Pages

Saturday, August 24, 2019

BÀI 87: LẠI MỘT NGÔI SAO MỚI ELIZABETH WARREN


 Cách đây vài tuần, ta đã có dịp nhìn vào một ngôi sao mới nổi của đảng Dân Chủ, bà thượng nghị sĩ Cali, Kamala Harris. Đó là khi hậu thuẫn của bà Harris nhẩy vọt từ đâu 6%-7% lên tuốt tới 12%, nhờ bà lên TV biểu diễn đánh đấm bầm mặt cụ ‘bạn già gia đình’ Joe Biden. Cử tri DC mê bà vì nghĩ họ cần một võ sĩ gân guốc như bà Harris mới có thể thắng được võ sĩ CH, Donald Trump.
       Lửa rơm bốc nhanh, tàn còn nhanh hơn nữa.
Chẳng may cho bà Harris, ngôi sao chổi này tạt ngang qua khung cửa sổ nhanh như chớp, bây giờ hậu thuẫn của bà Harris lại rớt về lại khoảng 5%-6%. Thiên hạ khám phá ra bà võ sĩ Harris này ngoài tài đấm thẳng mặt ba cái như Trình Giảo Kim, không còn gì khác. Tuy có phần gốc da đen nhưng trước đây biểu diễn nhốt dân da đen cả đám để lấy điểm với đại đa số cử tri da trắng khi đó, cũng là lúc TT Clinton ra luật chống tội phạm gắt gao nhất lịch sử cận đại. Bà nói chuyện đạo đức chống Trump nhưng lại quên việc mình từng làm vợ bé cho một cụ lục thập đang có vợ con. Về chuyện bảo hiểm y tế thì lập trường chao đảo, chưa ngã ngũ, lúc thì đòi cấm bảo hiểm tư nhân song hành, khi thì muốn chấp nhận. Trên hai cuộc tranh luận người ta thấy bà này giỏi đánh người, nhưng khi bị người khác đánh thì lính quýnh không biết đường đỡ, kiểu này đụng ông thần Trump hay tay ma giáo Tập hay tên khùng Kim, thì chỉ có từ bị thương đến chết.
Cử tri DC chán nản, đi tìm thần tượng mới. Và họ tìm ra được… cụ bà Elizabeth Warren. Bà này không phải là loại ngôi sao mới từ trên trời rơi xuống, mà thật ra là loại bình cũ rượu cũ luôn. Bình cũ được lôi ra lau chùi cho bóng lại, rượu cũ được ủ từ hơn 70 năm, bỏ chút đường cho đỡ chua. Bà Warren là một cụ bà nếu đắc cử, sẽ là tổng thống … cao niên nhất khi tuyên thệ, 72 tuổi. TT Reagan tuyên thệ khi 70 tuổi, TT Trump 71 tuổi.
Bà Warren xuất thân không phải là chính trị gia, mà là giáo sư đại học Harvard, chuyên về luật phá sản, bankruptcy law. Bà sống với chồng thứ nhì, Bruce Mann, cũng là giáo sư luật Harvard.
Bà bắt đầu nổi tiếng khi được bổ nhiệm làm trong Ủy Ban Giám Sát Ngân Hàng do Hạ Viện thành lập ngay sau cuộc khủng hoảng tài chánh cuối năm 2008, rồi sau đó được TT Obama bổ nhiệm làm cố vấn đặc trách Văn Phòng Bảo Vệ Người Tiêu Thụ -Consumer Financial Protection Bureau-. Khi đó bà chủ trương Nhà Nước can thiệp mạnh để kiểm soát gắt gao các ngân hàng và toàn bộ hệ thống tài chánh Mỹ.
Năm 2012, bà ra tranh cử thượng nghị sĩ tại tiểu bang cấp tiến nhất nước, Massachusetts và đắc cử dễ dàng. Từ ngày đó đến nay, bà đã chứng minh là một chính trị gia thiên tả nhất, có lẽ chỉ thua cụ xã nghĩa Bernie Sanders nửa bước.
Tuy nhiên, đối với quần chúng, bà vẫn là... vô danh. Cho đến khi nổ ra vụ ‘gốc dân da đỏ’. Câu chuyện nghe như chuyện tiếu lâm.
Bà Warren đi vận động trong một bộ lạc da đỏ, vỗ ngực tự xưng là dân gốc da đỏ. Mọi người trố mắt nhìn: bà này da trắng hơn bột, tóc vàng, mắt xanh, sao lại là dân da đỏ được? TT Trump chuyên nghề chọc quê thiên hạ, phong ngay cho bà là ‘công chúa Pocahontas’. Pocahontas là tên một công chúa một bộ lạc da đỏ, được Walt Disney thần thoại hóa trong phim tranh hoạt họa cho con nít.
TT Trump cũng chơi ác, thách bà Warren đi thử máu chứng minh được là dân da đỏ, ông sẽ tặng bà một triệu đô. Bà Warren mới đầu phớt lờ thách thức của TT Trump, nhưng sau đó, vì áp lực chính trị cũng như để tránh bị tố là nói láo, đi thử máu thật. Kết quả cho biết bà có đâu 1/1024 phần máu da đỏ, tương đương với việc trong một lít máu, bà có đúng một giọt máu da đỏ. Chẳng ai biết các chuyên gia thử nghiệm cách nào, chỉ biết theo cái tỷ lệ đó, hơn 90% dân Mỹ cũng có thể vỗ ngực nhận là có máu da đỏ, chỉ trừ 10% dân gốc Chú Ba. Các bộ lạc da đỏ nổi giận, tố bà lợi dụng họ vì mưu đồ chính trị. Bà Warren đành xin lỗi và xác nhận bà không phải là gốc da đỏ gì hết. Bà đổ thừa tại bố mẹ bà từ khi bà còn nhỏ, đã tạo cảm tưởng bà là dân gốc da đỏ. Dù sao thì câu chuyện tếu này cũng đưa tên tuổi bà lên mặt báo cả mấy tháng trời liền.
Khai thác việc thiên hạ biết nhiều về bà, bà đã nhẩy ra tranh cử vào Tòa Bạch Ốc. Và bà mau mắn tìm cái áo kỳ thị dân da màu khoác ngay lên người, lớn tiếng hô hoán “người nào khai thác chuyện dân gốc da đỏ của bà chỉ là những người kỳ thị dân da đỏ”. Chính trị gia nói chuyện nhiều khi rất khó hiểu vì quá vô lý, nhưng những cử tri của bà ‘nhất trí’ gật gù hưởng ứng ngay.
Bà là ứng cử viên thiên tả nặng thứ nhì, sau cụ xã nghĩa Bernie Sanders. Tất cả những thăm dò dư luận trong thời gian đầu cho thấy bà về hạng ba, sau hai cụ ông Biden và Sanders.
Việc tranh cử của bà đụng phải một vấn đề lớn: bà và cụ Sanders cùng chia nhau khối cử tri thiên tả nhất, và nguy hại hơn nữa, cả hai cụ đều cùng một vùng, đông-bắc Mỹ, khi hai tiểu bang Massachusetts của bà và Vermont của cụ Sanders là láng giềng. Đại khái là hai người cùng tranh nhau một khối cử tri trong khi ra ngoài vùng đông bắc, cả nước, chẳng ai biết gì về hai vị này.
Kết quả là hai vị đánh nhau mệt nghỉ để giựt cử tri của nhau, tuy trong cuộc tranh luận lần thứ hai trên TV mới đây, hai vị liên minh với nhau chống đỡ những chỉ trích của các đồng chí DC ít thiên tả hơn. Trong vài tháng gần đây, bà Warren hiển nhiên là đã thắng thế trên cụ đồng chí Sanders.
Từ đầu năm nay tới giờ, tỷ lệ hậu thuẫn của bà Warren từ từ leo thang từ đâu khoảng 6% lên tới hạng nhì sau cụ Biden, với hơn 17%; trong khi hậu thuẫn của cụ Sanders tuột dộc từ gần 25% xuống đâu 16%.
Cũng phải nói ngay, bà Warren leo thang vì sách lược gặm nhấm kín đáo, không quá ồn ào hay hung hãn đánh đối thủ kiểu như bà Kamala Harris, nhưng một phần quan trọng cũng nhờ hậu thuẫn mạnh của TTDC. TTDC có vẻ không thích cụ Biden, bị cho là quá già, quá cũ kỹ, quá ‘ôn hòa’ không phải là đối thủ cân tay của ông thần Trump, trong khi cụ Sanders thì chẳng những còn già hơn và cũ kỹ hơn, mà lại còn thiên tả quá nặng.
Theo các chuyên gia, bà Warren leo thang thật ra là vì cụ Biden mất hậu thuẫn, cử tri bớt ủng hộ cụ, đi tìm người khác và lựa bà Warren, chứ không phải nhờ bà đã làm gì đặc biệt được hậu thuẫn mạnh.
Nói về quan điểm chính trị, việc cụ Sanders bị coi như thiên tả quá nặng so với cụ bà Warren chỉ là cách tô vẽ của TTDC thôi, chứ trên thực tế, cụ ông Sanders xã nghĩa 10 thì cụ bà Warren cũng xã nghĩa 9 chứ không thua xa đâu.
Bà Warren xã nghĩa đến mức nào? Đây là tóm lược đại cương vài món quà bà muốn tặng dân Mỹ:
-     Bà chủ trương ‘Medicare for All’, tức là áp dụng chế độ bảo hiểm y tế Medicare cho người cao niên hiện nay cho tất cả dân Mỹ, từng bước một, trong vòng một chục năm. Trong thời gian đó, chi phí được ước tính khoảng 30.000 tỷ, hay 3.000 tỷ một năm.
-     Vì có Medicare cho cả nước do Nhà Nước quản trị, nên hình thức bảo hiểm y tế tư nhân sẽ đóng cửa dần, đến mức biến mất hoàn toàn, không còn hệ thống bảo hiểm y tế tư nữa.
-     Bà Warren đề nghị chương trình gọi là Universal Child Care, theo đó Nhà Nước sẽ trợ cấp tiền giữ trẻ cho các bố mẹ nhà nghèo. Ước tính sơ khởi chương trình này sẽ tốn 100 tỷ một năm.
-     Bà Warren cũng sẽ xóa nợ học hành cho phần lớn sinh viên đã tốt nghiệp, tuy xóa ít hơn cụ Sanders. Đại khái khoảng gần 1 tỷ nợ của 45 triệu sinh viên sẽ được xóa.
-     Bà Warren cũng đề nghị một chương trình trợ cấp thuê nhà tương tự như kiểu Voucher 8 đang có nhưng mở rộng ra, đặc biệt cho dân da đen và da nâu. Tổng cộng theo ước tính của bà, riêng chương trình này sẽ tốn khoảng 500 tỷ.
-     Bà Warren cũng như tất cả các ứng cử viên DC khác, chủ trương nước Mỹ vì lòng nhân đạo, mở cửa đón di dân nam Mỹ, nhưng cũng như các đồng chí, không nói đến giới hạn nào. Dĩ nhiên là đám di dân mới vào sẽ được hưởng Medicare miễn phí ngay lập tức.
-     Để chuộc lỗi với dân da đỏ, bà lớn tiếng công kích đám di dân lập quốc Mỹ đã quá tàn ác với thổ dân da đỏ, do đó, Nhà Nước cần phải chính thức xin lỗi dân da đỏ, và nghiên cứu việc bồi thường thiệt hại vật chất cho dân da đỏ tuy bà chưa nói rõ số tiền bà nghĩ cần thiết, vài trăm tỷ chăng?
-     Bà cũng nhìn nhận chế độ da đen làm nô lệ là một sai lầm và một tội ác lớn cần phải xin lỗi và bồi thường. Bà Warren cũng chưa nói rõ cần bồi thường bao nhiêu cho dân da đen và bằng cách nào. Tuy nhiên bà đồng chí Marianne Williamson tranh cử tổng thống cho biết số tiền bồi thường tối thiểu cũng không dưới 500 tỷ.
-     Một biện pháp khác để lấy điểm với dân da đen: bà Warren hứa sẽ cải tổ quy mô hệ thống luật pháp để truy lùng những tội ác của... cảnh sát (vâng, quý vị không đọc lộn đâu, không phải truy lùng tội phạm mà là truy lùng tội ác của cảnh sát!). Bà Warren cũng hứa nếu đắc cử, việc đầu tiên bà làm sẽ là dùng quyền ân xá của tổng thống để ân xá hay giảm án những nạn nhân của những lạm quyền của cảnh sát và hệ thống tư pháp. Theo những thăm dò mới nhất, bà Warren chỉ được chừng 8% hậu thuẫn của dân da đen, ít hơn cả hậu thuẫn của TT Trump, do đó rất cần tìm ra quà tặng cho dân da đen.
-     Để chi trả cho hệ thống bảo hiểm công cũng như chi trả cho tất cảc các quà cáp khác mà bà thân tặng, bà sẽ thu hồi luật giảm thuế của TT Trump để mọi người trở lại mức thuế cao của thời Obama, và tăng thuế lợi tức ‘nhà giàu’ cũng như tăng thuế lợi nhuận công ty, tuy chưa rõ đến mức nào.
-     Ngoài ra, bà sẽ áp đặt một thứ thuế mới, đánh trên trị giá tài sản hiện có: 2% trên trị giá tài sản từ 50 triệu trở lên, 3% trên tài sản từ 1 tỷ trở lên. Trong tỷ lệ này, ông Jeff Bezos, chủ báo Washington Post và Amazon, cũng là người giàu nhất thế giới, mỗi năm sẽ đóng thuế khoảng 4,5 tỷ trên gia tài 150 tỷ của ông ta, ngoài việc đóng vài triệu trên lợi tức hàng năm. Hai ông Bill Gates và Warren Buffett sẽ đóng mỗi người khoảng 3 tỷ; vị chi chỉ 3 vị này không cũng đã đóng xấp xỉ 10 tỷ tiền thuế mỗi năm cho bà Warren. Theo ước tính sơ sơ của kẻ này, cả ba vị trong vòng 20 năm sẽ phải xếp hàng xin phiếu thực phẩm mỗi tuần để sống qua ngày. Ai tin tưởng biện pháp của bà Warren sẽ hữu hiệu xin dơ tay cho thiên hạ biết mặt.
Ngoài câu hỏi về chuyện bà Warren thiên tả đến mức nào và bà lấy tiền đâu để chi trả những chương trình khổng lồ của bà, thì cử tri Mỹ cũng thắc mắc nhiều chuyện khác về bà.
Đầu tiên dĩ nhiên là trước đây, bà đã lợi dụng chuyện ‘gốc da đỏ’ đến cỡ nào trong việc leo thang trong sự nghiệp của bà. Dĩ nhiên là bà đã chối bai bải chuyện này, nhưng người ta đã thấy bà khai ‘gốc da đỏ’ trong nhiều đơn xin việc, đặc biệt là đơn xin hành nghề luật sư cũng như trong đơn ghi danh tranh cử thượng nghị sĩ. Ai cũng biết nước Mỹ có chính sách giúp đỡ, dễ dãi hay ưu tiên cấp việc làm hay được điểm cao trong các cuộc thi cử cho dân thiểu số. Câu hỏi là bà Warren nếu không ghi là dân da đỏ có thể có những việc mà bà đã xin không?
Câu hỏi tiếp theo trong vấn đề này là bà Warren có thật sự là người thanh liêm trong sạch không khi bà mạo danh là dân da đỏ cả đời, cho đến khi bị TT Trump bắt tẩy.
Theo Washington Post, ngôi sao Warren đang ngày càng sáng, tuy nhiên, con đường của bà Warren có nhiều chông gai. Trở ngại lớn nhất của bà chính là quan điểm thiên tả quá cực đoan của bà, hơn xa quan điểm chung của đại đa số dân Mỹ, và ngay cả trong nội bộ đảng DC.
Những thăm dò của báo Economist cho thấy trong khối tương đối ‘bảo thủ’ của đảng DC, hậu thuẫn của bà Warren gần con số ... zero, trong khi hậu thuẫn trong khối ôn hòa chỉ đâu 12%. Trong khối thiên tả nhất của đảng DC, hậu thuẫn của bà xấp xỉ ở mức 40%, cao nhất, nhưng lại thua ... cụ Sanders. Một thăm dò khác của đài CBS cũng cho thấy kết quả tương tự. Nghĩa là bà Warren không được hậu thuẫn mạnh của khối bảo thủ và ôn hòa, nhưng lại chưa đủ thiên tả trong con mắt của đám thiên tả cực đoan.
Nói cách khác nữa, hậu thuẫn của bà trong giới cấp tiến ôn hoà rất thấp, trong khi với khối thiên tả cực đoan thì bà lại phải cạnh tranh với cụ Sanders. Bà Warren chỉ có một hy vọng là ... loại cụ Sanders và trở thành ứng cử viên duy nhất của khối cực tả. Là chuyện không dễ chút nào khi cụ Sanders, lạ lùng thay, lại là thần tượng của giới trẻ thiên tả cực đoan nhất Mỹ, là những thanh niên thanh nữ vẫn còn mơ hồ và mơ màng về thiên đàng xã nghiã mà chẳng có một khái niệm nào về thực tế xã nghĩa.
Một khó khăn lớn hơn nữa cho bà Warren là bà này... da trắng hơn bột, không có một chút quan hệ hay thành tích đấu tranh nào cho dân da màu, như da đen, da nâu, hay da vàng, trong khi lại bị dân da đỏ oán ghét. Thế thì bà trông cậy vào đâu để thắng? Khối cử tri của bà Warren chỉ giới hạn trong một phần của khối trẻ thiên tả cực đoan nhất. Bà rất khó có thể hạ được cụ Biden, khoan nói tới chuyện đối đầu với TT Trump.
Đưa đến câu hỏi lớn và quan trọng hơn nhiều: liệu bà Warren có thể hạ được cụ Biden để ra tranh cử chống TT Trump được không? Hiện nay, bà Warren đang thua xa cụ Biden cho dù bà đang đứng hạng nhì. Nhưng nếu cụ Biden tiếp tục nói hớ làm nhầm thì tương lai của bà Warren tươi sáng hơn nhiều.
Bà Warren có thể ngồi chung, làm phó cho cụ Biden được không? Hai người này chưa có dịp cùng nhau lên võ đài nên chưa đánh nhau mà cũng chưa ôm nhau, thành ra chưa biết hai người có hợp tình hợp ý với nhau không. Trong chính trị Mỹ, chuyện gì cũng có thể xẩy ra, nhưng có nhiều triển vọng hai vị này sẽ không ngồi cùng thuyền. Trước hết hai đại bô lão da trắng bóc ngồi chung với nhau chẳng hấp dẫn được ai hết nhất là trong thời buổi này, chắc 90% dân Mỹ sẽ nằm nhà coi phim Lý Tiểu Long hấp dẫn hơn nhiều. Sau đó, hai cụ đến từ hai tiểu bang hàng xóm vùng đông bắc, sẽ chẳng thu được phiếu của dân ngoài vùng này.
Chuyện đáng bàn khác: nếu như bà Warren thắng cử trong nội bộ đảng DC, bà sẽ ra chung với ai? Nhiều hy vọng bà sẽ phải tìm một người khác xa bà: đàn ông, trẻ, không phải da trắng, sống ngoài vùng đông bắc. Ngoài vòng các ứng cử viên tổng thống thì có quá nhiều người có thể đáp ứng những điều kiện này nên chẳng thể đoán được.
Trong vòng các ứng cử viên tổng thống hiện nay, thì người có nhiều hy vọng nhất có lẽ là ông Julian Castro, đàn ông thứ thiệt, da nâu gốc di dân Mễ, dân Texas, khá thành công trong hai cuộc tranh luận trên TV mới đây,... Ông Beto cũng có hy vọng, nhưng vấn đề là ông là dân cũng da trắng như bột nhưng lấy tên Beto, giả trang là dân gốc Mễ, tuy có thể hợp với bà Warren đã từng giả trang làm dân da đỏ. Ông Buttigieg cũng có chút hy vọng nhưng cũng lại da trắng như bột mà lại... giả trang là đàn ông.
Còn một năm nữa mới tới đại hội của hai chính đảng, và cả năm rưỡi nữa mới có bầu cử tổng thống, và do đó, còn quá sớm để biết rõ ngôi sao Warren sẽ thọ hay không. Cứ giả dụ như bà Warren đắc cử trong nội bộ đảng DC, trở thành ứng cử viên của đảng DC chống TT Trump, bà có hy vọng đắc cử tổng thống không?
Một lần nữa, kẻ này không phải Trạng Trình, chẳng thể biết được chuyện tương lai, nhất là trong chính trị Mỹ. Nhưng nếu bà Warren –hay ngay cả cụ Sanders- ra tranh cử chống TT Trump, thì sẽ có nhiều người nhớ lại chuyện ông George McGovern năm 1972.
Năm đó, TT Nixon ra tranh cử lại. TT Nixon là một trong những tổng thống với nhiều thành quả có thể nói lớn nhất trong lịch sử cận đại Mỹ. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên đi gặp Mao và mở màn cho việc chia thế giới làm một thứ Tam Quốc tân thời, với ba chân vạc Mỹ – TC – Nga, trong khi trước đó, chỉ có hai chân vạc là Mỹ và khối CS. Cũng là bước đầu đưa đến sự phá sản của chủ nghĩa CS và các chế độ CS quốc tế.
Dù vậy, TT Nixon vẫn bị TTDC đánh tả tơi, không thua gì TTDC đang đánh TT Trump hiện nay. Hình ảnh mà TTDC đưa ra là hình ảnh một tổng thống gian trá, lưu manh,  chuyên lừa đảo, vua nói láo, thiếu tư cách, bảo thủ quá trớn, kỳ thị đủ thứ,... Ông cũng được mô tả như một tổng thống bị dân Mỹ ghét nhất, chắc chắn sẽ không thể nào tái đắc cử được. TT Nixon còn bị tố là hiếu chiến hiếu sát, cố tình kéo dài cuộc chiến thảm khốc tại Nam VN.
Khối DC nhất tề chống phá ông tận cùng. Kết quả, đưa thượng nghị sĩ George McGovern ra tranh cử chống Nixon.
Ông McGovern thuộc thành phần thiên tả cực đoan nhất thời đó. Dĩ nhiên có cả lô quà cáp tặng tất cả mọi người. Nhưng món quà lớn nhất ông tặng dân Mỹ là ... chấm dứt việc tham chiến tại Nam VN chỉ với một điều kiện duy nhất, VC trả lại hết tù binh Mỹ, còn chuyện gì xẩy ra với cuộc chiến, với số phận của Nam VN là điều không liên quan gì đến Mỹ hết. Ông McGovern là biểu tượng của tất cả những gì trái ngược hoàn toàn với ông Nixon. Đảng DC tin chắc như đinh đóng cột là dân Mỹ quá chán ngán hay sợ Nixon và ông McGovern sẽ là thuốc mầu nhiệm hàn gắn mọi vết thương của Mỹ. Tất cả thăm dò dư luận ban đầu cho thấy TT Nixon tuyệt đối vô vọng, nhưng dần dà cho thấy ông McGovern tuy hậu thuẫn giảm, nhưng vẫn thắng xa ông Nixon.
Kết quả bầu cử, ông McGovern thắng tại đúng 1 tiểu bang Massachusetts và quận Columbia –District of Columbia- với tổng cộng 17 phiếu cử tri đoàn, trong khi  TT Nixon đại thắng, chiếm được 49 tiểu bang với 520 phiếu cử tri đoàn.
Lịch sử có thể sẽ tái diễn?