Pages

Saturday, March 28, 2020

BÀI 118: CORONAVIRUS – HẬU QUẢ KINH TẾ

Dịch vi khuẩn coronavirus, hay chính thức là COVID-19, hay nôm na ra là dịch cúm Tầu cộng, đã tấn công cả thế giới một cách tàn bạo nhất khiến cho đến nay, sau 3 tháng, đã có 600.000 ca nhiễm và 27.000 tử vong, trong đó có hơn 1.500 người Mỹ. Cho đến nay, nếu so sánh với các đại dịch trước đây trong lịch sử, thì cũng chưa thấm vào đâu, nhưng chẳng ai biết sẽ kéo dài bao lâu và tàn phá tới đâu.
Nhiều người bi quan cho rằng vi khuẩn này sẽ tai hại hơn cả dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã khiến 500 triệu người bị nhiễm và có thể tới 50 triệu người chết trên thế giới, trong đó có hơn 600.000 dân Mỹ.  Đây là chuyện tương lai vài tháng nữa mới có câu trả lời.
Điều tất cả mọi người đã thấy ngay bây giờ là COVID hiển nhiên đã tấn công kinh tế thế giới mạnh và nhanh đến mức độ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
       Không cần đi xa hay phải là chuyên viên kinh tế, ai cũng thấy.
Tại hầu hết các nước Âu Mỹ và các đại cường kinh tế thế giới như Nhật, Nam Hàn, Úc,… tất cả mọi sinh hoạt kinh doanh hầu như đã chết đứng tại chỗ khi mọi cửa hàng đều đóng cửa, nhà hàng, chợ búa, hãng xưởng cũng đóng cửa, dân chúng trốn trong nhà hay bị cấm ra đường hết. Đường xá các thành phố đông dân lớn nhất thế giới kẹt xe quanh năm ngày tháng, bất thình lình vắng hoe. Mậu dịch quốc tế cũng gần đóng băng khi số tàu hàng hải, máy bay chở hàng, xe vận tải chở hàng bị giới hạn tối thiểu. Kỹ nghệ du lịch trên thế giới hầu như trở về mức của thời Trung Cổ. Tệ hơn thì đúng hơn khi người dân thời đó còn được đi ‘du lịch’ từ làng này qua tỉnh nọ.
Sinh hoạt kinh tế thật ra vẫn gần mức bình thường, vẫn tiếp tục tại phần lớn những nước nghèo nhất Phi Châu, hay Nam Mỹ hay Đông Nam Á, là những vùng mà ảnh hưởng kinh tế trên thế giới rất nhỏ.
Tại VN, con số nạn nhân đang tăng khá nhanh. Chính quyền VC mau mắn đổ lỗi do Việt kiều từ Mỹ mang bệnh về. Gần đây, đã có nhiều Việt kiều, tức là công dân VC chứ không phải dân Việt tỵ nạn, đã trở về nước, nhất là trong giới sinh viên du học.
Cả thế giới đóng cửa tại chỗ như vậy có nghĩa hiển nhiên hàng triệu cơ sở kinh doanh sẽ không bán được hàng, không có khách hàng, sẽ phải sa thải nhân công vì không thu nhập thì lấy đâu ra tiền trả lương, cuối năm sẽ lỗ khẩm, sẽ gặp khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng hay khi trả tiền mua hàng,… Cả triệu người bị nhốt trong nhà, thất nghiệp nặng. Tuần qua đã có hơn ba triệu người thất nghiệp, có thể lên tới hai ba chục triệu.
Các tiểu bang, các địa phương, quận hạt, thành phố, thị xã,…  sẽ mất hàng tỷ thu nhập thuế, từ thuế lợi tức cho tới thuế nhà, thuế trường học, thuế rác, và nhất là thuế doanh thu -sales tax. Các địa phương cũng sẽ kẹt cứng với trái phiếu, không trả được lãi suất trên trái phiếu hiện hữu trong khi lại không bán được trái phiếu mới để kiếm tiền chi phí điều hành thường nhật.
Hiện tượng này rất bất thường. Trên nguyên tắc khi người đầu tư bỏ cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán rớt, thì họ chạy qua mua trái phiếu tương đối an toàn hơn. Nhưng trong tình trạng hiện nay, các nhà đầu tư bán cổ phiếu mà cũng chẳng mua trái phiếu luôn, muốn giữ tiền mặt cho chắc ăn.
Nhìn vào thị trường chứng khoán thì ba năm cầy cuốc của TT Trump đã hóa ra công dã tràng, hoàn toàn bị COVID xóa gần sạch trơn.
Ngày ông đắc cử, Dow ở mức 18.000 điểm, trung tuần tháng Hai vừa qua lên tới khoảng 29.500 điểm, ngày thứ hai đầu tuần qua, còn 18.500 điểm, mất 11.000 điểm trong hơn một tháng,  Cuối tuần này, nhờ biện pháp kích cầu mạnh, đã leo lên lại tới hơn 21.500 điểm, tăng 3.000 điểm trong một tuần.
Chỉ số chứng khoán là chỉ số đo lường sự tin tưởng của giới kinh doanh vào kinh tế trong tương lai ngắn. Hiểu như vậy thì biết giới kinh doanh đã mất rất nhiều tin tưởng vào kinh tế Mỹ ít nhất là trong năm nay. Khi tất cả mọi sinh hoạt kinh tế đều ngưng thì hiển nhiên, không còn sản xuất, không còn mua bán gì nữa thì kinh tế suy xụp, đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu nào thì cũng tiền mất tật mang, tuy chỉ là nhất thời.
Qua thị trường chứng khoán, hơn 16.000 tỷ tài sản quốc gia đã bốc hơi.
Ở đây, xin phép được bàn ra ngoài lề một chút.
Trong từ ngữ kinh tế, có hai danh từ ‘suy trầm’ và ‘suy thoái’. Kẻ này không phải là chuyên gia ngôn ngữ học, nên không thể mà cũng không muốn mất thời giờ phân tích gốc gác, ý nghĩa như một giáo sư văn khoa, mà chỉ có thể hiểu theo suy nghĩ của một thứ dân bình thường, đã học qua lớp kinh tế mẫu giáo.
Suy trầm là dịch từ ‘depression’, trong khi suy thoái là từ ‘recession’.
Theo định nghĩa kinh tế, suy thoái -recession- xẩy ra khi tăng trưởng tổng sản lượng quốc nội GDP rớt nhẹ khoảng 1%-2%, tỷ lệ thất nghiệp có thể khoảng 10% hay hơn chút ít, và sinh hoạt kinh tế suy giảm trong nhiều lắm là 6 tháng. Suy trầm -depression- có tính nặng hơn nhiều, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 20%, và có thể kéo dài cả năm hai cả 2-3 năm.
Trong lịch sử Mỹ, đã có 33 lần kinh tế suy thoái, nhưng chỉ có đúng 1 lần suy trầm là trong những năm 1929-30-31.
Hiểu như vậy thì theo các chuyên gia kinh tế, COVID sẽ đưa kinh tế vào tình trạng cả suy thoái lẫn suy trầm, vì kinh tế sẽ sa sút nặng, GDP có thể rớt tới 5%-10%, thất nghiệp có thể qua 20%, nhưng bù lại, sẽ là một suy trầm chẳng những ngắn hạn mà còn phục hồi lại rất nhanh vì trên căn bản, kinh tế hiện suy xụp phần lớn là do vi khuẩn gây ra, nên sau khi vi khuẩn đi rồi thì mọi sự sẽ trở về bình thường, chứ không phải suy xụp vì yếu tố kinh tế nào.
Trên thực tế, kinh tế Mỹ hiện nay vẫn rất mạnh, những hãng xưởng vẫn còn đó, chỉ tạm đóng cửa vì sợ bệnh, thất nghiệp sẽ biến mất rất nhanh khi các hãng xưởng mở cửa lại, người mua sắm sẽ đi shopping lại rất nhanh, và niềm tin vào phát triển kinh tế vẫn rất cao.
Ông Ben Bernanke, cựu chủ tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đã cho rằng Mỹ sẽ trực diện suy thoái kinh tế khá nặng nhưng cũng rất ngắn hạn và cũng sẽ phục hồi rất nhanh.
Giới kinh tế gần thống nhất ý kiến là thế giới sẽ trực diện với suy thoái kinh tế, nhưng vẫn chưa có thống nhất ý kiến về mức thiệt hại. Đặc biệt là con số người thất nghiệp.
Các chuyên gia đã ước tính cao điểm có thể lên tới từ 10 đến 30 triệu người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp có thể từ 10% vượt qua 20% rất nhanh, là định nghĩa của suy trầm kinh tế. Hai con số khác biệt quá lớn, 10T 30T nói lên cái bối rối của các chuyên gia, không ai biết rõ vi khuẩn Tầu cộng này sẽ tai hại tới mức nào. Nhưng cũng đủ cho thấy cả chục triệu người sẽ thất nghiệp, mà thất nghiệp có nghĩa là không có thu nhập, không có tiền trả nợ nhà, nợ xe, nợ thẻ tín dụng, không còn bảo hiểm y tế của hãng trong khi lại không có tiền mua bảo hiểm riêng,…
Trong khối dân, ai sẽ là nạn nhân đầu tiên? Nếu quý vị nghĩ đó là những đại gia, nhà giàu thì quý độc giả sai lầm hoàn toàn. Giới nhà giàu chẳng rụng một sợi lông chân. Ông Jeff Bezos giàu nhất thế giới có mất vài chục tỷ vẫn còn hơn 100 tỷ, chưa kể với cả chục triệu người mua hàng qua trang mạng Amazon, sẽ giầu thêm vài chục tỷ nữa trong vài tháng tới. Có tin cả ngàn đại gia đã mang gia đình lên du thuyền đi du lịch hay ra tuốt ngoài khơi sống tạm. Giới sinh viên trẻ, đại đa số là con cháu nhà có tiền, vẫn nhởn nhơ vui chơi, đi nhẩy, đi nghe nhạc, đi du lịch, đi ‘vui tập thể’ như mới xẩy ra trong các vụ gọi là ‘spring break’ tại Florida khiến tỷ lệ bị nhiễm của Florida tăng vọt lên cả ngàn người trong vài ngày.
Nạn nhân đầu tiên chính là dân nghèo, dân đi làm công, dân lao động, dân không có tay nghề, dân bán hàng nhỏ, mà một số rất lớn là dân da đen và da nâu. Và dân tỵ nạn ta.
Một hậu quả vĩ đại mà nhiều chính quyền tiểu bang và cả liên bang điên đầu, là nhu cầu trợ cấp đủ loại sẽ lên rất cao trong những tháng tới, trong khi thu nhập thuế lại sẽ giảm mạnh. Như vậy lấy tiền đâu ra để chu cấp?
Tại một vài tiểu bang như Texas, Florida và Nevada, một vài tổ hợp luật sư đã kiện TC đòi bồi thường cả chục ngàn tỷ đô. Họ lý luận là Trung Cộng có cả tỷ tỷ tài sản bên Mỹ, tòa có thể tịch thu để bồi thường cho nạn nhân corona. Cái này gọi là… ‘kiện củ khoai’. Chẳng có tòa nào, kể cả Tối Cao Pháp Viện Mỹ hay Tòa Án Quốc Tế La Haye có thể bắt TC trả mấy chục ngàn tỷ đô cho Mỹ hết. Chỉ là trò xiếc của vài luật sư để lấy tiếng.
Những thiệt hại cụ thể về kinh tế thì hiện nay còn quá sớm, chưa ai ước tính chính xác được. Nhưng ai cũng biết Nhà Nước phải bơm tiền vào cứu nguy kinh tế. Chính quyền Trump đã được quốc hội đồng ý cấp cho hơn 2.000 tỷ, là một con số vĩ đại chưa từng thấy. Dù vậy vẫn không ít người cho rằng còn quá ít. Nhiều chuyên gia cho là cần ít nhất 4.000 tỷ.
Việc bỏ tiền ra cứu nạn tại Mỹ không giản dị tý nào. Ta đừng quên là Hạ Viện và Thượng Viện là các cơ quan chi tiền chứ tổng thống không có quyền. Những việc như trợ cấp hay cắt thuế là ý kiến của tổng thống, nhưng chỉ có quốc hội mới biến những ý kiến đó thành sự thật được qua một luật được cả lưỡng viện thông qua và tổng thống ký.
Mà quốc hội thì lại có hai phe đánh nhau chết bỏ, nên thủ tục ‘cho tiền dân’ cực kỳ rắc rối, qua không biết bao nhiêu điều đình, trao đổi quid pro quo mệt nghỉ. Chúng ta đưa tay mặt ra nhận một ngàn đô, nhưng tay trái phải đưa lại cho Nhà Nước chẳng biết bao nhiêu thứ gì, tất cả được các chính trị gia chuyên nghiệp dấu rất kỹ trong mấy ngàn trang luật lệ mà chẳng ai đọc, hay có đọc cũng chẳng ai hiểu. Gói kích cầu đã được Thượng Viện và Hạ Viện thông qua mà chưa rõ những quà cáp linh tinh, cái nào còn được giữ, cái nào bỏ. Có lẽ đã có nhiều nhân nhượng qua lại thôi.
Thực tế, bất kể hai hay bốn ngàn tỷ thì vẫn chỉ là gói kích cầu trực tiếp đến thẳng tay người dân và các công ty thôi. Ngoài ra, còn có cả nửa tá biện pháp quy mô rất lớn mà Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đã tung ra trong vài tuần qua, trong đó có giảm lãi suất cho các ngân hàng vay, bơm cả trăm tỷ tiền mặt vào kinh tế gọi là Quantitative Easing, mua trái phiếu của cả trăm tiểu bang, quận hạt, thành phố để họ có tiền mặt chi dùng cho ngân sách,… Theo nhiều chuyên gia, tổng số tiền liên bang bung ra kể cả gói kích cầu có thể lên tới 10.000 tỷ đô, một con số khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử tài chánh Mỹ. Mà có thể sẽ còn cần thêm nữa.
Ý kiến riêng của kẻ mù mờ này, như đã viết nhiều lần trên diễn đàn này, tất cả tùy thuộc vi khuẩn corona này đánh mạnh tới đâu. Nếu cứ tiếp tục tấn công bạo như bây giờ cho tới cuối năm thì có thể cả mấy chục ngàn tỷ vẫn chưa đủ. Ngược lại, nếu sớm tìm ra thuốc diệt vi khuẩn Tàu cộng này, thì hai ngàn tỷ cũng quá dư thừa rồi, vì kinh tế sẽ tự phục hồi rất nhanh.
Dù sao thì việc tung ra số tiền kích cầu khổng lồ đó cũng có mặt trái của nó là Mỹ sẽ cần phải đi vay mượn thêm rất nhiều, ít nhất là trong ngắn hạn, trước khi kinh tế phát triển mạnh để có tiền trả bớt nợ.
Năm 2009 và vài năm sau đó, TT Obama đã phải đi vay mượn tiền tăng công nợ gấp hai, từ 10.000 tỷ đô lên tới 20.000 tỷ để cứu vãn kinh tế trong khủng hoảng kinh tế năm đó. Bây giờ, nếu quốc hội và TT Trump tung ra gọi kích cầu 2.000 tỷ thì cũng lại phải đi vay mượn đâu đó, qua việc bán công phiếu Mỹ chẳng hạn cho các đại gia đang trốn chạy cổ phiếu trong Dow hay Nasdaq, hay bán cho các vua dầu lửa Trung Đông.

Bỏ qua chuyện tiếu lâm phe DC thay đổi bài hát kinh tế Trump là gia tài của Obama, cả hai tổng thống đều phải mạnh tay chi tiền để cứu nguy kinh tế. Nhưng phải nhìn cho kỹ để thấy cách dùng tiền của hai ông khác nhau rất xa.
TT Obama dùng tiền để lo ‘cứu nguy’ dân qua trợ cấp đủ loại, như tiền thất nghiệp, phiếu thực phẩm, phụ cấp đông con, … không lưu tâm nhiều về chuyện phục hồi kinh tế trong toàn diện. Có hai nguyên nhân chính cho chính sách này của TT Obama, trùng hợp với chính sách và ý thức hệ cấp tiến của đảng DC: 1) có dịp tái phân phối lợi tức, đi tìm công bằng trong xã hội, giảm bớt cách biệt giàu nghèo; và 2) càng nhiều dân lệ thuộc trợ cấp thì càng có lợi cho đảng DC trong phòng bầu phiếu.
Bây giờ, chủ trương của TT Trump, cũng là ý thức hệ bảo thủ, là phải nỗ lực dùng tiền làm đòn bẩy kích động kinh tế phục hồi lại càng nhanh càng tốt, để càng có nhiều công ăn việc làm cho dân càng sớm càng tốt. Trợ cấp cũng cần thiết dĩ nhiên nhưng cố giữ ở mức tối thiểu để nó không biến thành một cái gì vĩnh viễn trường cửu để người dân có thể ỷ lại vào, có hại lớn cho cả nước cũng như cho tính tự trọng bình thường của mỗi người.
Quyết định của chính quyền Trump làm thiên hạ nhớ lại quyết định của TT Bush con cuối năm 2008. Cả hai đều là bảo thủ, có chính sách kinh tế không cảm tình gì với việc Nhà Nước can thiệp quá mạnh vào guồng máy kinh tế, nhất là qua quá nhiều công nợ. Nhưng bây giờ cũng như năm 2008, gặp đại họa, đành phải chấp nhận vung tiền ra can thiệp mạnh để cứu nguy.
Khi đó, cuối năm 2008, TT Bush con bơm 800 tỷ không phải để tặng trợ cấp ai hết, mà để cho các ngân hàng, cho hai đại tập đoàn xe hơi Chrysler và General Motors. Dĩ nhiên bị phe tả công kích kịch liệt là mang tiền thuế của dân đi cứu các đại gia. Họ quên là cứu các ‘đại ngân hàng’ là cứu cả hệ thống tài chánh cả nước, thậm chí cả thế giới, tức là cứu cả tỷ người, chứ chẳng phải là cứu một nhúm mấy ông chủ ngân hàng.
Bây giờ cũng không khác, đảng DC và TTDC nhao nhao tố cáo sách lược cứu nguy của phe CH là chỉ lo bơm tiền cho các đại gia mà không lo cho dân nghèo.
Cái nhìn của DC là cái nhìn cục bộ ngắn hạn, trong khi cái nhìn của CH là cái nhìn chiến lược lâu dài. Đại khái, một bên cho người dân một con cá để ăn tại chỗ cho no ngay lập tức, một bên cho cái cần câu lớn để người dân đi câu lâu dài.
Trong biện pháp chống bệnh dịch của Mỹ hiện nay, có biện pháp có hậu quả lớn vô tả là cấm cung mọi người.
Cho đến nay, nhiều tiểu bang và thành phố đã ra lệnh cấm cung toàn diện, không ai được ra khỏi nhà. Những quyết định này thuộc thẩm quyền tiểu bang và địa phương. TT Trump đang bị áp lực nặng nề phải ra lệnh cấm cung cả nước, nhưng ông cố chống lại biện pháp quyết liệt này, và dĩ nhiên đã bị công kích. Đây là chuyện mâu thuẫn thật mỉa mai. Trước đây thì xúm lại chửi TT Trump độc tài, bây giờ lại chê không đủ độc tài.
TT Trump đang cưỡng lại khuynh hướng trên, cho rằng cả nước đang tập trung vào khu vực y tế rồi, không cần phải lôi luật DPA ra làm gì. Đây cũng là cách nhìn tiêu biểu của khối bảo thủ cố tránh hay giảm vai trò của Nhà Nước Vú Em (Tin giờ chót, TT Trump đã viện dẫn DPA).
TT Trump cũng hy vọng vi khuẩn sẽ tấn công mạnh cho tới mùa hè thôi, rồi sau đó, sẽ có khả năng kềm chế vi khuẩn để phục hồi kinh tế lại vào đầu mùa thu, kịp thời cho cuộc bầu cử. Mới đây, ông còn tuyên bố "hy vọng có thể giải giới bớt những lệnh phong tỏa, cấm cung hiện nay vào dịp lễ Phục Sinh 12/4 tới", tùy theo tình hình trong hai tuần tới. Nghe có vẻ quá lạc quan, nhưng không nhất thiết là vô lý, vì cũng tùy mức độ giải tỏa thôi. TTDC trong ý đồ đánh Trump bất kể mọi chuyện, đã tố cáo ngay “Trump muốn mở toang cửa cho vi khuẩn vào”.
 Ý kiến này của TT Trump đã khiến tỷ phú Bill Gates mỉa mai chê “Tôi không thể tưởng tượng ông Trump có thể ra lệnh bắt mọi người phải đi ăn nhà hàng”. Xin lỗi ông Gates, rõ ràng ông là thiên tài về computers gì đó, nhưng xin ông làm ơn đừng xía vào chính trị mà ông dốt hơn ai hết. TT Trump chỉ muốn khuyến cáo nới lỏng lệnh cấm toàn diện từng bước để kinh tế sinh hoạt lại dần, chứ thực tố ông không có quyền, vì quyền ra lệnh cấm cung nằm trong tay các chính quyền tiểu bang và địa phương, và dĩ nhiên TT Trump cũng không có ý định cũng chẳng có quyền gì bắt cả nước đi ăn tiệm. 
Việc ‘đóng cửa’ toàn diện cả tỉnh và cả tiểu bang nghe có vẻ mang lại an toàn cho dân, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy. Hai tiểu bang lớn nhất Mỹ là New York và Cali đã đóng cửa, cấm cung toàn thể tiểu bang, nhưng vẫn không cản được việc COVID tấn công tàn bạo nhất, với những ca bị nhiễm và số tử vong lên cao nhất và nhanh nhất luôn. Trong khi những thiệt hại kinh tế sẽ lớn lao vô cùng.
TT Trump đã gợi ý phải cứu xét lại toàn diện các biện pháp cấm cung, phong tỏa toàn diện, vì có thể phương thuốc trị bệnh này đã tai hại hơn xa căn bệnh chính. Theo tất cả thống kê lịch sử, thất nghiệp cao cũng có thể đưa đến tình trạng tội ác như trộm cướp giết người gia tăng, thậm chí số người bị bệnh thần kinh hay chán nản đến độ tự vẫn cũng sẽ tăng nhanh.
Chính báo phe ta Washington Post cũng phải nhìn nhận việc cả nước đóng cửa không thể nào kéo dài được, vì sẽ tận diệt kinh tế. Số tiền 1.200 đô chỉ giúp người dân mua ba ổ bánh mì chứ không thể sống tháng này qua năm nọ. Nếu kinh tế tiếp tục đóng cửa, thì nước Mỹ sẽ cần có gói kích cầu 2.000 tỷ đô mỗi tháng chứ không phải một lần.
Theo các thống kê, 99% những người chết vì corona đều đã có những bệnh nặng hay quá già yếu, còn những người khỏe mạnh, không bị bệnh gì thì được chữa trị khá dễ. Như vậy tại sao bắt tất cả mọi người đều phải ở nhà? Tại sao không mở lại kinh tế trong một giới hạn nào đó, chẳng hạn như cho phép những người trẻ, khỏe mạnh đi làm, tất cả phải mang khẩu trang khi ra đường, nhưng cấm cung những người có nhiều rủi ro bị nhiễm, lớn tuổi hay đã có bệnh và trẻ con nhỏ tuổi? Hay chỉ cấm ra khỏi nhà tùy khu vực thay vì cấm cả tiểu bang? Nên nhớ trong các vùng thôn quê Mỹ, có nhiều vùng mỗi nhà cách nhau cả trăm thước, tại sao lại cấm tất cả mọi di chuyển?
Bất kể hậu quả kinh tế tai hại đến đâu, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất, có khả năng phục hồi nhanh nhất và mạnh nhất. Ngoại trừ trường hợp tổng thống không muốn thấy chuyện đó như trường hợp TT Obama đã chủ trì một cuộc phục hồi mà chính CNN cũng phải nhìn nhận là chậm và yếu nhất lịch sử. Ta có thể tin TT Trump không phải là TT Obama.
Giữa Đấng Tiên Tri và ông Thần Trump, ai là người đứng trên mây đấm ngực hô hoán thủy triều lên xuống, ai là người lội xuống bùn cứu dân, tôi đã biết. Và cũng rất nhiều người biết dù vẫn còn rất nhiều người… không biết hay không muốn biết vì sợ sự thật.


Gói Kích Cầu Kinh Tế - Washington Post:

Gói Kích Cầu: Vài Điều Cần Biết -  Fox News:

Điều TT Trump Hiểu Mà Đối Lập Không Hiểu – Washington Post:

Nhiều Triển Vọng Suy Thoái Kinh Tế - Market Watch: