Pages

Saturday, August 3, 2019

BÀI 84: CÂU CHUYỆN BALTIMORE


Tuần qua, TTDC đã hết sức ‘bận rộn’ với cuộc chiến mới giữa TT Trump và dân biểu Elijah Cummings về đơn vị Baltimore của ông. Sau khi ông Cummings lên tiếng công kích tình trạng của di dân tại các trại tạm cư vùng biên giới Mễ, TT Trump đã phản đòn, chê trách thành phố Baltimore là thành phố được quản trị một cách tệ hại nhất, với nạn chuột đủ loại hoành hành trong các bãi rác khắp thành phố.
Phe cấp tiến nhẩy dựng lên công kích TT Trump là kỳ thị.
       Ta coi lại câu chuyện này để hiểu vấn đề cho rõ và rộng ra hơn.
Trước hết, xin nói qua về bối cảnh.
Dân biểu Elijah Cummings là dân biểu da đen, Hồi giáo duy nhất của Hạ Viện Mỹ trước khi các bà Ilhan Omar và Rashida Tlaib được bầu cách đây hai năm. Ông đắc cử dân biểu năm 1996, cách đây 22 năm, đại diện cho khu vực 9 của tiểu bang Maryland, bao gồm phiá Tây thành phố Baltimore, là một trong những khu vực xuống cấp và tệ hại nhất nước Mỹ. Sau khi đảng DC chiếm đa số tại Hạ Viện, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Chính Phủ - Government Oversight Committee.
Maryland là tiểu bang bao quanh phía bắc và đông của thủ đô Washington, một trong những thành đồng kiên cố nhất của đảng DC, dân da trắng là thiểu số với khoảng 40% dân số, trong khi dân da đen chiếm 30% và dân da nâu chiếm 17%. Dân Á Đông lên tới khoảng 7%, trong đó có khá nhiều dân tỵ nạn Việt.
Như Diễn Đàn Trái Chiều này đã bàn qua nhiều lần, phe DC và đồng minh TTDC đã vùi đầu dưới cát từ hơn 2 năm qua, khăng khăng phủ nhận Mỹ đang gặp khủng hoảng di dân, cho đây là một khủng hoảng giả tạo, do TT Trump bào chế ra trong mục tiêu kỳ thị của ông. Trong vài tháng gần đây, họ không còn vùi đầu được nữa khi mỗi tháng đã có cả trăm ngàn người tìm cách vượt biên giới bất hợp pháp bị bắt, khi các trại tạm cư bị tràn ngập, không đủ cơ sở và phương tiện vật chất nuôi đám người này, khiến Sở Di Trú mỗi ngày phải thả ra ít nhất 1.000 người, khiến quốc hội đã phải đồng ý cấp ngân sách 5 tỷ khẩn cấp để lo cho đám di dân tạm cư.
Không phủ nhận khủng hoảng được nữa, bây giờ phe cấp tiến đổi chiều hướng tấn công, quay qua đánh cái mà họ gọi là chính sách vô nhân đạo, cố tình đầy đọa đám di dân của chính quyền Trump. Bi thảm hóa tình trạng cư trú đến mức lố bịch như cô dân biểu nhí Ocasio-Cortez đã hô hoán ‘di dân bị bắt uống nước nhà cầu’.
Dĩ nhiên đây không phải là tiếng nói khùng điên của một người, mà là một sách lược quy mô mới của đảng DC. Một số lớn chính khách DC, với sự tiếp sức của cái loa TTDC (và cái loa phụ truyền thông tỵ nạn), nhất loạt khui ra những thảm cảnh bi đát nhất trong các trại tạm cư, để đổ tất cả tội lỗi lên đầu ‘tay kỳ thị vô nhân đạo Trump’.
Cái mà phe cấp tiến không nói cho rõ là nguyên nhân của khủng hoảng.
Ở đây ta nên nhớ lại những tuyên bố chống di dân rất cứng rắn của ứng cử viên Trump khi còn tranh cử năm 2016. Hậu quả là ngay sau khi ông Trump đắc cử, số dân tìm cách tràn vào Mỹ giảm ngay 2/3 trong ít nhất sáu tháng đầu năm 2017. Đảng DC hoảng hốt khi thấy số cử tri ‘tương lai’ của họ giảm sút quá nhanh, vội tung ra cái gọi là ‘luật an toàn’ –sanctuary laws- cho cả tiểu bang Cali, cùng với nhiều khu vực khác ở các tiểu bang gần biên giới, và những thành phố đông dân gốc Trung và Nam Mỹ như New York, Chicago,...
Đám buôn người Nam Mỹ khai thác tối đa sanctuary laws, xuyên tạc cho dân Nam Mỹ ít hiểu biết là họ chỉ cần băng qua được biên giới là sẽ không còn bị trục xuất được nữa. Hàng loạt các đoàn người di dân được tổ chức quy mô, đi bộ, đi xe hàng, đi xe lửa,... từ các quốc gia nghèo đói Trung Mỹ tới biên giới Mễ-Mỹ. Con số di dân tràn vào Mỹ tăng như diều gặp gió lớn. TT Trump phản ứng bằng nhiều cách như đòi xây tường biên giới, tăng cường cảnh sát biên thùy, gửi Vệ Binh Quốc Gia đến giúp kiểm soát biên giới, không cho di dân tạm trú trên đất Mỹ,... Tất cả mọi biện pháp đều bị phe DC và TTDC chống đối mạnh mẽ tại quốc hội và trên truyền thông, nếu không được thì chống đối tại các tòa án. Nhân danh lòng nhân đạo, nhân danh lịch sử đón di dân của Mỹ, nhân danh nhu cầu kinh tế,...
Cái tính giả dối của đảng DC được phơi bầy cho cả nước thấy, nhưng những cử tri DC thì mù vẫn mù, không nhìn thấy gì hết. Họ không nhìn thấy việc xây tường là ‘sáng kiến’ của ông DC Clinton, trong khi ông DC Obama là người đã từng hãnh diện đấm ngực khoe là vô địch trục xuất nhiều di dân nhất lịch sử Mỹ, và Obama cũng là người sáng chế ra các cũi sắt nhốt trẻ con di dân. Nếu TT Trump cản di dân là kỳ thị thì hai ông Clinton và Obama là gì?
Trở về câu chuyện sách lược mới của đảng DC trong vấn đề di dân: công kích tính vô nhân đạo, đối xử tàn tệ đối với dân trong các trại tạm cư của chính quyền Trump, bất thình lình, cả trăm chính khách DC nối đuôi nhau đi thăm viếng các trại tạm cư. Tất cả đi rồi về la hoảng “tình trạng khủng khiếp, thê thảm nhất lịch sử nhân loại”. Trong đó có những công kích mạnh bạo nhất của dân biểu Cummings.
Tất cả đồng ca bài hát di dân quá cơ cực, không được tiếp đón ân cần, chu đáo và đầy đủ. Thiếu tiện nghi! Làm như thể Nhà Nước Mỹ phải trải thảm đỏ rước cả trăm ngàn di dân vào khách sạn Hilton nghỉ dưỡng sức. Bây giờ lại còn đồng loạt dơ tay đồng ý cung cấp bảo hiểm và dịch vụ y tế miễn phí, vô hạn cho tất cả di dân lậu nữa!
Đưa đến cái tuýt của TT Trump.
Phe DC chống đỡ bằng cách nào? Họ không thể bào chữa, biện minh Baltimore tốt đẹp chỗ nào. Vì thực tế, Baltimore là một trong những thành phố lớn tồi tệ nhất nước, là chuyện chẳng có gì bí mật khi trước đây đã có rất nhiều người chỉ trích chính quyền thành phố, cũng như đã có rất nhiều bài báo, thiên phóng sự về tình trạng bết bát cùng cực của Baltimore. Ngay cả ông dân biểu Cummings cũng đã đích danh than phiền tình trạng tệ hại của đơn vị của ông.
Baltimore là một thành phố quản trị bởi hàng loạt thị trưởng da đen, nhưng chẳng ai làm gì khá hơn, và đã thành một tỉnh đầy dẫy dân phạm pháp, dân bất mãn sẵn sàng nổi loạn để lợi dụng cơ hội cướp phá, hôi của như những cuộc nổi loạn 5/2019, 4/2015, 4/1968. Baltimore cũng là thành phố đã đẻ ra cái phong trào ‘Black Lives Matters’, tạm dịch là Mạng Sống Da Đen Đáng Kể.
Baltimore cũng là một trong những thành phố lớn tham nhũng nhất nước, với cả lô viên chức thành phố thay phiên nhau vô tù vào khám.
Một người trước đây đã lớn tiếng công kích Baltimore mạnh nhất không phải là TT Trump đâu, mà là cụ xã nghiã Bernie Sanders, ứng cử viên tổng thống của đảng DC hiện nay. Cụ Sanders cho là Baltimore đang trở thành một tỉnh của một xứ chậm tiến đệ tam thế giới, có hy vọng mang dân Baltimore xuống thành dân Bắc Hàn. Phản ứng của TTDC? Giấu nhẹm tin, chẳng bàn một câu.
Bây giờ ông Trump cũng nêu lên vấn đề, nhưng bị cả đám xúm vào tố là ... kỳ thị, vì ông dân biểu Cummings và ông thị trưởng Bernard Young, cả hai đều da đen. 
Baltimore không phải là thành phố duy nhất mà cũng không phải tệ hại nhất. Dưới đây là bảng xếp hạng các thành phố lớn tệ hại nhất nước, dưới nhiều tiêu chuẩn như dân nghèo, thất nghiệp, trộm cướp, ma tuý, giết người, vô gia cư,... Hầu hết đều có thị trưởng DC và trong tiểu bang DC.
Bỏ qua tình trạng của Baltimore, cuộc ‘chiến’ giữa TT Trump với DB Cummings đưa ra ánh sáng hai vấn đề lớn.

VẤN ĐỀ KỲ THỊ
Cuộc chiến bây giờ đã chính thức xác nhận sách lược mới của đảng DC: chụp cái mũ kỳ thị lên đầu ông Trump. Như đã có dịp bàn qua, cái áo giáp đồng đen đã được TT Obama khoác lên người ngay từ khi ông mới xuất hiện trên chính trường quốc gia, năm 2007. Ở đây, tính giả dối hay thiếu lương thiện của ông Obama đã hiện rõ ngay từ đầu, và kẻ này đã viết nhiều bài về chuyện này ngay từ khi đó, là lúc kẻ này mới chân ướt chân ráo, chui đầu vào nghề viết báo lai rai.
Ông Obama, trong bài diễn văn nẩy lửa đưa tên tuổi ông vào chính trường Mỹ, đọc tại Đại Hội Đảng Dân Chủ năm 2004 (là đại hội đã bầu ông John Kerry làm đại diện đảng DC tranh cử chống TT Bush con), đã hô hào “Không có một nước Mỹ đen, một nước Mỹ trắng, mà chỉ có Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”. Thế nhưng hễ ai mở mồm ra chỉ trích ông bất cứ chuyện gì là ông hay đám đệ tử mau mắn xỉa tay tố là kỳ thị tổng thống da đen ngay. Cả cái đám cử tri suốt ngày tung hô Đấng Tiên Tri cũng hát theo đúng bài bản này. Ngay cả kẻ này cũng bị chụp cái mũ kỳ thị lên đầu bởi vài cụ vẹt tỵ nạn cuồng mê Đấng Tiên Tri. Các cụ sỉ vả kẻ này chống Obama tức là “bưng bô cho dân da trắng”, mà miả mai thay, lại không nghĩ đến chuyện các cụ tung hô cho Obama là bưng bô cho dân gì!
Ngay khi đó, kẻ này đã viết TTDC tung hô “bầu một người da đen làm tổng thống đã đánh dấu một bước tiến vĩ đại trong việc chấm dứt nạn kỳ thị trắng đen tại Mỹ” là một mâu thuẫn khổng lồ. Nếu nước Mỹ thật sự không còn nạn kỳ thị nữa thì màu da của tổng thống đã không còn là chuyện phải bàn nữa. Nếu màu da của tổng thống là yếu tố then chốt để ông ta đắc cử thì đó vẫn là bằng chứng hiển nhiên nhất là nạn kỳ thị vẫn còn trong tiềm thức của mọi người. Hơn 90% dân da đen bầu cho Obama vì cùng màu da, trong khi một số lớn dân da trắng bầu cho Obama vì mặc cảm tội lỗi. 
Hơn nữa, bầu một người lên làm tổng thống không phải vì khả năng xuất chúng gì của ông ta mà chỉ vì màu da của ông thì bảo đảm sẽ gia tăng những xung khắc màu da trong nước Mỹ, nghĩa là trong những năm tới, xung khắc trắng đen sẽ lớn mạnh hơn nữa. Điều ‘tiên đoán’ đã trở thành sự thật khi dưới triều đại Obama, những phong trào kỳ thị cực đoan nhất đã ra đời như Phong Trào Tea Party bên hữu, Black Lives Matters, Occupy Wall Street bên tả đã ra đời. Cũng là thời gian các cuộc nổi loạn của dân da đen bộc phát lại, từ Ferguson đến Los Angeles đến Baltimore, một chuyện đã không xẩy ra trong 28 năm dưới thời các tổng thống ‘da trắng’ Reagan, Bush cha, Clinton, và Bush con.
Hiện nay, phe ta xúm lại công kích TT Trump là kỳ thị ông da đen Cummings. Câu hỏi cho phe ta: Trump kỳ thị ở điểm nào? Nếu TT Trump chỉ trích ông Cummings không lo cho hàng vạn dân da đen đang khốn khổ trong đơn vị của ông thì sao có thể nói TT Trump đã kỳ thị dân da đen? Thế thì cụ xã nghĩa Sanders có kỳ thị không?
Một thắc mắc của kẻ ngu này: hễ một ông/bà da trắng chỉ trích một ông/bà da màu thì đương nhiên là chuyện kỳ thị da màu. Thế nếu một ông/bà da màu chỉ trích một ông/bà da trắng thì đó có phải là kỳ thị không? Khi ông da trắng Trump công kích ông da đen Cummings thì bị gọi là kỳ thị, thế khi ông da đen Cummings công kích ông da trắng Trump thì ông Cummings có là kỳ thị không? Hay là cái mũ kỳ thị chỉ có thể được chụp lên các ông bà da trắng thôi, còn tất cả dân da màu đều chẳng có ai kỳ thị hết?
Sách lược mới của đảng DC khá giản dị nếu không muốn nói là thô thiển: tất cả dân da màu đoàn kết chống tay da trắng Trump trong cuộc bầu cử tới, và tất cả dân da trắng có lương tâm phải bảo vệ dân da màu chống tay kỳ thị Trump, bất kể mọi việc khác!

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI DÂN CỬ
Một cách đơn giản nhất, dân cử ở đây phải hiểu như những người được dân bầu vào một trách nhiệm nào đó để phục vụ cử tri. Dân cử khác với quan chức ở điểm quan chức là những người chẳng ai bầu mà được cấp trên bổ nhiệm vào một trách nhiệm nào đó để nghe lệnh, thi hành một chính sách của người cấp trên đó.
Thí dụ điển hình của dân cử là các vị tổng thống, thống đốc, nghị sĩ, dân biểu, thị trưởng, nghị viên thành phố, quan tòa địa phương, hay ngay cả những ông/bà chủ tịch các hội, nhóm được bầu,… Thí dụ điển hình của quan chức là những công chức chỉ thi hành lệnh của cấp trên như bộ trưởng, nhân viên công sở,…
Ở đây, ta không có nhu cầu bàn về công chức mà cần suy gẫm về vai trò của những vị dân cử. Các trách nhiệm dân cử dĩ nhiên khác nhau một trời một vực tùy theo từng trách nhiệm, nhưng một cách thật tổng quát, có thể tóm lược là tất cả đều có bổn phận bảo vệ quyền lợi của cử tri của họ, tuân thủ ‘ý dân’, và quan trọng nhất: giữ lời hứa khi tranh cử.
Lấy trường hợp một dân biểu liên bang. Ông/bà này có trách nhiệm chung là làm luật cai trị cả nước. Những luật này không phải từ trên trời rơi xuống mà là những luật phản ảnh nhu cầu của khối cử tri của họ. Nôm na ra, họ phải dựa trên cuộc sống của cử tri của họ, để nghĩ ra những luật lệ giúp khối cử tri đó nói riêng, và khối dân cả nước nói chung. Một ông dân biểu như ông Cummings có trách nhiệm với khối cử tri của ông trong đơn vị bầu cử của ông trước tiên, sau đó là trách nhiệm làm luật để giúp hay bảo vệ cử tri của ông trước, rồi đến dân cả nước trong Hạ Viện, cuối cùng là giám sát việc Hành Pháp thi hành luật ông và các đồng viện đã làm ra. Tất cả những chuyện ông đã long trọng hứa khi tranh cử thì ông có trách nhiệm phải thi hành.
Điều này áp dụng chung cho tất cả các chức vị được dân bầu.
Đó là nói chuyện nguyên tắc. Trên thực tế, ta thấy tình trạng các dân biểu, nhất là cấp liên bang, càng ngày càng chúi mũi lo ‘chuyện đại sự’ cả nước mà hoàn toàn lơ là những trách nhiệm của mình với cử tri địa phương. Vì cái tôi được thỏa mãn hơn khi tên tuổi của mình  được nổi bật trên TV và báo chí cả nước. Chứ tên tuổi của mình chỉ nổi trên vài tờ báo địa phương hay đài TV địa phương thì… chán chết.
Nhìn vào trường hợp ông Cummings. Trong tư cách chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hành Pháp, ai cũng thấy ông ta ra oai, suốt ngày ra rả gõ búa công kích TT Trump, nhưng chẳng ai biết ông đã nói gì và làm gì cho những cử tri địa phương tại Baltimore đã bầu cho ông với hy vọng ông sẽ cải thiện đời sống của họ.
Không ai thấy gì vì sự thật là ông ta đã chẳng làm gì hết ráo. Nhìn vào tình trạng của Baltimore trong 22 năm ông Cummings làm dân biểu thì khỏi phải bàn thêm. TT Trump tuyệt đối có lý khi ông công kích ông Cummings trước khi lo cho đám di dân biên giới Mễ cách đơn vị của ông cả mấy ngàn dặm, nên lo cho cái đống rác Baltimore của ông trước đi. Ông Cummings và các đồng chí DC cũng như đồng minh TTDC đã dùng sách lược ‘cả vú lấp miệng em’, dùng cái cớ kỳ thị để khỏa lấp những thất bại của ông Cummings mà TT Trump đã tố giác.
Nhân đây, kẻ này cũng muốn phá lệ, bàn qua về chuyện cộng đồng tỵ nạn chúng ta.
Việc một số dân tỵ nạn xăn tay áo, tham gia chính trị Mỹ cụ thể bằng cách ra tranh cử hay nhận những trách nhiệm quan trọng trong guồng máy chính quyền để phục vụ cộng đồng tỵ nạn là điều đáng mừng và đáng khuyến khích, chỉ vì đó là cách hữu hiệu nhất để thực sự phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, nếu những vị đó đi ra ngoài vai trò phục vụ cộng đồng để phục vụ cái tôi cá nhân, hay phục vụ quan điểm cá nhân của mình, hay phục vụ bộ máy cầm quyền  nói chung, thì họ đã không chu toàn trách nhiệm hay thậm chí đã phản lại người dân đã bầu cho họ.
Trong thời gian qua, ta đã thấy vài dân cử Mỹ gốc Việt đã có nhiều tuyên bố hay hành động có vẻ thân thiện với chính quyền CSVN. Chẳng hạn như đi ‘công cán’ tại CSVN, hay tiếp các phái đoàn doanh gia hay quan chức VC qua Mỹ, tuyên dương VC,…
Cũng phải nói ngoài lề là những cá nhân -doanh gia hay ca sĩ hay cựu quân nhân hay gì gì khác- cư xử hay có thái độ như thế nào đối với VC là quyền tự do cá nhân của họ, mà chúng ta phải chấp nhận tuy có quyền không đồng ý. Cái đó nằm trong định nghĩa của chế độ tự do dân chủ mà chúng ta đã chọn, ngược lại với chế độ độc tài CS mà ta đã chống. Ngoại trừ trường hợp những cá nhân đó hoạt động nằm vùng cho VC thì không còn chấp nhận được dĩ nhiên.
Nhưng đối với những vị dân cử được bầu lên, họ có bổn phận phải nói và làm những gì họ đã hứa hẹn, có lợi và hợp với quan điểm cũng như ‘ý dân’ của khối người đã bầu cho họ.
Những vị dân cử gốc Việt do đa số dân Việt tỵ nạn bầu dĩ nhiên có trách nhiệm phục vụ cộng đồng tỵ nạn Việt. Thân thiện với VC bất cứ dưới hình thức nào không phải là phục vụ cộng đồng tỵ nạn chống VC.
Những người ‘thân thiện’ với VC đã biện giải là họ là dân cử Mỹ, phải làm cái gì theo quyền lợi của nước Mỹ. Chẳng hạn như gặp doanh gia VC để hy vọng khuếch trương thương mại giữa đơn vị của họ với CSVN. Không đúng!
Đúng là họ phải phục vụ quyền lợi nước Mỹ thật. Nhưng không đúng vì trước tiên, họ bắt buộc phải phục vụ quyền lợi của đa số khối cử tri đã bầu cho họ.
 Khối cử tri đó là ai? Chính là những người Việt chống VC, trốn chạy VC, không chấp nhận thân thiện hay hòa hợp với VC. Đó là những lý do căn bản đưa đến sự hiện diện của họ tại xứ Mỹ này.
Cho đến nay, chưa có một vị dân cử gốc Việt nào ra tranh cử mà lại hô hào hòa hợp hòa giải với VC, hay phát triển quan hệ thương mại hay văn hoá với CSVN do đó, nếu sau khi đắc cử, họ thân thiện, hòa hợp với VC là họ đã phản bội lại niềm tin của cử tri đã bầu cho họ. Không ai nói họ vi phạm luật lệ gì hết, chỉ là phản bội niềm tin thôi.
Nếu có tự trọng, họ phải xin lỗi cử tri, từ chức, sau đó, nếu muốn, có thể ra tranh cử trở lại với khẩu hiệu hòa hợp hòa giải, thân thiện với VC một cách công khai để cử tri biết rõ trước khi họ bỏ phiếu. Nếu cử tri chấp nhận và họ đắc cử lại thì không ai có thể trách họ gì được nữa. Trong cái xứ của tự do dân chủ tuyệt đối này, không ai cấm họ chủ trương hòa hợp, thân thiện với VC, nhưng ai cũng có quyền đòi hỏi họ phải tôn trọng cử tri và thành thật với cử tri.
Một điểm xin nói cho rõ: kẻ này chỉ bàn về vấn đề nguyên tắc chung, không có ý định nhắm vào bất cứ cá nhân chính khách Mỹ gốc Việt nào. Và nguyên tắc này cũng áp dụng luôn cho dân Việt tỵ nạn tại Úc, hay bất cứ xứ Âu Châu nào.