Saturday, August 7, 2021

BÀI 189: TỐI CAO PHÁP VIỆN

    Gần đây, trên Diễn Đàn Trái Chiều, đã có cuộc tranh luận khá sôi nổi về Tối Cao Pháp Viện (TCPV). Khá sôi nổi nhưng rất hữu ích vì đã để lộ ra việc rất nhiều người không hiểu rõ định chế quan trọng này.

    TCPV bất thình lình trở thành một thứ… tắc kè đổi màu theo ý riêng của thiên hạ. Đó là một định chế tuyệt vời khi thấy có phán quyết hợp ý mình, nhưng lại đổi màu, thoát xác thành một thứ quỷ dạ xoa khi phán quyết khác ý mình. Tất cả mọi người trong đám dân đen cũng bất thình lình trở thành chuyên gia về luật lệ và Hiến Pháp Mỹ, sẵn sàng phóng bút khen chê các thẩm phán TCPV. Thậm chí, nhiều người cũng bất thình lình trở thành … thánh sống tuyệt hảo, công kích các thẩm phán TCPV là dốt, phe đảng, bị mua chuộc, hèn nhát, phản bội vì tham quyền, …, không đáng làm thẩm phán TCPV. Thật là oai !

    Có lẽ đã đến lúc phải tìm hiểu sâu xa hơn về TCPV.

    Trước hết, xin phép lướt qua quá trình lịch sử của TCPV.

    Đây là định chế ra đời năm 1789, cách đây hơn 230 năm, qua điều 3 của Hiến Pháp. Đây là ‘cơ quan’ cao nhất trong ngành Tư Pháp, có toàn quyền ra phán quyết cuối cùng về việc diễn giải và tuân thủ Hiến Pháp. 

    Trên căn bản, TCPV là một trong 3 định chế nền tảng -foundational institutions- của thể chế chính trị Mỹ, dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, cân bằng nhau và kiểm soát lẫn nhau. Đại khái một cách sơ sài nhất, lập pháp tức là quốc hội ra luật, hành pháp tức là tổng thống và nội các thi hành luật, và tư pháp tức là các tòa và TCPV bảo đảm việc tuân thủ luật. Cần ghi nhận cho rõ, TCPV không xử các vụ án dân sự hay hình sự, mà chỉ xử những vụ liên quan đến Hiến Pháp thôi. 

    Thuần túy trên phương diện tổ chức, các vụ thưa kiện phải được xử ở cấp sơ thẩm trước, sau đó, có khiếu nại thì lên cấp kháng án, và cuối cùng lên tới TCPV. Phán quyết của TCPV có tính cách tối hậu, bất khả phản kháng mà tất cả mọi người, từ anh công dân bình thường cho tới tổng thống đều phải tôn trọng, bất kể đồng ý hay không đồng ý, mà không khiếu nại với ai được hết. 

    TCPV gồm có một vị Chánh Thẩm gọi là Chief Justice, và 8 quan tòa gọi là Justices. Những vị này do tổng thống bổ nhiệm nhưng phải được thượng viện phê chuẩn. Tất cả đều được tại vị vĩnh viễn, cho đến ngày họ qua đời, hay tự ý từ chức, hay bị đàn hặc và truất nhiệm bởi thượng viện.

    Vì TCPV có tiếng nói cuối cùng tuyệt đối trong khi các thẩm phán tại vị vĩnh viễn, việc tuyển chọn thẩm phán phải trải qua một tiến trình cực kỳ khó khăn, với tổng thống chọn và bổ nhiệm và thượng viện phê chuẩn. Việc bổ nhiệm thẩm phán dĩ nhiên phần lớn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của các thẩm phán, nhưng cũng tùy thuộc vào tổng thống là người bổ nhiệm, và đa số thượng nghị sĩ là những người biểu quyết phê chuẩn. Tất cả đều là những người có kinh nghiệm, uy tín, thành tích hơn người, và bị sưu tra lý lịch hơn bất cứ chức vụ nào khác.

    Những thẩm phán được tổng thống chọn đều đã được lựa chọn trước trong hàng ngũ cả ngàn người có đủ khả năng và kinh nghiệm, bởi một nhóm phụ tá và cố vấn của tổng thống, cùng với ý kiến của không biết bao nhiêu người khác như các nghị sĩ, dân biểu, luật gia, học giả,…, nghiên cứu cả vạn tài liệu như phán quyết, sách hay tài liệu họ đã viết, kẻ cả những luận án từ thời sinh viên luật, luôn cả FBI điều tra về quá trình lý lịch cá nhân tới không biết bao nhiêu đời gia đình. Sau khi được tổng thống bổ nhiệm, tới phiên các nghị sĩ thượng viện điều tra thêm cả mấy tháng trời, rồi điều trần, tra hỏi, đi đến biểu quyết phê chuẩn cuối cùng. Đại đa số là những quan tòa kinh nghiệm pháp lý cùng mình, tuy cũng có ít vị không có kinh nghiệm luật, nhưng có thành tích lớn nào đó, như một chính trị gia ở cấp cao nhất, hay một chuyên gia, giáo sư gì đó. Đã có nhiều lời đồn phe DC muốn đưa cựu TT Obama hay bà Hillary vào TCPV, tuy TT Obama có nhiều hy vọng hơn vì trẻ hơn, có thể ngồi trong TCPV ít ra 15-20 năm, ít tai tiếng hơn bà Hillary và vẫn còn được hậu thuẫn mạnh trong đảng DC. Vấn đề là ông Obama có nhận làm thẩm phán em út, ít thâm niên nhất không.

    Con số 9 vị thẩm phán có thể được quốc hội thay đổi. TT Roosevelt năm xưa bực mình vì một số chính sách của ông bị các thẩm phán bảo thủ bác bỏ vì vi Hiến, đã có ý định tăng cường số thẩm phán để ông có thể bổ nhiệm một số đồng minh chính trị cấp tiến vào TCPV, đã bị chống đối mạnh từ cả hai chính đảng nên phải bỏ ý định. Hiện nay, TCPV có vẻ như do đa số thẩm phán bảo thủ chi phối nên đảng DC đang có ý muốn tương tự như TT Roosevelt, tăng cường số thẩm phán để mang thế đa số lại cho phe cấp tiến. Cho dù thực hiện được thì cũng là giải pháp thiển cận nhất. Phe DC ỷ thế đa số làm càn, mà không nghĩ tới việc mai này phe CH chiếm được đa số sẽ tăng số thẩm phán nữa sao? Tăng qua tăng lại, cuối cùng đi đến đâu?

    Cuộc tranh cãi bảo thủ - cấp tiến này đã khiến cho các thẩm phán rất bực bội vì thứ nhất, có tính coi thường họ chỉ là những thẩm phán thiếu công tâm, không chuyên nghiệp, phán quyết theo tính phe đảng chứ không còn là những người diễn giải Hiến Pháp một cách trung thực nữa; và thứ nhì có hậu quả là muốn biến TCPV thành một công cụ đảng phái, chứ không còn là một định chế độc lập trong thể chế tam quyền phân lập, ngang với hành pháp và lập pháp nữa.

   Ở đây, phải nói cho rõ vấn đề định nghĩa bảo thủ và cấp tiến trong hệ thống tư pháp nói chung và TCPV nói riêng, có ý nghĩa khác xa ý nghĩa thiên tả thiên hữu bình thường trong chính trị.

    Trong tư pháp, bảo thủ được dùng để chỉ những thẩm phán tuyệt đối tuân thủ Hiến Pháp từ hình thức đến nội dung, thậm chí còn cố gắng tìm hiểu ý định của một điều luật trong Hiến Pháp, xem các Cha Già Lập Quốc khi viết ra đã có ý nghĩ gì, ý nghĩa sâu xa là gì, vì lý do gì, với ý định gì. Trong khi đó, cấp tiến có nghĩa là vẫn cố tôn trọng Hiến Pháp nguyên thủy, nhưng tìm cách áp dụng uyển chuyển theo thay đổi của thời thế, nghĩa là tìm cách cập nhật một tài liệu đã được thảo ra cách đây gần 300 năm. Nếu có chính trị xen vào thì đó là việc phân quyền giữa liên bang và tiểu bang. Phe bảo thủ chủ trương tôn trọng quyền của tiểu bang nhiều hơn, trong khi phe cấp tiến chủ trương một Nhà Nước liên bang vú em với quyền hành chi phối tất cả các tiểu bang.

    Định nghĩa chính trị hay kinh tế, bảo thủ là thiên hữu nghĩa là thiên về tư bản chủ nghĩa, hay cấp tiến là thiên tả tức là thiên về xã hội chủ nghĩa không áp dụng trong TCPV. 

    Việc tuyển chọn này đã thay đổi rất nhiều trong lịch sử cận đại, nhất là trong khoảng 20-30 năm sau này. Một thí dụ cụ thể nhất là thẩm phán Antonin Scalia do TT Reagan bổ nhiệm. Ông này khi đó nổi tiếng là cực kỳ bảo thủ, dù vậy cũng đã được thượng viện phê chuẩn năm 1986 với số phiếu 98-0, tất cả các nghị sĩ DC cấp tiến cũng đều chấp thuận hết. Thời đó, kinh nghiệm và uy tín một thẩm phán được coi là những yếu tố duy nhất để bổ nhiệm, không cần biết quan điểm bảo thủ hay cấp tiến. Bây giờ thì trái lại hoàn toàn, bảo thủ hay cấp tiến đã trở thành yếu tố then chốt nhất trong việc phê chuẩn trong khi kinh nghiệm bị gạt qua và uy tín thì bị phá nát. Chỉ cần nhìn vào việc phê chuẩn đại loạn còn hơn thế chiến thẩm phán bảo thủ Bret Kavanaugh do TT Trump đề cử thì thấy rõ.

    Dựa trên định nghĩa bảo thủ - cấp tiến trên, thì hiện nay trong TCPV có 6 vị bảo thủ (John Roberts, Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, Bret Kavanaugh và Amy Barrett) và 3 vị cấp tiến (Stephen Breyer, Elena Kagan và Sonya Sotomayor). Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả các phán quyết đều theo tỷ lệ 6-3. Trái lại, đã có nhiều trường hợp đạt được tỷ lệ 9-0 như trang Tin Tức của Diễn Đàn Trái Chiều đã từng loan tin, hay cũng có nhiều trường hợp một thẩm phán bảo thủ biểu quyết cùng phe với một thẩm phán cấp tiến, hay ngược lại. 

    Cho thấy việc phân chia ranh giới bảo thủ - cấp tiến quá đơn giản, không phản ảnh được tính phức tạp của những phán quyết của TCPV. Bảo thủ cũng có bảo thủ nặng như TP Clarence Thomas, hay bảo thủ nhẹ như TP John Roberts, trong khi cấp tiến cũng có cấp tiến nặng như bà Ginsburg, và cấp tiến nhẹ như ông Breyer. 

   Các phán quyết của TCPV luôn luôn phải kèm theo lời giải thích rất chi tiết, có khi cả trăm trang trong đó nêu lên không biết bao nhiêu luật, bao nhiều tiền lệ,… do các phụ tá đều là những siêu luật gia sưu tầm và biên soạn. Phe không đồng ý cũng sẽ có lời giải thích tương tự, tại sao không đồng ý. Những giải thích hai chiều đó sẽ được cả ngàn quan tòa và cả vạn luật sư nghiên cứu chi tiết và kỹ lưỡng nhất. Và cả trăm trường luật dạy lại cho sinh viên. Chỉ nhìn vào đó là thấy tính cách nghiêm chỉnh, quan trọng, phức tạp và khó khăn của một phán quyết của TCPV. Không như các cụ tị nạn, hầu hết chưa học luật nửa ngày, chưa bao giờ đọc kỹ và hiểu một phán quyết, nhưng khi không đồng ý , rất mau mắn sỉ vả các thẩm phán đủ tội như đã viết từ đầu bài.

    Ngay đây, cũng phải nói thêm về trường hợp chánh thẩm John Roberts. Trong thời gian gần đầy, ông đã nhiều lần biểu quyết cùng phe với các thẩm phán cấp tiến, đưa đến nhiều tố cáo là ông này “thiên tả”, hay “phản đảng”. Chỉ là những tố giác chủ quan và hời hợt.

   Ông Roberts trên căn bản là một thẩm phán bảo thủ, được TT bảo thủ Bush con chẳng những bổ nhiệm làm thẩm phán, mà còn bổ nhiệm luôn làm chánh thẩm năm 2005. Ông được tất cả các nghị sĩ bảo thủ CH ủng hộ, được phê chuẩn với tỷ lệ 78-22, với 22 phiếu chống từ phiá cấp tiến DC, trong đó có các nghị sĩ Joe Biden, Chuck Schumer, Ted Kennedy, Diane Feinstein,… 

    Những năm đầu, ông phán quyết tuyệt đối theo cánh bảo thủ, nhưng sau này, đã có vẻ trung dung hơn. Đã có nhiều lời giải thích, tuy lời giải thích nghiêm chỉnh nhất là việc trong vai trò chánh thẩm, ông quan tâm nhiều đến uy tín của TCPV, lo ngại TCPV sẽ mang tiếng bị phe bảo thủ chi phối hoàn toàn, mất tính công tâm, mất uy tín. Do đó, có những trường hợp không quan trọng lắm, đã đứng về phe cấp tiến.

    Trở lại TCPV, cũng phải nói thêm, TCPV có khi cũng không thụ lý một vụ kiện nào đó, và lý do có thể hay không cần nêu ra. Bình thường, nếu không đưa ra lý do thì có nghĩa là vụ án ngoài thẩm quyền của TCPV, chẳng hạn như TCPV không thụ lý vụ các luật sư của TT Trump kiện Pennsylvania trong vụ gian lận bầu cử, vì tôn trọng quyền của các tiểu bang ra luật về bầu cử trong tiểu bang.

    Đó là cái nhìn tổng quát chung. Bây giờ ta xem qua một vài tố giác của những người chống đối, chỉ trích TCPV. Phải nói ngay, phần lớn những chỉ trích, oái ăm thay, không phải đến từ phe cấp tiến, khiếu nại là họ chỉ có ba vị thẩm phán đại diện, mà lại đến từ những người ủng hộ TT Trump một cách cực đoan nhất vì họ bực TCPV đã không bảo vệ ông Trump khiến ông thất cử.

    Đại khái TCPV phạm tội qua vài phán quyết lớn như Obamacare, DACA, và gian lận bầu cử. Ta thử xét qua những vụ trên như những thí dụ điển hình của tố giác vớ vẩn.


OBAMACARE

    Một anh tị nạn cuồng mê Trump cho rằng một tòa kháng án đã phán Obamacare vi hiến, nhưng chánh thẩm John Roberts lại “theo đám cánh tả cho là vi hiến”, nghĩa là ông Roberts đã “không trung dung và không còn uy tín làm thẩm phán nữa”. Đúng là một lập luận dấm dớ nhất mà cũng dám nói lên.

    Sự thật là Obamacare tự nó, chưa bị kiện lần nào, mà trong Obamacare đã có một quy định bị kiện hai lần, một quy định có tính sinh tử cho Obamacare: đó là quy định không có bảo hiểm y tế sẽ bị phạt một số tiền.

    Lần đầu ra tòa vì nhiều tiểu bang kiện việc phạt này, cho rằng liên bang không có quyền áp đặt một hình thức tiền phạt -penalty- nào lên tất cả các tiểu bang, có tính cách lấn quyền. Cần ghi nhận cho rõ: kiện việc phạt thôi, chứ không phải kiện toàn bộ Obamacare vi hiến, khác rất xa. Kiện lên kiện xuống, cuối cùng lên tới TCPV. Ở đây, chánh thẩm John Roberts đứng về phe cấp tiến, phán tiền phạt đó thật ra là một loại thuế liên bang mặc dù TT Obama khi đó biện giải không phải là thuế. Vì đó là thuế nên chính quyền liên bang có quyền áp đặt lên tất cả các tiểu bang vì Hiến Pháp liên bang cho phép liên bang ra luật thuế cho cả nước.

    Quý độc giả có thể thấy phán quyết này hoàn toàn dựa trên định nghĩa thế nào là thuế, chẳng liên quan gì đến cánh tả cánh hữu gì hết. Nó có hại cho TT Obama vì chứng minh ông đã nói láo với dân khi khẳng định tiền phạt không phải là thuế. Nhưng phán quyết đó cũng đã cứu sống Obamacare vì Obamacare hoàn toàn dựa trên tiền phạt này, nếu không ép buộc qua hình thức phạt, không ai mua Obamacare thì Obamacare sẽ xập tiệm sớm. 

    Tay độc giả chống ông Roberts nêu lên vấn đề một cách sai lầm khi tố ông Roberts là “thiên tả” khi phán Obamacare hợp hiến, trong khi một tòa kháng án cấp dưới đã phán vi hiến. Thật ra, chẳng có tòa nào bàn về Obamacare vi hiến hay hợp hiến, mà chỉ bàn về việc Obamacare có quyền bắt dân đóng tiền phạt hay không thôi. Hơn nữa, thiên tả hay không chẳng dính dáng gì đến phán quyết của TCPV như đã bàn ở phần trên.

    Năm 2017, TT Trump ra luật cải tổ thuế, trong đó ai cũng biết là giảm thuế lợi tức đồng loạt cho tất cả mọi người, và cho các công ty. Điều ít người để ý hơn là luật cải tổ thuế đó cũng hủy tiền phạt hay ‘thuế Obamacare’ luôn. Vì là thuế, nên TT Trump có quyền hủy bỏ trong khuôn khổ luật thuế mới. 

    Một số tiểu bang bảo thủ cầm đầu bởi Texas đã khởi kiện ngay, cho rằng nếu thuế này đã bị hủy bỏ thì Obamacare dựa trên thuế này cũng không còn lý do để áp đặt lên tất cả các tiểu bang, phải bị thu hồi. Vụ kiện lần thứ hai. Kiện thẳng lên TCPV ngay, không qua tòa dưới nào. TCPV từ chối không thụ lý, dựa trên lý do Texas và các tiểu bang kiện chẳng bị thiệt thòi gì qua Obamacare, nên không có tư cách pháp lý để kiện. Theo luật Mỹ, muốn kiện thì người kiện phải là nạn nhân, chịu thiệt hại dưới một hình thức nào đó, còn không thì không có quyền kiện. Nên ghi nhận cho rõ là TCPV không thụ lý chứ không phải là thụ lý vụ kiện rồi ra phán quyết các tiểu bang kiện đã sai. 

    Vì không thụ lý nên không đụng đến việc TT Trump ngưng phạt, do đó, Obamacare mất tính bắt buộc, ai không có bảo hiểm y tế cũng chẳng sao, không phải đóng tiền phạt nữa.

    Về tố cáo của ông độc giả, cho rằng ông Roberts mất “trung dung và uy tín” khi biểu quyết trái với tòa kháng án, thì đây là loại tố giác vớ vẩn nhất. Tòa kháng án là tòa dưới, nên quyết định của TCPV tất nhiên có giá trị hơn. Khi ông độc giả đó nói tòa kháng án phán vi hiến mà ông Roberts lại cho là hợp hiến thì có nghĩa là ông Roberts đã sai, mất trung dung, mất uy tín, là nói chuyện bá láp phe đảng vớ vẩn. Trong bất cứ một tổ chức nào, cấp trên có quyết định khác cấp dưới thì không thể chỉ trích là cấp trên sai, mất uy tín. Những ai đã đi lính đều biết rõ hệ thống quân giai, khỏi cần bàn thêm. 

    Còn trách một mình ông Roberts thì chỉ là nhận định chủ quan phe đảng vô giá trị. Cả hai phán quyết về Obamacare đều không phải chỉ do một mình ông Roberts quyết định. Vụ tiền phạt dựa trên biểu quyết 5-4 tức là đã có 4 thẩm phán khác đồng ý với ông Roberts; và việc không thụ lý vụ kiện của Texas là quyết định 7-2, tức là đã có 6 thẩm phán khác đồng ý với ông Roberts, trong đó có ông Clarence Thomas là thẩm phán bảo thủ nhất.

https://www.taxpolicycenter.org/taxvox/supreme-court-says-health-care-mandate-constitutional-tax

https://apnews.com/article/supreme-court-dismisses-obamacare-challenge-67cc2e9604a70b1b329c5f3b4177a688


DACA

    Danh từ này chỉ một sắc lệnh -không phải luật do quốc hội ban hành- của TT Obama có tên là Deferred Action For Childhood Arrivals, cho phép đám con nít di dân được ở lại Mỹ. Đây là đám con nít gốc Trung Mỹ và Mễ bị bố mẹ trao cho đám buôn người mang lậu qua Mỹ, với hy vọng được ở lại Mỹ, đến khi trưởng thành, trở thành công dân Mỹ, sẽ bảo lãnh cả họ qua Mỹ.

    TT Obama ra sắc lệnh hoãn việc trục xuất đám này, và tiếp tục nhận thêm cũng như gia hạn mỗi năm cho chúng tiếp tục ở lại. TT Trump nắm quyền, ký sắc lệnh ngưng chương trình này, nghĩa là không nhận thêm, không gia hạn, và sau đó, có thể trục xuất đám này về nguyên quán.

    Quyết định của TT Trump bị vài tổ chức DC cấp tiến kiện. Lên đến TCPV, ông John Roberts đứng về phe cấp tiến, phán bộ An Ninh Lãnh Thổ -Department of Homeland Security- không được thi hành lệnh ngưng DACA, không phải vì vi Hiến, mà là vi phạm một thủ tục hành chánh trong luật gọi là Administrative Procedures Act -APA. Đại khái quyết định của  bộ An Ninh Lãnh Thổ đã được lấy mà không cứu xét kỹ hậu quả cho mấy đứa trẻ, cũng như không chứng minh rõ ràng sự cần thiết của quyết định ngưng thi hành DACA.

   Ở đây, không ai nói gì về tính hợp hiến hay vi hiến. Mà cũng chẳng ai nói tới sắc lệnh của TT Trump hết. Nói DACA vi hiến nhưng lại được TCPV chấp nhận là nói bá vơ, chẳng hiểu gì về câu chuyện. TCPV không nói DACA vi hiến hay hợp hiến, mà chỉ phán quyết định của bộ An Ninh vi phạm luật hành chánh APA. Trái lại, TCPV đã để cửa ngỏ để có thể kiện DACA trên căn bản vi hiến ngay từ sắc lệnh của TT Obama. Hiện nay, Texas và một số tiểu bang khác đã kiện DACA vi hiến. Chuyện chưa ngã ngũ.

https://www.nilc.org/issues/daca/alert-supreme-court-overturns-trump-administrations-termination-of-daca/


GIAN LẬN BẦU CỬ

    Đây dĩ nhiên là bài ca con cá vàng thiên hạ đã được nghe mệt nghỉ: TCPV phe đảng với cánh thiên tả DC, bác các đơn kiện của TT Trump, giúp cụ Biden đắc cử.

    Trong vụ này, ngay cả các thẩm phán do chính TT Trump bổ nhiệm cũng đã biểu quyết bất lợi cho ông, và họ đã bị những người cuồng mê Trump sỉ vả một cách hết sức phi lý là các thẩm phán này đã hoặc là bị mua chuộc bằng tiền của Trung Cộng, hoặc là chết nhát vì bị phe DC dọa giết, hoặc là đã phản bội TT Trump vì tham quyền gì đó.

    Kẻ này ủng hộ TT Trump tuyệt đối, tất cả độc giả DĐTC đều đã biết từ lâu nay. Và dĩ nhiên rất thất vọng khi thấy TCPV có phán quyết bất lợi cho ông Trump. Tuy nhiên không thể đồng ý với những tố giác vô lý này. Khi DĐTC này phân tích kết quả bầu cử, có viết rất rõ về những chuyện gian lận, và mới đây cũng viết thêm về chuyện này nữa và cũng đã giải thích rất rõ ràng tại sao TCPV kể cả những thẩm phán do chính TT Trump bổ nhiệm đã có phán quyết bất lợi cho TT Trump (xin xem link dưới đây). 

    Ở đây, chỉ xin nhắc lại sơ qua: các tiểu bang then chốt vùng Đại Hồ như Pennsylvania, Michigan, và Wisconsin mánh mung sửa luật bầu bằng thư vào giờ chót. Viện cớ mối nguy lây lan COVID, họ thả lòng tối đa việc bầu bằng thư: ai bầu bằng thư cũng được, không cần lý do, cũng chẳng cần kiểm chứng, kiểm tra chữ ký, hay có hai nhân chứng. Việc kiểm phiếu cũng được đơn giản hóa tối đa, không còn hai nhân chứng của hai đảng kiểm phiếu nữa. Đưa đến tình trạng bất thình lình có cả triệu phiếu bầu bằng thư, tuyệt đại đa số đều bầu cho cụ Biden, một chuyện cực kỳ phi lý dựa trên kinh nghiệm cả mấy chục lần bầu cử tổng thống trước đây.

    Phe TT Trump kiện, nhưng bị TCPV bác, chỉ vì Hiến Pháp có quy định rất rõ rệt các tiểu bang có toàn quyền ấn định, ra luật bầu cử mà chẳng ai có quyền cản. Cái mỉa mai là đây là việc tôn trọng Hiến Pháp tuyệt đối, mà các thẩm phán mà TT Trump bổ nhiệm lại là những người ‘bảo thủ’ chủ trương tôn trọng Hiến Pháp một cách vô điều kiện, nên đều bác các đơn kiện của TT Trump.

https://diendantraichieu.blogspot.com/2021/07/bai-184-gian-lan-bau-cu.html


KẾT

    Trong cơn bực tức vì TT Trump thua bầu cử, nhiều người đã hô hoán các thẩm phán do TT Trump bổ nhiệm đã ‘phản bội’ ông Trump vì đủ thứ lý do hết sức vô lý như nhận tiền hối lộ của TC hay sợ bị DC giết chết.

    Thứ nhất, phải hiểu cho rõ, chẳng có gì là ‘phản bội’ hết. Các thẩm phán không có người nào tuyên thệ sống chết bảo vệ hay trung thành tuyệt đối với ông Trump hay bất cứ cá nhân nào khác, mà chỉ tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp thôi. Thứ nhì, chuyện nhận tiền hối lộ của TC chỉ là chuyện suy bụng ta ra bụng người thôi. Việc quan chức ăn hối lộ là chuyện bình thường ở VN hay các xứ chậm tiến, không dễ có ở Mỹ. Thứ ba, việc giết một thẩm phán TCPV không thể là chuyện nói lăng nhăng cho đỡ tức, nói bậy đi tù như chơi.

    Dĩ nhiên tất cả các thẩm phán, không ai là một bộ máy vô tri vô giác, mà đều là người, với đủ hỷ nộ ái ố, nhưng dù sao thì họ cũng hơn xa chúng ta về hiểu biết về luật cũng như về mọi việc khác, nhận định, suy nghĩ và tư cách. 

    Trong một chế độ tự do tư tưởng, ai cũng có quyền đồng ý hay không đồng ý với các quyết định của TCPV. Nhưng từ đó đi đến việc miệt thị, bôi bác, khi khác ý, thì chỉ chứng tỏ những người tố mang tính phe đảng quá nặng và đã đi quá xa.