JANUARY 26 – 2019
BÁO CÁO LIÊN BANG
TT Trump hôm thứ tư vừa qua, đã cho biết ông sẽ đọc Báo Cáo Tình Trạng Liên
Bang “tại quốc hội” đúng ngày 29 tháng Giêng này. Trước đó, bà chủ tịch Hạ Viện đe dọa sẽ không mời tổng thống
đọc báo cáo, viện cớ ‘an ninh không bảo đảm’. Ngay sau đó, một vài thượng nghị
sĩ đã đề nghị TT Trump đọc báo cáo tại Thượng Viện.
Ngay sau khi TT Trump loan tin ông sẽ đọc báo cáo trước quốc hội, bà Pelosi
đã cho biết bà sẽ không cho phép TT Trump đọc báo cáo trước Hạ Viện và hủy bỏ
buổi lễ báo cáo này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Mỹ đã xẩy ra
chuyện này. Nhiều người đã ngạc nhiên không ngờ cuộc chiến giữa TT Trump và bà
chủ tịch Pelosi có thể đi đến tình trạng này chưa đầy một tháng sau khi đảng DC
chiếm được Hạ Viện.
Tin giờ chót, TT Trump lại nhượng bộ, hoãn ngày đọc báo cáo cho đến khi Nhà
Nước mở cửa lại.
Nhượng bộ mới của TT Trump đặt phe DC và bà Pelosi trước tình trạng khó
khăn là nếu tiếp tục cứng rắn, sẽ lãnh đủ trách nhiệm đóng cửa Nhà Nước trong
khi TT Trump tiếp tục dựng cho mình hình ảnh một người có thiện chí nhượng bộ
liên tục để tìm giải pháp. Việc TT Trump trước đó tuyên bố sẽ hoãn đọc báo cáo
như thường dường như là cái bẫy và bà Pelosi đã lọt vào ngay lập tức khi bà vội
vã hủy buổi lễ, nhận trái banh vào bên sân bà Pelosi. Dân Mỹ sẽ xem bà ứng phó
ra sao trước ‘thiện chí’ nhượng bộ liên tục của TT Trump.
CHUYỆN NHÀ NƯỚC ĐÓNG CỬA
Tin giờ chót, Thường Viện đã biểu quyết thông qua ngân sách
mới cho Nhà Nước có tiền để mở cửa lại cho đến ngày 15 tháng 2, trong đó
không có ngân sách xây tường. Hạ Viện
cũng đã mau mắn thông qua và TT Trump đã ký.
Nhà Nước sẽ mở cửa lại Thứ Hai 28/2. Nhưng chỉ mở cửa ba tuần
trong khi hai bên thương thảo với nhau.
Đây lại là một nhượng bộ mới của TT Trump trước tình trạng Nhà Nước đóng cửa
quá lâu. Phe DC đã có dịp ca khúc khải hoàn cho giải pháp vá víu tạm này, nhưng
về lâu dài sẽ khó biện giải thái độ cứng rắn trước những nhượng bộ liên tục của
TT Trump và phe CH. Một lần nữa, TT Trump đã lại thẩy trái banh qua sân của DC.
Trước đó, vì nhu cầu thiết yếu, TT Trump đã ra lệnh ‘mở cửa’ sở thuế IRS lại,
tức là ra lệnh cho 30.000 công chức IRS đi làm lại không lương. Nhưng đã
có tới 14.000 công chức ‘cáo ốm’ không đi làm lại vì không chịu làm không
lương. Việc này chứng tỏ nhiều người đã sai lầm, nghe theo TTDC nhất quyết khẳng
định TT Trump là thủ phạm đóng cửa Nhà Nước mà không hiểu vấn đề không phải là
đóng cửa hay không đóng cửa, mà là có ngân sách để trả lương công chức hay
không. Không có tiền trả lương, công chức không chịu đi làm, làm sao Nhà Nước mở
cửa được? Và sao đó lại là lỗi của TT Trump?
TT Trump mới đây đã lên TV đưa ra vài đề nghị, hay chính xác hơn, là vài
nhượng bộ như gia hạn sắc lệnh cho trẻ em DACA tiếp tục ở Mỹ thêm 3 năm nữa, xây hàng rào thay vì xây tường, gia
tăng số quan tòa di trú để giải quyết các đơn xin tỵ nạn nhanh hơn,... Ngay khi
TT Trump chưa đọc xong bài diễn văn thì bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã bác
bỏ ngay tất cả các nhượng bộ của TT Trump. Bà đòi hỏi ân xá trọn vẹn tất cả 800.000 trẻ em DACA, đưa ra lộ trình cấp công dân
cho chúng trước, rồi bà sẽ bàn chuyện xây hàng rào sau mà chẳng ai biết bà có
chấp nhận cho xây hay không. Nghĩa là bà đòi hỏi TT Trump nhượng bộ 100%
trong khi bà nhượng bộ 0%.
Thái độ cứng rắn của bà Pelosi bảo đảm sẽ chỉ đưa đến bế tắc vì chẳng nhượng
bộ gì mà lại còn hung hãn hơn trước.
Nhiều báo và chính khách DC đã khuyến cáo bà Pelosi không nên quá khích như
vậy trước những nhượng bộ liên tục của TT Trump. Nhưng dường như bà Pelosi vẫn
đang hung hăng trong cơn say sóng trước chiến thắng bầu cử mới đây của đảng DC
cũng như của cá nhân bà, đắc cử làm chủ tịch Hạ Viện.
Tân TNS Mitt Romney, một người đang nhắm vai trò lãng đạo khối chống Trump #NeverTrump,
đã lên tiếng ca tụng các nhượng bộ
và thiện chí của TT Trump.
Báo cấp tiến Los Angeles Times đã lên tiếng bác bỏ ngay các đề nghị mới của
TT Trump. Báo này có một lý do rất quái lạ: TT Trump nhượng bộ, có nghiã là lập
trường của ông không vững chắc, ông là ngươi chao đảo, hay tráo trở, không ai
biết ông muốn gì nên không thể thương thuyết gì được. Nếu kẻ nảy hiểu rõ thì
trong các cuộc thương thuyết, theo LAT, bên nào nhượng bộ thì bên đó là tráo trở,
không thể tin được, không thể thương thuyết được. Nếu vậy thì còn gì để thương
thuyết nữa? Hai bên đều ‘đường ta, ta cứ đi thôi’, phải không?
Trong câu chuyện di dân, một thăm dò mới nhất của NPR/PBS, là hai cơ quan
truyền thông không thân thiện gì lắm với TT Trump, đã cho biết hậu thuẫn của TT
Trump trong khối dân gốc La-Tinh trong một năm qua đã tăng vọt 19 điểm, lên tới 50%! Theo thăm dò này, lý
do quan trọng nhất là TT Trump đã mang lại công ăn việc làm cho khối dân này
đưa đến tình trạng tỷ lệ thất nghiệp trong khối dân gốc La-tinh xuống mức thấp
nhất từ mấy chục năm nay. Họ cũng ghiểu được việc cản di dân qua Mỹ làm lậu sẽ
giúp giữ mức lương của họ khỏi xuống quá thấp.
Đây là một vấn đề gai góc nhất cho
đảng DC vì mất phiếu La-tinh thì mọi hy vọng vào Nhà Trắng của DC sẽ thành mây
khói. Việc này cũng giải thích thái độ cực đoan của đảng DC hiện nay trong vấn
đề DACA và xây tường: họ nhất định chứng minh cho khối dân gốc La-tinh là họ ủng
hộ khối dân này triệt để.
TUYỂN LỰA CA SĨ DÂN CHỦ SÔI
ĐỘNG
Chưa đầy một tháng sau khi các tân dân biểu và nghị sĩ tuyên thệ nhậm chức,
đảng Dân Chủ đã sôi sùng sục vì cuộc bầu cử tổng thống hai năm nữa.
Chưa chi thì đã có tới 8 vị nhẩy vào cuộc rồi. Tuần trước, Diễn Đàn đã bàn qua 4 vị, tuần này lại thêm 4 vị nữa. Nổi tiếng cũng có, vô danh cũng
không thiếu.
Có một anh Mỹ gốc Chú Ba nhẩy ra hứa hẹn sẽ có kế hoạch bảo đảm mỗi người
dân sẽ lãnh được 1.000 đô một tháng nằm nhà ăn BBQ coi football, không
phải làm gì đến mãn đời. Anh
nào ngu dại đi làm thì sẽ được hân hạnh đóng thuế đến tắt thở để nuôi những anh
khôn ngoan không đi làm.
Và một anh đồng tính, thị trưởng một thành phố South Bend với chưa tới 100.000
dân mà quý vị phải coi bản đồ ba tiếng
đồng hồ mới biết thành phố đó ở đâu, nhưng anh ta khẳng định kinh nghiệm của
anh ta dư thừa đẩ cai trị cả thế giới với hơn 7.000.000.000 người. Anh ta đi vận động tranh cử với ông
‘chồng’ đi cùng.
Một anh khác là giáo viên, ra tranh cử được ... vài ngày thì rút lui vì
“sau khi suy nghĩ chín chắn, thấy không có hy vọng đắc cử nào hết”.
Nghiêm chỉnh hơn là bà thượng nghị sĩ Kamala Harris, là người mà ai cũng biết
sẽ ra tranh cử từ mấy năm nay rồi. Bà Harris có bố là người Jamaica gốc Phi
Châu, mẹ là người Ấn Độ. Tên ‘Kamala’ có nghiã là ‘Hoa Sen’ trong tiếng Phạn.
Bà đắc cử thượng nghị sĩ Cali năm 2017, muốn theo con đường của TT
Obama, làm hai năm ở Thượng Viện là đã mất quá nhiều thời giờ rồi. Trước đó, bà
là bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang Cali. Theo thăm dò mới nhất, bà Harris có được 9% hậu thuẫn trong đảng DC, thua xa các cụ Biden
(26%), Sanders (16%), nhưng hơn bà Warren (6%). Nếu bà Harris tự tin, sẽ từ chức
thượng nghị sĩ để đi tranh cử toàn thời. Nếu bà không từ chức, thì đó là dấu
hiệu bà có thể đã biết sẽ không có hy vọng, chỉ muốn ra tranh cử lấy tiếng
trong lần bầu tới.
Chương trình kinh bang tế thế của
bà Harris không khác gì chương trình của các chuẩn ứng viên DC khác: thay vì một
nước Mỹ vĩ đại thì là một cái bánh vẽ vĩ đại trong đó tất cả đều miễn phí. Quan
trọng nhất là bà muốn mang chương trình Medicare, là chương trình bảo hiểm y tế
hiện nay cho các cụ trên 65 tuổi, áp
dụng cho tất cả dân đang sống ở Mỹ -hiểu như là bao gồm luôn di dân lậu-. Nghiã
là sẽ hủy bỏ hoàn toàn hệ thống y tế tư nhân hiện hữu và tập trung tất cả vào
tay Nhà Nước, bảo phí tượng trưng sẽ được Nhà Nước thu thẳng từ tiền lương hay
tiền già, dịch vụ y tế chỉ phải trả tới khoảng 80%. Đây là chương trình mà các chuyên giá tính toán
sẽ tốn sơ sơ có 30.000 tỷ
thôi, ‘rẻ’ hơn chương trình 50.000 tỷ của cô Ocasio-Cortez.
Nhưng bà Harris có thêm vài chương
trình lớn nữa, chẳng hạn như chính phủ sẽ trợ cấp tiền thuê nhà cho cả nước, dựa
trên kinh nghiệm giá nhà đắt nhất Mỹ của San Francisco của bà.
Chưa hết. Bà Harris còn hứa sẽ giảm
thuế cho dân trung lưu, tổng cộng gần 3.000 tỷ nữa.
Nhìn vào các chương trình vĩ đại của các chuẩn ứng viên DC, thiên hạ chỉ biết
gãi đầu gãi tai, thắc mắc không hiểu Nhà Nước sẽ phải mở thêm mấy nhà máy in tiền?
Bà Ocasio-Cortez thì hứa sẽ tăng thuế suất các tỷ phú lên tới 70%. Bà
Warren hứa sẽ đánh thuế 2%-3% trên tổng số tài sản, ví dụ như tỷ phú Bezos, ông chủ của Amazon và
Washington Post, với gia tài khoảng 130 tỷ, sẽ phải đóng 4 tỷ thuế tài sản
và vài trăm triệu thuế lợi tức. Vị nào tin anh Bezos sẽ đóng số tiền này có quyền
đi pha trà ra ngồi ngắm chị Hằng cả ngày.
Chưa nghe bà Harris nói sẽ kiếm đâu
ra tiền, nhưng các chuẩn ứng viên
này không cần biết vì họ hiểu rất rõ khối cử tri đi bầu cho họ chẳng có bao
nhiêu người biết làm toán cộng trừ nhân chia gì, mà chỉ biết sống trong ‘hy vọng’
thôi. Chính cái ‘hy vọng’ đó đã khiến họ đổ xô đi bầu cho ông “Hope You Can
Believe In”, để rồi sau 8 năm Obama cho đến nay, vẫn chỉ sống trong... ‘hope’.
Chính trị và lý trí là hai chuyện chẳng liên quan gì đến nhau, cũng không
khác gì chính trị và toán học.
Sự thật, theo các chuyên gia, chương trình vung tiền ra cửa sổ của khối DC
mới, sẽ không thể nào được chi trả nổi bởi các tỷ phú. Như TNS Ted Cruz đã từng
nói, nước Mỹ không có đủ tỷ phú để trả tiền cho các chương trình khổng lổ của đảng
DC. Đưa đến kết quả thực tế là nếu muốn thi hành, cho dù chỉ một phần các
chương trình khổng lồ đó, giới trung lưu sẽ phải đóng thuế mệt nghỉ.
Dù sao thì theo đúng truyền thống chính trị Mỹ, trong mùa bầu sơ bộ từ giờ
đến mùa hè 2020, ta sẽ thấy
các ứng cử viên DC đánh nhau, tố nhau chết bỏ. Sẽ rất vui, xin quý vị đón coi.
CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH MỸ-TRUNG
CỘNG
Cuộc chiến thuế quan mậu dịch giữa Mỹ và Trung Cộng vừa rẽ qua hướng mới, một
chỉ dấu hai bên sẽ đi đến một thỏa hiệp nào đó, sau khi TC cho biết sẽ mua 1.000
tỷ đô hàng Mỹ trong 6 năm tới để
giúp cân bằng lại cán cân mậu dịch giữa hai nước.
Đây là một nhượng bộ rất lớn của TC và là một
thành công cũng rất lớn của TT Trump. Thị trường chứng khoán Mỹ đã leo thang
liên tục mấy ngày liền sau tin có hy vọng ‘hòa bình’ Mỹ-Tầu này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại
đây lại chỉ là một mánh gian trá mới của TC để hạ hỏa hay để trì hoãn việc Mỹ
áp dụng thuế quan mới, khó thành sự thật vì không ai rõ TC sẽ lấy đâu ra tiền
mua nhiều hàng hóa Mỹ như vậy.
Tin từ TC cho biết TC hiện đang gặp
phải trì trệ kinh tế lớn nhất từ nhiều thập niên qua. Năm 2018, kinh tế TC tăng
trưởng có 6,6%, thấp nhất trong 28 năm qua. Đáng lo hơn là tỷ lệ tăng trưởng nầy
chỉ là mức trung bình cho nguyên năm trong khi trên thực tế, tăng trưởng càng
ngày càng giảm: năm 2017 là 6,8%,
rồi xuống 6,5% trong tam cá nguyệt
ba của 2018, rồi 6,4%
trong tam cá nguyệt bốn.
Bên cạnh tin tăng trưởng càng ngày
càng xuống thấp, các chuyên gia kinh tế cũng nhắc nhở mọi người là thống kê của chính quyền TC rất đáng nghi
ngờ, vì phần lớn đã được ‘nấu nướng chiên xào’ theo nhu cầu chính trị hay tuyên
truyền của tập đoàn lãnh đạo CS chứ chưa hẳn là những con số thật.
NEW YORK CHO PHÁ THAI VÔ GIỚI
HẠN
Tiểu bang New York vừa thông qua luật phá thai ‘cấp tiến’ nhất thế giới,
cho phép phá thai bất cứ lúc nào khi thai nhi chưa ra đời. Luật này cũng nhìn
nhận ‘con người’ –human being- chỉ bắt đầu sau khi ra đời và sống, và thai nhi
không là ‘con người’ và không có quyền công dân hiến định gì hết
–constitutional rights.
Trước đây, luật New York cho phép phá thai tới tháng thứ 6 thôi.
Thống đốc Cuomo đã ra lệnh bật đèn màu hồng tại tòa cao ốc World Trade
Center và nhiều cao ốc khác và cầu New York để “ăn mừng” ngày mà ông gọi là
“chiến thắng lớn của tư tưởng cấp tiến”.
Theo một thăm dò mới nhất của đại học Marist, trong 10 người Mỹ thì
đã có 6 người muốn giới hạn việc phá thai trong 3 tháng đầu thai nghén thôi. Điều
lạ là ngay cả đa số (59%) các cử tri của đảng DC, là đảng chủ trương phá thai tự
do, cũng chấp nhận giới hạn này. Đảng DC nói chung chủ trương có quyền phai
thai cho tới tháng thứ năm, và trên thế giới, chỉ có 5 nước có chính sách phá thai muộn và dễ dãi như vậy.
Bây giờ New York phá kỷ lục, cho phép phá thai tới... 9 tháng 9 ngày luôn.
Thăm dò cũng cho thấy hai phần ba dân Mỹ muốn Tối Cao Pháp Viện thay đổi luật
phá thai. TCPV trước đây đã phán phá thai là loại quốc sách, phải theo luật
liên bang. Bây giờ, có 16% dân Mỹ muốn cấm phá thai, và 49% muốn cho các
tiểu bang quyền ra luật về phá thai. Việc chuyển quyền ban hành luật phá thai
cho các tiểu bang là quan điểm căn bản của đảng CH trong vấn đề phá thai.
VENEZUELA RỐI LOẠN
Tin từ Venezuela cho biết cả triệu
người đã xuống đường tại thủ đô Caracas để phản đối TT thiên cộng Nicolas
Maduro trong khi chủ tịch quốc hội, Juan Guaido đã tự phong tổng thống lâm thời.
Chưa ai rõ tình hình như thế nào,
nhưng chính phủ Mỹ cùng với nửa tá quốc gia nam Mỹ thiên hữu và đồng minh với Mỹ
đã mau mắn nhìn nhận ông Guaido như tổng thống Venezuela. Cả Canada cũng đã
nhìn nhận ông Guaido như tổng thống lâm thời. Ngay sau đó, TT Maduro đã ra lệnh cắt đứt liên
lạc ngoại giao với Mỹ và trục xuất tất cả phái bộ ngoại giao Mỹ trong vòng 72 tiếng đồng hồ.
Venezuela, dưới sự lãnh đạo của TT thân cộng Hugo Chavez đã công khai chống
Mỹ, phát động một chính sách cộng sản nặng. Sau khi ông Chavez qua đời vì ung
thư, PTT Maduro lên thay thế, tiếp tục con đường “Xuống Hố Cả Nước”. Venezuela,
từ một quốc gia giàu nhất Nam Mỹ nhờ kho dầu hỏa khổng lồ, đã biến thành một xứ
nghèo đói nhất Nam Mỹ trong vòng một chục năm, qua nhiều khủng hoảng kinh tế
liên tục. Tỷ lệ lạm phát đã lên tới mức không ai hiểu nổi là 80.000%! Đại khái là một ổ bánh mì cách đây một
năm bán 1 đồng, bây giờ bán... 8 triệu đồng! Chưa kể chuyện rất khó mà có thể mua được ổ bánh mì đó. Trong
ba năm qua, hơn 3 triệu
dân Venezuela đã vượt biên chạy qua tỵ nạn tại các xứ lân bang.
Đó là hậu quả chính sách kinh tế XHCN, tất cả miễn phí, tất cả do Nhà Nước
độc quyền lo hết, từ giáo dục đến y tế, đến an sinh xã hội và kinh tế nói
chung. Nhà Nước Chavez-Maduro ỷ lại có nguồn tài nguyên vô tận là dầu hỏa nên
vung tiền qua cửa sổ đủ kiểu. Bây giờ, mấy bà DC Mỹ như Elizabeth Warren, Ocasio-Cortez,
và Kamala Harris cũng chủ trương vung tiền ra cửa sổ theo, nhưng khác là họ
không dựa vào mỏ dầu hỏa nào, mà dựa trên tiền thuế đánh trên khối 10% tỷ phú giàu nhất Mỹ.
JANUARY 19 – 2019
NHÀ NƯỚC NGẦM
Tin bí mật mới được tiết lộ cho biết
sau khi TT Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, FBI đã thảo luận về việc mở
cuộc điều tra xem TT Trump có làm chuyện này “theo lệnh của Điện Cẩm Linh hay
không”.
Câu chuyện quốc trưởng Mỹ do dân Mỹ
bầu lại hành động theo chỉ thị của Điện Cẩm Linh, cực kỳ vô lý nếu không muốn
nói là ngu xuẩn, ấy vậy mà cả nhóm nửa tá viên chức cao cấp lãnh đạo FBI đã xúm
lại bàn thảo. Mà không phải là chỉ làm chuyện đó sau khi GĐ Comey bị cách chức,
mà trái lại, đã điều nghiên việc này ngay khi ông Comey còn tại chức. Có nghĩa
là việc ông Comey bị sa thải chỉ là cái cớ để chính thức hóa việc điều tra chống
Trump này.
Tin mới tiết lộ cho biết anh Peter
Strzock, là anh FBI chống Trump kịch liệt đã từng được công tố Mueller bổ nhiệm
vào Ủy Ban điều tra của ông rồi sau đó bị sa thải, đã khuyến cáo “cần điều tra
TT Trump ngay trong khi ông phó giám đốc FBI McCabe còn được làm quyền giám đốc
trong khi chờ đợi bổ nhiệm giám đốc mới”.
Tin tiết lộ không cho biết cuộc điều
tra có thực hiện hay không và đi đến đâu, có nghiã là vẫn chẳng có gì để… điều
tra, hay có điều tra cũng đã chẳng thấy gì.
Dù vậy, tin này chứng minh một điều
khá rõ nét: vai trò Nhà Nước Ngầm chống Trump ngay từ đầu thật sự đã lớn hơn mọi
nghi ngờ. Có vẻ như cả một âm mưu lớn được phối hợp chặt chẽ giữa FBI, CIA và bộ
Tư Pháp từ những ngày dưới thời Obama mà không ai rõ chính TT Obama có biết và có tham gia trực tiếp hay gián tiếp
gì không, cho đến những năm tháng đầu dưới Trump. Việc TT Trump đắc cử rồi
ngồi được trong Tòa Bạch Ốc cho tới ngày nay, kể ra cũng khá lạ trước những tấn
công tàn bạo này.
TTDC đã mau mắn viết bài bàn nếu TT
Trump và PTT Pence bị công tố Mueller chứng minh là ‘tay sai’ của Nga thì cả
hai sẽ bị đàn hặc và bãi nhiệm và bà Nancy Pelosi sẽ lên làm tổng thống. Tiếng Mỹ
gọi chuyện này là ‘wishful thinking’, suy luận theo ước vọng chứ không phải
theo thực tế.
Trong một tin liên quan đến cuộc điều
tra của công tố Mueller, ông William Barr, người được TT Trump bổ nhiệm làm bộ
trưởng Tư Pháp nhưng chưa được Thượng Viện phê chuẩn, đã cho biết ông sẽ để yên
cho công tố Mueller tiếp tục điều tra. Ông Barr cũng cho biết trên nguyên tắc,
công tố Mueller là viên chức của bộ Tư Pháp bổ nhiệm để điều tra, do đó ông
Mueller phải báo cáo cho bộ Tư Pháp, và bộ có trách nhiệm duyệt báo cáo và quyết
định công bố báo cáo hay không. Trên nguyên tắc ông Barr nói đúng, nhưng trên
thực tế, bạo cáo của ông Mueller sẽ hoàn toàn bị chi phối bởi chính trị và dư
luận quần chúng, và ông Barr khó có thể ‘kiểm duyết’ hay không công bố.
Chuyện để ông Mueller tiếp tục điều
tra dĩ nhiên không có giải pháp nào khác, cho dù việc mở cuộc điều tra sai ngay từ đầu. Nếu sa thải ông Mueller
trước khi ông đúc kết cuộc điều tra, thì chẳng những đảng DC và TTDC sẽ nhẩy dựng
lên chống đối, mà cả nước sẽ nghi ngờ TT Trump có lỗi, hoặc là đã thông đồng với
Nga hoặc là đã cản trở công lý, và đang che dấu sự thật. Đây sẽ là vết đen
không xóa được, chưa kể quốc hội sẽ có lý do chính đáng đàn hặc ông và nhiều
nghị sĩ CH có thể bị áp lực chính trị, đồng ý truất phế ông như họ đã làm với
Nixon trước đây. Đừng ai quên đàn hặc và truất phế tổng thống là những hành động
chính trị dựa trên dư luận quần chúng chứ không phải thuộc phạm vi pháp lý dựa
trên luật lệ gì. Thà để ông Mueller đúc kết, nếu TT Trump không có tội, báo cáo
bạch hoá ông, thì phe đối lập và TTDC sẽ hết còn oang oang tố bậy được nữa. Nếu
quả thực ông Trump có tội, thì sẽ phải chấp nhận hậu quả, khó ai bênh vực được.
Một chuyên gia theo dõi cuộc điều
tra của công tố Mueller cho
biết có thể công tố Mueller sẽ chấm dứt cuộc điều tra trong vài tuần nữa và báo
cáo cuối cùng của ông sẽ… nhạt hơn nước lã (anti-climatic) vì chẳng có tin động
trời nào hết, tức là chẳng có chuyện TT Trump thông đồng với Nga hay cản trở
công lý gì hết.
TTDC đang làm rùm beng một tin
‘nóng hổi’: theo trang mạng lá cải Buzzfeed, một nguồn tin vô danh đã tố luật
sư riêng của TT Trump, ông Michael Cohen, đã khai với công tố Mueller là TT Trump
đã ra lệnh cho ông phải nói láo trước quốc hội về quan hệ kinh doanh của ông
Trump với Nga cả mấy năm trước khi ông làm tổng thống. Theo CNN và Washington
Post, đây là phát đạn ân huệ giết TT Trump. Vài cụ tỵ nạn bị Dị Ứng Trump nặng,
đã nhẩy tưng tưng, khui rượu ăn mừng.
Ăn mừng kiểu này sẽ còn rất nhiều dịp
và tốn nhiều rượu mà vẫn chưa thấy TT Trump chết, các cụ ơi. Tin buồn có các cụ
này: văn phòng công tố Mueller đã ra thông cáo phủ nhận hoàn toàn tin phịa này.
Chưa nghe CNN và WaPo nói gì.
NHÀ NƯỚC VẪN ĐÓNG CỬA
Cho đến khi bài này được viết, Nhà Nước vẫn đóng cửa, đạt mức kỷ lục lâu nhất
từ trước đến nay.
Phải nói thêm cho rõ, thật ra Nhà Nước chỉ đóng cửa có dưới 20% chính quyền liên bang thôi (380.000
công chức bị cho nghỉ trên tổng số hơn 2 triệu công chức), trong đó hầu hết là những
sở không cần thiết, ngoài ra, những bộ phận cần thiết, đặc biệt là an ninh, quốc
phòng, ngoại giao, tiện ích công cộng,... vẫn mở cửa đi làm. Một số công chức
đã không nhận được phiếu lương cuối tháng Chạp vừa qua trong khi quốc hội đang
phê chuẩn luật trả lương hồi tố cho những ngày Nhà Nước đóng cửa, giống như các
lần đóng cửa trước đây.
Ai cũng hiểu tình trạng Nhà Nước đóng cửa gây nhiều thiệt hại, đến một lúc
nào đó sẽ không thể tiếp tục, nhưng chẳng ai nhìn thấy một giải pháp nào trước
màn thi gan giữa TT Trump và bà Nancy Pelosi.
Một thăm dò mới nhất của Rasmussen cho thấy 53% dân Mỹ ủng hộ việc
xây tường trong khi 39% chống. Thăm dò cũng cho biết hơn 60% dân Mỹ không thấy
bức tường là “vô đạo đức”, hiển nhiên khi tuyệt đại đa số dân Mỹ có nhà riêng đều có hàng rào chung quanh
nhà, nhất là các đại gia và chính khách tai to mặt lớn. Nôm na ra, đa số
dân Mỹ đồng ý với quan điểm của TT Trump. Thế nhưng trước những tấn công xuyên
tạc của TTDC, cũng đa số lại cho là TT Trump và đảng CH phải chịu trách nhiệm về
việc Nhà Nước đóng cửa, trong khi chỉ có một phần tư đổ lỗi lên đầu đảng DC.
Trong khi đó, một quan tòa liên
bang đã bác bỏ đơn thưa kiện của 3 nghiệp đoàn công chức, kiện chính quyền
Trump vi phạm luật khi bắt họ làm không lương. Nhà Nước không có tiền, công chức
trong các cơ sở cần phải mở cửa, làm việc tạm thời không lương rồi lãnh lương hồi
tố là chuyện cơm bữa từ mấy chục năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên nghiệp đoàn
kiện chính phủ. Vẫn là chuyện của mấy tay bị bệnh Dị Ứng Trump.
Có một chuyện ít người để ý: TT Trump cũng như nhiều lãnh tụ CH có vẻ không
mất ngủ quá nhiều về chuyện Nhà Nước đóng cửa. Phải nói cho rõ Nhà Nước thật ra
chỉ đóng cửa một phần, mà cũng chỉ là Nhà Nước liên bang thôi, trong khi các
công sở và công chức tiểu bang và địa phương vẫn chẳng bị ảnh hưởng gì. Khối bảo
thủ là khối chủ trương một Nhà Nước liên bang càng nhỏ càng tốt và mọi việc nên
trông cậy vào sáng kiến tư nhân cũng như trao cho các tiểu bang nhiều quyền tự
trị hơn. Việc Nhà Nước liên bang đóng cửa trong mấy tuần qua chứng minh một Nhà
Nước liên bang nhỏ đi vẫn chưa phải là tận thế. Chính quyền Trump chắc chắn
đang nghiên cứu hậu quả và rất có thể sau khi mở cửa lại, sẽ tìm cách thu hẹp
Nhà Nước vĩnh viễn một phần.
Trên nguyên tắc, rất khó sa thải công chức. Tuy nhiên có luật ít người để
ý: một công chức nghỉ làm trên 30 ngày sẽ tự động bị sa thải, nếu muốn trở về làm lại, phải xin lại và chính phủ
có quyền nhận lại hay không. Nhà Nước đã đóng cửa 30 ngày rồi. Có một tờ báo đã đoán chừng TT Trump có
thể sẽ không thu nhận lại nhiều người, một dịp tốt để thu nhỏ Nhà Nước lại.
[Nguyên văn luật Title 5, Code of Federal Regulations, Part 351: An agency is required to use the RIF (Reduction
in Force) procedures when an employee is faced with separation or downgrading
for a reason such as reorganization, lack of work, shortage of funds,
insufficient personnel ceiling, or the exercise of certain reemployment or
restoration rights. A furlough of more than 30 calendar days, or of more than
22 discontinuous work days, is also a RIF action]
Chưa kể đây cũng sẽ là dịp... vớt đầm lầy, cho đám Nhà Nước Ngầm về hưu
non.
Tin mới nhất: bà chủ tịch Hạ Viện, Nancy Pelosi, đã viết thư cho TT Trump,
đe dọa sẽ không ‘mời’ ông đọc Báo Cáo Tình Trạng Liên Bang hàng năm nữa nếu Nhà
Nước không mở cửa lại, viện cớ các cơ quan an ninh đóng cửa, thiếu nhân viên lo
an ninh cho buổi họp. Trên nguyên tắc, tổng thống đọc báo cáo hàng năm trước quốc
hội theo lời mời của quốc hội. Bây giờ bà tân chủ tịch Hạ Viện muốn biểu diễn uy
quyền mới của bà để bắt chẹt TT Trump. Hiểu được TT Trump, ít ai nghĩ ông này sẽ
chịu thua dễ dàng. Ông con của TT Trump đã đánh tiếng ngay là phe DC sợ TT
Trump sẽ trình bày tất cả sự thật cho dân Mỹ nên tìm cách bịt miệng tổng thống hay
ít ra cũng giảm uy thế của bài diễn văn.
Tin mới hơn nữa: TT Trump đã đáp lễ, gửi thư cho bà Pelosi, thông báo cho
bà biết chính phủ sẽ không cấp máy bay Nhà Nước cho bà đi Âu Châu và
Afghanistan như dự tính vì lý do Nhà Nước đóng cửa. Theo luật, các phái đoàn
công du phải đi máy bay quân sự, và tổng thống, với tư cách Tổng Tư Lệnh Quân Lực,
phải chấp nhận các chuyến bay này. TT cho biết nếu bà Pelosi muốn tự ý trả tiền
đi máy bay dân sự thì đó là quyền của bà. Bà Pelosi dĩ nhiên không muốn trả tiền
đi máy bay thương mại nên đã hủy chuyến
đi, viện cớ TT Trump đã tiết lộ chuyến bay cho ISIS biết và chuyến đi của bà
không an toàn nữa.
Không ai biết dân Mỹ sẽ phản ứng như thế nào về cuộc chiến giữa TT Trump và
khối đối lập DC, ngày càng găng, hay chính xác hơn, ngày càng ... trẻ con, chỉ
lo đánh nhau bất cần quyền lợi đất nước và coi quần chúng như pha.
Tin mới khác: nhân vật số 2 của DC trong Hạ Viện, dân biểu Steny Hoyer, đã lên tiếng xác nhận bức tường
biên giới là cần thiết, có hiệu quả, và chẳng có gì là ‘vô đạo đức’ hết. So với
tuyên bố của số 1 Nancy Pelosi, có vẻ như trống đánh xuôi kèn thổi ngược?
TT Trump cho biết sẽ ói chuyện với quốc dân về vụ đóng cửa Nhà Nước, 3 giừ trưa Thứ Bảy 19/1/2019. Bài này ra trước nên không biết TT Trump
sẽ nói gì.
CÁC QUAN TÒA CẤP TIẾN TIẾP TỤC
CHỐNG TRUMP
Trong tuần qua, các quan tòa cấp tiến đã có ba phán quyết bất lợi, chống lại
quyết định của TT Trump. Trong cả ba trường hợp, các quan tòa đều do TT Obama bổ
nhiệm.
Hai vụ đầu liên quan đến Obamacare, về điều lệ bắt các công ty phải mua bảo
hiểm phá thai cho tất cả nhân viên, kể cả nhân viên nam và phụ nữ lớn tuổi vì bảo
hiểm có tính tập thể. Điều lệ này đã bị một hội đoàn các sơ công giáo kiện vì
vi phạm tự do tôn giáo của họ, bắt họ phải tài trợ phá thai là điều cấm kỵ
trong công giáo.
Trường hợp thứ ba liên quan đến quyết định của chính quyền ghi thêm câu hỏi
về công dân trong thống kê dân số. Mỗi 10 năm, chính phủ Mỹ làm thống kê dân số để phân bổ các viên chức dân cử cũng
như lấy nhiều quyết định về trợ cấp an sinh,... Thiên hạ phải trả lời hàng loạt
câu hỏi cá nhân. Trước đây, trong các câu hỏi, có câu liên quan đến việc có phải
là công dân Mỹ hay không. Câu hỏi này sau đó bị bỏ dưới thời TT Kennedy vì số
dân không có quốc tịch Mỹ sống thường trực ở Mỹ quá nhỏ không đáng quan tâm,
không có cả chục triệu di dân lậu như bây giờ, nhưng chính quyền Trump muốn nêu
lên lại. Phe DC, nhất là tại Cali, chống vì ý định muốn kể luôn tất cả di dân lậu,
là việc hiển nhiên họ rất cần. Một quan tòa New York đã phán chính quyền Trump
không có quyền đặt câu hỏi này.
Cả ba trường hợp dĩ nhiên sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện để giải quyết.
CẬU ẤM ĐI BẮC KINH
Tin từ Bắc Hàn cho biết chủ tịch
Kim Jong Un của Bắc Hàn đã đi Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là lần thứ
tư Cậu Ấm Ủn qua thỉnh ý Trung Cộng, chính thức hay bí mật. Tòa Bạch Ốc mới xác
nhận Cậu Ấm và TT Trump sẽ gặp nhau lần nữa cuối tháng Hai tới. Chứng tỏ đã có
tiến bộ ngầm nào đó chứ không có lý do gì hai người gặp nhau nữa mà không có gì
thay đổi hay thỏa thuận nào đó.
TTDC loan tin này kèm theo lời bàn
đại khái là Cậu Ấm đã thành công rực rỡ hơn bố và ông nội, từ vai trò lãnh tụ độc
đoán của một xứ độc tài ruồi muỗi, bây giờ “bỗng nhiên” được TT Trump đôn lên
ngang hàng với quốc trưởng đại cường lớn nhất thế giới. Hàm ý vạch ra sự yếu đuối
hay hèn nhát gì đó của TT Trump so với các tổng thống tiền nhiệm như Obama,
Bush hay Clinton đã ‘cứng rắn không chịu gặp’ các lãnh tụ BH.
Đây là một nhận định có thể không
sai lắm, nhưng hời hợt và thiếu sót lớn vì không đề cập đến quá trình lịch sử,
không đặt câu hỏi tại sao đi đến tình trạng này. Chẳng có chuyện “bỗng nhiên”
gì hết, mà là hậu quả của chính sách yếu đuối của ba đời tổng thống Mỹ trước TT
Trump.
Thực tế lịch sử là Bắc Hàn dưới thời
ông nội và bố của Cậu Ấm đúng là một nước ruồi bu, hạng bét trong bất cứ kiểu xếp
hạng nào. Nhưng cũng là một nước vận dụng tất cả mọi phương tiện, bất kể cái
giá phải trả, cho dù dân cả nước chết đói, để tập trung mọi nỗ lực biến thành một
nước sản xuất được bom nguyên tử. Không cần nhiều cũng chẳng cần mạnh hay bắn
xa tới Mỹ. Chỉ cần vài trái đủ tiêu diệt Hán Thành hay một vài thành phố khác của
Nam Hàn hay Nhật là cả thế giới, kể cả Mỹ đã phải lạnh xương sống rồi vì BH chẳng
một phút ngại ngùng nếu cần xử dụng, cho dù cả triệu người sẽ chết.
Trong khi ông cháu Cậu Ấm chúi mũi
làm bom thì các tổng thống Mỹ nhắm mắt làm ngơ, phản đối chiếu lệ, cấm vận cho
dân BH chết chứ chẳng cản trở gì việc chế tạo bom. Các TT Clinton và Bush còn
có một vài cố gắng thỏa hiệp, ký hiệp ước vớ vẩn mà cả thế giới biết BH coi như
pha. Đến thời TT Obama thì ông Nobel Hòa Bình này nhắm chặt cả hai mắt, chẳng
có thỏa hiệp gì cũng chẳng dám nói tới BH nữa. Khi anh sinh viên Otto Warmbier
bị bắt, chính quyền Obama im re, lại còn khuyến cáo gia đình anh không nên khiếu
nại la ó gì, sẽ làm phật lòng Cậu Ấm, cứ để yên may ra cậu sẽ nương tay cho. Rốt
cuộc, Cậu Ấm tra tấn, đánh anh sinh viên đến gần chết rồi thả về Mỹ để chết.
Trong suốt ba đời tổng thống Mỹ, BH
yên ổn thử nghiệm và sản xuất được bom và cả hoả tiễn tầm trung, bây giờ đã có
thể mang bom tới Alaska hay Hawaii không chừng. TT Trump là người lãnh đủ cái
gia tài nhắm mắt của ba ông tiền nhiệm, phải trực diện với nguy cơ BH đã có bom
và có thể ném xuống Hán Thành hay Tokyo thật. Vì sinh mạng của cả chục triệu
dân Nam Hàn hay Nhật, TT Trump đành phải đi thương thuyết, nói chuyện với Cậu Ấm.
Cuộc thương thảo vẫn chưa đi đến đâu, hai bên còn đang ‘hét giá’, nhưng ít nhất
thì ta cũng đã thấy BH đã không thử nghiệm bom hay hỏa tiễn từ cả năm nay rồi
trong khi Mỹ chưa nhúc nhích gì hết trong vụ cấm vận BH. Nếu đó không phải là
tiến bộ thì thế nào mới là tiến bộ? Muốn Cậu Ấm hai chân quỳ xuống xin lỗi cả
thế giới mới là tiến bộ sao?
Câu hỏi cho những người chỉ trích
hay chê trách TT Trump: vậy chứ theo họ thì TT Trump có thể làm gì khác? Hãy so
sánh những việc làm của bốn đời tổng thống một cách công tâm, xem ai đã làm gì,
ai đã không làm gì, trước khi chỉ trích.
MỸ RÚT KHỎI SYRIA
Tin từ Syria cho biết quân lực Mỹ
đang rục rịch rút lui ra khỏi Syria đúng như TT Trump đã ra lệnh.
Ngay sau khi TT Trump thông báo
chuyện này, phe đối lập DC, TTDC và ngay cả các nhóm CH diều hâu đã đả kích TT
Trump kịch liệt, cho rằng đây là quyết định hấp tấp, thiếu suy nghĩ, hay tệ hơn
nữa, có tính bốc đồng không cân nhắc kỹ hậu quả. TTDC đoán mò tuy không đưa ra
bằng chứng nào là bộ trưởng Quốc Phòng, tướng Mattis đã từ chức để phản đối quyết
định nguy hiểm này.
Các đồng minh của Mỹ trong vùng
cũng tỏ ra lo lắng về chính sách của TT Trump đối với an ninh trong vùng.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đi một
vòng các nước đồng minh đó, từ Ả Rập Saudi đến Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái, để giải
thích quyết định của TT Trump và trấn an. Cố vấn An Ninh Quốc Gia, ông John
Bolton cũng đã trấn an dư luận bằng cách xác nhận Mỹ sẽ không gấp rút quân quá
nhanh. Trong ‘mô thức Trump’ mà ta đã thấy quá nhiều lần, TT Trump nói cứng, cho
các ông Pompeo và Bolton nói mềm. TTDC khai thác và bóp méo thành “các phụ tá của
Trump phản bác Trump” !
Trong khi đó, quyết định vẫn được
thi hành.
Giữa tuần qua, quân cảm tử ISIS đã tấn công quân Mỹ, khiến 4 quân nhân Mỹ tử thương. TTDC đã mau mắn chạy
tít khổng lồ với chủ ý đả kích quyết định rút quân của TT Trump, miả mai bôi
bác TT Trump đã lại nói láo khi nói ISIS đã bị tiêu diệt. Sự thật là TT Trump
chưa khi nào nói ISIS đã bị tiêu diệt 100%, là chuyện chẳng thể có, mà vấn đề là ISIS có còn
là lực lượng mạnh đủ để biện minh cho sự hiện diện của cả ngàn quân Mỹ, tốn kém
cả tỷ một năm hay không.
CNN LÊN CƠN ĐIÊN?
Trong một cuộc ‘thảo luận’ trên CNN, bình luận gia John King nêu thắc mắc tại
sao dân Mỹ phải đóng tiền thuế để trả tiền mật vụ bảo vệ bà vợ PTT Pence, chỉ
vì bà này dám đi nói chuyện tại một trường học công giáo chống dân đồng tính.
Nhiều người đã phản đối, đặt vấn đề với anh CNN này, có phải là ý anh ta
nói vì bà PTT là công giáo đi nói chuyện tại trường công giáo thì không còn xứng
đáng để mật vụ bảo vệ an toàn nữa sao? Nếu có chuyện gì xẩy ra cho bà thì... bà
ráng chịu vì cái tội đã là công giáo dám chống dân đồng tính sao? Chắc CNN chỉ
chấp nhận bảo vệ an ninh cho bà nếu bà là ... Hồi giáo hay đồng tính thôi sao?
CNN càng ngày càng... điên!
_________________________
CÂU CHUYỆN NHÀ NƯỚC ĐÓNG CỬA:
NÓI CHO RÕ
Tuần qua, trên các trang mạng cộng đồng đã xuất hiện một bài viết của một
tác giả bên Âu Châu, bàn về chuyện xây tường biên giới Mễ và Nhà Nước Mỹ đóng cửa.
Hiển nhiên vì sống bên Âu Châu, nên quan điểm của ông ta có phần bị ảnh hưởng bởi
truyền thông cấp tiến chống Trump đến cùng của Âu Châu.
Theo ông ấy thì chuyện “tổng thống shutdown thì phải gọi đó là tổng thống
shutdown” và mấy “bình luận gia” không nên “nói quanh nói láo” và phải viết “với
tinh thần tự trọng, lương thiện”.
Vị độc giả này không nêu đích danh tên ai, nên kẻ này chẳng dám khẳng định
“bình luận gia” ở đây có phải ý nói về kẻ này hay không, nhưng có một sự ‘trùng
hợp’ là một-hai ngày trước khi bài báo xuất hiện, kẻ này đã có dịp ‘tranh luận’
qua emails riêng với vị độc giả đó và ông ta đã không đồng quan điểm với kẻ này
và khẳng định TT Trump là người lấy quyết định đóng cửa Nhà Nước, hiểu theo
nghĩa ông không bắt buộc phải làm vậy với uy quyền của tổng thống, nhưng vẫn
làm vì tính toán chính trị.
Tôi phép xin minh định vấn đề cho quý độc giả rõ.
Trước hết, nói về nguyên tắc căn bản, có hai vấn đề: dữ kiện và quan điểm.
Dữ kiện thì phải trung thực và khách quan 100%, trong khi quan điểm thì
chủ quan 100%.
Trong câu chuyện Nhà Nước đóng cửa, tôi có viết chuyện này không phải là tổng
thống tự ý đóng cửa mà là vì không được quốc hội chuẩn chi tiền, tức là Nhà Nước
không có tiền trả lương công chức, phải đóng cửa. Đây là những dữ kiện khách
quan có thật 100%, không có
gì là “nói láo”. Quốc hội liên bang không đưa ra ngân sách, Nhà Nước liên bang
không có tiền trả lương công chức, tổng thống phải đóng cửa Nhà Nước tức là đóng
cửa công sở, cho công chức nghỉ làm, đó là sự thật. Nói TT Trump không chịu ký dự
thảo ngân sách của Hạ Viện hay của Thượng Viện là không biết gì về thủ tục luật
lệ Mỹ. Tổng thống không bao giờ ký dự luật nào của riêng Hạ Viện hay Thượng Viện,
mà chỉ ký sau khi Thượng Viện và Hạ Viện đã đúc kết được một dự luật chung duy
nhất, đã được cả hai viện biểu quyết thuận. Cho đến nay, chưa hề có được dự thảo
chung nào về ngân sách hay việc xây tường đã được viết ra và phê chuẩn bởi cả
hai viện nên TT Trump đã không có gì để ký.
Nếu muốn chi tiết, thì phải nói thêm là dĩ nhiên tổng thống không thể đóng
cửa Nhà Nước 100% vì có nhiều nhu cầu không thể ‘đóng cửa’ được, như quốc
phòng, ngoại giao, an ninh quốc gia (tiêu biểu là an ninh TSA ở các phi trường),
trả tiền trợ cấp, thu và hoàn trả tiền thuế cuối năm, bưu điện,… Do đó chỉ có
thể đóng cửa một phần (hiện nay chỉ là dưới 20%) và trong các cơ quan đóng cửa đó, công chức được cho nghỉ ở
nhà, tuy không lương nhưng sau này vẫn được lương hồi tố cho những ngày nằm nhà.
Ở những cơ quan bắt buộc phải mở cửa vì nhu cầu thiết yếu, có hai trường hợp, một
là cơ quan đó có quỹ dự phòng đặc biệt và nhân viên vẫn được lãnh lương, hai là
các nhân viên bị bắt phải đi làm không lương, tuy sau khi Nhà Nước mở cửa lại
thì cũng sẽ được lãnh lương hồi tố. Điều vị độc giả Âu Châu không hiểu rõ là tổng thống đúng là có thể không
đóng cửa Nhà Nước, nhưng như vậy chỉ có nghiã là ông bắt công chức phải đi làm
không lương thôi.
Đó là những ‘dữ kiện khách quan’. Khi
nói về lỗi của ai thì không còn là nói chuyện ‘dữ kiện khách quan’ nữa, mà là
bàn luận theo ý kiến chủ quan cá nhân. Có ba thành phần có thể phải chịu trách
nhiệm về việc đóng cửa Nhà Nước: TT Trump, đảng CH và đảng DC hay quốc hội nói
chung, tùy quan điểm chủ quan của mỗi người thôi. Nhưng thực tế là tất cả đều
có phần trách nhiệm không nhiều thì ít. Quan điểm của tôi là lỗi nơi quốc hội
nói chung lớn hơn vì họ không thỏa thuận được một dự thảo ngân sách chung để tổng
thống ký. Vị độc giả tranh luận với tôi thì khẳng định đó là lỗi của TT Trump
vì ông là người lấy quyết định đóng cửa Nhà Nước.
Theo cách nhìn của kẻ này, ông chủ
công ty không đưa tiền phát lương, ông quản lý đành phải cho một số nhân viên
nghỉ làm tạm thời (đóng cửa )
trong khi một số khác phải làm không lương, chờ ông chủ đưa tiền. Nhìn lại cho
kỹ, nếu nói vì ông quản lý là người đã trực tiếp ra lệnh đóng cửa hãng, do đó
ông là người chịu trách nhiệm, thì có phải là suy nghĩ quá ‘đơn giản’ không?
Còn về tố giác “nói láo, thiếu tự
trọng và lương thiện”, nếu đó là công kích “bình luận gia” Vũ Linh này chỉ vì
khác biệt quan điểm thì tôi sẽ không bàn đến vì chẳng có gì để bàn. Tôi chỉ
tranh luận về quan điểm trong tinh thần tương kính, không tham gia vào những
công kích cá nhân qua lại vớ vẩn.
JANUARY 12 – 2018
QUỐC HỘI MỚI
Phe DC sau khi chiếm được Hạ Viện
đã lên cơn say sóng, mỗi ngày mỗi tung ra hàng loạt ý kiến, vừa mới lạ vừa…
quái lạ. Quái lạ đến độ ai cũng thấy ngay không có cách nào thực hiện, biến thành
sự thật được. Có nghĩa là tất cả đều chỉ là những màn xiếc cho những đệ tử của
họ xem cho vui thôi. Dưới đây là một vài ý kiến, mà chính xác thì không thể nào
gọi là ‘sáng kiến’ được, mà chỉ có thể gọi là ‘tối kiến’.
-
Một cô bé thuộc loại nhóc mà kinh tế gia NXNghiã
hay gọi là ‘quàng khăn đỏ’ đề nghị tăng thuế xuất lợi tức của các nhà giàu lên
tới mức 70%. Cô bé này bàn chuyện kinh tế giống như thằng nhỏ đánh giầy ở Bàn Cờ
bàn chuyện mổ óc trị ung thư. Câu hỏi là sau khi nhà giàu bị đánh thuế đến sạt
nghiệp thì… đánh thuế ai để kiếm tiền tiếp tục?
-
Một anh tân dân biểu Cali không biết đã đọc Hiến
Pháp chưa, đề nghị hủy bỏ hình thức bầu tổng thống liên bang qua phương thức cử
tri đoàn. Đây là cách hữu hiệu nhất giải tán liên bang Cờ Hoa để Cali có thể
gia nhập Estados Unidos Mexicanos.
-
Một anh khác chắc cũng chưa đọc Hiến Pháp bao giờ,
đề nghị ra luật giới hạn quyền ân xá của TT Trump, như không được ân xá chính
mình, hay gia đình mình, hay nhân viên chính quyền của mình luôn. Chắc chỉ còn
được ân xá các cử tri của đảng DC hay di dân lậu? Quyền ân xá là quyền tuyệt đối,
vô giới hạn của tổng thống, được ghi rõ ràng trong Hiến Pháp.
Bên cạnh các ý kiến quái chiêu, quốc
hội còn được đánh dấu bởi hai khuynh hướng đáng ngại:
1) DC
ngày càng ngả qua thiên tả: theo thăm dò của Gallup, gần 60% khối DC ủng hộ chủ nghiã xã hội, kể cả cái XHCN với
mùi vị thiên tả cực đoan nhất. Nhóm thiên tả này gồm từ cụ khủng long bát tuần
Bernie Sanders, tới cô nhóc Alexandria Ocasio-Cortez ra đời sau khi Liên Xô đã
không còn trên bản đồ nữa, qua bà xồn xồn Elizabeth Warren thời CS trị vì có lẽ
đang mắc bận cưỡi ngựa săn nai với dân Cherokee, không biết gì về chính trị thế
giới.
Các chuyên gia cho
rằng tư tưởng thiên tả XHCN có vẻ đang hồi sinh, sau khi Liên Xô đã xụp đổ hoàn
toàn từ ba thập niên rồi. Theo họ, thiên hạ có trí nhớ rất kém trong chính trị,
vẫn thích nghe những khẩu hiệu bùi tai kiểu như tất cả đều miễn phí hết!
Nói như các tài tử Hồng Kông, “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Hay nhiều khi
thấy quan tài rồi mà vẫn chưa đổ lệ như vài cụ tỵ nạn CSVN vẫn đang ca tụng xã
nghĩa Mỹ?
2) Dân biểu trẻ ngày càng mất tư cách: mất tư
cách dưới hai khiá cạnh: vừa ăn nói thô tục vô học (như bà gốc Palestine Tlaib chửi TT
Trump; một tờ báo ca tụng “lần đầu tiên dân Palestine có tiếng nói trong quốc hội
Mỹ”; nếu đúng như vậy thì tiếng nói của dân Palestine có vẻ không hay ho gì lắm), vừa tuyên bố vung vít hoàn toàn vô căn cứ
(như bà Ocasio-Cortez với những chương trình như tăng thuế xuất lên tới 70%
để chi trả cho hơn 40.000 tỷ tiền các chương trình xã nghĩa không tưởng kiểu tất
cả mọi thứ đều miễn phí hết cho 90% dân Mỹ).
TT TRUMP ĐỌC DIỄN VĂN
TT Trump đã chính thức đọc diễn văn
từ Tòa Bạch Ốc để vận động cho việc quốc hội phê chuẩn hơn 5 tỷ cho ông xây tường biên giới, đồng thời cũng
giúp mở cửa Nhà Nước lại. Theo TT Trump, nước Mỹ đang gặp khủng hoảng về nhân đạo
và an ninh –humanitarian and security crisis- trong vấn đề này. Và ông cảnh
giác Nhà Nước có thể sẽ đóng cửa một phần trong nhiều tháng hay nhiều năm.
Nhìn mặt biết người?
Ngay sau đó, cả bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và lãnh tụ khối thiểu số
DC tại Thượng Viện Chuck Schumer cũng đã lên TV phản bác.
Tất cả không có điểm nào mới lạ. Điều các chuyên gia lo ngại là cả hai bên
đều có vẻ kiên trì giữ quan điểm của mình mà không có ý định nhượng bộ nhau gì
hết.
TTDC không có gì để chỉ trích về nội dung bài diễn văn của TT Trump, bèn
quay qua chê trách TT Trump đọc diễn văn ... dở ẹc, thiếu tự nhiên và không
thuyết phục, quá nghiêm chỉnh, không có vẻ ... Trump! TTDC cũng miả mai TT Trump de lui trong vấn đề ban bố
tình trạng khẩn trương để lấy quyết định xây tường. TTDC một là vẫn ngây ngô
không hiểu mô thức Trump, hai là hiểu nhưng giả ngu để có dịp công kích. Thằng
nhóc đánh giầy ở VN cũng hiểu chuyện ban bố tình trạng khẩn trương hay không chỉ
là lá bài TT Trump dùng để điều đình với phe DC, có thể ông sẽ sử dụng, có thể
không, chẳng ai biết.
Các cụ luật gia tỵ nạn tốt nghiệp đại học luật Đông Dương thời Tây còn áp dụng
luật của Napoleon tại VN, hay các anh tỵ nạn chỉ coi đài CNN khoan chỉ trích TT
Trump không biết Hiến Pháp Mỹ vì bên cạnh TT Trump còn có vài chục luật gia còn
hơn xa bậc thầy của các cụ đấy. Luật gia Jonathan Turley đã lên tiếng cho biết
TT Trump theo Hiến Pháp có toàn quyền tuyên bố tình trạng khẩn trương, là chuyện
các tổng thống Mỹ vẫn thường làm, kể cả TT Obama đã làm 13 lần trong 8 năm của ông.
Phản ứng của báo Washington Post: báo này đăng một loạt tin liên quan đến
bài diễn văn trong số ra ngày 9/1/2019. Đây là tựa những bài chính:
-
Trong
khi Trump kêu gọi hậu thuẫn của cả nước, sự ủng hộ của ông trong đảng CH bị nứt
rạn.
-
Trump
muốn làm một tổng thống bình thường. Kết quả rất quái lạ.
-
Tin mới
nhất về thông đồng Nga có hậu quả lớn hơn bài diễn văn của Trump.
-
Bạn
nghe bài diễn văn, tức là bạn đã tự đả thương.
-
Trump
dùng Phòng Bầu Dục để tạo ra một khủng hoảng.
-
Trump
đang thua.
-
Ocasio-Cortez
gọi Trump là kỳ thị. Cô ta có lý.
Thế mới nói cái bệnh Trump Derangement Syndrome nó nặng như thế nào rồi
trong TTDC. Không có gì đáng chỉ trích cũng phải tự vặn trẹo lưng ra tìm lý cớ
đả kích. Tất cả những cái tựa trên đều không mang tính thông tin nữa, mà hiển nhiên là những quan điểm.
Cụ nào vẫn nghĩ WaPo công tâm và làm tròn trách nhiệm thông tin trung thực,
không phe đảng, xin giơ tay!
Sau bài diễn văn, TT Trump đã lại họp với bà Pelosi và ông Schumer tại Tòa Bạch
Ốc, nhưng sau một lúc, ông bỏ phòng họp, tuyên bố “phe DC quá ngoan cố, ông
không muốn mất thời giờ nữa”. Chưa ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra và cuộc khủng hoảng sẽ đi về đâu.
BÀ GINSBURG KHÔNG ĐI HỌP
Tin báo chí cho biết bà thẩm phán Tối
Cao Pháp Viện Ruth Ginsburg đã nghỉ dưỡng bệnh, không tham gia một cuộc tranh
luận tại đây trong cả hai tuần liền.
Bà Ginsburg, 85 tuổi, vừa mới mổ để lấy ra mấy khối u ung
thư. Đây là lần thứ ba bà bị mổ để chữa trị ung thư. Sức khoẻ bà Ginsburg ngày
càng sa sút nhưng bà khẳng định sẽ không từ chức.
Quyết định của bà Ginsburg được biện
minh không phải vì tham quyền cố vị, mà vì bà có quan điểm cấp tiến mạnh, nhất
định không chịu từ chức vì sợ sẽ giúp TT Trump có cơ hội bổ nhiệm thêm một thẩm
phán bảo thủ nữa. Trên căn bản, chuyện này nghe cũng hợp lý, nhưng trên nguyên
tắc, đây là một quyết định sai lầm lớn, vì lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, chính
trị phe phái đã chi phối một quyết định của TCPV. Bà Ginsburg trước đây đã có lần
công khai đả kích TT Trump, nhưng sau đó, ‘sửa sai’, rút lại lời nói và xin lỗi.
Bà Ginsburg mới đây cho biết bà sẽ
làm việc cho đến sau năm 2020. Một
thông điệp thật rõ ràng: dân bầu cho một tổng thống khác vào cuộc bầu cử năm đó
thì bà mới chịu ra đi.
Tất cả các tay độc tài ôm cứng cái
ghế đều biện giải “tôi không tham quyền cố vị, nhưng chỉ vì quyền lợi đất nước,
tôi rời cái ghế này sẽ là đại họa cho đất nước, nên phải cố hy sinh làm tổng thống
muôn năm vậy”. Ngay cả De Gaulle của Pháp cũng đã từng phán “Après moi, le
deluge”, “Sau tôi sẽ là lũ lụt thôi”.
Chính trị Mỹ phân hoá từ quá lâu rồi,
khỏi bàn thêm. Giáo dục phân hoá từ lâu lắm rồi khi các nghiệp đoàn thiên tả độc
chiếm ngành giáo chức. Lao động cũng phân hoá khi các nghiệp đoàn chạy qua phiá
tả từ sau đệ nhị thế chiến. Y tế phân hoá từ ngày Obamacare ra đời. Bây giờ,
phân hóa đã lan vào luôn cả các thẩm phán và TCPV, tức là nguyên cả ngành Tư
Pháp khi các thẩm phán do Clinton và Obama bổ nhiệm ra tay ‘bảo vệ’ quan điểm cấp
tiến.
THỨ TRƯỞNG TƯ PHÁP TỪ CHỨC
Có tin Thứ Trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein đã thông báo cho TT Trump biết ông
sắp từ chức trong vài tuần tới sau khi tân bộ trưởng Tư Pháp được Thượng Viện
phê chuẩn.
Ông Rosenstein được cựu bộ trưởng Jeff Sessions giới thiệu làm thứ trưởng,
cũng là người đã ra quyết định bổ nhiệm ông Mueller làm công tố đặc biệt điều
tra về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Sau khi ông
Sessions từ chức, có tin ông Rosenstein cũng sẽ từ chức theo, nhưng ông này đã
nhận ở lại cho đến khi có bộ trưởng mới để bàn giao công việc cho trơn tru.
Ngay từ những ngày đầu mới được bổ nhiệm, ông Rosenstein đã cho biết sẽ
không làm việc này lâu hơn hai năm. Ông Rosenstein nghỉ làm thứ trưởng, đi làm
văn phòng luật tư, bảo đảm sẽ lãnh lương cao hơn lương thứ trưởng cả mấy chục lần.
Tại một số quốc gia, chính trị là cách là giàu mau chóng ngay khi đang nắm quyền.
Tại Mỹ, chính trị là cách làm giàu thật mạnh sau khi rời nhiệm sở.
Tân bộ trưởng Tư Pháp William Barr sẽ chịu trách nhiệm về cuộc điều tra của
công tố Mueller.
GIẢI NOBEL KHÔNG XỨNG ĐÁNG?
Cựu tổng thư ký Ủy Ban Nobel, ông Geir Lundestad, đã viết hồi ký kể lại việc làm
thư ký cho ủy ban chuyên tặng giải Nobel cho các vĩ nhân thế giới.
Ông cho biết quyết định của Ủy Ban,
trao giải Nobel Hòa Bình năm 2009 cho TT Obama là sai lầm lớn nhất trong
lịch sử Ủy Ban. Khi đó, TT Obama mới nhậm chức được có vài tuần, chưa làm được
chuyện gì hết ngoài việc đọc những bài diễn văn nổ hơn kho đạn Long Bình nhưng
rỗng tếch. Kiểu như “Ngày hôm nay là ngày thủy triều sẽ hạ”, mà chẳng ai hiểu ý
muốn nói gì.
Ủy Ban tặng giải Nobel trong ý định
giúp củng cố uy tín cho TT Obama để ông có thể thực hiện những lời kêu gọi đoàn
kết kiểu như “không có một nước Mỹ đỏ, một nước Mỹ xanh, mà chỉ có một Hiệp Chủng
Quốc Hoa Kỳ” cho cả thế giới để mang lại hòa bình cho nhân loại. Ông Lundestad
nhìn nhận việc Ủy Ban tìm cách củng cố uy tín của một chính trị gia dựa trên diễn
văn và ca tụng của truyền thông là một sai lầm lớn vì Ủy Ban đã chẳng đạt được
ý nguyện.
CHỦ TỊCH NGÂN HÀNG THẾ GIỚI TỪ CHỨC
Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, ông
Jim Yong Kim, Mỹ gốc Nam Hàn, đã bất ngờ từ chức, ba năm trước khi mãn nhiệm kỳ.
Ông Kim được TT Obama đề cử năm
2012. Luật không thành văn của Ngân
Hàng Thế Giới là chủ tịch luôn luôn là người do Mỹ đề cử rồi được Hội Đồng Quản
Trị NHTG biểu quyết, trong khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế luôn luôn là người do khối
Âu Châu đề cử, hiện nay là bà Christine Lagarde, người Pháp.
Ông Kim không công bố lý do, nhưng theo các chuyên gia, ông từ chức vì
không đồng ý với chính sách chống Trung Cộng của TT Trump, nhất là khi ông
Trump áp lực để NHTG giảm tiền cho Trung Cộng vay, để tài trợ những dự án quá lớn
và có tính phiêu lưu, nhiều rủi ro của TC.
Ông Kim từ chức sẽ giúp TT Trump có dịp bổ nhiệm chủ tịch mới, hợp với chính
sách tài chánh quốc tế của TT Trump hơn. Nhiều người lo ngại TT Trump sẽ bổ nhiệm
một người theo chủ trương ‘Nước Mỹ Trước Tiên’ khiến nhiều quốc gia thành viên
NHTG sẽ cảm thấy khó chịu. Nếu hiểu rõ ông Trump, thì sẽ thấy NHTG có ưu tiên rất
thấp trong con mắt của TT Trump. Ông không để ý đến chuyện các nước khác có đồng
ý và ủng hộ ông hay không, dù là trong NHTG hay Liên Hiệp Quốc hay bất cứ định
chế quốc tế nào khác.
ÔNG BETO VẬN ĐỘNG TRANH CỬ ?
Cựu dân biểu DC Beto O’Rourke (thường được gọi là ‘Beto’), người đã tranh cử chức thượng nghị sĩ
Texas chống TNS Ted Cruz nhưng thất bại, đã đi thăm El Paso, thành phố sát biên
giới Mễ, trong sách lược chuẩn bị cho việc ra tranh cử tổng thống năm 2020.
Ông Beto được coi như ngôi sao mới
chớm nở trong một đảng DC đang... đói ngôi sao, từng được so sánh như một
Kennedy tân thời, hay một Obama da trắng.
Trong bài diễn văn đọc tại El Paso, dĩ nhiên ông Beto đã công kích TT Trump
kịch liệt. Điều đáng nói là bài diễn văn ứng khẩu đầy dẫy những danh từ văn hoa
nhất của văn hóa Mỹ, kiểu như “sh...” hay “f...k”, được TTDC ca tụng ngay là
“ngôn ngữ bình dân của quần chúng”.
Quý độc giả chắc còn nhớ lại TTDC đã phản ứng như thế nào đối với ngôn ngữ
“shithole” của TT Trump?
CNN ÉM TIN
Đài truyền hình KUSI của San Diego
mới đây đã công khai tố cáo CNN phe đảng lộ liễu trong vấn đề di dân.
KUSI cho biết CNN đã nhờ KUSI làm
thiên phóng sự, tham khảo ý kiến dân địa phương, sát biên giới Mễ xem họ nghĩ
thế nào về việc xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ. Sau khi xem qua phóng sự của
KUSI, thấy đa số dân địa phương cho bức tường là hữu hiệu và cần thiết, CNN đã
… liệng phóng sự đó vào nhà kho, không cho lên hình nữa.
TIN PHIẠ TRONG CỘNG ĐỒNG TỴ
NẠN
Trong tuần qua, kẻ này đã nhận được một email, nhận tới 5 lần, từ 5 nguồn khác nhau. Như là một tin
quan trọng cần phổ biến rộng rãi trong cộng đồng tỵ nạn. Kẻ này xin miễn khai
tên tác giả là một người khá “nổi tiếng”, chỉ cần tóm gọn lại cho quý độc giả
nào chưa được ‘hân hạnh’ nằm trong danh sách những người nhận.
Nguyên văn: “Khi ký thỏa ước
năm 2008 ngăn chặn việc trục xuất những người tị nạn đến Mỹ trước năm 1995, Tổng
Thống Obama đã ân xá cho con cháu các cựu tù nhân chính trị VNCH vì họ đã từng
chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ, bị đưa vào trại tù cải tạo một cách
tàn bạo, trong khi người mẹ đã vừa vất vả làm ăn vừa nuôi con. nên con cháu họ
không được giáo dụ [nguyên văn] đàng hoàng. Sự ân xá này là công bằng và hợp
với đạo đức. Nay "Thánh cả" Donald Trump lại làm ngược lại. Đó là một
điều đáng tiếc và hoàn toàn thiếu đạo đức!”
Điều đáng tiếc và thiếu đạo đức thật
sự, đó là toàn bộ cái email fake news 100% này. Có nhiều điều đáng nói trong cái
email này:
- “Thoả ước năm 2008” mà email nói tới được ký
tháng Giêng năm 2008 bởi bà Phụ Tá
Thứ Trưởng Ngoại Giao Julie Myers của TT Bush con. Ông Obama khi đó chưa là ứng
cử viên tổng thống của đảng DC chứ đừng nói là tổng thống, làm sao ký cái gì được?
- Thỏa
ước đó xác nhận điều kiện để Mỹ trả về VN và chính quyền VNCS nhận lại những Việt
kiều qua Mỹ sau tháng 7/1995, phạm pháp bị dẫn độ về lại VN.
-
Thoả
ước đó tuyệt đối không có điều khoản nào “ngăn chặn việc trục xuất những người tị nạn đến Mỹ trước năm 1995” hết.
-
Thỏa
ước đó tuyệt đối không có một điều nào nói đến chuyện “ân xá con cháu các cựu
tù nhân chính trị VNCH”.
- “Con
cháu các cựu tù nhân chính trị VNCH” đã làm tội động trời nào khiến “Tổng Thống
Obama” phải ký lệnh tổng ân xá hết?
- “Thánh
cả Trump lại làm ngược lại”: TT Trump đã làm gì ngược lại? Xin trích dẫn cho
thiên hạ biết bất cứ công văn, quyết định, luật, sắc lệnh hay tuýt nào của TT
Trump đã làm ngược lại chuyện “ân xá các con cháu cựu tù chính trị VNCH” được
không?
Một người hăng tiết vịt hơn, còn viết cho rõ hơn thỏa ước 2008 đó có tên là “The 2008 Repatriation Act”. Thật ra, đó chỉ là một
cái mà tiếng Mỹ gọi là “Memoradum of Understanding”, kiểu như một văn thư hành
chánh xác nhận một thỏa thuận, khác xa một luật “Act” phải được quốc hội phê
chuẩn.
Hình như cụ tỵ nạn này chưa bao giờ đọc được hay đọc mà không hiều gì về thỏa ước này nên xin đính kèm dưới đây nguyên văn Thỏa Ước 2008:
CNN ‘MƯỢN’ Ý CỦA DĐTC
Trong bài viết về Điểm Tin Năm Qua, kẻ này đã viết “Năm tới 2019, có thể sẽ còn sóng gió hơn nhiều. Quý độc
giả nhớ cột ... seat belt cho chặt”.
Hai tuần sau, anh bình luận gia nổi tiếng của CNN, Fareed Zakari, đã nói chuyện
trên CNN và đã... nói lại y chang lập luận của kẻ này. Nếu kẻ này đã đăng ký bản
quyền DĐTC thì chắc sẽ có thể thưa kiện, kiếm tiền mua vài chai cổ-nhắc?!
Nhưng chắc khó thắng vì anh Zakaria
sẽ hỏi ngay Diễn Đàn Trái Chiều là diễn đàn ‘ma gà’ nào?!
JANUARY 5 – 2019
TÂN QUỐC HỘI MỸ
Tân quốc hội, Thượng Viện và Hạ Viện đã chính thức tuyên thệ
nhậm chức sáng ngày 3/1/2019.
Tại Thượng Viện không có gì đặc biệt,
ngoại trừ tân thượng nghị sĩ Mitt Romney muốn chơi nổi, chưa tuyên thệ đã công
kích TT Trump. Sau đó, bị chất vấn ông đã biện giải “ông chỉ muốn nêu lên khuyết
điểm của TT Trump để có thể giúp tổng thống và để hai người có thể làm việc
chung với nhau”.
Tại Hạ Viện, ngày đầu, các tân dân
biểu DC đã làm hai chuyện: biểu quyết bầu bà Nancy Pelosi làm chủ tịch Hạ Viện.
Bà Pelosi được 220 phiếu. Có 15 dân
biểu DC không bỏ phiếu cho bà, và số phiếu của CH là đúng... zero!
Đây là một trách nhiệm cực kỳ quan
trọng, đứng hàng thứ ba trong guồng máy quyền lực chính trị Mỹ. Nếu cả tổng thống
và phó tổng thống có mệnh hệ nào, chủ tịch Hạ Viện sẽ lên làm quyền tổng thống.
Tuyên bố đầu tiên của tân chủ tịch
Hạ Viện: sẽ cứu xét việc truy tố hình sự và đàn hặc TT Trump.
Quyết định thứ hai là một dân biểu
Cali đã đệ nạp ngay dự luật đòi đàn hặc TT Trump. Đúng như DĐTC này đã bàn qua,
việc đàn hặc đã được cất vào kho trong mùa vận động tranh cử vì sợ kích động cử
tri của TT Trump, nhưng ngay sau khi chiếm được Hạ Viện, thì đàn hặc đã trở
thành ưu tiên số một của phe đối lập DC, cho dù họ biết sẽ chẳng đi đến đâu mà
chỉ là triệu chứng của bệnh Dị Ứng Trump phát tác mạnh, và đàn hặc là cách hay
nhất để phá TT Trump.
Qua ngày hôm sau, Hạ Viện biểu quyết
thông qua ngân sách tạm mới, trong đó không có tiền xây bức tường nhưng có trên
cả chục tỷ tiền tặng cho thế giới như tiền giúp cho phụ nữ Phi Châu phá thai tự
do,... Dự luật này còn phải được đúc kết với dự luật của Thượng Viện và phải được
TT Trump ký. Không ai tin chuyện này sẽ xẩy ra.
Trong mấy ngày đầu, nhiều tân dân
biểu cũng muốn chơi nổi, tung ra nhiều ý kiến quái chiêu nhất. Như cô
Ocasio-Cortez đòi tăng thuế nhà giàu lên tới mức 70% lợi tức, một anh khác đòi hủy bỏ thể thức bầu tổng
thống qua cử tri đoàn, một chị khác chửi TT Trump là “motherfucker” (DĐTC không thể dịch, quý độc giả có hứng thú có thể
tự tra tự điển!), chứng tỏ ngôn ngữ của dân băng đảng, đá cá lăn dưa đã
được phe DC du nhập vào quốc hội Mỹ. Hình ảnh mới của một vị dân cử của đảng
DC.
Trong khi đó, chìm trong quên lãng
là tin kinh tế Mỹ mới tạo thêm được 312.000 việc làm cho dân Mỹ, khiến chỉ số Dow tăng lên hơn 700 điểm trong ngày hôm sau.
Hạ Viện trong hai năm tới sẽ là sân
khấu chính trị vô duyên nhất lịch sử cận đại Mỹ vì sẽ chỉ là nơi các dân biểu
đăng đàn chửi bới lung tung và biểu quyết những chuyện lăng nhăng, cho có và chẳng
chuyện nào đi đến đâu hết vì những dự luật hay đề án do các dân biểu DC đưa ra
đều tuyệt đối chẳng có một chút hy vọng nào được Thượng Viện phê chuẩn và TT
Trump ký. Trong khi tất cả các chương trình, kế hoạch lớn của TT Trump cũng sẽ
đều bị ngâm tôm hết.
Đó chính là mặt trái tiêu cực của
chế độ tam quyền phân lập của Mỹ mà các nước chuyên chế đang khai thác để biện
minh cho các chế độ độc tài của họ.
ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG ĐẦU
TIÊN
Tuy còn hai năm nữa mới có bầu tổng thống, nhưng nước Mỹ đã có ứng cử viên
chính thức đầu tiên: bà thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.
Bà Warren là TNS tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, Massachusetts. Đúng ra, bà đã
tính ra tranh cử năm 2016,
nhưng đã nhường chỗ cho bà Hillary. Sau đó, có tin hai bà Hillary và Warren điều
đình việc hai bà ngồi chung liên danh, nhưng việc không thành vì bà Hillary sơ
tính cực đoan của bà Warren sẽ khiến bà mất phiếu khối cử tri độc lập ôn hòa. Bà
Warren thuộc thành phần cấp tiến cực đoan nhất, ngang ngửa với cụ Bernie
Sanders. Bà sanh tháng Sáu, 1949, năm nay đúng 70 tuổi, nếu đắc cử, sẽ
tuyên thệ nhậm chức năm 72 tuổi. Đây là cụ khủng long DC đầu tiên ra tranh cử,
sẽ còn ít ra là nửa tá cụ khủng long DC khác chống gậy ra tranh cử.
Bà Warren từng gây ra xì-căng-đan
chính trị lớn khi bà đi vận động trong khu của bộ lạc da đỏ Cherokee tại
Oklahoma, tự nhận là dân gốc Cherokee. Bị chất vấn, bà đi thử nghiệm DNA và được
chứng nhận có 1 trên 1024 phần máu da đỏ. Chẳng ai biết các bác sĩ của bà đã thử
nghiệm kiểu gì, chỉ biết đại khái là nếu lấy một lít máu của bà Warren ra đo,
thì sẽ thấy chưa tới một milliliter là máu da đỏ, hay là chưa tới 15 giọt.
Nhiều chuyên gia tiên đoán bà Warren có ít hy vọng đắc cử tổng thống hơn là
số lượng máu da đỏ trong người. Thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy bà Warren
có dưới 5% hậu thuẫn của cử tri của đảng DC.
Massachusetts cũng là hàng xóm của Vermont, tiểu bang của cụ xã nghiã
Bernie Sanders. Hai vị thiên tả cực đoan này sẽ tranh dành phần đất cực đông bắc
của Mỹ cũng như tranh dành phiếu của khối cực tả trên cả nước. Chưa kể trong
vùng đó còn có tiểu bang New Jersey của ông da đen Cory Booker nữa, cũng thiên
tả không kém. Mà cũng có luôn cả tiểu bang Delaware của cụ Joe Biden và New
York của cụ tỷ phú Michael Bloomberg và cụ thống đốc Andrew Cuomo nữa (Thống
đốc Cuomo vừa ký sắc lệnh ân xá 22 di dân lậu Nam Mỹ bị án hình sự, không trục xuất họ nữa; biện
pháp đầu tiên lấy điểm với cử tri gốc Nam Mỹ). Nhích xuống phiá nam một chút là ta đụng phải cụ Terry McAuliffe, cựu thống
đốc và phụ tá đắc lực nhất của ÔB Clinton, tại tiểu bang Virginia.
Hơn một nửa tá ứng cử viên chỉ trong một vùng đông bắc! Tuồng hát DC tuyển lựa ca sĩ đã bắt
đầu.
OBAMACARE CẬP NHẬT
Qua năm 2019, điều lệ nếu không mua bảo hiểm y tế sẽ bị phạt được
chính thức hủy bỏ. Thiên hạ không mua bảo hiểm y tế sẽ không còn phải đóng thuế
phạt nữa.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia,
điều khoản này thật ra đã vô ích. Những người mua bảo hiểm thì họ mua vì thấy
thật sự cần thiết, không cần biết chuyện bị phạt, trong khi những người thấy
không cần bảo hiểm thì vẫn không mua, chấp nhận đóng thuế phạt. Lý do chính là
tiền phạt quá nhẹ so với số tiền bảo phí. Một cách tổng quát, tiền phạt đó là
2,5% lợi tức nguyên năm hay tối thiểu 695 đô một năm cho một người lớn năm
2018, chẳng thấm vào đâu so với bảo phí trung bình vài ngàn đô một năm. Nói
cách khác, đây là loại biện pháp nửa vời tiêu biểu cho cách hành xử của TT
Obama, ít khi dám làm mạnh vì sợ mất phiếu.
Theo Sở Thuế IRS, trong năm qua đã
có hơn 4 triệu người chịu đóng thuế
phạt để khỏi mua bảo hiểm.
Vì việc hủy bỏ điều khoản này, 30 tiểu bang đã thưa kiện đòi thu hồi
Obamacare tại tiểu bang của họ luôn. Theo họ, họ phải nhận Obamacare vì Tối Cao
Pháp Viện đã phán tiền phạt là một loại thuế mà chính quyền liên bang có quyền
áp đặt lên các tiểu bang, từ đó cũng có quyền áp đặt Obamacare luôn. Nhưng bây
giờ thì thuế đó đã bị thu hồi, liên bang không còn quyền áp đặt Obamacare nữa.
Một ông tòa liên bang tại Texas đã đồng ý và phán Obamacare đã trở thành bất
hợp Hiến.
Câu chuyện dĩ nhiên chưa chấm dứt, sẽ còn phải lên tới TCPV. Các cụ tỵ nạn
tốt nghiệp luật tại các đại học Đông Dương thời vua Thành Thái khoan phán quyết
vội.
TT TRUMP ĐƯỢC HẬU THUẪN CỦA QUÂN
NHÂN
Hãng thông tấn Associated Press đã
công bố thăm dò dư luận mới nhất. Cho thấy TT Trump được hậu thuẫn mạnh của các
quân nhân Mỹ.
Trong thăm dò của AP, hợp tác với đại
học Chicago, khoảng 4.000 quân nhân
hiện dịch cũng như cựu chiến binh đã giải ngũ, đã được phỏng vấn. Theo thăm dò,
trong 10 quân nhân thì đã có tới 6 người ủng hộ TT Trump (58%), hơn xa hậu thuẫn trong giới dân sự, trong
đó TT Trump chỉ được có 42% hậu
thuẫn.
Khoảng 48% cho TT Trump có tư cách làm tổng thống, 59% nhận thấy ông là một
lãnh đạo cứng tay, 62% ủng hộ việc xây tường biên giới Mễ.
Tin liên quan đến TT Trump: TTDC vừa
mới ‘phong thánh’ cho hai nhân vật trước đây đã bị chính cái TTDC này đánh tơi
bời. Đó là cựu tướng McChrystal từng bị TT Obama cách chức Tư Lệnh Lực Lượng Đồng Minh tại Afghanistan, thay
thế bởi tướng David Petraeus, ngay sau đó, ông đã xin về hưu non. Và tân
thượng nghị sĩ Mitt Romney trước đây là đối thủ tranh cử tổng thống với Obama. Ông
Romney lúc đầu đả kích ứng cử viên Trump thậm tệ nhất, sau khi ông Trump đắc cử
thì ông Romney ca ngợi lại để xin chức ngoại trưởng, sau khi bị từ chối, bây giờ
quay qua chống TT Trump kịch liệt. Khi ông Romney ra tranh cử thượng nghị sĩ
Utah, TT Trump đã ủng hộ và kêu gọi dân Utah bỏ phiếu cho ông Romney. Ông Romney
đã có cách cám ơn TT Trump khá đặc biệt: chưa tuyên thệ nhậm chức đã lo đóng
cho mình cái ghế ‘lãnh tụ khối CH chống Trump tại Thượng Viện’.
Cháu của ông Romney, bà Ronna
Romney McDaniels, được TT Trump bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng
CH, đã công khai chỉ trích ông bác “Việc một tân thượng nghị sĩ chưa chi đã chỉ
trích tổng thống cùng đảng chỉ thoả mãn những gì phe đối lập DC và TTDC mong muốn,
và hiển nhiên là không có tính xây dựng”.
Cả hai ông McCrystal và Romney đều
từng bị TTDC bôi bác thâm tệ vì chống lại Đấng Tiên Tri. Bây giờ cả hai lên tiếng
chỉ trích TT Trump, mau mắn được TTDC ca tụng là loại ‘hiền triết’ ngay. Cái tiếu
lâm là cũng có vài cụ tỵ nạn bị bệnh Dị Ứng Trump vuốt đuôi theo ngay.
ĐOÀN DI DÂN MỚI
Tin báo chí cho biết một đoàn di
dân mới, khổng lồ, với hơn 15.000 người, đang chuẩn bị khăn gói lên đường từ Honduras qua Mỹ vào giữa
tháng Giêng này. Cuộc hành trình được ước lượng dài hơn 2.000 dặm,
kéo dài ít nhất cũng ba tháng.
Trong khi đó, đoàn di dân trước, gồm
khoảng 7.000 người vẫn còn kẹt tại
Tijuana, bên kia thành phố San Diego của Cali. Mỹ đã đạt được thỏa thuận của Mễ,
cho phép đám di dân này sống tại các trại tạm cư trên đất Mễ trong khi chờ đợi
đơn xin tỵ nạn vào Mỹ được các tòa di trú Mỹ cứu xét. Người ta ước lượng việc
chờ đợi này có thể kéo dài cả mấy năm. Việc tạm trú này là thỏa thuận đặc biệt
giữa hai chính phủ Mỹ và Mễ, và chỉ áp dụng cho đám di dân Trung Mỹ này thôi,
trong khi di dân Mễ vẫn được vào đất Mỹ sống trong khi chờ đợi tòa di trú cứu
xét đơn xin tỵ nạn.
Tân tổng thống Mễ đã loan báo chính
phủ Mễ sẽ tung ra nhiều dự án lớn như xây đường xe lửa và trồng cây, để giúp tạo
công ăn việc làm cho dân Mễ cũng như đám di dân từ Trung Mỹ qua. Trong khi TT
Trump cũng cho biết Mỹ sẽ viện trợ 10 tỷ cho Mễ và các nước Trung Mỹ (Honduras, Guatemala, El Slavador) trong mục đích này.
Tin mới nhất, trong đêm giao thừa Tết tây vừa qua, khoảng 150 di dân tại Tijuana đã đào hầm chui qua dưới
hàng rào cũng như tìm cách leo qua hàng rào kẽm gai để vào đất Mỹ. Họ đã bị
lính canh biên giới xịt hơi cay và đuổi về đất Mễ lại.
Đám di dân một mặt xua các trẻ em và phụ nữ đi trước làm bia đỡ đạn, một mặt
cho các thanh niên đứng phiá sau ném đá vào lính Mỹ. Lính Mỹ đã bắn bom hơi cay
vào đám thanh niên liệng đá trong khi cố tránh các phụ nữ và trẻ em.
Trong câu chuyện di dân lậu, có một tin đáng nói là có 4 đoàn du lịch từ VN đi Đài Loan. Chỉ hai
ngày sau khi tới Đài Bắc, trong bốn đoàn với 153 người, đã có 152 người
‘biến mất’, tìm cách sống chui tại Đài Loan. Cảnh sát Đài Loan đang lùng và đã
bắt được khoảng 25 người. Đài Loan đã cho biết ngưng cấp chiếu khán cho tất cả
công dân CSVN trong khi chờ đợi điều tra.
Chưa thấy cụ tỵ nạn nào tố Đài Loan
‘kỳ thị’ và ‘vô nhân đạo’ khi đi lùng bắt di dân lậu VN hết.
DI DÂN BĂNG ĐẢNG LẬU GIẾT CẢNH
SÁT
Một di dân lậu gốc Mễ, Gustavo Perez Arriaga, đã bị cảnh sát bắt sau hai
ngày lẩn trốn, sau khi anh ta đã bắn chết một cảnh sát giao thông tại Cali. Anh
cảnh sát giao thông chặn anh Arriaga để xét vì nghi ngờ anh này lái xe trong
khi say xỉn. Anh Arriaga đã rút súng bắn chết viên cảnh sát tại chỗ. Cảnh sát
trưởng quận Stanislaus cho biết nếu Cali không có luật An Toàn Cho Di Dân
–Sanctuary Law- thì chuyện đáng tiếc này đã không xẩy ra. Anh Arriaga là di dân
lậu đã có nhiều tiền án, thuộc thành phần băng đảng, nếu cảnh sát được quyền
thông báo cho ICE là cơ quan kiểm soát di dân, thì ICE đã giam giữ hay trục xuất
anh này về Mexico và án mạng này đã không xẩy ra.
Chuyện đáng nói là trong khi một cảnh sát bị bắn chết thì tất cả các chính
khách Cali, từ thống đốc đến các quan chức, dân biểu và nghị sĩ tiểu bang, tất
cả đều ngậm tăm, không ai lên tiếng có ý kiến gì hết. Nếu chuyện xẩy ra ngược lại,
một cảnh sát bắn chết một di dân lậu, bảo đảm ta sẽ thấy cả đám quan chức xếp
hàng lên TV sỉ vả, đòi bảo vệ di dân lậu rồi. Cái tiểu bang Cali oái ăm này
càng ngày càng oái ăm.
OBAMA XÂY TƯỜNG QUANH NHÀ
TT Obama đã cho xây tường quanh ngôi nhà của ông tại thủ đô Washington, có
lẽ sợ đám di dân lậu tràn tới thủ đô Mỹ, tràn luôn vào nhà ông ta?
TT Trump miả mai nêu lên chuyện TT Obama cho “xây tường 10 feet”
(khoảng 3 thước) quanh nhà, khiến
báo Washington Post hấp tấp nhẩy ra bênh vực ngay. Báo này cho là tố giác của
TT Trump hoàn toàn sai, “patently false”.
Bằng chứng WaPo đưa ra –mà vài cụ tỵ nạn vội vã dịch ngay- là “bức tường chỉ
cao có 2 feet (hơn nửa thước), phần trên chỉ là hàng rào sắt giống như các hàng rào
của các nhà hàng xóm và được làm rất đẹp”.
À, thì ra vậy! Nếu không
phải là tường xi-măng hay gạch, mà chỉ là hàng rào song sắt giống như các nhà
khác trong khu và đẹp thì ô-kê sao? Không còn là bức tường đáng ghét nữa?
Như vậy, nếu TT Trump xây một ‘bức tường’ nhưng không có tường mà chỉ là
song sắt, rất đẹp dọc biên giới Mễ thì WaPo, các dân cử DC, TTDC và các cụ tỵ nạn
chống Trump có ô-kê không nhỉ?
Xin lỗi chứ theo kẻ này, những lập luận chống báng TT Trump của ‘phe ta’
càng ngày nghe càng lố bịch.
NEW YORK TIMES THÚ TỘI
Bà Jill Abramson, cựu chủ bút báo New York Times, đã cho phát hành sách mới
của bà, có tựa đề là “Merchants of Truth: The Business of News and the
Fight for Facts”, Những Người Đi
Buôn Sự Thật: Vấn Đề Kinh Doanh Tin Tức Và Cuộc Chiến Cho Dữ Kiện Thật.
Đây là bản cáo trạng nặng nề nhất đối với tờ báo được coi là ‘chị cả’ của
TTDC cấp tiến Mỹ.
Bà Abramson tố cáo đương kim chủ bút của NYT, ông Dean Baquet, đã biến tờ
báo thành một ‘đảng đối lập’ với TT Trump, và các bản tin cũng như các bài bình
luận đã mang nặng tính chống Trump không thể nào rõ ràng hơn. Hầu hết các tin của
NYT đều bất lợi cho TT Trump.
Bà Abramson cũng cho biết NYT đã hoàn toàn bị chi phối bởi nhóm nhà báo trẻ,
chủ trương đánh Trump đến cùng, mà quên bẵng vai trò thông tin của mình.
Quyền lợi tài chánh cũng chi phối hoàn toàn tờ báo khi trong 6 tháng
đầu của TT Trump, số người mua báo NYT trên mạng tăng vọt từ 600.000 người lên
tới 2 triệu nhờ những bài đánh Trump nặng nề nhất.
Bà Abramson tiết lộ bà đã bị NYT sa
thải vì NYT dùng thước đo thiếu công bằng để thẩm định thành quả của một phụ nữ.
Bà là phụ nữ đầu tiên làm chủ
bút cho tờ báo lớn này trong ba năm 2011-2014.
Một tin ‘lý thú’ khác là một nhà
báo của Der Spiegel đã bị ép từ chức ra khỏi báo Der Spiegel vì bị bắt quả tang
đã chế ra không biết bao nhiêu tin phịa từ nhiều năm qua.
Anh Claas Relotius là một nhà báo cột
trụ của báo Der Spiegel, là báo lớn nhất Đức, có tinh thần chống Trump mạnh bạo
nhất Âu Châu. Mới đây, anh viết một thiên phóng sự về một tỉnh nhỏ ở Mỹ, Fergus
Fall trong tiểu bang Minnesota, trước đây bầu cho Trump, theo đó dân cả tỉnh đều
thuộc thành phần ‘thượng tôn da trắng’, kỳ thị triệt để mọi giống dân khác, đặc
biệt là di dân Nam Mỹ. Bị khiếu nại, ban biên tập Der Spiegal cho điều tra và
khám phá ra toàn bộ thiên phóng sự là hư cấu, từ trí tưởng tượng của anh
Relotius ra. Anh này chỉ ghé qua thành phố này để chụp hình, chứ chẳng điều tra
hay phỏng vấn ai trong thành phố này hết.
Anh Relotius thú nhận đã phịa ra
nhiều thiên phóng sự, nhìn nhận anh bị bệnh và cần được giúp đỡ.
Anh Relotius trước đây đã được giải
thưởng ‘Nhà Báo Của Năm 2014’ khi còn là nhà báo của CNN! Các cụ tỵ nạn chuyên nghề làm thông dịch viên cho
CNN nên lưu ý!
SEARS ĐÓNG CỬA TIỆM
Chuỗi cửa tiệm SEARS sau khi khai phá sản để củng cố tình trạng tài chánh
và kiếm thêm vốn tháng 10 vừa
qua, có thể khai khánh tận toàn diện và đóng cửa luôn nếu không tìm ra được nguồn
vốn 4,6 tỷ đô cần thiết để sống
sót trong tuần này.
SEARS, với tên chính thức là Sears, Roebuck & Company được mở cửa năm 1893 bởi ông
Richard Warren Sears và ông Alvah
Curtis Roebuck, và đã hoàn toàn ‘thống trị’ thị trường bán lẻ tại Mỹ trong suốt hơn một nửa
thế kỷ, cho đến thập niên 80, đặc biệt là trong các tỉnh nhỏ. SEARS đã
là biểu tượng của ‘kinh tế tư bản Mỹ’ cũng như là hình ảnh tiêu biểu của cuộc sống
theo lối Mỹ, ‘American way of life’, trong suốt thời gian đó.
SEARS đã không cạnh tranh nổi với mấy cửa tiệm lớn mới mở sau này như
Walmart và Target, và nhất là không chống đỡ được việc khách hàng mua hàng hóa
qua trang mạng với Amazon.
Dân tỵ nạn Việt qua năm 75 còn nhớ khi đó, SEARS là cửa hàng bán lẻ lớn nhất, đầy đủ nhất, mua gì cũng
có, nhất là quần áo và đồ gia dụng trong nhà, một ngạc nhiên lớn cho dân tỵ nạn
khi đó chưa quen với các cửa tiệm khổng lồ hay đại siêu thị Mỹ. Cũng có nhiều
dân tỵ nạn đã làm việc bán hàng với SEARS trong những năm đầu khó khăn đó.