Pages

Saturday, March 30, 2024

BÀI 327: NẾU TRUMP LÀM TỔNG THỐNG

    Trong thời gian gần đây, phe cuồng chống Trump đã có vẻ hốt hoảng, run hơn cầy sấy trước viễn tượng ông thần Trump tái đắc cử trở về lại Tòa Bạch Ốc. Đám này thay phiên nhau la hoảng, mang những kịch bản kinh hồn nhất ra hù dọa thiên hạ, kiểu như sẽ có 'tắm máu', hay nhẹ hơn một chút, Hitler tái sinh năm tới, sẽ biến FBI thành Gestapo đi lùng bắt tất cả các cử tri của đảng DC, cho lên xe lửa, chở lên Alaska nhốt trong các trại tập trung hết. Ngoài ra, ông Trump sẽ biểu diễn mình còn siêu hơn Hitler nhiều, có thể bắt tất cả dân gốc Mễ, gốc Á, gốc Trung Đông, trục xuất hết, còn dân da đen sẽ bị bắt trở về làm nô lệ hết. Không chừng một số tiểu bang khùng điên như Cali và New York sẽ bị trục xuất ra khỏi liên bang luôn. Canada và Mễ Tây Cơ lộn xộn, sẽ cho hai tiểu đội dù qua chiếm cả nước trong vòng 3 ngày, không cần lính dù Mỹ thật, chỉ cần mấy ông lính dù Việt tị nạn dưới 80 tuổi còn răng nhai được ration-C cũng đủ.

    Tuần này, ta bàn chuyện giả tưởng chơi.

    Nếu ông Trump tái đắc cử, trở về Tòa Bạch Ốc lại thì chuyện gì sẽ xẩy ra.

    Trước khi các cụ cuồng mê Trump nhẩy tưng tửng, xin phép được nhắc lại, cho dù tất cả các thăm dò đều cho thấy Trump sẽ đại thắng mùa thu, hạ sát ván cụ lẩm cẩm Biden, thực tế sẽ không dễ dàng như vậy. Biden và chính quyền của cụ, cũng như chính quyền DC của vài tiểu bang then chốt nhất như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin,... vẫn còn nắm quyền tổ chức, kiểm tra và đếm phiếu cuộc bầu cử TT cuối năm nay. Ngay cả một số tiểu bang then chốt khác không phải do DC kiểm soát, nhưng dưới quyền khối CH #Never Trump như Arizona, Georgia,... cũng sẽ tìm đủ cách cản sự đắc cử của Trump. Ngoài ra, những biện pháp đặc miễn được sáng chế ra trong mùa dịch COVID, cũng sẽ được duy trì cho dù cô Vít đã về Tầu từ lâu. Các phương thức bầu bằng thư, bỏ phiếu không cần kiểm tra căn cước, gặt phiếu, kiểm phiếu phe đảng,... sẽ được khai thác tối đa để bảo đảm sự tái đắc cử của cụ lẩm cẩm Biden.

    Ngoài ra, chúng ta không thể coi thường hệ thống công an tư pháp Biden, biết đâu chúng sẽ tìm ra được vài quan tòa cuồng ghét Trump như ông quan tòa Engoron [Không khó đâu! Tuốt bên Âu Châu mà vẫn còn có nhiều cụ BS tị nạn mắc bệnh cuồng ghét Trump thì bên Mỹ thiếu gì?] trước ngày bầu cử để không được bầu, sẽ thẳng tay tuyên án phạt Trump... 700 năm tù ngay lập tức, có chết thì xác vẫn không được chôn, phải để trong tù cho đủ 700 năm?

    Do đó, vui mừng khi thấy thăm dò Trump đang dẫn đầu là một chuyện, ăn mừng chiến thắng thực tế của Trump thì quả là vẫn còn... quá sớm và quá lạc quan, chưa hiểu tham vọng vô hạn của cụ lẩm cẩm và quyết chí muốn mang xứ Mỹ vào thế giới xã nghĩa của đảng DC Mỹ.

    Vì nhu cầu thảo luận, ta cứ giả thử như những mưu toan gian lận bầu cử, tráo phiếu, phịa phiếu,... đều thất bại, vì lý do nào đó, và trong bất ngờ của cả hành tinh, ông Trump thắng cử thật, và trở về Tòa Bạch Ốc đầu năm tới. Chuyện gì sẽ xẩy ra?

    Phải nói ngay, đây không phải là tiên đoán của thầy bói mù VL, mà chỉ là bàn chuyện giả tưởng, có thể xẩy ra, có thể không.

    Trước hết, ta nhìn qua cụ Biden. Hai chuyện chắc chắn sẽ xẩy ra ngay. 

1. Ngay sau khi kết quả bầu cử cho thấy cụ đại bại, cụ sẽ lên tiếng đổ thừa ngay lập tức: tại trời mưa cả buổi nên cử tri ngồi nhà, tại trời nắng đẹp nên cử tri thích đi tắm biển hơn, tại giá xăng đắt nên cử tri không lái xe đi bầu, tại giá xăng rẻ nên cử tri lái xe đi dạo phố vui hơn đứng xếp hàng đi bầu, tại đám Đờ Dzờ, Mờ Lờ,... mê bốc phét trên SBTN nên quên đi bầu cho cụ khiến cụ mất vài phiếu, hay quan trọng hơn, tại cử tri u tối không nhìn thấy thành quả của cụ, vẫn dễ dàng bị tay Trump lừa gạt, tại dân Mỹ sợ Trump thất bại sẽ ra lệnh đám MAGA nổi loạn tắm máu cả nước,... tại, bị, vì, bởi, rằng thì là mà,... , cụ Biden và đám thái giám cận thần sẽ đưa ra cả vạn lý cớ đổ thừa mà kẻ này chưa đủ khả năng nghĩ tới.

2.  Sau khi dọn nhà về lại Delaware, cụ Biden sẽ bị cái tôi dằn vặt, cũng như bị bà Jill càu nhàu, đâm ra thất chí, bị khủng hoảng đầu óc nặng, nếu không bị alzheimer nặng ngay lập tức, thì cũng khó thọ. Dĩ nhiên, đây là chuyện chẳng ai mong muốn, chỉ cầu chúc cụ được an hưởng tuổi già, sống thật lâu để có dịp thưởng thức thành quả của 4 năm Trump, và sau đó, 8 năm dưới ông/bà CH khác.

    Bây giờ, ta nhìn qua đám... vẹt tị nạn. Xin bảo đảm ngay là sẽ chẳng có tên nào dám bỏ nước Mỹ về VN sống hay ngay cả chạy qua Pháp hay Đức gì đâu. Năm xưa, có vài anh chị nghệ sỡi bốc phét, hù dọa nếu Trump đắc cử TT, chúng sẽ bỏ nước Mỹ đi qua xứ khác sống ngay, để rồi sau khi Trump vào Tòa Bạch Ốc, chẳng ma nào dám dọn nhà đi đâu hết. Vài tên sẽ giảng giải "Tuy tôi không dọn đi đâu hết, nhưng đã mua bùa bát quái treo trước cửa nhà, để trừ tà ma Trump rồi".

    Phản ứng đầu tiên của đám vẹt sẽ là... ôm gối ngồi khóc và... làm thinh. Hệ thống emails của cộng đồng tị nạn sẽ bớt sôi động, bớt ồn ào một thời gian, bớt rác rến, coi như để tang cho cái 'chết' của thần tượng 'đồng chí' Biden.

    Một cách nghiêm chỉnh hơn, nếu Trump đắc cử, bảo đảm các chính sách của Biden sẽ trôi sông hết. Các kế hoạch lớn vớ vẩn cho môi trường xanh, ngăn cản trái đất khỏi bị hâm nóng tới nổ tung trong vài ba tháng tới, dùng xe điện khắp nước,... sẽ được cất vào nhà kho chờ một tổng thống DC khác lên nhậm chức. Chương trình lâu dài kiếm cử tri gốc Mễ cho đảng DC sẽ bị gián đoạn tương tự. Quan trọng hơn cả, tiến trình lao đầu vào xã nghĩa sẽ bị chặn đứng.

    Ông Trump đã làm TT bốn năm nên chính sách của ông nếu tái đắc cử, sẽ không có gì mới lạ, mà chỉ là một sự tiếp nối của một chương trình bị ngắt quãng thôi. Điều cực quan trọng phải nói ngay trước khi vào đề là tất cả những chương trình hay kế hoạch gì gì của ông Trump sau khi đắc cử, cũng sẽ tùy thuộc phần lớn vào việc đảng CH có kiểm soát thượng viện và hạ viện hay không. Thông thường, mỗi khi một TT đắc cử thì đảng của ông cũng chiếm đa số theo, ít nhất trong hai năm đầu. Nếu đảng DC chiếm đa số tại một viện thôi, thì các chương trình của ông Trump sẽ rất khó thành hình, và cả chính quyền Mỹ sẽ bị tê liệt.

    Một cách tổng quát và tóm gọn nhất, chương trình kinh bang tế thế của TT Trump sẽ như sau:

1. Cải tổ chính trị

    Qua kinh nghiệm xương máu bản thân, TT Trump sẽ đặt ưu tiên trên việc cải tổ chính trường Mỹ, tìm cách chặn việc đảng cầm quyền khai thác tổ chức tư pháp, biến nó thành công cụ đàn áp đối lập chính trị y chang theo mô thức của phát-xít và CS. Không ít công chức lão làng của hệ thống Nhà Nước ngầm sẽ nhận được giấy báo cho về hưu non. Giám đốc FBI sẽ ngồi ghế hai chân rưỡi. Đám lau nhau trong Sở Văn Khố sẽ hối hận đã đánh không đúng người.

    Sách lược tát cạn đầm lầy sẽ được ban bố lại và áp dụng mạnh. TT Trump sẽ cố bổ nhiệm thật nhiều quan tòa đủ cấp, càng nhiều, càng nhanh, càng tốt, tuy mọi việc sẽ tùy thuộc đảng CH có chiếm thế đa số trong thượng viện năm tới hay không.

    Tất cả các nạn nhân của tư pháp Biden, đặc biệt là những người tham gia biểu tình ngày 6/1/2021, các phụ tá bị tù như GS Navarro,... tất cả sẽ được ân xá hết.

    Bộ Tư Pháp sẽ được lệnh mở điều tra quy mô về các lem nhem tiền bạc của gia đình Biden. 

2. Chính Sách Bảo Vệ Biên Thùy

    Tổng thống Trump đã cam kết tiếp tục việc tăng cường an ninh biên giới và thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát di cư bất hợp pháp. Đây có thể nói là ưu tiên số một của tân TT Trump. Trong 3 năm đầu của Biden, hơn 7 triệu di dân đã tràn qua biên giới trong khi Biden ngó lơ. Con số 7 triệu người này lớn hơn dân số của 36 tiểu bang của Mỹ. Trong thời gian gần đây, ý thức được sự bất mãn của đại đa số dân Mỹ, cụ Biden lớn tiếng hô hào phải cản di dân tràn qua bằng mọi giá, cũng đánh tiếng có thể phục hồi lại một số biện pháp cứng rắn của Trump. Nếu Trump tái đắc cử, chẳng cần đánh tiếng gì ráo, cả thế giới biết Trump sẽ ra tay như thế nào: thứ nhất, tăng cường việc bảo vệ biên giới bằng mọi cách, kể cả gửi Vệ Binh Quốc Gia -National Guards- ra vùng biên giới; thứ nhì, truy lùng di dân lậu đã được Biden thả vào Mỹ để trục xuất hết; thứ ba, ra sắc lệnh cấm mọi thứ trợ cấp cho di dân lậu, và nhất là cấm việc di dân lậu được tham gia bầu bán, ít nhất ở cấp liên bang; và thứ tư, nói chuyện thẳng với các TT các xứ Mễ và Trung Mỹ, ép buộc họ phải chặn nạn di dân, nếu không Mỹ sẽ có biện pháp trừng phạt các xứ này. Mà ai cũng hiểu, ông thần Trump nói là làm, chẳng phải là hù khơi khơi cho có. Các tiểu bang biên giới, nhất là Texas sẽ tha hồ ra luật siết chặt biên giới mà không bị chính quyền liên bang kiện cáo gì.

    Cả triệu di dân lậu còn kẹt bên kia biên giới Mễ có quyền chuẩn bị hành trang trở về mẫu quốc lại, quên giấc mộng vào Mỹ không cần 'passport' mà vẫn được nuôi ăn ở đầy đủ.

    Đi xa hơn, TT Trump sẽ tìm cách đổi luật công dân, bỏ chuyện cứ đẻ con ở Mỹ là đứa con đương nhiên có quốc tịch Mỹ. Trước khi các cụ Tây Âu ồn ào sỉ vả Trump, xin các cụ coi lại luật của Đức, của Pháp, của Tây Âu như thế nào về việc này.  Cứ sanh ra tại Đức hay tại Pháp là có quốc tịch Đức hay Pháp không?

3. Chính Sách Kinh Tế:

    Một cách tổng quát nhất, chính sách kinh tế của TT Trump sẽ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội việc làm mới. Ông có thể tiếp tục ủng hộ việc giảm thuế và loại bỏ hàng rừng quy định kinh doanh rườm rà để kích thích sự phát triển của doanh nghiệp và người lao động.

https://www.realclearpolicy.com/articles/2024/03/15/trump_can_win_in_november_business_leaders_should_prepare_1018592.html

4. Chính Sách Y Tế 

    Trump chống Obamacare rất mạnh, nhưng trong nhiệm kỳ đầu, đã thất bại, không đủ phiếu ở thượng viện để thu hồi Obamacare. Thiếu đúng một phiếu do thượng nghị sĩ John McCain, khi đó đang nằm trên giường hấp hối, cũng cố bỏ phiếu chống thu hồi chỉ vì muốn trả thù Trump. Cái điều thật tệ hại là TNS McCain khi còn 'hét ra lửa' trong thượng viện dưới thời Obama, đã là một trong những người chống Obamacare, đòi thu hồi mạnh nhất. Nhưng chỉ vì thù ghét cá nhân Trump, nên trên giường hấp hối bỏ phiếu chống việc thu hồi Obamacare để ngáng chân Trump. Người hùng McCain cuối đời trở thành một người thật nhỏ mọn, coi tư thù lớn hơn quyền lợi cả nước và toàn dân. Kẻ này trước đây phục McCain bao nhiêu, sau đó khinh thường tay này bấy nhiêu.

    Tuy thất bại không thu hồi được, nhưng TT Trump đã thành công hủy bỏ được điều khoản bắt buộc mỗi người đều phải có Obamacare, nếu không sẽ bị phạt -individual mandate-. Nếu tái đắc cử, TT Trump sẽ tiếp tục tìm cách thu hồi Obamacare. Không dễ chút nào, nhất là khi đảng CH không có giải pháp thay thế. Một cách thực tế hơn, nhiều triển vọng hơn, là TT Trump sẽ phải giữ Obamacare, nhưng sẽ gặm nhấm, bỏ những điều khoản bất lợi nhất, từng phần một.

5. Việc bầu cử

    Rút bài học kinh nghiệm xương máu của chính mình, Trump sẽ rất chú tâm vào việc cải tổ luật bầu cử. Một thực tế không thể thay đổi được nữa là những phương thức bầu bằng thư qua bưu điện, đi gặt phiếu,... sẽ không thể hủy bỏ hay thu hồi lại được mà trái lại, sẽ ngày một thịnh hành. Vấn đề không còn là hủy bỏ mà làm sao khai thác những phương thức này sao cho có lợi cho đảng CH, không cho đảng DC độc quyền khai thác nữa.

    TT Trump sẽ thúc đẩy việc đòi hỏi cử tri đi bầu phải có giấy chứng nhận rõ ràng như thẻ đi bầu, có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ và hình ảnh cử tri, đặc biệt để tránh chuyện đi bầu hai ba lần, hay để cản những người không có quyền đi bầu như dân phạm pháp, vị thành niên, di dân lậu,... Ý kiến đi bầu không cần giấy tờ kiểm chứng của phe DC cực kỳ vô lý, không có xứ nào trên thế giới chấp nhận được.

    TT Trump sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các thống đốc, đặc biệt là các thống đốc CH, và nhất là quốc hội -nếu CH nắm đa số tại lưỡng viện- để đẩy mạnh một số cải tổ thủ tục và điều lệ bầu bán, siết chặt hơn các thủ tục bầu bằng thư hay đi gặt phiếu, cũng như cách kiểm phiếu, để giảm bớt khả năng gian lận. Những đòi hỏi hủy bỏ hình thức bầu TT gián tiếp qua cử tri đoàn của phe DC sẽ chẳng đi đến đâu.

6. Chính Sách Ngoại Giao:

    Dưới thời Tổng thống Trump, nói chung, Mỹ có thể chứng kiến sự tăng cường về mặt quân sự và chính sách ngoại giao, với sự tập trung vào việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, tuy dựa trên quan hệ sòng phẳng hơn với các đồng minh. Các cuộc đàm phán thương mại có thể tiếp tục được ưu tiên, trong khi mối quan hệ với các đối tác chính trị như NATO và các quốc gia đồng minh khác cũng sẽ được tăng cường.

    Một cách cụ thể, dưới đây là một số chính sách của TT Trump, dĩ nhiên dựa trên những việc ông đã làm khi còn làm TT trước đây.

  • Nga và chiến tranh Ukraine

    Ông Trump khoe sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vài ngày. Kẻ này không tin. Đây chỉ là chuyện nổ sảng của ông thần Trump, cuộc chiến này rắc rối hơn xa. Tuy nhiên, viễn tượng chấm dứt chiến tranh Ukraine sáng sủa hơn xa dưới thời Biden. Cả Putin lẫn Zelensky đều hiểu rất rõ Trump muốn gì và sẽ làm gì, khác xa Biden thụ động, chập chững chạy theo thời thế, theo thời cơ. TT Trump là người bất cần thời thế, muốn làm gì thì làm, nghĩa là Trump chính là người tạo thời thế, sẽ làm trung gian và trong con người cứng rắn của Trump, thế trung gian của Trump rất mạnh, có thể áp lực cả Putin lẫn Zelensky phải ngồi lại nói chuyện với nhau và phải nhượng bộ qua lại để đạt được ngưng chiến nếu chưa phải là hòa bình lâu dài. Trong bất cứ cuộc chiến nào, hòa bình chỉ có trong hai trường hợp: một bên đại thắng áp đảo, hay cả hai bên bất phân thắng bại phải điều đình với nhau. Cuộc chiến tại miền Nam chúng ta đã có một bên 'thắng cuộc' và một bên 'thua cuộc', chỉ vì một bên có đồng minh Nga Tầu cộng giúp tới cùng, một bên bị gà nhà loại Biden phản bội, bóp cổ tới chết. TT Trump sẽ tiếp tục quân viện cho Ukraine, nhưng không hậu thuẫn Ukraine vô điều kiện và vô giới hạn như Biden đang làm, mà sẽ có điều kiện gắt gao, đồng thời Trump sẵn mang tiếng thân Nga nên sẽ khó nhượng bộ Nga. Giải pháp của Trump có thể là ép Nga phải trả lại một phần đất Nga đã chiếm của Ukraine, đồng thời cũng ép Ukraine phải cam kết không gia nhập NATO hay bất cứ liên minh quân sự nào đe dọa Nga, Mỹ sẽ phủ quyết việc Ukraine gia nhập NATO. Mỹ sẽ thu hồi những biện pháp cấm vận và trừng phạt đối với Nga mà Biden đã ban hành.

    Trong khi chờ đợi hòa bình, Trump sẽ có thái độ với việc các đồng minh Tây Phương bắt cá hai tay, một mặt gửi quân viện cho Ukraine, mặt khác vẫn bỏ bạc tỷ ra mua dầu khí và dầu xăng của Nga. Con người ông Trump trực tính, rất ghét chuyện đi hàng hai, nhất là trong khối gọi là 'đồng minh' cuội.

  • Trung Cộng và Á Châu

    Các biện pháp thương mại chống hàng nhái, hàng giả, hàng dởm của Tầu cộng sẽ được phục hồi lại và có thể gia tăng mạnh qua việc tăng thuế quan hàng Tầu cộng vào Mỹ, kèm theo vài nhượng bộ của Mỹ dĩ nhiên, chẳng hạn đổi lại việc nhân nhượng trong giao dịch canh nông, vừa giúp nông gia Mỹ vừa giúp nuôi dân Tầu vô tội. Các giao dịch hàng công nghệ tân tiến sẽ bị kiểm soát và siết chặt để chặn công nghệ Tầu tràn vào Mỹ giết các đại tập đoàn như Apple, Microsoft,... hay các công ty nhỏ hơn mới ra đời tại Mỹ. Nhất là trong kỹ nghệ xe hơi, xe xăng cũng như xe điện. Với TT Trump, sẽ không có 'tắm máu' trong kỹ nghệ xe hơi Mỹ vì TC sẽ không có dịp thoải mái giết kỹ nghệ xe hơi Mỹ.

    Với Đài Loan, TT Trump sẽ phải tôn trọng luật không được tham chiến nếu TC đánh chiếm Đài Loan. Tuy nhiên viễn tượng Tập Xì Dầu đánh Đài Loan nhỏ hơn xa dưới thời cụ thỏ đế Biden. Nhà Tập hiểu rõ Trump và Biden hơn ai hết. Việc Tập trịnh trọng đón Trump tại Bắc Kinh trước đây mang rất nhiều ý nghĩa.

    Sách lược tìm thế liên minh chính trị tại Á Châu, nhất là Đông Nam Á để bao vây chiến lược Tầu cộng, sẽ được xúc tiến mạnh lại. TT Trump sẽ cố nâng cấp quan hệ với Nhật, Nam Hàn, Úc và Ấn Độ.

    Điểm đặc biệt là TT Trump sẽ tìm cách nói chuyện tiếp tục với cậu ấm Ủn để giảm nguy cơ chiến tranh nguyên tử tại Á Châu, cũng như chặt một cánh tay lớn của TC. Nhưng cậu ấm Ủn không phải là người dễ nói chuyện, cũng như dễ thỏa thuận, vì cậu chỉ nhìn thấy và lo cho tương lai cá nhân cũng như gia tộc nhà Kim, bất cần biết quyền lợi dân và nước Bắc Hàn.

    CSVN vẫn chỉ được coi như một mắt xích trong chiến lược bao vây TC trên phương diện chính trị, nhưng không quan trọng lắm vì ông Trump trong thâm tâm vẫn có tư tưởng chống CS kịch liệt, và ông Trump cũng hiểu rõ CSVN đeo vòng kim cô TC trên đầu, chỉ được làm và nói những gì TC cho phép, nên Mỹ chẳng mấy hy vọng vào CSVN. Trump sẽ không nịnh CSVN bằng cách nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược đặc biệt gì hết. Cũng sẽ không bao giờ đến tượng đài McCain quỳ gối giơ hai tay đầu hàng để xin lỗi 'nhân dân ta' như Biden đã làm.

7. Biện Pháp Phòng Chống Biến Đổi Khí Hậu

    Dù có những tranh luận về chính sách môi trường của ông, TT Trump đã cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp phòng chống biến đổi khí hậu một cách có trách nhiệm. Mặc dù có thể không đạt được sự thỏa thuận đồng thuận từ quốc hội về các biện pháp cụ thể, nhưng ông có thể tập trung vào việc khuyến khích sự phát triển của năng lượng sạch và công nghệ xanh, trong một giới hạn vừa phải, không hại đến công ăn việc làm và phát triển kinh tế Mỹ.

    Chính sách cổ võ cho năng lượng gọi là 'sạch' của Biden, đặc biệt là những áp lực để chuyển qua xe điện của Biden sẽ bị xét lại, để đặt ưu tiên vào việc phát triển kỹ nghệ xe hơi Mỹ, giữ gìn công ăn việc làm cho nhân công Mỹ. Xe điện của Tầu cộng, ngay cả xe VinFast của VC, sẽ không thể tự do lấn áp xe Mỹ trong thị trường Mỹ.

    Chính ông Trump đã hứa một trong những việc đầu tiên ông làm sau khi tái đắc cử là ra lệnh khai thác tối đa lại các mỏ dầu để nước Mỹ không còn lệ thuộc vào dầu nhập cảng, để dầu xăng Mỹ thoát khỏi sự chi phối của giá dầu thế giới, được ấn định bởi các múa may thao túng thị trường của các vua dầu Ả Rập.

8. Ân xá tội phạm 6/1/2021   

    Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố một trong những việc đầu tiên ông làm sau khi tái đắc cử TT là sẽ ân xá trọn vẹn tất cả những người tham gia biểu tình ngày 6/1/2021 đã hay đang bị tư pháp Biden truy rượt. Điều này chắc chắn sẽ xẩy ra vì theo Hiến Pháp, TT có toàn quyền ân xá không cần điều kiện hay giải thích gì tất cả những người phạm tội cấp liên bang.

9. Các vụ truy tố Trump hiện hữu

    Ông Trump hiện đang bị truy tố khá nhiều tội, nhưng tóm lại, có hai loại truy tố: truy tố bởi chính quyền liên bang và truy tố bởi chính quyền tiểu bang hay địa phương.

    Nếu ông Trump đắc cử, ông sẽ có quyền bổ nhiệm tân bộ trưởng Tư Pháp, và trên nguyên tắc, tân bộ trưởng này có toàn quyền tiếp tục truy tố ông Trump, hay hoãn lại, hay hủy bỏ hết. Tất cả tùy thuộc phần lớn vào uy quyền của tân TT Trump. Ở đây, ta có thể tin chắc tiêu chuẩn đầu tiên để TT Trump chọn bộ trưởng Tư pháp sẽ liên quan đến chuyện này, và câu hỏi đầu tiên của quốc hội khi họp để phê chuẩn tân bộ trưởng Tư Pháp cũng sẽ liên quan đến chuyện này. Chúng ta cũng không thể quên vai trò của dư luận quần chúng và đám truyền thông cấp tiến sẽ không cho phép TT Trump muốn làm gì thì làm, chẳng hạn như muốn bộ Tư Pháp hủy tất cả các vụ truy tố của liên bang. Không có chuyện tân TT Trump sẽ ra lệnh hủy tất cả các vụ án ông đang bị truy tố.

    Ở đây có vấn đề đang được tranh cãi mà không ai có câu trả lời chính xác: TT Trump khi đó có quyền ân xá tất cả các tội của chính ông không?

    Đi vào cấp tiểu bang và địa phương -như quận Fulton của tiểu bang Georgia đang truy rượt Trump về tội tìm cách khuynh đảo bầu cử TT tại đây, hay vụ New York truy tố ông Trump về các vụ phóng đại tài sản, hãm hiếp bà Carroll, hay trả tiền bịt miệng cô đào đóng phim sex- thì quyền hạn của tân TT Trump lại còn ít hơn nữa vì các công tố tiểu bang và địa phương vẫn có thể tiếp tục hay mở thêm các truy tố chống ông Trump mà ông Trump không có cách nào cản được, dù đã là TT liên bang, vì tư pháp tiểu bang hay địa phương rất độc lập đối với tư pháp liên bang và TT. Và điều cần ghi nhận là trong tư cách TT liên bang, ông Trump khi đó không có quyền tự ân xá các tội trong khuôn khổ luật pháp tiểu bang và địa phương, vì quyền đó thuộc phạm vi các thống đốc tiểu bang.

    Dĩ nhiên là trong tư thế TT, ông Trump sẽ được kiêng nể hơn ông công dân cựu TT như hiện nay, nhưng không có nghĩa là đắc cử TT sẽ xóa hết các vụ truy tố, trái lại, có khi khiến những công tố và quan tòa tiểu bang và địa phương sẵn cuồng ghét Trump nổi điên mạnh hơn, ra tay truy tố TT Trump mạnh hơn nữa, qua nhiều tội hơn nữa.

    Quan trọng nhất là phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về việc TT có thể bị truy tố tội hình sự khi đang thi hành nhiệm vụ TT hay không. Ta đành phải chờ xem phán quyết này thôi.

    Trên đây, ta bàn về tình trạng tổng quát sẽ có thể xẩy ra nếu ông Trump tái đắc cử TT. Nhưng có một điều cực quan trọng khiến đảng DC và phe cấp tiến đang toát mồ hôi hột: ông Trump sẽ 'trả thù', đánh đám đó cũng như đánh đám truyền thông loa phường, đám Nhà Nước Ngầm,... tới đâu? Ta đừng quên khi đó ông Trump sẽ không bị trói tay bởi nhu cầu chính trị muốn được tái đắc cử nữa vì ông không thể làm TT tới ba nhiệm kỳ. Phải nói ngay, trong thời gian ba năm qua, Biden và đám cấp tiến đã ra tay đánh Trump quá đáng, quá nặng tay, quá tàn bạo, quá cạn tàu ráo máng, ông Trump không thể nào không đáp lễ lại nếu tái đắc cử TT. Kim Dung đã từng mô tả sức mạnh của một chiêu: càng đánh mạnh, sức bật ngược lại sẽ càng mạnh. Biden đánh Trump mạnh ba nhiêu, bây giờ sẽ hứng sức phản trả. Ta chờ xem.

---------------------

Chỉnh sửa về bài viết tuần rồi về hệ thống Tư Pháp Mỹ

    Tuần rồi, tôi có viết bài về hệ thống Tư Pháp Mỹ, sau đó đã nhận được email của bà Wendy Dương, là một luật gia có bằng JD -tiến sĩ luật- và từng hành nghề ở Mỹ. Bà chỉ ra nhiều sai sót trong bài của tôi. Được ngay bà 'đầm già' Quản Mỹ Lan từ Pháp hoan nghênh, vì dân bên Tây Âu mà thấy VL này bị bắt bẻ, chỉ trích, công kích,... thì khó tự kềm chế, phải nhẩy vào tung hô ngay. Dù sao, xin có lời cám ơn bà Wendy Dương. 

    Như tôi đã viết rõ ràng, tôi không phải chuyên gia luật nên bài viết tuần rồi có thể có nhiều sai lầm, và quả nhiên đã bị bà luật gia sửa chỉnh nhiều điểm. Tôi xin tóm lược lại những điểm quan trọng nhất. 

- Điểm sai sót, thật ra không phải là sai sót mà vì cách trình bày bài có thể đã tạo hiểu lầm, là tôi tách riêng phần 'Tòa Kháng Án' khiến người đọc có thể ngộ nhận là hệ thống tòa kháng án được tách riêng ra một hệ thống riêng rẽ, trong khi tất cả các tòa trên đều là tòa kháng án, không khác gì các tòa của tất cả các nước khác, kể cả VNCH trước.  Do đó, US Circuit Court -trên tòa District Court- cũng là toà kháng án, và US Circuit Court với US Court of Appeals chỉ là một tòa.

- Ngoài hệ thống tòa liên bang và tòa tiểu bang, còn có tòa của các cơ cấu hành chánh đặc biệt của thành phố -municipals-, quận học chính -school districts,...

- District court không nên dịch là tòa quận, mà phải gọi là tòa của 'địa phận tư pháp'. Tiếng Viết thường dịch 'county' là quận, trong khi 'district' lớn hơn quận nhiều, có thể bao phủ rất nhiều counties.

- Federal District courts -các bà Aileen Cannon, Tanya Chutkan- là các tòa 'sơ thẩm' liên bang, là tòa đầu tiên thụ lý -xử- các vụ án cấp liên bang. Các tòa trên là Circuit Court và Supreme Court không xử mà chỉ cứu xét các kháng cáo.

- Các tòa đặc biệt chuyên đề, tôi ghi là thuộc cấp tiểu bang, tuy nhiên cũng có những tòa đặc biệt cấp liên bang, như tòa Di Trú là cấp liên bang.

    Đó là vài điểm quan trọng chính. Bà Wendy Dương cũng ghi thêm nhiều chi tiết mà tôi nghĩ không cần thiết cho DĐTC và cho độc giả, chỉ gây thêm rối trí vì tính phức tạp của vấn đề. Bài viết chỉ muốn lướt qua tổ chức tư pháp để độc giả có một khái niệm khi đọc về các truy tố chống Trump, cách chính quyền Biden khai thác tổ chức tư pháp để bắt nhốt đối lập chính trị, và quan trọng hơn, giúp độc giả hiểu tòa nào là tòa nào đang truy rượt Trump, tại sao lại có công tố và quan tòa công khai biểu diễn tinh thần chống Trump chết bỏ mà vẫn có quyền truy tố hay ngồi xử Trump (vì họ được dân chống Trump bầu, hay được các thống đốc DC bổ nhiệm). Tuyệt đối không có mục đích là một tiểu luận trình bày chính xác hay giải thích chi tiết tổ chức tư pháp Mỹ, cũng chẳng có tham vọng biểu diễn "kiến thức luật pháp" gần mức zero của tôi, nên việc bắt bẻ chi tiết tổ chức tư pháp thật sự không cần thiết. Tôi bàn luận về chính trị nhưng mù tịt về tổ chức luật pháp Mỹ, mà đúng như bà Wendy Dương chỉnh, "đâu có ai đòi hỏi phải biết luật để hiểu chính trị".