Pages

Saturday, April 7, 2018

BÀI 15: BẦU BÁN CUỐI NĂM


Trong chính trị Mỹ, một ngày dài như một năm, một tháng dài như một thế kỷ. Còn chừng 7 tháng nữa mới tới cuộc bầu giữa mùa, tức là còn 7 thế kỷ nữa mới tới ngày đi bầu. Bầu lại toàn bộ Hạ Viện liên bang và 1/3 Thượng Viện liên bang. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Chẳng ai biết hai chính đảng, bên nào sẽ chiếm đa số tại viện nào.
Không kể hàng loạt bầu bán đủ cỡ cấp tiểu bang và địa phương không bàn tới trong bài này.

Trước khi đi xa hơn, xin nói ngay cho rõ vài điểm quan trọng:
-         Tại Hạ Viện, cần chiếm 50% + 1 phiếu mới đủ để quyết định, tức là cần phải có 218 ghế. Hiện nay CH có 238 ghế, DC giữ 193, và 4 bỏ trống. DC cần chiếm thêm 24 ghế mới có được thế đa số.
-         Tại Thượng Viện, trên nguyên tắc cũng như vậy, nhưng trên thực tế vì có thủ tục gọi là ‘filibuster’, tức là bên đối lập câu giờ bằng cách kéo dài cuộc tranh cãi vô tận để không có biểu quyết được, và cần phải có 60 phiếu mới chấm dứt tranh cãi và biểu quyết, nên thực tế là phải có 60 ghế thì mới gọi là nắm đa số kiểm soát Thượng Viện được. Phần lớn quyết định của Thượng Viện phải qua thủ tục filibuster này, nhưng một số biểu quyết khác không cần, chẳng hạn như việc phê chuẩn quan chức và thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, chỉ cần 50% + 1, tức là 51 ghế. Hiện nay CH có 51, DC 47, và 2 hai ghế gọi là độc lập nhưng bầu theo phe DC.

CH hay DC, bên nào sẽ chiến thắng? Nói chung, các cuộc bầu giữa mùa đầu tiên sau khi có tổng thống mới thường đưa đến chiến thắng của đảng đối lập.
Năm 1994, hai năm sau khi TT Clinton nhậm chức, DC mất 54 ghế Hạ Viện và 9 ghế Thượng Viện vào tay CH. Năm 2010 dưới TT Obama, DC mất 63 ghế Hạ Viện và 6 ghế Thượng Viện.
Thất bại của DC dưới TT Obama là thất bại lớn nhất của đảng cầm quyền trong lịch sử Mỹ. Thất bại của TT Clinton là thất bại lớn thứ nhì. Cả hai ông đều được đi vào lịch sử nhờ hai ‘chiến tích’ này.
Năm 2002 dưới TT Bush con, CH phá lệ, không thua mà chiếm thêm 8 ghế Hạ Viện và 2 ghế Thượng Viện. Khi đó dân Mỹ còn đang ủng hộ ông rất mạnh sau vụ tấn công 11 tháng 9, 2001. 
TTDC đang tiên đoán kỳ bầu tới sẽ là đại họa cho CH, có thể sẽ mất hơn 60 ghế tại Hạ Viện, và mất thế đa số tại Thượng Viện luôn. Chẳng ai biết đúng hay không, chỉ biết trong ba lần bầu vừa nêu trên, họ tiên đoán TT Clinton và TT Obama vẫn giữ được thế đa số trong khi TT Bush sẽ mất thế đa số. Trật bét đủ 3 lần. Cũng không khác gì TTDC đã từng tiên đoán bà Hillary sẽ đại thắng.
Lần này, nhiều người nghĩ thế nào CH cũng mất ghế tuy chưa ai biết mất bao nhiêu. Với một tổng thống gây tranh cãi mạnh như TT Trump, chưa ai đoán được gì, tất cả ăn thua số người đi bỏ phiếu, tuy đã có nhiều triệu chứng bất lợi.
Bình thường thì những cuộc bầu bán quốc hội giữa mùa không quan trọng lắm. Tốt đẹp nhất thì tổng thống đương nhiệm được thêm ít phiếu trong quốc hội, tuy chẳng có gì bảo đảm các dân biểu, nghị sĩ cùng đảng sẽ nhất hô bá ứng với tổng thống. Kỷ luật đảng phái ở Mỹ không khác gì kỷ luật trong các lớp mẫu giáo, mạnh ai nấy la hét, cười khóc, chạy nhẩy. Kết quả xấu hơn thì tổng thống gặp khó khăn, không thông qua được luật lớn nào, nhưng cũng chẳng sao, có lý do ngồi chơi tà tà đến hết nhiệm kỳ như các ông Clinton và Obama, sau 2 năm đầu ra luật thì ngồi ngáp gió 6 năm sau, chẳng chết ma nào.
Thế nhưng cuộc bầu giữa mùa cuối năm nay thì lại khác hẳn, vì sẽ có hậu quả cực kỳ lớn lao mà ta sẽ bàn dưới đây.
Trước hết, nhìn vào lịch sử, triển vọng của CH coi bộ không tốt lắm. Nhất là qua kinh nghiệm của các TT Clinton và Obama, hình như sẽ là thảm họa cho CH. Đã vậy, lại còn nhiều yếu tố khá bất lợi cho đảng CH:
-            Lãnh tụ, hay ít nhất, hình ảnh của CH, là TT Trump, một người gây tranh cãi, thương ghét như chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ. Rất đông cử tri chống ông sẽ bị kích động tối đa bởi đảng DC để đi bầu chống CH, vì mơ tưởng có dịp đàn hặc ông hay ít nhất, cũng trói tay ông hoàn toàn.
-            Hiện nay, không khí chính trị đang sôi sục vì 2 vấn đề, sách nhiễu tình dục và kiểm soát súng. Cả 2 đều là điểm yếu lớn của CH và ngược lại điểm mạnh của DC. Phụ nữ năm nay sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng và đa số phụ nữ chống CH. Giới trẻ càng ngày càng ngả về phía tả hay cấp tiến, chống khối bảo thủ CH, nhất là giới sinh viên, học sinh năm nay, bị kích động bởi chuyện chống súng ống. Họ đang hô hào đi bầu chống CH là đảng bị tố là được tổ chức bảo vệ súng NRA ủng hộ.
CH có triển vọng mất Hạ Viện thật.
Tại Thượng Viện, hy vọng DC chiếm đa số coi như khó xẩy ra nếu không muốn nói là vô vọng, khoan nói tới chuyện chiếm được 60 ghế. CH hiện nắm đa số 51 ghế, nhưng có triển vọng thắng thêm ghế. Trong kỳ bầu tới sẽ có 26 nghị sĩ DC phải ra tranh cử lại (trong đó có 10 vị tại những tiểu bang TT Trump đã thắng) trong khi chỉ có 8 nghị sĩ CH phải tranh cử lại (2 vị trong các tiểu bang bà Hillary thắng). DC muốn chiếm đa số tại Thượng Viện sẽ phải giữ được tất cả 26 ghế, và phải thắng thêm 2 ghế CH nữa, một điều ít ai tin có thể xẩy ra. 
Thực tế nhất, DC sẽ chiếm đa số tại Hạ Viện, CH sẽ giữ đa số tại Thượng Viện. Cho dù nhờ phép màu nào đó, DC chiếm được đa số thì cũng chỉ là đa số một hai ghế, không đủ 60 để chi phối Thượng Viện. Như vậy, chuyện gì sẽ xẩy ra?
Thứ nhất, DC sẽ khuấy động ngay chuyện đàn hặc TT Trump.
Trong thể chế dân chủ của Mỹ, đàn hặc là biện pháp cuối cùng, cũng là duy nhất để truất phế tổng thống đương nhiệm khi ông này phạm một tội tầy trời nào đó. 
Thủ tục đàn hặc/truất phế có hai giai đoạn riêng biệt: đàn hặc tức là đưa ra Hạ Viện luận tội, và truất phế tức là đưa ra Thượng Viện để giải nhiệm.
Đàn hặc không có gì khó, chỉ cần 50% + 1 phiếu Hạ Viện. Nhìn vào tình trạng èo uột của đảng DC, ta thấy ngay việc đàn hặc TT Trump đã trở thành cái phao duy nhất có thể cứu sống DC trước cơn hồng thủy Trump. Nếu DC chiếm đa số tại Hạ Viện, đàn hặc sẽ rất dễ.
Thượng Viện muốn truất phế TT Trump cần ít nhất 67 phiếu (2/3), trong khi hiện giờ DC chỉ có 49 ghế. Nếu DC không mất ghế nào tại Thượng Viện thì đã là may mắn lắm rồi, không có cách nào DC chiếm thêm được 18 ghế để có thể truất phế TT Trump. Cho dù chiếm được hết 8 ghế CH và được hậu thuẫn của vài ba nghị sĩ CH chống Trump, như TNS McCain, cũng không thể nào đủ.
Trường hợp bi đát nhất cho TT Trump là … giống như TT Clinton thôi: bị đàn hặc nhưng không bị truất phế. Sẽ bị tê liệt hoàn toàn, và hy vọng tái đắc cử năm 2020 sẽ khó hơn đi bộ băng Thái Bình Dương. Đó chính là mục tiêu thật sự của DC.
Thực tế, có thể không đi đến tình trạng bi đát như vậy. Nói đàn hặc thì dễ, nhưng đàn hặc thật thì khó hơn nhiều vì thực sự, đàn hặc không phải là một vấn đề pháp lý mà là chuyện chính trị. Trong đảng DC, có một nhóm dân biểu quá khích, cầm đầu bởi vài dân biểu da đen -nhất là cái bà to mồm Maxine Waters của Cali-, một hai đòi đàn hặc, nhưng cấp lãnh đạo DC thì lại không ‘hồ hởi’ gì cho lắm. Họ lo ngại hai chuyện:
-            Thứ nhất, lạm dụng biện pháp đàn hặc chỉ vì khác biệt quan điểm chính trị trong khi TT Trump chẳng có tội gì nặng đến mức đàn hặc, sẽ khiến dư luận quần chúng đặt câu hỏi, và đồng thời trong tương lai, khối CH cũng có thể dễ dàng đáp lễ khi có tổng thống DC. Trừ phi công tố Mueller kết tội TT Trump thông đồng với Nga hay cản trở công lý, thì chẳng có lý cớ gì để đàn hặc TT Trump.
-            Thứ nhì, đàn hặc để đi đến thay thế TT Trump bằng PTT Mike Pence thì sẽ là đại họa cho phe cấp tiến. Ông Pence là người có dấu triện ’bảo thủ cực đoan’ trên trán, trong khi ông tế nhị, khôn khéo, khó bị đánh hơn TT Trump nhiều. Hơn nữa, nếu ông Trump rớt đài, cử tri Mỹ sẽ coi như quá đủ rồi, sẽ muốn phe đối lập DC và TTDC chấm dứt chiến tranh chống CH, thậm chí cần hợp tác với ông Pence, và họ cũng sẽ dễ chấp nhận cho ông Pence đắc cử khi ông phải ra tranh cử lại.  Nghĩa là tân TT Pence sẽ có dịp thực thi hàng loạt chính sách bảo thủ nặng. Trong vấn đề này, chuyện chéo cẳng ngỗng là phe DC thật sự rất sợ TT Trump bị truất phế mà chỉ muốn làm khó dễ thôi, trong khi phe CH kín đáo cầu mong PTT Pence thay thế TT Trump.
Nếu phe DC thấy đàn hặc bất lợi, họ có thể làm gì khác? Ta sẽ thấy Hạ Viện mở hàng loạt điều tra, điều tra những chuyện mờ ám thật, và điều tra những chuyện mờ ám phịa do phe DC chế ra cũng có. Điều tra chuyện kinh doanh, gái gú, sòng bài, trường học, đi đánh gôn, thay đổi nội các,...
Các viên chức chính quyền sẽ suốt ngày bị lôi ra trước các ủy ban để khai báo, trả lời câu hỏi của dân biểu. Cả Hạ viện sẽ chỉ lo điều tra, chẳng ai lo làm luật lệ gì nữa. TT Trump có muốn ra luật gì cũng bế tắc vì không đủ đa số phiếu để thông qua. Hạ Viện DC muốn ra luật cũng không được vì không đủ đa số tại Thượng Viện CH, cũng như sẽ bị TT Trump bác, không ký.
Nói cách khác, toàn bộ hệ thống chính quyền Mỹ sẽ kẹt cứng không làm gì được, ít nhất cho đến bầu cử năm 2020.
Tình hình thực sự có quá nản cho CH như vậy không? Chưa hẳn.
Trước hết, nếu CH còn giữ được đa số tại Thượng Viện thì vẫn còn kiểm soát hoàn toàn ngành tư pháp qua việc bổ nhiệm các quan tòa bảo thủ, kể cả việc có thể bổ nhiệm thêm một hai thẩm phán Tối Cao Pháp Viện khi có vị nào đó từ trần hay từ nhiệm vì sức khỏe yếu kém. Vì các thẩm phán được bổ nhiệm vĩnh viễn, cả ngành Tư Pháp, kể cả TCPV, sẽ ngả qua phiá bảo thủ ít nhất hai ba chục năm nữa. ta đừng quên trên căn bản pháp lý, TCPV nhiều quyền hạn hơn cả tổng thống và quốc hội. Và đây sẽ là gia tài lớn nhất của TT Trump, bất kể tất cả những thất bại khác nếu có. Mà cái đau đầu cho phe cấp tiến là cho dù có tổng thống DC thay thế TT Trump, cũng không thay đổi được gì.
Ngoài ra, CH đang nắm thế thượng phong về vài vấn đề hết sức quan trọng: dân chúng đang vui vẻ với luật giảm thuế, công ăn việc làm đang phát triển mạnh, thất nghiệp thấp nhất từ năm 1969. và CH có vài chục triệu đô trong quỹ tranh cử trong khi DC đang còn mắc nợ nặng. Ai cũng biết, trong cái thể chế dân chủ của Mỹ này, không tiền tranh cử thì vô vọng.
Sau khi luật giảm thuế ra đời và nhất là sau Báo Cáo Tình Trạng Liên Bang của TT Trump, hậu thuẫn của tổng thống và đảng CH đã leo thang.
Luật giảm thuế chẳng những có hậu quả trực tiếp là dân có trong túi thêm ít tiền mỗi tháng, mà còn có nhiều hậu quả gián tiếp lớn hơn nhiều:
-          cả trăm công ty tăng lương và tiền thưởng cho hơn ba triệu nhân viên;
-          tạo hàng trăm ngàn công ăn việc làm cho dân lao động.
Đảng CH bảo đảm sẽ khai thác tối đa luật thuế mới trong kỳ bầu quốc hội tới trong khi đảng DC loay hoay tìm cách bào chữa cái lập luận ngớ ngẩn chẳng ai tin ‘mang tiền người nghèo cho nhà giàu’.
Nói chung, tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump trong mấy tháng gần đây, cứ từ từ leo thang. Theo Rasmussen, đã lên tới 51% (cùng thời điểm này năm xưa, TT Obama được 47% hậu thuẫn). Các tuýt đánh TTDC của TT Trump dường như đã có hiệu quả khi Gallup thăm dò thấy đa số cử tri (52%) cho rng TTDC thật sự đang cố tình cản không cho TT Trump thực hiện được những chương trình của ông. Cách đây một năm chỉ có 44% tin như vậy.
Hơn thế nữa, các chính sách của TT Trump lại rõ ràng đang được ủng hộ. Theo đại học Harvard, 79% ủng hộ việc siết chặt biên giới, 70% bác bỏ lựa di dân theo xổ số, 80% không ủng hộ di dân theo liên hệ gia đình. Theo Pew Research, 65% coi Trung Cộng như một đối thủ, không phải là bạn, do đó việc tăng thuế quan hàng TC chẳng gây ra vấn đề gì cho TT Trump. Hai phần ba hoan nghênh việc TT Trump chấp nhận nói chuyện với Bắc Hàn. Chiến tranh Iraq đã chấm dứt. Tin chiến sự Afghanistan đã biến khỏi mặt báo.
TT Trump, bất chấp những đánh phá đủ kiểu, vẫn làm được vài chuyện lớn, với hậu quả lâu dài, có ý nghĩa, cho dù không phải ai cũng đồng ý.
Nói chung, hiển nhiên là cá nhân TT Trump có vấn đề và nhiều người ghét, nhưng các chính sách của ông lại được hoan nghênh, và cuộc bầu tới không phải bầu cho cá nhân ông Trump. Các vị dân cử CH ra tranh cử cứ lôi mấy chính sách này ra, đừng lôi tên ông Trump ra, là có vẻ ăn tiền.
Nhìn qua phiá DC, coi vậy chứ không khá hơn gì. Đảng DC có hai điểm yếu lớn nhất mà cho đến nay, họ vẫn chưa có giải pháp: chính sách không có mà người cũng không luôn.
Thứ nhất là không có chính sách nào hấp dẫn cử tri. Không có một chính sách lớn về kinh tế, công ăn việc làm, cải tổ trợ cấp, ngoại giao, đối phó với nguy cơ Bắc Hàn, hay ngay cả với Nga, Trung Cộng và các đồng minh Tây Âu. Cũng chẳng đề ra được giải pháp cụ thể nào cho các vấn nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan và di dân lậu. Các đề nghị mở toang cửa cho di dân, từ Nam Mỹ đến Trung Đông, hay những đề nghị ân xá di dân lậu, đều không thu hút nổi đa số cử tri Mỹ.
Thế thì các dân biểu và nghị sĩ DC sẽ ra tranh cử với khẩu hiệu gì?
“Vâng, đảng DC hứa sẽ tăng thuế tất cả quý vị và quý vị sẽ được may mắn đóng hồi tố lại mức thuế cao trước đây để chúng ta có dịp chia sẽ lợi tức cho đồng đều với những người nghèo nhất”? Hay “Dạ, chúng tôi sẽ tìm mọi cách cản các công ty tăng lương, tặng tiền thưởng, và cũng sẽ không cho họ mở thêm hãng xưởng, bắt quý vị đi làm thay vì được ngồi nhà lãnh trợ cấp”? Hay “Vâng, chúng tôi sẽ mở toang cửa biên giới Mễ để quý vị tha hồ có người giúp việc rẻ, và nhân công lãnh lương dưới tối thiểu”? Hay “Vâng, chúng tôi sẽ tranh đấu cho mọi người có quyền tự do vào cầu tiêu nào quý vị thích”?
Đảng DC khua chiêng trống cả năm nay chỉ dựa trên một chủ đề lớn duy nhất là… chống Trump. Không còn gì khác. Với sự tiếp tay tích cực của cả khối TTDC, chỉ trích TT Trump đã trở thành một kiểu tập thể dục tinh thần hàng ngày để tránh bị alzheimer. Ngày nào cũng phải kiếm cho ra chuyện để đả kích, chỉ trích, bôi bác ông Trump. Có chuyện chính đáng để đánh càng tốt, không có chuyện gì thì phịa ra. Chỉ nội cái chuyện ông doanh gia Trump ‘đi ăn phở có trả tiền’ cách đây một chục năm mà cả TTDC bị ám ảnh hết cả tháng trời nay, cho dù chuyện vớ vẩn này chẳng có một ly ảnh hưởng gì đến cuộc sống của dân Mỹ hay trách nhiệm của tổng thống.
Đố ai nêu ra được một chương trình chính trị cụ thể và lớn nào của đảng DC?
Đến độ thượng nghị sĩ cấp tiến lãnh tụ khối thiểu số DC tại Thượng Viện, Chuck Schumer, đã phải cảnh giác: “chống Trump không phải là một chương trình tranh cử”.
Điểm yếu thứ nhì là nhân sự. Hai ngôi sao sáng chói nhất của DC, thì một là ông Obama đã về hưu, hai là bà Hillary đã thảm bại hai lần.
Còn lại là khoảng 30 ‘chuẩn ngôi sao’ (chưa là ngôi sao!) đã đánh tiếng sẽ ra tranh cử tổng thống năm  2020. Đến độ ngôi sao sáng nhất còn lại, đang được DC cố lau chùi đánh bóng, nài nỉ vận động ra tranh cử tổng thống ba năm nữa  là… lão đồng chí cựu PTT Joe Biden, hơn cụ Trump tới 5 tuổi.
Ngoài ra, đảng DC vẫn mang vết thẹo lớn của cuộc chạy đua giữa thiên tả trẻ của cụ Sanders và thiên tả già của bà Hillary, nhất là sau khi tin tức lộ ra là bà Hillary đã thông đồng với Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC để dùng mánh loại cụ Sanders.
Với hy vọng thắng trước mắt, số chính khách DC muốn ra tranh cử đông hơn bến xe đò cuối tuần, đưa đến tình trạng các ứng cử viên này sẽ xé xác lẫn nhau ngay trong mùa bầu nội bộ, primaries.
Những chủ đề tranh cử mới của DC là phong trào chống sách nhiễu tình dục và chống súng ống. Hai phong trào này đang nổi đình nổi đám thật, nhưng lại có vẻ như những phong trào… cuốn theo chiều gió. Cơn gió ào tới rồi cũng bay đi. Từ giờ đến ngày bầu cử còn tới 7 thế kỷ nữa.

Yếu tố cuối cùng cần lưu ý, cũng là câu hỏi lớn nhất: đó là cuộc điều tra của công tố Mueller. Ông sẽ tố cáo ai về những tội gì, đó là những yếu tố bảo đảm chi phối kết quả bầu cử không ít, nhất là nếu ông công bố kết quả -trọn vẹn hay một phần- gần ngày bầu cử. Theo cái đà điều tra hiện nay, sẽ không có gì lạ nếu kết quả điều tra được công bố trong 5-6 tháng nữa, cận kề ngày bầu bán.
Ông Mueller truy tố TT Trump thông đồng với Nga hay cản trở công lý, dĩ nhiên sẽ là đại họa cho CH nói chung và TT Trump nói riêng, có thể đưa đến đàn hặc và truất phế TT Trump không chừng. Ngược lại, ông bạch hóa TT Trump, thì sẽ là đại họa cho DC, cho dù DC thắng trong cuộc bầu quốc hội cuối năm nay, thì năm 2020, khó ai hạ nổi TT Trump khi ông ra tái tranh cử.