Pages

Friday, June 2, 2023

BÀI 284: TRANH CÃI CÔNG NỢ

    Cả hai chính đảng DC và CH đang sôi nổi về tranh cãi công nợ trong khi dân cả nước ngó lơ, mắc bận lo đi chơi nhân dịp ba ngày nghỉ cuối tuần nhờ lễ Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Memorial Day.

    Trong cả tuần lễ cuối tháng Năm, Biden và chủ tịch hạ viện, dân biểu CH Kevin McCarthy giao chiến trên đỉnh Hoa Sơn về cái gọi là trần nợ -debt ceiling-, nghĩa là quốc hội cho phép chính quyền Mỹ đi vay mượn tới mức tối đa nào? Tin mới nhất, hai bên đã đạt được thỏa thuận, và lưỡng viện đã phê chuẩn.

    Kịch bản cũ mèm, đã được trình diễn không biết bao nhiêu lần.

   Trên nguyên tắc, ngân sách và công nợ của Nhà Nước phải được quốc hội, đặc biệt là hạ viện, phê chuẩn dựa trên kế hoạch của hành pháp, nhưng dưới các chính quyền DC, luôn luôn ngân sách bị thâm thủng nặng bất kể giới hạn của quốc hội vì Nhà Nước vung tiền qua cửa sổ quá mức. Mỗi lần như vậy, Nhà Nước hết tiền, lại phải đi vay qua việc bán công khố phiếu. Mà mỗi lần đi vay, nếu vượt quá mức trần quốc hội cho phép, lại phải xin phép quốc hội nâng mức trần. Mỗi lần như vậy là hai bên lập pháp và hành pháp lại phạng nhau chí tử, đặc biệt là khi một viện quốc hội trong tay một chính đảng trong khi Tòa Bạch Ốc trong tay đảng kia, để rồi cả mấy chục năm nay, hầu như Mỹ không có ngân sách thường niên, mà chỉ toàn là ngân sách tạm vài tháng để guồng máy chính quyền tiếp tục vận hành, trong khi chờ đợi hai bên cãi nhau rồi thỏa thuận tăng mức công nợ, đi vay thêm.

    Tình trạng hiện tại cũng không khác. 

    Theo ước tính của bà Janet Yellen, bộ trưởng Ngân Khố, công nợ hiện nay sẽ đạt mức quốc hội cho phép 31.500 tỷ vào đầu tháng Sáu -"early June", chính xác theo bà Yellen là ngày 5 tháng 6. Do đó Tòa Bạch Ốc phải điều đình với quốc hội, xin phép tăng mức trần của công nợ để có tiền chi tiêu, nhất là có tiền trả tiền lãi gần 32.000 tỷ công nợ, nếu không sẽ khó đi vay mượn trong tương lai, hay sẽ phải trả tiền lãi cao hơn.

    Trước khi có thỏa thuận, cuộc điều đình hiện nay đã gặp trở ngại lớn khi hạ viện trong tay CH, đã ra điều kiện: chấp nhận tăng giới hạn công nợ với điều kiện kèm theo giới hạn chi tiêu của hành pháp. Chính quyền Biden khăng khăng không chấp nhận giảm hay giới hạn chi tiêu. 

    Ở đây, phải nói ngay, lập trường của Biden không phải là của riêng ông ta, mà đó là quan điểm chung của cả khối cấp tiến từ hồi nào tới giờ, luôn luôn chủ trương vung tiền ra nuôi kinh tế, bất cần biết công nợ nhiều hay ít. Khối cấp tiến tin tưởng Nhà Nước vung tiền ra, bất kể dưới hình thức trợ cấp hay các dự án vĩ đại tốn bạc ngàn tỷ, kinh tế sẽ phát triển mạnh, cả nước phồn vinh, dân giàu có, và Nhà nước sẽ có dịp thu thuế bộn, dư tiền trả nợ và giảm thâm thủng ngân sách. Điều không nói ra là phe DC hiểu rất rõ vung tiền trợ cấp là cách hữu hiệu nhất để mua phiếu của 'dân nghèo'. Lại một mặt trái của thể chế dân chủ ma-dzê in USA. Đó mới chính là lý do thật sự của việc tung tiền, chứ việc tung tiền để phát triển kinh tế, giảm thâm thủng ngân sách chỉ là chuyện lý thuyết bá láp gọi là neo-keynesian economics, là lý thuyết kinh tế theo đó Nhà Nước đóng vai trò đầu tầu xe lửa, đốt tiền cho xe lửa chạy, chưa bao giờ thực hiện được. Ngoại trừ trong thời hậu thế chiến II khi kinh tế cả thế giới bị chết cứng vì những tàn phá của thế chiến trong khi khu vực tư doanh cũng đã bị thế chiến giết chết từ lâu rồi.

    Phe CH trái lại, tin tưởng vào một ngân sách cân bằng, Nhà Nước càng tiêu xài ít, càng mắc nợ ít càng tốt, gánh nợ càng nặng càng mệt cho dân trong hiện tại và trong các thế hệ con cháu tương lai, trong khi vung tiền quá trán chỉ đưa đến lạm phát, vật giá leo thang như thực tế ta đang thấy từ ngày Biden nhậm chức. Nhưng phe CH cũng hiểu rất rõ cản việc tung tiền trợ cấp của phe DC sẽ mang họa vào thân mà không cản cũng mang họa luôn vì dân 'nghèo ' được trợ cấp lại càng ủng hộ DC mạnh hơnThực tế mà nói, phe CH hy hữu lắm có thể đạt được giấc mơ công bằng ngân sách, nhưng ít ra thì họ cũng muốn siết hầu bao, chấp nhận gia tăng chi tiêu, nhưng với mức gia tăng chậm hơn xa mức phe DC mong muốn. Phe CH cũng lo ngại đến một lúc nào đó, Mỹ nợ nần quá độ, sẽ không thể trả nợ nổi. Cho dù kinh tế có phát triển, cũng không theo kịp mức tăng của công nợ.

   Châm ngôn thường ngày của Mỹ: không có bữa ăn nào miễn phí hết. Công nợ cũng không miễn phí, cũng phải trả tiền lãi cho chủ nợ. Vì sức mạnh của kinh tế Mỹ, thế giới tin vào khả năng trả nợ của Mỹ nên nợ của Mỹ rất an toàn, lãi suất trên công nợ Mỹ qua công khố phiếu Mỹ rất thấp, trước đây dưới 1%, bây giờ, sau những tăng lãi suất liên tục của Nhà Nước Mỹ để chặn lạm phát, đã lên tới trên 2%. Nhìn vào 1%-2%, thấy có vẻ quá nhỏ, nhưng thật ra không nhỏ. Công nợ của Mỹ hiện nay đã xấp xỉ 32.000 tỷ đô, 2% lãi vị chi là 640 tỷ đô một năm, chỉ tiền lãi không. Tính nhẩm ra, Nhà Nước Mỹ phải trả tiền lãi 1,8 tỷ hay gần 2 tỷ đô mỗi ngày. Tiền vốn trên thực tế chẳng bao giờ được trả, mà chỉ là thay thế bằng nợ mới thôi.

    Không trả nợ nổi sẽ đi đến hậu quả gì? Nếu không trả nổi tiền lãi trên công nợ thì mức khả tín tín dụng của nước Mỹ sẽ bị hạ trên thị trường tài chánh thế giới, nghĩa là muốn đi vay, sẽ phải trả tiền lãi cao hơn nữa. Dĩ nhiên cao hơn bao nhiêu tùy mức trầm trọng của việc thiếu tiền lãi không trả, nhưng cứ tính đổ đồng thì lãi suất mỗi lần tăng 1%, Nhà Nước sẽ phải trả thêm trên dưới một hai tỷ đô tiền lãi mỗi ngày.

    Trên nguyên tắc, nếu hai phe DC-CH không đi đến thỏa thuận nào, thì có nghĩa là 5 tháng 6 này, Nhà Nước hết tiền trong ngân sách, không đi vay mượn đâu được, nên guồng máy hành chánh Nhà Nước sẽ hết tiền trả lương, không trả nổi mọi chi tiêu,... nên sẽ phải 'đóng cửa', ngưng hoạt động, hay ít nhất ngưng những công tác không thật cần thiết. Nhưng thực tế, quý vị không cần phải quá lo vì rồi sau ít ngày so găng, hai bên cũng phải đi đến thỏa thuận tạm thời nào đó, lương không trả sẽ lại nhận được hồi tố, như ta đã thấy xẩy ra nhiều lần trong các thời TT trước đây. Trong cuộc chiến hiện nay hai bên đã đi đến thỏa thuận, sẽ không có chuyện Nhà Nước 'đóng cửa' lâu dài. Sự thật phũ phàng, chuyện tranh cãi công nợ, Nhà Nước đóng cửa, chỉ là những màn hai bên đánh phé cuội, tháu cáy giả cho đám dân ngu khu đen chúng ta xem chơi cho vui, hay chính xác hơn để dụ khị chúng ta khi chúng ta đứng trong phòng phiếu.

    Ở đây, phải nói thêm cho rõ. Quý vị và tôi, hết tiền là hết tiền thật, không còn xu nào xài. Nhà Nước hết tiền khác xa. Vẫn còn rất nhiều tiền, nhưng chỉ là luật pháp không cho xài. Nhưng luật cũng hiểu có những nhu cầu chi tiêu không có không được, nên vẫn cho phép Nhà Nước xài, như tiền quốc phòng, an ninh trật tự công cộng, giáo dục,... vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, tiền già SSA và tiền bệnh SSI sẽ không được trả, trong khi Nhà Nước sẽ ngưng bồi hoàn tiền bảo hiểm y tế Medicare, Medicaid cho các nhà thương và bác sĩ, do đó, có thể sẽ có nhà thương hay bác sĩ tạm ngưng nhận Medicare và Medicaid, và những người bệnh sẽ phải móc tiền túi ra trả trong trường hợp khẩn cấp phải chữa trị và trả tiền liền.

    Cuộc chiến ngân sách/công nợ giữa hai chính đảng DC-CH chẳng có gì mới lạ, thế nhưng cho đến nay chẳng có dấu hiệu nào sẽ chấm dứt trong tương lai. Giỏi lắm là ta chỉ có những thỏa thuận vá víu, như vừa thấy, có giá trị cho một hai năm nếu hai bên tôn trọng cam kết, nếu không, chỉ giá trị một vài tháng, kiểu như hưu chiến vài tháng để rồi sau đó, cuộc chiến tái phát mạnh gấp bội.

    Đưa đến thỏa thuận mới nhất: Không ấn định mức thuế trần cho tới cuối tháng Giêng 2025, nghĩa là công nợ tha hồ tăng vô giới hạn cho tới sau ngày bầu cử tổng thống năm 2024; về những chi tiêu gọi là non-discretionary non-defense spending, tức là những chi tiêu không bắt buộc không thuộc phạm vi quốc phòng, sẽ giữ gần như nguyên trạng mức chi tiêu hiện nay là 638 tỷ tức là sẽ giảm đúng một tỷ xuống còn 637 tỷ cho năm 2024, và tăng lại 1% (hơn 6 tỷ) cho năm 2025; ngưng xuất quỹ số tiền 30 tỷ trợ cấp COVID còn dư, chưa xài; chi tiêu quốc phòng chỉ được tăng 3% trong hai năm tới.

    Ở đây, xin phép mở ngoặc giải thích một chút về chi tiêu của Nhà Nước.

    Trên căn bản có hai loại chi tiêu, Mỹ gọi là discretionary và non-discretionary, nghĩa là chi tiêu 'tùy hỷ' (discretionary) và chi tiêu bắt buộc (non-discretionary). Những chi tiêu bắt buộc là những chi tiêu không có không được như chi tiêu quốc phòng, tiền già SSA, tiền trợ cấp cho người khuyết tật SSI, tiền bồi hoàn bảo hiểm y tế cho người già -medicare- và người lợi tức thấp medicaid, tiền lãi phải trả trên công nợ,... Chi tiêu 'tùy hỷ' phần lớn là tiền trợ cấp, tiền cho các dự án vớ vẩn như các dự án bảo vệ môi trường, năng lượng sạch,...

    Nhìn sơ qua, thấy thỏa thuận có vẻ như thắng lợi lớn của phe bảo thủ CH, kềm hãm được những chi tiêu ưu tiên của khối cấp tiến cực đoan hay có tính mị dân mua phiếu cử tri.

    Cụ Biden, y chang theo mô thức bốc phét trong máu, đã huyên hoang tuyên bố "Tôi đã đạt được thỏa thuận mà không cần nhượng bộ một ly nào". Muốn biết sự thật, chỉ cần mở tờ báo loa phường New York Times, sẽ biết ngay:

   NYT lo ngại Biden đã nhượng bộ quá nhiều!

  Nhưng quý vị không cần tin NYT đâu. Hãy đọc thư của Tòa Bạch Ốc gửi ngay sau khi đạt được thỏa thuận cho các vị dân cử DC, bào chữa những nhượng bộ của Biden: "Thỏa thuận này là một tương nhượng, nghĩa là không phải tất cả mọi người đều đạt được những gì mình muốn" (The agreement represents a compromise, which means not everyone gets what they want). 

  Nói trắng ra, cụ Biden có nhượng bộ, chứ không phải "không nhượng bộ một ly nào" như Biden bốc phét. Báo chí loa phường nêu ra những nhượng bộ của Biden:

   - Trước hết, cánh cấp tiến cực đoan đòi Biden viện dẫn Tu Chánh Án 14 độc quyền tăng công nợ không cần ý kiến của đối lập CH, tức là bác bỏ tất cả mọi yêu sách của phe CH, tăng chi tiêu và công nợ thả giàn, vô giới hạn. Nhưng Biden đã nhượng bộ, không làm vậy, mà phải điều đình và tương nhượng. Thật ra, cụ Biden biết chắc nếu viện dẫn TCA 14, phe CH sẽ thưa kiện, sẽ kéo dài cuộc tranh cãi cả tháng, cả năm, mà chưa chắc cụ đã thắng. Theo giáo sư luật Jonathan Turley, những người hô hào viện dẫn TCA 14 chỉ là những chính trị gia mù tịt về luật Hiến Pháp.

    - Thỏa thuận là một thất bại cho cánh cấp tiến cực đoan khi Biden chấp nhận không tăng thuế 'nhà giàu' như đã hứa, không giảm giá thuốc insulin chống tiểu đường, cắt giảm một tỷ trong dự tính chi tiêu để mức chi tiêu gần như không thay đổi trong năm tới và gia tăng chỉ có 1% trong năm 2025, giảm hơn 21 tỷ trong ngân sách của IRS để thuê thêm thanh tra từ 80 tỷ xuống còn dưới 60 tỷ, gia tăng tuổi phải đi làm nếu muốn nhận phiếu thực phẩm từ 49 tuổi hiện nay lên tới tuổi 54 (nghĩa là tới tuổi 54, nếu không đi làm sẽ không được nhận phiếu thực phẩm) tuy không áp dụng cho cựu quân nhân. Sự thật, tất cả những 'nhượng bộ' trên chỉ là những tiểu tiết, ngoại trừ việc tăng thuế 'nhà giàu' mà cụ Biden hù doạ nhưng biết tỏng là sẽ không thực hiện được.

    Một trong bốn dân biểu DC trong nhóm Tứ Quái, bà Pramila Jayapal cho biết bà sẽ biểu quyết chống vì Biden nhượng bộ qua nhiều, và bà cũng không thấy thỏa thuận đó có điểm nào 'giúp dân nghèo'.

    Nhưng cụ Biden không phải là người duy nhất bị chất vấn. Phiá CH thiên hữu, nhất là cánh MAGA, đã bất mãn với chủ tịch hạ viện McCarthy ra mặt. Như bà dân biểu MAGA Lauren Boebert đã công khai tuyên bố sẽ biểu quyết không chấp nhận. Theo cánh này, những đòi hỏi với Biden quá ít, nghĩa là những nhượng bộ của ông McCarthy là quá đáng, chẳng hạn như chỉ giảm chi tiêu có một tỷ, không giảm chi tiêu trong năm 2025, mà còn cho phép tăng 1% hay hơn 6 tỷ qua năm 2025, không cắt hết 80 tỷ phụ chi cho ngân sách IRS, chỉ gia tăng tuổi phải đi làm để nhận phiếu thực phẩm trong khi phe hữu đòi bắt buộc tất cả mọi người phải đi làm, nếu thiếu mới được xin phiếu thực phẩm,...

    Thượng nghị sĩ CH của Texas, Ted Cruz cho biết sẽ không biểu quyết chấp nhận thỏa thuận vì trên căn bản, phe DC vẫn được tất cả những gì họ đòi hỏi, chỉ ít hơn một chút, chẳng nhượng bộ bao nhiêu.

    Ý kiến riêng của kẻ này

   Thỏa thuận này, sau một tuần 'gió tanh mưa máu' giữa tổng thống và chủ tịch hạ viện trên đỉnh Hoa Sơn, thấy giống như một trò diễu dở, kiểu con voi đẻ ra con chuột nhắt, với quyết định cho phép Biden đi vay nợ thả giàn trong khi những biện pháp giới hạn chi tiêu yếu xìu. Gọi là thỏa thuận về mức trần của nợ công mà cuối cùng lại không ai thấy mức trần mới là bao nhiêu, vì thật ra đã không có mức trần mới nào hết. Cụ Biden đã thật sự bốc phét khi nói cụ đã chẳng nhượng bộ một ly nào, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận cụ đã không nhượng bộ bao nhiêu so với những nhượng bộ khổng lồ của phe CH dưới sự mặc cả của chủ tịch hạ viện McCarthy.

- Công nợ đã lên tới mức khó trả là gần 32.000 tỷ, sẽ tha hồ tăng không còn giới hạn trong hai năm tới. Thỏa thuận chính đáng đúng ra phải giới hạn mức công nợ về số lượng cụ thể cũng như về thời hạn, chẳng hạn như cho tăng công nợ lên tới 33.000 tỷ trong 6 tháng. Đằng này ông McCarthy đồng ý không ấn định mức trần mới của công nợ bằng những con số cụ thể trong cả hai năm trời. Nhiều chuyên gia ước lượng mức công nợ sẽ vượt qua 35.000 tỷ hay hơn nữa khi thỏa thuận này hết hạn vào đầu năm 2025. Trong quá khứ, mức nợ trần luôn luôn được ghi rõ bằng những con số cụ thể:

- Thỏa thuận có giá trị tới đầu 2025, nghĩa là tới sau bầu cử 2024, giúp cụ Biden, đảng DC và cả đảng CH, chẳng ai phải trả lời trước công luận về chuyện công nợ trong mùa vận động tranh cử. Lưỡng lợi cho cả hai đảng. Chỉ hại cho dân lãnh nợ sẽ phải trả tới mấy đời con cháu.

- Những chi tiêu gọi là không cần thiết không thuộc phạm vi quốc phòng -non-defense discretionary programs sẽ giảm MỘT tỷ, trong khi toàn bộ những chi tiêu này chỉ lên tới đâu 15% ngân sách, nghĩa là phần 85% chi tiêu còn lại vẫn có quyền gia tăng mút chỉ. Chi tiêu quốc phòng đã lên tới hơn 800 tỷ, ai biết được sẽ tăng thêm bao nhiêu. Thỏa thuận có ghi chi tiêu quốc phòng sẽ được phép gia tăng 3% trong hai năm tới, sự thật như thế nào, ta chờ xem. Đặc biệt là không có một chữ nào về quân viện cho Ukraine, tức là cả hai bên DC và CH vì lý do chính trị mị dân đều không dám nghĩ tới chuyện ngưng hay giảm quân viện cho Ukraine. Nhất là sau khi Biden đã cam kết quân viện cho Ukraine "as long as it takes". 

- Cả Biden lẫn McCarthy đều khẳng định thỏa thuận là chuyện sinh tử, vì nếu không, Nhà Nước sẽ không có tiền trả tiền lãi trên công nợ, và phải khai phá sản, hay ít nhất cũng sẽ lãnh khủng hoảng lớn. Bá láp! Nếu vấn đề chỉ là trả tiền lãi trên công nợ, thì hai bên chỉ cần thỏa thuận tăng công nợ lên vài chục hay vài trăm tỷ để trả, rồi ngay sau đó, bắt đầu giảm chi tiêu là xong. Hay chỉ cần lấy 30 tỷ trong số tiền cứu trợ COVID chưa xài, cũng đủ để trả tiền lãi từ ba tuần tới một tháng, không cần phải có quyền đi vay vô giới hạn trong cả hai năm tới.

- Ngân sách hiện nay đang thâm thủng cỡ 1.000 tỷ một năm, trong khi thỏa thuận không có một chữ nào về chuyện giảm thâm thủng. Ngân sách thâm thủng sẽ bắt buộc Nhà Nước phải đi vay để có tiền xài, trong khi đồng đô sẽ giảm giá trị trên thị trường quốc tế, Mỹ mua hàng nhập cảng sẽ trả giá cao hơn, nghĩa là lạm phát sẽ gia tăng trong nước.

- Không đả động gì đến những đại dự án khổng lồ trong hai bộ luật tu bổ hạ tầng cơ sở và giảm lạm phát, nghĩa là Biden vẫn ung dung chi tiền cho các dự án khổng lồ về môi trường xanh, năng lượng sạch, ...

- Không đả động gì đến trợ cấp thất nghiệp, nghĩa là đòi hỏi của phe CH bắt thiên hạ phải đi làm, vạn bất đắc dĩ nếu không tìm ra việc làm hay nếu bị đau yếu không tìm ra được, thất nghiệp mới được lãnh trợ cấp, đã biến mất, nghĩa là phe DC có quyền tha hồ tung trợ cấp thất nghiệp cho đám dân lười biếng, thích ở nhà ăn BBQ, uống bia và sanh đẻ hơn là đi làm, để đám này đi bỏ phiếu cho đảng DC.

- Thỏa thuận cũng không đả động nhiều đến ngân sách quốc phòng tuy sẽ cho gia tăng thêm 3%, dường như để có quỹ dự phòng để tăng quân viện cho Ukraine.

- Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội ước tính thỏa thuận sẽ giảm chi tiêu tới hơn 2.100 tỷ trong 10 năm tới. Nghe thật hấp dẫn, cho đến khi hiểu rõ vấn đề.

[https://www.breitbart.com/politics/2023/05/29/largest-deficit-reduction-bill-in-history-official-estimate-shows-debt-deal-cuts-more-than-2-1-trillion-in-spending/]. 

    Thứ nhất đây chỉ là giảm chi tiêu, tức là chi tiêu vẫn mạnh, nhưng chỉ là bớt đi thôi. Thứ nhì, đây là tiết giảm trong một chục năm. Thứ ba, tiết giảm này được chiết tính với hai điều kiện: một là không tăng chi tiêu 'không cần thiết không thuộc phạm vi quốc phòng' trong hai năm 2024-2025, và hai là sau đó chi tiêu giới hạn trong vòng bốn năm tiếp theo nếu phe CH tiếp tục giữ đa số trong hạ viện và thượng viện, đồng thời chiếm luôn được cả Tòa Bạch Ốc cuối năm 2024 để kềm chế chi tiêu. Nếu phe CH không đạt được những chiến thắng đó, thì các ước đoán đều trôi sông. Ai dám bảo đảm CH sẽ giữ thế đa số trong hạ viện trong 6 năm tới, trong khi mỗi hai năm lại bầu lại toàn thể hạ viện? Ai dám bảo đảm CH sẽ chiếm lại thượng viện và Toà Bạch Ốc trong cuộc bầu 2024? Dĩ nhiên là có giảm chi tiêu còn hơn không, nhưng dĩ nhiên không kém là giảm quá ít, như muối bỏ biển.

- Cái lợi duy nhất của thỏa thuận là giúp Biden có tiền trả nợ, nước Mỹ không phải khai phá sản và Nhà Nước Mỹ không bị đóng cửa. Nói trắng ra, giúp phe DC tiêu xài thả giàn, đi vay mượn như Chúa Chổm, mà không lãnh búa hậu quả nào, mà lại có quyền đi vay thả giàn tiếp tục. Đâu là giới hạn? 

   Nhìn vào những 'nhượng bộ' tương đối nhỏ của chủ tịch hạ viện McCarthy, người ta thấy ngay ông này chưa đủ tư thế mạnh để đối đầu với Biden, như bà chủ tịch Pelosi dám xé Báo Cáo Tình Trạng Liên Bang của TT Trump (2021), hay để ép TT Obama phải cắt chi tiêu tới 2.400 tỷ như chủ tịch Boehner (2011), hay chủ tịch Gingrich ép Clinton phải cân bằng ngân sách (1998). Ông McCarthy mới đắc cử chủ tịch hạ viện có hơn bốn tháng, mà lại đắc cử rất chật vật qua 15 vòng bỏ phiếu, phải thỏa thuận, trao đổi, nhượng bộ đủ thứ với các đồng chí CH.

   Thật ra, đổ tất cả lỗi vay nợ như Chúa Chổm lên đầu Biden hay đảng DC thật ra không công bằng. Trong tình trạng phân hóa chính trị ngày nay, cả hai chính đảng đều lo tung tiền ra, nhất là tung những gói quà lớn trong các chính sách mị dân nhất mà chẳng bên nào nghĩ tới hậu quả tai hại về lâu về dài. Phải nói ngay, hai ông TT tiêu xài rất hào phóng trong lịch sử chính trị cận đại Mỹ chính là TT Bush con (vì nhu cầu chiến tranh chống khủng bố nội địa cũng như tại Afghanistan và Iraq sau 9-11) và TT Trump (vì nhu cầu cứu giúp dân khi ông tung ra 4.000 tỷ cứu trợ COVID).

    Nếu muốn có một tóm tắt ngắn gọn, đầy đủ, và  chính xác nhất thì ta có thể gọi cuộc tranh cãi về công nợ cùng với thỏa thuận Biden-McCarthy chỉ là những trò xiếc chính trị lừa gạt dân không hơn không kém. Thực tế, Nhà Nước Mỹ tiếp tục xài tiền quá trán, công nợ tiếp tục leo thang. Đám con cháu chúng ta sẽ có ngày phải trả nợ mệt nghỉ, nhưng dĩ nhiên đó là chuyện của những thế hệ sau, mắc gì chúng ta phải lo từ bây giờ?


---------------------

CHUYỆN BÊN LỀ:

- Chuyện quái lạ chỉ có trong chính trị Mỹ: lần đầu tiên hai nhóm cực tả và cực hữu... 'ngủ chung giường'. Trong thượng viện, những nghị sĩ DC chống gồm có cụ ông xã nghĩa Bernie Sanders và cụ bà xã nghĩa Elizabeth Warren; trong khi bên CH, những nghị sĩ chống gồm có Mike Lee, bảo thủ cực đoan nhất, Marco Rubio, Tim Scott, Ted Cruz, Lindsey Graham,... Phe cực tả DC chống vì cho rằng phe DC đã nhượng bộ quá nhiều, trong khi phe cực hữu CH chống vì cho rằng phe CH đã nhượng bộ quá nhiều. Hai nhóm cực đoan chống, như vậy chẳng lẽ Biden và McCarthy đã làm đúng?

- Tất cả các ứng cử viên TT bên đảng CH đều chống hết, từ Trump tới DeSantis, Pence, Haley, Scott, Rasmawany, Christie, Sununu,... 



ĐỌC THÊM:


Thỏa thuận Biden-McCarthy là một thất bại - New York Post:

https://nypost.com/2023/05/30/get-them-rewrite-debt-ceiling-deal-fails-to-fix-dc/


Quốc hội cần bác bỏ thỏa thuận - Tipp Insights:

https://tippinsights.com/congress-should-vote-down-mccarthy-biden-budget-deal/?ref=tippinsights-newsletter


TNS Mike Lee: thỏa thuận là một đầu hàng của đảng CH

https://www.foxnews.com/media/mike-lee-goes-biden-mccarthy-debt-ceiling-deal-capitulation-republicans