Pages

Saturday, July 14, 2018

BÀI 29: THẨM PHÁN TCPV KAVANAUGH


 Tiếp theo cả chục ngày nín thở chờ tin, tối Thứ Hai vừa qua, TT Trump đã thông báo cho cả nước biết ông đã chọn thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện thay thế thẩm phán Anthony Kennedy về hưu.
Chuyện này quan trọng hay không, quan trọng đến mức nào, có hậu quả ra sao liên quan đến đời sống chúng ta, người dân bình thường? Đó là những chuyện cả triệu người đang thắc mắc.
Trước hết ta nói về tiến trình bổ nhiệm.
Đây quả thực là một tuyệt chiêu về nghệ thuật quảng cáo hàng của đại doanh gia Trump. Chưa bao giờ trong lịch sử bổ nhiệm hơn 100 thẩm phán TCPV lại có một vị được bổ nhiệm một cách rình ràng và thu hút được sự chú ý của cả nước như lần này. Tổng thống hẹn chắc việc tuyển lựa quan tòa từ cả chục ngày trước, khiến cho báo chí chạy tin trên trang nhất, đoán mò cả chục ngày liền, mà lạ lùng thay, tên của người được tuyển đã không bị xì ra! Rồi đúng 9 giờ tối Thứ Hai, gần như tất cả các đài truyền hình trực tiếp thu hình cuộc họp báo của TT Trump thông báo quyết định của ông, và cả chục triệu người bị hút hồn, chỏ mõ ngồi chờ và coi. Chú tâm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật tiếp thị chứ quảng cáo món hàng đó tốt mà chẳng ai để ý thì chỉ là công cốc.
TT Trump cũng đã đoán trước bất cứ ông bổ nhiệm ai cũng sẽ bị phe cấp tiến chống đối, nên muốn hô hào quần chúng đến xem cuộc chiến ngay từ đầu, cho thật đông, để họ có thể nghe ông và nghe ông Kavanaugh, và phán xét một cách chính xác, thay vì không biết gì, chỉ ngồi nhà đọc báo và nghe TTDC xuyên tạc.
Ta thử coi lại món hàng ông Trump đang rao bán.
Trong thể chế chính trị Mỹ, với việc tam quyền phân lập, có ba hệ thống riêng biệt là hành pháp, tức là tổng thống và nội các, lập pháp tức là hai viện quốc hội, và tư pháp tức là hệ thống tòa án, đứng đầu là Tối Cao Pháp Viện.
Trên nguyên tắc, nghe có vẻ ba bên ngang ngửa quyền hành rất lớn. Lập pháp ra luật cho cả nước, hành pháp thi hành những luật đó, và tư pháp bảo đảm việc tôn trọng những luật đó. Không có luật thì loạn, có luật mà không ai thi hành thì cũng như không, thi hành không nghiêm chỉnh cũng loạn. Trên thực tế, có lẽ TCPV có quyền lớn nhất vì các ông tòa này có quyền quyết định những luật do lập pháp ban ra có giá trị hay không, có thể được hành pháp thi hành hay không, và hành pháp thi hành có đúng không.
Nhưng điểm quan yếu nhất là tổng thống, nội các, dân biểu và nghị sĩ đều có thể bị thay đổi như chong chóng, nhưng quan tòa thì ngồi suốt đời đến chết hay đến khi... quá già yếu tự ý từ nhiệm. Thậm chí đến lúc ngồi đâu ngủ gật đó vẫn chưa về hưu mà chẳng ai đuổi được. Đặc biệt hơn nữa, quyết định của hành pháp hay luật của lập pháp cũng đều có thể thay đổi theo mùa bầu cử, nhưng án quyết của các quan tòa, nhất là quan tòa TCPV thì chắc hơn xi-măng cốt sắt, không lay chuyển cả trăm năm, hay ít nhất cũng cả thế hệ.
TCPV là cơ quan tối cao có thẩm quyền diễn giải Hiến Pháp và bảo đảm tất cả mọi luật của lập pháp và mọi hành động của hành pháp đều tuân thủ theo Hiến Pháp nguyên thủy và các án quyết diễn giải sau đó. Và đây lại là điểm ‘yếu’ của tư pháp: không có quyền tạo ra luật mà chỉ có quyền diễn giải luật thôi.
Đó là trách nhiệm căn bản của TCPV từ ngày được thành lập cho đến nay. Nhưng trách nhiệm đó đã mang lại nhiều tranh cãi ngay từ những ngày lập quốc. Câu hỏi là làm sao một văn kiện được một nhúm người gọi là ‘Cha Già Lập Quốc’ của đất nước này soạn thảo cách đây xấp xỉ 250 năm lại có thể có giá trị vĩnh viễn, một cách tuyệt đối mà không ai có quyền sai phạm?
Vì Hiến Pháp chính là nền tảng của liên bang Hợp Chủng Quốc, là chất keo gắn chặt 50 tiểu bang. Mất Hiến Pháp, liên bang tan rã.
Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất phân biệt hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến liên quan đến TCPV. Phe bảo thủ, gọi là constitutionalist hay originalist, chủ trương tuyệt đối tuân thủ Hiến Pháp, và diễn giải cũng tuyệt đối theo ý nguyện/ý định của các Cha Già Lập Quốc khi họ viết ra Hiến Pháp. Trong khi phe cấp tiến cho rằng Hiến Pháp chỉ là một tài liệu nền tảng căn bản và việc thi hành cần phải uyển chuyển, lưu ý đến những thay đổi của thời thế. Họ chủ trương cái mà họ gọi là ‘Living Constitution’, tức là một Hiến Pháp sống, linh động, có thể được diễn giải và thi hành theo nhu cầu thời thế, hay nói cách khác họ cho là các quan tòa có quyền ra luật mới. Nói huỵch tẹt ra, phe DC chủ trương cho Hiến Pháp vào nhà quàn vì đó là một xác chết, không có ‘living’. Tương lai của đảng DC? Hãy nhìn vào cô Ocasio-Cortez.
Hiến Pháp là nền tảng phải tuân thủ, không có nghĩa không thể thay đổi. Nếu muốn và nếu cần, vẫn có thể sửa đổi gọi là ‘tu chính’ được. Cho đến nay Hiến Pháp đã được tu chính 27 lần, không có gì cấm tu chính nữa. Ai muốn thì cứ lên tiếng để dân Mỹ thay đổi Hiến Pháp, chỉ cần tuân theo đúng thủ tục thôi.
Một khác biệt quan trọng nữa giữa hai khối bảo thủ và cấp tiến: đó là quan điểm cá nhân của các quan tòa. TT Trump khi đọc bài phát biểu giới thiệu TP Kavanaugh đã nói rất rõ: “Khi nói chuyện với ông Kavanaugh, tôi đã không hỏi gì về ý kiến cá nhân của ông ta, chỉ muốn biết ông có tuân thủ Hiến Pháp và luật hiện hành không thôi”. Trong khi đó, trong các cuộc điều trần phê chuẩn thẩm phán TCPV trước đây, các nghị sĩ DC luôn luôn hỏi “Thế quan điểm cá nhân của ông/bà là gì?”.
Bà Elena Kagan là thẩm phán TCPV được TT Obama bổ nhiệm. Ra trước Thượng Viện năm 2010, bị thượng nghị sĩ DC Schumer hỏi “Bà sẽ xử như thế nào về chuyện... ? Bà nghĩ sao?”, bà đã trả lời ngay “Tôi không biết sẽ xử ra sao, tất cả tùy trường hợp, không quan tòa nào có thể nói trước sẽ xử ra sao. Tôi “nghĩ sao” không phải là vấn đề vì ý kiến cá nhân tôi không quan trọng”. Nói cách khác, khối DC lựa quan tòa theo ý kiến cá nhân trong khi khối CH tuyển người theo tiêu chuẩn có tuân theo Hiến Pháp hay không. (Trong vấn đề này, nhiều cụ tỵ nạn hiểu lõm bõm câu chuyện, phán rằng CH lựa quan tòa theo “ý tưởng cá nhân một chiều”. Cái này gọi là không biết mà cứ nói bừa vì tính phe đảng) 

Ông Kavanaugh tốt nghiệp luật tại đại học Yale, làm việc tại một văn phòng luật tư. Rồi làm trợ tá cho thẩm phán Kennedy, người mà ông sẽ thay thế.
Trong cuộc điều tra của công tố độc lập Kenneth Starr về các xì-căng-đan Whitewater, sau đó Monica của TT Clinton, ông làm phụ tá cho ông Starr, là tác giả chính của phúc trình của công tố Starr nộp cho Hạ Viện, được dùng làm căn bản để đàn hặc TT Clinton. Yếu tố này bảo đảm sẽ kích động dân cuồng nhà Clinton.
Cuối năm 2000, ông tham gia vào nhóm luật sư của ông Bush con, tranh cãi vụ đếm phiếu bầu cử với PTT Gore. Sau khi ông Bush đắc cử, ông Kavanaugh vào làm luật sư trong Tòa Bạch Ốc. Tại đây ông gặp bà Trợ Tá Riêng của TT Bush để rồi sau đó lấy bà này làm vợ. Năm 2003, ông được TT Bush bổ nhiệm thẩm phán tòa phá án DC, nhưng gặp chống đối mạnh của khối DC trong Thượng Viện, mãi ba năm sau mới được phê chuẩn. Khi đó DC có 49 ghế tại Thượng Viện so với CH 51 ghế, nhưng luật thời đó đòi hỏi 60 phiếu mới được phê chuẩn.
Qua quá trình này, ông Kavanaugh có quan hệ rộng và mật thiết với giới luật sư và chính khách Hoa Thịnh Đốn nói chung, và với nhóm phụ tá của TT Bush nói riêng, nhất là với ông Karl Rove, được gọi là ‘kiến trúc sư’ đã xây dựng ‘căn nhà Bush’ trong chính trường Mỹ. TT Bush con và thống đốc Jeb Bush đều lên tiếng ca ngợi ngay quyết định bổ nhiệm ông Kavanaugh của TT Trump. Quan hệ này sẽ giúp hoá giải được phần nào những chống đối của khối CH chống Trump (#NeverTrump) trong Thượng Viện khi phê chuẩn ông Kavanaugh. Một số chính khách trong nhóm #NeverTrump ca ngợi ông Kavanaugh tuy vẫn làu bàu chống Trump. Nhưng ông cũng là thẩm phán sẽ gặp chống đối mạnh nhất của khối DC.
Phản ứng chung của khối bảo thủ là rất vui với việc bổ nhiệm ông Kavanaugh vì ông là bảo thủ thứ thiệt, kinh nghiệm cùng mình mà cũng là hạng trí thức nghiêm chỉnh, được lòng mọi người, không gây rối loạn. Đến độ có người chê ông Kavanaugh giống ông Jeb Bush, bị TT Trump phán là ‘low energy’. Nói cách khác, không giống… ông thần Trump, nên phe bảo thủ rất yên tâm. Trên căn bản, TT Trump đã giữ lời hứa khi tranh cử là sẽ bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ khắp nơi, nhất là ở cấp TCPV.


Tin ông Kavanaugh được tuyển vừa là tin ngạc nhiên mà cũng là tin không đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên đầu tiên là ông này không có tên trong danh sách đầu các thẩm phán mà ông Trump đã lựa cho TCPV trong tương lai khi ông ra tranh cử tổng thống vì ông này quá thân cận với cánh Bush. Tên ông Kavanaugh chỉ được thêm vào danh sách cách đây một năm. Sau đó, trong cuộc tuyển lựa thẩm phán lần này, ông Kavanaugh ngay từ đầu là người có nhiều hy vọng nhất, nhưng rồi biến thành người ít hy vọng nhất để rồi cuối cùng là người trúng số. Số may mà cũng xui.
Số may vì vào làm thẩm phán TCPV chắc chắn là giấc mộng tối hậu của tất cả những người làm nghề luật. Số xui là bảo đảm sẽ bị phe DC và TTDC băm thây. Chẳng phải chỉ riêng gì ông Kavanaugh mà bất cứ ông bà nào được TT Trump bổ nhiệm cũng lãnh đủ, bất kể quá trình, khả năng, uy tín hay quan điểm về bất cứ chuyện gì, cũng sẽ bị chống đến cùng, gọi là nhắm mắt chống đối toàn diện, vô điều kiện.
Sau khi ông Kavanaugh được bổ nhiệm, nhóm Women’s March phổ biến một tài liệu đả kích tân thẩm phán thậm tệ. Nhưng có một ‘rắc rối nhỏ’. Tài liệu không ghi rõ tên ông Kavanaugh, mà những chỗ nào cần có tên thì chỉ để ‘xxx”. Nghiã là đây là tài liệu đã được viết sẵn, đề tạm tên là ‘xxx’, khi nào có tên người được đề cử sẽ điền vào. Nhưng vì hấp tấp phổ biến tài liệu, nên quên mất điền tên ông Kavanaugh vào.
Phe DC, dẫn đầu bởi TNS Schumer của New York, chưa chi đã la hoảng TP Kavanaugh sẽ tước đi quyền tự do phá thai của phụ nữ và sẽ giết Obamacare, tức là lấy đi bảo hiểm y tế của những người nghèo, bất kể việc thẩm phán Kavanaugh chưa bao giờ có án quyết nào liên quan đến chuyện phá thai hay Obamacare.
Phe DC chống đối viện dẫn một quyết định của ông Kavanaugh trong một vụ án, bác bỏ việc chính phủ Mỹ phải trả tiền phá thai cho một cô gái di dân lậu, nhưng hiển nhiên đây là bóp méo câu chuyện. Việc này liên quan đến trách nhiệm của chính phủ Mỹ phải trả tiền dịch vụ y tế cho một di dân lậu, không phải là chuyện cho hay không cho phá thai.
Thật ra, không ai biết chắc quan điểm của ông Kavanaugh về chuyện phá thai. Trong vụ cô di dân lậu trên, ông cũng nói đại khái là ‘phải lưu ý đến chính sách của chính phủ muốn bảo vệ sự sống của bào thai’, do đó không thể bắt chính phủ phải trả tiền phá thai, nhất là cho một di dân lậu, không phải dân Mỹ. Bù lại, trong cuộc điều trần trước Thượng Viện năm 2003, ông nói rõ “Roe v. Wade (là án quyết của TCPV nhìn nhận phá thai là hợp pháp trên cả nước) đã là luật quốc gia từ hơn 40 năm, không thể không tôn trọng”. Phe DC và TTDC  chỉ nhấn mạnh vào chuyện cô di dân lậu mà phớt lờ câu nói trước Thượng Viện.
Về Obamacare, ông Kavanaugh là người đã ‘góp ý’ Chánh Án TCPV John Roberts để cứu Obamacare khiến nhiều ông bảo thủ bực mình. Phe DC và TTDC nín khe về chuyện này trong khi ông Schumer hù dọa ông Kavanaugh sẽ thu hồi Obamacare. Thu hồi hay không là việc của quốc hội, không phải của TCPV.
Ông Terry McAuliffe, cựu thống đốc Virginia và cựu chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, báo động “việc bổ nhiệm ông Kavanaugh sẽ đe dọa tính mạng của cả triệu người”. Không ai hiểu tại sao. Cứ theo đảng DC, dân số Mỹ trong hai chục năm nữa chắc sẽ ít hơn dân số Phú Quốc, sau khi cả triệu triệu người đã chết vì trái đất bị hâm nóng quá, vì thu hồi Obamacare đã giết hết bệnh nhân, vì trợ cấp và phiếu thực phẩm của tất cả dân nghèo đã bị cắt, và bây giờ vì tay sát thủ Kavanaugh.
Một nghị sĩ khác, ông da đen Cory Booker là người đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống năm 2020, khẳng định TT Trump bổ nhiệm ông Kavanaugh để “khỏi bị tù”. Theo ông Booker, công tố Mueller sắp sửa truy tố TT Trump không biết mấy vạn tội, và ông Kavanaugh sẽ cứu TT Trump. Đây là lập luận nổ lớn hơn kho đạn Biên Hòa, nhưng chẳng có ý nghĩa gì hết, chỉ là chuyện mỵ dân, lừa đám dân ít hiểu biết. Tổng thống không đi tù, chỉ bị đàn hặc và truất phế là cùng, mà trong tiến trình này, TCPV chẳng dính dáng gì hết. Chuyện ngớ ngẩn!
Thống đốc New York, Andrew Cuomo, đe dọa sẽ kiện TCPV. Hả? Kiện ở tòa nào? Tối Cao Pháp Viện? Vậy mà cũng làm tới thống đốc được.
Phe chống cũng tố TT Trump lựa ông Kavanaugh vì ông này chủ trương không truy tố tổng thống khi đang nhiệm chức, một quan điểm ‘lật lọng’ so với việc ông truy lùng TT Clinton. Ông Kavanaugh có truy lùng TT Clinton thật. Sau đó ông nghĩ lại thấy cuộc điều tra của công tố Starr hết sức tai hại cho cả nước và cho TT Clinton khiến ông gần như bị tê liệt không chu toàn trách nhiệm tổng thống được nữa. Rồi sau đó nữa, ông vào làm việc trong Tòa Bạch Ốc và ông nhìn nhận khi đó ông mới thấy tầm mức quan trọng của trách nhiệm của một tổng thống. Ông viết một bài tham luận dài, đặt vấn đề trước những tai hại lớn lao như vậy, có nên truy tố tổng thống khi ông còn đang làm tổng thống hay không. Dựa trên bài tham luận này, phe ta nhẩy nhổm tố ông sẽ tìm cách bảo vệ TT Trump và đó là lý do TT Trump đã lựa ông. Dù không ưa ông Kavanaugh cũng phải công nhận ông đã có đủ lương thiện và can đảm đặt lại vấn đề việc mình đã làm, thay vì ngoan cố cãi chầy cãi cối.
TTDC thì khỏi nói, đã trở thành cái loa của phe cấp tiến chống đối ngay từ đầu.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Trong những ngày tới phe chống đối sẽ bận bù đầu, bận đi bới rác trong quá trình nghề nghiệp cũng như đời sống riêng tư của cả hai vợ chồng Kavanaugh. Cả bố mẹ, họ hàng tám đời, bạn bè từ ngày học mẫu giáo chung, cũng sẽ được chiếu cố luôn.
Các ông bà trong Thượng Viện sẽ hạch hỏi ông Kavanaugh tới tắc thở luôn, vặn vẹo đủ chuyện. Cuộc điều trần để phê chuẩn sẽ không phải là để tìm hiểu về khả năng của ông Kavanaugh, mà sẽ là phiên tòa của các ông bà nghị sĩ DC tìm mọi cách kết tội, bất kể ông Kavanaugh có hay không có tội gì.
Nói về bà thẩm phán TCPV Elena Kagan, ông Kavanaugh trong bài diễn văn ngắn cám ơn TT Trump, cũng đã khôn khéo cám ơn bà Kagan là người đã bổ nhiệm ông làm giáo sư dạy về Hiến Pháp tại Harvard khi bà Kagan còn làm viện trưởng tại đại học này. Một cách khều chân  khéo những vị DC nào chê trách khả năng của ông. Chứng tỏ ông Kavanaugh này cũng khá cứng cựa, không dễ nuốt.
Biết rõ khó có thể cản trở việc phê chuẩn ông Kavanaugh, phó chủ tịch Ủy ban Quốc Gia của đảng DC, ông dân biểu Hồi giáo da đen Keith Ellison đưa ra một giải pháp rất hách: Hạ Viện nên chuẩn bị đàn hặc các thẩm phán TCPV. Đúng là  phe ta lên cơn điên loạn hết rồi.
Việc TP Kavanaugh có được phê chuẩn hay không chưa ai biết được, nhưng trong lịch sử, trong gần 110 thẩm phán TCPV, chỉ có đâu 5-6 người bị bác. Các tổng thống trước khi chính thức bổ nhiệm thường tìm hiểu, vận động trước và điếm phiếu Thượng Viện khá kỹ. CH hiện nay có 51 phiếu, nhưng ông McCain sẽ không tham dự được, còn 50. Trong đó có hai bà Collins (Maine) và Murkowsky (Alaska) lừng chừng. Phe DC có 49 phiếu trong đó có 5 ông bà có thể bỏ phiếu theo CH vì phải ra tranh cử lại tại những tiểu bang CH nặng như Georgia, West Virginia, North Dakota, Indiana, và Missouri. Bẩy người này sẽ có tiếng nói quyết định. Chống ông Kavanaugh sẽ rất khó cho các nghị sĩ DC tái đắc cử trong những tiểu bang đã bầu mạnh cho TT Trump.
Trong 5 ông bà DC trên, đã có 3 vị trước đây đã bỏ phiếu cho ông Neil Gorsuch. Để xem họ biểu quyết ra sao.
TT Trump chẳng những đã khiêng cả cái TCPV về phiá bảo thủ mà ông cũng đã và đang bổ nhiệm cả trăm thẩm phán bảo thủ khác vào hệ thống tư pháp Mỹ trong các cấp liên bang và phá án. Tất cả đều là những thẩm phán không có nhiệm kỳ, ngồi ghế cho đến chết hay già khụm. Cái gia tài tư pháp này của TT Trump sẽ tồn tại vĩnh viễn mà không có tổng thống mới nào có thể xóa dễ dàng như gia tài của TT Obama đang bị TT Trump xóa. Đó là một trong những lý do khiến phe cấp tiến đang phát khùng với ông thần Trump, đánh ông Kavanaugh tối tăm mặt mũi. Nhưng xin thưa với quý vị, chưa thấm vào đâu hết. Hãy chờ tới khi TT Trump bổ nhiệm thẩm phán TCPV thứ ba và thứ tư xem.
Với sự bổ nhiệm ông Kavanaugh, việc TT Obama bổ nhiệm hai bà cấp tiến nặng Elena Kagan và Sonia Sotomayor coi như bị hoá giải hoàn toàn.
Nếu muốn nói lỗi phải, thì đó đúng là lỗi của đảng DC đã lựa chọn bà Hillary làm đại diện ra tranh cử tổng thống, một chính khách vừa quá nhiều ‘hành trang không đẹp’ lại cũng là một ứng cử viên thật dở trong ‘nghệ thuật’ vận động tranh cử, đưa đến sự đắc cử của ông Trump. Đi xa hơn, đó cũng vẫn là lỗi của DC khi Thượng Viện sửa đổi thủ tục phê chuẩn nhân sự. Còn muốn đi xa hơn nữa thì phải nhìn vào tác phẩm của TT Obama đã đánh mất hậu thuẫn của cả chục triệu dân trung lưu và dân lao động.
Càng viết, càng nhớ lại ‘câu sấm’ ca Đấng Tiên Tri Obama: “Elections have consequences”! Đúng vậy, thưa tổng thống.