Pages

Saturday, January 28, 2023

BÀI 267: 27/1/1973 - HÒA ƯỚC KHAI TỬ VNCH

    Tuần qua đánh dấu mốc lịch sử đen tối nhất của đất nước ta: cách đây đúng nửa thế kỷ, ngày 27/1/1973 là ngày mà cái gọi là ‘Hòa Ước Paris’ -Paris Peace Agreement- được ký, trên nguyên tắc chấm dứt cuộc nội chiến tương tàn đẫm máu nhất lịch sử đất nước ta, nhưng thực tế lại chính là giấy khai tử của một quốc gia, VNCH.

    DĐTC xin mở lại trang sử đen tối này, với chủ đích giúp những thế hệ tị nạn con cháu hiểu rõ hơn một chút chuyện gì đã xẩy ra cho đất nước ta, tại sao chúng lại đang sống trên đất người.

   Phải nói ngay, bài này không bàn về cái ngưng chiến tại VN qua con mắt của sử gia hay chuyên gia phân tích chính trị, mà chỉ viết lại những suy tư của một người dân ngu khu đen miền Nam, nạn nhân của thời thế và các giàn xếp của các quan lớn của các đại cường.

Hòa Ước Paris 1973: hòa bình da beo

    Chiến tranh VN của Mỹ coi như bắt đầu khoảng năm 1960, tới 1968 đã là 8 năm, quá lâu đối với mấy anh Mỹ mà tính kiên nhẫn mỏng hơn tờ giấy trong khi tính tự cao tự đại lớn hơn núi Thái Sơn, không hiểu nổi tại sao mình vẫn chưa thắng, mà như anh nhà báo kỳ cựu Walter Cronkite đã nói trên đài truyền hình CBS sau trận Mậu Thân, "Mỹ vô phương chiến thắng tại VN". TT Johnson nghe được câu này, nói ngay "Tôi mất Conkrite là tôi mất dân Mỹ" (đại ý, không nhớ nguyên văn).

  TT Johnson mất hết ý chí chiến đấu, quay qua quay lại, chỉ muốn tìm cách tháo chạy mà không mất mặt quá. Ông đi qua không biết bao nhiêu trung gian, môi giới quốc tế, công khai cũng như kín đáo, để tìm cách điều đình. Cái tệ hại là Mỹ mù tịt chẳng hiểu nổi cái ù lỳ tự tin của VC, nghiến răng nghiến lợi nhất định 'đánh chứ không đàm' hay cùng lắm thì 'vừa đánh vừa đàm' chứ không có chuyện 'ngưng đánh để đàm', vì những tay dép râu vô bằng cấp này lại hiểu rõ vận hành của thể chế chính trị Mỹ và tâm lý quần chúng Mỹ hơn xa các PhD Mỹ hiểu đám cuồng cộng qua các computers của McNamara. Trong con mắt VC, Johnson càng cuống cuồng tìm thỏa thuận thì càng có nghĩa Mỹ biết tất thua và tìm đường tháo chạy, VC càng ù lỳ lâu càng có lợi, cho dù có chết thêm vài chục ngàn tên bộ đội thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Đưa đến tình trạng VC cù nhầy tranh cãi hình thù cái bàn hội nghị cả mấy tháng trời. Câu giờ tối đa chờ một Điện Biên Phủ thứ hai.

    Hội nghị Paris khai mạc 10/5/1968, kéo dài tới 27/1/1973 mới ký được thỏa thuận, mất gần 5 năm. Mà cái đáng nói là đã mất tới 5 năm, chết thêm không biết bao nhiêu vạn mlính, tốn không biết bao nhiêu tỷ đô, mới đạt được một hòa ước mà kết quả là Mỹ buông súng tháo chạy vứt bỏ miền Nam VN vào tay CSBV sau một 'khoảng cách đỡ mất mặt' -decent interval- là 2 năm 3 tháng. Thực tế mà nói cái tháo chạy đó đúng ra không cần tới 5 năm tranh cãi, đã có thể có ngay từ 1968, đỡ tốn biết bao nhiêu xương máu Mỹ và Việt, bắc cũng như nam. Mà chắc chắn cũng đỡ 'mất mặt' hơn tháo chạy từ nóc tòa đại sứ.

    Nhìn vào những điểm chính của Hòa ước Paris 1973 ngay khi đó, không ai không thấy đó là một hòa ước tương đương với một đầu hàng gần như vô điều kiện của Mỹ đồng thời là bản án tử hình cho VNCH tuy ngày xử tử không được ghi rõ ràng. Dưới đây là 3 điểm then chốt nhất:

 1- Mỹ rút hết quân về nước, CSBV giữ hết quân ở lại. Hòa ước đòi hỏi tất cả các lực lượng quân sự 'nước ngoài' phải rút ra khỏi Miền Nam, nên chỉ có lính Mỹ và đồng minh như Úc, Đại Hàn,... rút ra thôi, còn bộ đội CSBV vì là lính Việt Nam, KHÔNG phải lính 'nước ngoài' nên khỏi cần rút.  Chuyện bắc và nam VN là hai 'nước' khác biệt, với hai chính quyền, hai chính sách, ... bị xù qua, không ai nhắc tới; vĩ tuyến 17 không có thực nên CSBV có băng qua cũng chẳng ai để ý. Danh từ quan trọng nhất là 'nước ngoài' vì Hòa ước liên tục nhấn mạnh những chuyện như lính 'nước ngoài', can thiệp của 'nước ngoài',... Nhưng vấn đề là 'nước ngoài' nghĩa là gì. VC diễn giải đó là những gì 'không phải VN', mà CSBV hay MTGP đều là VN hết, không phải 'nước ngoài' nên những cấm cản đối với 'nước ngoài' không áp dụng. Mỹ hiểu đó là tất cả những nước ngoài Nam VN, kể cả BV, nhưng Mỹ cũng hiểu CSBV hiểu như thế nào, nhưng nhắm mắt làm ngơ.

2 - Quan trọng không kém là trong khi ai cũng biết cuộc chiến sẽ tiếp tục giữa VNCH và CSBV, thì trong hòa ước này, yếu tố sinh tử là VNCH sẽ không còn được Mỹ yểm trợ bằng những cuộc ném bom cực kỳ hữu hiệu của B-52 và các phản lực chiến đấu Mỹ, và ngay cả không quân VNCH cũng sẽ không còn được tiếp tế xăng và bom cần thiết. Hệ quả sẽ như thế nào, ai cũng biết trước nhưng không ai muốn nói tới.

3 - Cái Mặt Trận bình phong được tấn phong thành một chính quyền ngang hàng với chính quyền VNCH, có quyền ngồi ngang hàng với CSBV và VNCH để điều đình về tất cả mọi chuyện, từ ngưng bắn cho tới hình thức tổ chức chính trị cho miền Nam. Tuyệt đối chỉ miền Nam, không đụng tới miền Bắc. Đó là nói chuyện nguyên tắc. Trên thực tế, vì chỉ thảo luận về chuyện miền Nam, những vấn đề liên quan trực tiếp đến miền Nam, nên CSBV làm như ông bố ngồi chủ trì xem hai thằng con Nam cờ điều đình hay đánh nhau. Chính quyền VNCH bị tuột xuống ngang hàng với cái 'chính quyền ma Mặt Trận.

    Nếu muốn đặt tên cho chính xác Hòa Ước Paris 1973, thì phải gọi đó là Hiệp Ước Rút Quân Của Mỹ, hay kém lịch sự hơn thì đó là Hiệp Ước Mỹ Tháo Chạy, chứ không thể gọi là hiệp ước chấm dứt chiến tranh VN, mang lại hòa bình cho miền Nam VN, vì chiến tranh trong Nam VN đã không ngưng một phút nào, người dân miền Nam không thấy hòa bình một phút nào. Nếu nói hòa bình, thì hiển nhiên hòa ước đã mang lại hòa bình cho Bắc VN khi hết bị bom Mỹ, trong khi trong Nam, chỉ là tạm hưu chiến để Mỹ tháo chạy, rồi chiến tranh vẫn tiếp tục. Lê Đức Thọ đã rất thành thật không nhận giải Nobel hòa bình vì chiến tranh VN chưa chấm dứt, VN chưa có hòa bình.

So sánh Johnson, Nixon và Biden

    Hai vị tổng thống đã có những quyết định sinh tử cho miền Nam VN dĩ nhiên là TT Johnson và Nixon. Biden không phải TT, nhưng đã cùng các đồng chí DC, dùng dao chặt đứt cuống rốn giữ miền Nam VN khỏi chết. 

    a. TT Lyndon Johnson

    TT Johnson không thích nhìn vào bản đồ thế giới. Ông là người chỉ muốn nhìn vào nước Mỹ, ôm mộng gọi là Great Society, xây dựng một 'Đại Xã' Mỹ thịnh vượng trong mô thức xã nghĩa hồng nhạt. 

    Bất thình lình PTT Johnson trở thành TT khi TT Kennedy bị ám sát chết. Đại họa đến với ông chính là chiến tranh VN. Ông phân vân tính toán, do dự, không dám dứt khoát. Thật ra, TT Johnson rất hận chiến tranh VN vì chiến phí quá cao đã cản việc xây dựng Great Society của ông. Nhưng ông cũng không muốn mang tiếng là TT đầu tiên thua trận, để lính TQLC oai hùng của Mỹ thua mấy tên lính dép râu, trong khi lại kẹt không dám đánh mạnh, sợ TC nhẩy vào như ở Triều Tiên. Nói trắng ra, TT Johnson đánh không phải để thắng mà đánh để khỏi thua thôi.

    Cái chần chừ không dám quyết định dứt khoát, không muốn thắng, đưa đến việc áp dụng sách lược leo thang nhỏ giọt, từng bước, chỉ đưa đến hậu quả tất nhiên là chiến tranh leo thang, càng ngày càng tốn tiền thuế dân Mỹ, tốn mạng thanh niên Mỹ, gây phân hóa trong chính trường Mỹ, mà chẳng đi đến đâu, hay chính xác hơn, càng vào thế bị dân Mỹ chống đối vì họ không thấy được một 'tia ánh sáng cuối đường hầm' nào. 

    Quý độc giả tinh mắt sẽ thấy câu trên chẳng có một chữ nào bàn về nước VN, dân VN, chính quyền VN, hay quân lực VN hết. Chỉ vì trong con mắt của Johnson nói riêng và của Mỹ nói chung, Nam VN không phải là một thực thể, chẳng có tiếng nói vì chẳng hiện diện. Bộ trưởng Quốc Phòng của TT Johnson, ông McNamara sau này viết hồi ký về chiến tranh VN. Trong cuốn sách dầy đâu 300 trang, ông ta viết về dân Nam VN, chính quyền Nam VN và quân lực Nam VN đâu được vài ba chục trang, chỉ vì trong con mắt của McNamara, chiến tranh VN là chiến tranh Mỹ xẩy ra trên cái mảnh đất gọi là VN. Ngay cả những thảo luận ngưng chiến, cũng là thảo luận của Mỹ (với đối thủ CSBV), trong khi Nam VN đứng ngoài, không có tiếng nói vì chẳng là cái thá gì.

    Để rồi cuối cùng, TT Johnson cũng đành phải nhả cái gân gà VN, bỏ cuộc, không ra tranh cử năm 1968, bán cái cho anh nào kế nhiệm.

   b. TT Richard Nixon

    TT Nixon khác với TT Johnson. Nixon lo nhìn vào bản đồ thế giới vì ông có cái nhìn chiến lược toàn cầu, trong đó, phải làm sao bảo vệ thế đứng của Mỹ chống lại các phong trào thiên tả thân cộng đang nổi mạnh trong cái khối gọi là Đệ Tam Thế Giới. Đối nội, Nixon có quan điểm bảo thủ, coi như thỏa mãn với tình trạng hiện hữu của Mỹ, không cần thay đổi, cũng chẳng cần Great Society. Nước Mỹ của Nixon chính là sản phẩm của thời Eisenhower khi Nixon làm PTT. Điều cần thay đổi là cán cân ảnh hưởng và quyền lực thế giới, với mục tiêu rõ nét là khai thác tranh chấp Nga - Tầu để tạo một thế chân vạc tay ba, dễ thở hơn cho Mỹ.

    Trong sách lược đó, chiến tranh VN là chướng ngại vật khổng lồ cần phải bứng đi, nhất là khi VN, cả Nam và Bắc, đều chỉ là loại tiểu quốc không đáng để cản đường xây dựng thế giới chân vạc tay ba giữa các siêu cường. Vấn đề của Nixon là phải bứng cho khéo, để Mỹ khỏi mang tiếng bỏ đồng minh, không phải vì Nixon thương đồng minh, mà chỉ vì bỏ đồng minh sẽ làm suy yếu Mỹ trong cái thế ba chân vạc.

    Do đó, TT Nixon cũng cố gắng hết sức làm một cái gì để Mỹ rút ra 'trong danh dự' trong khi cho miền Nam VN một cơ hội sống còn sau khi Mỹ ra đi. Ông tung quân qua Căm Pu Chia, thả bom Lào và đường mòn HCM, cho mưa bom xuống Hà Nội, đặt mìn ở Hải Phòng. Những việc mà Johnson không dám nghĩ tới, khoan nói tới dám làm. Nhưng Nixon bị chống đối tàn bạo hơn gấp bội Johnson, đặc biệt từ khối DC trong quốc hội Mỹ, vì dù sao thì TT Johnson cũng là phe DC với nhau trong khi Nixon là kẻ thù CH.

   Chuyện giả tưởng lịch sử: nếu Nixon không bị những tay như Biden bắt chẹt cắt hết quyền lực trong cuộc chiến tại VN, nếu Nixon không gặp nạn Watergate, nếu còn Nixon, đại họa 30 tháng 4 đã không xẩy ra. Thứ nhất vì cá tính mạnh của Nixon, và thứ nhì vì Nixon coi việc mất hay bỏ Nam VN sẽ khiến đồng minh, kẻ thù, và cả thế giới coi thường Mỹ, khiến cái chân vạc Mỹ yếu thế hẳn so với hai chân vạc Liên Xô và Trung Cộng, nên Nixon sẽ không cho phép xẩy ra chuyện CSBV tung toàn quân tràn qua Lào và vĩ tuyến 17 chiếm cả miền Nam bằng bạo lực. Rất có thể ngay từ 1974, Nixon đã tung B-52 tiêu diệt vài sư đoàn CSBV trên 'xa lộ HCM', hay thả bom tàn phá miền bắc. Ai biết được? Thực tế theo các tài liệu lịch sử, năm 1974, Nixon đã có kế hoạch trải thảm bom B-52 trên cái 'xa lộ' đó, nhưng không thực hiện được vì đang phải tự cứu sống trong vụ Watergate.

    Dù sao thì kết quả cuối cùng là từng bước từng bước, cả Johnson lẫn Nixon đều muốn thoát cái nợ VN. Trong những năm từ sau 1968, dư luận quần chúng Mỹ hiển nhiên chống việc Mỹ tham gia chiến tranh VN khá mạnh, nhưng dường như cả TT Johnson lẫn Nixon đều muốn bỏ VN vì những tính toán riêng của họ, không hẳn vì sợ chống đối của quần chúng. Johnson chán VN vì không thể thực hiện Great Society trong khi Nixon coi VN như một trở ngại trong chiến lược chân vạc toàn cầu.

  c. TNS Biden

    Joe Biden khi đó chỉ là thượng nghị sĩ, mới đắc cử lần đầu tiên vào thượng viện và tuyên thệ nhậm chức tháng Giêng 1973, như TNS trẻ tuổi nhất của đảng DC, khi ông mới 31 tuổi.

    Tuy là tay mơ mới nhập cuộc, nhưng ông Biden ra tranh cử và đắc cử TNS dựa trên lời hứa sẽ tìm mọi cách rút Mỹ ra khỏi Nam VN. Do đó, trong suốt thời gian 2 năm 4 tháng từ ngày nhậm chức tới ngày 30/4/1975, TNS Biden đã không bỏ lỡ một lần nào, luôn luôn biểu quyết cắt đứt mọi viện trợ quân sự cho QLVNCH, ngăn cản mọi hành động của Mỹ như cấm viện trợ quân sự cho Căm Pu Chia, cấm mang lính Mỹ đánh Căm Phu Chia, cấm thả bom Lào và BV,...

   Trong khi các TT Johnson và Nixon cố gắng bằng mọi giá, mọi cách để cứu miền Nam mà thất bại, thì Biden ngay từ đầu đã không có một ly lo lắng cho sự sống còn của Nam VN, mà chỉ có một ưu tư duy nhất: bỏ Nam VN càng sớm càng tốt, bất cần số phận nước Việt và dân Việt. Chính sự chống đối một cách thẳng tay nhất của Biden và đám đồng chí DC mà TT Nixon đã bị trói tay, có muốn giúp Nam VN nhiều hơn cũng không được. 

    Biden chủ trương bất cần dân Việt sống chết ra sao. Cũng chẳng muốn một anh tị nạn da vàng Việt nào trên đất Mỹ. Ông chỉ cần đến đám dân Việt tị nạn tại Mỹ khi ông ta ra tranh cử, cần phiếu của họ năm 2020 thôi. Và đáng buồn thay, không ít dân tị nạn đã và vẫn ủng hộ Biden. Có lẽ để trả ơn Biden đã giúp chấm dứt chiến tranh, cho miền Nam đại bại để họ có dịp được sống yên ổn trong thiên đàng trợ cấp và funds Mỹ? 

Tóm lại:

- TT Johnson muốn đánh mạnh để thắng, khỏi mang tiếng TT đầu tiên thua một cuộc chiến, nhưng lại sợ đại chiến với TC, nên rụt dè, leo thang nhỏ giọt, rồi bỏ trốn.

- TT Nixon coi VN như trở ngại lớn trong chiến lược chân vạc thế giới, nhưng không muốn tháo chạy vì sợ sẽ khiến Mỹ yếu thế, mất uy tín quốc tế trong cái chân vạc đó, muốn thanh toán mạnh, nhưng bị quốc hội DC trói tay. Lại bị kẹt trong xì-căng-đan chính trị Watergate.

- TNS Biden, ra tranh cử với chủ trương bỏ Nam VN vô điều kiện, bất cần biết số phận dân VN, vì ngửi thấy mùi dân Mỹ chống chiến tranh, và ông đã chống chiến tranh, dễ kiếm phiếu cho ông hơn. Biden cả đời chỉ là theo thời cơ chủ nghĩa, 'cuốn theo chiều gió chính trị', chẳng hạn kỳ thị da đen rồi chuyển qua thượng tôn da đen, chống hôn nhân đồng tính rồi nhẩy qua cổ võ hôn nhân đồng tính, chống phá thai nhân danh Công giáo rồi đảo qua sống chết bảo vệ phá thai,...

    Cả hai TT Johnson và Nixon đều cố cứu, rồi bỏ VNCH vì lý do riêng, chỉ có TNS Biden bất cần VNCH ngay từ đầu.

So sánh với Hòa Ước Paris 1973 với Hòa Ước Genève 1954

    Nếu muốn so sánh hai hòa ước Paris và Genève, có lẽ phải nghĩ ngay đến cái mỉa mai vĩ đại của lịch sử:

  • 1954: Pháp muốn rút ra trong danh dự, Mỹ áp lực Pháp rút ra bằng mọi giá.
  • 1973: Mỹ muốn rút ra trong danh dự, Pháp áp lực Mỹ rút ra bằng mọi giá. 

    Trước hết, ta bàn qua bối cảnh tổng quát của Hòa Ước Genève 1954.

   Sau khi Hitler bị đánh bại thì Pháp lại bị chi phối bởi giấc mộng tái dựng lại Đại Đế Pháp của De Gaulle, lo chiếm lại quyền lực tại các thuộc địa, đặc biệt là Đông Dương và Bắc Phi. Đáng tiếc cho De Gaulle, Pháp sau thế chiến đã kiệt quệ, không còn đủ nhân sự, tiền bạc, ý chí để ôm đồm giấc mộng quá lớn đó. Đặc biệt là giấc mộng tái thống trị Đông Dương lại gặp phải một đối thủ khổng lồ là Mao. Những thắng lợi nhỏ ban đầu chống Việt Minh dưới thời tướng De Lattre De Tassigny mau chóng nhường chỗ cho những ‘khó khăn’ vĩ đại khi De Lattre bất ngờ qua đời vì ung thư trong khi Mao biến cả cái xứ Tầu khổng lồ thành hậu phương vĩ đại của Việt Minh.

    Trên phương diện chính trị nội bộ, Pháp suy yếu hơn bao giờ hết khi chế độ nghị trường của Pháp, đưa đến cảnh nội các lên rồi đổ, rồi lên để lại đổ như chong chóng. Đã vậy, nước Pháp khi đó không hồ hởi gì với việc Pháp trở về chiếm các thuộc địa, nhất là khi Mỹ áp lực mạnh để trả độc lập lại cho tất cả các thuộc địa. Đến phiên một ông tên là Pierre Mendès-France lên làm thủ tướng, ông rình ràng cam kết giải quyết chiến tranh Đông Dương bằng mọi giá trong một thời gian ngắn nhất định, nếu không sẽ từ chức. 

    Chưa kể trên phương diện quân sự, chiến lược dụ dỗ Việt Minh ra mặt, đánh lớn để Pháp dễ tiêu diệt chúng hơn đã quật ngược lại, đưa đến Điện Biên Phủ, một đại thảm họa vừa quân sự, vừa chính trị, vừa tâm lý, vừa tài chánh cho Pháp, khiến Pháp không còn chịu nổi, phải tháo chạy.

    Đưa đến kết quả khá hấp tấp của hòa đàm Genève: chia đôi lãnh thổ VN tại vĩ tuyến 17, mà Mỹ và Quốc Gia VN không chịu ký nhưng vẫn tuân thủ phần nào.

   So với hòa ước Paris năm 1973 sau này, ta thấy có những khác biệt cũng như tương đồng căn bản mà hậu quả đều tai hại vô lường cho phía quốc gia.

    a. Hòa Ước Genève 1954:

- Vô hình chung đã đẻ ra một ‘nước’ mới, cho VM và Hồ Chí Minh nhẩy vọt từ một đám du kích lang thang trong rừng núi, lên thế chính danh của một quốc gia, một lãnh thổ, một thủ đô, một lá cờ, một chính quyền mà ngay sau đó toàn thể khối CS quốc tế đã mau chóng nhìn nhận. Chưa kể có được một tiếng nói quan trọng trong bàn tiệc quốc tế tại Genève.

- Cho VM một nửa nước, với đầy đủ nguồn lợi tức kinh tế, tài chánh, thuế má, và nhất là dân số khi miền bắc lại là nửa đông dân hơn xa nửa phía nam, ngay từ đó đã là thiệt thòi lớn cho phía quốc gia vì vừa cung cấp một nguồn nhân lực vô giá cho quân lực của chúng cũng như cho số cử tri nếu Hòa Ước Genève được tuân thủ đàng hoàng, với tổng tuyển cử cùng lúc cho cả hai miền vào năm 1956.

- Trên nguyên tắc, việc phân chia đất nước trong hai năm giúp cơ hội đồng đều cho cả hai bên QG và CS xây dựng đất nước, củng cố vị thế và hậu thuẫn chính trị trong hai năm trước khi có tổng tuyển cử, thống nhất đất nước dưới phe thắng cử. Trên thực tế, cái khoảng cách hai năm từ 1954 tới 1956 chính là cái mà sau này được gọi là một thứ khoảng cách đỡ mất mặt cho chiến thắng trọn vẹn của phe CS, vì ai cũng thấy nếu có tổng tuyển cử, không có cách nào Quốc Gia VN có thể thắng VNDCCH. Ông Ngô Đình Diệm là người chưa ai biết tới hay nghe tên, trong khi miền Nam lại mang tiếng vẫn là thuộc địa của Pháp với ông vua bù nhìn chỉ lo ăn chơi bên Pháp. Chính trường miền Nam cũng rối bù với muôn vàn khó khăn mà hai năm không thể nào đủ để giải quyết: từ loạn sứ quân Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài, tới các đảng phái đủ kiểu như Quốc Dân Đảng, Đại Việt lập cả chiến khu để chống chính quyền Sài Gòn,... tới cả triệu dân di cư từ bắc đổ vào. Trong khi ông Hồ chính là người được tiếng đã hy sinh xương máu để dành được độc lập ít nhất cho một nửa nước, mà cái nửa nước đó lại ổn định hơn xa miền nam. 

- Pháp phủi tay, nhưng Hòa Ước Genève ít ra cũng còn để lại một con đường sống cho Quốc Gia VN khi trao miền Nam lại cho Mỹ, rồi hy vọng Mỹ trong hai năm, có thể hóa phép đưa miền Nam vào thế đủ mạnh, có thể đương đầu và thắng tổng tuyển cử, hay bi quan hơn, nếu CSBV gây chiến tranh xâm lược, có thể bảo vệ miền Nam. Dù sao Mỹ cũng là đại cường đã từng một tay tiêu diệt phát-xít Đức, phát-xít Nhật, lại vừa đánh bại cả Trung Cộng ở Nam Hàn. 

- Trên phương diện thuần túy quân sự, quân lực hai bên được phân cách rõ rệt, bộ đội VM ra bắc, lính Pháp và lính quốc gia vào nam. Hiển nhiên, với sự tập trung tách biệt rõ rệt như vậy, tình trạng hưu chiến dễ kiểm soát hơn, và có thể thực hiện được phần lớn. Thực tế mà nói, VN đã có hòa bình khi CSBV không vi phạm hưu chiến trong Nam cho mãi tới năm 1959, trong khi Mỹ không ném bom BV cho tới năm 1964.

    b. Hòa Ước Paris 1973:

- Trên nguyên tắc, tuy không khai sanh ra một ‘nước’ mới, nhưng lại đẻ ra một chính quyền mới là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam VN, tuy cả thế giới đều thấy rõ tính giả tạo và bù nhìn, cho dù cả khối CS và đám truyền thông thân cộng của Âu Mỹ vẫn cố bám vào cái mặt nạ thô bạo đó.

- Cũng có cái gọi là ‘khoảng cách đỡ mất mặt’, nhưng tệ hơn Hòa Ước Genève ở điểm không có mốc thời gian hai năm gì hết. Tất cả là chuyện khả năng của chính quyền miền Nam chống cự được tới đâu và bao lâu, sớm muộn gì là chuyện của miền Nam. Có thể vài tháng, vài năm, ai biết được? Kissinger sau này nhìn nhận ông ta trước đó đã nghĩ tới khoảng một năm rưỡi.

- Cũng là tình trạng phủi tay như Pháp, nhưng tệ hơn xa vì không còn xứ nào thay Mỹ nhẩy vào cứu miền Nam. Nghĩa là Mỹ phủi tay một cách tàn nhẫn, bất cần biết -hay chính xác hơn- biết chắc miền Nam sớm muộn gì cũng rơi vào tay CSBV. Mỹ chỉ lo tháo chạy, còn giải pháp chính trị nào cho VN, đó là chuyện ‘mấy chú BV và NV lo với nhau đi, chúng tôi đi nghỉ vì mệt rồi'. Coi như miền Nam chết chắc sau cái ‘decent interval’. 

- Hòa Ước Paris trên nguyên tắc để cho hai anh BV và NV đánh nhau hay nói chuyện với nhau, nghe có vẻ cân bằng; nhưng trên thực tế miền Nam bắt đầu phải đánh một mình khi Biden và quốc hội Mỹ cấm mọi quân viện trở lại, trong khi miền Bắc tiếp tục nhận được bạc tỷ viện trợ quân sự của khối CS quốc tế Liên Xô và Trung Cộng. Một cuộc chiến châu chấu VNCH đá voi CSQT Nga-Tầu-BV, kết quả cuối cùng ra sao, chẳng ai không biết trước.

- Khác với Hòa Ước Genève, bây giờ chẳng có chuyện quân lực tập trung lại trong hai khu vực riêng rẽ, trái lại, tình trạng mập mờ gọi là da beo được duy trì, và thảm hại hơn nữa, có từ hơn 100.000 tới 150.000 (gần 15 sư đoàn!) bộ đội chính quy của CSBV được phép ở lại miền Nam, chẳng ai biết đích xác con số, mà chẳng có một sự hạn chế hay kiểm soát cụ thể và hữu hiệu nào. Đưa đến tình trạng Hòa Ước Genève tạo ra được 'hòa bình' tương đối trong khoảng 5-10 năm, trong khi Hòa Ước Paris không có ngưng chiến được tới 5-10 phút. Muốn biết triển vọng tồn tại thật sự của Hòa Ước Paris, chỉ cần nhìn vào bản đồ Đông Dương nói chung và VN nói riêng thời đó: ai dám tin cái thứ hòa bình da beo kiểu này có thể thành công, kéo dài được? 



TT Thiệu có nên ký Hòa Ước Paris 1973 không?
    
    Đây là câu hỏi giả tưởng vì thực tế là TT Thiệu đã ký rồi.

   Công bằng mà nói, TT Thiệu bị đặt trong thế không ký không được. Ông Thiệu là người có tham vọng cá nhân cực lớn mà cũng ranh ma hơn tất cả các tướng lãnh 'chiến hữu', lẳng lặng gặm nhấm quyền hành trong hậu trường, để rồi cuối cùng thanh toán hết các tướng đối lập, độc chiếm quyền hành. Thế nhưng vẫn còn một thế lực cực lớn mà chẳng những ông không kiểm soát được mà trái lại khiến ông rất sợ từ ngày TT Diệm bị giết. Đó là thế lực Mỹ, Xịa. 

    Cái thỏa hiệp của Nixon, chính ông Thiệu cũng đã cố cưỡng lại, không chịu ký, cho đến cuối cùng, không chịu nổi áp lực của Nixon, đành phải ký. Cho dù 2 đòi hỏi chính của ông Thiệu (CSBV rút quân, củng cố vùng phi quân sự vĩ tuyến 17), chẳng đạt được cái nào, mà chỉ đạt được vài sửa chữa chi tiết về ngôn ngữ trong hòa ước. Ông ở trong thế bắt buộc phải công khai chống hòa ước, nhưng ông cũng hiểu đến một lúc nào đó thì ông cũng phải ký nếu không muốn đi theo ông Diệm.

    Câu hỏi lớn: tại sao phải ký? Không ký thì sao? Nếu TT Thiệu là người thật sự vì đất nước, đúng ra ông đã phải từ chối không chịu ký, bất kể áp lực nào của Nixon. Đường cùng thì từ chối ký, rồi công khai lên TV thông báo cho dân biết cái hại của hòa ước, tố cáo những áp lực của Mỹ, rồi từ chức ngay sau đó. Rất có thể sẽ chẳng đi đến đâu, Mỹ vẫn thỏa hiệp với CSBV, ra đi, bỏ VNCH. Cũng có thể TT Thiệu sẽ bị giết. Dù sao thì nếu không ký rồi ra đi hay chết, thì tên tuổi ông Thiệu cũng đã đi vào lịch sử một cách hiên ngang, oai hùng nhất. Rất tiếc có lẽ ông Thiệu đã coi mạng sống quan trọng hơn tiết khí cá nhân hay việc lưu danh trong sử sách. Nguyễn Văn Thiệu hiển nhiên không phải là Nguyễn Khoa Nam hay Phan Thanh Giản. 
    
    Cuối cùng thì TT Thiệu cũng đã phải lên TV tố cáo Mỹ rồi từ chức. Nếu ông làm việc này ngay từ tháng Giêng 1973 thay vì tháng Tư 1975 thì lịch sử đã viết tên ông bằng chữ hoa lớn rồi.

    Nếu nói ông Thiệu nghĩ cứ ký rồi sau đó sẽ đủ mạnh để chống lại CSBV với cả khối CS quốc tế sau lưng trong khi VNCH đứng một mình, thì hiển nhiên đã quá khinh thường ông Thiệu. TT Thiệu dù sao cũng không ngây thơ đến vậy. 

   Ở đây, kẻ này có một thắc mắc thật lớn. Cũng trong thời gian tranh cãi về hòa ước đó, truyền thông VNCH sau này dưới quyền ông Hoàng Đức Nhã, đã tung hô ông Nhã như một thiên tài trong tuyệt đỉnh của thông minh sáng suốt, đã khám phá ra những sơ hở ngôn ngữ trong bản nháp hòa ước, ép buộc được cả Mỹ lẫn VC phải sửa đổi vài điều. 

    Cái 'sơ hở vĩ đại' mà ông Nhã rất hãnh diện khoe đã khám phá ra liên quan đến một khác biệt giữa một cụm từ tiếng Việt dịch qua tiếng Anh: trong bản tiếng Anh mà Kissinger đưa cho ông Nhã thì cơ cấu 'liên hiệp' có trách nhiệm điều hành cả nước, được ghi là 'cơ cấu hành chánh', nhẹ hìu; nhưng trong bản Việt ngữ của VC thì lại được ghi là 'cơ cấu chính quyền', rất nặng ký. Xin lỗi, nhưng kẻ này thật sự không tin trong đám cả chục, cả trăm phụ tá, siêu cố vấn, ban tham mưu của Kissinger lại không có ai nhìn thấy cái khác biệt này, để chỉ có ông Nhã mới thấy, và cứu được miền Nam VN. Nói Kissinger biết nhưng đồng lõa với Lê Đức Thọ cố tình lừa VNCH cũng không chỉnh vì khác biệt quá lộ liễu chẳng cần một thiên tài thật cao siêu mới khám phá ra được. Bất cứ người Việt nào không tin VC, đòi coi lại bản tiếng Việt sẽ thấy ngay lập tức. Các đại sứ Bùi Diễm hay Trần Kim Phượng cũng chỉ cần 3 giây đồng hồ là thấy ngay.

    Câu hỏi lớn: những 'khám phá' của ông Nhã, một cách cụ thể và thực tế, đã giúp được gì cho đất nước ta? Có cứu được nước ta không? Hay những khám phá và thay đổi đó, thật ra đã khiến ông Thiệu mất hết lý do chính đáng và chính danh để không ký hòa ước? Còn bất đồng thì còn lý do không ký, chứ nêu ra bất đồng để rồi cả Kissinger lẫn Lê Đức Thọ đồng ý sửa theo ý ông Thiệu do đề nghị của ông Nhã, thì có phải là ông Thiệu đã mất hết lý dó bác hòa ước để rồi phải ký không? Có khi nào những thiếu sót sơ khởi trong hòa ước đã chính là những cái bẫy cố tình được bầy ra để ông Nhã và ông Thiệu bắt sửa đổi, để rồi sau đó cả Kissinger lẫn Lê Đức Thọ chấp nhận sửa đổi sau khi Nixon dương oai bằng cách trải thảm bom lên Hà Nội, đưa TT Thiệu đến thế kẹt cứng phải ký vì hết lý do phản đối? 
    
    Chuyện cái bẫy nghe có vẻ như chuyện 'phong thần', nhưng nhìn vào các diễn viên chính trong tấn tuồng hòa ước, ít ai cho rằng ông kỹ sư điện 31 tuổi HĐNhã đã là đối thủ cân tay của các tay ma đầu chính trị Lê Đức Thọ (khi đó 62 tuổi, cả đời ở tù hay trong rừng chống Pháp, Mỹ, quân đội QG và QLVNCH) và Kissinger (50 tuổi, đã từng 'đánh phé' với Chu Ân Lai và Mao).

    Ở đây kẻ này chỉ đưa ra một giả thuyết có tính giả tưởng để mọi người suy nghĩ thêm, tuyệt đối không có ý dám chê bai ông Nhã hay ông Thiệu, là những người mà kẻ này chưa xứng đáng xách dép đi theo. Nửa thế kỷ sau, nhìn lại, lúc nào cũng có vẻ 'sáng suốt' hơn, lý luận hay ho hơn. Thực tế là TT Thiệu cũng như ông Nhã khi đó đã không được hưởng cái 'xa xi phẩm' 50 năm ung dung bình tĩnh suy nghĩ kỹ từ đầu đến đuôi.

    Hòa Ước Paris sau đó đã được cả chục đại cường xác nhận và bảo đảm qua một hội nghị quốc tế đàng hoàng, nhưng khi CSBV xua xe tăng qua vĩ tuyến 17 thì tất cả mọi bảo đảm bị xe tăng nghiền nát hết, thế giới im lặng như tờ, không một ai nhắc tới hội nghị bảo đảm quốc tế gì. CSBV cắm cờ Mặt Trận trên Dinh Độc Lập, để rồi vài ngày sau, vứt cái cờ dỏm đó vào thùng rác. Các 'lãnh đạo' bù nhìn của Mặt Trận, nếu không muốn được phong làm tượng đá như Nguyễn Hữu Thọ, chỉ còn nước chạy ra ngoại quốc đấm ngực than trời, nhận tội mình đã quá ngu như Trương Như Tảng.
    
    Lúc sau này, có nhiều người Việt phân tích, rồi hô hoán, tố cáo và lên án VC vi phạm Hòa Ước Paris. Xin lỗi, tố cáo VC gian trá vi phạm hòa ước chỉ là làm chuyện vớ vẩn, ruồi bu. VC có khi nào tôn trọng lời hứa hay hiệp định nào bao giờ đâu mà khiếu nại? Chẳng khác gì khiếu nại... củ khoai !
    
    Dù sao thì cái bất hạnh cho chúng ta là VNCH chỉ là một tiểu quốc, một con chốt nhỏ trên bàn cờ chiến lược thế giới, có bị thí thì cũng chẳng có gì lạ, và cũng chẳng khiếu nại với ai được. Ngay bây giờ, đám tị nạn có bực mình, bàn dza bàn dzô thì cũng chỉ là bàn... cho nhau nghe, ngoài ra, chẳng ai... cares!




ĐỌC THÊM:

Kissinger bỏ VN - Washington Examiner:

https://www.washingtonexaminer.com/opinion/how-henry-kissinger-abandoned-south-vietnam