Pages

Saturday, October 21, 2023

BÀI 304: SUY TƯ VỀ GIỚI TRẺ- PHẦN II: TRONG NƯỚC

    Tuần rồi, ta đã có dịp nhìn qua giới trẻ tị nạn thế hệ hai. Tiếp tục cuộc hành trình, bây giờ ta nhìn vào giới trẻ Việt trong nước, là xứ tự gọi là 'đỉnh cao trị tuệ loài người'.

    Nếu nói về nghệ thuật nổ sảng, thì hiển nhiên cái đấm ngực tự khoe mình là đỉnh cao gì đó quả là... đỉnh cao của nổ sảng bốc phét. Vì thực tế là cái xứ đỉnh cao đó, hay chính xác hơn, những lãnh tụ đang lèo lái con thuyền VN hiện nay, cuối cùng chỉ là đám lãnh đạo bị nhốt trong nhà tù thời gian, vẫn say sóng với chuyện đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, của nửa thế kỷ trước, u mê, nhưng tham nhũng thuộc loại đỉnh cao thế giới. Lãnh đạo CSVN liên tục khẳng định tuyệt đối nỗ lực chống tham nhũng, làm sạch chính quyền, sạch đảng. Chuyện đó có hay không, thành công hay thất bại là đề tài ngoài sự hiểu biết của kẻ này, nên miễn bàn thêm.

    Trong khuôn khổ bài này, ta chỉ giới hạn vào việc nhận định giới trẻ của VN hiện nay thôi. Không bàn chuyện chính  trị về chế độ cầm quyền.

     Giới trẻ trong nước bây giờ ra sao? 

    Cũng vậy, có người này người kia, kẻ tốt người xấu. Trước hết, ta nhìn vào chính sách nhân sự, dùng người của chế độ.

    Trong cái chế độ CSVN sau 75, có câu 'hồng hơn chuyên' không phải chỉ là chuyện nói chơi. 'Chuyên' vẫn được xài nhưng vẫn phải lệ thuộc 'hồng', 'hồng' vẫn là ưu tiên. Tiêu chuẩn 'hồng hơn chuyên' là nguyên tắc cơ bản áp dụng trong việc tuyển chọn và thăng thưởng những người phục vụ cho đất nước. Đây là nguyên tắc căn bản, được thi hành khá gắt gao, chu đáo sau những ngày mới chiếm được miền Nam. Đưa đến tình trạng người miền Nam may lắm thì được hân hạnh trở thành công dân hạng hai, hạng ba, nếu chưa bị đì nặng hơn, đi tù cải tạo mục xương hay bị cho đi theo ông bà.

    Sau cả chục năm nắm quyền một cách vững chắc nhưng đụng phải thất bại đe dọa cả nước phá sản, vì nhu cầu sống còn, chính quyền CSVN chuyển đổi theo gương chính sách Gorbachev lai Đặng Tiểu Bình, chạy vào con đường quái lạ gọi là 'chế độ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa', mà thực tế chẳng ai hiểu là gì, chỉ biết có mở cửa kinh tế nhưng vẫn đóng cửa chính trị, trên nguyên tắc để bảo đảm 'phát triển kinh tế trong ổn định chính trị' tuy trên thực tế chỉ là bảo đảm các quan vẫn còn ghế để ngồi và để ăn. Chính sách nhân sự mới bớt quan tâm đến 'màu hồng' hơn, chuyển hướng chính sách thu dụng và dùng người qua hướng khác, hay chính xác hơn, dựa trên hai yếu tố mới: tiền và quan hệ.

    Một số không nhỏ thanh niên trong nước, phải nói là rất xuất sắc, tài giỏi, thông minh. Hiện nay, một số không nhỏ làm việc 'online' qua computer với một số đại tập đoàn lớn Âu Mỹ qua khế ước, và một số những thanh niên này đã chứng tỏ tài năng tới mức được mời qua Âu Mỹ làm việc với mức lương rất cao. Chỉ đáng tiếc là Nhà Nước VC đã không biết hay không dám khai thác, sử dụng những tiềm năng lớn đó. Muốn có việc tốt, chỗ đứng tốt, giới trẻ tương đối tài giỏi đó tất nhiên phải bỏ tiền ra hối lộ, mua job.

    Ngoài tiêu chuẩn 'đầu tiên' -tiền đâu- đã thay thế thế tiêu chuẩn 'hồng hơn chuyên', thì còn một tiêu chuẩn khác không kém quan trọng, gọi là 'quan hệ'. Nôm na ra, việc tuyển dụng và thăng thưởng nhân viên không dựa trên khả năng nghề nghiệp hay thành quả thực sự mà dựa trên tiền hối lộ, không tiền thì phải dựa vào cái gọi là 'quan hệ', cụ thể là con ai, bà con với ai, bạn ai, quen biết ai.

    Ở đây, kẻ này có một câu chuyện ngoài lề, kể lại để độc giả đọc cho vui. Ở VN ta bây giờ, người ta nói "Trong nam, người dân sợ công an một phép, nhưng ở ngoài bắc, công an lại sợ người dân hơn sợ cọp". Tại sao có chuyện lạ như vậy? Tại vì ngoài bắc, anh công an lờ mờ đụng vào 'dân' sẽ bị hỏi ngay "Mầy có biết tao là ai không?", hay "Đợi chút, để tao a-lô bác của tao đã", và anh công an này có nhiều cơ may được đổi đi làm tại Sơn La, đứng gác ngã tư hai tuần mới có một chiếc xe tải đi qua, thế thì làm sao kiếm tiền 'thông cảm' để sống?

    Nhà Nước VC không có chính sách cổ võ hay thu dụng nhân tài trẻ cho tương lai đất nước, mà trái lại, có một chính sách lái những ưu tư lớn nhất của giới trẻ ra thật xa khỏi những ưu tư gọi là chính trị, để bảo đảm tương lai trường tồn của đám cán bộ CS già ăn trên ngồi trước, cho dù có phải đẩy cả vài thế hệ tương lai của đất nước vào con đường sai lạc hư hỏng nhất.

    Thật thế, cái chính sách của Nhà Nước VC là hướng dẫn, khuyến khích giới trẻ ra khỏi chính trị vì sợ chúng sẽ thành mối đe dọa cho cái ghế của các quan chức đang ngồi, và quyền lợi đảng ta. Hướng dẫn lèo lái giới trẻ đi đâu? Câu trả lời công khai, cả nước đều thấy: đó là hướng dẫn, lèo lái giới trẻ vào những lãnh vực bá láp như giải trí, ca hát, hay tốt hơn một chút, thể thao. Hay tai hại hơn nhiều, là sex và ma tuý.

    Năm xưa, khi phong trào cách mạng chống thực dân Pháp có cơ nổi lên, đe dọa chính quyền đô hộ Pháp, thì Pháp, khi đó dưới thời tướng nổi tiếng De Lattre De Tassigny, tung ra và cổ võ những phong trào thể thao để thu hút giới trẻ, lái chúng ra khỏi những chuyện chính trị. Khi đó, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đua xe đạp xuyên Việt theo mô thức Tour de France của Pháp, rồi cũng tung ra phong trào thể dục, tập người cho gân guốc theo gương của Nguyễn Công Án.

    

    Bây giờ, chính sách này được tái tục, và bành trướng mạnh ra nhiều lãnh vực thể thao khác, như túc cầu, tennis, gôn, đi 'phượt',... Nhưng phải hiểu rõ 'thể thao' là gì. Trong khi Trung Cộng nỗ lực kiếm huy chương đủ loại, bằng cách 'trưng dụng' trẻ con từ mẫu giáo vào các trung tâm thể thao để Nhà Nước huấn luyện thành những cái máy, thì CSVN 'tôn trọng' con người của thể tháo gia hơn, không biến họ thành những cái máy, vì kiếm huy chương vàng bạc gì đó chưa bao giờ là ưu tiên sống chết của Nhà Nước. Mỗi lần có thế vận đâu đó, VN cũng luôn luôn tích cực tham dự, chẳng hạn gửi một phái đoàn khá hùng hậu, cỡ hai chục người tham dự, trong có cũng có khoảng 3 thể tháo gia tham dự môn bắn súng lục, bắn súng trường, bắn tiểu liên, đi cùng với 11 quan chức và 6 công an, mặc dù thế vận không có tranh đua những môn ký nhiều giấy tờ văn phòng nhất, đóng dấu triện đỏ nhanh nhất, hay làm báo cáo lý lịch chi tiết nhất.

    Mỗi khi VN thắng một trận túc cầu quốc tế, kiểu như thắng Brunei 1-0, chẳng cần biết Brunei là cái xứ khỉ ho cò gáy nào, cả nước có mấy trăm dân, luôn luôn là dịp thanh niên thanh nữ, đổ xô xuống đường, gọi là 'đi bão', hàng ngàn xe gắn máy đổ xô xuống đường, từ Hà Nội tới Sài gòn, tới cả Ninh Bình, Cà Mau, Phú Bổn,... tống ga xe, nhấn còi hò hét inh ỏi, phất cờ máu, chạy tán loạn như một lũ điên mất trí, gây rối loạn giao thông. Thậm chí nhiều đứa con gái khùng cởi quần lột áo cười toe toét cho đám thanh niên xúm lại công kênh lên vai để chụp hình. Có lẽ đó là cách duy nhất để ... 'xả hơi' bớt những dồn nén chồng chất của cuộc sống chật vật chăng? Nhà Nước công khai than phiền tính cuồng điên, vô trách nhiệm của tuổi trẻ, nhưng cũng chẳng chặn lại.

    Một tờ báo ở VN hiện nay, trung bình độ 20 trang khổ lớn, thì có một trang tin thời sự quốc tế có tuyển lọc kỹ càng, toàn là những tin bất lợi cho đế quốc, vinh danh xã nghĩa; ít nhất 4-5 trang tin thời sự VN, toàn là báo cáo, diễn văn của các quan to, và chỉ thị của đảng. Tin tức thời sự thì toàn là những tin được mùa, kỷ lục xuất khẩu, mở hãng xưởng, công an giúp dân, bắt tội phạm, bắt tham nhũng hại dân,... Toàn là tin tích cực, không bao giờ tiêu cực. Tin ngày hôm nay tốt đẹp gấp vạn lần tin ngày hôm qua, nước ta mỗi ngày mỗi leo thêm một mức trong thang đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, không bao giờ ngừng nghỉ một ngày nào. 

    Báo chí và TV VN hiện nay cũng tràn ngập tin thể thao, từ túc cầu tới tennis tới bơi lội,... đến độ tất cả giới trẻ Việt đều thuộc lòng ngày sanh tháng đẻ của những cầu thủ như Lionel Messi hay David Beckham hay Tiger Wood.

    Ngoài ra chỉ còn những phóng sự về ca hát, tuyển lựa ca sĩ, hình ảnh về cuộc sống xa hoa của giới nghệ sĩ, ca sĩ, tài tử điện ảnh Việt cũng như Hàn, Hồng Kông,... Giới trẻ Việt hiện nay thuộc lòng tiểu sử lý lịch, cuộc đời tình ái của các siêu sao Hàn Quốc, biết rất rõ Chấn Thành có bao nhiêu đào nhí, Hoài Linh xây đền cúng tổ bao nhiêu tiền, 'mister Đàm' có bao nhiêu kép đực rựa, nhưng chỉ biết Phan Đình Phùng là tên một đường ở Phú Nhuận, rồi đoán mò chắc liệt sĩ Phan Đình Phùng là người cùng với nữ đồng chí Võ Thị Sáu nào đó đã quăng lựu đạn vào lô-cốt Pháp tại Điện Biên Phủ

    Giới trẻ trong nước hiện nay giải trí như thế nào? Chỉ cần đi đảo một vòng thành phố Hà Nội hay Sài Gòn thì biết ngay. Tất cả các thành phố VN bây giờ đều có hai ngành kinh doanh lớn, hoàn toàn 'thống trị' kinh tế cả nước.

- Thứ nhất là ngành kinh doanh 'nhậu'. Nhậu hiển nhiên là thú tiêu khiển qua ngày lớn nhất nước, thịnh hành trên cả nước. Cả nước nhậu, tức là uống bia từ sáng đến tối, đặc biệt từ sau giờ tan sở (hay tan trường) tới tối khuya. Uống không thấy trời thấy đất. Hai ba anh thanh niên vào một tiệm ăn uống gì đó, chỉ cần nói tên bia là tiệm mang cả két để ngay chân bàn, khách tự động uống mệt nghỉ, phục vụ cuối giờ đếm chai tính tiền, thường hay 'đếm nhầm' thêm vài chai, mấy anh khách say bí tỉ chẳng để ý.

    Thể tháo gia Việt tương đối ít thành công vì ưu tiên của họ cũng vẫn là... nhậu, chứ không phải thể thao thật sự.

    Bỏ qua chuyện nhậu xỉn rồi đi xe gắn máy về nhà là một mối nguy vĩ đại về tai nạn lưu thông cho tất cả mọi người đi cùng đường, việc nhậu bí tỉ đã có hai hậu quả xã hội vĩ đại mà Nhà Nước VC không cần biết tới, hay cố tình để xẩy ra. Hậu quả thứ nhất tất nhiên là u mê hóa đầu óc cả thế hệ trẻ, say sưa trong men rượu chẳng biết trời trăng gì nữa, rồi cho dù tỉnh rượu thì đầu óc cũng vẫn mơ màng không rảnh lo nghĩ tới những chuyện quan trọng nghiêm chỉnh nào khác của đất nước. Hậu quả thứ nhì là chuyện gọi là xào xáo gia đình khi các ông chồng say xỉn lò mò về nhà nạt nộ, đánh đập vợ con, vợ con có gọi công an thì cũng chỉ nghe công an chửi vì làm phiền công an về chuyện gia đình cãi nhau vớ vẩn.

    Trong đề tài nhậu, kẻ này xin ra ngoài lề, kể lại khác biệt giữa 'văn hóa ăn nhậu nam cờ' và 'văn hóa ăn nhậu bắc cờ'. Trong nam, các ông đi làm ra, tan sở, ít khi về nhà ngay mà thường ghé quán nhậu, 'một hai ba dzô' tới khuya mới lò mò về nhà nạt nộ vợ con rồi lăn ra giường. Ngoài bắc, các đấng mày râu nể nang các bà sư tử Hà Đông hơn, tan sở là về thẳng nhà trình diện vợ con. Thế thì họ nhậu lúc nào? Xin thưa ngay, họ nhậu buổi trưa. Các quan chức đỉnh cao miền bắc thường nghỉ ăn trưa cả hai ba tiếng đồng hồ, từ 12g tới 2g-3g trưa. Họ nghỉ lâu như vậy vì đó chính là lúc họ ăn nhậu, ăn trưa luôn luôn phải tu cả chai vodka (ngoài bắc ít uống bia mà uống vodka nhiều hơn), rồi khi trở về văn phòng làm việc, thì mặt đỏ gay, chỉ còn sức khều khều vài tờ giấy cho có, rồi gục xuống bàn, ngơi một chút, rồi lo chuẩn bị về nhà trình diện bà chủ nhà cho đúng giờ. Ai cũng biết trong cái văn hóa đỉnh cao trí tuệ đó, người ta chỉ làm việc có nửa buổi mỗi ngày thôi.

- Thứ nhì là ngành kinh doanh 'sex'. Đường xá các thành phố lớn từ bắc vào nam, tràn ngập những quảng cáo mát-xa và khách sạn tính tiền giờ ngắn hạn. Khách sạn chỗ nào cũng có, và hầu như khách sạn nào cũng có mát-xa và cho thuê phòng theo giờ. 50.000 đồng hay 2 đô một giờ! Rẻ chán. Đầy đủ tiện nghi, kể cả 'wife miễn phí' -chứ không chỉ là 'wifi miễn phí'. 


    Lại còn có đủ loại, đủ cách khai thác sex công khai, lộ liễu nhất, kiểu như ka-ra-ô-kê ôm, cà-phê võng, xi-nê-ma nằm,... Bangkok nổi tiếng trong giới du lịch sex, nhưng dù sao thì các 'sinh hoạt sex' cũng bị giới hạn trong một khu của thành phố, dành cho du khách ngoại quốc trong khi dân Thái có vẻ rất thờ ơ, chứ không có nạn hang cùng ngõ hẻm nào cũng có mát-xa và phòng trọ tính tiền giờ như ở VN. Đi cả thành phố Bangkok cũng chẳng thể nào thấy được một công viên lố nhố những anh Phi Châu thấy gớm chào đón các mệ xồn xồn đi tìm của lạ trong khi chồng bận kiếm tiền hay 'đi họp công tác', như trong 'khu Tây ba-lô' của Sài Gòn.

    Ở Hà Nội, muốn ngắm cảnh Hồ Hoàn Kiếm, phải đi ban ngày. Buổi tối thì chung quanh hồ là bãi đậu xe gắn máy của cả ngàn cặp uyên ương trẻ, gác xe ngồi hu hí với nhau, công khai hôn hít như tài tử xi-nê Tây, tay chân bận do thám địa dư. Ở nhà thì nhà nhỏ, có cả gia đình  ông bà, bố mẹ anh em, quá đông người, lại không có máy lạnh, quá nóng nực. Bên hồ, vừa mát mẻ, vừa không có bố mẹ, anh chị em, vui hơn nhiều.

    Theo thống kê của Gú Gồ, VN là xứ mà thiên hạ truy cập đề tài về sex nhiều nhất thế giới qua computer!

   Hòn ngọc Viễn Đông ngày nay sẽ đi vào lịch sử với thành tựu hiếm có: số thiếu nữ bán bar, 'ngủ võng', mát-xa,... đông đảo gấp mấy lần số nữ sinh viên đại học. Một sự thật phũ phàng nhưng rất thật: giấc mộng của rất nhiều cô gái trẻ vùng quê là được lên 'thành phố' -tức là Sài Gòn- đi làm mát-xa hay được tuyển chọn đi Đài Loan hay Hàn Quốc làm vợ mấy ông già ế vợ xấu hơn ma.

    Nhậu nhẹt bí tỉ và sex đủ loại là những 'kinh doanh' công khai, ai cũng thấy. Nhưng cũng còn một thứ 'kinh doanh' tai hại gấp bội tuy kín đáo, ít lộ liễu hơn là kinh doanh ma túy, thuốc lắc. Phải nói ngay, trong giới trẻ hiện nay trong nước, không có tới MỘT anh chị nào chưa thử nghiệm qua mấy thứ này. Vấn đề chỉ là có nghiện hay không thôi, chứ thử nghiệm là đòi hỏi bắt buộc và bình thường trong tất cả các cuộc tụ họp nhẩy nhót, ăn nhậu của giới trẻ.

    Giới trẻ trong nước, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn,... bây giờ còn sanh ra một phong trào mới: khoe của, chứng minh nếu mình chưa phải là xịn nhất thì cũng chẳng thua kém ai, suốt ngày lo biểu diễn hàng hiệu như quần áo, giầy dép, ví bóp, đồng hồ và đặc biệt là iPhone, bắt buộc phải có phiên bản mới nhất, cho dù ma-dzê in Saina, cũng phải có ngay. iPhone 15 ở Mỹ chưa bán, các cô Sài Gòn đã quẹt quẹt cả ngày rồi. Oai hơn nữa tuy hiếm hơn, là phải có khả năng mặt mũi vênh váo lái xe Ferrari, Maseratti, là loại xe đua hạng siêu sang có thể chạy mấy trăm cây số một giờ, nhưng không quan trọng, các cậu chạy xe này trong Hà Nội hay 'thành phố' cỡ hai chục cây số một giờ càng tốt, vì có chạy chậm người ta mới nhìn thấy mặt mình. Đi xe xịn mà người ta không thấy mặt mình thì quá uổng phí.

    Đó là cách khoe của của đám con ông cháu cha, có tiền nhiều. Với đám trẻ ít tiền hơn, chúng có cách đua đòi ít tốn kém hơn nhưng cũng... rất oai. Đó là đi ăn uống những nơi phải hợp thời trang như uống cà-phê Starbucks, ăn hăm-bơ-ghơ Mác Đô (MacDonald).

    Starbucks mở tiệm rất văn minh, với một khu 'ngoài trời', ngồi ngoài trời uống cà-phê, ngay ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương tại Sài Gòn, để đám trẻ hý hửng ngồi nhâm nhi cà-phê, quẹt iPhone mới ra lò, hít khói xe gắn máy ngay ngã sáu, kẹt xe nhiều nhất cả thành phố. 


Starbucks tại Ngã Sáu Sài gòn

    MacDonald mấy ngày đầu mới khai trương, đám trẻ đã phải nối đuôi nhau cả vài cây số, qua nhiều khúc đường, để chờ được vào. Một số nhỏ vào trong ngồi ăn cho bảnh, một số lớn mua mang đi (take-out), nhưng phải chắc chắn bỏ trong bao giấy có chữ MacDonald thật to, chạy lòng vòng cả thành phố cho thiên hạ biết mình vừa mua hăm-bơ-ghơ Mỹ. Ở Mỹ, đây là món ăn rẻ tiền, của những người ít tiền hay ít thời giờ, bất cần khẩu vị, ăn vội để đi làm. Ở VN, đây là món ăn thời thượng của giới trẻ muốn khoe của vì Mác Đô rất đắt, hay khoe mình văn minh tân tiến, sống như Mẽo.

    Công bằng mà nói, trong vũng bùn VN hiện nay, cũng đã có không ít hoa sen đáng lưu ý. Một số không nhỏ thanh niên Việt cũng hiểu tình trạng đen tối của đất nước, nhưng hiển nhiên, trước sự kiểm soát tuyệt đối của guồng máy công an Nhà Nước, chúng đã không thể làm gì. Một số đã cố gắng vượt tường lửa trên mạng để tìm hiểu thêm về những chuyện quá khứ về VNCH, hay những chuyện hiện tại về cộng đồng Việt tị nạn tại Mỹ, hay đi xa hơn, về thời sự Mỹ, chính trị Mỹ, vè Trump, về Biden,... Không ít thanh niên VN hiện nay là độc giả của Diễn Đàn Trái Chiều. Nhưng cũng không dễ dàng gì.

    Nhà nước CSVN từ cuối năm ngoái, đã có chính sách kiểm duyệt rất khắt khe các trang mạng, cũng như các điện thoại cầm tay. Chẳng hạn như với điện thoại cầm tay, phải có thẻ sim, thẻ này mua rất dễ, đâu cũng bán, rất rẻ, nhưng muốn dùng được, phải khai báo và ghi danh với công an, nghĩa là những tin nhắn trao đổi trên điện thoại đều sẽ bị công an theo dõi hết. Ngay cả việc truy cập trang mạng nào, Nhà Nước cũng có thể biết ngay. 

    Nhiều người thắc mắc sao bây giờ có nhiều sinh viên VN được đi du học ngoài nước, tại Mỹ, Úc, Pháp, hay ngay cả tại Á Châu như Nam Hàn và Nhật, Singapore,... Chính quyền không sợ đám sinh viên bị nhiễm độc tư bản, có thể có hại cho tương lai lâu dài của đảng sao? Thật ra, mối lo này không thực tế. Hầu hết những sinh viên được cho đi du học thuộc thành phần con ông cháu cha, ăn trên ngồi trước, cho dù chúng có học được những tư tưởng nhân bản hơn như tự do, dân chủ,.. của các nước văn minh tiên tiến Mỹ, Âu Châu, Úc Châu, ngay cả Nhật, thì về lại nước, ưu tiên của chúng vẫn là bảo vệ quyền lợi ăn trên ngồi trước của chính mình, chứ không dại gì nghĩ đến chuyện thay đổi, cách mạng gì, tự hại mình khiến mình mất quyền lợi.

    Từ nước ngoài nhìn vào, VN có vẻ rất ổn định, bằng chứng hiển nhiên là chính quyền có vẻ 'được lòng dân', không ai nổi lên chống đối chuyện gì, kể cả giới thanh niên là giới dễ có gan đứng lên chống đối nhất. Sự thật đáng buồn thay, là sự ổn định ta thấy từ ngoài chỉ là ổn định dưới chế độ công an trị và ổn định dưới chính sách mê hoặc dân, đẩy dân vào những thỏa mãn tai hại nhất thời mà về lâu về dài, sẽ càng ngày càng khiến VN tụt hậu. Có người nói VN sẽ bắt kịp Thái Lan trong vòng hai chục năm. Nói vậy nghĩa là nói trong giả thuyết Thái Lan sẽ đứng khựng tại chỗ, chờ VN bắt kịp. Thực tế, Thái Lan đang chạy còn nhanh hơn VN gấp bội, nghĩa là trong tình trạng hiện nay, VN ngàn đời cũng không bắt kịp Thái Lan. VN bây giờ mới khánh thành được đường xe điện metro đầu tiên tại Sài Gòn sau hơn một chục năm Nhật đổ tiền vào. Trong 20 năm nữa, may ra sẽ có 3 đường metro, trong khi Bangkok bây giờ có 3 đường, 20 năm nữa, sẽ có 30 đường.

    Cuối cùng, điều đáng nói và đáng suy nghĩ là trong cái quốc nạn đó, VN chỉ có thể có thay đổi cho khá hơn từ trong nước, ngay từ giới trẻ, thanh niên, nếu họ ý thức được đại họa VN đang lao đầu vào. Chứ dân tị nạn ở hải ngoại thì chẳng có ba đầu sáu tay để làm được gì, nhất là trong tình trạng chia năm sẻ bẩy trong tục lệ truyền thống của dân ta. Mà nhìn vào thực trạng của giới trẻ trong nước hiện nay, với những đam mê vớ vẩn, sai đường lạc lối, như cởi quần áo 'đi bão', đánh nhau để đi đón ca sĩ Hàn Quốc, 'một hai ba dzô' từ 5g chiều tới 12g đêm, rồi rủ nhau đi coi xi-nê-ma nằm, hy vọng chúng đứng lên, tạo thay đổi, còn viễn vông hơn hy vọng hải ngoại đoàn kết để chung sức 'chống cộng'.

    Hiểu vậy, nhưng tôi vẫn muốn có vài câu hỏi với các anh chị trẻ đang sống trong nước, như tôi đã hỏi các anh chị trẻ đang sống ở Mỹ. Các anh chị trong nước có nghĩ là những thú tiêu khiển như ma túy, sex, nhậu, xem phim Hàn, đọc tiểu sử Mister Đàm, cởi truồng 'đi bão',... tất cả đều là những thú vui nên có và cần có cho tuổi trẻ không? Các anh chị có nghĩ là chuyện chính trị, chuyện quốc gia/cộng sản là những chuyện bá láp mất thời giờ mà thanh niên cần tránh xa không? Các anh chị có nghĩ các quan to xây nhà như dinh của vua Louis XIV của Pháp giữa khu nhà lá lụp xụp của dân là những người đã có công rất lớn với đất nước nên rất xứng đáng được tưởng thưởng với những dinh kiểu đại hoàng đế đó không?