Pages

Saturday, November 24, 2018

BÀI 48: VẤN ĐỀ TỰ DO NGÔN LUẬN


Một chuyện thời sự quan trọng vừa xẩy ra, đưa đến tranh cãi về một vấn đề đụng đến nền tảng của thể chế dân chủ của Mỹ: đó là vấn đề tự do ngôn luận, và tự do báo chí.
Câu chuyện nổ bùng ra sau cuộc tranh cãi giữa một ký giả của CNN, anh Jim Acosta và TT Trump, trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.
      Hôm 7 tháng 11 này, TT Trump mở cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, nói về nhiều chuyện, đặc biệt là vụ bầu cử giữa mùa vừa qua.
Trên nguyên tắc, trong các cuộc họp báo này, tổng thống -hay phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc- chỉ định người nào thì người đó mới có quyền đặt câu hỏi. Thông thường vì có quá nhiều ký giả, cỡ 50 nhà báo mà chỉ có hơn một chục người được đặt câu hỏi vì thời gian giới hạn, nên mỗi người chỉ được hỏi một câu, thỉnh thoảng có quyền hỏi thêm một câu phụ nữa để làm sáng tỏ hơn câu trả lời của tổng thống. Cũng trên vấn đề nguyên tắc, ký giả chỉ có quyền đặt câu hỏi ngắn gọn chứ không có quyền lên tiếng nhận định hay phê bình gì hết. Sau đó, họ có quyền về tòa báo, viết bài, tha hồ thêm phần nhận định nếu muốn.
Trong cuộc họp báo đang bàn, anh Acosta, phóng viên trưởng phụ trách Tòa Bạch Ốc của CNN, đã đặt câu hỏi lên TT Trump. Nhưng câu hỏi của anh thật ra không phải là câu hỏi mà là một thứ chất vấn hay tuyên cáo chỉ trích chính sách di dân của TT Trump. Tức là anh ta lợi dụng cơ hội để đưa ra quan điểm cá nhân của mình rồi chất vấn TT Trump. Vì cuộc họp báo có trực tiếp truyền hình nên các nhà báo có khuynh hướng bắt chước các dân biểu, nghị sĩ, thường lợi dụng cơ hội để nổ, biểu diễn tài cá nhân cho cả nước chiêm ngưỡng. Anh Acosta cố tình đóng tuồng người hùng trên TV cho các khán giả và cho các ông xếp của anh ta trong đài CNN, chứ không phải là nhà báo đang đặt câu hỏi với tổng thống.
Câu đả kích chính của anh Acosta  là chất vấn sao TT Trump dám định nghiã đám di dân là ‘quân xâm lược”. Sau khi TT Trump trả lời “Anh và tôi, chúng ta không có cùng một định nghiã về xâm lược”, anh tiếp tục la lớn, chỉ trích tổng thống, rồi tự động hỏi thêm nhiều câu hỏi kiểu thách thức khác, tổng cộng anh ta nêu lên 4 câu hỏi, bất kể TT Trump đã nhắc đi nhắc lại “đủ rồi” (That’s enough!). Khi TT Trump từ chối trả lời tiếp, chỉ định một ký giả khác đặt câu hỏi thì anh Acosta từ chối không chịu đưa micro cho anh này. Khi một nhân viên Tòa Bạch Ốc đến lấy micro thì xẩy ra cuộc giằng co vì anh nhất định ôm khư khư cái micro để tiếp tục đả kích tổng thống.
Sau cuộc họp báo, Tòa Bạch Ốc thông báo anh Acosta đã bị rút thẻ vào Tòa Bạch Ốc để tham dự các cuộc họp báo. Cần ghi nhận chỉ có anh Acosta bị rút thẻ thôi, CNN có khoảng 50 nhà báo, phóng viên, chuyên viên quay phim, kỹ thuật... có thẻ này, và không ai bị rút hết. Một cụ tỵ nạn bị dị ứng Trump không hiểu luật Mỹ, đã xuyên tạc ngay anh này bị rút thẻ phóng viên không còn được hành nghề. Ở Mỹ, không phải như ở cái xứ ‘đỉnh cao’ vớ vẩn, phải có thẻ phóng viên để hành nghề nhà báo. Tòa Bạch Ốc chỉ thu lại cái thẻ an ninh để anh Acosta không được vào Tòa Bạch Ốc tham dự họp báo thôi. Không hề có chuyện rút thẻ phóng viên không cho anh Acosta hành nghề làm báo nữa, thưa cụ.
CNN mau mắn kiện Tòa Bạch Ốc ra tòa về tội vi phạm quyền tự do ngôn luận, vi phạm Tu Chánh Án Số 1 bảo vệ quyền tự do ngôn luận của anh Acosta và của CNN. TTDC nhất loạt vồ lấy cơ hội đánh TT Trump như thường lệ. Hầu hết các cơ quan truyền thông khác, kể cả Fox News, đã lên tiếng hậu thuẫn CNN. Chỉ vì vấn đề đi xa hơn chuyện anh Acosta và CNN. Đó là vấn đề nguyên tắc. Nếu Tòa Bạch Ốc toàn quyền thu hồi thẻ vào Tòa Bạch Ốc của các ký giả thì mai này, sao cản được một tổng thống DC thu hồi thẻ của một ký giả của Fox News?
Quan tòa mau mắn phán quyết Tòa Bạch Ốc phải tạm trả thẻ lại cho anh Acosta. “Tạm” tức là anh Acosta lấy lại được thẻ để xử dụng trong thời gian 14 ngày trong khi chờ đợi Tòa Bạch Ốc hoặc là trả thẻ vĩnh viễn lại cho anh Acosta, hoặc là phổ biến thủ tục thu hồi thẻ rõ ràng.
Đây là lý do bà phát ngôn viên Sanders đã tuyên bố phán quyết là một thắng lợi cho Tòa Bạch Ốc, vì đã giúp Tòa Bạch Ốc có cơ hội và lý do để đặt ra quy luật họp báo vì từ trước đến giờ chưa tổng thống nào dám đặt luật cho bọn nhà báo.
Tòa Bạch Ốc trả thẻ tạm lại, gấp rút ngồi viết điều lệ họp báo, trong khi TT Trump đe dọa sẽ có thể rút lại thẻ của anh Acosta sau 14 ngày. CNN ngay sau đó, lại thưa kiện nữa, cho là Tòa Bạch Ốc không có quyền rút thẻ, bất kể thẻ tạm hay vĩnh viễn. Hai bên điều đình trong hậu trường, Tòa Bạch Ốc cho anh Acosta nộp đơn khiếu nại, nêu rõ thái độ của anh trong tương lai. Không biết anh ta viết gì trong đơn khiếu nại và hứa hẹn gì cho tương lai, chỉ biết sau đó, Tòa Bạch Ốc cấp thẻ thường trực lại, không còn tạm nữa, và CNN bãi nại.
Mặt khác, Tòa Bạch Ốc chính thức phổ biến thủ tục họp báo: mỗi phóng viên được chỉ định cho hỏi, chỉ được hỏi một câu, và câu hỏi phụ theo (follow-up question) thì hoàn toàn tùy thuộc quyết định của người tổ chức họp báo. Ai vi phạm sẽ bị thu hồi thẻ tham dự họp báo. CNN hoan nghênh việc hoàn trả thẻ thường trực lại cho anh Acosta, hô hoán đây là thắng lợi lớn cho quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, CNN vẫn khẳng định Tòa Bạch Ốc không có quyền đơn phương ấn định thủ tục họp báo nếu không tham khảo và làm việc cùng với CNN, tức là nếu không có sự đồng ý của CNN. Nói cách khác, CNN tự cho mình quyền ấn định thủ tục họp báo của Tòa Bạch Ốc.
Trong khi đó, Hiệp Hội Các Nhà Báo Tại Tòa Bạch Ốc khẳng định họ sẽ tiếp tục đặt câu hỏi tiếp theo như thường lệ, bất chấp thủ tục mới. Coi bộ cuộc tranh chấp chưa giải quyết xong.
Câu chuyện đưa ra vấn đề đâu là giới hạn của tự do ngôn luận?
Trên thực tế, ở đây, đặt vấn đề tự do ngôn luận là sai. Hay chính xác hơn, là mánh xuyên tạc của CNN. Quyền tự do ngôn luận của anh Acosta và của CNN, chưa ai đụng tới hết. Anh ta trước đây cũng như ngay bây giờ, có quyền viết bài hay lên TV nói chuyện, bất cứ đề tài gì cũng được, kể cả việc chỉ trích TT Trump trong vụ lộn xộn này, không ai cấm anh ta cũng chẳng ai kiểm duyệt gì hết, mà cũng chẳng ai mời anh ta ‘lên công an làm việc’ hết. Điều Tòa Bạch Ốc nổi đóa là thái độ phách lối cũng như ý đồ đấm ngực trước thiên hạ của anh. Dù sao ông Trump cũng là tổng thống tức là quốc trưởng một nước. Hơn nữa, họp báo hay họp gì khác cũng vậy, phải có tối thiểu một thứ tôn ti trật tự nào đó, cho ra thể thống, mà Tòa Bạch Ốc gọi là “decorum”, không thể là chỗ mấy anh nhà báo muốn tác oai tác quái, ôm micro biểu diễn tài đấm ngực kiểu gì cũng được.
TTDC –và truyền thông thông ngôn tỵ nạn dĩ nhiên- ca khúc khải hoàn: chiến thắng chống TT Trump đã chà đạp tự do ngôn luận. Lại một cố gắng bóp méo để xuyên tạc.
Ông quan tòa, trong phán quyết, đã nói rất rõ: Tòa Bạch Ốc phải trả thẻ lại cho anh Acosta vì đây là chuyện làm không đúng thủ tục –without due process-, mà không đúng thủ tục vì … chưa có thủ tục ghi rõ ràng trường hợp nào thì thẻ này có thể bị thu hồi. Ông quan tòa nói rõ thêm ông “Đây không phải là phán quyết về quyền tự do ngôn luận”. Điều lý thú là ông quan tòa cũng nhắc không có luật gì bắt buộc Tòa Bạch Ốc phải chỉ anh Acosta là người được hỏi, và Tòa Bạch Ốc trong tương lai có toàn quyền phớt lờ anh ta mà không hề phạm tội tước quyền tự do ngôn luận của anh ta. CNN dĩ nhiên không loan tin này.
Kẻ này không phải là luật sư, chuyên gia về quyền tự do ngôn luận, nhưng chỉ cần dùng lẽ thường sơ đẳng mà Mỹ gọi là common sense thì cũng thấy tự do ngôn luận không có nghiã là tự do chửi bới, miệt thị người khác. Nhiều ông bà tỵ nạn trước khi di tản qua Mỹ đã sống trong những chế độ thiếu tự do, không hiểu gì về chữ tự do, qua đây cho rằng tự do là tự do tuyệt đối không giới hạn, không hiểu tự do của mình ngưng ở ngưỡng cửa tự do của người khác, bị giới hạn bởi mạng sống, quyền lợi và danh dự của người khác. Họ tự cho mình quyền muốn chửi ai thì chửi, đưa đến tình trạng thưa kiện, bị phạt đền có khi tan gia bại sản vì vậy.
Trong câu chuyện anh Acosta, tự do ngôn luận của anh này lớn hơn vì TT Trump là một nhân vật công cộng –public person- mà anh Acosta hay bất cứ ai khác đều có quyền khen chê, nặng lời hơn trường hợp người bình thường.  Dù vậy vẫn không có nghiã là có thể coi quốc trưởng như pha, lợi dụng tổng thống cho phép lên tiếng để cãi nhau tay đôi với tổng thống, công khai sỉ nhục tổng thống trước công chúng. Anh Acosta dĩ nhiên có quyền công kích TT Trump và anh đã nhiều lần hành xử quyền đó, nhưng trên mặt báo, trên đài TV, nhưng không thể hỗn xược trước mặt tổng thống trong một cuộc họp báo công khai có trực tiếp truyền hình cho cả thế giới coi.
Nếu đây không phải là vấn đề tự do ngôn luận thì có phải là chuyện tự do báo chí không? Mà đâu là giới hạn của tự do báo chí? Muốn trả lời câu hỏi, phải hiểu rõ việc làm của báo chí.
Kẻ này đã viết nhiều về đề tài này nhưng dường như vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ. Xin phép tóm gọn lại một lần nữa.
Có hai loại người viết báo: phóng viên và bình luận gia.
Phóng viên, hay gọi nôm na là nhà báo, hay ký giả, là những người đi thu tin tức rồi phổ biến lại trên báo, radio hay TV cho công chúng biết. Nhà bình luận là người lấy một tin tức thời sự nào đó rồi góp ý cá nhân của mình vào.
Nhìn vào phân chia trách nhiệm trên thì có thể thấy ngay anh phóng viên phải là một loại ‘máy’ thu hình và thu âm, tin tức thời sự có sao, cứ như vậy trình bày lại, 100% trung thực, không có quyền thêm mắm muối gì hết. Trong khi, đó anh viết bình luận là người cũng phải dựa trên tin tức có thật 100%, nhưng diễn giải, bàn ra tán vào theo ý kiến chủ quan cá nhân của mình, và dĩ nhiên mọi người đều có quyền đồng ý hay không đồng ý, có thể cho là anh ta nói đúng hay nói sai. Nôm na ra, anh phóng viên nhìn thấy một bông hồng, phải thấy sao, tả lại y vậy, không được khen đẹp hay chê xấu, trong khi anh bình luận tha hồ khen chê theo ý mình.
Một hình ảnh cụ thể: Vũ Linh viết bình luận, không phải là phóng viên hay ký giả gì hết. Do đó, bình luận của Vũ Linh, tuy dựa trên tin tức thời sự có thật, nhưng hoàn toàn chủ quan, phản ảnh cái nhìn chủ quan của cá nhân Vũ Linh. Chỉ cần mở TV nghe các bình luận trên CNN, MSNBC, Fox,… không có một người nào bình luận chung chung, ba phải hết, mà đều là một chiều hết. Nếu ba phải thì bình luận của họ vô nghiã. Cái lạ là cho đến, nhiều cụ tỵ nạn không thích TT Trump vẫn không hiểu chuyện này và vẫn đả kích Vũ Linh ‘phò Trump’ và tố là thiếu khách quan. Một cụ đã gửi email tùm lum với cái tựa nổi bật: “Bản tin của Việt Báo nơi VLinh bị đá ra khỏi chổ kiếm cơm năm 2017 sau khi chỉ viết bài 1 chiều nâng bi Trump quá độ”.  Xin chia buồn cùng VB bây giờ đã được giới thiệu như là t báo đã “đá” Vũ Linh!
Trong bối cảnh này, anh Acosta, với tư cách phóng viên không phải bình luận gia, chỉ là người đến cuộc họp báo để thu thập tin tức về trao lại cho CNN đăng, không có trách nhiệm và quyền hành gì khác.
Họp báo là để các nhà báo có dịp đặt câu hỏi, lấy tin tức rồi về trình lại cho thiên hạ, rồi sau đó về tòa báo, muốn thêm mắm thêm muối, bình loạn gì cũng được. Họp báo không phải là chỗ để các nhà báo tự đấm ngực quảng cáo, tuyên truyền cho quan điểm cá nhân của mình, hay công kích chính quyền, hay dạy bảo tổng thống, hay tự cho mình quyền làm loạn, muốn hỏi gì thì hỏi, muốn giữ micro bao lâu thì giữ. Làm những chuyện đó chỉ là lạm dụng tình thế, xử dụng quyền tự do báo chí không đúng chỗ. Dành micro không cho các đồng nghiệp khác có dịp đặt câu hỏi là có thái độ tự kiêu, khinh thường các đồng nghiệp.
Hiển nhiên là anh Acosta đã đi quá xa, xa hơn vai trò một phóng viên quá nhiều. Theo các bình luận của các báo khác, anh Acosta nổi tiếng là phách lối, tự kiêu nhất trong đám nhà báo được bổ nhiệm làm việc với Tòa Bạch Ốc, một nhà báo lo vỗ ngực xưng tên hơn là lo thu thập tin tức. Anh này cũng là người luôn ‘chơi nổi’, kiếm chuyện cãi nhau với phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bất kể là ai, từ hai năm qua.
Đi xa hơn cá tính phách lối của cá nhân anh Acosta, thái độ nói chung của anh ta thật ra phản ảnh một hiện tượng mới, quan trọng hơn quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí, là những quyền mà ngay cả TT Trump cũng không dám đụng tới. Đó là vai trò ‘mới lạ’ của truyền thông.
Nguyên thủy, truyền thông có trách nhiệm thông tin, tức là báo cáo tin tức thời sự cho quần chúng. Vai trò này cực kỳ quan trọng trong một nước với thể chế dân chủ thực sự. Người dân, tức là những cử tri đi bầu quan chức cũng như đi bầu về nhiều vấn đề khác liên quan trực tiếp đến đời sống của họ, bắt buộc phải thấy và hiểu vấn đề rõ ràng mới có quyết định đúng được. Tức là phải biết được tin tức thời sự chính xác, không bóp méo, mài dũa như trong các chế độ độc tài, cộng sản. Hiểu như vậy thì thấy được vai trò cực kỳ quan trọng của truyền thông, báo chí và TV.
Sau đó, thì trách nhiệm của truyền thông được mở rộng qua vai trò ‘canh gác’ chính quyền, phơi bày ra những chuyện sai trái như tham nhũng, lạm quyền ức hiếp dân lành thấp cổ bé họng. Trong vấn đề này, báo chí đã có công rất lớn qua những loại thiên phóng sự điều tra và phanh phui sự thật. Ở Mỹ, không ai đánh giá thấp các vụ truy tố về Watergate hay Monica Lewinsky.
Dưới thời TT Trump hiện nay, có thể nói truyền thông đã khoác thêm một cái áo mới: đó là cái áo “chiến sĩ xung phong trong cuộc tiêu thổ kháng chiến chống TT Trump” không hơn không kém. Nguyên tắc thông tin trung thực bị vứt vào thùng rác giống như cộng sản vứt quyền tự do ngôn luận vào thùng rác và gọi đó là một thứ xa xỉ phẩm của bọn tiểu tư sản.
Theo nghiên cứu của đại học Harvard mà ai cũng đã biết, hơn 90% các tin tức và bình luận của TTDC đều bất lợi, mang tính chống TT Trump. Nói cách khác, biên giới giữa vai trò phóng viên khách quan, và vai trò bình luận chủ quan, đã biến mất. Bây giờ các phóng viên của TTDC Mỹ hầu hết đã đóng cả hai vai trò: vừa đi thu lượm thông tin, vừa tuyển lựa tin theo ý muốn của mình để phổ biến, và rồi diễn giải luôn những tin đó có chủ đích, theo ý mình. TTDC phịa tin là chuyện khá hiếm vì thông thường, họ khéo léo hơn. Chuyên bóp méo hay phóng đại thôi. Chẳng hạn khi TT Trump tố băng đẳng MS 13 là cầm thú thì TTDC tố Trump gọi “dân Mễ” là cầm thú. Hay khi TT Trump công khai chỉ trích một phụ tá nào thì TTDC loan tin Trump nhục mạ nhân viên của mình. Chuyện tổng thống không đồng ý với phụ tá hay bộ trưởng là chuyện bình thường, nếu không muốn nói là cần thiết trong chế độ dân chủ Mỹ. Bộ trưởng Mỹ không phải là những người ‘gọi dạ bảo vâng’. Cái khác người của TT Trump trong khi mấy tổng thống khác lúc nào ra ngoài cũng tươi cười ca ngợi nhân viên của mình thì TT Trump có cái lương thiện là nói công khai huỵch tẹt là ông không vừa ý.
Điều đáng nói là TTDC không thèm phủ nhận chuyện thiên vị này, trái lại, công khai và hãnh diện khoe ‘thành tích’ mất công tâm và mất tính khách quan này, vì đã tự phong cho mình trách nhiệm cứu nhân độ thế, cứu nước Mỹ ra khỏi cái ‘đại họa Trump’. Báo New York Times đã viết bài xã luận, cho rằng “trong tình trạng nguy hại của đất nước hiện nay, truyền thông không còn có thể khách quan đứng ngoài, mà phải có trách nhiệm giúp sửa đổi”. Thoáng nghe thì lập luận có vẻ tạm được vì nếu ta đi đường, gặp cảnh bất nhẫn mà ngó lơ thì có vẻ vô tâm, bất nhẫn thật. Nhưng vấn đề là nước Mỹ này chẳng phải đang gặp đại họa gì. Trái lại, tình hình tốt đẹp hơn gấp bội dưới thời ông tổng thống trước: kinh tế phất mạnh, cả triệu người có công ăn việc làm, tổng thống đang tranh đấu, đẩy mạnh quyền lợi của Mỹ trên thế giới, đang bận điều đình với Bắc Hàn để giảm nguy cơ chiến tranh nguyên tử, đang cố kìm hãm mộng bành trướng của tân đế quốc Tầu Đỏ,... Đất nước đang nguy khốn chỗ nào? Chẳng qua là nước Mỹ đang đi về một hướng mà TTDC cấp tiến không thích, thế là xúm lại báo nguy sảng để có cớ cản thôi.
Anh Acosta khi đứng trước ống kính TV công khai chất vấn và công kích TT Trump, chính là tự nghĩ mình đang chu toàn cái trách nhiệm vạch trần ‘tội ác’ hay ‘sai lầm’ của TT Trump để cứu nhân độ thế. Và TT Trump dĩ nhiên là không chấp nhận cách hành xử này.
Vấn đề ở đây không phải là chuyện tự do ngôn luận, cũng chẳng phải là quyền tự do báo chí, mà là quyền tự do đánh phá một tổng thống mà TTDC không chấp nhận cho dù đã được bầu một cách chính danh, hợp pháp và hợp hiến. Đó chính là tất cả sự thật đằng sau cuộc tranh cãi giữa CNN/TTDC và TT Trump.