Saturday, February 20, 2021

BÀI 165: ĐÀN HẶC: NHÌN LUI, NHÌN TỚI

    Như mọi người đều biết, tấn tuồng đàn hặc cuội đã hạ màn đúng như tất cả mọi người đều đã đoán biết trước, với kết quả không đủ phiếu để có bất cứ biện pháp nào với TT Trump.

    Trên căn bản, Hiến Pháp ghi rõ đàn hặc có mục đích truất phế một tổng thống đương nhiệm và có thể kèm theo biện pháp cấm không cho ông này tham gia vào chính trường mãn đời. Nhưng ông Trump đã hết còn làm tổng thống, trong khi Hiến Pháp lại không viết gì về việc đàn hặc một cựu tổng thống. Do đó, phe DC đã vừa tiến hành đàn hặc vừa chế ra luật cùng với thủ tục, dựa trên thế đa số với hậu thuẫn của một nhúm nghị sĩ CH chống Trump. Từ đó, ta cũng có thể suy luận ra việc nếu có đủ túc số hai phần ba nghị sĩ kết tội, thì họ cũng có thể chế ra biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như bắt đi tù, đầy ra đảo Wake, tịch thu tài sản, tước bỏ quyền công dân,…

    Tại sao phe DC có thể làm chuyện vô lý như vậy được?

    Kẻ này xin ‘mượn tạm’ một câu của anh tị nạn TĐL viết công kích các nghị sĩ CH đã biểu quyết không kết tội TT Trump, nhưng thay thế danh từ ‘Cộng Hòa’ bằng ‘Dân Chủ’,  ‘không kết tội’ bàng ‘kết tội’, để quý vị thấy chính trị phe đảng, muốn viết sao cũng được:

    Những thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ kết tội ông Trump kích động bạo loạn, nhằm mục đích diệt trừ ông, chà đạp hiến pháp ngày 06.01.2021 chẳng phải không biết việc bỏ phiếu ngược vói lương tâm của họ là sai trái, làm tổn thương nền dân chủ, gây nguy hiểm cho nền cộng hòa của Mỹ nhưng vì đặt tương lai chính trị, địa vị, chức vụ của họ cao hơn quyền lợi đất nước, giá trị hiến pháp nên họ phải cắn răng bỏ phiếu kết tội Trump lần thứ hai.”

    Ta cần phải tỉnh táo bỏ qua một bên những cảm xúc cá nhân bình thường, ghét thương phe đảng quá khích để tìm hiểu vấn đề cho rõ, hầu đoán mò xem tương lai cái quê hương thứ hai của ta sẽ đi về đâu.

    Phải nói ngay việc đoán mò tương lai là chuyện kẻ này luôn luôn muốn tránh vì chưa học qua lớp tử vi bói toán nào, cũng không phải là chuyên gia chính trị Mỹ siêu đến độ có thể đoán được tương lai. Nhưng bây giờ, việc tìm hiểu cho kỹ hiện tại để mường tượng tương lai trở nên quan trọng vì sự thật là cái quê hương thứ hai này chính là nơi cuối cùng ta có thể tị nạn, không còn chỗ nào khác để trốn chạy cộng sản hay xã nghĩa.

   Tuần rồi, kẻ này đã viết: “Đàn hặc này cũng sẽ đi vào lịch sử như một phiên tòa có một không hai ở điểm không có cáo trạng chi tiết, không có điều tra, không có báo cáo độc lập của cảnh sát hay FBI hay công tố đặc biệt, không có phiên xử với đầy đủ nhân chứng, bằng chứng, không có luật sư biện hộ, không có bị can ra trước phiên tòa, cũng chẳng có đại bồi thẩm đoàn nghe rồi kết tội. Bà chủ tịch hạ viện tuyên bố Trump phạm tội khích động nổi loạn, rồi cho hạ viện biểu quyết là có tội luôn, dựa trên thế đa số của đảng DC. Rồi chuyển ngay hồ sơ qua thượng viện lấy biện pháp trừng phạt. Mà hay hơn cả là ông quan tòa tại thượng viện hoàn toàn công khai đứng về phe ‘công tố’ liên tục biểu quyết cùng phe công tố.” (Đoạn này quên nhấc lại ông 'quan tòa' là một thượng nghị sĩ DC được các đồng chí bầu với zero phiếu CH)

    Đàn hặc thất bại, nhưng quái lạ thay, câu chuyện chưa chấm dứt. Phe DC đang cố loay hoay tìm cách khác để diệt TT Trump, qua việc viện dẫn Tu Chánh Án 14, hay cho hạ viện điều tra, hay truy tố TT Trump ra trước tòa bình thường (xin xem trang Tin Tức).

    Một dân biểu DC đã đệ đơn kiện TT Trump mưu toan ám sát ông khi cổ võ cho dân biểu tình đánh quốc hội và lùng giết dân biểu và nghị sĩ.

    Vụ kiện bá vơ nhưng có mục đích sâu xa hơn: đó là tìm cách truy lùng tài liệu mật của Tòa Bạch Ốc dính dáng đến các trao đổi giữa TT Trump và các phụ tá liên quan đến cuộc biểu tình ngày 6/1. Hy vọng có trao đổi giữa TT Trump với vài thủ lãnh đám biểu tình nào đó. Nghĩa là vẫn chỉ là một cuộc săn lùng phù thủy hay đi moi rác cầu âu.

    TT Trump dĩ nhiên sẽ viện dẫn đặc quyền của hành pháp để từ chối hợp tác, không cung cấp tài liệu. Vấn đề là chính quyền của cụ Biden sẽ làm gì? Cụ có thể hợp tác với dân biểu đang kiện, công bố hay nộp các tài liệu của TT Trump mà họ đã có sau khi vào Toà Bạch Ốc, nhưng như vậy sẽ phá lệ và tạo tiền lệ để không còn giữ bí mật về các hoạt động của Tòa Bạch Ốc nữa, và sau này dĩ nhiên có thể bị một tổng thống CH trả đũa công khai hóa các tài liệu mật của cụ Biden luôn. Hay cụ sẽ vạn bất đắc dĩ, phải đứng về phe TT Trump, từ chối cung cấp các tài liệu mật?

    Vì sao có cái nhu cầu triệt tiêu một cá nhân như vậy? 

    Cả mấy trăm dân biểu và nghị sĩ Mỹ có ngớ ngẩn và vô lý đến vậy không? Xin thưa ngay, họ không tệ đến vậy đâu. Nhưng vạn bất đắc dĩ, họ bắt buộc phải đi vào con đường phiêu lưu tuyệt vọng như vậy chỉ vì họ không còn lựa chọn nào khác để đáp ứng nhu cầu triệt tiêu hẳn ông Trump và cái gọi là chủ nghĩa Trump, hay trumpism.

    Xin thưa ngay không phải vì ông Trump là một tổng thống quá tệ hại, với những cá tính kinh hoàng như bất tài mà tham quyền, vua nói láo, chuyên bắt chim chộp bướm, vô đạo đức, kỳ thị màu da, nịnh độc tài,… Nếu đó là những cái tội không thể chấp nhận được nơi một tổng thống, thì dĩ nhiên đâu cần truy lùng sau khi ông đã hết làm tổng thống rồi. Tất cả những ‘tội’ đó chỉ là những lý cớ rẻ tiền và dễ hiểu, dùng để đánh ông một cách rất hữu hiệu trước đám dân ngu khu đen, đầu óc giản dị. 

    Cũng không phải như khối chính khách DC cao giọng tố cáo TT Trump đã có tội khích động dân chúng nổi loạn, chẳng những đe dọa tính mạng của tất cả các dân biểu nghị sĩ, cả tánh mạng của phó tổng thống mà còn đe dọa phá tan nền tảng thể chế chính trị Mỹ. Đây chỉ là những tội mà tông tông Thiệu của ta năm xưa gọi là ‘bé xé ra to’, dựng đứng để có dịp kết tội thôi.

    Có vài chuyện ta cần lưu ý một cách công bằng:

1. Tất cả chính trị gia, từ các hoàng đế La Mã, hay Tần Thủy Hoàng cho tới Obama, Pelosi Hillary,… đều hô hào và cổ võ dân hậu thuẫn mình, lên tiếng và có hành động mang tinh sách động để dân ủng hộ mình chống lại đối thủ chính trị của mình. Tất cả những người nào phủ nhận chuyện này và tố TT Trump đã khích động dân ủng hộ mình đều không đủ lương thiện hay công tâm.

2. Sau khi khai mạc, việc đầu tiên thượng viện làm là biểu quyết tính hợp hiến của đàn hặc. Đây là việc đúng phải làm, nhưng đã làm sai cách. Đúng ra thì việc hợp hiến hay không phải là quyết định của Tối Cao Pháp Viện, là cơ quan tối hậu phán quyết tính hợp hiến của tất cả mọi chuyện. Hiến pháp ghi rất rõ ràng, đàn hặc phải do chánh thẩm Tối Cao Pháp Viện chủ tọa, làm quan tòa tối cao. Việc chánh thẩm phán John Roberts từ chối chủ tọa đàn hặc đã nói lên đầy đủ tính hợp hiến hay không. Quyết định hợp hiến hay không mà để cho các nghị sĩ biểu quyết theo phe đảng là chuyện vô lý và vi hiến, vì như vậy, Hiến Pháp sẽ được diễn giải tùy theo đảng nào nắm đa số tại thượng viện. TCPV không còn lý do tồn tại nữa.

3. Trong cuộc nói chuyện cổ võ dân biểu tình ngày 6/1, TT Trump cũng kêu gọi dân chúng hành động trong ôn hòa -peacefully-, mà không có một lời nói nào hô hào bạo động. TT Trump có nói câu “fight like hell” và câu đó đã được đưa ra làm bằng chứng đó chính là lời kêu gọi bạo động. Lập luận này chỉ lừa được những người thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và văn hoá Mỹ. “Fight like hell’ là câu nói cửa miệng của tất cả dân Mỹ trong cái máu ‘cao bồi’ không chịu thua dễ dàng, chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì. Trong cuộc đàn hặc, các luật sư của TT Trump đã trích dẫn câu “fight like hell’ từ cửa miệng hay qua các tuýt của tất cả các dân biểu hạ viện đang truy tố TT Trump, cũng nêu lên việc câu này đã được sử dụng thường xuyên bởi các lãnh tụ DC như bà PTT Kamala, bà TNS Elizabeth Warren, bà Pelosi, ông Schumer,… Không có gì mới lạ hay đặc biệt.

4. Các dân biểu DC, công tố đàn hặc, cũng không đủ công tâm để trình bày toàn bộ câu chuyện, mà chỉ trình bày diễn tiễn theo kiểu một chiều. Nhấn mạnh “fight like hell” trong khi phớt lờ câu nói “peacefully” của TT Trump. Nhất là không nhắc đến việc TT Trump đã ra lệnh bộ Quốc Phòng mang 10.000 Vệ Binh Quốc Gia đến bảo vệ quốc hội, bộ QP đã xin phép theo đúng luật, nhưng bà thị trưởng DC không cho phép (việc này đã được chánh văn phòng của TT Trump và cảnh sát trưởng quốc hội xác nhận).

5. Phe DC tố TT Trump khích động dân chống lại quốc hội, đe dọa chế độ tam quyền phân lập là nền tảng của thể chế dân chủ Mỹ. Thế khi bà chủ tịch hạ viện công khai xé diễn văn của tổng thống, trước mặt tổng thống, trước mặt lưỡng viện, trực tiếp truyền hình cho cả nước xem, thì đó có là hành động khích động dân chống tổng thống, đe dọa tam quyền phân lập không? 

6. Việc dân tràn vào trong đại sảnh và trong văn phòng một số dân biểu và nghị sĩ dĩ nhiên là phạm pháp mà không ai cổ võ hết, kể cả TT Trump. Tuy nhiên ở đây, có hai chuyện cần xét lại. Thứ nhất, Fox News cho thấy rõ cảnh sát quốc hội mở toang cửa chính cho dân biểu tình thong thả vào, trong trật tự, đi lòng vòng chụp hình như du khách, như vậy thì câu hỏi là họ có vi phạm luật gì không. Thứ nhì, chỉ có vài ba chục người bạo động, đụng độ với cảnh sát, nhưng tuyệt đại đa số cả trăm ngàn người biểu tình rất ôn hòa, và ngay cả TT Trump cũng không biết rõ tình trạng thực tế trước quốc hội như thế nào, như vậy sao có thể nói đám biểu tình đó có ý tưởng đảo chánh, giết các dân biểu và nghị sĩ theo lời kêu gọi của TT Trump. Có phóng đại quá lố bịch không?

7. Như diễn đàn này đã loan tin,  Fox News khui ra chuyện cách đây một chục năm, khi một đám thợ thuyền cấp tiến biểu tình trước quốc hội tiểu bang Wisconsin, đập phá cửa, tràn vào đại sảnh săn đuổi dân biểu, bà Pelosi và các chính khách DC hoan nghênh việc làm này, gọi đó là biểu tượng cho thể chế dân chủ, là ‘hình ảnh đáng nể của dân chủ đang hành động” – “impressive show of democracy in action”.

    Cái lý do sâu xa và đích thực là đảng DC nói riêng và phe cấp tiến nói chung rất sợ ông Trump và chủ nghĩa Trump, là những đe dọa sinh tử cho ý thức hệ thiên tả. Mà cái hại vĩ đại hơn nữa là ông Trump lại là người quan trọng nhất trong khối bảo thủ hay trong đảng CH có khả năng khích động quần chúng và thực sự có hậu thuẫn đủ mạnh để có triển vọng hạ gục được ý thức hệ thiên tả và đảng DC.

    Tuồng hát đàn hặc cuội hai lần hạ màn, đảng DC hai lần thất bại. Họ thất bại, chẳng những không đàn hặc được, không buộc thượng viện phải kết án, cũng chẳng cản không cho ông Trump trong tương lai không được lai vãng chính trường nữa. Nhưng tai hại hơn xa là chiến thuật của họ đã gặp phản ứng ngược: quy tụ khối CH sau lưng ông Trump mạnh hơn bao giờ hết.

    Một thăm dò mới nhất của Đại Học Quinnipiac cho thấy 87% cử tri của đảng CH cho rằng ông Trump cần tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong chính trường Mỹ.

    Một thăm dò khác của Politico/MorningConsult cho thấy trong 10 cử tri CH thì có 8 người vẫn ủng hộ TT Trump mạnh.

    Tin mà cả hai đảng CH và DC phải suy nghĩ nhiều nhất là TT Trump có tỷ lệ hậu thuẫn hơn rất xa tất cả các chính khách CH khác, trong khi các ông/bà CH phản lại TT Trump đều bị rắc rối to với các chi bộ đảng CH địa phương và tiểu bang.

    Bình thường, chính trường Mỹ chia làm ba khối, CH và DC mỗi đảng nắm khoảng 40% cử tri Mỹ, trong khi khối độc lập không theo đảng nào chiếm khoảng 20%. Như vậy, nếu TT Trump vẫn được 80% tới 90% cử tri CH ủng hộ, thì có nghĩa là ông vẫn được hậu thuẫn của khoảng 120 tới 140 triệu dân Mỹ, trong đó có hơn 74 triệu người đi bầu. Tức là dưới 60% chịu khó đi bầu cho ông. Nếu vận động được 70% đi bầu, ông sẽ có từ 85 đến 100 triệu phiếu. Một bài tính nhiều người đang nghiên cứu cho 2024. Trong một chế độ dân chủ thật sự như Mỹ, nơi mà lá phiếu của cử tri là yếu tố quan trọng nhất, hậu thuẫn của cả trăm triệu người trong khối quần chúng hạ tầng là việc không ai có thể coi thường.

    Một hiện tượng cần nhìn và hiểu cho rõ: đã có ít dân biểu và nghị sĩ CH nhẩy rào trước khi con tầu Trump chìm, nhưng tất cả đều bị các chi bộ, đảng CH tại tiểu bang mình lên án hay yêu cầu từ chức, kể cả TNS Mitch McConnell đã bị đảng CH quận Kentucky yêu cầu từ chức lãnh đạo khối CH. Nghĩa là hậu thuẫn của TT Trump có thể chao đảo ở cấp lãnh đạo liên bang, ở trong hệ thống cầm quyền hiện hữu của đảng CH, nhưng vẫn rất mạnh ở cấp cử tri địa phương. TNS Lindsey Graham đã nói huỵch tẹt đảng CH sẽ không làm nên cơm cháo gì nếu không có ông Trump.

    Hậu thuẫn của ông Trump trong cuộc bầu cừ vừa qua có vẻ ít hơn hậu thuẫn dành cho cụ Biden về số lượng, nhưng với khác biệt thật quan trọng về phẩm chất: những cử tri của TT Trump hầu hết có thể nói sống chết vì ông, trong khi các cử tri bầu cho cụ Biden chỉ bầu cho cụ vì chống ông Trump, chứ hậu thuẫn thật sự cho cá nhân cụ lú lẫn Biden chắc chưa tới… 5%  dân Mỹ.

https://www.foxnews.com/politics/republicans-trump-play-big-role-gop-going-forward-polls

    Nhiều chính khách CH cũng đã lên án TT Trump. Họ không nghĩ ông đã khích động nổi loạn bạo động như phe DC truy tố, nhưng họ cũng chỉ trích ông phản ứng chậm, đúng ra nên có ngay lời kêu gọi đám biểu tình khi họ tiến tới quốc hội. Nhiều nghị sĩ cho biết TT Trump trong Tòa Bạch Ốc có thể đã không biết chính xác mức bạo động đang xẩy ra nên phản ứng chậm.

    Nhiều nghị sĩ CH khác bực mình TT Trump, trong đó có TNS McConnell vì theo họ, TT Trump đã làm phe CH mất thế đa số khi TT Trump gây sự với thống đốc và bộ trưởng Tư Pháp Georgia, đều là dân CH, khiến cho phe CH tại đây bị phân hoá, một số cử tri CH đã không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu hai thượng nghị sĩ tại đây, khiến phe CH thua phiếu, mất hai ghế thượng viện, mất luôn thế đa số trong thượng viện vào tay kẻ thù chung là đảng DC. Đây mới là lý do thực sự ông McConnell bực mình sỉ vả TT Trump.

    Ở đây, cuộc tranh chấp vừa nổ đùng ra giữa TT Trump và thượng nghị sĩ lãnh đạo khối CH trong thượng viện, ông Mitch McConnell cần phải lưu ý và nhận định đúng mức.

    Sau khi biểu quyết TT Trump không có tội trong vụ thượng viện đàn hặc TT Trump, vì tính cách vi phạm Hiến Pháp quá lố bịch, ông McConnell đã công kích TT Trump khá mạnh, cho rằng ông Trump phải chịu phần nào trách nhiệm về vụ nổi loạn bạo động ngày 6/1 bao vây quốc hội.

    Ưu tư của ông McConnell là tìm cách khôi phục lại sự đoàn kết và uy thế của đảng CH.

   Nhiều người quá khích đã công kích ông McConnell như là người phản bội TT Trump vì bị tiền mua chuộc, hay vì thân Tầu cộng qua bà vợ Tầu,… Kẻ này không chia sẻ những tố cáo giản dị vớ vẩn này, mà cho rằng cuộc tranh cãi giữa ông McConnell và TT Trump là tranh cãi chiến thuật nghiêm chỉnh và quan trọng hơn nhiều.

    Ông McConnell là một chính trị gia lão thành, vẫn sống trong suy tư của một chính trị gia chuyên nghiệp, nghĩa là tìm đồng thuận nội bộ qua một thái độ mềm dẻo, uyển chuyển dung hòa các quan điểm chính trị khác biệt nhỏ trong nội bộ CH để tìm mẫu số chung chống lại kẻ thù lớn là khối cấp tiến DC,  trong khuôn khổ luật lệ và trật tự hiện hữu. Trong khi ông Trump không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp, đã thành công nhờ điểm này, nhờ không ‘hòa hợp hòa giải’ với ai hết, mà chủ trương ‘đường ta ta cứ đi’, bằng mọi giá, không du di, không nhân nhượng, nếu cần làm ‘cách mạng’, đi xa hơn trật tự hiện hữu thì cũng không ngại.

    Cái khác biệt đó giải thích tại sao ông McConnell biểu quyết không đàn hặc TT Trump vì đàn hặc là chuyện vi hiến, đi ra ngoài luật lệ và trật tự hiện hữu, đồng thời ông lên án TT Trump cũng chính vì trong cái nhìn của ông McConnell, TT Trump cũng đã đi ra ngoài luật lệ và trật tự hiện hữu khi hô hào dân biểu tình chống quốc hội, trong khi lại tạo phân hóa trong nội bộ đảng CH.

  Hiển nhiên, đây là cuộc tranh cãi đi xa hơn tranh cãi cá nhân giữa hai ông Trump và McConnell.

    Không phải ngẫu nhiên mà hai tổng thống Obama và Trump sẽ đi vào lịch sử như hai tổng thống tạo phân hóa lớn nhất lịch sử Mỹ. Chẳng qua, cả hai ông đều là nạn nhân của thời cuộc, của cơn sốt hiện hữu của chính trị Mỹ, đang đi vào phân hóa mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Cả hai chính đảng DC và CH đều trực diện vấn đề này. Có thể là cả hai ông Obama và Trump, thay vì cố hóa giải phân hóa, thì đã ngược lại, đều khai thác cái phân hóa này để chiếm lợi thế cho chính mình và quan điểm chính trị của mình. Đã vậy, cái phân hoá còn bị trầm trọng hóa nặng qua sự bộc phát của các trang mạng xã hội tung tin loạn xà bần, cả triệu người nhẩy vào cuộc, bàn chính trị, hoan hô chống đối lung tung, cũng như thái độ khai thác phân hoá để kiếm khách và kiếm tiền quảng cáo của TTDC.

    Đảng DC đứng trước ngã rẽ một bên là khối nhất quyết xuống hố cho nhanh Sanders-Warren-AOC, và một bên là khối xuống hố chậm hơn Biden-Clinton-hệ thống cầm quyền DC. Trong khi đảng CH cũng đang trực diện tình trạng tương tự: một bên là nhất quyết quét đầm lầy Trump-Cruz-Hawley, và một bên là khối dĩ hòa vi quý, là McConnell-Sasse-hệ thống cầm quyền CH.

    Tương lai ra sao?

    Nhìn về phía đảng DC, tình trạng rất đáng lo ngại vì cụ già lẩm cẩm Biden mà cử tri DC trong những kỳ bầu cử nội bộ, ủng hộ nhiều hơn là ủng hộ khối cực đoan, nhưng đáng tiếc lại là người có vẻ quá yếu, yếu về tinh thần cũng như yếu về thể xác, để có thể cầm cự lâu dài chống khuynh hướng thiên tả cực đoan. Nhất là bà PTT Kamala Harris lại thuộc thành phần thiên tả cực đoan nhất, đang rung đùi ngồi chờ trong hậu trường.

    Về phía CH, phe ôn hòa của hệ thống cầm quyền đã thắng thế với việc ông Trump hết còn là tổng thống và người thực tế đang lãnh đạo đảng là ông McConnell. Nhưng như vừa trình bày ở trên, TT Trump đang kiểm soát mạnh khối cử tri nồng cốt của đảng. Đưa đến tình trạng là chẳng ai rõ ai có tiếng nói lớn hơn và đảng CH trong tương lai sẽ đi về hướng nào.

    Nhiều người đã hoan nghênh ý kiến phe ủng hộ TT Trump tách ra riêng khỏi cái đảng CH bảo thủ ển ển xìu xìu của cụ McConnell, lập đảng bảo thủ mạnh tay mới. Ngược lại nhiều người khác lại ủng hộ ý kiến tách riêng ra để lập đảng bảo thủ ôn hòa mới, bỏ đảng CH hiện hữu cho cánh ông Trump. Cả hai phe đều viện dẫn kinh nghiệm lịch sử của đảng CH, đã tách ra riêng và bây giờ đã thành công trở nên một trong hai chính đảng lớn. 

    Viện dẫn này quên mất chuyện đảng CH đã mất cả thế kỷ mới vững chân như ngày nay. Câu hỏi cho những người muốn tách ra riêng: có sẵn sàng chấp nhận cho đảng cấp tiến thiên tả DC nắm quyền tuyệt đối trong cả thế kỷ hay nửa thế kỷ nữa không? Nếu họ nắm quyền được cả thế kỷ nữa, thì nước Mỹ sẽ thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Cờ Hoa từ khuya rồi và mọi đảng phái bất kể khuynh hướng nào, cũng chỉ có quyền làm đảng chậu kiểng theo mô thức Mặt Trận Tổ Quốc của VC thôi. Đó có là giải pháp thực tế nên ủng hộ không?

    Chính trường Mỹ đang đi vào khúc rẽ quan trọng nhất. Những tháng năm tới sẽ định lại rõ ràng hơn hướng đi của hai chính đảng, với nhiều triển vọng cả hai đảng đều đi xa về hướng quyết liệt, trầm trọng hóa hơn nữa tính phân hóa chính trị của xứ Mỹ. Các cụ tương đối ôn hòa như Biden và McConnell chỉ có thể làm chậm lại tiến trình thôi, chứ cuối cùng thì sẽ là trận chiến giữa cánh Sanders với cánh Trump, hay hậu duệ của hai cánh cực đoan đó.

    Vấn đề quan trọng hơn xa chuyện ý thức hệ trên lý thuyết, mà sẽ có hệ quả vĩ đại về lâu về dài trong cái gọi là ‘lối sống của Mỹ’, American way of life.