Pages

Saturday, December 1, 2018

BÀI 49: KHỦNG HOẢNG DI DÂN


Có những chuyện nói đi nói lại cả trăm lần vẫn chưa hết chuyện để nói. Hay vẫn có người không hiểu. Câu chuyện di dân Mỹ chính là một trong những chủ đề đó.
Vấn đề di dân đã là cái ‘gân gà’ của Mỹ, nuốt không được, nhả không xong, ít nhất là từ thời TT Reagan. Tình trạng tại Tijuana đã leo thang tới mức khủng hoảng mà chưa ai rõ kết cuộc sẽ ra sao.
      Trước hết, ta coi qua tin thời sự mới nhất.
Khoảng hơn 3.000 dân, hầu hết từ Honduras, băng Guatemala và Mexico, đã tới tỉnh Tijuana, sát biên giới Mỹ, bên kia San Diego. Trong những ngày tới, chính phủ Mễ ước tính có thể sẽ có tới hơn 10.000 người. Có tin cho biết có thể tới hơn 14.000 người. Chưa kể theo thăm dò của Gallup, ít nhất 5 triệu người các xứ Trung Mỹ cho biết đang theo dõi các nhóm này và sẽ chạy theo ngay nếu các nhóm ‘tiên phong’ này được nhận vào Mỹ. Chỉ cần môt phần mười thực hiện ý định thì ta cũng sẽ thấy nửa triệu dân trung Mỹ tràn qua Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã huy động 2.100 Vệ Binh Quốc Gia và 5.200 quân nhân chính quy ra gác biên giới, cộng với cảnh sát biên giới và cảnh sát địa phương.  Đụng độ đã xẩy ra khi nhiều nhóm ‘thanh niên xung phong’ đã leo rào, kéo hàng rào giây kẽm gai, liệng đá hay vác gậy đánh cảnh sát, khiến cảnh sát đã phải bắn hơi cay –tear gas- để giải tán họ. Cửa khẩu San Ysidro đã bị đóng cửa một thời gian mấy tiếng đồng hồ, không ai được qua lại, kể cả dân Mỹ và Mễ hợp pháp.
Về phiá Mễ, thị trưởng Tijuana ban bố tình trạng ‘khủng hoảng nhân đạo quốc tế’ cho tỉnh. Chưa kể chi phí 30.000 đô mỗi ngày, Tijuana còn bị đe dọa bởi nạn băng đảng, trộm cướp, bệnh hoạn, và ma tuý trong đám di dân này. Ông thị trưởng này cũng cho biết Tijuana đang cần dân lao động, sẵn sàng đón nhận cỡ 5.000 người ở lại, cung cấp việc làm và giúp đỡ ban đầu. Nhưng dĩ nhiên chẳng ai nhận.
Có tin hai chính phủ Mỹ và Mễ đang điều đình và dường như Mễ đã chấp nhận để đám người này ở bên đất Mễ trong khi chờ đợi.
TT Trump khẳng định sẽ không chấp nhận việc mà ông gọi là “xâm lăng” của đám di dân này và sẽ ngăn cản bằng mọi giá. Trong khi TT Trump nói cứng thì lạ lùng thay, những cái miệng ồn ào nhất trong đảng đối lập DC tuyệt đối im hơi lặng tiếng. Các ông bà to mồm như Nancy Pelosi, Chuck Schumer, Maxine Waters, cả Kamala Harris và Cory Booker cũng đều ngậm tăm hết. Thống đốc Cali Jerry Brown và thống đốc tân cử Gavin Newsom cũng nín khe.
Bây giờ ta bàn về vấn đề luật và nguyên tắc.
Theo luật hiện hành, di dân muốn xin tỵ nạn phải đến văn phòng di trú tại biên giới nộp đơn xin, được chấp nhận sơ khởi vì có lý do chính đáng theo luật Mỹ thì mới được cho vào đất Mỹ tạm trú hay tạm giam, chờ quyết định cuối cùng của tòa di trú Mỹ. Nếu được chấp nhận, sẽ được trả tự do vào sống trên đất Mỹ, dần dà theo đúng thủ tục, thành công dân Mỹ. Nếu không, sẽ bị trục xuất. Hiện nay, Mỹ đang cứu xét trung bình 100 đơn sơ khởi một ngày, 10.000 người sẽ cần 3-4 tháng. Ngoài ra, còn có hơn 700.000 đơn xin tỵ nạn ứ đọng đang được các tòa cứu xét. Ưu tiên dĩ nhiên cho số đơn này. Nghiã là đám di dân mới sẽ chờ khoảng vài ba năm trong trại tạm giam là ít.
TT Trump mới đây, ra sắc lệnh xin tỵ nạn hợp pháp chỉ áp dụng cho những người đã ở Mỹ hay đang xin vào Mỹ hợp lệ, có quyền xin ở lại đúng theo luật lệ hiện hành, theo những tiêu chuẩn đã có từ lâu như bị đàn áp về chính trị, tôn giáo, hay cũng có thể được nhận vì lý do nhân đạo khi an toàn cá nhân bị đe dọa vì bạo lực gia đình (bị chồng đánh đập) hay vì bạo lực trong môi trường sống (băng đảng hoành hành); và được ở trong khi chờ phán quyết của Tòa Di Trú. Dĩ nhiên là sắc lệnh đã bị phe cấp tiến khởi tố ngay tại thành phố cấp tiến nhất của Mỹ, San Francisco, với một ông quan tòa cấp tiến do TT Obama bổ nhiệm, Jon Tigar. Ông tòa này bác bỏ ngay sắc lệnh của TT Trump vì theo ông, vi phạm luật do quốc hội ban hành, cho phép di dân bất hợp pháp cũng được quyền xin tỵ nạn.
Trên căn bản, ông tòa Tigar có lý phần nào. Luật cho phép những di dân lậu khi bị bắt, được quyền xin tòa cứu xét để khỏi bị trục xuất ngay, gọi là ‘defensive petition against removal’. Tuy nhiên, diễn giải của ông tòa có tính quá bao quát. Luật viết ra cho những trường hợp bị bắt có thể bị trục xuất ngay, cho phép nạn nhân được quyền khiếu nại, xin không bị trục xuất (against removal). Ông tòa Tigar diễn giải tất cả mọi di dân bất hợp pháp đều có quyền xin ở lại hết dù chưa bị bắt hay bị đe dọa trục xuất.
Hiện nay có khoảng 12 triệu di dân lậu đang sống tại Mỹ. Nhưng hầu hết khối người đó chẳng ai đủ tiêu chuẩn để xin tỵ nạn vì đều là đi kiếm job chứ chẳng ai bị đe dọa an toàn cá nhân hay bị đàn áp chính trị hay tôn giáo gì. Thực tế mà nói, sẽ chẳng có anh di dân lậu nào xin tỵ nạn kiểu này vì có xin cũng không đủ tiêu chuẩn để được chấp nhận. Không anh nào ngu dại chạy ra hô “ông ơi, tôi ở bụi này”.
Tóm lại, quyết định của ông tòa thực sự chẳng giúp mấy anh di dân lậu đang sống tại Mỹ, nhưng lại tạo ra một hiểu lầm khổng lồ bị khai thác mạnh. Thông điệp cho những người đang chờ ở Tijuana: cứ làm ẩu tràn vào Mỹ bất hợp pháp, thì sau đó vẫn được ông Tigar cứu xét cho tỵ nạn. Đây chính là điều khiến TT Trump nổi trận lôi đình. Trump gọi đây là phán quyết không có ‘common sense’, lý lẽ bình thường không có, diễn giải luật một cách máy móc mà không nhìn thấy hậu quả vô lý. Trên thế giới này, không có xứ nào có luật cho phép dân làm chuyện bất hợp pháp hết, nhưng đó lại là cách diễn giải méo mó của phe ủng hộ di dân và mấy tay đầu nậu buôn người, muốn lừa gạt dân Trung Mỹ.
Bất kể căn gốc di dân vào Mỹ là gì, lý cớ gì, tóm lại, tất cả vẫn chỉ vì nước Mỹ này đã trở thành một thứ ‘thiên đường’ của cả nhân loại. Trong khi oái ăm thay, cả thế giới nghe theo TTDC chửi nước Mỹ của Trump là xứ của thượng tôn da trắng, kỳ thị cả thế giới, xứ của súng đạn giết người như đập ruồi, thì cả triệu người trên thế giới vẫn mơ được đi Mỹ. Thậm chí như ta đang thấy, còn dùng võ lực, đánh lộn với cảnh sát để được vào sống trong cái địa ngục trần gian đang bị một ‘hung thần kỳ thị nặng’ cai trị theo kiểu ‘độc tài đảng trị’.
Một là cả thế giới điên hết rồi. Hai là cả thế giới chẳng ai tin những xuyên tạc của TTDC.
Sự thật là bất kể mọi chỉ trích, nghiêm chỉnh hay phe đảng, nước Mỹ vẫn là cái xứ tốt nhất thế giới, tuy không thể hoàn hảo. Không phải mới đây, mà đã từ … ngày lập quốc rồi. Từ hồi nào đến giờ, nước Mỹ là nước khó vào nhất. Muốn xin vào, bất kể là đi làm ăn, du lịch, học hành hay chữa bệnh, đều phải bị phỏng vấn, thi cử, đủ thứ mới được cấp chiếu khán, ngoại trừ dân của một nhúm quốc gia phần lớn là Âu Châu và cường quốc kinh tế Á Châu như Nhật, Nam Hàn, Singapore,... Vậy chứ đi khắp thế giới, chỗ nào có tòa đại sứ Mỹ là chỗ đó thiên hạ xếp hàng cả ngày trời để xin chiếu khán.
Tại sao thiên hạ lại đổ xô đến Mỹ như vậy? Không kể những trường hợp đặc miễn như trường hợp của dân VN sau 75, được nhận vào Mỹ theo quy chế tỵ nạn chính trị, rồi sau đó quy chế nhân đạo, còn dân thế giới muốn vào Mỹ chỉ vì lý do kinh tế. Từ dân Âu Châu, đến Á Châu đến Nam Mỹ, tất cả bị thu hút vào Mỹ vì đồng đô la. Các doanh gia Âu Á muốn qua Mỹ vì có nhiều cơ hội kinh doanh hơn, dễ kiếm tiền hơn. Dân các xứ nghèo, chậm tiến, luôn nhìn thấy lương một tháng ở Mỹ bằng lương cả năm của họ, chỉ mong có việc làm ở Mỹ, xài một phần, một phần gửi về quê nhà nuôi cả họ. Đó chính là thực tế của vấn đề.
Khi ông Trump tranh cử rồi đắc cử tổng thống, ra lệnh siết chặt chế độ di trú thì bong bóng di dân lậu xì hơi một thời gian đầu. Số di dân tìm cách vượt biên giới vào Mỹ giảm mạnh, một số đang sống bất hợp pháp thậm chí bỏ về nước vì sợ bị bắt nhốt. Nhưng phong trào chạy qua Mỹ lại tăng vọt mạnh không lâu sau đó. Vì hai lý do:
-            Thứ nhất, nhiều tiểu bang do đảng DC kiểm soát ra luật An Toàn Di Trú, Sanctuary Law. Luật này tiêu biểu cho chính sách mỵ dân, đi kiếm phiếu để cứu sống đảng DC. Luật này đã bị mấy tay đầu nậu trung và nam Mỹ, chuyên nghề chở di dân lậu vào Mỹ, khai thác và xuyên tạc tối đa cho dân nghèo, ít hiểu biết, giải thích đó là cánh cửa mở toang cho di dân lậu, sẽ được các tiểu bang này hoan nghênh và bao che, chống lại chính sách khắt khe của TT Trump. Đây là thông điệp cực kỳ hấp dẫn cho dân nghèo trung Mỹ, khuyến khích họ ào ào chạy vào Mỹ. Chỉ cần vượt qua biên giới, kể cả bằng bạo lực là xong, gạo nấu thành cơm, sẽ được sanctuary law bảo vệ.
-            Thứ nhì, kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh, công ăn việc làm đầy rẫy, có chỗ tỷ lệ thất nghiệp đã xuống thấp đến mức nguy hiểm, thiếu nhân công. Ai cũng nghĩ qua Mỹ kiếm việc rất dễ, lương rất cao, nên ai cũng muốn đi. Đây là một hậu quả không ngờ của chính sách kinh tế thành công của TT Trump.
Câu hỏi lớn nhất dĩ nhiên là tại sao một cường quốc như Mỹ mà không giải quyết được cái vấn nạn từ hơn nửa thế kỷ qua.
Tổng thống CH Reagan là người đầu tiên tìm cách giải quyết, ký sắc lệnh ân xá tất cả trẻ con di dân lậu đang sống với bố mẹ tại Mỹ. Sắc lệnh được coi như tiền thân của DACA của TT Obama. Ông phải ra sắc lệnh vì quốc hội khi đó chống mạnh vì miả mai thay, DC khi đó nắm đa số chống mạnh vì sợ CH lấy mất phiếu cử tri gốc Mễ.
TT Clinton, đại bại trong bầu cử giữa mùa 1994, bị đe dọa thất cử khi ra tranh cử lại. Ông hiểu đa số dân da trắng chống di dân lậu nên tìm cách giữ phiếu dân da trắng cho cuộc tái tranh cử của ông. Hai 2 tháng trước bầu cử năm 1996, ông ký một đạo luật di dân khắt khe nhất từ xưa đến ngay cả ngày nay. Luật này cho phép cảnh sát bắt nhốt tất cả di dân lậu ngay lập tức, ngay cả trong khi chờ tòa phán quyết, kể cả trẻ con luôn (bị kiện, và tòa không cho phép nhốt trẻ con quá 20 ngày). Tất cả những di dân lậu bị bắt vì phạm bất cứ tội gì trong vòng 100 dặm cách biên giới (bao gồm các tỉnh từ San Clemente qua tới Temecula, phiá nam Los Angeles, cả San Diego bên Cali; Tucson bên Arizona; El Paso bên Texas,…), đều có thể bị trục xuất ngay không cần phán quyết của tòa di trú.
Bà Hillary còn gân hơn nữa: năm 2014, chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, trong một cuộc phỏng vấn trên CNN, công khai chỉ trích sắc lệnh DACA của TT Obama: “chúng ta phải gửi một thông điệp thật rõ ràng: không phải vì con của quý vị vào được Mỹ là chúng có quyền ở lại... Tôi nghĩ tất cả những đứa trẻ đó phải được trả lại cho gia đình chúng”.
TT Bush con muốn đưa ra một giải pháp, đại khái cho di dân lậu ra khai báo, được ân xá mọi tội, chỉ đóng tiền phạt tượng trưng, trở về xứ, rồi ghi danh ưu tiên trở vào Mỹ theo đúng luật lệ. Giải pháp của ông bị quốc hội, cả CH lẫn DC bác.
Còn TT Obama thì sao? Năm 2005, thượng nghị sĩ Barack Obama tuyên bố “Chúng ta không thể đơn giản chấp nhận cho thiên hạ tràn vào nước Mỹ lén lút, không có giấy tờ, không có kiểm soát, và qua mặt những người kiên nhẫn tuân hành luật lệ đang xếp hàng chờ vào công dân Mỹ”.
Khi lên làm tổng thống thì ông đổi ngược thái độ, áp dụng luật chống di dân lậu một cách ển ển xìu xìu, ký sắc lệnh ân xá DACA. Trong khi đó, sợ bị chỉ trích, ông chơi mánh, đổi cách thống kê di dân lậu. Trước đó, thống kê về số trục xuất chỉ kể những người đang sống bất hợp pháp, bị bắt rồi trục xuất. TT Obama đổi kiểu, tính luôn những người tìm cách vượt biên giới, bị bắt ngay tại biên giới, bị đuổi trở về không cho vào Mỹ. Nhờ mánh này, ông vỗ ngực khoe là tổng thống trục xuất nhiều di dân lậu nhất.
Tất cả các tổng thống Mỹ đều thất bại, chưa ai giải quyết được vấn nạn di dân lậu.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nhìn vào những yếu tố thực tế.
Đầu tiên là đảng DC đang mất khối cử tri da trắng nên cần bù đắp phiếu để cứu sống đảng DC, nhất là sau khi ông Trump đã hạ bà Hillary và CH kiểm soát cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện và Tối Cao Pháp Viện, cũng như 30 tiểu bang qua cuộc bầu năm 2016. Chẳng có gì là ‘nhân đạo’ hết. Khối cử tri gốc La-Tinh cũng là khối dân đang đẻ rất nhanh, chưa kể họ có tinh thần gia đình rất nặng, sẵn sàng bảo lãnh họ hàng xa lắc xa lơ. Qua 1, bảo lãnh 10, đảng DC hốt ít nhất 9 phiếu. TT Obama và bà Hillary, khi trực diện với nhu cầu kiếm cử tri để cứu sống đảng DC này, đã thay đổi quan điểm 180 độ. Đảng CH dĩ nhiên nhìn thấy rõ vấn đề và tìm cách cản.
Nôm na ra, di dân đã trở thành một yếu tố chính trị mà cả hai chính đảng đều coi như sinh tử, nhưng chẳng bên nào dám công khai nhìn nhận, chỉ núp sau các lý do nhân đạo để ủng hộ, hay an ninh để chống.
Yếu tố thứ hai là phí tổn quốc gia. Theo các thống kê được công bố, khối di dân bấp hợp pháp tốn cho ngân sách Mỹ khoảng 135 tỷ một năm (y tế, giáo dục, xã hội, an ninh,...), từ cấp địa phương, tiểu bang, tới liên bang. Trong khi đó thì khối này đóng góp chừng hơn một chục tỷ qua các loại thuế gián thu. Nhà Nước lấy tiền từ đâu ra nếu không phải từ thuế của đám dân trung lưu như quý độc giả và kẻ này? Cuối sổ, ai chịu thiệt thòi về vấn nạn di dân lậu? Tin mới nhất: chính quyền Tijuana cho biết 1/3 nhóm di dân bị bệnh nặng như AIDS, lao phổi, đau gan. Con số cao một cách bất thường. Không biết có phải nhiều người bệnh nặng muốn qua Mỹ để được chữa bệnh miễn phí không?
Yếu tố thứ ba là an ninh quốc gia. Nước Mỹ từ những ngày 9/11 đã bị đe dọa an ninh từ khủng bố Hồi giáo quá khích, và trước đó, cũng đã gặp vấn đề an ninh trật tự từ các băng đảng ma tuý, hay du đãng từ nam và trung Mỹ tràn vào. Tất nhiên có nhu cầu kiểm soát việc dân thế giới đổ xô vào Mỹ. Phải xác định ngay, trái với những xuyên tạc của TTDC, TT Trump chưa từng đóng cửa xứ Mỹ không cho di dân vào nữa. Ông chỉ là muốn có sự kiểm soát chặt hơn, thanh lọc kỹ hơn để cấm cửa những thành phần bất hảo.
Yếu tố thứ tư là luật pháp. Thế giới này chưa bao giờ là thứ thế giới đại đồng vô biên giới mà Các Mác mơ mộng. Trên 200 quốc gia vẫn có luật xuất nhập cảnh rõ ràng. Cả chục ngàn người từ những nước ngoài kéo đến biên giới, leo rào, đánh cảnh sát là chuyện không có bất cứ một xứ nào trên thế giới chấp nhận chứ không phải chỉ có TT Trump. Phe cấp tiến thường hô hoán “không có ai đứng trên luật pháp, kể cả TT Trump”. Không sai! Kẻ này chỉ muốn thêm cho rõ “không có ai có quyền ngồi xổm trên luật pháp, kể cả di dân nghèo các xứ khác”.
Yếu tố thứ năm là tiền lệ. Giả dụ như TT Trump vì lý do nhân đạo hay vì áp lực chính trị, miễn mọi luật lệ và thủ tục, mở cửa đón hết đám di dân đang muốn vào Mỹ, thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xẩy ra? Mấy triệu hay mấy chục triệu người sẽ đổ xô vào. Chấp nhận được không?
Quay lại thực tế với ‘đoàn lữ hành’ tại Tijuana.
TT Trump đã huy động quân lực để ngăn chặn, và bị phe cấp tiến chống đối dữ dội.
Một tổng giám mục Mễ tuyên bố tất cả chúng ta đều là di dân, do đó cần thông cảm, giúp đỡ,... Dĩ nhiên ai cũng “thông cảm” và ngay cả TT Trump cũng không phải là cấm cửa họ, chỉ là không chấp nhận họ leo rào, đánh cảnh sát, tràn qua tập thể, bất chấp luật pháp thôi.
Nhiều người tố Mỹ vi phạm công ước gì đó của Liên Hiệp Quốc về di dân. Họ tố sai. Công ước đó kêu gọi thế giới nhân đạo đón nhận những nạn nhân của đàn áp chính trị, tôn giáo, hay nạn nhân của chiến tranh,... Trong công ước, không có chuyện bắt buộc bất cứ xứ nào phải mở toang cửa đón nhận cả chục hay cả trăm ngàn người nghèo từ xứ này chạy qua xứ khác kiếm sống, không có vấn đề tỵ nạn kinh tế. Công ước đó cũng không phủ nhận chủ quyền quốc gia của mỗi nước, có quyền có luật riêng quy định rõ điều kiện xin và nhận tỵ nạn.
Nhiều người khác nêu gương ‘nhân đạo’ của Đức khi xứ này nhận gần một triệu di dân Trung Đông. Nói vậy là chẳng hiểu gì về vấn đề. Đức nói riêng và Âu Châu nói chung đang gặp vấn nạn thiếu hụt dân lao động: dân ham vui không chịu đẻ, đưa đến tình trạng thiếu nhân lực cho kinh tế, đe dọa vị thế đại cường kinh tế của Đức. Đó là lý do bà Merkel bất đắc dĩ phải nhận gần một triệu người tỵ nạn từ Trung Đông. Mặt trái của vấn đề là chuyện này đã khích động tinh thần quốc gia tại nhiều nước Âu Châu, đưa đến chiến thắng của nhiều đảng thiên hữu cực đoan như tại Ý, Áo,...
Vấn nạn di dân là chuyện giản dị, dễ hiểu, nhưng lại vô vàn khó khăn vì không có giải pháp hoàn hảo. Những khó khăn đưa đến bế tắc, dẫn đến xuyên tạc để đổ thừa vì tính phe đảng, và ... bàn sảng từ những người thiếu hiểu biết.