Pages

Saturday, April 22, 2023

BÀI 278: THỂ CHẾ DÂN CHỦ KIỂU MỸ

   Nhân loại từ ngày biết sống với nhau trong hang trong động, đã bắt đầu tìm cách thu xếp sống chung với nhau trong trật tự và ổn định. Bắt đầu từ cách chế ra một trật tự xã hội với tù trưởng là người kiểm soát và điều hòa cái trật tự đó, một cách độc đoán nhất. Rồi nhân loại bắt đầu có tiến bộ, nghĩ ra cách cho những người khác có tiếng nói. 

    Mỗi ngày mỗi cải tiến, có khi trong chuyển biến ôn hòa, có khi trong nổi loạn đẫm máu. Đi đến cái mà hiện nay thiên hạ cho là văn minh nhất, là thể chế dân chủ tân thời ta đang thấy ở Mỹ và Tây Âu.

    Dù vậy, cái thể chế gọi là dân chủ tân thời cũng vẫn chưa được thống nhất, mà nói chung, vẫn có hai cách lớn, theo mô thức tổng thống chế của Mỹ, hay mô thức nghị trường kiểu Âu Châu. Cả hai mô thức đều có những biến thể, con rơi con rớt khác biệt. Cả hai cũng vẫn đầy lỗ hổng.

    Ta bàn thử xem sao.

   DĐTC không phải là diễn đàn bàn chuyện triết lý chính trị cao siêu rắc rối gì, chỉ muốn chú tâm vào thực tế chính trường xứ Mỹ là xứ đại đa số dân tị nạn đang sống, nên bài này sẽ bàn sâu hơn về cái dân chủ theo mô thức Mỹ. Quý học giả cao nhân nào hiểu rõ mô thức nghị trường Âu Châu nếu có thể viết bài cho cộng đồng ta hiểu thêm thì quá tốt.

    Dưới đây, ta sẽ bàn về những đặc điểm chính yếu của thể chế dân chủ Mỹ.

   Trước hết cần hiểu sơ qua, nhân loại đi vào thể chế dân chủ một cách hết sức chập chững, tiến một bước, lùi ba bước, rồi lại tiến, cứ thế từ từ, rất chậm, qua mấy ngàn năm, mới đi đến cái tương đối hoàn hảo nhất hiện nay tại Mỹ và Tây Âu.

   Thể chế dân chủ đã xuất hiện từ thời Hy Lạp, rồi La Mã, qua những hình thức quốc hội thô sơ nhất, đại diện cho khối dân thượng tầng xã hội thời đó, nhưng sau đó bị diệt khi cả La Mã lẫn Hy Lạp đều bị thống trị bởi các bộ lạc tương đối rừng rú từ Tây Âu của Pháp và Đức, chủ trương chế độ lãnh chúa độc tài nhất. Nhưng 'văn minh dân chủ' nhân loại bắt đầu phục hồi lại kể từ thời 'Phục Hưng' -Renaissance- trong khoảng từ thế kỷ 14. Để rồi qua mấy trăm năm cải đổi, ta mới thấy được thể chế dân chủ của Mỹ và Tây Âu hiện nay.

   Phải nói ngay, các thể chế dân chủ theo mô thức Mỹ và Tây Âu tương đối hoàn hảo nhất, vì đó là một thể chế cho phép người dân, tất cả những khối dân sống chung trong một cộng đồng hay một nước, có tiếng nói tương đối đồng đều, để bảo vệ quyền lợi của cá nhân mỗi người, của gia đình mỗi người, cũng như quyền lợi chung của một khối dưới khiá cạnh nào đó, như khối người cao niên, khối dân da đen, khối phụ nữ, ... Chứ không phải để phục vụ một cá nhân hay một gia tộc hay một nhóm phe đảng nắm quyền nào hết.

    Thế nhưng vẫn chỉ là 'tương đối', không thể nói tuyệt hảo tuyệt đối. Cái 'lỗ hổng' lớn nhất rất nhiều người đã cố đưa ra ánh sáng là có thể cái tính dân chủ đó thích hợp với dân tộc và văn hóa Âu Mỹ, nhưng chưa chắc đã thích hợp với các văn hoá khác như văn hóa Phi Châu, và văn hóa Á Đông.

    Cố thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu, cùng với cố TT Nam Hàn Phác Chánh Hy, cùng với không ít lãnh tụ chính trị Á Đông đã nhiều lần lên tiếng và chứng minh rõ ràng thể chế dân chủ Âu Mỹ không thích hợp trọn vẹn cho các xứ cọp con hay rồng con của Á Châu, thậm chí còn có thể tai hại nữa. Một số lãnh tụ lớn của Phi Châu cũng đã lên tiếng tương tự. Chưa nói tới khối CS dĩ nhiên bác bỏ hoàn toàn thể chế dân chủ Âu Mỹ đó.

    Trước hết, ta điểm qua vài nét chính của thể chế dân chủ Âu Mỹ.

Tổ chức ‘tam quyền’

    Trên căn bản, mô thức dân chủ Mỹ cũng như Âu Châu có đặc điểm chung đầu tiên là đặt nền tảng trên một thứ đu giây giữa 3 ngành: 1) hành pháp điều hành công việc hàng ngày, 2) lập pháp ra luật để thể chế dân chủ vận hành trong trật tự, và 3) tư pháp bảo đảm việc điều hành tuân thủ theo trật tự đã được mọi người đồng ý, nếu không, sẽ có biện pháp kỷ luật cưỡng ép phải đồng ý để duy trì trật tự và quyền lợi chung.

    Quyền lực của mỗi ngành khác nhau tùy theo mô thức dân chủ, tùy theo hình thức tổ chức chính quyền.

    Trong thể chế ‘tam quyền’ của Mỹ, cả ba ngành tương đối độc lập với nhau hơn thể chế nghị trường của Âu Châu nhiều, trong khi quyền lực của hành pháp mạnh thật sự vì không lệ thuộc vào quốc hội. Tổng thống và nội các không phải do quốc hội ‘sanh’ ra và bổ nhiệm, mà do dân trực tiếp bầu lên. Quốc hội không có quyền lật đổ hành pháp, tuy bù lại, tổng thống cũng chẳng có quyền giải tán quốc hội. Tư pháp là thứ con đẻ chung của cả hành pháp lẫn lập pháp khi hành pháp bổ nhiệm quan tòa và lập pháp phê chuẩn họ, nhưng bù lại, cả hành pháp lẫn lập pháp, chẳng ngành nào có quyền ‘lật đổ’, đụng tới Tư Pháp.

    Nôm na ra, thể chế của Mỹ có ‘tam quyền’ thực thụ và cả ba ngành đều có quyền hạn lớn, ngang nhau, tương đối cân bằng nhau, và kiểm soát lẫn nhau. Thực tế dĩ nhiên, cũng tùy thuộc cá tính của những người lãnh đạo hành pháp hay lập pháp. Một tổng thống mạnh sẽ lấn át quốc hội trong khi một lãnh tụ quốc hội mạnh sẽ lấn quyền tổng thống.

Tổng thống Mỹ

    Đứng đầu hành pháp trong mô thức Mỹ, chính là tổng thống, trong khi đứng đầu hành pháp trong chế độ nghị trường Âu Châu là thủ tướng. So với thể chế nghị trường, tổng thống Mỹ là người có nhiều quyền và mạnh hơn xa các thủ tướng của nghị trường.

    TT Mỹ là người do dân bầu trực tiếp, không phải do dân biểu bầu từ trong quốc hội ra, cũng chẳng cần quốc hội phê chuẩn gì. Nghĩa là không lệ thuộc quốc hội một chút nào. Trên thực tế chẳng những độc lập mà TT còn có quyền hạn lớn hơn xa lập pháp khi lập pháp nhiều lắm là chỉ có quyền phê chuẩn quyết định lớn của TT.

Khiá cạnh tiêu cực của dân chủ kiểu Âu Mỹ

    Như đã viết phần trên, thể chế dân chủ theo mô thức Âu Mỹ không hoàn hảo, còn nhiều lỗ hổng lớn cần phải cải đổi mới có thể đáp ứng được nhu cầu chung của cả nhân loại. Ta xem qua những lỗ hổng đó. Đặc biệt trong thể chế dân chủ kiểu Mỹ.

a) Cá nhân không hoàn hảo

    Lãnh đạo do toàn dân bầu, tuyển lựa từ một nhóm chính trị gia ra tranh cử, nhiều hay ít. Trên nguyên tắc, người được chọn phải là người giỏi nhất, được dân đồng ý và tin tưởng nhất.

    Nhưng đó là nói chuyện nguyên tắc. Trên thực tế, việc bầu người lãnh đạo ở Mỹ đã biến thái rất nhiều qua các thời đại, đưa đến tình trạng người được bầu làm lãnh đạo chưa hẳn là người tài giỏi, tài đức và đáng tin tưởng, đáng hậu thuẫn nhất. Tất cả là hậu quả của hình thức tuyển chọn người lãnh đạo, qua việc bầu cử toàn quốc. Hình thức này trên nguyên tắc công bằng và giúp tuyển chọn người tài năng nhất, nhưng trên thực tế, có nhiều lỗ hổng lớn, khiến nhiều khi người được bầu lại là người thật tệ hại trong nghệ thuật an bang tế thế, nhưng thành công vì tài múa mép nói láo và thủ đoạn, cũng như nhờ những mánh mung trong kỹ thuật bầu bán, mua phiếu.

    Trong mô thức dân chủ Mỹ, muốn có ghế ngồi, bất kể ghế lớn, ghế nhỏ, một cái ghế mà ít ai tự nhiên tặng cho mình, cái ghế đó, phải tranh dành với người khác, phải đi tìm hậu thuẫn của dân để dân bầu cho, nghĩa là tặng ghế cho mình. Và muốn cho dân bầu cho mình, phải chứng minh mình hơn những người khác. Đưa đến tình trạng các chính khách phải ra tranh cử và tranh cử bằng hai cách: đấm ngực và hứa cuội.

    Thứ nhất đấm ngực bốc phét, khoe thành tích phịa nếu không phải là hão huyền thì cũng chỉ là phóng đại quá mức. Cho dù là thành tích thật thì việc đấm ngực ầm ầm là việc làm có vẻ lố bịch, hoàn toàn trái ngược với văn hóa Á Đông, chú tâm vào tính khiêm tốn, nhún nhường. Ngay cả trong văn hóa Âu Mỹ, việc đấm ngực thái quá cũng không được kính nể hay hưởng ứng lắm. Đưa đến tình trạng thực tế là những người ra tranh cử muốn thành công, phải biết đấm ngực cho lớn mà không chút e lệ nào. Nếu có một câu có thể tóm tắt được ‘bí quyết thành công’ trong thể chế bầu bán này, thì đó là câu ‘mặt trơ trán bóng’. Càng bốc phét, càng nổ càng dễ ăn tiền. Khiêm tốn, nhún nhường thì chỉ ôm thất bại. Bốc phét bằng thàng tích phịa cũng chẳng sao. Như cụ Biden suốt ngày khoe trước đây đã biểu tình cùng dân da đen đòi dân quyền cho dân da đen, bị cảnh sát bắt tù, cho dù tin này đã bị Washington Post cho là phịa 100%.

    Tóm lại, muốn đắc cử, phải là một thứ siêu... nói láo nhưng mặt dầy, hay trống rỗng kêu to nhất, hay có thể nói thiếu tự trọng nhất, ngay cả giả dối nhất. Người ta thường kể câu chuyện của TT Carter. Ông này có thể nói là một trong những TT có vẻ hiền hòa, phúc hậu, chân thật nhất lịch sử Mỹ. Trên thực tế, ông này là vua giả dối, mần tuồng. Ông có thói quen đi kinh lý, bước từ Tòa Bạch Ốc ra trực thăng chẳng hạn, luôn tự tay xách va-li hành lý nhỏ -carry-on- chứ không cho cận vệ xách giúp. Trên thực tế, theo tiết lộ của một cận vệ, cái va-li nhỏ đó rỗng tếch, chỉ là chuyện màu mè mà Carter muốn biểu diễn cho TV và phóng viên, phổ biến hình ảnh của một TT bình dân thôi.

    Cái sơ hở này đã mang lại cho nước Mỹ ba ông TT mới đây, toàn là những người có vấn đề mồm mép: Obama là vua dẻo lưỡi (nói một đàng làm một nẻo), Trump là vua nổ sảng (đấm ngực khoe nhiều người tham dự lễ tuyên thệ nhất!) và  Biden là vua lừa bịp (loan tin luật xóa nợ sinh viên đã được quốc hội phê chuẩn thành luật).

    Thế nhưng dẻo mép vẫn chưa đủ, vì thực tế vẫn còn cần biết rành thêm về 'thủ tục đầu tiên' tức là tiền đâu.

b) Tiền bạc chi phối

    Năm 2008, Obama là một chính khách vô danh, đã vậy lại còn là da đen khi dân Mỹ chưa hẳn đã sẵn sàng xóa bỏ nạn kỳ thị tới độ bầu một ông da đen lên làm quốc trưởng. Ấy vậy mà thượng nghị sĩ Barack Obama đã đắc cử tổng thống.

    Bài học ai cũng biết là Obama nắm trong tay hai lá bùa hữu hiệu nhất đã mang lại thành công cho ông ta.

    Thứ nhất, đó là một khẩu khí hết sức đặc biệt, một khả năng ăn nói vừa có tính thuyết phục, vừa lôi cuốn, lại dễ hiểu và rõ ràng. Đã vậy, lại có tài đặc biệt, xuất khẩu thành... khẩu hiệu nổ hơn kho đoạn Long Bình mà lại giản dị, hấp dẫn hơn tất cả những những khẩu hiệu màu mè lăng nhăng đầy dẫy trong chính trị. Khẩu hiệu 'nổi' nhất, nghĩa là ăn tiền nhất của Obama chính là "Không có một nước Mỹ xanh hay nước Mỹ đỏ, mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ" ("There is no blue or red America, there is only the United States of America"). Thông điệp của ông cũng là một thông điệp lạc quan theo mô thức Reagan, hãnh diện vì đất nước và yêu nước theo mô thức Kennedy, và nhất là đoàn kết hơn tất cả các tổng thống tiền nhiệm. Thông điệp đại đoàn kết hiển nhiên là ăn tiền nhất vì không làm cho dân da trắng lo sợ một ông da đen làm tổng thống. Trước Obama, đã có vài ông bà đen ra tranh cử TT nhưng đều thất bại vì quá chú tâm vào việc chống kỳ thị, chống da trắng trong mục đích chiêu dụ cử tri da đen mà quên mất họ đã khiến dân da trắng sợ họ, không bầu cho họ. Cái dẻo mép của Obama đã làm lu mờ tất cả những thiếu sót vĩ đại của ông ta như thiếu kinh nghiệm và nhất là quá thiên tả.

    Thứ nhì, tất cả những dữ liệu tích lũy và còn lưu trữ cho thấy sự thành công của Obama, một phần rất lớn nhờ sức mạnh của 'thủ tục đầu tiên'. Theo những thống kê chính thức, Obama khi ra tranh cử đã vận động được một số tiền đúng là chưa từng thấy trong lịch sử vận động chính trị Mỹ: gần 800 triệu đô để dùng vào việc vận động tranh cử như mua các quảng cáo trên báo, trên radio, trên TV, in bích chương, tài liệu, truyền đơn, nhất là tiền thuê chuyên gia cố vấn, các nhân viên trong ban vận động, tiền di chuyển, đi vận động khắp hang cùng ngõ hẻm cả nước,... 

    Tất nhiên, đồng tiền ở đây trên nguyên tắc có vẻ không phải là tiền tham nhũng, mua quan bán tước nhưng trên thực tế, đúng là tiền mua quan bán tước, dùng để tự quảng cáo chính ứng cử viên, cho thiên hạ biết về mình, ủng hộ mình và bỏ phiếu cho mình, đồng thời cũng được dùng để đút lót / đấm mõm nhiều người. 

    Luật Mỹ có giới hạn rất rõ trong việc gửi tiền yểm trợ cho các chính khách để tránh việc mua quan bán tước thật, tuy nhiên trên thực tế, vẫn có cả vạn mánh để lách luật và kiếm tiền. Obama đã không thể nào vận động được cả 800 triệu bạc nếu không dùng những mánh mung kiếm tiền siêu nhất tuy vẫn hợp pháp. Các ứng cử viên thường rêu rao thu được rất nhiều bạc cắc yểm trợ của dân nghèo, nhưng trên thực tế, như trường hợp Obama, hầu hết tiền yểm trợ đến từ các nguồn tiền rất lớn như các nghiệp đoàn, các đại công ty, các đại tài phiệt, và các khối quyền lợi lớn như khối dân Do Thái Mỹ. Do đó, nếu quý vị nghe các chính khách tuyên bố rất hoành tráng là chống nhà giàu, chống các đại tập đoàn, quý vị có thể tin chắc những tuyên bố đó chỉ là bốc phét, lừa thiên hạ vì hầu hết các chính khách đều lệ thuộc rất nặng vào những túi tiền không đáy của các đại gia và đại tổ hợp. Zuckerberg chi cả trăm triệu để lái Facebook qua phe DC; Dorsey bỏ cả trăm triệu ra biến Twitter thành đồng lõa ém nhẹm tin xấu của gia đình Biden; Bezos bỏ cả trăm triệu ra mua Washington Post để cứu sống cái loa phường của DC đang chết dần vì mất khách.

c) Liên minh quyền lợi

    Thể chế dân chủ Mỹ trên nguyên tắc dựa trên những cá nhân ra lãnh đạo, nhưng trên thực tế, lại hoàn toàn dựa trên những điều đình, thương thuyết, trả giá, trao đổi, ... trong hậu trường giữa các cá nhân và các nhóm quyền lợi.

    Đi đến kết quả nhiều khi khá 'phản dân chủ', đi ngược lại mục đích thực thi dân chủ. 

    Khi đảng DC đưa ra 18 ứng cử viên TT năm 2020, thì dân Mỹ quả là rối trí, chẳng biết ai là ai, ai đại diện cho quyền lợi phe phái nào, ai có triển vọng phục vụ cho quyền lợi của mình nhất. Đưa đến tình trạng sau một vài tháng đầu đấu đá, một số ứng cử viên hạng ruồi muỗi lăng nhăng bị loại, trong đó có bà phó tương lai Kamala Harris, trong khi một số khác được 'điều đình' trao đổi để họ được thỏa mãn một vài yêu sách nào đó để tự ý rút lui. Tới khi còn vài ba nhân vật thì đi đến những 'thương thảo' lớn trong hậu trường để tìm một ứng cử viên 'nhất trí đồng thuận' nào đó. Biden được chuẩn nhận với hậu thuẫn của hai khối mạnh nhất trong đảng DC là khối da đen và khối cấp tiến cực đoan của cánh các cụ xã nghĩa Bernie Sanders và Elizabeth Warren.

    Liên minh chính trị là chuyện thường trực trong thể chế nghị trường Tây Âu khi các xứ này luôn luôn có ít ra là nửa tá đảng lớn nhỏ tranh dành quyền lực. Tự nó không có gì sai trái. Tuy nhiên liên minh trở thành 'phản dân chủ' khi các khối quyền lực thông đồng với nhau để chia chác quyền lợi phe phái mà quên quyền lợi cả nước, quyền lợi của toàn dân. Hay liên minh trở nên quá mạnh, chi phối hay xoay chuyển các chính khách mà họ đồng thuận đưa ra như xoay chong chóng, như trường hợp Biden nhà ta. Nhìn vào Biden hiện nay và các chính sách cụ ban hành, không ai không nhìn thấy những ảnh hưởng lớn trong hậu trường của các thế lực thiên tả và thượng tôn da đen.

d) Tam quyền lung lay

    Như đã bàn ở trên, chế độ dân chủ kiểu Mỹ dựa trên căn bản tam quyền phân lập, không lấn át nhau, kiểm soát lẫn nhau, cân bằng nhau. Trên thực tế, đặc biệt là trong hiện tại, cái thế chân vạc 3 chân đó đang lung lay tận gộc rễ.

    Thực tế chính trị Mỹ đặc biệt là từ thời TT Nixon tới nay, hai chính đảng đã đánh nhau chết bỏ, tranh dành nhau chiếm hành pháp và lập pháp, để rồi dùng đó làm công cụ chiến tranh chính trị không tương nhượng, với quyền lợi phe phái đứng trên quyền lợi cả nước và toàn dân. Tình trạng đấu đá đó, đặc biệt dưới thời Biden hiện nay, đã sa sút nặng thêm, đưa đến tình trạng cả hai đảng tìm cách kéo cái ngành thứ ba, là Tư Pháp về phía mình, thậm chí, còn muốn biến tư pháp thành vũ khí phe phái chính trị luôn.

    Khi phe DC thấy mình ở thế thiểu số trong Tối Cao Pháp Viện, thì họ loay hoay tìm cách cải tổ cơ quan này, gia tăng số thẩm phán để phe cấp tiến DC có thể chiếm thế đa số trong TCPV. Thất bại không thay đổi cơ chế được thì phe DC quay qua đánh cá nhân, như đang tới tấp đánh thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas, hy vọng loại ông này để Biden có dịp bổ nhiệm thẩm phán cấp tiến vào Tối Cao Pháp Viện.

    Tình trạng lên tới cao điểm phe phái khi bộ Tư Pháp của Biden công khai dùng FBI, các công tố tiểu bang, các quan tòa tiểu bang, làm công cụ chính trị, truy lùng và tìm cách bắt nhốt Trump, hay ít nhất loại trừ Trump ra khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, tố Trump đủ loại tội, bất chấp mọi thủ tục pháp lý hiện hữu. Công tố tiểu bang New York, thay vì lo trật tự an ninh cho dân tiểu bang, thì lại tập trung mọi nỗ lực đi lùng bắt Trump, một tổng thống liên bang, hoàn toàn ngoài phạm vi quyền hạn của tiểu bang.

    Nhưng nguy hiểm hơn cả là đã có trường hợp cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp cùng đảng, thông đồng với nhau để bảo vệ quyền lợi đảng như ta đã thấy ở Pennsylvania chẳng hạn khi tiểu bang này sửa đổi luật bầu TT bằng thư để giúp Biden thắng cử trong danh chính ngôn thuận.

e) Dân trí xuống dốc

    Thể chế dân chủ Âu Mỹ có thể nói hoàn toàn dựa trên tiền đề là người dân có trình độ dân trí rất cao, hiểu rõ nhu cầu của mình, hiểu rõ cách guồng máy dân chủ vận hành, hiểu rõ những chính sách, luật lệ do các chính khách ban hành có những hậu quả như thế nào trên cuộc sống của họ, cũng như hiểu rõ con người các chính khách ra xin phiếu là những người như thế nào, nói thật hay nói láo, hứa thật hay hứa cuội, có khả năng thật sự hay không, đáng tin tưởng hay không.

    Nhìn chung, hiển nhiên đây là những đòi hỏi quá đáng, rất thiếu thực tế. Vì thực tế, ít khi người dân có đầy đủ những hiểu biết đó. Nhất là dân các xứ gọi là tương đối chậm tiến như Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ. Đó chính là điểm mà các ông Lý Quang Diệu và Phác Chánh Hy đã nêu lên, như khuyết điểm của thể chế dân chủ theo mô thức Âu Mỹ. Không phải trình độ dân trí của dân xứ nào cũng đủ để có dân chủ thực sự. Khi cái tiền đề, cái điều kiện ắt có và cần có mà lại không có, thì cái thể chế đó không thể áp dụng được.

    Các chế độ độc tài, đặc biệt là các chế độ phát xít và CS, đã hoàn toàn vịn vào cái cớ này, khai thác tối đa để biện giải cho chính sách nắm quyền độc đoán nhất của họ. Nôm na ra, dân cả nước u mê ngu dốt, chỉ có nhóm lãnh đạo là họ, đảng của họ là thông minh sáng suốt, nên có quyền nắm quyền điều khiển vận mạng đất nước. Và vai trò của những người 'thông minh' đó là dẫn dắt khối quần chúng u mê, gọi là dân chủ có chỉ đạo, có hướng dẫn. Như VC thường rêu rao, "đảng giới thiệu, dân bầu".

    Ở Mỹ, trình độ dân trí cao hơn, nhưng lại bị chi phối bởi truyền thông, là một 'ngành' đặc biệt, không phải là một định chế có tổ chức, có trách nhiệm, được kiểm soát kỹ càng trong luật lệ, nên thường ô hợp và... vô trách nhiệm. Nhưng lại có vai trò và ảnh hưởng thực tế lớn quá mức, nhiều khi gây hại thật lớn cho dân, cho nước. Cái nguy hại của khối truyền thông đó là khối này đã dần dần biến thái, từ vai trò thông tin thuần túy, mở mang dân trí, đã biến đổi thành loại loa phường tuyên truyền một chiều cho một khuynh hướng chính trị. Miền Nam ta bị mất, một phần không nhỏ vì cái tuyên truyền một chiều của truyền thông Mỹ thời đó. Truyền thông Mỹ ngày nay, không ai còn dám nói là ngành thông tin trung thực, công tâm nữa, vì ai cũng biết đó chính là công cụ chính trị mà phe cấp tiến cực đoan đang khai thác. 


    Những lỗ hổng nêu trên cho thấy rõ ràng thể chế dân chủ kiểu Bác Sam chưa hoàn hảo, còn quá nhiều lỗ hổng. Thực tế mà nói, cái thể chế đó trước đây đã sản xuất ra nhiều vĩ nhân lớn cho đất nước này, từ George Washington tới Thomas Jefferson tới Abraham Lincoln, và gần đây hơn Franklin Roosevelt, Eisenhower, Reagan,... Nhưng thời gian sau này, đã ... 'đổ đốn', mang lại cho nước Mỹ những lãnh đạo gây nhiều tai tiếng và tranh cãi, từ ông thiếu đạo đức Clinton tới ông cao bồi làng Bush con, ông óc rỗng lưỡi dẻo Obama, ông thần tranh cãi Trump, và cụ lẩm cẩm Biden. 

    Cái đáng nói là các lãnh tụ cầm quyền thấy rõ những thiếu sót đó, nhưng thay vì tìm cách bít lỗ hổng, sửa sai, thì trái lại, đều tìm cách khai thác những kẽ hở đó sao cho mình được lợi thế hơn đối thủ, bất chấp quyền lợi lâu dài của dân và nước.

   Thời buổi internet này khi mà người dân biết rõ tin tức, hiểu biết hơn bao giờ hết, đắc cử trong phòng phiếu không có nghĩa là sẽ được chấp nhận vô điều kiện. Vấn đề quan trọng là đắc cử làm sao để người dân tôn trọng và chấp nhận.

    Thể chế dân chủ trong đó dân bầu lãnh đạo, dĩ nhiên là ưu việt, tốt hơn xa tất cả những thể chế chính trị mà nhân loại đã thử nghiệm trong mấy ngàn năm qua, nhưng vẫn chưa hoàn hảo, vẫn cần nhiều chỉnh sửa. Những vụ nổi loạn như ở Mỹ ngày 6/1/2021 hay ở Brazil mới đây, đó chính là ... Ý DÂN, mà các chuyên gia lãnh đạo chính trị cần suy gẫm để hiểu rõ vấn đề và chỉnh sửa. Dùng công an và cảnh sát đi bắt rồi xử án cuội theo mô thức Đức Quốc Xã hay CS sẽ chỉ đào sâu hơn những sai lầm. Ngay cả dùng FBI hay bộ Tư Pháp hay cả hạ viện để đàn áp đối lập cũng là những sơ hở vĩ đại cần phải bít lại.

   Như Diễn Đàn Trái Chiều đã bàn qua mới đây, việc chính quyền Biden đang lùng bắt những người tham gia biểu tình ủng hộ TT Trump ngày 6/1/2021 cũng là một lỗ hổng được khai thác để đàn áp đối lập, bịt miệng dân. Nếu người dân không phục người được bầu, vì lý do nào đó, kể cả gian lận bầu cử, nổi dậy, biểu tình hoàn toàn trong ôn hòa, ngoại trừ một vài người đập phá một cửa sổ quốc hội, sao lại phải rượt theo truy tố, phạt án nặng nhất cả ngàn người? Một cụ già gần tám bó, lẩm cẩm, con rối của cánh thiên tả muốn mang nước Mỹ xuống hố xã nghĩa, đắc cử trong một đám mây đen đặc, khét lẹt mùi gian lận đủ kiểu, dân không phục có gì lạ? Sao không được phản đối?

    Vấn nạn là trước tai họa đó, dường như thể chế dân chủ theo mô thức Mỹ không có giải pháp cần thiết có thể áp đụng để sửa sai ngay, vẫn tùy thuộc phần lớn vào những yếu tố như dẻo lưỡi, sức mạnh của đồng tiền, nghệ thuật thương thảo liên minh của các thế lực. Dĩ nhiên chưa kể khả năng gian lận bầu bán.


ĐỌC THÊM:

Dân mất tin tưởng vào các dân cử - Tipp & Insigths:

https://tippinsights.com/elected-officials-no-longer-reflect-views-values-of-average-voters-i-i-tipp-poll/

-----------------

PHẢN ỨNG VỀ BÀI TUẦN RỒI "TÔI CHỐNG VIỆC ỦNG HỘ UKRAINE"

    Bài bình luận tuần rồi đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người lên tiếng ủng hộ quan điểm của kẻ này. Cũng có nhiều lập luận không đồng ý, nhưng nghiêm chỉnh đáng đọc và suy nghĩ, nhưng cũng nhiều sỉ vả lăng nhăng chỉ biểu diễn được trình độ thấp kém không cao hơn những chửi bới cá nhân rẻ tiền vu vơ kiểu như chửi Vũ Linh này "điên khùng, xạo láo, ngớ ngẩn, bịnh thiệt, con ếch oạp ạp to mồm,..." hay "ba phải, chả tri thức mà cũng không trí thứcđầu óc già nua, sơ cứng, ra vẻ ta đây hiểu biết nhiều", rồi sau khi sỉ vả cho sướng miệng, lớn lối "khuyên bình luận gia nên công tâm" (nhận định của một ông ký tên 'MD'!) 

    "Ra vẻ ta đây"? Xin lỗi, tôi chưa bao giờ khoe bằng cấp "ra vẻ ta đây" là bác sĩ hiểu biết hết. Kẻ này thật sự không hiểu tại sao có một nhúm bác sĩ, lúc nào cũng khư khư khoe bằng MD trong bất cứ dịp nào, làm như thể bác sĩ chữa cảm cúm đều như Khổng Minh hết, chuyện trên trời dưới đất gì cũng chỉ cần khoe mẽ cái bằng MD là thiên hạ phải phục lăn ra hết, rồi tự cho mình quyền "khuyên" răn người khác cho dù chẳng ai cho ông ta cái quyền "khuyên" bất cứ ai bất cứ chuyện gì. Rõ chán! MD mà chỉ có khả năng viết ba câu chửi nhảm thôi sao? Đáng buồn! Đi về lo chữa bệnh cảm cúm đi ông ơi! Phản biện quan điểm nghiêm chỉnh đáng đọc, miệt thị cá nhân vu vơ chỉ đáng vào thùng rác, cho dù là của MD!

    Xin phép được tóm gọn lại quan điểm của kẻ này: tôi không ủng hộ việc tiếp tục sống chết với Ukraine "as long as it takes" như Biden khẳng định, vì 3 lý do:

- Thứ nhất, tôi chống một 'chính sách' ủng hộ Ukraine vô điều kiện, vô giới hạn, vô sách lược, qua một chi phiếu trắng lấy từ tiền thuế thiên hạ đóng, mà không ai thấy ánh sáng cuối đường hầm, trong khi dân Mỹ phải trả giá lớn qua tăng giá nhiên liệu, tăng giá nhu yếu phẩm toàn diện qua lạm phát, và tăng thuế. Câu hỏi lớn là tham chiến trong tình trạng vô sách lược này, lịch sử đã chứng minh chỉ có hai lối đi cuối cùng: 1) nhẩy thẳng vào chiến trường khi thấy Ukraine có vẻ thua, gửi thanh niên Mỹ -con cháu các cụ đấy- vào chiến trường chết cho Ukraine, như TT Johnson đã làm tại Nam VN; 2) hay là bỏ của chạy lấy người như đã thấy tại Afghanistan dưới thời Biden.

- Thứ nhì, tôi có nhiều bạn bè chết vì súng đạn do Ukraine sản xuất, nên không cảm thấy có thể ủng hộ Ukraine tới chết, cho dù Ukraine bây giờ không phải là Ukraine của nửa thế kỷ trước. Các cụ vẹt làm ơn đừng giảng dạy Ukraine trước kia trực thuộc Liên Bang Xô Viết vì chuyện này thằng nhóc chăn trâu ở Cà Mau cũng biết rồi.

- Thứ ba, Ukraine từ ngày độc lập tới trước khi bị Nga đánh, là đồng minh quân sự lớn nhất của Hà Nội, viện trợ quân sự mạnh nhất cho chế độ VC mà tôi không ủng hộ. Tôi không muốn phục hồi lại sức mạnh của Ukraine để Ukraine tiếp tục giúp Hà Nội thành đại cường quân sự Á Châu. Bạn thân của kẻ thù, giúp kẻ thù của tôi thì không bao giờ tôi ủng hộ được. Ai muốn "xoá bỏ hận thù" với VC, quên quá khứ, cứ việc, đừng bắt tôi theo. 

    Đó là quan điểm cá nhân muốn chia sẻ cùng quý độc giả. Ai muốn ủng hộ Ukraine "as long as it takes" như Biden nói, cứ việc, không cần phải khua trống khỏa lấp, sỉ vả kẻ này để tự bào chữa.