Tin tức báo chí gần đây thấy có tên của hai nhân vật là James Comey và
Robert Mueller nhan nhản trên mặt báo gần như mỗi ngày, dĩ nhiên không kể CNN là
cơ quan ngôn luận có ‘văn hoá cao hơn’, chỉ bàn về chuyện cái bà đóng phim sex
Stormy Daniels.
Ông Comey là cựu giám đốc FBI bị TT Trump sa thải, đưa đến việc bổ nhiệm
ông Mueller để điều tra vấn đề. Đây là việc ai cũng biết. Nhưng việc ít người
biết hơn là giữa hai ông này, đã có một quan hệ rất đặc biệt, phát sinh ra từ
thời TT Bush con.
Năm 2001, khi TT Bush con
nhậm chức, ông Robert Mueller là phụ tá bộ trưởng Tư Pháp. TT Bush quyết định
thay thế giám đốc FBI Louis Freeh của TT Clinton. Ông Mueller được bổ nhiệm.
Ông nhậm chức đúng một tuần trước khi xẩy ra vụ khủng bố Hồi giáo tấn công 9/11.
Ít lâu sau đó, ông James Comey, đang
làm luật sư tại New York, được bổ nhiệm phụ tá bộ trưởng Tư Pháp, thay
thế ông Mueller.
Cả hai ông vừa nhậm chức là đã phải
bỏ hết thời giờ hợp tác với nhau,
lo việc chống khủng bố Hồi giáo quá khích. Hàng loạt luật lệ mới được đặt ra, đồng
thời toàn thể hệ thống an ninh tình báo của Mỹ được cải tổ một cách quy mô nhất,
với sự ra đời của bộ An Ninh Lãnh Thổ -Homeland Security- phối hợp tất cả mọi
hoạt động an ninh, tình báo quốc gia, kể cả FBI, CIA, NSA,… Ông Comey giúp viết
luật, ông Mueller giúp thi hành.
Hầu hết các luật lệ mới ra đều có
tính cách nhất thời, có giá trị tạm một vài năm để sau này có dịp sửa đổi cho
thích hợp với tình thế hơn, vì đây là lần đầu tiên nước Mỹ trực diện với nạn khủng
bố cuồng tín ngay trong nước nên còn mù mờ chưa biết phải đối phó ra sao cho hữu
hiệu.
Bộ luật chính chống khủng bố,
Patriot Act (phần lớn do một luật sư
gốc Việt ông Đinh Đồng Phục Việt –Mỹ gọi là Viet Dinh- soạn thảo), ngoài
ra còn rất nhiều luật phụ đính.
Trong số đó có luật có biệt danh là
‘Stellar Wind’ là luật cho phép các cơ quan an ninh nghe lén điện thoại của những
người khả nghi có liên hệ với khủng bố. Luật này đến tháng 4/2004 là hết hạn, cần
phải được TT Bush ký gia hạn.
Văn phòng PTT Dick Cheney chịu
trách nhiệm cứu xét lại, điều chỉnh ít nhiều rồi chuyển qua cho bộ trưởng Tư
Pháp John Ashcroft ký trước khi trình lên TT Bush ký.
Chuyện bất ngờ là gần ngày ký, ông
Ashcroft bị đau mật, phải đi mổ khẩn cấp. Phụ tá bộ trưởng, tức là thứ trưởng,
ông Comey là người xử lý thường vụ, phải ký trước khi trình lên TT Bush. Nhưng
ông Comey sau khi coi lại luật mới được chỉnh sửa, không chịu ký vì ông cho rằng
luật đi quá xa, có thể vi phạm dân quyền theo Hiến Pháp. Ông đề nghị PTT Cheney
sửa lại cho nhẹ bớt. PTT Cheney cho luật sư sửa lại. Nhưng rồi phiên bản mới vẫn
không được ông Comey chấp nhận, đòi hỏi phải sửa thêm nữa. PTT Cheney từ chối.
Và ông Comey từ chối ký luôn. Đi đến bế tắc.
PTT Cheney ra lệnh cho chánh văn
phòng của ông cùng với chánh văn phòng của TT Bush, hai ông đích thân mang dự
thảo sắc lệnh đến tận nhà thương đưa cho bộ trưởng Ashcroft ký.
Tin này bị xì ngay ra cho ông
Comey. Ông này tức giận nhẩy lên xe, bật đèn đỏ chạy khẩn cấp tới nhà thương để
ngăn chặn. Nhưng ông sợ không đến kịp, gọi điện thoại cho giám đốc FBI, ông
Mueller, yêu cầu phải cho FBI
đang bảo vệ ông Ashcroft tại nhà thương canh giữ không cho ai được vào phòng bệnh
của ông Ashcroft trước khi ông Comey tới. Ông Mueller cũng tức tốc chạy tới
luôn.
Bên giường bệnh của ông Ashcroft, cả
bốn ông cãi nhau kịch liệt: một bên là hai ông chánh văn phòng, bên kia là ông
xử lý bộ Tư Pháp Comey với ông đồng minh giám đốc FBI Mueller. Ông Ashcroft thấy
vậy, từ chối ký cho tới khi nào có được sự thỏa thuận của tất cả mọi người. Dĩ
nhiên không có sự đồng ý. PTT Cheney báo cho TT Bush biết. Ông Bush gọi tất cả
lên gặp ông.
Ông Comey gặp TT Bush, nói ngay nếu
dự thảo của PTT Cheney được chấp nhận, ông và cỡ nửa tá quan chức cao cấp nhất
của bộ Tư Pháp và ngay cả giám đốc FBI sẽ từ chức ngay lập tức. TT Bush hỏi ông
Mueller và ông này xác nhận nếu ông Comey từ chức, ông Mueller cũng sẽ từ chức
theo luôn, cùng với một lô viên chức cao cấp FBI.
TT Bush là người suy nghĩ và quyết
định rất nhanh, muốn tránh một đại họa chính trị, đã ra lệnh cho luật sư Tòa Bạch
Ốc sửa lại theo ý của các ông Comey và Mueller rồi đưa cho ông Ashcroft ký trước
khi tổng thống ký.
Nghĩa là liên minh Comey-Mueller đại
thắng, hạ đo ván PTT Cheney. Đó là một liên minh kéo dài cho tới ngày nay. Ông
Mueller làm giám đốc FBI đến 2013, nghỉ việc, đi làm cho một văn phòng luật sư
chuyên truy tố các vụ án tham nhũng, rửa tiền,… tại New York.
Ông
Comey làm phụ tá bộ trưởng Tư Pháp đến 2009 thì qua làm cho hãng máy bay Lockheed Martin. Đến
năm 2013 thì được TT Obama bổ
nhiệm làm giám đốc FBI thay ông Mueller. Tóm lại, ông Mueller từ phụ tá bộ trưởng
Tư Pháp qua làm giám đốc FBI cho ông phụ tá bộ trưởng Comey, rồi sau đó, ông
Comey lại qua làm giám đốc FBI thay thế ông Mueller.
Khi ông Comey làm giám đốc FBI thì ông luôn đưa các vụ án Mafia, tham
nhũng, rửa tiền,... cho văn phòng luật của ông Mueller thụ lý. Tức là hai ông
tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau.
Đến thời gian tranh cử tổng thống, ông giám đốc Comey lúc đầu cho điều tra
vụ emails của bà Hillary, rồi đâu một tháng trước ngày bầu, ông Comey rình ràng
họp báo, tố cáo bà Hillary đã bất cẩn một cách hết sức nghiêm trọng khi trao đổi
emails qua các phương tiện không bảo đảm an toàn, rất có thể đã có người thâm
nhập lấy tin, nhưng ông khuyến cáo bộ Tư Pháp không truy tố bà Hillary. Ông tuyên
bố chấm dứt cuộc điều tra. Theo luật Mỹ, ‘bất cẩn nghiêm trọng” –gross
negligence- là tội có thể đi tù rồi. Tại sao bà Hillary bất cẩn nghiêm trọng mà
lại không đi tù?
Bị tố phe đảng, ông tìm cách tự bảo vệ, 10 ngày trước bầu cử, ông loan tin mở lại cuộc điều
tra, lấy lý do mới khám phá thấy trong máy điện toán của chồng của bà phụ tá
Huma Abedin của bà Hillary có nhiều emails của bà Hillary trao đổi với bà
Abedin. Rồi ba ngày trước bầu cử, ông Comey lại loan tin chấm dứt điều tra vì
coi lại không có gì bí mật liên quan đến an ninh quốc gia trong các emails đó.
Cuộc điều tra mới kéo dài đúng một tuần, ngắn nhất trong lịch sử các cuộc điều
tra của FBI, kịp thời bạch hóa bà Hillary trước ngày bầu cử.
Khi đó, ông Comey giải thích ông mở lại cuộc điều tra để tránh tai tiếng
phe đảng cho FBI sau khi TT Clinton gặp một mình bà bộ trưởng Tư Pháp Loretta
Lynch trên máy bay riêng của bà, đưa đến nhiều lời đàm tiếu đã có sự thông đồng
giữa hai bên, để xù vụ điều tra emails.
Bây giờ trong hồi ký, ông Comey giải thích khi đó, ông tin chắc bà Hillary
sẽ đắc cử và ông nghĩ nếu ông không mở lại cuộc điều tra khi khám phá thấy cả
lô emails trên máy điện toán của ông chồng bà phụ tá Huma Abedin, thì sau này
phe đối lập CH sẽ chỉ trích ông dấu nhẹm tin này để giúp bà Hillary và như vậy
bà sẽ là một tổng thống ‘không chính danh’ –illegitimate-. Chính vì muốn giúp bảo
vệ thế chính danh cho tổng thống Hillary mà ông Comey mới công bố việc mở lại
cuộc điều tra để rồi sau đó mau chóng bạch hoá bà Hillary và chấm dứt cuộc điều
tra. Ông chưa bao giờ nghĩ việc này có thể có hại gì cho bà Hillary vì trước
sau gì bà cũng sẽ đắc cử, trái lại chỉ giúp bà thành một tổng thống chính danh,
không có một vết đen nào hết vì FBI đã điều tra đi điều tra lại rồi. Không ngờ
sau đó bà thất cử.
Cùng một việc làm, ông Comey đã có hai cách giải thích khác nhau trước và
sau bầu cử.
Việc ông Comey nhẩy ra nhẩy vào khiến thiên hạ mù tịt chẳng hiểu chuyện gì
đã xẩy ra, và ông Comey này đang làm trò gì.
Sau khi thất cử thì bà Hillary và cả phe DC và TTDC xúm lại tố ông Comey là
thủ phạm đã giết bà khi ông mở lại cuộc điều tra. Ông này lại tìm cách chống đỡ
bằng cách... mở cuộc điều tra về Nga thông đồng với ban vận động của ông Trump,
cho có vẻ công bằng, dù chẳng có bằng chứng hay yếu tố gì ngoài những tố cáo vu
vơ của bà Hillary.
Tân bộ trưởng Tư Pháp của TT Trump, ông Jeff Sessions, vì là thượng nghị sĩ
CH đầu tiên ủng hộ ông Trump mạnh nhất, vội vã rút lui khỏi cuộc điều tra để
tránh tiếng phe đảng với tân TT Trump, trao cho phụ tá bộ trưởng Rod Rosenstein
phụ trách chuyện điều tra Nga này.
Đến phiên TT Trump bực mình vì ông cho là ông Comey giận cá chém thớt, bị tố
là đã hại bà Hillary nên quay qua đánh ông Trump một cách vô lý và vô bằng chứng.
Ông cũng giận ông Sessions đã hấp tấp rút lui, không tìm cách bảo vệ tân tổng
thống. Đã vậy, ông Rosenstein lại phúc trình lên TT Trump việc làm tắc trách và
bất nhất của ông Comey trong vụ tự ý điều tra, rồi tự ý ngưng, rồi tự ý điều
tra lại, rồi lại tự ý chấm dứt, vi phạm tất cả thủ tục điều tra của FBI. Thế là
TT Trump lấy cớ đó bãi chức ông Comey.
Ngay sau khi TT Trump sa thải ông này, thì cả đám DC và TTDC xoay ngược xuồng,
chèo ngược lại hết, tung hô ông Comey như một nạn nhân đáng tội của tay ‘độc tài’
Trump muốn che dấu việc thông đồng với Nga. Một thứ tráo trở thô bạo chỉ thấy
trong đảng DC Mỹ!
Ông Rosenstein bị áp lực chính trị nặng, cũng sợ bị mang tiếng là phe đảng,
giúp TT Trump che dấu việc thông đồng với Nga, vội vã bổ nhiệm một công tố đặc
biệt để điều tra.
Và quái lạ thay, ông chọn ngay ông đồng chí nối khố của ông Comey là ông
Mueller cho trách nhiệm nặng nề này. Có cả vạn người có khả năng nhận trách nhiệm
này, không ai hiểu rõ tại sao ông Rosenstein lại lựa đúng ông này.
Nhiều người nêu ngay vấn đề xung khắc quyền lợi khi thấy ông Mueller được bổ
nhiệm để điều tra việc ông bạn Comey bị cách chức. Làm sao ông Mueller có thể
có công tâm 100% được? Nhưng
chẳng ai làm gì được vì ông Rosenstein có toàn quyền bổ nhiệm bất cứ ai ông muốn,
không cần xin phép tổng thống hay phê chuẩn của quốc hội gì hết.
Câu chuyện tiếp theo, ai cũng đều biết rõ. Công tố Mueller tập hợp hơn một
tá luật sư thượng thặng trong đó có ít nhất một nửa ủng hộ bà Hillary, đi truy
lùng phù thủy từ gần cả năm nay, trong khi ông Comey lẳng lặng viết hồi ký.
Sau một thời gian quảng bá rầm rộ, cuối cùng thì cựu giám đốc FBI James
Comey đã viết xong, ra sách, lấy tên là ‘A Higher Loyalty’, ý muốn nói ông ta
trung thành với một cái gì cao hơn TT Trump, hàm ý trung thành với tổ quốc,
trung thành với sự thật, trung thành với lương tâm.
Theo nhận định của những người đã được đọc trước, đại cương cuốn sách là một
bản án vĩ đại chống lại TT Trump, trong đó liệt kê hàng triệu tội của Trump mà
chẳng ai biết tội nào có thật, tội nào là fake news. Và bù lại, dĩ nhiên, tác
giả tự tôn vinh mình lên đỉnh Thái Sơn.
Tại sao lại ra sách bây giờ khi ông Mueller đang mần mò đi câu? Câu trả lời
không khó lắm: ông Comey viện cớ viết hồi ký, đã khui ra không biết bao nhiêu
‘chuyện kín hậu trường’ từ thời gian tranh cử tổng thống đến những tháng đầu của
chính quyền Trump, những trao đổi với TT Trump và các phụ tá của ông, nhất là
những ‘chuyện kín phòng the’ của TT Trump, từ những vụ dấm dớ như thuê gái gọi
‘tè’ trên giường khách sạn, cho đến các vụ các em chân dài chân ngắn khiếu nại
về ông Trump từ mấy trăm năm trước. Cuốn sách được viết một phần để trả thù, công
khai bôi bác TT Trump, nhưng quan trọng hơn nữa, đây là một kho tài liệu giúp
cho ông đồng chí Mueller truy lùng và khai thác trong việc tìm tội chống TT
Trump. Một lần nữa, ta lại thấy hai đồng chí hợp tác chặt chẽ với nhau vì lợi
ích chung.
Cuốn sách bảo đảm sẽ kéo dài cuộc điều tra của công tố Mueller qua không biết
bao nhiêu chuyện lăng nhăng khác. Có một điều lạ chưa thấy báo nào bàn tới: trong
những tin ông Comey viết ra, không có bằng chứng nào về sự thông đồng giữa ông
Trump với Nga.
Về cuốn sách này, nhiều nhà báo chê cuốn sách chỉ là đòn thù của ông Comey.
Nhà báo Nate Silver gọi tên cuốn sách là “A Higher Royalty”, thay vì “A Higher
Loyalty”. Royalty là tiền thù lao viết sách trong khi Loyalty là lòng trung
thành. Nghe nói ông Comey được ứng trước hai triệu đô. Một nhà báo khác nhận định
ông Comey chứng minh cho cả thế giới thấy ông có thành kiến quá nặng và thù
ghét Trump ngay từ đầu, do đó TT Trump sa thải ông thật không oan vì không có
cách gì ông Comey có thể phục vụ TT Trump được.
Nếu như GĐ Comey làm giám đốc yên ổn, đến ngày về hưu hay mãn nhiệm, ra đi
trong vinh dự, rồi viết hồi ký thì cuốn sách đã có giá trị lớn. Nhưng vì ông Comey
bị sa thải, cuốn sách tóm lại, chỉ là một thứ đòn thù của một tiểu nhân, không
hơn không kém. Ông Comey có thể là người rất cao to về thể xác, nhưng tư cách
bé hơn muỗi, chỉ có cái tôi và lòng hận thù mới thật là lớn hơn người.
Theo thăm dò của Rasmussen, 42% dân Mỹ cho cuốn sách chỉ là tấn công
chính trị chống TT Trump, không có giá trị
lịch sử, và 60% nói họ sẽ không đọc.
TTDC và dĩ nhiên, truyền thông thông ngôn của các cụ tỵ nạn đã xúm lại công
kênh ông Comey như là một viên chức thanh liêm, trong sạch, cao thượng, trọng lẽ
phải, công bằng và sự thật, mà Bao Công có tái sinh cũng chỉ đáng xách dép cho
ông ta thôi.
Điều tiếu lâm là tất cả những người tung hô ông Comey vì chủ đích muốn đánh
Trump quên mất một ‘chi tiết nhỏ’. Cho đến bây giờ, bà Hillary vẫn còn cho ông
Comey là thủ phạm lớn nhất đã khiến bà thất cử khi 10 ngày trước ngày bầu cử, GĐ Comey loan báo mở lại
cuộc điều tra về emails của bà Hillary.
Những người đang tung hô ông Comey cũng quên trước khi ông này bị TT Trump
sa thải, tất cả các chính khách DC, từ bà Hillary đến TNS Schumer, DB Pelosi, cả
TTDC,... đều mạt sát và đòi lấy thủ cấp của ông Comey.
Kẻ này muốn tặng cho quý vị nào đang tung hô ông Comey một lựa chọn rất lý
thú:
-
Một
là tiếp tục tung hô ông Comey nhưng nhớ cám ơn sự thanh liêm ngay thẳng của ông
Comey đã giúp cho dân Mỹ lựa chọn đúng người làm tổng thống, tố giác bà Hillary
đúng lúc, tránh việc dân Mỹ lỡ dại bầu cho bà ma giáo Hillary;
-
Hai
là ngưng tung hô ông Comey vì cuối cùng đã thấy rõ ông ta chẳng có trung thành
gì với ai, chẳng thanh liêm gì, mà chỉ thuộc loại tráo trở, sớm đầu tối đánh.
Lựa chọn không dễ, đến độ ngay cả nhiều vị lãnh đạo DC cũng bối rối, không
lên tiếng đấy.
Tuy chưa được đọc, nhưng qua các trích dẫn của báo chí, kẻ này nghĩ ông
Comey có phần đúng khi lựa cái tựa của sách: ông trung thành với một cái gì cao
hơn tổng thống. Vâng, hiển nhiên là ông tuyệt đối trung thành với... CÁI TÔI vĩ đại của ông ta.
Và cách tốt nhất để phục vụ cái tôi đó là hợp tác chặt chẽ với ông đồng chí
Mueller, cố tìm cho ra tội để truất phế TT Trump, đáp lễ lại việc TT Trump đã
sa thải ông.
FBI từ ngày thành lập cách đây đúng 110 năm đến giờ, đã nổi tiếng là cánh tay của công lý
không đảng phái. Nhưng nhờ hai ông cựu giám đốc Mueller và Comey, bây giờ dường
như đã biến thành công cụ của phe cấp tiến dùng để tìm cách đảo chánh một tổng
thống khác quan điểm chính trị, không hơn không kém. Cũng như ông John Brennan,
cựu giám đốc CIA của TT Obama, ngày nay đã tự cho mình trách nhiệm không phải
chống ngoại địch, mà là chống Trump khi cứ vài ngày là lại lên CNN đả kích TT
Trump.
Chuyện ai cũng biết là ông Comey có thâm thù với TT Trump trong khi ông
Mueller là bạn cố tri của ông Comey. Vấn đề là ông Mueller có để tình bạn đó
khuynh đảo để rồi ông tiếp tay với ông Comey ‘đảo chánh’ TT Trump hay không. Ta
không nên hấp tấp kết luận quá sớm.
Tin giờ chót, những ghi chép của ông Comey sau khi gặp TT Trump đã được bộ
Tư Pháp công bố trọn vẹn, tuy có bôi đen vài chữ. Có hai điểm đáng lưu ý:
-
Qua
câu chuyện ông Comey kể lại, chẳng có đoạn nào nói xa gần gì về chuyện TT Trump
áp lực FBI ngưng điều tra về sự can dự của Nga, mà TTDC la hoảng là ‘cản trở
công lý’. Trái lại, ông Comey viết rất rõ TT Trump chẳng những muốn điều tra cặn
kẽ việc này, mà còn yêu cầu FBI xét ngay trong hàng ngũ những phụ tá cao cấp của
ông.
-
Có đoạn
TT Trump bàn về chuyện tin mật bị xì, ông Comey khẳng định với tân tổng thống là
FBI không bao giờ xì tin mật và chính ông sẽ không bao giờ làm chuyện này. Sự
thật là sau khi mất job, ông Comey đã xì các ghi chép của ông cho báo qua trung
gian một ông bạn giáo sư đại học, rồi gần đây ta cũng được biết ông phó giám đốc
McCabe cũng xì tin cho báo luôn. Cả một hệ thống Nhà Nước Ngầm nói láo. Chẳng
những nói láo mà còn phạm pháp vì tất cả đều là tài liệu khi đó được xếp hạng
‘tối mật’.
Cũng tin giờ chót, cựu thị trưởng New York, Rudolph Giuliani, đã nhận trách
nhiệm làm luật sư cho TT Trump nói chuyện với ông Mueller. Ta chờ xem cuộc đấu
trên đỉnh Hoa Sơn giữa các đại cao thủ Comey – Mueller – Giuliani. Cả ba đều xuất
thân cùng một lò luyện võ cao siêu nhất thế giới: New York.