Pages

Saturday, October 17, 2020

BÀI 147: DÀNH GHẾ TỐI CAO PHÁP VIỆN

     Tuần qua, tin tức thời sự đã hoàn toàn bị khống chế bởi cuộc điều trần tại thượng viện để phê chuẩn bà thẩm phán Amy Barrett.

    Hơn tất cả mọi chuyện khác, cuộc điều trần này phản ảnh rõ ràng sự phân hóa tàn khốc trong chính trị Mỹ ngày nay. Hai chính đảng đã dùng vụ phê chuẩn này như chiến trường đánh nhau chết bỏ. Cái đáng phiền là các chính khách, đặc biệt là của đảng DC, đều coi thiên hạ tất cả là đám ngu hết, để họ tha hồ thả tin xuyên tạc, lừa dân.

    Bài này sẽ cố tìm ra sự thật trong màn khói hỏa mù đang phủ kín chúng ta.

    Cách đây gần ba thập niên, người tiền nhiệm của bà Barrett là bà Ruth Bader Ginsburg được TT Clinton đề cử và thượng viện phê chuẩn. Bà này khi đó nổi tiếng là cấp tiến nặng, có thể nói là cấp tiến cực đoan luôn, nhưng cũng được coi như hoàn toàn đầy đủ khả năng làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (TCPV). Khi đó, tiêu chuẩn khả năng nghề nghiệp được coi là yếu tố then chốt nhất để được bổ nhiệm vào TCPV, không ai thắc mắc về ý thức hệ bảo thủ hay cấp tiến của vị thẩm phán được đề cử vì khi đó ai cũng tin là các thẩm phán có đầy đủ tư cách công tâm của một quan tòa cấp cao nhất, bất kể quan điểm cá nhân của họ. Và bà Ginsburg đã được phê chuẩn với số phiếu 96 thuận, 3 bác. Các nghị sĩ bảo thủ của CH cũng chấp nhận bà luôn.

    Tình trạng hiện nay đã thay đổi hoàn toàn. Quan điểm tin tưởng vào các thẩm phán đó ngày nay đã bị vứt vào thùng rác và bị coi như một quan điểm ngây thơ. Bà Barrett được hầu như tất cả mọi người, kể cả vài thượng nghị sĩ và chính khách cũng như luật gia DC nhìn nhận là một ‘siêu’ luật gia, dư thừa khả năng và tiêu chuẩn để làm thẩm phán TCPV. Thế nhưng những thăm dò sơ khởi cho thấy có thể tất cả các nghị sĩ DC sẽ chống và tất cả các nghị sĩ CH sẽ thuận, ngoại trừ một hay hai vị. Nghĩa là việc phê chuẩn đã không còn dựa trên khả năng hay kinh nghiệm gì nữa mà đã biến thành một tính toán chính trị. 

    Đây là một chuyện rất đáng buồn. TCPV đã mất hết giá trị và uy tín của một cơ quan độc lập, không dính dáng gì đến ý thức hệ chính trị nữa, mà đã biến thành công cụ để hai đảng dùng làm vũ khí nắm quyền và trị quốc.

    Theo dõi cuộc điều trần của bà Barrett trở thành một việc làm thừa thãi, mất thời giờ, hoàn toàn vô ích vì ai cũng biết trước tất cả các nghị sĩ DC sẽ công kích, xoi mói đủ chuyện, trong khi tất cả các nghị sĩ CH sẽ ca tụng bà. Y như rằng, qua nguyên cuộc điều trần, đã không có bất cứ một nghị sĩ DC nào chê trách bà Barrett thiếu khả năng hay kinh nghiệm, thậm chí cũng chẳng ai bàn về quá trình nghề nghiệp của bà, mà phần lớn chỉ đều chúi mũi vào công kích TT Trump, hay đảng CH, rồi quay qua vặn hỏi ý thức hệ của bà. 

    Năm 2016, thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia đột tử, TT Obama đề cử ngay ông quan tòa cấp tiến Garland thay thế để giành ưu thế cho phe cấp tiến. Khi đó đảng CH nắm thế đa số tại Thượng viện đã viện lý do cận ngày bầu cử tổng thống, nên phải chờ tổng thống được bầu quyết định. Họ không tổ chức buổi họp để phê chuẩn ông Garland. Cho đến khi ông Trump đắc cử tổng thống, đề cử thẩm phán Neil Gorsuch thay thế ông Scalia. 

    Trước khi ông Scalia qua đời thì TCPV có thành phần là 3-2-4, 3 vị bảo thủ (Clarence Thomas, Samuel Alito, và Antonin Scalia), 2 vị lửng lơ chao đảo (John Roberts và Anthony Kennedy), và 4 cấp tiến (Ruth Ginsburg, Stephen Breyer, Elena Kagan và Sonia Sotomayor). Với sự qua đời của ông bảo thủ Scalia và việc bổ nhiệm ông cấp tiến Garland, cán cân sẽ trở thành 2-2-5, với phe bảo thủ còn có hai người trong khi phe cấp tiến có tới năm người. Là tình trạng hiển nhiên phe bảo thủ và đảng CH không thể chấp nhận được, bắt buộc phải ngâm tôm, hy vọng ông Trump sẽ đắc cử và bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ để giữ nguyên cán cân.

    Sau khi ông bảo thủ Gorsuch được tân TT Trump bổ nhiệm thay thế ông bảo thủ Scalia, cán cân được giữ 3-2-4 như trước. Việc phê chuẩn ông Gorsuch không có gì là sóng gió, vì đã không thay đổi cán cân. 

    Sau đó, ông Kennedy bất ngờ từ chức. TT Trump đề cử ông bảo thủ Kavanaugh, và ta đã thấy gió tanh mưa máu như thế nào, vì đây là việc thay thế một thẩm phán lửng lơ đứng giữa với một ông bảo thủ, sẽ nghiêng cán cân qua phiá bảo thủ 5-4.

    Bây giờ, tình hình đổi thay sau khi bà Ginsburg qua đời, còn kinh hồn hơn cho phe cấp tiến. Nếu bổ nhiệm bà Barrett được, thì cán cân sẽ chuyển qua bảo thủ 6-3, là điều phe cấp tiến không thể chấp nhận được, cho dù ông Roberts thỉnh thoảng cũng biểu quyết theo phe cấp tiến thì phe bảo thủ vẫn thắng. Đó chính là mấu chốt của cuộc tranh cãi hiện nay.

    Cái mỉa mai của chính trị Mỹ là khi TT Obama đề cử ông Garland, phe DC quả quyết là tổng thống có quyền đề cử và thượng viện có trách nhiệm phê chuẩn bất kể gần hay xa ngày bầu cử; trong khi phe CH nhất quyết khẳng định quá gần ngày bầu cử, nên phải chờ tân tổng thống quyết định. Giờ này đây, tình hình đổi ngược. Phe CH nhất quyết phải chu toàn trách nhiệm đề cử và phê chuẩn thẩm phán thay thế ngay, trong khi phe DC cho là quá cận ngày bầu, phải chờ tổng thống mới và thượng viện mới quyết định. 

    Nói vậy để quý độc giả thấy rõ những tranh cãi về chuyện tổng thống và thượng viện có quyền bổ nhiệm tân thẩm phán hay không chỉ là chuyện phe phái chính trị đánh nhau, tuyệt đối vô giá trị khách quan. Thực tế chính trị là đảng nào nắm quyền sẽ khai thác quyền lực trong tay, trong khi đảng đối lập nhất quyết phải chống. Sự thật chỉ có vậy.

    Một thực tế chính trị khác nữa cần phải nhìn cho rõ: cuộc chiến này sẽ có hậu quả hết sức lớn và lâu dài khi bà Barrett sẽ được bổ nhiệm vào ghế vĩnh viễn, cho đến khi bà chết hay tự ý từ chức. Nghĩa là bà Barrett sẽ đóng một vai trò cực lớn trong hai ba chục năm nữa, khi bà này bây giờ chưa tới tuổi 50. Một vai trò lớn hơn xa vai trò của TT Trump khi ông này chỉ còn vài tháng hay nhiều lắm là bốn năm tại vị.

    Cuộc chiến này cũng có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc bầu tổng thống.

    Trong các thẩm phán còn lại có hai cụ Clarence Thomas, năm nay 72 tuổi, và Stephen Breyer 82 tuổi. Nghĩa là cả hai đều có triển vọng có thể được thay thế và được bổ nhiệm bởi tổng thống tới. Chưa kể việc bà cấp tiến Sotomayor bị tiểu đường nặng, đã phải vào bệnh viện khẩn cấp mấy lần. Nếu TT Trump tái đắc cử, có triển vọng ông sẽ bổ nhiệm thêm hai hay ba thẩm phán bảo thủ nữa, và nếu ông Roberts tiếp tục đứng giữa, cán cân sẽ nghiêng về phiá bảo thủ  6-1-2 hay thậm chí 7-1-1, tức là một mình TT Trump có thể đã bổ nhiệm tới 5 hay 6 thẩm phán trong TCPV, một đại đại họa cho phe cấp tiến. Nếu cụ Biden đắc cử, cán cân trong TCPV sẽ trở về như thời Obama, 4-1-4 hay 3-1-5 nếu bà Sotomayor được TT Biden thay thế.

    Nhìn vài trường hợp trên thì ta thấy có thêm một yếu tố để phe DC sống chết bằng mọi giá phải không cho ông Trump tái đắc cử.

    Đó là những con số giải thích cuộc chiến dành ghế trong TCPV hiện nay. Bây giờ ta nhìn vào hậu quả, chuyện gì sẽ xẩy ra khi một bên thắng thế?

   Dĩ nhiên, nhìn vào đường dài, ta chỉ có thể nói việc khối bảo thủ nắm tuyệt đại đa số sẽ có những hậu quả lâu dài, chi phối cả một thế hệ dân Mỹ, đưa nước Mỹ vào khuynh hướng bảo thủ không thua gì gia tài 30 năm bảo thủ của TT Reagan, là ác mộng vĩ đại của khối cấp tiến.

    Ngay bây giờ, trong ngắn hạn, có ít nhất 2 vấn đề lớn hai bên đang đánh nhau tối tăm mặt mũi: Obamacare và phá thai. 


OBAMACARE

    Ai cũng biết đây là gia tài lớn của TT Obama để lại. Obamacare có hai điều khoản chính: thứ nhất là bắt tất cả mọi người phải có bảo hiểm y tế cách này hay cách khác, không có sẽ bị đóng thuế phạt; thứ nhì, bắt tất cả các hãng bảo hiểm phải nhận những người đã có bệnh từ trước, pre-existing conditions.

    TT Trump và phe bảo thủ muốn thu hồi trọn vẹn Obamacare và đưa ra một luật bảo hiểm y tế mới thay thế. Nhưng những nỗ lực thu hồi Obamacare thất bại tại thượng viện khi 3 nghị sĩ CH biểu quyết chống (Lisa Murkowsky, Susan Collins, John McCain), không phải vì họ yêu thương Obamacare, mà vì họ không đồng ý với luật y tế do đảng CH đề nghị thay thế Obamacare.

    Sau đó, TT Trump ra luật giảm thuế từ năm 2018, trong đó việc đóng thuế phạt nếu không có bảo hiểm y tế bị hủy bỏ. 

    Ở đây, ta phải hiểu vấn đề cho rõ.

    Cột trụ của Obamacare là bắt tất cả mọi người phải có bảo hiểm y tế, không có sẽ bị phạt tiền. Mục đích việc này là ép buộc giới trẻ ít bệnh phải mua bảo hiểm, tức là phải gánh chịu phần lớn chi phí bảo hiểm cho các người lớn tuổi nhiều bệnh. Phe bảo thủ kiện cho là TT Obama không có quyền áp đặt chuyện này cũng như áp đặt Obamacare lên tất cả 50 tiểu bang vì y tế nằm trong quyền hạn của tiểu bang. Nếu tòa đồng ý thì Obamacare sẽ xụp đổ, và bị thu hồi ngay. Kiện lên tới TCPV. Ở đây, 4 vị đồng ý với lập luận của phe bảo thủ, 4 đồng ý với phe Obama. Lá phiếu quyết định là của ông chánh án John Roberts. Ông này biểu diễn tài diễn giải luật. Ông phán tiền phạt đó là một thứ thuế mặc dù TT Obama nhất quyết khẳng định không phải là thuế, và vì là thuế nên chính quyền liên bang có quyền áp đặt lên cả nước, đúng theo Hiến Pháp cho phép. Obamacare được ông Roberts cứu sống. Bây giờ, TT Trump đã dùng lập luận của ông Roberts đánh thuế hay không là quyền của liên bang, hủy điều lệ đánh thuế phạt để tìm cách thu hồi Obamacare.

    Với luật giảm thuế mới của TT Trump, thuế phạt này bị hủy bỏ. Gần 30 tiểu bang bảo thủ kiện ngay: nếu không còn thuế này nữa, thì liên bang không còn quyền áp đặt Obamacare lên cả nước nữa, và họ kiện đòi thu hồi Obamacare.

    Vụ kiện này còn đang được thụ lý và không sớm thì muộn, sẽ lên tới TCPV. Nếu TCPV có đa số bảo thủ -với bà Barrett-, có nhiều triển vọng Obamacare sẽ bị coi như là hết còn hợp hiến và sẽ bị thu hồi. Đây là trận chiến quan trọng nhất.

    Phe cấp tiến DC quay qua đòn hù dọa, tố giác nếu bà Barrett được vào TCPV, Obamacare sẽ bị thu hồi ngay, có nghĩa là điều lệ bắt buộc các hãng bảo hiểm phải nhận những người bị bệnh từ trước sẽ bị thu hồi luôn, các hãng bảo hiểm sẽ không nhận những người này nữa, và cả trăm triệu người (133 triệu theo New York Times) sẽ mất bảo hiểm, một đại họa, nhất là trong thời COVID đang tấn công hiện nay. 

    TT Trump và cả PTT Pence đã rất nhiều lần khẳng định sẽ không có chuyện này, và đều bảo đảm những người có bệnh trước vẫn cần phải được bảo vệ. Dù vậy, phe DC vẫn tiếp tục bám vào nguy cơ cả trăm triệu người sẽ bị mất bảo hiểm để hù dọa. 

    Thực tế mà nói, Obamacare là một đại họa mà chính TT Clinton còn phải chê là “khùng điên nhất” (craziest thing), và ai cũng muốn sửa đổi nếu không thu hồi hoàn toàn được. 

    Dù vậy, cũng  không có chính quyền nào, DC hay CH lại muốn hay chấp nhận cả trăm triệu người không có bảo hiểm y tế. Cho dù Obamacare có bị bắt phải thu hồi, thì cũng chỉ có thể thu hồi sau khi quốc hội đã có luật bảo hiểm y tế mới để thay thế, chứ không có chuyện tào lao là thu hồi ngay để cả trăm triệu người không có bảo hiểm. Chỉ là hù dọa vớ vẩn.

https://www.forbes.com/sites/gracemarieturner/2020/01/17/top-reasons-why-obamacare-is-wrong-for-america/#a2497243c846


PHÁ THAI

    Năm 1973, TCPV thụ lý một vụ tranh cãi liên quan đến phá thai. Cuối cùng đi đến phán quyết lịch sử gọi là Roe vs. Wade, nhìn nhận tính hợp hiến của phá thai, và cho phép phá thai dưới những điều kiện nào đó, áp dụng trên toàn thể nước Mỹ, bắt thu hồi luật cản phá thai của vài tiểu bang. Roe là tên bà Jane Roe [tên thật là Norma McCorvey] đòi quyền phá thai, Henry Wade là tên của công tố Dallas chống lại.

    Đây là vấn đề gây tranh cãi triền miên từ đó đến nay.

    Phe chấp nhận phá thai thì coi Roe vs Wade như tiền lệ, một thứ thánh kinh bất khả xâm phạm, không thể nào đặt lại vấn đề. Phe chống đối thì cho đây là TCPV lạm quyền, đã lấy một phán quyết không có ghi trong Hiến Pháp liên bang vì đúng ra, đây là một vấn đề hoàn toàn nằm trong quyền hạn của các tiểu bang. Họ đòi thu hồi án lệnh này, để trả lại quyền ra luật phá thai cho các tiểu bang.

    Cuộc tranh chấp này đã bị hiểu lầm rất lớn do phe DC cố tình xuyên tạc. Phe ủng hộ phá thai một hai tố giác thu hồi Roe vs. Wade có nghĩa là không cho phá thai nữa, khiến cả triệu bà nhẩy dựng lên phản đối. Sự thật không phải vậy. Phe bảo thủ chỉ đòi thu hồi luật phá thai liên bang để cho các tiểu bang ra luật riêng của mỗi tiểu bang. Sẽ có những tiểu bang ra luật khó khăn hơn, cũng như sẽ có những tiểu bang ra luật dễ dãi hơn.

    Phe ủng hộ phá thai dĩ nhiên không sợ sẽ có luật dễ dãi hơn, kể cả quyền được phá thai cho tới ngày lâm bồn luôn, nhưng họ sợ sẽ có nhiều tiểu bang ra luật gắt gao quá mức, thậm chí cấm phá thai luôn cũng được. Phe ủng hộ phá thai nhất quyết muốn duy trì Roe vs. Wade như là tiêu chuẩn thống nhất cho cả nước, để cản các tiểu bang miền Nam ra luật chống phá thai gắt gao hơn.

    Theo phe cấp tiến DC, black lives matter; họ cũng chống án tử hình tức là criminal lives matter too, nhưng lại cổ võ cho phá thai, tức là baby lives dont matter. Ai hiểu cái lý lẽ này, xin chỉ giáo!

    Bà Barrett là tín đồ công giáo ngoan đạo và bà cũng đã công khai lên tiếng không chấp nhận phá thai. Phe cấp tiến đã bám vào dữ kiện này để chống bà triệt để. Nhưng bà Barrett cũng đã nói bà không phải là người làm luật mà chỉ là người thi hành, áp dụng luật. Luật phá thai có thể thay đổi hay không là chuyện quốc hội lập pháp làm, chứ không thuộc quyền hạn của bà. Bà cũng đã từng khẳng định luật Roe vs. Wade là luật hiện hành và bà sẽ tuân thủ, nhưng vẫn có thể bị thu hồi được. Vấn đề là phải cứu xét cho kỹ xem Roe vs. Wade có lấn quyền của các tiểu bang hay không, có vi phạm Hiến Pháp hay không. Nếu vi phạm Hiến Pháp thì TCPV phải có quyết định. Nghĩa là phải thu hồi Roe vs. Wade, là điều phe cấp tiến DC đang lo sợ.

    Một lần nữa, phải hiểu cho rõ đằng sau tranh cãi về quyền giết thai nhi, còn có cuộc tranh cãi về giới hạn quyền giữa tiểu bang và liên bang. Trên khiá cạnh ý thức hệ, từ ngày lập quốc tới giờ, phe bảo thủ chủ trương tôn trọng tối đa quyền ‘tự trị’ của các tiểu bang, trong khi phe cấp tiến chủ trương một Nhà Nước Liên Bang Vú Em bao quát càng nhiều quyền càng tốt.

https://en.wikipedia.org/wiki/Roe_v._Wade


COURT PACKING

    Nhân đây, cũng phải nói qua về chuyện ‘court packing’.

    Nếu phe CH phê chuẩn được bà Barrett thì cán cân sẽ nghiêng hẳn về phiá bảo thủ, ít nhất cho đến khi có một hay hai thẩm phán mới. Phe DC hầu như không có cách nào chống đỡ. Do đó, họ đã đe dọa sẽ dùng biện pháp Mỹ gọi là ‘court packing’, đại khái tức là nhồi nhét TCPV. Nếu đảng DC chiếm được đa số trong thượng viện và chiếm luôn được Tòa Bạch Ốc, họ sẽ đổi luật, gia tăng số thẩm phán TCPV lên 11 hay 13 hay 15 người, và sẽ bổ nhiệm một loạt các thẩm phán cấp tiến để phe này chiếm thế đa số lại.

    Đây là cách TT Roosevelt đã thử làm sau khi các luật của ông bị TCPV do đảng CH chiếm đa số cản. Nhưng ông thất bại vì đại đa số dân Mỹ chống việc biến TCPV thành một công cụ chính trị đảng phái. Chế độ tam quyền phân lập biến mất khi TCPV trở thành công cụ của đảng nắm quyền. Hiến Pháp bị xé như bà Pelosi đã xé Báo Cáo Tình Trạng Liên Bang của TT Trump.

    Bây giờ cũng không khác. Các thăm dò cho thấy đa số dân Mỹ vẫn chống, nhưng phe thiên tả cực đoan trong đảng DC nhất định ép cụ Biden phải nhận. Cụ Biden trước đây, năm 1983 đã lớn tiếng công kích ‘court packing’ của TT Roosevelt, gọi đó là biện pháp ngu xuẩn -bonehead- và là một sai lầm kinh khủng -terrible mistake. Nhưng bây giờ, cụ Biden đang bị áp lực rất mạnh của phe cực tả, nên cả cụ lẫn bà Kamala Harris, đều né không dám trả lời câu hỏi có ủng hộ court packing hay không. Mới đây cụ Biden còn ‘hoành tráng’ phán “dân Mỹ không xứng đáng để biết quan điểm của tôi về vấn đề này”???!!! Và cụ sẽ chỉ cho biết sau khi cụ đắc cử.

    Bị chỉ trích quá, cụ Biden cuối cùng đã phải nói một cách ẫm ờ “Tôi không là ‘fan’ của việc tăng cường thẩm phán TCPV” – “I’m not a fan”, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Cụ cho biết sẽ nói rõ thái độ của cụ “trước ngày bầu cử”.

https://www.dailymail.co.uk/news/article-8826943/Joe-Biden-says-voters-dont-deserve-know-position-packing-Supreme-Court.html?ito=social-twitter_dailymailus


    Nhìn chung, việc bà Barrett được phê chuẩn quan trọng hơn xa việc TT Trump có tái đắc cử hay không, chỉ vì bà Barrett sẽ còn ngồi đó hai ba chục năm nữa, trong khi ông Trump chỉ còn tại vị vài tháng hay bốn năm nữa là cùng. TT Trump và các nghị sĩ CH hiểu rõ chuyện đó nên đã nhất quyết đề cử và sẽ phê chuẩn bà Barrett cho dù họ có thể mất phiếu trong cuộc bầu tới.