Saturday, October 15, 2022

BÀI 252: TẢ HỮU LÀ GÌ?

    Nước Mỹ chưa bao giờ phân hóa như bây giờ. Phân hóa chính trị Mỹ đã có từ ngày lập quốc, không có gì mới lạ. Tuy nhiên, ít nhất cho đến thời TT Bush cha, phân hóa đó vẫn được giới hạn trong quyền lợi chung của cả nước, trong khi các chính khách hai đảng đối lập vẫn nói chuyện với nhau, làm việc với nhau và và có sự tôn trọng, nể nang nhau.

    Tình hình hiện nay cho thấy một phân hóa có thể nói ‘không đội trời chung’ nữa. Gần hai năm sau khi TT Trump đã ra khỏi Tòa Bạch Ốc, đảng DC nắm quyền vẫn tiếp tục nặn ra đủ cớ để truy lùng, nhỏ cỏ tận gốc, triệt tiêu ông Trump đến cùng. Nguy hại hơn xa cho tương lai lâu dài của nước Mỹ, các luật lớn của đất nước đều được biểu quyết theo đúng làn ranh đảng  phái. Quyền lợi đảng phái lấn át hẳn quyền lợi đất nước.

    Sao lại đi đến tình trạng tệ hại vậy được?

    Như đã viết trong một bài mới đây, tình trạng phân hoá chính trị Mỹ bắt đầu hiển hiện, trở nên nặng nề từ thời TT Clinton khi vì một chuyện lem nhem tình dục không liên quan gì đến trách nhiệm tổng thống, ông Clinton đã bị đàn hặc. Tuy thất bại không truất phế ông được, nhưng cũng đánh dấu sự ra đời của một cuộc chiến chính trị khó đội trời chung. Qua thời TT Bush con, tình hình nghiêm trọng hơn nhưng cái họa al Qaeda đánh ngày 9-11 đã có hậu quả bất ngờ và tốt là phân hóa giảm đi nhiều khi dân Mỹ hiểu được mối nguy của khủng bố Hồi giáo cuồng điên và đoàn kết lại sau lưng tổng thống. Qua đến thời Obama, 8 năm sau 9-11, nguy cơ khủng bố phai nhạt đi, dân Mỹ lại trở về với môn 'đánh võ tự do chính trị', TT Obama biến thành một tổng thống mà báo Washington Post gọi là “tạo phân hóa lớn nhất trong các tổng thống Mỹ”.

    Nhìn vào nguyên nhân xa, ai cũng hiểu căn bản là khác biệt ý thức hệ bảo thủ - cấp tiến giữa hai đảng ngày càng trầm trọng dĩ nhiên. Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố khác như đặc tính cá nhân của các tổng thống, và quan trọng hơn nữa, là ảnh hưởng của truyền thông, và nhất là việc phát triển quy mô của các trang mạng xã hội, đưa đến tình trạng cả trăm triệu dân Mỹ, kể luôn cả mớ dân Việt tị nạn, ai cũng muốn có tiếng nói, ai cũng bàn dza bàn dzô, tự cho mình khôn trong khi cả thế giới khác ý là ngu hết, nghĩa là ai cũng cố hết sức đổ dầu vào lửa, với các ý kiến của mình, bất kể điên rồ tới đâu.

    Dù sao thì cái thể chế đầy lỗ hổng, đầy thiếu sót, đầy sai lầm của Mỹ này cũng vẫn là cái gì hay ho nhất, tốt nhất mà nhân loại đã nghĩ ra được trong quá trình mấy ngàn năm phát triển từ ngày trong hang động chui ra, rồi ngồi tại Hy Lạp sáng chế ra thể chế ‘dân chủ’ vẫn còn được xài tạm tới ngày nay.

    Trong tình trạng làm dâu trăm họ, cô dâu Mỹ coi vậy mà vẫn hoàn hảo nhất.

    Trên căn bản, hai chính đảng Mỹ không phải là đại diện cho hai khối dân, chia theo giai cấp giàu nghèo như trong các chế độ xã nghĩa mà Các Mác mô tả, hay chia theo đảng và dân như trong cái quái thai xã nghĩa VC hiện nay, hay chia theo chủng tộc như trong xã hội Hitler.

    Những khối người Mỹ muôn dạng này ngồi chung với nhau trong cái nồi cháo lòng, với hai khối đại diện cho hai nhân sinh quan hay ý thức hệ đối nghịch, trong đó hay trong mỗi khuynh hướng đều có đủ giàu và nghèo, trắng và đen, già và trẻ, quan và dân, nam và nữ, có học hay mù chữ,…

    Đó là hai khối, mà một gọi là bảo thủ thiên hữu -conservative- mà đại diện là đảng CH, và khối kia gọi là cấp tiến thiên tả -liberal hay progressive- mà đại diện là đảng DC. Nếu phải so sánh và giải thích cho kỹ thì đã có cả ngàn cuốn sách để tham khảo. 

    Trong bài này, chúng ta sẽ cố tóm lược vài khác biệt chính giữa hai ý thức hệ cấp tiến và bảo thủ, giữa hai chính đảng DC và CH. Phải nói ngay là bài này có tính tổng quát, rất nhiều thiếu sót chi tiết, không chính xác lắm. Mà cũng chỉ có thể xét qua dưới khía cạnh xã hội nội bộ thôi, không bàn tới các khía cạnh ngoại giao, quốc phòng, an ninh,… 

    Trước khi đi vào câu chuyện chi tiết hơn, có điều cần phải nói rõ.

    Có nhiều người đầu óc giản dị, hay cố tình tô vẽ thế giới dưới bức tranh giản dị nhất, chỉ có hai màu đen và trắng, ngoài ra, chung quanh hay ở khoảng giữa, chẳng có màu gì khác.

    Theo các khoa học gia, con mắt chúng ta nhìn thấy trên một triệu màu sắc khác nhau. Cũng vậy, thực tế là trong ý thức hệ chính trị, có cả triệu màu khác nhau. Ngay cả hai màu đen và trắng cũng có cả triệu kiểu đen và trắng. Tư bản có cả vạn kiểu tư bản, cộng sản cũng có cả vạn kiểu cộng sản. Ngoài ra cũng có cả vạn kiểu phát xít, cả vạn kiểu xã hội chủ nghĩa. 

    Trên căn bản, ở Mỹ, cả hai đảng DC và CH tương đối ôn hòa, không cực hữu theo đám phát-xít cũng chưa đến nỗi cực tả theo CS. Dù vậy, vẫn có nhiều dạng. Cộng Hòa có bảo thủ đậm như Ted Cruz của Texas và nhạt như Chris Christie của New Jersey, trong khi Dân Chủ có đỏ xẫm như Bernie Sanders của Vermont và hồng nhạt như Jim Webb của Virginia.

    Bài này sẽ trình bày quan điểm khác biệt của hai đảng trên một số vấn đề then chốt, kèm theo lời bàn của kẻ này, là người có quan điểm bảo thủ thiên hữu, do đó, không tránh được tính chủ quan cho dù tác giả cố tránh. Vài tuần trước khi đi bầu quốc hội cũng là lúc ta tìm hiểu vấn đề ý thức hệ này rõ hơn.


    - Vai trò Nhà Nước và cá nhân: 

    Khối cấp tiến nhìn quốc gia như một cộng đồng không có công bằng, và mọi người có trách nhiệm liên đới lo cho nhau, cố tạo công bằng chẳng những vì nhân đạo mà có công bằng thì sẽ tránh được bất mãn và nổi loạn, chiến tranh, xáo trộn xã hội. Xã hội ô hợp nên Nhà Nước có vai trò quan trọng là lãnh đạo, điều hành mọi việc. Thực tế, Nhà Nước sẽ đặt ra vô vàn luật lệ, thủ tục qua một bộ máy hành chánh cực nặng nề, chi tiết, để kiểm soát dân. Trong khi phe bảo thủ chủ trương chấp nhận không công bằng là luật thiên nhiên như năm ngón tay không thể nào bằng nhau. Quan trọng là tôn trọng tự do cá nhân, sáng kiến cá nhân. Nhà Nước có vai trò giới hạn là bảo đảm an ninh trật tự, không cho tự do trở thành hỗn loạn, đồng thời ngăn cản những lạm dụng, bất công quá mức.

    Lời bàn: Một Nhà Nước vú em, bao đồng, cho dù không gắt gao như dưới chế độ cộng sản, cũng vẫn đưa đến những khó khăn vĩ đại, vì mưu đồ độc tài, sách nhiễu, hay vì bất tài của thiểu số nắm quyền lực trong guồng máy Nhà Nước, tức là các công chức. Lý luận chỉ có một nhúm công chức là thương nước yêu dân, tài giỏi lo được hết mọi việc, tự nó, đã là mâu thuẫn ngớ ngẩn nhất, do đó các chế độ xã nghĩa thất bại là chuyện tất nhiên. Ngược lại, tự do phóng khoáng quá mức sẽ đưa đến tình trạng cá lớn nuốt cá bé, người quyền thế áp bức kẻ thế cô.


    - Vấn đề liên bang: 

    Phe cấp tiến chủ trương bành trướng và củng cố quyền hạn của chính quyền trung ương, tức là chính quyền liên bang, trong khi phe bảo thủ muốn giữ nhiều quyền cho các tiểu bang hơn. Tất nhiên có những vấn đề cả hai bên đều đồng ý phải do chính quyền liên bang phụ trách, chẳng hạn như an ninh, quốc phòng, ngoại giao, hay ngay cả kinh tế, tài chính cả nước.

Lời bàn: Mỹ là một liên bang của 50 tiểu bang, không phải là một nước thuần nhất, do đó, quyền tự trị của mỗi tiểu bang rất quan trọng. Ranh giới không rõ ràng và liên bang nhất là dưới thời các tổng thống DC, thường tìm cách lấn đất qua phạm vi tiểu bang. Chẳng hạn Obamacare đòi hỏi tất cả các tiểu bang phải mở rộng Medicaid (bảo hiểm y tế cho người nghèo), TCPV quyết định đây là chuyện của các tiểu bang, do đó có nhiều tiểu bang không mở rộng tiêu chuẩn Medicaid, lý do chính là tiểu bang không có tiền, lý do phụ là tiểu bang không thích liên bang gặm nhấm quyền tự trị của tiểu bang. 

    Quan hệ liên bang – tiểu bang hiện đang trải qua những thử thách lớn, đặc biệt liên quan đến chuyện bầu cử. Phe DC chống lại việc bầu gián tiếp qua cử tri đoàn vì muốn có một cuộc bầu tổng thống theo phổ thông đầu phiếu thống nhất trên cả nước, ai nhiều phiếu hơn trên cả nước sẽ thắng. Hay ít nhất họ cũng muốn có một luật bầu cử chung cho cả nước, là dự luật phe DC mới đưa ra nhưng thất bại vì phe CH quyết liệt chống. Giải pháp này quên mất nước Mỹ là một liên bang, thống nhất kiểu này sẽ khiến các tiểu bang ít dân mất tiếng nói, có thể rút ra khỏi liên bang, đưa đến đổ vỡ toàn diện của liên bang, Mỹ có thể sẽ tan vỡ thành ba hay bốn nước độc lập. Phe CH thì cũng vấp phải vấn đề luật lệ bầu cử, nhưng dưới một khía cạnh khác. CH chủ trương các tiểu bang giữ càng nhiều quyền tự trị càng tốt, đưa đến tình trạng một số tiểu bang then chốt thay đổi luật bầu cử, đưa đến chiến thắng mờ ám của cụ Biden. Đây là lý do mỉa mai thay, các thẩm phán bảo thủ do TT Trump bổ nhiệm đã bác các đơn kiện của ông Trump vì họ tôn trọng Hiến Pháp, chấp nhận quyền tự trị, quyền ra luật bầu cử riêng của các tiểu bang. Chẳng hạn, Pennsylvania thay đổi luật bầu vào giờ thứ 25, cho phép bầu bằng thư chẳng cần biện pháp kiểm tra gì, đưa đến chiến thắng mờ ám của Biden, nhưng không ai làm gì được vì những thay đổi đó đã là những thay đổi hợp pháp của tiểu bang mà TCPV phải chấp nhận.

    Một vấn đề then chốt và thật gai góc là quyền phá thai. Cho tới gần đây, luật phá thai là luật liên bang áp dụng trên cả nước qua án lệ Roe vs. Wade, nhưng mới đây Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết khác với án lệ, nghĩa là trực tiếp không nhìn nhận giá trị của án lệ Roe này, trả lại các tiểu bang quyền quyết định ra luật về phá thai cho mỗi tiểu bang, trong khi phe DC nhất quyết đòi giữ luật liên bang hiện hữu. Không phải là chuyện DC muốn phá thai và CH chống phá thai như truyền thông thiên về DC xuyên tạc.


    - Hiến Pháp liên bang và Tối Cao Pháp Viện:

    Khối cấp tiến nhìn nhận Hiến Pháp là nền tảng thể chế chính trị Mỹ, mà tất cả quan chức đều tuyên thệ phải tuyệt đối trung thành và bảo vệ, tuy nhiên phe cấp tiến lại coi Hiến Pháp như một tài liệu ‘sống’, nghĩa là cần phải du di, cho phép các thẩm phán TCPV diễn giải theo thời thế cho hợp với biến chuyển lịch sử và văn hoá của xứ Mỹ; trong khi khối bảo thủ chủ trương phải tôn trọng tuyệt đối những điều ghi trong Hiến Pháp, muốn cập nhật theo thời thế thì vẫn có thể làm được, nhưng phải qua một tu chính sửa đổi mà thủ tục đã có ghi rõ ràng, chứ các quan tòa, kể cả qua tòa TCPV, chẳng ai có quyền tự diễn giải theo ý mình.

Lời bàn: nếu đã nhìn nhận Hiến Pháp là nền tảng mà tất cả quan chức đều tuyên thệ phải tuyệt đối trung thành và bảo vệ, thì cái nền tảng đó không thể để tùy nghi các thẩm phán diễn giải tùy theo quan điểm chính trị cá nhân của họ. Nếu muốn sửa đổi cho hợp thời thế, đã có thủ tục để thay đổi, cứ theo đó mà làm. Có gì phải tranh cãi?


    - Xã hội: 

    Khối cấp tiến với mục tiêu ‘công bằng xã hội’, muốn Nhà Nước tích cực giúp đỡ những người thiếu may mắn như người nghèo, dân da màu thiểu số, dân lao động. Dùng thuế là cách lấy tiền của ‘nhà giàu’ để chuyển qua ‘nhà nghèo’ dưới hình thức trợ cấp. Trên căn bản, đây là hình thức tái phân phối lợi tức và tài sản trong mục tiêu tạo công bằng xã hội. Khối bảo thủ quan niệm trợ cấp cần thiết ở một mức tối thiểu nào đó, nhưng sau đó thì mỗi người phải có trách nhiệm cá nhân, phải tự lực cánh sinh, không có chuyện ngồi mát ăn bát vàng cả đời bằng mồ hôi người khác. Những người giàu có, có bổn phận đóng góp nhiều hơn với xã hội, và họ quả đã đóng góp nhiều hơn qua hình thức thuế lũy tiến, lợi tức càng cao, tỷ lệ thuế càng cào hơn, không có nghĩa là nhân danh công bằng, phải trấn lột họ đến cùng, như vậy chỉ triệt tiêu mọi cố gắng tiến thân cá nhân, đưa đến cả nước đến tự mãn, không muốn thêm lợi cho mình, lợi chung cho tất cả.

    Trong vấn nạn lớn của Mỹ, phe cấp tiến luôn luôn hô hào chống kỳ thị do đó, phe cấp tiến chủ trương bảo vệ, giúp đỡ dân da đen tối đa. Phe CH chủ trương không phân biệt màu da, không dành ưu tiên đặc biệt nào cho bất cứ dân da màu gì.

Lời bàn: Đảng DC là đảng cấp tiến luôn tung đủ loại huyền thoại cao đẹp nhưng thực tế khác rất xa. Đảng CH có chủ trương giản dị và thực tế hơn nhiều: công bằng tuyệt đối hay tái phân chia lợi tức và tài sản đều chỉ là những khái niệm ảo, chẳng thể nào thực hiện được cho dù bằng súng đạn và nhà tù như Xít-ta-lin, Mao, Hồ hay Pol Pot đã thử nghiệm. Nhưng vẫn cần thiết phần nào vì lý do tránh bất công công bằng quá nặng sẽ tạo phân hóa lớn trong xã hội, đưa đến loạn lạc, chiến tranh. Phe CH cũng cảnh giác: trợ cấp giúp nô lệ hóa người dân, nhốt họ vĩnh viễn trong lao tù trợ cấp để họ vĩnh viễn phải bỏ phiếu cho cái đảng gọi là ‘nuôi họ’.

    Tiểu bang Cali là một quái thai xã hội mà các sử gia sẽ tốn nhiều công sức để tìm hiểu sau này. Đây là tiểu bang cấp tiến, thiên tả nhất Mỹ, đã mang lại cả triệu phiếu cho các ứng cử viên phe tả như bà Hillary và cụ Biden. Trên nguyên tắc, phải là tiểu bang có công bằng xã hội nhất. Thế nhưng, thực tế thì Cali lại là tiểu bang có nhiều triệu phú, tỷ phú nhất nước, trong khi cũng là tiểu bang với nhiều người sống trên trợ cấp nhất nước, nhiều dân vô gia cư nhất. Cái hố chia cách giàu nghèo tại Cali lớn hơn tại bất cứ tiểu bang nào khác. Cái tiểu bang hô hào công bằng ồn ào nhất cũng là tiểu bang không có công bằng lớn nhất nước. Nôm na ra, thực tế chính trị khác rất xa xảo ngữ chính trị. Và các chính sách với mục đích tạo công bằng thường đưa đến kết quả trái ngược lại.

    Trong vấn đề kỳ thị da đen, thực tế sẽ làm nhiều người ngạc nhiên. Đảng CH là đảng đã chấp nhận nội chiến với các tiểu bang miền Nam thuộc đảng DC để phá xích nô lệ cho dân da đen. Tổ chức bí mật chủ trương tàn sát da đen, Ku Klux Klan là con đẻ của đảng DC. Luật nhân quyền và dân quyền do TT Johnson ban hành được thông qua phần lớn do hậu thuẫn của các nghị sĩ và dân biểu của đảng CH miền bắc trong khi đảng DC miền nam chống đối. Khối da đen sau này quay qua ủng hộ mạnh đảng DC chỉ vì đó là đảng chủ trương vung trợ cấp tối đa để mua chuộc khối dân da màu nghèo.


    - Kinh tế: 

    Cấp tiến chủ trương Nhà Nước là đầu máy kinh tế, nhất là khi kinh tế gặp khó khăn. Nhà Nước kích động kinh tế, giải quyết thất nghiệp bằng cách tung ra những chương trình, công tác lớn như làm đường, xây đập nước để huy động nhân công cũng như để tung tiền ra thị trường. Đi đến cực đoan là kinh tế cộng sản khi Nhà Nước quốc hữu hoá hết và ra kế hoạch cho tất cả mọi hoạt động kinh tế cho tất cả mọi công dân. Hậu quả trực tiếp là chinh sách thuế. Vì Nhà Nước bao đồng làm Vú Em nên cần rất nhiều tiền, do đó phải đánh thuế tối đa. Bảo thủ chủ trương trông cậy vào sáng kiến cá nhân, để cho guồng máy kinh tế thị trường tự điều khiển và tự điều chỉnh qua quy luật cung cầu. Nhà Nước có vai trò cảnh sát bảo đảm mọi người tuân thủ luật chơi, không ai lạm dụng, không có cá lớn nuốt cá bé quá trắng trợn. Hậu quả tất nhiên là Nhà Nước càng nhỏ càng tốt, thu thuế càng ít càng tốt. Đó là lý do chính khiến TT Trump giảm thuế cho cả nước.

Lời bàn: Kinh tế Mỹ ngày nay hoàn toàn tùy thuộc vào hàng triệu công ty lớn nhỏ, hàng chục triệu doanh gia. Quá lớn đến mức không một nhóm công chức nào có thể điều hành gì, hay làm kế hoạch chung cho tất cả mọi người được. Thực tế là Nhà Nước không can thiệp vào guồng máy kinh tế [Mỹ không có bộ trưởng Kinh Tế]. Kinh nghiệm thất bại của các nền kinh tế chỉ huy của cộng sản rất rõ ràng. Ngay cả kinh tế ‘xã hội chủ nghĩa’ nhẹ nhàng hơn như tại Âu Châu cũng đã đưa đến cảnh sống dở chết dở tại Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, … Chủ trương của khối cấp tiến, đánh thuế tối đa trên ‘nhà giàu’ là những người có tiền đầu tư để phát triển kinh tế, chỉ đưa đến thui chột đầu tư, không mở thêm doanh nghiệp, không giúp thiên hạ có việc làm vì không có tiền khi tiền ‘di tản’ ra nước ngoài hết. Nhìn vào tốc độ phát triển kinh tế giữa Mỹ và Âu Châu cho thấy ngay các nước xã nghĩa Âu Châu đã khựng tại chỗ từ lâu rồi, trong khi xứ Mỹ vẫn ào ào phát triển, bất kể dưới chính quyền DC hay CH, bất kể trong hòa bình hay chiến tranh Việt Nam, Iraq, Afghanistan,… Lập lại một hình ảnh đã được nhắc nhiều lần trên diễn đàn này, phe cấp tiến chủ trương chia cái bánh hiện có cho mọi người một cách đồng đều hơn, trong khi phe bảo thủ quan niệm cần làm cho cái bánh lớn ra hơn thì phần của mọi người đều lớn ra theo. Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp mọi người có việc làm, thay vì tăng thuế lấy tiền của nhà giàu nuôi người thất nghiệp mà kết quả là cả nước phải đóng thêm thuế. Nếu tính tổng sản lượng trên đầu người thì sẽ thấy có thể con số gia tăng ở Mỹ trong khi đình trệ hay thụt lùi bên Âu Châu.

    Thuế lũy tiến, tức là lợi tức càng cao thuế phải đóng càng nặng, là đúng, tuy nhiên chỉ đúng đến một giới hạn nào thôi, chứ trấn lột đến tận xương tủy không khi nào là chuyện đúng được. Đừng nên quên là ông triệu phú không xài hết tiền mình có, sẽ mang số tiền còn lại đầu tư vào kinh tế, giúp tạo công ăn việc làm cho cả nước; trong khi chủ trương của phe xã nghĩa là chiếm số tiền đó để các công chức chia lại qua hình thức trợ cấp. Trợ cấp luôn luôn nhốt dân trong vòng nghèo túng, nô lệ trợ cấp, không bao giờ phát triển kinh tế để giúp dân thoát nghèo đói. Mà nô lệ trợ cấp tất nhiên sẽ phải bỏ phiếu cho người cho mình trợ cấp, đó chính là nguyên nhân sâu xa của chính sách trợ cấp của đảng Dân Chủ.


    - Y tế:

    Khối cấp tiến ước mơ áp đặt được một chế độ y tế theo mẫu Âu Châu, tất cả thiên hạ được bảo đảm có bảo hiểm và dịch vụ y tế đầy đủ mà ‘miễn phí’. Họ đang cố gắng đòi hỏi chuyện này bằng cách núp sau hình thức mang Medicare là bảo hiểm cho người cao tuổi áp dụng cho toàn dân. Phe bảo thủ chủ trương tiền nào của nấy, ai bệnh người đó trả, tuy Nhà Nước có bổn phận lo cho những giới cần được chăm sóc như giới lợi tức thấp được hưởng Medicaid, và nhóm cao niên được lo bởi Medicare.

Lời bàn: Cho đến nay, giấc mộng của khối cấp tiến vẫn chưa thực hiện được. Vì lý do hiển nhiên là trên cõi đời ô trọc này, chẳng có gì miễn phí hết. Mang cái mồi miễn phí đi câu không khác gì mang giun đi câu, chỉ câu được vài con cá tép nhí ngu ngơ. 

    Cái chế độ xã nghĩa Tây Âu chẳng qua là đã lấy tiền của thiên hạ từ trước, bất kể thiên hạ có ốm đau hay không, có đi học hay không, cũng phải đóng tiền thuốc men và tiền học trước rồi, qua hình thức ‘bí mật’ không nói ra là đóng thuế ngập đầu trước.


    Bản đồ trên cho thấy thuế suất của Tây Âu, xấp xỉ khoảng 45%-55%. Ở Mỹ, thuế suất cao nhất chỉ là 37%, trong khi tuyệt đại đa số dân trung lưu đóng thuế khoảng 10%-20%, và gần một nửa dân cả nước (47%) chẳng đóng một xu thuế nào. Cái khác biệt đó chính là tiền bảo hiểm y tế và tiền học mà tất cả mọi người bên Tây Âu đều đã phải đóng trước để được ‘miễn phí’ sau. Có bệnh hay không có bệnh, vẫn phải đóng tiền bảo hiểm y tế nặng trước. Đi học hay không đi học, vẫn phải đóng tiền học nặng trước. Dân Mỹ muốn đủ thứ miễn phí, có sẵn sàng đóng thuế ở mức Tây Âu không?

    Đây là nói chuyện lý thuyết, trên thực tế, dân Âu Châu đóng thuế rất cao nhưng cũng vẫn phải trả tiền bảo hiểm ý tế rất cao luôn. Tính trung bình, mỗi người dân Âu Châu vẫn phải đóng từ 3.000 tới 5.000 đô mỗi năm tiền bảo hiểm y tế.


    - Tôn giáo, luân lý, gia đình: 

    Phe cấp tiến chủ trương một chế độ phóng khoáng hơn. Dĩ nhiên tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người, nhưng muốn giảm thiểu vai trò của tôn giáo trong cuộc sống và nhất là chủ trương tách biệt tôn giáo ra xa khỏi chính trị, khỏi chính quyền. Họ chống lại những ảnh hưởng và biểu tượng tôn giáo trong đời sống chính trị, cũng chống lại luân lý đạo đức mà họ coi là cổ hủ, xuất phát từ tôn giáo. Khối bảo thủ coi trọng những giá trị tôn giáo, luân lý, đạo đức, gia đình hơn. Đưa đến kết quả là phe cấp tiến chủ trương triệt hạ ảnh hưởng và uy tín của tôn giáo, của gia đình, cho tự do phá thai, hôn nhân đồng tính, tha hồ thay đổi giới tính,… trong khi khối bảo thủ chống mạnh.

Lời bàn: Trên căn bản, khối cấp tiến trong vấn đề này lại coi trọng tự do cá nhân một cách tuyệt đối. Khuynh hướng phóng khoáng không có gì xấu, trái lại, giúp mọi người sống thoải mái, tự do hơn. Nhưng ngược lại, vì lý do ‘phải đạo chính trị’ những tư tưởng phóng khoáng này đã đi quá xa, dẫn đến nhiều cảnh lố bịch. Trên thực tế, cái ‘phóng khoáng’ của khối cấp tiến đã biến thành thứ độc tài tư tưởng tuyệt đối, bắt người dân phải theo chứ cấm không được ‘phản động’ chống đối.

    CSVN chủ trương ‘tam vô’: vô tôn giáo, vô tổ quốc, vô gia đình. Đảng DC của Mỹ chưa tới mức đó, nhưng hiển nhiên, đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc về hướng đó.


    - Giáo dục: 

    Trước đây, phe cấp tiến bị ảnh hưởng nặng của nghiệp đoàn giáo chức, lo bảo vệ các giáo chức, trong khi khối bảo thủ lo cho vấn đề phẩm chất giáo dục hơn, tức là lo cho học trò nhiều hơn. Bây giờ, tình trạng tồi tệ hơn khi phe cấp tiến muốn nhồi sọ trẻ con với những tư tưởng chính trị quá thiên tả, thậm chí mang tính kỳ thị da trắng luôn, gọi là ‘giáo dục thức tỉnh’. Phe bảo thủ chủ trương bớt chính trị hóa giáo dục trong khi đòi hỏi khả năng cao hơn của giáo chức. Vì không có thỏa thuận trong khi các trường công bị nghiệp đoàn thiên tả thống trị, phe bảo thủ cổ võ cho việc học trường tư, cũng bị các nghiệp đoàn chống rất mạnh vì quyền lợi của họ. Bây giờ thì vấn đề phẩm chất giáo dục bị liệng vào thùng rác khi khuynh hướng ‘văn minh thức tỉnh’ mới chủ trương không còn để ý tới thành quả của học sinh nữa, tất cả những thi cử, chấm điểm, xếp hạng đều là những hình thức kỳ thị (vì dân đen thường đội sổ) nên phải dẹp bỏ để tạo quân bằng -equity. Quan trọng hơn nữa, phe DC chủ trương mang con cái ra khỏi vòng tay bố mẹ để các thầy cô các trường Nhà Nước toàn quyền kiểm soát tư tưởng và giáo dục chúng.

Lời bàn: Nền giáo dục Mỹ, ở cấp đại học là loại thượng đẳng cho cả thế giới trên phương diện kỹ thuật, nhưng toàn là xây dựng bởi những chuyên gia chân không chạm đất. Ở cấp tiểu và trung học, học sinh trung học Mỹ thuộc loại dốt nhất thế giới nói chung. Trong 3 học sinh học xong trung học nhìn bản đồ thế giới, thì đã có một đứa không biết nước Mỹ ở đâu. Cải tổ sâu rộng là điều tối cần thiết, nhưng cải tổ theo chiều hướng thức tỉnh chỉ là chính sách ngu dân, sẽ gây hại lớn cho cả vài thế hệ tới.


    - Môi sinh

    Phe cấp tiến coi nặng vấn đề bảo vệ môi sinh, nhất là hâm nóng địa cầu. Nhu cầu này phần lớn có ảnh hưởng bất lợi cho kinh doanh, phát triển kinh tế, do đó thường bị giới doanh gia bảo thủ chống đối, nhất là các đại công ty kỹ nghệ, vì những luật lệ quá gắt gao sẽ trói tay kỹ nghệ Mỹ, khiến khó cạnh tranh với thế giới, nhất là với Trung Cộng là xứ chẳng cần biết môi sinh là cái gì. Phe bảo thủ có cái nhìn gần và thực tế hơn, lo cho hiện tại, chưa cần có những biện pháp quá khắt khe để bảo vệ môi trường cho cả trăm năm tới, mà việc lo cho dân có công ăn việc làm, có bữa cơm tối nay quan trọng hơn xa.

Lời bàn: Bảo vệ môi sinh là vấn đề tất yếu, một nhu cầu thực sự không ai chối cãi được, cho dù nhiều công ty vì nhu cầu kiếm lời đã bất chấp ảnh hưởng tai hại của họ. Ở đây phải nói cho rõ, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường, Environment Protection Agency hay EPA, là cơ quan do một tổng thống CH bảo thủ thành lập, đó là TT Nixon. Chuyện hâm nóng điạ cầu thì rắc rối hơn vì còn đang trong vòng tranh cãi giữa các nhà khoa học. Dĩ nhiên những nhà khoa học có khuynh hướng cấp tiến khẳng định trái đất sẽ bị ảnh hưởng rất tai hại trong vòng vài chục năm tới, trong khi các khoa học gia bảo thủ nghi ngờ chuyện này. Với các trí thức dư thừa vật chất, thì những chuyện hâm nóng trái đất, môi trường sạch là những nhu cầu cấp bách nhất, trong khi đối với người dân bình thường, đầu tắp mặt tối kiếm bữa ăn cho tối hôm nay, thì những ưu tư của trí thức cấp tiến, đúng là … thừa giấy vẽ voi.


    Nếu muốn phê phán bên nào đúng bên nào sai, thì phải nói ngay cả hai bên, khi đi vào cực đoan, đều sai hết, nhưng nếu đứng trung dung đâu đó trong khoảng giữa thì đều có điểm tốt hết. Nghe có vẻ ‘ba phải’ nhưng thực tế là vậy. Đáp số luôn luôn nằm đâu đó trong khoảng giữa, gọi là Trung Đạo. Cái thuyết Trung Dung của Khổng Tử coi vậy mà vẫn còn giá trị.

    Cái quan trọng là phải giúp người dân nhìn thấu sự thật, hay ít ra nhìn thấy cả hai khía cạnh, để tùy cơ ứng biến sao cho hợp với hoàn cảnh cá nhân mình, gia đình mình, chứ bịt mắt, bịt tai kiểu TTDC và truyền thông vẹt đang làm để họ chỉ biết có thông tin một chiều thì quả là những hành động phản dân chủ, nếu không muốn nói là ngu xuẩn. Kiểu như chính quyền Biden kêu gọi dân chống tăng giá xăng bằng cách mua xe điện thì khó có thể có giải pháp nào … N.G.U. hơn. Xe điện là giải pháp thật, nhưng đó là giải pháp cho những Bill Gates, không phải cho dân ngu khu đen, không có tiền mua xe điện.

    Nước Mỹ hiện nay dưới tay cụ Biden, bị cánh cực tả chi phối, đang … tiến nhanh, tiến mạnh vào con đường xã nghĩa theo mô thức Tây Âu, nhưng ít ai tin cụ sẽ đi xa được. Dân Mỹ nói chung vẫn chưa hồ hởi với xã nghĩa, dù màu hồng nhạt. Quy trình bầu cử hai năm bầu quốc hội, bốn năm bầu tổng thống cũng bảo đảm không phe nào đi quá xa, quá nhanh được.

    Cá nhân kẻ này vẫn vững tin nước Mỹ luôn luôn vẫn là thành đồng của tự do, dân chủ nhất thế giới, cả trăm năm nữa cũng vậy. Ba cái phải đạo chính trị cấp tiến nhố nhăng tới rồi đi, chẳng thọ. Không khác gì cái cách mạng sex, ngủ loạn với nhau của thập niên 60, đến rồi cũng đi thôi.



ĐỌC THÊM:

Xã nghĩa phải sụp đổ - Fox Business:

https://www.foxbusiness.com/business-leaders/the-real-reason-socialism-is-doomed-to-fail


Ta đã học được bài học nào từ xã nghĩa chưa? – Washington Examiner:

https://www.washingtonexaminer.com/opinion/op-eds/have-we-learned-nothing-from-socialism


Tư bản và xã nghĩa – Fox Business:

https://www.foxbusiness.com/economy/capitalism-socialism-steve-forbes