Pages

Saturday, December 19, 2020

BÀI 156: BẦU CỬ, AI THẮNG AI THUA?

    Việc cử tri đoàn chính thức bầu tổng thống thứ Hai vừa qua là một bước mới trong tiến trình bầu tổng thống, một bước quan trọng cực bất lợi cho TT Trump dù ông vẫn khẳng định cuộc chiến còn tiếp diễn.

    Cuộc chiến đang tiếp diễn với những vụ thưa kiện còn đang dở dang, chưa rõ sẽ đi về đâu. Nhưng cuộc chiến chống chính trị gian trá chắc chắn sẽ tiếp tục ngay cả sau khi một trong hai ứng cử viên -bất kỳ là ai- đã giơ tay tuyên thệ nhậm chức.

    Sau khi cơn bão tranh cử qua rồi, người dân bình tâm lại, chắc chắn các nhà lãnh đạo, các nhà làm luật, các quan tòa thi hành luật, tất cả sẽ phải ngồi lại, tìm cách rút bài học, hiểu cho rõ những rắc rối, xáo trộn, và phải nghĩ đến việc sửa đổi luật, siết chặt thủ tục tranh cử, bầu bán cho tương lai.

    Ngay bây giờ, ta có thể bàn chuyện cuộc bầu cử này, ai thắng, ai thua trên thực tế.

    

    Và cuối cùng, ta rút được bài học nào? Phải làm gỉ?

    Dĩ nhiên, trên nguyên tắc, TT Trump vẫn còn đường binh qua những thủ tục và luật lệ cực kỳ phức tạp mà chúng ta chẳng ai hiểu gì, vẫn còn một hy vọng chiến thắng cuối cùng. Đó là niềm hy vọng của 75 triệu người Mỹ đã bầu cho TT Trump. Cũng là hy vọng của diễn đàn này sau hơn bốn năm hậu thuẫn TT Trump bằng tất cả những gì có thể làm được. 

    Nếu ta theo dõi TTDC, thì hiển nhiên là cụ Biden, đảng Dân Chủ và thể chế dân chủ lâu năm của Mỹ đã đại đại thắng. Có thật vậy không?

    Chưa hẳn.

    Trước hết ta bàn về cụ Biden. Bất kể kết quả bầu tổng thống, cụ cũng đã thu được 80 triệu phiếu. Có thể con số thật ít hơn sau khi khấu trừ những gian lận, nhưng dù sao cũng trên dưới hơn nửa số cử tri bầu cho cụ. Mà có thật là bầu cho cụ Biden không?

    Ta nhìn lại tiến trình trong cả năm tranh cử vừa qua.

    Ta cần nhớ lại trong tranh luận trên TV lần đầu tiên, bà Harris đã chỉ mặt, tố cụ Biden là người kỳ thị da đen nhất, với đầy đủ bằng chứng cụ thể. Cụ Biden đỏ mặt luống cuống không biết chống đỡ ra sao. Không phải chỉ có vậy thôi. Trước đó, cụ Biden bị bà cựu phụ tá Tara Reade tố sách nhiễu tình dục, bà Harris đã là một trong những người đầu tiên tuyên bố “Tôi tin những tố giác của bà Reade”.

    Nhưng rồi cuối cùng cụ Biden vẫn thắng, hạ bà Harris và hạ luôn tất cả các ứng cử viên khác, hầu hết đều cực đoan hơn cụ.

    Điều đó nói lên sự kiện cử tri của đảng DC chưa sẵn sàng chạy qua xã nghĩa. Thà họ bầu cho một cụ ông lẩm cẩm tương đối ôn hòa hơn chứ chưa chấp nhận các ứng cử viên thiên tả quá xa như cụ ông Sanders, cụ bà Warren, hay ngay cả bà Harris. Nói cách khác, cử tri đảng DC trốn chạy xã nghĩa nên bầu cho cụ Biden chứ không phải họ ủng hộ cụ.

    Bước thứ hai, cụ Biden sau khi đắc thắng trong nội bộ, đã bị áp lực phải kiếm một người đứng chung liên danh. Cụ đã không có quyền lựa chọn gì hết: bắt buộc phải là một phụ nữ da đen nếu muốn thắng, vì đảng DC không thể thắng nếu không có phiếu của phụ nữ và dân da đen. Đành vuốt mặt mời người đã sỉ vả cụ nặng nhất, bà da đen lai Kamala Harris.

    Việc cụ Biden miễn cưỡng mời bà Harris leo lên cùng giường phản ảnh một quyết định thời cơ, một hôn nhân cưỡng ép vì quyền lợi chung, chỉ cốt để dành chiến thắng bằng mọi giá, bất chấp những ‘ân oán’ giữa hai người, hay quan trọng hơn nữa, bất chấp mọi nguyên tắc đạo lý, moral principles. Nhất là bà Harris.

    Câu hỏi cho bà Harris: tại sao lại nhận lời ngủ chung với một người mà bà cho là kỳ thị da đen nặng, một người đã bị bà tố sách nhiễu tình dục một phụ tá? Có phải vì cụ Biden đã ‘cải tà quy chánh’, thoát xác, bất thình lình hết kỳ thị, hết sách nhiễu không ? Thưa không. Bà xù toàn bộ câu chuyện, cười toe toét, nhún vai giải thích “Tranh cử là vậy”. Chỉ chứng minh cho tất cả bàn dân thiên hạ là bà coi cái ghế phó quan trọng hơn tất cả mọi nguyên tắc đạo lý.

    “Tranh cử là vậy”? Chính trị của đảng DC hiện nay vô đạo, vô nguyên tắc vậy sao? Thế thì ai ngu đi tin những tuyên bố hay hứa hẹn trong mùa tranh cử nữa?

    Không hẳn là vậy. Lý do cụ Biden và bà Harris ngủ chung giường thật ra không liên quan gì đến cá nhân bà Harris hay cá nhân cụ Biden, mà đó là một quyết định có lẽ từ cấp lãnh đạo toàn đảng DC, trong đó cựu TT Obama và cánh thiên tả cực đoan đã đóng vai trò then chốt: dân Mỹ chưa sẵn sàng đi quá xa về phiá tả, thôi thì đưa cụ Biden ra làm viên gạch lót đường, chuẩn bị tương lai cho người thật sự của phe tả là bà Harris.

    Thuyết này đang được hâm nóng qua việc bất thình lình TTDC chấp nhận bàn việc cậu ấm Hunter Biden lem nhem với Tầu cộng, trong khi TTDC đều nhất loạt im re, xù chuyện này trước ngày bầu cử. Bây giờ, sau khi họ nghĩ là cụ Biden đã thắng, bắt đầu chuẩn bị đổi ngựa, chấp nhận mang ra ánh sáng cái lem nhem của cha con cụ Biden, dọn đường cho cụ Biden đi câu cá để đưa bà Harris lên thay thế.

    Hầu như không ai nghĩ cụ Biden nếu đắc cử sẽ là tổng thống hai nhiệm kỳ. May lắm thì cụ Biden thọ đủ một nhiệm kỳ, nếu không bị gục hay bị alzheimer sớm.

    Một chuyện đáng nói khác: trong một cuộc phỏng vấn trên TV, trả lời một câu hỏi, cụ Biden tuyên bố nếu giữa cụ và bà phó Harris có mâu thuẫn lớn về chính sách, cụ sẽ cáo bệnh và từ chức. Cụ nói nửa đùa nửa thật, mà không ai biết thật nhiều hơn hay đùa nhiều hơn. Hay đó là cách cụ gián tiếp cảnh cáo phe cánh bà Harris là cụ đã biết rõ tính toán của họ?

    Đi đến cuộc bầu với TT Trump. Tất cả đều biết, trong 80 triệu phiếu bầu cho cụ Biden, chắc may ra chỉ có 10 triệu cho cụ, 10 triệu cho bà Harris, và 60 triệu là phiếu chống Trump. Thành ra cho dù cụ có đắc cử, lịch sử cũng sẽ không thể viết đó là chiến thắng của cụ Biden, mà phải nói đó là những lá phiếu chống TT Trump thôi.

     Bàn qua chuyện thứ hai: có phải là chiến thắng của đảng DC không?

    Chỉ nhìn vào kết quả các cuộc bầu ngoài cuộc bầu tổng thống thì rõ.

    Tại quốc hội liên bang, thông thường, đảng nào có tổng thống đắc cử luôn luôn thắng lớn trong quốc hội, nắm đa số tại cả hai viện. Đó là tình trạng khi các TT Clinton, Bush con và Obama đắc cử lần đầu. 

    Năm nay, cụ Biden chiếm được 80 triệu phiếu của dân Mỹ, nhưng đảng CH chỉ mất một ghế trong thượng viện, là ghế Arizona của bà Martha McSally là người đã được bổ nhiệm tạm thay thế TNS Jon Kyl về hưu. Hiện nay, CH đang giữ thế đa số 50-48, còn hai ghế nghị sĩ sẽ được bầu đầu tháng Giêng tại Georgia, là tiểu bang bảo thủ và CH hy vọng sẽ giữ được cả hai ghế này. Nghĩa là sẽ duy trì thế đa số tại thượng viện.

    Cấp hạ viện, đảng DC đã mất khoảng một tá ghế, còn giữ thế đa số nhưng rất mong manh là từ 7 đến 9 ghế trong một hạ viện với 435 dân biểu. Tính theo số dân biểu của mỗi tiểu bang, CH đang nắm đa số trong 28 tiểu bang, bảo đảm nếu hạ viện bầu tổng thống, TT Trump sẽ tái đắc cử.

    Ở cấp tiểu bang, CH chiếm thêm được một ghế thống đốc, nâng tổng số thống đốc CH lên tới 27, so với 23 DC.

   Đây là một tuyên cáo không thể nào rõ ràng hơn: dân Mỹ không muốn cụ Biden mang cả nước xuống hố xã nghĩa và không chấp nhận nước Mỹ bị đảng DC lôi qua phiá xã nghĩa. 

    Đã vậy, trong những năm tháng tới, ta còn có dịp chứng kiến một nội chiến lớn trong nội bộ đảng DC, giữa khuynh hướng thiên tả chậm chậm và thiên tả hấp tấp. Nói trắng ra, không thể nói cuộc bầu cử đã là một chiến thắng cho đảng DC. Trái lại, chỉ đào sâu thêm phân hóa trong nội bộ đảng. Phân hóa đó sẽ nổ tung nếu cụ Biden đắc cử.

    Ngay hiện nay, ta đã thấy trong nội bộ đảng DC đã bắt đầu gây nhau ỏm tỏi để tranh dành quyền lực. Khiến cụ Biden đang phải trình làng một nội các đúng là nồi cháo lòng, được lựa chọn theo tiểu chuẩn màu da, giới tính, đồng tính, bảo thủ, cấp tiến, người của Obama, người của Clinton, người của chính cụ Biden, theo phe cánh,… chứ khả năng hay kinh nghiệm nghề nghiệp là chuyện phụ.

    Nhìn cho kỹ, cụ Biden cho dù đắc cử tổng thống mà thượng viện trong tay CH, hạ viện với đảng DC chỉ có đa số nửa tá ghế, TCPV trong tay khối bảo thủ, thì cụ sẽ làm được gì? Nhất là khi cụ Biden qua nửa thế kỷ làm chính trị đã chứng minh là người lờ mờ, không năng động chút nào, trái ngược hoàn toàn với TT Trump.

    Bây giờ, ta bàn qua một vấn đề lớn hơn, có hậu quả quan trọng và lâu dài hơn. Đó là sự hữu hiệu hay hợp thời thế của thể chế dân chủ kiểu Mỹ.

    Tại sao phải coi lại?

    Câu trả lời hiển nhiên cho tất cả thiên hạ, hay ít nhất cho những người còn tỉnh táo nhìn thực tế trước mắt: tại vì thể chế dân chủ của Mỹ hoàn toàn đặt căn bản trên bầu cử, mà cuộc bầu cử vừa qua đã phơi bày ra những sơ hở khổng lồ chứng minh thể chế dân chủ hiện hành của Mỹ không đủ khả năng ứng phó với nhu cầu thay đổi của tình thế.

    Khi mà Hiến Pháp quy định luật lệ và thủ tục bầu cử do các tiểu bang toàn quyền ấn định đã đưa đến tình trạng quyền bầu cử của cử tri không còn đồng đều giữa các tiểu bang thì hiển nhiên đã không còn chuyện bình đẳng giữa các cử tri từ tiểu bang này qua tiểu bang nọ. Quyền công dân của cử tri Texas chẳng hạn khác xa quyền công dân của cử tri Michigan.

   Khi một đảng nắm quyền hành pháp, lập pháp và cả tư pháp trong một tiểu bang, rồi cả ba nhánh thông đồng với nhau để sửa luật vào giờ chót, có lợi cho ứng cử viên 'phe ta' thì rõ ràng thể chế dân chủ đã có lỗ hổng quá lớn. 

    Khi một thống đốc (Pennsylvania) lạm quyền, chiếm vai trò lập pháp, thay đổi luật lệ bầu cử bằng sắc lệnh mà cả quốc hội tiểu bang lẫn Tối Cao Pháp Viện tiểu bang đều chấp nhận thì có cái gì phe đảng quá lộ liễu mà người mù cũng thấy.

    Khi cả chục hay cả trăm máy bầu cử bị ‘trục trặc kỹ thuật’, các phòng phiếu tràn ngập lủng củng ‘bất thường’ mà chẳng có cơ quan độc lập nào có thể can thiệp để sửa chỉnh hay kiểm tra lại thì không ai có thể nói đã không có gian lận được ‘phê chuẩn’ từ trên cao.

    Khi trực diện với những tình trạng phạm luật trắng trợn như vậy mà Tối Cao Pháp Viện liên bang không đủ quyền hạn và cơ sở pháp lý để can thiệp thì đã có cái gì không ổn trong cái ‘hợp đồng’ các tiểu bang ngồi lại với nhau.

    Khi một chính khách mà gần 50 năm sinh hoạt chính trị là một tờ giấy trắng, về già phô trương triệu chứng lú lẫn mỗi ngày, mà lại được bầu làm tổng thống, thì hiển nhiên có cái gì sai trái trong cách tuyển chọn lãnh đạo thật nguy hiểm cho cả nước và cả thế giới.

    Nói cách khác, dường như thể chế dân chủ gương mẫu của Mỹ đã để lộ nhiều sơ hở quá lớn, đã hết thích hợp với thay đổi thời thế, cần phải sửa đổi. Tình trạng phân hoá chính trị Mỹ ngày càng trầm trọng, nếu không có biện pháp đối phó, siết chặt luật lệ, thì làm sao nước Mỹ có thể tồn tại một vài chục năm hay thậm chí một vài năm nữa?

    Ở đây, phải nói cho rõ một chuyện thật quan trọng mà TTDC cố tình xuyên tạc và ít người hiểu rõ. Đó là việc tại sao các luật sư của TT Trump gặp khó khăn trước các tòa án.

    TT Trump là người bảo thủ, bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ, khoảng 230 vị ở tòa cấp liên bang, và 3 vị cấp TCPV. Mà bảo thủ trong ngành tư pháp có nghĩa là tôn trọng Hiến Pháp một cách tuyệt đối, chứ không phải theo cấp tiến, du di diễn giải theo xu thế hay nhu cầu chính trị thời thượng. Mà Hiến Pháp lại tôn trọng quyền tự quyết, tính độc lập của các tiểu bang trong việc bầu bán, cho dù đó là bầu cử lãnh đạo liên bang. Hiến Pháp chấp nhận các tiểu bang toàn quyền ra luật và thủ tục bầu bán, kể cả việc bầu tổng thống liên bang. Đây chính là nền tảng của liên bang Mỹ: một liên bang mà các tiểu bang tự nguyện tham gia nhưng vẫn giữ phần lớn tính ‘tự trị’. Chính quyền liên bang có rất nhiều quyền trong các lãnh vực ngoại giao, quốc phòng, và tài chánh, nhưng chỉ có quyền hướng dẫn trong hầu hết các phạm vi khác như y tế, giáo dục, gia cư, an ninh trật tự, …, và ngay cả trong việc ra luật bầu cử. 50 tiểu bang là 50 luật lệ bầu bán khác nhau.

    Các thẩm phán bảo thủ giơ tay thề bảo vệ Hiến Pháp, tất nhiên phải tôn trọng nguyên tắc tiểu bang tự trị, đặc biệt trong việc tổ chức bầu cử nên không hồ hởi với các vụ liên bang thưa kiện tiểu bang. Cho tới nay, đã có 7 thẩm phán TCPV và nhiều thẩm phán liên bang và tiểu bang bác các đơn kiện của phe CH (kể cả Texas cũng thua kiện trước TCPV).

    Nếu có vấn đề thì đó là những sơ hở trong thể chế liên bang, sơ hở trong định chế. Việc cần làm là cải tổ định chế chứ không phải là tấn công cá nhân, nhất là các quan tòa TCPV là những người đã đạt mức tột đỉnh của nghề nghiệp, chỉ có trách nhiệm tôn trọng định chế và tuân thủ luật lệ hiện hữu. Nếu luật lưu thông có vấn đề, không thể trách các anh cảnh sát công lộ được.

    Các phán quyết có vẻ bất lợi cho TT Trump, nhưng nếu nhìn lại cho kỹ thì lịch sử sẽ nhận định thuận lợi hơn về TT Trump vì ông đã đủ sáng suốt chọn đúng các thẩm phán bảo thủ tôn trọng Hiến Pháp và luật lệ hiện hành. Quan trọng hơn cả, TT Trump đã KHÔNG độc tài và đủ can đảm chọn thẩm phán trung thành với ý thức hệ bảo thủ, tôn trọng và trung thành với Hiến Pháp. Nói cách khác, TT Trump có thua tranh cử cũng vẫn thắng, vì đã chọn được những người cần thiết cho tương lai lâu dài cho nước Mỹ.

   Nhiều người hấp tấp sỉ vả các quan tòa ra phán quyết bất lợi cho TT Trump là đã phản Trump, là hèn nhát, là bị mua chuộc,… chỉ vì họ không hiểu rõ vấn đề, không hiểu rõ luật pháp, mà chỉ quan tâm đến chuyện ủng hộ TT Trump một cách vô điều kiện, tuyệt đối, chỉ muốn thấy những phán quyết hợp ý mình, chỉ muốn thấy các quan tòa trung thành tuyệt đối với đúng một cá nhân TT Trump bất chấp mọi trường hợp. Những người công kích TCPV kiểu này dường như quên mất cả 3 thẩm phán do TT Trump bổ nhiệm vào TCPV và cả chục thẩm phán cấp liên bang cũng do TT Trump chọn cũng đã có những phán quyết bất lợi cho TT Trump. Tất cả đều phản bội, đều bị mua chuộc, đều hèn nhát hết sao? Như vậy thì khả năng chọn người của TT Trump như thế nào? Chửi những người do chính TT Trump chọn như vậy, đó là cách bênh vực TT Trump, hay đó là chê khả năng của ông?

    Nói tóm lại, thể chế chính trị Mỹ, nhất là trong phạm vi bầu cử, luật Mỹ vẫn còn thiếu sót quá nhiều, cần phải tu chính. Đây là việc làm trước mắt cho tương lai lâu dài, để bảo đảm nền dân chủ Mỹ ngày một tốt hơn và các cuộc bầu bán tương lai được sạch sẽ và đáng tin hơn.

    ĐI xa hơn cuộc bầu cử, thể chế dân chủ ma-dzê in USA cũng đã để lộ ra một sơ hở thật lớn.

    Sơ hở quá lớn ai cũng thấy là đã bị truyền thông chi phối quá nhiều. Mà khi cái truyền thông đó nhất tề trở thành công cụ xuyên tạc, tuyên truyền của một đảng, chỉ lo tấn công chết bỏ một bên trong khi lo nhắm cả hai mắt để bảo vệ bên kia thì nạn nhân hiển nhiên là cả cái thể chế chính trị Mỹ và toàn dân Mỹ.

    Nước chẩy, đá mòn. Khi mà người dân phải nghe và đọc những xuyên tạc liên tục mỗi ngày  trong suốt bốn năm của TTDC thì không thể nào họ tránh được chuyện bị đầu độc một chiều, không nhiều thì ít. Trong suốt bốn năm, TTDC nhắm đánh thẳng tay vào con người TT Trump,  vào cá nhân ông. Và họ đã thành công. Trong khi cả nước vẫn không chấp nhận đường lối thiên tả của đảng DC, nhưng đa số lại chống cá nhân ông Trump, đi đến chuyện không phải họ bỏ phiếu cho cụ Biden mà là bỏ phiếu chống cá nhân ông Trump vì đã có thành kiến quá nặng đối với cá nhân ông. Nặng đến độ không còn ai nhớ hay biết đến các thành quả tạo công ăn việc làm và giảm thuế cho cả triệu người, bảo đảm hòa bình lâu dài cho cả thế giời, từ Bắc Hàn đến Trung Đông. Và chỉ bỏ phiếu với các ý nghĩ vớ vẩn mà TTDC đã nhét vào đầu họ, kiểu như Trump nói láo, vô đạo đức, độc tài, ăn nói thô tục, kỳ thị,...

    Truyền thông công tâm, giữ trách nhiệm thông tin trung thực cho quần chúng là điều kiện cần phải có để guồng máy dân chủ kiểu Mỹ có thể hoạt động hữu hiệu. Khi cái truyền thông đó biến thành công cụ tuyên truyền xuyên tạc giống như truyền thông của Hitler hay các chế độ CS thì có cái gì thật sự không ổn với thể chế dân chủ kiểu Mỹ. 

    Câu hỏi cuối cùng mà nhiều người thắc mắc: TT Trump thua hay thắng?

    Việc TT Trump có tái đắc cử hay không, vài tuần nữa sẽ biết.

    Nếu kết quả cuối cùng của bầu cử là chiến thắng của cụ Biden thì có thể nói trong ngắn hạn, TT Trump đã thua vì ông đã không tái đắc cử, dĩ nhiên. Nhưng trong chiều dài lịch sử, ông đã thắng, mà thắng lớn, vì chỉ cần bốn năm ngắn ngủi đã đủ để lại một gia tài khổng lồ không thể xóa được ít nhất trong một thế hệ nữa. 

    Có thể ông Trump sẽ đi về Miami Beach, nhưng tên tuổi ông sẽ đi vào lịch sử. Kẻ này vẫn hãnh diện đã ủng hộ ông và sẽ tiếp tục ủng hộ trumpism, sẽ tiếp tục cố đóng góp vào việc bảo vệ gia tài TT Trump đã để lại cho nước Mỹ. Đóng góp trong sáng suốt, đầy đủ lý trí chứ không cuồng bám víu vào fake news.