Friday, May 2, 2025

BÀI 384: TRUMP ĐANG LÀM GÌ

     Trong vài bài nhận định mới đây, DĐTC đã từng viết qua TT Trump hiển nhiên không phải là một loại chính khách một hai dành giựt cho bằng được một cái chức nào đó, chức tổng thống chẳng hạn, vì tham vọng cá nhân, sau khi đã có quá dư tiền bạc, danh vọng, hạnh phúc gia đình, có luôn tất cả mọi 'thụ hưởng vật chất' mà con người có thể mơ tưởng được, bây giờ muốn thêm cái ghế tuyệt đỉnh của quyền lực, tổng thống của đại cường lớn mạnh nhất thế giới, để... "có quyền làm độc tài phá nát nước Mỹ" như đám vẹt hô hoán.

    Nhìn dưới khía cạnh này thì ít ai có thể chối cãi cụ Biden chính là loại người một hai bằng mọi giá, mọi cách, kể cả gian trá và gian lận để cuối hành trình của sự nghiệp chính trị, leo lên được cái ghế đỉnh chung, ôm cứng, không làm gì để đời hay 'tạo thời thế' gì ráo mà chỉ để thoả mãn tham vọng cá nhân là mình đã leo lên tới đỉnh của sự nghiệp chinh trị, không thể cao hơn. Đó là điều đáng mừng cho cụ, nhưng điều đáng buồn cho cụ là cụ sẽ đi vào lịch sử như một tổng thống tệ hại nhất, mù quáng bởi tham vọng cá nhân tới độ chính các đồng chí của cụ phải xúm lại lôi cụ xuống.

Ông Trump là con người như thế nào?

    Qua một nhiệm kỳ 4 năm dở dang và 3 tháng nhiệm kỳ thứ nhì, tuy ngắn ngủi, nhưng đã quá đủ để lịch sử nhận định ít nhiều về con người ông Trump.

    Qua các trang mạng cộng đồng, hệ thống emails của cộng đồng tị nạn cũng như cả cộng đồng Mỹ và thế giới, thiên hạ đã có dịp đọc hàng vạn, hàng triệu, hàng tỷ phê phán, ca ngợi hay công kích ông Trump. Con người ông Trump có điểm đặc biệt là kích động lên những cảm giác mạnh nhất, hoặc ủng hộ tuyệt đối, hoặc chống đối cũng tuyệt đối, không bao giờ có người nào có thể lửng lơ, hững hờ khi nghe tên ông, trừ phi không bao giờ để ý tới chính trị. Lạ lùng hơn nữa, Trump cũng là người có thể biến đổi một người từ cuồng chống trở thành cuồng mê Trump, hay ngược lại, đang cuồng mê bất thình lình trở thành cuồng chống. Chuyện này các nhà phân tâm học sẽ có dịp nghiên cứu dài dài. Vũ Linh này mù tịt chuyện phân tâm học, nên xin miễn bàn thêm.

    Ông Trump hoàn toàn không giống một chính trị gia tiêu biểu, trước khi nói phải uốn lưỡi cả chục lần, làm gì cũng cân nhắc hậu thuẫn chính trị. Trái lại, ông là người tự cho mình một trách nhiệm nếu thấy việc cần phải làm là làm, nói là làm, chẳng nể nang ai, chẳng biết 'tế nhị' nghĩa là gì, không bao giờ cân nhắc hậu thuẫn chính trị. Nhiều người ghét cho ông Trump là ngạo mạn, coi thường thiên hạ, không khéo léo, ăn nói du côn,... Nhiều người khác -trong đó có kẻ này- thích ông vì tính cương trực có sao nói vậy, chịu hay không chịu, ông không cần biết.

    Ông Trump có cái tài có một không hai, cái tài đặc biệt mà tất cả các chính trị gia đều ước mơ: đó là khả năng thu hút sự chú ý của thiên hạ, đặc biệt là của giới truyền thông. Năm 2016, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhờ cái tài đó mà giới truyền thông đã quảng cáo miễn phí cho ông, đáng giá cả trăm triệu đô. Trong tang lễ Đức Giáo Hoàng, ông mặc bộ đồ màu xanh dương đậm thay vì mầu đen -cả Biden, Thái Tử Anh Williams và cả trăm quan khách khác cũng vậy-, báo chí loan tin này nhiều gần bằng tin về tang lễ. Các cụ vẹt mừng hơn trúng số, mắc bẫy ngay vì đầu óc nông cạn mà lại quá nhiều ái ố, mau mắn gửi email cho cả thế giới, nhục mạ Trump về màu áo (có chuyện chửi Trump, bỏ qua sao được?) trong khi im re về Biden. Ngay cả việc nói chuyện với Zelensky, cách ông Trump làm, kéo ghế 2 người ngồi giữa một căn phòng rộng lớn, không có ai khác chung quanh, không phụ tá, không thông dịch viên, không chính thức thu âm, ghi chép gì,... cũng đã là đề tài nổi bật của tang lễ, vì thế giới chưa từng thấy một cuộc gặp mặt giữa hai tổng thống lạ lùng như vậy.

    Riêng cộng đồng tị nạn Việt thì nhờ gia tài hơn bốn ngàn năm văn hóa, con rồng cháu tiên, ta đã có dịp nghe/đọc những sỉ vả tệ hại nhất, vô lý nhất, ấu trĩ nhất, thậm chí thô tục nhất, bẩn thỉu nhất,... về cá nhân ông Trump. Điều thật đáng buồn là tất cả những nhục mạ đó tuyệt đối chẳng có một giá trị chính trị hay lịch sử nào, chẳng ảnh hưởng một ly ông cụ nào đến thanh danh, tên tuổi, đường lối cũng như vị trí trong lịch sử nước Mỹ cũng như lịch sử nhân loại của cá nhân ông Trump, mà chỉ phản ảnh tư cách và trình độ của đám vẹt suốt ngày ngồi rủa nhảm.

    Thẳng thừng mà nói, những chửi rủa Trump như "thằng lưu manh, thằng mất dạy, thằng già 3 tuổi,..." có giá trị như thế nào trong con mắt một sử gia muốn nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh dấu ấn của TT Trump trong lịch sử Mỹ hay lịch sử nhân loại? Chỉ là rác rưởi đọc bẩn mắt, tuy khiến đám vẹt tác giả hả dạ, hể hả với văn phong thiên phú thần sầu quỷ rống của chúng. Những tố giác Trump gian dâm, trốn thuế, lừa đảo, nói láo, hèn hạ, bất nhất, ngu xuẩn,... tất cả đều ấu trĩ, trẻ con, chỉ phản ảnh đầu óc nhỏ nhen không thể nhìn thấy cả vườn hoa mà chỉ tưởng tượng thấy mấy con giun đang bò dưới vài cọng cỏ dại. Những bôi bác Trump là tay sai Putin, nịnh Tập, sợ Ủn,... nghe thô thiển, chỉ chứng minh đám vẹt mù tịt về những quan hệ chính trị quốc tế. Chưa đủ! Lại còn thêm những tin xuyên tạc, tin dựng đứng cứ như thật như "Trump cắt 880 tỷ Medicaid" cho dù chưa ai bị Trump cắt một xu nào, hay "Trump mở cửa giúp cho Putin... chiếm Ukraine" cho dù Putin đánh và chiếm đất Ukraine hai lần, lần đầu dưới thời Obama, lần thứ nhì dưới thời Biden, trong khi khoanh tay ngồi im dưới thời Trump. Khi công kích hoàn toàn dựa trên phếc niu thì những công kích đó đã tự hạ giá trị rồi, không còn gì để tranh luận nữa.

    Đám vẹt muốn ghét, muốn sỉ vả, nhục mạ Trump tới đâu cũng được, ông ta vẫn còn ngồi đó 3 năm và 9 tháng nữa. Thượng nghị sĩ lãnh đạo khối đa số trong thượng viên, ông John Thune, đã nói hụych tẹt ra "Đám DC có thể gào thét, tự đốt tóc của mình,... cũng chẳng thay đổi được  gì". Sorry nhé! Nếu có thể có một lời nhắn nhủ đám vẹt già, kẻ này phải khuyên... "Hãy trưởng thành đi! Hãy cư xử cho đám con cháu biết người lớn là người có tư cách như thế nào". Trump không phải là siêu nhân hoàn hảo, đã, đang và sẽ làm cả lô chuyện sai, thiếu gì chuyện đáng chỉ trích, nhưng hãy chỉ trích nghiêm chỉnh, một cách thuyết phục. Chửi sảng, chửi nhảm cũng chẳng khác gì ... tự chửi chính mình!

    Đánh giá gia tài một tổng thống để lại cho xã hội trên thực tế phải chờ không phải đúng 100 ngày -thay vì mới 95 ngày đã hấp tấp nhận định để rồi bị chửi ngay là ... chưa tới 100 ngày đã lo bàn sảng-, hay 4 năm đủ một nhiệm kỳ, hay ngay cả 8 năm đủ hai nhiệm kỳ. Thậm chí có thể cũng cần đi xa hơn người kế vị nếu người đó là 'đệ tử chân truyền'. Các sử gia chỉ có thể đánh giá gia tài của một tổng thống sau cả vài chục năm sau khi ông tổng thống đó đã rời nhiệm sở. Dĩ nhiên, cũng phải có những trường hợp đặc miễn khi ta thấy một tổng thống quá tệ hại, tệ hại đến độ chính các đồng chí cùng đảng của mình phải sợ lưu xú muôn thuở cho cả đảng, để chính họ phải xúm lại lôi cho bằng được ra khỏi cái ghế ông tổng thống đó đang ngồi, như trường hợp cực kỳ hy hữu có một không hai trong lịch sử chính trị Mỹ của cụ Biden.

    Do đó việc đánh giá gia tài của TT Trump có lẽ phải chờ ít ra năm bẩy năm nữa mới có giá trị chính xác. Kẻ này khi đó sẽ cố gắng thử lửa -nếu còn sống với DĐTC!!!-.

    Nhưng ngay bây giờ, việc ta có thể làm là có vài nhận định về con người ông Trump, xem thử tại sao ông Trump muốn ra làm tổng thống, viễn kiến và ý muốn của ông là gì, cách hành xử của ông như thế nào, chưa dám bàn đến việc ông sẽ thành công hay thất bại. Ông Trump không phải là một siêu thánh nhân, làm gì cũng thành công. Thất bại là chuyện có thể xẩy ra với ông Trump, như với bất cứ ai khác, với bất cứ tổng thống nào khác.

Tại sao muốn làm tổng thống?

    Ở đây phải nói ngay yếu tố hiển nhiên nhất: cả đời, ông Trump chưa khi nào để ý hay thích thú với chính trị. Với tư thế, tiếng tăm, quen biết và quan hệ trong giới tai to mặt lớn, và tiền bạc rủng rỉnh cả đời, ông Trump đã có thể nhẩy vào chính trị từ cả mấy chục năm trước, làm dân biểu hay thị trưởng New York hay thống đốc New York, hay gì gì đó, rất dễ dàng. Chính ông đã chi tiền ra cho không biết bao nhiêu chính trị gia giúp họ đắc cử nhiều chức vụ lớn nhỏ, nghĩa là ông Trump đã dư thừa khả năng 'mua' bất cứ chức vụ địa phương hay tiểu bang hay liên bang nào. Nhưng ông đã không làm. Chứng tỏ ông không màng chức vụ gì trong chính trị.

    Nhưng cuối cùng thì ông đã nhẩy vào chính trị. Nhưng không phải để dành giựt ba cái chức vị mà ông coi là ruồi bu ở cấp địa phương, tiểu bang, hay ngay cả liên bang. Qua 8 năm Obama, rồi qua viễn tượng một bà Hillary sẽ tiếp nối gia tài của Obama thêm một hai nhiệm kỳ với 4 hay 8 năm nữa, ông Trump đã cho rằng như vậy sẽ quá hại cho nước Mỹ, không thể ngồi ngó lơ nhìn nước Mỹ lao xuống hố xã nghĩa được. Và năm 2016, ông đã ra tranh cử tổng thống. Sau đó, chuyện gì đã xẩy ra, mọi người đều đã rõ. 

    Ông Trump lần đầu tiên trong đời, nhẩy vào chính trị, mà nhẩy vào thẳng một vị trí cao nhất mà ông nghĩ để có thể làm được cái gì để thay đổi nước Mỹ, thay đổi xã hội Mỹ, thay đổi hướng đi tương lai cho nước Mỹ, theo một viễn kiến mà ông nhìn thấy và muốn theo đuổi.

    Ông săn tay áo để bắt tay vào việc đổi đời. Nhưng thời gian đầu, hay chính xác hơn, nguyên nhiệm kỳ đầu, ông đã thất bại, thẳng thừng mà nói. Vài năm đầu là những năm học nghề, tìm hiểu guồng máy chính quyền vận hành như thế nào, đi tìm người cộng tác,... Dù trong thời kỳ mò mẫm, cũng đã làm được một việc mà mấy chục năm qua, không tổng thống nào làm được hay muốn làm: cắt giảm thuế cho cả nước. Nghĩa là mang tiền từ guồng máy công quyền đang được các quan chức vung qua cửa sổ, mang lại cho người dân để chính họ tự định đoạt xài như thế nào, xài vào đâu, hay để dành cho con cháu. Đối ngoại, ông Trump đã là tổng thống đầu tiên từ cả trước Thế Chiến thứ nhất đã không để Mỹ tham chiến vào một cuộc chiến mới nào. Chưa đâu vào đâu, bất ngờ bị mấy Chú Ba tung qua cả tỷ tỷ vi khuẩn COVID vào đảo lộn mọi chuyện, thậm chí đóng cửa cả nước, cả thế giới. Dân Mỹ với lá gan to hơn gan muỗi, hoảng hốt đi tìm bác sĩ mới, vồ đại cụ lẩm cẩm nhưng hứa cuội giỏi đang trốn dưới hầm làm bác sĩ chặn đại dịch. Công tác của ông Trump bị dở dang. Thất bại. Đại bại đúng hơn. 

    Nhưng với ông Trump, thất bại là chuyện không thể nào chấp nhận được. Ông có cái tự tin lớn hơn người, không thể tin là mình có thể thất bại được nên đã cố... đổ thừa tứ tung để giải thích việc ông thất cử. Tuy không sai lắm khi những chính quyền vài tiểu bang then chốt như Pennsylvania, Michigan, Georgia, Arizona mánh mung hay gian lận phiếu công khai để giúp Biden đắc cử hay chặn không cho Trump tái đắc cử. Nhưng ông Trump không chỉ ăn vạ, đổ thừa, rồi ngồi than khóc, mà ông quyết tâm, phải thắng trở lại. Và kinh thiên động địa thay, ông thắng lại thật. Khiến đám cấp tiến, truyền thông loa phường và đứa con ghẻ truyền thông vẹt tị nạn, dẫy tê tê hơn đỉa phải vôi. Đảng DC đi vào rối loạn, rắn mất đầu, không có lãnh đạo cũng chẳng còn đường hướng, chính sách gì nữa. Đảng DC đi lạc vào sa mạc!

Viễn kiến

    Bằng mọi giá, mọi cách, ông Trump kiên trì muốn nắm lấy cơ hội để thực hiện viễn kiến vĩ đại của ông. Đó là cái viễn kiến của một nước Mỹ vĩ đại trở lại, cường quốc trở lại, lãnh đạo cả thế giới lại nếu muốn, nếu cần và nếu được, còn không thì... xin lỗi, bất cần thế giới, có sống cô lập một mình cũng chẳng sao, chẳng cần ai. Nhưng ít ra thì bác Sam cũng không còn ẻo lả như một anh lại cái; không nhu nhược để cả thế giới -nhất là những xứ mạo danh là đồng minh- khai thác rồi coi thường; không là nồi cháo heo của dân tứ chiến giang hồ từ băng đảng ma tuý Mexico tới băng đảng cướp vặt Tren de Aragua, tới du đãng MS-13 đổ vào quậy tung trời; không còn là xứ cao bồi của thời lập quốc, nơi mà dân trộm cướp tung hoành như chỗ không người trong khi đòi hủy bỏ hệ thống cảnh sát giữ an ninh trật tự cho dân; không còn là máy rửa tiền tham nhũng của Tầu Cộng, Việt Cộng, ... và nhất là không còn lao đầu xuống hố xã nghĩa hay giếng 'thức tỉnh' khùng điên.

    Ngoài nước, Mỹ sẽ cần giữ vững địa vị đại cường hàng đầu, không thể chấp nhận một trật tự thế giới mới trong đó mấy chú Ba thống trị cả thế giới kể cả Mỹ trong khi con bò Mỹ hấp hối sau khi bị cả thế giới -nhất là các đồng minh mạo danh- vắt sữa tới gần chết khô luôn.

    Cái viễn kiến này là giấc mơ không thực hiện không được của ông Trump, nhưng đó cũng là giấc mơ chung của đại đa số dân Mỹ, đã quá chán ngán với cái yếu hèn vô lý của những tay lãnh đạo DC tiền nhiệm. Những cái cúi gập nửa người của Obama trước thế giới, cuộc tháo chạy mất dép khỏi Afghanistan, đóng cửa hàng loạt tòa đại sứ khi thấy thoáng qua hơi gió lộn xộn, những chính sách thức tỉnh biến người thành ngợm quả đã biến thái xứ Mỹ này thành một cái quái thai dị hợm không ai có thể chấp nhận được, ngoại trừ những người phe đảng mù quáng nhất.

    Nhìn vào bức tranh tổng thể trên, thì có ngay câu trả lời tại sao ông Trump đã hạ sát ván phe DC, bất kể Biden hay Kamala, trong cuộc bầu cử vừa qua, mà chẳng cần phải là một thiên tài như Einstein hay một thầy bói như Trạng Trình. Giữa cái nước Mỹ ươn hèn của Biden và cái nước Mỹ huy hoàng của Trump, không ai có gì phải thắc mắc lựa chọn bên nào, ngoại trừ những người hoàn toàn mù quáng vì tính phe đảng vô lý nhất. 

    Những độc giả lâu năm và tinh mắt của DĐTC này chắc hẳn đã nhớ năm 2016, khi ông Trump mới xuất hiện trong chính trường, ra tranh cử tổng thống lần đầu, kẻ này đã không hề là người ủng hộ ông hết mình, trái lại, đã viết bài cảnh cáo doanh gia Trump có thể sẽ vẫn giữ thói quen độc đoán của một tổng giám đốc kinh doanh. Chỉ dần dần, sau nhiều năm tháng nhìn kỹ ông Trump thì kẻ này mới chuyển hướng và càng ngày càng nể phục nhân tài Trump. Nể phục khác xa cuồng điên hay mù quáng vì phe đảng. Kẻ này chẳng phe nào, chưa bao giờ vỗ ngực xưng DC hay CH, không bao giờ chửi sảng vớ vẩn bất cứ ai.

Cách làm việc

    Như đã trình bày, TT Trump thành công hay thất bại là chuyện năm bẩy năm nữa mới biết được. Nhưng điều ai cũng có thể thấy ngay là cách ông làm việc. Nếu phải nói ông Trump làm việc hùng hục như trâu như bò, thật không sai. TT Trump làm việc cật lực, tối đa, tới ranh giới của sức khỏe cá nhân, hơn xa những người trẻ hơn ông cả vài chục tuổi. Ta không nên quên ông Trump đang bước vào ngưỡng cửa tám bó chứ không còn trẻ gì. Trước đây, TT Roosevelt nắm kỷ lục ký tới 99 sắc lệnh hành pháp trong 100 ngày đầu. Bây giờ TT Trump phá kỷ lục đó, trong 100 ngày đầu, đã ký tới 135 sắc lệnh. Khiến phe cấp tiến lên cơn điên, dùng sách lược 'lawfare', kiện hơn cả trăm vụ trước các quan tòa được tuyển chọn kỹ nhất.

    Kinh nghiệm sống của tất cả chúng ta cho thấy người ta chỉ làm việc hùng hục như vậy khi thật sự được -hay bị?- kích thích bởi một động cơ, một đam mê tuyệt đối nào đó. Tiền bạc mà ông Trump có dư thừa, quyền lực mà ông Trump cũng đã nắm chặt trong tay, danh vọng mà ông Trump cũng đã có quá nhiều, không thể nào có thể kích động một người tới mức độ hăng say đó. Mà chỉ có thể là một ý muốn thực hiện một giấc mơ thật cao, thật lớn, thật khó nào đó.

    Ai cũng thấy ông Trump đang cố tiến tới biên vực của sức khỏe cá nhân, của ý chí cá nhân, của khả năng cá nhân. Nhưng điều ai cũng thấy nhưng ít ai để ý là TT Trump cũng đang nỗ lực tiến tới biên tế của quyền lực hiến định của tổng thống, hiển nhiên thử thách xem quyền lực của một tổng thống có thể đi xa tới đâu, đặc biệt là trong phạm vi thể chế tam quyền phân lực. 

    Ai cũng biết Hiến Pháp Mỹ đặt ra thể chế chính quyền dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, nhưng chuyện dễ nói khó thực hành là đâu là biên giới phân định ba cái quyền đó. Tới đâu thì quyền hành pháp ngưng để quyền lập pháp có hiệu lực? Tới đâu thì các quan tòa có thể cho phép hay cấm cản tổng thống? Tới đâu thì một quan tòa địa phương cấp quận có quyền ra phán quyết xóa bỏ một quyết định của một tổng thống do cả nước bầu? Đây không phải là chuyện nói chơi hay chuyện tranh luận lý thuyết. Trên thực tế, trong thời gian ba tháng qua, phe cấp tiến đã quay qua chặn phá TT Trump bằng sách lược gọi là 'lawfare' mới, theo đó, các quan tòa cấp tiến cấp quận đã liên tục ra phán quyết chặn đứng những sắc lệnh hay chính sách do TT Trump, người lãnh đạo Hành Pháp, ban hành. Chẳng những chặn đứng mà còn rất 'hoành tráng' ra lệnh phán quyết của họ có hiệu lực trên toàn quốc, bất kể họ chỉ là quan tòa của một quận -district.

    Ở đây, phải nói ngay, hầu như tất cả các tổng thống Mỹ, bất kể DC hay CH, đều luôn luôn cố tìm cách đẩy càng xa càng tốt quyền hạn của mình. Nhưng chưa có ai cố gắng đẩy xa như TT Trump, đặc biệt trong những vấn đề mà Hiến Pháp không hay chưa quy định rõ ràng. Đưa đến tình trạng thưa kiện loạn xà bần.

    TT Trump hiện đang bị kiện tới trên cả trăm vụ. Một số không nhỏ các vụ kiện đó có mục đích chặn phá, không cho TT Trump thực hiện những chính sách ông muốn thi hành, đi ngược lại hướng đi của khối cấp tiến, được tuyển lựa kỹ càng để được đưa ra trước những quan tòa không có thiện cảm với cá nhân ông Trump hay chống những chính sách của TT Trump, dễ dàng đưa ra những phán quyết bất lợi cho TT Trump. Nhưng cũng phải nhìn nhận không ít những vụ kiện đó đã đưa đến những phán quyết bất lợi cho TT Trump, không phải chỉ vì thành kiến phe đảng của các quan tòa, mà cũng vì TT Trump đã đi quá xa, tới mức có thể gọi là lạm quyền, theo nhận định của nhiều quan tòa, kể cả vài quan tòa do chính TT Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu. Đưa đến tình trạng tranh cãi phải chờ Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết cuối cùng.

    TT Trump có cố tình lạm quyền không? Câu trả lời hiển nhiên nhất là KHÔNG, TT Trump không cố tình lạm quyền, hay như đám vẹt ra rả tố cao, TT Trump không có ý định làm nhà độc tài, chiếm hết mọi thứ quyền, nhưng TT Trump đã quả là cố tình đi càng xa càng tốt, để thử thách cho rõ đâu là giới hạn quyền hành của tổng thống. Hiến Pháp được soạn thảo cách đây cả mấy trăm năm, vừa đã quá lâu, vừa không cập nhật được với tiến trình lịch sử nhân loại. Do đó có rất nhiều tình huống hoàn toàn xa lạ, ngoài tầm mức hiểu biết thời đó của các Cha Già Lập Quốc. 

    Một thí dụ điển hình: Hiến Pháp được viết ra khi nước Mỹ mới thành lập, rất cần di dân để mở mang bờ cõi, phát triển đất nước. Do đó, có điều khoản bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ đều sẽ tự động là công dân có quốc tịch Mỹ. Nhưng khoảng ba trăm năm trước, các Cha Già Lập Quốc đã không thể nào có thể tưởng tượng ra cảnh cả triệu di dân tràn lậu vào nước Mỹ, hay cũng chẳng thể nào tưởng tượng có nguyên một kỹ nghệ du lịch sanh đẻ, chở mấy bà có bầu gần ngày sanh, đến Mỹ đúng lúc để đập bầu, sanh ra con tự động là dân Mỹ. Câu hỏi là những di dân nhập cư phạm pháp đó khi sanh con tại Mỹ, thì con có quyền hợp pháp thành công dân Mỹ ngay hay không? Hay những khách ‘du lịch đẻ’, cố tình chỉ tới nước Mỹ đúng lúc để đập bầu cho có con là Mỹ ngay, những trường hợp đó có chính danh không? Hay hiển nhiên là những khai thác luật lệ một cách bất chính, không thể chấp nhận trong tinh thần thượng tôn Hiến Pháp được. Hiến Pháp không bao giờ được viết để bao che cho những trường hợp lạm dụng bất chính. Đó có phải là chuyện cần thay đổi, sửa lại Hiến Pháp cho rõ, hay cần xác định lại hay không? Dù muốn hay không, TT Trump cũng đã là người đầu tiên nêu những khúc mắc đó lên để Hiến Pháp có thể được cập nhật theo bánh xe tiến hóa của văn minh. Hay ít nhất cũng để Tối Cao Pháp Viện diễn giải cho rõ hơn.

    Việc TT Trump đang muốn thực hiện là chuyện vĩ đại, đội đá vá trời, không dễ chút nào, sẽ gặp chống đối tàn bạo nhất, từ cả khối cấp tiến, đảng DC và hệ thống truyền thông loa phường, nên chẳng có gì bảo đảm ông sẽ thành công. Ít ra thì ông cũng đã thử. Thành sự tại thiên.