Tin Tức - 21/12/2019


DECEMBER 21 – 2019

CẬP NHẬT TRANH CỬ
Phải thưa ngay với quý độc giả, vâng cuộc chạy đua tranh cử tổng thống vẫn tiếp tục bên đảng DC chứ chưa vãn tuồng. Và tối thứ Năm vừa qua, cũng đã có thêm một cuộc tranh luận trên TV, mà hình như chỉ có ba người theo dõi trên cả nước. Kẻ này không theo dõi nên chẳng biết chuyện gì xẩy ra. Quý độc giả cũng chẳng ai cần biết nên diễn đàn miễn báo cáo về tuồng cải lương Ấn Độ này. Ngoài một chuyện duy nhất đáng nói: đó là lời ‘kêu gọi’ của ông ứng cử viên gốc Chú Ba, Andrew Yang, khi ông này kêu gọi các đồng chí DC nên bớt bị ám ảnh bởi chuyện đàn hặc, mà nên chú tâm hơn vào việc tại sao ông Trump này đắc cử tổng thống thì mới mong hạ ông trong lần bầu cử tới được.
Sở dĩ quý vị ít nghe tới chỉ vì chuyện này đã bị vụ đàn hặc lấn át trọn vẹn, lấn sân chơi, dành hết cả các trang báo và chương trình TV. Cũng lại là một sai lầm chiến lược khổng lồ của đảng DC.
Đại khái, cuộc chạy đua bên CH coi như đã chấm dứt hoàn toàn. Trong 3 ông chính khách nhẩy ra chống TT Trump, thì một ông đã dẹp tiệm, còn hai ông kia thì đã trở thành những người tàng hình. Các thăm dò cho thấy cả hai ông đều được hậu thuẫn của đâu 2% cử tri CH. Vài tiểu bang đang cứu xét việc hủy bỏ bầu sơ bộ trong đảng CH vì chỉ mất công và mất tiền toi.
Bên DC thì tình hình có vẻ ổn định trong tình trạng rối mù mà chẳng ai thấy gì rõ rệt hết. Trên căn bản, khối các ứng cử viên có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm top gồm bốn vị: ba cụ khủng long Biden, Sanders và Warren, và ‘chị’ Buttigieg. Nhóm hạng nhì gồm những vị được chừng khoảng trên dưới 5% hậu thuẫn, với các bà Klobuchar và Gabbard, cùng với các ông Bloomberg, Steyer, Booker, Yang. Nhóm thứ ba gồm những vị có trên dưới 1% hậu thuẫn vẫn còn có tên nhưng chẳng ai hiểu để làm gì ngoài hy vọng xa vời là được cho ghế phó, gồm các ông Castro, Patrick,...
Nhìn vào tình trạng hậu thuẫn, theo những thăm dò mới, các ngôi sao mới nổi Warren và Buttigieg dường như đang ... từ từ lặn, vì vẫn chẳng có gì hấp dẫn, không bành trướng hậu thuẫn ra ngoài khối cử tri đang hậu thuẫn họ. Các chương trình của bà Warren càng ngày càng bị coi như những chương trình mỵ dân không tưởng, không bao giờ thực hiện được vì chi phí trên trời, trong khi ‘chị’ Buttigieg thì đang bị tố đã bị tài phiệt mua chuộc, trước đây đã từng ‘làm ăn’ với các tài phiệt qua đại tập đoàn tư vấn McKinsey, trong khi bây giờ thì lo đi Wall Street xin tiền của giới này.
Để rồi nhiều người dự đoán cuối cùng thì chắc cử tri DC đành phải chấp nhận một người tương đối khá hơn hết nhưng cũng chán phèo nhất, là ... cụ Biden.
Người ta có cảm tưởng cuộc chạy đua bên DC đã bắt đầu quá sớm, quá hăng, để rồi bây giờ, dù chưa có một cuộc bầu sơ bộ nào, thiên hạ đã cảm thấy mệt mỏi, chán chường với cả vạn cái bánh vẽ được tặng cho thiên hạ bốn phương tám hướng. Có lẽ phải đợi tới khi có những cuộc bầu sơ bộ thật thì thiên hạ mới chú tâm vào cuộc chạy đua lại.
Mối lo lớn của đảng DC là nhìn đi nhìn lại, hình như vẫn chẳng có ai có tầm vóc lên võ đài cùng ông thần Trump được, chưa kể đàn hặc đã và sẽ khích động khối cử tri của TT Trump hăng hái đi bầu cho ông.
Chuyện lạ bốn phương: TT Obama tuyên bố đại khái “nếu nhìn kỹ các vấn nạn của thế giới thì sẽ thấy những người già, thường là những ông già, đã là kỳ đà cản mũi”. Hình như TT Obama quên mất các cụ đồng chí khủng long Biden, Sanders và Warren đang là những ngôi sao sáng chói nhất trong đảng DC của Obama. Hay là ông cố ý nhắc nhở khối cử tri DC?
Một thăm dò mới của báo USA Today khiến đảng DC đã bật đèn đỏ báo động. Cách đây nửa năm, hầu hết các thăm dò đều cho thấy TT Trump sẽ thua tất cả các ứng cử viên DC. Bây giờ, sau khi các ứng cử viên DC ‘xì khói’ vận động tranh cử thì oái ăm thay, theo USA Today, TT Trump HẠ HẾT tất cả các ứng cử viên DC, từ cụ Biden (3 điểm) đến hai cụ xã nghĩa Sanders (5 điểm) và Warren (8 điểm), và ‘chị’ Buttigieg (10 điểm) luôn. Hậu quả rõ rệt nhất của đàn hặc?
Thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy từ ngày đàn hặc bắt đầu, hậu thuẫn của TT Trump đã tăng vọt 6 điểm, từ 39% lên tới 45%. Gallup là cơ quan thăm dò với tỷ lệ hậu thuẫn Trump thấp nhất trong hầu hết các cơ quan thăm dò.

FBI BỊ RẮC RỐI TO

Bà Rosemary Collyer, chánh án tòa Foreign Intelligence Surveillance Court –Presiding judge FISC- là tòa đặc biệt đặc trách các vụ gián điệp của nước ngoài, là nơi mà FBI dưới thời TT Obama đã xin trát để theo dõi Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump, khi đó bị FBI nghi ngờ đã thông đồng với Nga, đã chính thức ra trát tố cáo FBI cung cấp tin sai lầm cho tòa và giấu đi những tin quan trọng không thuận lợi cho việc FBI xin 4 trát tòa FISC để theo dõi công dân Carter Page, tức là đã ‘lừa’ –mislead- tòa FISC (nguyên văn: “… personnel of the Federal Bureau of Investigation (FBI) provided false information to the National Security Division (NSD) of the Department of Justice, and withheld material information from NSD which was detrimental to the FBI's case, in connection with four applications to the Foreign Intelligence Surveillance Court (FISC) for authority to conduct electronic surveillance of a U.S. citizen named Carter W. Page. When FBI personnel mislead NSD in the ways described above, they equally mislead the FISC). Bà Collyer yêu cầu FBI giải thích cho rõ, đồng thời ra lệnh nộp báo cáo hữu thệ cho tòa biết những biện pháp nào đã được lấy để tránh việc này có thể xẩy ra nữa.
Đây là lời kết án chẳng những chưa từng thấy từ một quan tòa, mà còn nặng nề nhất mà không ai chối cãi được về hành động hiển nhiên phi pháp của cựu giám đốc FBI James Comey. Bà Collyer cũng như tất cả 11 quan tòa FISC đều do chánh án Tối Cao Pháp Viện John Roberts bổ nhiệm. Dưới đây là link vào trát của bà Collyer bắt FBI giải thích:


Trước đó, ông Comey, được chất vấn trên TV đã nhìn nhận -nhưng không xin lỗi- ông đã phạm nhiều sai lầm trong vụ FBI trình dữ kiện để xin trát tòa FISA theo dõi ban vận động của ông Trump. Theo ông Comey, những sai lầm đó xẩy ra do ông quá tự tin, cho rằng những dữ kiện ông có đã quá đầy đủ để có thể xin trát tòa.
Tổng thanh tra bộ Tư Pháp trong báo cáo về cuộc điều tra của ông, đã xác nhận FBI đã phạm rất nhiều sai lầm, vi phạm rất nhiều thủ tục điều tra, trên căn bản đã quá dễ dãi trong việc xin trát tòa đi theo dõi ban vận động của ông Trump. Đại cương, FBI đã dựa trên những dữ kiện lỏng lẻo mà không chịu điều tra thêm để có bằng chứng cụ thể hay để xác nhận tính chính xác của các dữ kiện FBI trình cho tòa. Dù vậy, ông tổng thanh tra cũng không đề nghị truy tố bất cứ ai vì theo ông, FBI phạm sai lầm nhưng không có gian ý muốn hại ông Trump hay giúp bà Hillary.
Gian ý hay không thì chỉ có ông Comey biết thôi. Ông tổng thanh tra đã nhận định dựa trên quan điểm cá nhân trong khi những sai lầm của FBI quá thô bạo, đáng lẽ ra phải có biện pháp trừng trị người chịu trách nhiệm là ông Comey, nếu không phải là tội phe đảng lộ liễu thì ít nhất cũng là tội tắc trách.
Quan điểm này của ông tổng thanh tra đã bị bộ trưởng Tư Pháp chỉ trích.
Câu chuyện chưa chấm dứt vì công tố đặc biệt John Durham đang điều tra tại sao và từ đâu xẩy ra việc tố cáo ông Trump thông đồng với Nga, đưa đến việc FBI xin trát tòa cũng như việc bộ Tư Pháp bổ nhiệm công tố đặc biệt Mueller điều tra TT Trump cả hai năm trời tốn mấy chục triệu đô để đi đến kết luận chẳng ai thông đồng gì hết. Ông Durham chẳng những điều tra FBI, mà còn điều tra luôn cả CIA và bộ An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama.

OBAMACARE LÂM NGUY
Một tòa phá án liên bang tại Texas đã phán Obamacare đã trở thành bất hợp hiến, phải thu hồi. Trước đây, Obamacare được Tối Cao Pháp Viện phán hợp hiến vì trong đó có điều lệ nếu không mua bảo hiểm sẽ bị phạt tiền. TCPV định nghĩa tiền phạt đó là một loại thuế, và vì là thuế nên chính quyền liên bang có quyền áp đặt lên cả nước.
Bây giờ điều lệ phạt đó đã bị thu hồi, nghĩa là không còn thuế nữa, do đó, chính quyền liên bang không còn có quyền áp đặt lên cả nước nữa, mà có áp đặt thì là vi phạm Hiến Pháp, vi phạm quyền tự trị của các tiểu bang trong vấn đề y tế này.
Dĩ nhiên, câu chuyện chưa chấm dứt vì chắc chắn sẽ thưa kiện lên tới TCPV. Ta chờ xem. Nếu TCPV phán vi Hiến thì Obamacare sẽ phải thu hồi và quốc hội sẽ phải ‘sáng chế’ ra một loại bảo hiểm y tế mới. Sẽ không dễ dàng gì khi một đảng nắm Thượng Viện, một đảng nắm Hạ Viện.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LEO THANG
Thị trường chứng khoán Mỹ, qua các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P tiếp tục leo thang không mệt.
Tuần qua, cả ba chỉ số đều đã đạt mức kỷ lục cao nhất chưa từng thấy trong lịch sử tài chánh Mỹ. Hôm thứ Sáu vừa qua, Dow Jones lên tới 28.455 điểm.
Từ ngày Hạ Viện bắt đầu đàn hặc đầu tháng Mười, Dow Jones đã tăng gần 2.500 điểm, từ 26.078 điểm lên tới 28.455 điểm ngày 20/12 (+9%). Trong suốt tuần đàn hặc qua, leo lên kỷ lục mới gần như mỗi ngày.
Từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống, Dow Jones đã tăng hơn 10.500 điểm, từ 17.890 điểm ngày 4/11/2016 lên tới hơn 28.455 điểm (+60%).



Diễn dịch cho các cụ cuồng chống Trump hiểu: giới kinh doanh và tài chánh hình như không đọc báo hay coi TV, nên không biết TT Trump đang bị đàn hặc, hay họ coi vụ đàn hặc như chuyện... ruồi bu, vớ vẩn không đáng quan tâm vì chẳng có hậu quả gì hết. Ông Trump vẫn là tổng thống, chính sách kinh tế với chủ trương củng cố tăng trưởng, bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục.
Đây là bình luận của trang mạng Market Watch:

Cái nguy hại hơn nữa là đàn hặc đã trở thành ... mỏ vàng cho ban vận động của TT Trump. Ngày ông bị đàn hặc, ông đã nhận được 5 triệu đô yểm trợ, trong khi ông đã nhận được hơn 20 triệu trong tháng 11, hầu hết là những số tiền nhỏ của người dân bình thường.
Tin kinh tế mới nhất:
-       Hãng xe Ford sẽ đầu tư 1,45 tỷ mở hai xưởng ráp xe tại Detroit, mang lại hơn 3.000 việc làm cho dân lao động tại đây. Tiếp tục đà này thì đảng DC sẽ nguy to.
-       Một ngày sau khi đàn hặc TT Trump, Hạ Viện thông qua thỏa ước Mỹ-Mễ-Canada thay thế NAFTA, để lấy điểm với thiên hạ, chứng mình cũng có thiện chí lo chuyện đất nước chứ không phải chỉ lo đảo chánh Trump.
CNN công bố thăm dò mới của họ, cho thấy hai chuyện đang khiến đảng DC đau đầu:
-       thứ nhất so với thăm dò tháng 10 vừa qua, hậu thuẫn của TT Trump tăng lên so với hậu thuẫn của tất cả các ứng cử viên DC, tuy TT Trump vẫn thua  ba ứng cử viên chính, tuy thua ít hơn, trong vòng xác xuất thống kê, không nghĩa lý gì. Khoảng cách giữa các ứng cử viên DC và TT Trump đều giảm mạnh.


-       Thứ nhì, dân chúng rất mãn nguyện về tình hình kinh tế chung, khác rất xa những năm của Obama.


TIN DI DÂN
Trung Tâm Nghiên Cứu Di Dân –Center For Immigration Studies- cho biết đã có hơn 72.000 trẻ con ‘mỏ neo’ –anchor babies- ra đời tại Mỹ trong năm qua. Đây là những trẻ em ra đời trên đất Mỹ trong khi mẹ đang ở Mỹ hợp pháp với tư cách sinh viên du học hay đang làm việc hay đang là khách du lịch. Ngoài ra, bản nghiên cứu ước lượng có khoảng 300.000 trẻ em ‘mỏ neo’ mà mẹ là di dân bất hợp pháp.
Trẻ em ‘mỏ neo’ được định nghiã như các trẻ em được các bà mẹ cố tình tìm cách cho ra đời trên đất Mỹ để được tự động là công dân Mỹ, giúp bố mẹ có thể vào Mỹ sống hợp pháp.
Ai cũng biết Trung Cộng công khai có dịch vụ ‘du lịch đẻ’, đưa các bà gần đập bầu qua Mỹ để đập bầu.
Nghiên cứu trên cho biết hiện nay có hơn 4,5 triệu trẻ em mỏ neo đang sống trên khắp nước Mỹ, trong đó một phần tư sống tại tiểu bang Cali. Chính phủ Mỹ tốn mỗi năm 2,4 tỷ tiền sanh đẻ, nhà thương cho những đứa trẻ này khi ra đời.
TT Trump đã cho biết ông đang nghiên cứu hủy bỏ thông lệ cứ sanh ở Mỹ là công dân Mỹ. Trong vấn đề này, đang có tranh cãi lớn mà không ai biết rõ ai đúng ai sai. Có khuynh hướng cho rằng việc đương nhiên có quốc tịch đã có trong Hiến Pháp Mỹ, qua Tu Chánh Án 14, trong khi nhiều người khác bác bỏ quan điểm này, cho rằng đó chỉ là chuyện thông lệ thôi, chứ Tu Chánh Án 14 không có ghi rõ có luật tự động có quốc tịch như vậy. Theo họ, Tu Chánh Án này ra đời để bảo đảm dân da đen sanh ra tại Mỹ được đầy đủ quyền công dân, không còn là nô lệ, chứ không phải để nhận trẻ con mỏ neo từ khắp thế giới.
Những người chống TT Trump đã mau mắn tố Trump kỳ thị mà quên mất trên thế giới hiện nay, chỉ có hai nước là cấp quyền công dân cho những đứa trẻ sanh trên đất mình, là Mỹ và Canada. Có lẽ tại cả thế giới đều kỳ thị hết.

NGÂN SÁCH THÂM THỦNG NẶNG
Ngân sách Mỹ đạt mức thâm thủng kỷ lục trong hai tháng đầu của tài khóa 2020, tức là hai tháng 10-11 vừa qua, lên tới 342 tỷ đô.
Số thu gia tăng mạnh cho dù giảm thuế, chứng tỏ việc giảm thuế suất đã bắt đầu giúp tăng thu thuế nhờ nhiều hãng xưởng phát triển cũng như nhờ nhiều người có việc làm, có thể đóng thuế lợi tức. Số thu lên tới 471 tỷ, gần gấp hai lần số thu 269 tỷ trong hai tháng đầu của năm đầu của TT Obama. Nhưng bù lại, số chi đã lên tới 814 tỷ so với 566 tỷ của Obama.
Thâm thủng ngày càng nặng do gia tăng của 3 tiết mục chi tiêu lớn: Obamacare (chi phí dịch vụ y tế trong Obamacare gia tăng tự động theo luật Obamacare trong khi nhiều người lại bỏ Obamacare), bảo hiểm Medicare, Medicaid, và tiền già (trợ cấp tăng do tự động điều chỉnh và số người vào tuổi hưu và Medicare tăng mạnh), và quốc phòng (cả hai đảng đều ủng hộ gia tăng chi phí quốc phòng, một phần để đối phó với hai địch thủ Nga và Trung Cộng, một phần vì cả hai đảng đều bị các đại công ty quốc phòng áp lực hay mua chuộc trong khi giá thầu tăng vô hạn; kỹ nghệ quốc phòng là ổ tham nhũng lớn nhất nước từ hồi nào đến giờ).
Đã vậy, tại Hạ Viện trong tuần qua, hai phe DC và CH đã đồng ý biểu quyết một ngân sách mới trong đó dự chi sẽ là gần… 1.500 tỷ. Tiền của dân chứ có phải của các dân biểu đâu mà họ phải lo.