AI CẬP

    Tiếp tục chuyến du lịch thế giới, tuần này, xin mời quý độc giả đi Ai Cập chơi, đồng thời cũng xem qua, rất sơ qua, vài tập tục Hồi giáo. 

-----------------------

AI CẬP VÀ HỒI GIÁO


   Tháng 5/2001, tôi ký hợp đồng với Ngân Hàng Thế Giới –World Bank-, để đi làm tại Ai Cập. Qua để giúp phát triển một ngân hàng tư cung cấp bảo hiểm tín dụng. Bảo hiểm tín dụng là hình thức đứng ra bảo đảm nợ của một công ty kinh doanh để công ty này có thể vay mượn tiền một ngân hàng khác. Hợp đồng một năm, tới cuối tháng 4/2002 mới hết hạn. 

    Đây là lần thứ nhì tôi đi làm việc tại một xứ Hồi giáo, khi trước đó đã làm việc tại Bangladesh. Thế giới ai cũng biết Hồi giáo là một tôn giáo rất khắt khe, có nhiều thủ tục và luật lệ rất nghiêm khắc, trong khi dân Hồi giáo rất sùng đạo và rất nhạy cảm về vấn đề tôn giáo. Trước khi lên đường lãnh việc, tôi bị bắt phải học kỹ một số quy luật làm việc và sống trong xứ Hồi giáo, qua một tập sách nhỏ đặc biệt dành cho những người ngoại đạo. Ngay đây, xin nhắc lại, tôi đi làm trước khi xẩy ra vụ 9/11, Hồi giáo chưa có vấn đề gì nghiêm trọng với Mỹ tuy tay khủng bố Abdul Rahman Yasin dưới quyền giáo chủ mù Omar Abdel-Rahman đã đánh bom trung tâm World Trade Center ở New York dưới thời TT Clinton năm 1993. Dù vậy, tôi cũng đã phải 'học' qua về các phong tục của dân Hồi. Đặc biệt là cách xử thế với phụ nữ Hồi giáo (ngân hàng tôi làm việc, có khá nhiều nhân viên phụ nữ), và vài quy luật trong các đền Hồi (học cho biết, nhưng tôi không bao giờ có dịp vào đền Hồi giáo).

    Trước hết, xin nói qua về xứ Ai Cập. Ai Cập là một trong những xứ có văn minh sớm nhất thế giới. Cũng có một lịch sử lâu đời hết sức phức tạp, bị đô hộ bởi các đế quốc khác nhau một trời một vực, từ đế chế La Mã, Byzantine, Hồi giáo, rồi qua đế quốc Anh, rồi rơi vào tay ảnh hưởng CS Liên Xô, bây giờ tương đối thân Mỹ. Vì Ai Cập có một vị trí chiến lược có một không hai trên thế giới: trước đây là cầu nối giữa Phi Châu và Trung Đông, sau này là kiểm soát tử huyệt Suez là con đường kinh doanh nối liền Á Châu với Âu Châu.

    Các hoàng đế Ai Cập, gọi là pharaons, đã trị vì có tới 3.000 năm trước Công Nguyên với tôn giáo, văn minh, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ,... riêng biệt đặc thù Ai Cập. Pharaon cuối cùng của Ai Cập là bà hoàng nổi tiếng Cleopatra, lấy tướng La Mã Marc Anthony [Cleopatra là nữ hoàng rất thủ đoạn chính trị, ban đầu giao du và có con với Julius Cesar, muốn chia đôi Đế Quốc La Mã với Julius Cesar nhưng bất thành, sau đó giao du với tướng Marc Anthony của Cesar]. Bà Cleopatra và tướng Marc Anthony kết hợp lực lượng, đánh nhau với hoàng đế La Mã Octavian, người kế vị Cesar, bị đại bại, cùng nhau tự tử chết khoảng 30 năm trước khi Chúa Giê-Su ra đời. Ai Cập bị La Mã đô hộ, thành một tỉnh -province- của Rome tới năm 330, khi Rome sụp đổ, đế quốc La Mã bị chia đôi, đưa đến sự ra đời của Đế Quốc Byzantine, hay Đông Rome -Eastern Roman Empire, và Ai Cập bị Đế Quốc Byzantine đô hộ. Ai Cập sống dưới hai đế quốc La Mã và Byzantine kể từ Octavian trong khoảng 900 năm. Tới năm 641, Ai Cập bị một xứ Hồi Giáo, Caliphate Rashidun chiếm đóng. Trong suốt 1.300 năm sau, Ai Cập bị thống trị bởi nhiều đế quốc Hồi, cuối cùng là đế quốc Hồi Ottoman, tức là Thổ Nhĩ Kỳ sau này. Khoảng năm 1500, Ai Cập trở thành Hồi giáo hoàn toàn, với tất cả các nhà thờ thiên chúa giáo, cơ đốc, Byzantine  bị tiêu hủy, cùng với tất cả vết tích của văn minh cổ Ai Cập [ngày nay, một trong 3 kim tự tháp lớn nhất Ai Cập gần thủ đô Cairo bị thủng một lỗ lớn, và tượng Sphinx bị mất một mảng mặt, là do quân Ottoman bắn đại bác trực xạ muốn phá nhưng thất bại vì quá lớn, đá quá cứng, quá nhiều, bỏ cuộc]. Năm 1882, Ai Cập trở thành thuộc địa của Anh Quốc, được độc lập 1953, sau hơn 70 năm. Sau độc lập, Ai Cập dưới sự lãnh đạo của đại tá Nasser, trở thành một trong 3 quốc gia lãnh đạo khối gọi là Đệ Tam Quốc Gia Không Liên Kết với khối CS Liên Xô và tư bản Mỹ, cùng với Ấn Độ của thủ tướng Nehru, và Indonesia của TT Sukarno. Trên thực tế, cả ba nhà lãnh đạo Nasser, Nehru và Sukarno đều có khuynh hướng thân Liên Xô hơn xa thân Mỹ [Mở ngoặc: TT Diệm mới đầu cũng có ý tham gia khối Không Liên Kết này, cử người đi nói chuyện với TT Sukarno của Nam Dương, nhưng vì VC tung ra chiến tranh, nên phải dựa hẳn vào Mỹ]. Ngày nay, Ai Cập đóng vai anh cả trong khối Ả Rập Trung Đông, cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ và Vương Quốc Ả Rập Saoud. Cả ba xứ này tương đối thân thiện với Mỹ, và nhận lãnh rất nhiều viện trợ Mỹ, về đủ phương diện, quân sự, kinh tế, kỹ thuật,...

    Thế đấy, nhưng thực tế ngoài đời khác xa. Trên nguyên tắc và dựa trên tổng số viện trợ kinh tế và quân sự tổng cộng gần 100 tỷ mỗi năm, đừng tưởng lầm Ai Cập là đồng minh lớn của Mỹ và dân Ai Cập rất thích Mỹ. Trái lại, dân Ai Cập ghét và chống Mỹ kịch liệt. Mở báo Ai Cập ra, toàn là những tin tức và bình luận công kích Mỹ tối đa bất kể CH hay DC, vì cái tội là đồng minh bảo vệ Do Thái. Dân Ai Cập tin nếu không có Mỹ, Do Thái đã không thể hiện diện trên vùng Trung Đông này. Khi đó, tôi được khuyến cáo ra đường, từng tỏ vẻ mình là dân Mỹ thì an toàn hơn. Dân Mỹ đi du lịch Ai Cập, luôn luôn đi theo đoàn đông người, có tổ chức và bảo vệ an ninh. Một lần, tôi vào một tiệm chạp phô mua đồ. Chủ tiệm hỏi tôi người gì, tôi trả lời "Vietnam". Ông ta cười lớn, vỗ tay hoan nghênh "Vietnam number one, only country beat America!"

    Dân Ai Cập bây giờ theo Hồi giáo nên rất sùng đạo. Mỗi ngày phải đọc kinh 5 lần, với đầy đủ thủ tục, vào lúc tờ mờ sáng, trưa khi mặt trời trên đỉnh đầu, chiều trước khi mặt trời lặn, tối sau khi mặt trời lặn, và khuya khi tối sẫm. Giờ giấc du di tùy mùa mặt trời mọc và lặn sớm hay muộn. Trước khi đọc kinh, phải rửa hai tay và rửa cả hai chân thật sạch. Trong ngân hàng tôi làm việc, có nguyên một căn phòng thật lớn, là phòng đọc kinh, trống trơn vì đạo Hồi rất kỵ tượng hay hình ảnh của Allah hay giáo chủ Mohammed. Tới giờ, từ tổng giám đốc tới tất cả nhân viên, đều bỏ ngang công việc, bỏ ngang các buổi họp để vào đọc kinh. Bên cạnh có phòng lớn, có bồn nước thấp ngang đầu gối, chạy vòng theo bốn bức tường để mọi người rửa tay và chân trước khi vào đọc kinh. Mỗi người bao giờ cũng mang theo một cái chiếu nhỏ để trải xuống đất quỳ mọp xuống đất đọc kinh. Không phải quỳ liên tục mà phải đứng lên thẳng, rồi quỳ xuống, thậm chí phải đập trán mạnh xuống đất. Trong túi phải có địa bàn để luôn luôn lễ đúng hướng La Mecque là thánh địa Hồi trong xứ Ả Rập Saoud. Thủ tục hành lễ chi tiết như vuốt mặt, phủi tay,... khác nhau tùy theo hệ phái Sunni hay Shia [Ai Cập theo Sunni, giống như Ả Rập Saoud, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Iran, Iraq theo Shia]. Hai khối Hồi giáo khác nhau, giết nhau chết bỏ.

    Chuyện lạ lùng là tới những giờ đọc kinh, ngay cả trong nhiều khu đông dân, người dân mang chiếu trải ra ngoài đường đọc kinh, chặn hết đường đi, xe ngưng chạy hết, người lái xe cũng xuống xe, trải chiếu, quỳ mọp xuống đất đọc kinh. Vào giờ đọc kinh, còn có tiếng đọc kinh của vị chủ lễ, phát thanh từ các đền Hồi, qua các loa lớn đặt ở nhiều góc đường.

    Trong ngân hàng tôi làm việc, có một anh Ai Cập tương đối trẻ, ngoài 30, làm giám đốc Điện Toán -IT-, tốt nghiệp Massachusetts Institute of Technology -MIT-, cực kỳ sùng đạo. Trên trán anh ta, giữa hai lông mày có một vết đen bầm lớn: do anh đập trán xuống đất mỗi ngày không biết bao nhiêu chục lần mỗi khi đọc kinh. Anh ta nói chuyện với tôi, đại khái, câu chuyện như sau:

- Giám Đốc: Anh có 'God' không, God anh là ai?

- VL: Không, tôi không có God.

- GĐ: Hả, God của anh không phải là Buddha sao? Anh sống mà không có God hướng dẫn thì anh biết đi đâu, làm gì, làm sao sống?

- VL: Không, Buddha không phải là God của tôi, tôi sống theo lương tâm của tôi.

- GĐ: không đủ, lương tâm của anh luôn làm theo tính ích kỷ của anh, không tốt, phải có God chỉ dẫn con đường lớn hơn. Chúng tôi tin mỗi người đều có hai vị thiên thần theo thường trực để ghi sổ các hành động và lời nói của mỗi người. Sau khi chết, các thiên thần đó sẽ có đầy đủ báo cáo lên God, mà chúng tôi gọi là 'Allah', rồi tùy theo các việc thiện hay ác, Allah sẽ có phán xét cuối cùng cho lên thiên đàng hay đầy xuống địa ngục.

    Thật sự tôi nghe mà hết sức sững sờ: nói chuyện nghe thật hoang đường, dị đoan, nhưng đó là một kỹ sư điện toán tốt nghiệp MIT Mỹ đấy. Sau này, nghĩ lại tính sùng đạo của anh kỹ sư MIT này, tôi không ngạc nhiên trước tính cuồng tín của mấy tay khủng bố trong vụ 9/11.

    Trên phương diện du lịch, Ai Cập có hai thứ đạc biệt cần phải đi xem.

    Thứ nhất là các kim tự tháp. Đây là những ngôi mộ của các pharaons, xây từ cả mấy ngàn năm trước. Là một chồng chất các tảng đá lớn từ khoảng một thước mỗi bề, cho tới hai ba thước. Các tảng đá được chồng chất lên nhau mà không có chất gì giống như xi-măng bây giờ để giữ cho dính vào nhau. Cho tới nay những kim tự tháp này vẫn là những tuyệt tác về kiến trúc, được thiết kế qua những công thức toán học thật cao siêu và chính xác. Cũng là những đài thiên văn sắp xếp theo vị trí các ngôi sao. Đặc biệt, cho tới nay, vẫn chưa ai giải thích thỏa đáng làm sao những tảng đá khổng lồ có thể được khiêng lên, chồng chất lên nhau như vậy. Khoảng trung tâm là ngôi mộ của pharaons, thường là bí mật có lối đi từ ngoài vào nhưng được giấu kỹ. 

    
    Thứ nhì là các tiệm chạp hô gọi là 'bazaar'. Chuyên môn bán đồ làm bằng đồng, và hàng linh tinh từ bàn ghế tới dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, đồ trang sức, gia vị -đủ loại bột-... Rất tiêu biểu cho văn hóa Hồi giáo và Ả Rập.
    
   

    Kẻ này có lần phiêu lưu, vào một tiệm ăn đặc biệt Ai Cập, tương đối bình dân với nhiều khách ăn địa phương, để thử các món ăn. Vào bàn ngồi, chờ cả chục phút không thấy một người phục dịch nào ra đưa thực đơn hết. Bất ngờ, thấy một anh phục dịch mang ra một cái khay tròn lớn, với đường kính ít nhất 40 phân. Trên đó có gần hai chục món khác nhau trên những dĩa nhỏ. Chẳng biết món gì là món gì. Có những món rau cỏ, những món thịt bò, thịt gà hay cá. Cũng được mang ra một cái chén cơm trắng -gạo không ngon lắm- với một cái nỉa -fork. Kẻ này chẳng hiểu phải làm gì, ăn như thế nào. 


    Cả tiệm, toàn là dân bản xứ, chẳng một ai nói tiếng Anh để hỏi, cũng thấy nhiều bàn khác có khay lớn tương tự và thấy khách hàng cắm nỉa ăn lung tung, có người ăn bốc bằng tay. Bèn làm liều, lấy nỉa, cắm ăn thử các món lung tung, mỗi dĩa nhỏ thử một hai miếng, thứ nào ăn được, ngon miệng thì ăn nhiều hơn. Một chập sau, thử gần hết, kêu tính tiền, thấy giá hết hồn vì quá cao, đâu trên 50 đô. Đời sống dân Ai Cập đâu có đắt đỏ quá vậy. Thôi cũng phải trả. Sau đó, về văn phòng làm việc, kể chuyện cho mấy người bạn Ai Cập. Họ lăn ra cười. Thì ra đó là tất cả những món nhà hàng có, khách hàng chỉ ăn một vài thứ, ăn thứ nào tính tiền thứ đó. Dân Ai Cập bình thường chỉ ăn nhiều lắm là 3-4 món, trả cỡ 10 đô là nhiều. Dân Ai Cập ăn với một loại bánh bột gạo giống như bánh 'naan' của dân Ấn Độ, nhưng thấy tôi người Á Đông nên họ cho ăn cơm, với gạo Ai Cập.

    Dân Ai Cập nói riêng cũng như dân Ả Rập nói chung, rất nóng tính, rất dễ gây gỗ rồi đánh lộn. Mỗi lần đụng xe, thường quẹt rất nhẹ vì kẹt xe không ngừng, xe không chạy nhanh được, cũng mở cửa xe xuống cãi nhau ỏm tỏi, thỉnh thoảng túm đầu đánh nhau luôn. Dân chúng xúm lại xem, chẳng ai can thiệp, cho đến khi cảnh sát tới gạt hai bên ra.

    Vì theo Hồi giáo nên phụ nữ ra đường, có nhiều người vẫn mặc áo thụng đen, che kín mặt và người. Tuy nhiên, Ai Cập tương đối ít bị ảnh hưởng Hồi giáo hơn, nên số phụ nữ ăn mặc theo Tây phương và không che mặt khá nhiều. Nhưng đặc biệt là dù vậy, cũng phải đội khăn quàng che kín tóc. Theo đạo Hồi, tóc được coi như mang nhiều ý nghĩa tình dục gì đó nên phụ nữ bắt buộc phải bịt kín, không thể để lòi ra một cọng tóc nào. Luật Hồi cấm phụ nữ không được ra đường một mình, phải đi với chồng, hay nếu chưa chồng, phải đi cùng anh hay em trai. Luật hồi khá lạ lùng: đàn ông có quyền có tới bốn bà vợ, nhưng đàn bà chỉ được quyền cung phụng một chồng. Lỡ lem nhem bị bắt, sẽ bị mọi người khác, quen hay không quen, ném đá tới chết, chẳng ai can thiệp giúp.


    Luật Hồi cấm rượu rất kỹ. Trong các tiệm ăn, rất ít khi có bia hay rượu, nếu có, cũng chỉ là người ngoại quốc, ngoại đạo mới được uống. Dân địa phương muốn uống rượu, phải mua lậu do nhân viên các tòa đại sứ hay các cơ quan ngoại quốc ăn cắp mang ra bán lén.

    Kinh nghiệm cá nhân của tôi tại Ai Cập hết sức đặc biệt.

    Như viết ở trên, đúng ra hợp đồng làm việc của tôi phải kéo dài tới tháng 4/2002. Nhưng bất ngờ đầu tháng 9/2001, tôi nhận được lệnh phải bỏ ngang, về Mỹ càng sớm càng tốt vì Ngân Hàng Thế Giới hết ngân sách dành riêng để hoàn tất dự án. Chuyện thật lạ rất ít khi xẩy ra vì khó có chuyện một dự án của NHTG bất thình lình hết tiền. NHTG làm việc không tệ như vậy. Dù sao thì tôi cũng phải kiếm vé máy bay về sớm. Số trời cho tôi về sớm, khỏi phải sống trong xứ Hồi giáo sau 11/9?

    Và khi đó, tôi đã mua vé về, đi từ Cairo ngày 10/9 (*) tới Frankfort bên Đức , rồi đổi máy bay về Washington DC để báo cáo.

    Đó cũng là chuyến bay đúng 'ngày định mệnh', tới Mỹ đúng lúc khủng bố al Qaeda đánh New York và Washington DC, mà tôi đã có dịp kể qua trong bài 'Câu Chuyện 9/11':

https://diendantraichieu.blogspot.com/p/normal-0-false-false-false-en-us-ja-x_14.html

[Tôi đọc lại bài này, viết năm 2018, mà đã đọc được việc Trump muốn mua Greenland khi đó rồi!]

(*) Trong bài viết về ngày 9-11, tôi ghi lộn ngày rời Cairo là 8/9, đúng ra là ngày 10/9.