Thế vận hội, một họp mặt tranh tài lớn nhất với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới, vừa được tổ chức tại Tokyo, thủ đô Nhật. Thế vận hội lần này là một thế vận hội quái lạ có một không hai chưa từng thấy trong lịch sử cả trăm năm nay của thế vận hội (TVH).
Thật ra, thỉnh thoảng trong lịch sử TVH, cũng đã từng có nhiều lần được tổ chức với nhiều biến chuyển khác thường. Chẳng hạn như TVH do Hitler tổ chức tại Berlin trước khi tung quân ra chiếm cả Âu Châu. Hay TVH Munich khi khủng bố Palestine nhẩy vào tàn sát phái đoàn Do Thái năm 1972. Hay TVH năm 1968 khi các đại diện da đen Mỹ thắng huy chương chào quốc kỳ Mỹ bằng cách cúi đầu giơ nắm đấm lên, biểu tượng cho Black Power, Quyền Lực Đen. Hay TVH năm 1980 tại Moscow khi có tới 65 nước không tham dự để phản đối việc Liên Xô trước đó mang quân chiếm Afghanistan.
Nhưng năm nay thì đúng là đoạt huy chương vàng về quái dị.
Trước hết, TVH được tổ chức trễ một năm. Đúng ra phải tổ chức mùa hè năm ngoái, nhưng vì khi đó, dịch COVID đang tấn công tàn bạo cả thế giới, nên không tổ chức mà dời lại một năm, với hy vọng mùa hè năm nay, sẽ không còn dịch nữa. Gần ngày tổ chức, dịch hoành hành mạnh trở lại qua các biến thể mới.
Chính phủ Nhật và Ủy Ban Thế Vận họp bàn liên miên bất tận để xem phải làm gì. Cuối cùng ra được giải pháp quái chiêu chưa từng thấy: TVH sẽ được tổ chức với đẩy đủ bộ môn và sự tham dự của cả ngàn thể tháo gia đại diện cho 206 quốc gia như dự định. Tất cả các thi đấu đều sẽ được thực hiện, chỉ không cho khán giả nào xem. Các lực sĩ đều bị thử nghiệm, có dịch là không được tham gia, bị đuổi về ngay, hay đã tham gia xong môn của mình là cũng phải rời Tokyo ngay. Để rồi TVH được diễn ra trong một khung cảnh Mỹ gọi là ‘surreal’ hay siêu thực: trong khi ở trong sân vận động các thể tháo gia hăng say thi đua chiếm huy chương trước các khán đài không một bóng người, thì ngoài đường phố vắng tanh của Tokyo, cỡ 5.000 người bị nhiễm dịch mỗi ngày, và ngoài thế giới, hơn 200 triệu người bị nhiễm và hơn 4 triệu người chết. TVH như được tổ chức trong một cái bong bóng biệt lập với cả thế giới.
Buổi lễ khai mạc, bình thường là một màn trình diễn ca múa tập thể và diễn hành của cả ngàn thể tháo gia ăn mặc khác lạ trong quốc phục của mình, hay đồng phục của họ, trương cờ quạt đi khoe xứ của mình, hấp dẫn nhất với cả trăm ngàn người ngồi kín hội trường xem. Năm nay khán đài trống trơn, chẳng ai ngồi coi. Cả ngàn thể tháo gia diễn hành, tay vẫn phất cờ quạt đủ màu, miệng vẫn cười toe toét chào hai ba anh cảnh sát đứng gác trên các khán đài. Ban tổ chức chơi mánh, sơn ghế khác màu để nhìn từ xa qua TV, có cảm tưởng như vẫn đầy người. Nhật Hoàng và chừng một nhúm độ 1.000 quan khách đều mang khẩu trang ngồi cách nhau cả thước, chẳng ai bắt tay ai, chẳng ai nói chuyện được với ai.
Việc không có quan khách coi đã khiến cho Ủy Ban Thế Vận Nhật ước tính họ sẽ mất toi đâu hai chục tỷ đô. Vừa mất khách coi trong các sân vận động hay đấu trường, vừa mất cả triệu khách du lịch đến Nhật, vừa mất toi tiền xây không biết bao nhiêu sân vận động với những trang bị tân tiến đắt tiền nhất, và không biết bao nhiêu thứ chi phí liên hệ khác.
Tuy nhiên, cả thế giới vẫn theo dõi, tuy chỉ coi qua TV, YouTube và internet. Ở Mỹ, đài NBC mua được độc quyền thu và chiếu lại các cuộc thi đua. Tuy nhiên, NBC năm nay cũng bị đại nạn, lỗ khẩm. NBC đã bỏ ra gần 8 tỷ đô để mua độc quyền thu hình TVH từ 2014 tới 2032. Chẳng biết năm nay tổng kết sẽ thu lại được bao nhiêu qua tiền quảng cáo cũng như bán lại các chương trình cho các đài TV khác. Chỉ biết số khán giả coi TV năm nay đã giảm gần 50% so với TVH 2016. Có lẽ đã xuống mức thập nhất từ ngày TVH được trực tiếp truyền hình.
Một lý do quan trọng TV mất khách vì rất nhiều người có thể coi qua YouTube, qua các chương trình trên internet. Lý do quan trọng hơn là vì khác biệt múi giờ, các trận tranh tài đều xẩy ra nửa đêm giờ Mỹ. Đài NBC chiếu lại ngày hôm sau, sau khi tin tức thắng thua đã được tất cả mọi người biết rồi, mất tính hồi hộp hấp dẫn.
Nhưng lý do quan trọng nhất hiển nhiên là TVH năm nay đã biến thể quá mạnh, bị chi phối quá nhiều bởi những chuyện quái đản đẻ ra từ cái quái thai văn hóa thức tỉnh của Mỹ.
Ngay từ đầu, chưa ai biết phái đoàn Mỹ tài giỏi ra sao với lực lượng hơn 600 người, nhưng ai cũng thấy cái họa ‘phải đạo chính trị cấp tiến’ của chính quyền Biden đã đổ bộ xuống Tokyo từ khá lâu trước ngày khai mạc TVH.
Trong khi ban tổ chức chuẩn bị mọi chuyện, thì họ cũng phải lo sưu tra lý lịch 8 đời tất cả các quan chức lo việc tổ chức này. Ủy Ban Thế Vận Nhật phải duyệt lại nhân sự trong ban tổ chức, cấp cao nhất, và đã mau mắn sa thải ngay 3 nhân vật cột trụ, vì đã khám phá ra vài chuyện… mà mấy ông nhà báo Mỹ, toàn là chuyện gia về ‘văn hóa thức tỉnh’ -woke cultutre- nếu khám phá ra được, sẽ không tha. Các ông xếp thế vận Nhật tung chiêu ‘tiên hạ thủ vi cường’, sa thải ngay ba ông này trước khi bị đám woke Mỹ khui ra.
Nạn nhân đầu tiên là ông giám đốc Sáng Tạo -Creative Director- Hiroki Sasaki, bị áp lực bắt phải từ chức vì cách đây không biết mấy vạn năm, đã từng có lời nói khiếm nhã với mấy bà ‘phì nhiêu’. Thời đó, nói không sao, nhưng bây giờ nghe lại, nhiều bà sẽ nổi trận lôi đình vì tính kỳ thị phụ nữ mập phì. Báo Mỹ sẽ phạng cho chết. Ông đầu tiên ra đi.
Nạn nhân thứ nhì, ông giám đốc phần nhạc tấu trong chương trình khai mạc, Keigo Oyamada, một siêu nhạc sĩ rất nổi tiếng, cũng bị áp lực, phải từ chức vì cách đây cũng không biết bao lâu, đã từng bốc phét, khoe mình có thể ăn hiếp -bully- nhiều người. Không ai biết chi tiết ông đã làm gì và chính xác là đã nói gì với ai.
Nạn nhân thứ ba, giám đốc Chương Trình Khai Mạc, Ketaro Kobayashi một ngày trước lễ khai mạc, bị sa thải, không phải chỉ là áp lực từ chức. Vì cách đây ba chục năm, ông đã nói giỡn một câu vô ý thức, có thể bị bóp méo thành một câu có thể hiểu là ủng hộ hay ít ra coi thường việc Hitler giết mấy triệu dân Do Thái. Cái tội này quá nặng, sa thải là phải, chứ không thể cho từ chức. Chưa bị tùng xẻo là may rồi.
Cái nạn đi moi rác trong lý lịch cả đời người mà chẳng ai biết, nhớ lại hay để ý, để rồi dùng thước đo cấp tiến Mỹ năm 2021 để đánh giá một hành động hay một lời nói nào đó của mấy chục năm trước của bất cứ ai trên thế giới, kể cả những người không phải công dân Mỹ, là một môn ‘thể thao’ mới, được phe cấp tiến Mỹ tung ra dưới chiêu bài ‘phải đạo’, ‘thức tỉnh’ để ‘tiêu hủy’ -cancel- tất cả. Môn thể thao ‘đá người’ này chưa được chính thức ghi vào các bộ môn tranh đua trong TVH, nhưng đã được áp dụng ngay từ trước khi TVH chính thức khai mạc. Khiến ba nhân vật thật tài giỏi bị đá văng, mất job lãng xẹc và bất ngờ nhất.
Việc bổ nhiệm hay sa thải các chuyên gia không còn dựa trên tiêu chuẩn khả năng hay kinh nghiệm, hay thành tích quá khứ nữa, mà hoàn toàn bị chi phối bởi cái gọi là ‘phải đạo cấp tiến’ của Mỹ. Hay chính xác hơn, bởi cái văn hoá thức tỉnh và văn hoá xóa bỏ đang bộc phát mạnh dưới thời cụ lờ mờ Biden, bị cánh cực tả trong đảng DC chi phối hoàn toàn. Mà điều lạ lùng đáng nói là không ai ngờ được cái văn hóa thức tỉnh đó đã bay sang Tokyo tham dự TVH luôn rồi.
Câu hỏi không có câu trả lời là thực tế, Ủy Ban Thế Vận Nhật đã có bị áp lực gì của Mỹ trong hậu trường không?
Đó là nói về ban tổ chức, chủ nhà. Bây giờ ta coi tới các lực sĩ tham dự TVH.
Trước hết, ngồi coi các phái đoàn diễn hành vào sân vận động, thấy họ đi theo thứ tự gì, chẳng ai hiểu, chỉ biết là không phải thứ tự vần ABC theo như thường lệ. Chắc là theo thứ tự viết theo tiếng Nhật ?
Rồi bất ngờ ta thấy một phái đoàn có tên lạ, là ROC, mang cờ TVH. Chuyện thật hiếm có. Trước đây, đã có phái đoàn hợp nhất Nam và Bắc Hàn, diễn hành sau cờ của Ủy Ban Thế Vận, chứ không có cờ Nam hay Bắc Hàn, nhưng đó là có lý do chính trị dễ hiểu.
Bây giờ thì khó hiểu hơn. Tưởng ROC là Republic of China tức là Trung Cộng, nhưng không phải. Hóa ra đó là phái đoàn Nga, và ROC nghĩa là Russian Olympic Committee. Số là Nga trước đây gửi phái đoàn đi tham dự TVH, mà một số lớn lực sĩ lại được Nhà Nước Nga cho phép hay giúp đỡ hay cổ võ gì đó, cho uống thuốc kích, để các lực sĩ khỏe hơn người, là điều cấm kỵ, cốt ý để bảo vệ sức khoẻ của các thể tháo gia. Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế ra quyết định trừng phạt, cấm Nga tham dự TVH năm nay. Nhưng rồi chẳng ai hiểu điều đình trong hậu trường bằng cách nào, tất cả lại được tham dự, tuy không được tham dự với tư cách công dân Nga, mang cờ Nga, mà chỉ được tham dự với tư cách đại diện cho Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế, chi nhánh Nga, do đó phải mang cờ TVH. Lập luận căn bản là Ủy Ban Thế Vận trừng phạt chính phủ Nga vì đã cho phép lực sĩ uống thuốc kích, nên nước Nga bị phạt, chứ các lực sĩ nào không uống thuốc thì vẫn có quyền tranh tài, biểu diễn khả năng cá nhân của mình, nhưng dưới cờ TVH. Kiểu giải thích vặn vẹo và dùng biện pháp mới lạ này quả là siêu.
Phái đoàn Nga
Đưa đến việc nhiều người thắc mắc sao lại có chuyện phân chia cá nhân không phải đại diện cho một nước mà lại là đại diện cho một chi nhánh của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế. Thế mai này có một anh chị lực sĩ Mỹ da đen nào bất mãn chống Mỹ có thể tham gia không phải với tư cách đại diện cho xứ Mỹ, mà chỉ là đại diện cho TVH, chi nhánh Mỹ được không? Hay là cuối cùng, tất cả các lực sĩ đều tham gia với tư cách cá nhân hết, chẳng dính dáng gì đến xứ nào hết?
Nói tới lực sĩ Mỹ chống Mỹ, ta thấy có cô da đen Gwen Berry, lực sĩ liệng búa tạ -hammer throw. Trong cuộc thi sơ khởi, tuyển đi Nhật, cô về hạng ba, được cho lên cái bục đứng chào cờ. Khi quốc kỳ Mỹ được kéo lên trong khi quốc ca Mỹ trổi lên, thì cô Berry, đứng thõng tay, quay mặt về phiá khác. Cô dõng dạc tuyên bố đó là cách cô trình bày quan điểm chống những bất công xã hội, chống nạn kỳ thị ở Mỹ, không chấp nhận chào cái cờ xứ này, và thành tích của cô là thành tích cá nhân của cô, không phải là thành tích của nước Mỹ, là nước đã kỳ thị và chèn ép cô.
Gwen Berry quay mặt, không chào quốc kỳ
Kết cuộc, tất cả... xì hơi. Tại Tokyo, cô Berry đứng hạng thứ 11 trong 12 lực sĩ tham dự, không được huy chương gì nên khỏi ‘bị’ phải chào quốc kỳ Mỹ. Cô thoát nạn, chẳng mấy ai buồn cho cô.
Việc chào cờ hay không đã gây ra một biến cố khá nổi trong một bộ môn khác.
Phái đoàn túc cầu nữ của Mỹ, trong trận đấu trước khi khai mạc TVH, gọi là vòng loại, đã mặc đồng phục áo thung có hàng chữ ‘Black Lives Matter’ trước ngực, rồi trong lễ chào cờ, hơn một nửa cầu thủ đã quỳ gối, không chào quốc kỳ Mỹ. Kết quả bị thua 0-3.
Bà Megan Rapinoe quỳ hàng đầu, tay trái
Vào cuộc tranh đua thế vận chính thức thì khá hơn nhưng tới vòng bán kết bị Canada loại tuy cuối cùng cũng vớt vát được huy chương đồng. Đây là tin động trời đối với Mỹ, vì đội của Mỹ đã thống trị túc cầu nữ trên thế giới từ nhiều năm qua và nhiều TVH trước. Thủ quân của đội túc cầu, cô đồng tính Megan Rapinoe, cũng nổi tiếng là người ồn ào tranh đấu cho phải đạo chính trị cấp tiến, các bà đồng tính và dân da đen.
Nhìn hình người đứng, người qùy thì thấy trong nội bộ cầu thủ đã không có thống nhất quan điểm, khó cho đội bóng đi đến thành công chung. Đưa đến nhận định các bà cầu thủ này có lẽ nên bớt lo chuyện chính chị chính em, hay chuyện phải đạo chính trị vớ vẩn để chú tâm hơn vào việc cùng nhau luyện tập đá banh thì sẽ khá hơn.
Cũng may là cái đám điên đó chỉ là một nhúm thiểu số thôi, đại đa số lực sĩ đều rất yêu nước. Cô lực sĩ da đen Tamyra Mensah-Stock, sau khi đoạt huy chương vàng về đô vật, đã tuyên bố “rất hãnh diện đại diện cho nước Mỹ”.
Tamyra Mensah-Stock
TVH năm nay cũng đánh dấu một khúc quanh mới lạ, khiến ban tổ chức khá điên đầu: đó là sự tham gia của các lực sĩ… chuyển giới.
Một ông hộ pháp vua cử tạ của New Zealand tự cho mình là đàn bà, đổi tên là Laurel Hubbard, đoạt chức vô địch cử tạ nữ tại Tân Tây Lan nên được chính thức cử đi Tokyo, đại diện cho Tân Tây Lan. Cả nước rúng động. Chính xác hơn, cả thế giới ngỡ ngàng. Tuy nhiên Ủy Ban Thế Vận chấp nhận cho bà tham dự, dựa trên căn bản là ủy ban có xếp hạng các lực sĩ nam và nữ theo số lượng kích thích tố testosterone trong người để định nghĩa thế nào là đàn ông và khi nào là đàn bà. Theo ủy ban, bà Hubbard có số lượng testosterone thấp, ngang với các phụ nữ, ít hơn số lượng của các ông nhiều, do đó, bà có thể được xếp loại là đàn bà. Cho bà thi cử tạ phụ nữ.
Nữ lực sĩ Laurel Hubbard
Kết cuộc may quá không gây rắc rối hay xì căng đan nào lớn vì giống như cô Gwen Berry, bà Hubbard không xuất sắc lắm, không được huy chương gì hết. Bà Hubbard mà được huy chương, dù là đồng, thì chắc ủy ban thế vận sẽ khó giải thích với các bà lực sĩ thật.
Cũng trong câu chuyện giới tính này, đã có nửa tá các ‘bà’ lực sĩ đại diện cho vài quốc gia Phi Châu cũng rơi vào trường hợp bị đo số lượng testosterone, nhưng không giống như bà Hubbard, họ đã bị ủy ban thế vận loại, không cho tranh đua với các phụ nữ chân chính.
Hai ‘nữ’ lực sĩ chạy đua của Burundi, hai bà của Namibia, một bà của Kenya, và một bà của Nam Phi, đã bị loại không cho tham gia các cuộc thi chạy đua của phụ nữ. Các ‘bà’ này đều là siêu lực sĩ chạy đua, trong các TVH trước, đã tham dự mà không có vấn đề gì và lãnh nhiều huy chương. Nhưng năm nay, dưới tiêu chuẩn số lượng testosterone mới, đều bị loại hết vì bà nào cũng có số lượng testosterone rất cao, ngang cỡ các ông. Tất cả mấy bà này đều khiếu nại nhưng không thay đổi được gì. Không biết có phải số lượng testosterone trong các phụ nữ Phi Châu bình thường cao hơn phụ nữ da trắng hay không.
Vấn đề của mấy bà này rất… mới lạ. Đối với cá nhân kẻ mù mờ này thì phải nói là quái lạ mới đúng. Đây là mấy bà … phụ nữ thật, không phải đàn ông chuyển giới, sanh ra là con gái, nhưng rồi lớn lên, dần dần biến thành đàn ông. Tiếng Mỹ gọi đây là những người lưỡng giới, hay cisgender. Xin quý độc giả đừng hỏi thêm kẻ này, mà nên đi hỏi bác sĩ, chứ kẻ này mù tịt, chẳng hiểu nghĩa là gì. Chỉ nhìn hình thì thấy có vẻ… không giống mấy bà cho lắm.
Nữ lực sĩ ‘lưỡng giới’ Caster Semenya của Nam Phi
Trong tinh thần tôn trọng văn hóa ‘thức tỉnh’ và ‘hủy bỏ’ thời thượng mới (woke and cancel culture), Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã quyết định loại bỏ môn chạy bộ 50 km.
Lý do? Môn này đòi hỏi sức khoẻ vô hạn, từ trước đến giờ chỉ dành cho đàn ông tham dự, không có đàn bà. Trong tinh thần ‘nam nữ bình quyền’, Ủy Ban bây giờ có ba lựa chọn: cho các bà tham dự cùng các ông: không ổn vì các bà sẽ thua xa; mở thêm bộ môn này dành riêng cho phụ nữ thì khó vì ít bà có thể chịu đựng nổi; và bỏ bộ môn này: đó là quyết định của Ủy Ban. Một bộ môn thể thao bị loại bỏ vì văn hóa thức tỉnh.
Nhưng câu chuyện quái lạ gây tiếng vang lớn nhất, phải là chuyện cô Simone Biles. Đây là cô da đen năm nay 24 tuổi, một thiên tài không hơn không kém, đã từng đoạt tới 32 huy chương vô địch trong nhiều kỳ TVH cũng như trong nhiều cuộc tranh tài thế giới trước đây, về đủ bộ môn thể dục nữ -woman gymnastics. Cả thế giới phải nhìn nhận thực tế, cô này là đại vô địch, độc cô cầu bại, không ai sánh ngang được. Năm nay, cả thế giới đều tin chắc cô sẽ lãnh hết huy chương vàng về thể dục nữ.
Bất ngờ, trong cuộc thi đấu đầu tiên vòng loại, cô làm lỗi lầm tứ tung, lãnh điểm rất thấp. Sau đó, cô chính thức cho biết rút lui khỏi trận đấu tiếp. Rồi cô liên tục rút lui khỏi 6 bộ môn khác. Cô giải thích rút lui để cả đội Mỹ đỡ mất điểm vì cô. Bộ môn cuối cùng, cô tham gia trở lại, nhưng chỉ được huy chương đồng.
Chuyện gì đã xẩy ra?
Khám phá ra cô Biles bị một chứng bệnh hết sức lạ, tiếng Mỹ gọi là ‘twistie’. Kẻ này không phải bác sĩ, nên không hiểu gì, chỉ biết lờ mờ là khi mắc chứng bệnh này thì con người khi nhào lộn trên cao, bất thình lình bị chóng mặt, mất phương hướng, không biết đâu là trời, đâu là đất, mình đang ở vị thế nào, không kiểm soát được việc nhào lộn trên không và đứng xuống đất.
Đây là lần đầu tiên kẻ này nghe nói về cái bệnh này, mà lại xẩy ra cho một cô vô địch thế giới, thật đúng là lạ, chưa từng thấy. Thật là bị oan và đáng tội nghiệp.
Chuyện lạ liên hệ là sau khi cô Biles rút lui thì một cô trong phái đoàn Mỹ nhẩy ra thay thế, và tài giỏi thay, mau mắn lãnh huy chương vàng trong một bộ môn ngay. Đó là cô Sunisa Lee, hay Suni Lee, năm nay mới 18 tuổi. Điểm đặc biệt của cô này là cô là dân Hmong tị nạn Mỹ, sống tại Saint Paul, tiểu bang Minnesota, là nơi có cộng đồng Hmong lớn nhất Mỹ.
Cô bắt đầu nhẩy vào môn thể dục năm 6 tuổi và chỉ vài năm sau, khi 11 tuổi là cô đã bắt đầu chiếm được nhiều giải thưởng địa phương.
Sunisa Lee và Simone Biles
Một vài anh tị nạn ‘thấy sang bắt quàng làm họ’, mau mắn nhận bà con, cho là cô này là một dân thiểu số VN. Sự thật không phải vậy. Cô Sunisa Lee sanh ra là Sunisa Phabsomphou, là dân Hmong Lào, sanh tại Saint Paul sau khi bố mẹ là dân Hmong Lào di tản qua Mỹ. Bà mẹ sau đó ly dị chồng Lào và lấy chồng Mỹ tên là John Lee, và cô Sunisa quyết định lấy họ của bố ghẻ, thành Sunisa Lee.
Dân Hmong là một sắc dân sống rải rác trên 5 nước là Tầu, VN, Lào, Thái và Myanmar. Tiếng Việt thường gọi là dân Mèo, không phải là Mường như kẻ này đã tưởng trước đây.
Trong chiến tranh VN, CIA Mỹ thu phục được một số dân Hmong bên Lào, tiếp tay đánh Pathet Lào cộng, cũng như phá rối đường mòn HCM của CSBV. Năm 75, Mỹ đã giúp di tản những lực lượng Hmong này qua Mỹ tị nạn CS.
Đó là tin vui, nhưng tin không vui tiếp theo là cô Sunisa Lee sau đó đã tương đối bớt thành công trong các bộ môn thể dục khác. Trong nửa tá bộ môn, cô chỉ có được một huy chương bạc và một huy chương đồng. Cô đã phải nhìn nhận việc cô chiếm huy chương vàng đã khiến cô bị sốc quá mạnh, bị phân tâm, bỏ quá nhiều thời giờ ra ôm điện thoại để hý hửng nói chuyện hay tuýt với các fans. Số fans hâm mộ cô đã tăng từ vài ngàn người lên đến gần một triệu trong vài ngày, khiến cô bị ‘say sóng’ vì thành công và nổi tiếng quá mạnh quá nhanh. Khó trách một cô bé mới 18 tuổi. Cô này sẽ còn lãnh nhiều huy chương trong tương lai. Hy vọng.
Tổng cộng so với 2016, Mỹ năm nay lãnh ít hơn 8 huy chương, trong khi TC lãnh nhiều hơn tới 18 huy chương. Số huy chương vàng của Mỹ giảm mất 7, trong khi TC có thêm 12 huy chương vàng.
Tổng kết:
- Có 206 phái đoàn tham dự, 86 nhận được huy chương.
- VN có 18 lực sĩ tham dự trong 11 bộ môn; được đúng zero huy chương, tất cả đều bị loại ngay trong vòng loại đầu tiên. Nếu có giải ăn nhậu, chắc các lực sĩ VN sẽ chiếm huy chương vàng.
TVH năm nay thật là nhiều chuyện quái lạ. Một đại hội thể thao thế giới đúng ra phải tạo đoàn kết, phấn khởi cho cả nhân loại, càng ngày càng bị chính trí phải đạo chen vào, chi phối biến thành chuyện phải đạo hay trái đạo. Dĩ nhiên di hại đến thành quả thể thao luôn. Phải đợi tới ngày cuối cùng Mỹ được thêm 3 huy chương vàng nên kết cuộc hơn Trung Cộng được đúng một huy chương vàng. Hú hồn!
ĐỌC THÊM:
10 điều đáng nói về TVH – New York Magazine:
https://nymag.com/intelligencer/2021/08/10-takeaways-from-the-very-weird-tokyo-olympics.html
10 điều đáng nhớ về TVH – Sport Illustrated:
https://www.si.com/olympics/2021/08/09/10-things-we-will-remember-about-tokyo-2020-very-olympic-today
Bảng tổng kết huy chương – The Guardian:
https://www.theguardian.com/sport/ng-interactive/2021/aug/06/tokyo-2020-olympics-full-medal-table