháp. Ban đầu, họ đã có ý nghĩ để cho hạ viện bổ nhiệm cử tri đoàn mà không cần phổ thông đầu phiếu cho cả nước, rồi cử tri đoàn bầu tổng thống, nhưng rồi lại bác bỏ ý kiến đó để dành quyền bầu tổng thống cho toàn dân, bổ nhiệm cử tri đoàn theo kết quả bầu cử của toàn dân qua cách bầu phổ thông trong từng tiểu bang. Họ cho rằng hình thức hạ viện các tiểu bang bổ nhiệm cử tri đoàn bầu tổng thống có hậu quả thực tế là chính hạ viện đã bầu tổng thống chứ không phải dân bầu. Nôm na ra, các Cha Già Lập Quốc không muốn quốc hội bầu tổng thống. 

   Thứ nhì, phần lớn các thẩm phán TCPV hiện nay có khuynh hướng bảo thủ, nghĩa là tôn trọng tối đa Hiến Pháp cũng như ý định của các tác giả Hiến pháp, do đó có khuynh hướng không muốn đi ngược lại ý định đó của các Cha Già Khai Quốc.

   Thứ ba, yếu tố quan trọng hơn nhiều, giải pháp này phủ nhận lá phiếu của người dân, sẽ khó được thiên hạ chấp nhận. Nếu bây giờ được dùng để lật ngược kết quả bầu cử đã có rồi thì khó được người dân chấp nhận, sẽ gặp chống đối mạnh. Tổng thống đắc cử kiểu này sẽ có thể không có chính danh, mất uy tín, không được hậu thuẫn mạnh của dân.

    Nhưng ngược lại, đây lại là giải pháp lần đầu tiên được đưa ra bởi chánh thẩm phán Tối Cao Pháp Viện William Rehnquist và hai thẩm phán TCPV khác trong vụ tranh chấp giữa PTT Al Gore và thống đốc George Bush năm 2000, và mới đây được thẩm phán Kavanaugh nhắc lại. Đã vậy, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp của thượng viện cũng cổ võ cho giải pháp này. 

   Một giải pháp do một chánh thẩm và hai thẩm phán TCPV đưa ra, rồi mới đây lại được hậu thuẫn của một thẩm phán TCPV khác và một thượng nghị sĩ chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp của thượng viện, không thể coi thường được, tất nhiên có căn bản pháp lý rất nặng ký. Không phải chuyện nói chơi cho vui, có thể bỏ qua dễ dàng.

    Ngay cả giáo sư luật của Đại Học Harvard, ông Alan Dershowitz cũng đã lên tiếng cho biết giải pháp này cuối cùng sẽ phải lên tới TCPV, và ở đây, rất có thể các thẩm phán sẽ chấp nhận.

    Tại Pennsylvania, đã có 64 dân biểu tiểu bang ký một bức thư kêu gọi quốc hội bác bỏ danh sách cử tri đoàn do thống đốc bổ nhiệm dựa trên kết quả bầu cử gian lận, và để cho hạ viện bổ nhiệm thành phần cử tri đoàn đại diện cho tiểu bang.

    Theo lý luận của ‘trường phái’ này, thủ tục bổ nhiệm cử tri đoàn do các tiểu bang đưa ra nằm trong giới hạn của luật tiểu bang thật. Tuy nhiên, luật tiểu bang chỉ có hiệu lực trên các vụ nằm trong phạm vi tiểu bang thôi, chứ không chi phối được các vấn đề liên bang, mà việc bầu tổng thống liên bang hoàn toàn nằm ngoài và trên -outside and above- phạm vi quyền hạn tiểu bang, tức là các dân biểu tiểu bang không bắt buộc phải tôn trọng luật đó trong việc bầu cử tổng thống liên bang, vẫn có thể bác bỏ cử tri đoàn được bổ nhiệm theo nguyên tắc này, để bổ nhiệm những cử tri đoàn khác.

    Nói trắng ra, quốc hội tiểu bang có toàn quyền chiếu theo Hiến Pháp liên bang để bổ nhiệm thành phần cử tri đoàn bầu tổng thống liên bang bất kể kết quả bầu cử của tiểu bang.


VI PHẠM HIẾN PHÁP

    Tiểu bang Texas đã đưa đơn thẳng tới Tối Cao Pháp Viện, kiện các tiểu bang Georgia, Michigan, Pennsylvania, và Wisconsin vi phạm Hiến Pháp, đưa đến tình trạng bất công bằng giữa các tiểu bang trong cuộc bầu tổng thống.

    Theo đơn kiện, 4 tiểu bang bị kiện, đã tự ý thay đổi luật bầu cử dựa trên quyết định đơn phương của thống đốc chứ không phải qua một luật chính thức được lập pháp tiểu bang thông qua, đưa đến tình trạng không bình quyền giữa các tiểu bang. Không bình quyền về quyền hạn của thống đốc, và không bình quyền về quyền hạn của cử tri. Texas yêu cầu TCPV can thiệp để xác nhận sự tôn trọng bình quyền giữa các tiểu bang trước Hiến Pháp. Texas cũng yêu cầu cho hoãn lại ngày cử tri đoàn bầu tổng thống để giải quyết vụ kiện này trước. TCPV phải thụ lý vì đây là tranh cãi giữa các tiểu bang mà các tòa tiểu bang không có quyền giải quyết.

    Vụ kiện không tầm thường vì TCPV đã bắt các tiểu bang bị kiện phải giải thích tại sao những thay đổi họ đưa ra đã không vi phạm Hiến Pháp trước khi quyết định có chịu thụ lý hay không. Và 17 tiểu bang khác đã tham gia vụ kiện cùng với Texas, tất cả là 18 tiểu bang CH, trong đó có tiểu bang Arizona mà kết quả cho đến nay là cụ Biden đã có nhiều phiếu hơn. Đã có 126 dân biểu liên bang thuộc đảng CH cũng đã ký thư hậu thuẫn vụ kiện này. Một vụ kiện của 18 bộ trưởng Tư Pháp với hậu thuẫn của gần 1/3 dân biểu liên bang không phải trò đùa. Cái rắc rối không ai có câu trả lời cho tới khi TCPV phán quyết là việc các thống đốc tiểu bang nhân danh mối đe dọa nhiễm dịch, tự cho quyền vi phạm hiến pháp của các tiểu bang và của liên bang luôn, một chuyện chưa từng xẩy ra trong lịch sử Mỹ. Đây là những chuyện cần biết về vụ kiện này:

https://thefederalist.com/2020/12/09/6-things-to-know-about-texass-supreme-court-petition-over-2020s-messed-up-election/


    Trong khi đó, các tiểu bang bị kiện đều nhất loạt bác bỏ đơn kiện của Texas, cho rằng họ đã không vi phạm Hiến Pháp gì hết, và Texas không có cơ sở pháp lý để kiện. Và tất cả các chính khách DC và TTDC đã bác bỏ cho đây là vụ kiện vu vơ, chỉ là trò xiếc chính trị -political show, rồi nhất loạt viết nhận định xuyên tạc bôi bác cá nhân bộ trưởng Tư Pháp Texas, đúng theo mô thức đánh đấm của phe ta: bôi bác cá nhân. Bất kể thắng hay thua, gần hai chục tiểu bang kiện, sao lại gọi là ‘vu vơ’ được?

    Vụ kiện này quan trọng nhất, hơn xa các vụ kiện của luật sư Giuliani. Chiều thứ Sáu 11/12, TCPV đã biểu quyết không thụ lý vụ kiện vì cho rằng Texas không có căn bản pháp lý. 

    Trên căn bản theo luật Mỹ, muốn kiện thì người kiện phải chứng minh bị thiệt thòi hay thiệt hại gì đó. Texas đã không chứng minh được việc thay đổi luật bầu cử của các tiểu bang khác đã gây thiệt hại cho Texas, do đó, vụ kiện đã không có căn bản pháp lý và TCPV không thụ lý.


CÁC QUAN TÒA

    Tất cả đưa đến thưa kiện để rồi thực tế mà nói, một số lớn quan tòa vừa phán quyết vừa run vì không biết có gian lận thật hay không trong khi phán quyết của họ lại là chuyện sinh tử của cả nước. Bất kể các quan tòa, nhất là ở cấp Tối Cao Pháp Viện, phán quyết như thế nào, họ sẽ đi vào lịch sử vì phán quyết của họ có hậu quả quá lớn, quyết định ai sẽ là tổng thống trong 4 năm tới.

    Chuyện lấy phán quyết thay đổi kết quả bầu cử chính thức không phải chuyện mà các thẩm phán có quyền hay dám lấy một cách dễ dàng dựa trên tố cáo của một vài nhân chứng lẻ loi, hay dựa trên việc một vài máy bầu bị ‘trục trặc’, hay ngay cả dựa trên một vấn đề mà Hiến Pháp không ghi rõ.

    Việc các quan tòa cho đến nay đã ra những phán quyết trái ngược, một phần phản ảnh tính phức tạp của vấn đề, một phần phản ảnh các bằng chứng gian lận mà các luật sư của TT Trump đưa ra chưa đủ trọng lượng để có thể thay đổi kết quả bầu cử trên cả tiểu bang. Một sự kiện đáng chú ý là ngay cả một số thẩm phán do chính TT Trump bổ nhiệm cũng đã có phán quyết bất lợi cho TT Trump. 

    Nhiều người ủng hộ TT Trump hấp tấp chỉ trích những thẩm phán biểu quyết bất lợi cho TT Trump là phản lại TT Trump, kể cả các thẩm phán TCPV. Những công kích này oan cho các quan tòa và đã đi quá xa, mang tính phe đảng mà không hiểu đầy đủ vấn đề. 

    Khi TCPV biểu quyết tới 7-2 để không thụ lý vụ kiện của Texas, trong đó có cả ba vị thẩm phán do TT Trump bổ nhiệm, thì ta cần phải suy nghĩ lại trước khi nhẩy nhổm tố các vị thẩm phán là thiên vị, bị mua chuộc hay hèn nhát.


NHẬN ĐỊNH CHUNG

    Cuộc bầu cử tổng thống năm nay mở ra nhiều vấn đề mới lạ chưa bao giờ xẩy ra, đưa đến việc các luật sư cả hai bên làm việc overtime mệt nghỉ để khai thác hay diễn giải luật lệ có lợi cho phe mình, đến độ ngay cả các quan tòa cũng bối rối, thay đổi phán quyết như chong chóng, hay các quan tòa ra quyết định khác nhau từ tiểu bang này qua tiểu bang nọ, từ tòa này qua tòa kia. Ngay trong nội bộ các tiểu bang, cũng nhiều lủng củng khi các quyền hành pháp và lập pháp nằm trong tay hai đảng đối lập, tranh cãi nhau đủ chuyện. Các cử tri, kể cả các cụ tỵ nạn cả hai phe, thì bàn loạn cào cào như mình hiểu thấu hết dù chẳng ai là luật sư hay chuyên gia gì, mà chỉ bàn để có thể kết luận theo ý mình muốn.

    Những giải pháp mới lạ trên, thú thật, kẻ này chẳng có một ý kiến gì về tính hợp pháp, hợp hiến, cũng chẳng hiểu sẽ có đủ hậu thuẫn ngay trong khối cử tri ủng hộ TT Trump hay không, hay có đủ hậu thuẫn trong các quốc hội của các tiểu bang hay không. Kẻ này không phải là luật sư hay chuyên gia về luật bầu cử Mỹ nên chỉ viết lờ mờ dựa trên các tin tức đọc được. Chỉ có cái luật lưu thông học để lấy bằng lái xe mà còn chưa hiểu hết, nói chi tới hiến pháp.

    Do đó, bài viết này có tính cách tìm hiểu hơn là bàn thảo những rắc rối nổi bật nhất, đặc biệt là không muốn có kết luận gì theo kiểu đoán mò theo tính phe đảng chủ quan. Chỉ muốn nêu lên để ‘rộng đường dư luận’. Cũng để quý độc giả thấy việc tranh cãi bầu cử hiện nay cực gay cấn và phức tạp, với cả hai bên đều sẵn sàng dùng những biện pháp mới lạ nhất cho dù cực đoan nhất, để dành chiến thắng, tuyệt đối chẳng có bên nào lịch sự nhường nhau bất cứ chuyện gì. 

    Bên TT Trump và khối bảo thủ dĩ nhiên thấy công trình cải đổi xã hội và chính trị Mỹ chưa hoàn tất, cần phải tranh đấu đến cùng để hoàn thành cuộc cách mạng tát cạn đầm lầy, cản nước Mỹ đi sâu vào chủ nghĩa xã hội. Trong khi bên đảng DC và đám đồng minh TTDC thì vì mối đe dọa sinh tử của ý thức hệ cấp tiến, cần phải bằng mọi giá loại bỏ ông thần Trump.

    Chẳng phải nước Mỹ không, cũng chẳng phải cái cộng đồng hạt tiêu tỵ nạn Việt không, mà cả thế giới đang chống mắt nhìn cuộc chiến này, xem ngã ngũ ra sao.

    Ta nên hiểu cho rõ, câu chuyện tranh cãi này dường như đã đi xa hơn rất nhiều một cuộc tranh dành quyền hành, mà đã biến thành một cuộc chiến cho ý thức hệ căn bản, một hướng đi lâu dài cho cả nước Mỹ, và dĩ nhiên cho cả thế giới.

    Cuối cùng, nếu mọi cách hợp pháp, hợp hiến đều thất bại và cụ Biden chiến thắng, thì cũng đành chịu thôi. Tự an ủi là cụ Biden sẽ đi vào lịch sử như một tổng thống đắc cử nhờ gian lận giỏi. Một điều đáng buồn, buồn cho nước Mỹ đã xuống cấp đến vậy. Mà buồn hơn nữa là tư cách của tổng thống Mỹ đã xuống cấp còn thấp hơn nữa, khi mà cụ Biden và cả đảng DC vì quyền lợi cá nhân và quyền lợi đảng, muối mặt chấp nhận thắng cử trong gian lận, chấp nhận đi vào lịch sử với những tỳ vết đen tối không bao giờ xóa được.

    Nước Mỹ này đang gặp quá nhiều rắc rối, lộn xộn, nhức đầu. Nhưng nghĩ cho cùng đó là dấu hiệu tốt vì những cái lôi thôi nhức đầu này chỉ có thể xẩy ra trong một xã hội dân chủ tự do và pháp trị thực sự và tốt hơn tất cả các thể chế chính trị khác trên thế giới, trong đó, những lộn xộn lòi ra rồi người ta sửa chữa cho hoàn hảo hơn. 

    Chứ trong cái xứ đỉnh cao trí tuệ loài khỉ thì cả vạn sai lầm vẫn tồn tại cả vạn năm.