Bài Khách: Dan Nguyen

ĐẠI HỌC CÔNG HAY TƯ?


    Cám ơn anh VL đã tha thứ một bài viết dài và khuyến khích tôi viết thêm về chủ đề giáo dục, nhất là trước ngưỡng cửa chọn đại học nào, công hay tư. Vì tôi chưa có khả năng đạt đến vinh dự được đăng trong “Bài Khách” nên tuỳ anh.

    Rất tiếc là bài này được viết trễ, sau mùa chọn trường ĐH với hạn chót là 5/1 vừa qua. Bài viết được dựa trên kinh nghiệm cá nhân đã trải qua hơn chục năm trước và với kinh nghiệm thay mặt hãng tuyển nhân viên hoặc đi phỏng vấn các sinh viên sắp ra trường trong hệ thống UC. Nếu bài này được viết vào tháng 4 thì có lẽ đã giúp được một vài đọc giả có con cái đang lưỡng lự chọn ĐH nào.

    Tôi sẽ phát triển thêm dựa theo đoạn anh VL viết:

    "Muốn bảo đảm việc con cái học trường tốt và thành tài thật, chỉ còn một cách duy nhất là trả tiền cho con học trường tư. Nói cách khác, con nhà giàu sẽ có cơ hội học giỏi hơn, tốt nghiệp với bằng cấp có giá trị hơn, và trong trường đời sau đó, thành công hơn, lại giàu có thêm. Đó là thành công, giàu có từ đời ông tới đời cha, đời con, đời cháu, v.v... Và ngược lại, học trường dở, làm ít lương, tiếp tục nghèo từ đời ông đến đời cha, đời con và đời cháu, cứ thế. Đó là thực tế của chủ nghĩa công bằng xã nghĩa". (VL)

------------------


    Đại đa số chúng ta là dân đi làm với một cuộc sống trung lưu. Giàu không ra giàu và nghèo cũng ... không bằng ai. Khi con cái đến tuổi vào đại học thì ít ra chúng ta cũng đã dành dụm đủ để trang trải cho con học 4 năm đại học. Đó là món quà, món đầu tư cho và vào con cái, hy vọng chúng sẽ có cuộc sống thành công, thoải mái sau này. Phụ huynh trong thành phần trung lưu thì không nên trông mong gì được vào học bổng toàn phần của bất cứ ĐH nào. Do đó, con cái lưỡng lự học trường nào cũng tuỳ thuộc vào mức độ lưỡng lự của phụ huynh trước câu hỏi “nên trả bao nhiêu tiền học cho con đây?”

    Câu trả lời tuỳ vào tài chính, trình độ hiểu biết, hoàn cảnh, kinh nghiệm trong quá khứ của phụ huynh, độ rộng lượng, mức thương yêu và sự lo lắng cho tương lai của con cái, ... Tuỳ theo từng trường hợp cùng với sự mềm dẻo hoặc cương quyết của phụ huynh. Có người sẽ nói tôi học trường dở mà cũng OK, con tôi không cần học trường giỏi. Hoặc khi tôi học ĐH, tôi phải mượn tiền đi học, con tôi cũng phải mượn tiền hoặc vừa đi làm vừa đi học. Hoặc học gần nhà cũng được, cần gì phải đi xa để tốn tiền. Có người thì nhiệt tình ủng hộ con cái, xin đi học bất cứ đâu cũng OK trả tiền học vì nó vào được ĐH là vui rồi.

    Tất cả chỉ là kinh nhiệm và sở thích của mỗi phụ huynh và đứa trẻ. Không có một giải pháp, một chọn lựa nào được xem là hay hơn giải pháp hay chọn lựa kia. Nhưng tôi tin rằng có một vài quyết định mà theo tôi nghĩ được dựa trên lòng ích kỷ của người cha hoặc mẹ. Có người không cho con cái nộp đơn bất cứ ĐH nào khác ngoài cái ĐH gần nhà chỉ vì không muốn trả tiền nội trú dù họ rất thành công về tài chính và con cái tốt nghiệp trung học với điểm GPA rất cao, có thể vào bất cứ ĐH nào nếu muốn.

    Trở lại kinh nghiệm của tôi. Cách đây 15 năm, con trai tôi nộp đơn xin vào ĐH ở nhiều nơi trên nước Mỹ, chủ yếu là các trường nổi tiếng ở miền Đông Bắc Mỹ và các trường lớn trong hệ thống University of California. Tôi biết rõ và không nghi ngờ khả năng của đứa con và không có ý kiến nộp trường nào và chọn trường nào để học. Nói chung, các yếu tố cần thiết để ban tuyển lựa để ý đến là điểm GPA cao, điểm SAT/ACT cao, có hoạt động xã hội tốt, và bài essay viết hay. Các trường giỏi ở miền Đông Bắc còn có thêm một thử thách nữa là dùng các Alumni hiện sống gần học sinh để trực tiếp phỏng vấn tại một Starbucks nào đó. Giai đoạn nộp đơn và chờ kết quả không những gay go, căng thẳng cho học sinh mà phụ huynh còn bị lây theo vì số ghế rất giới hạn so với số đơn nộp. Đơn xin nào cũng giống đơn nào, học sinh nào cũng giỏi, cũng đáng khen. Nhưng làm sao để nổi bật trong cả hàng nghìn, hàng vạn đơn xin tương tự?

    Rồi ngày phải đến đã đến. Các trường không gửi thư báo nhận hay từ chối học sinh, họ gửi thẳng qua e-Mail của học sinh. Con trai tôi đã nhận được tin từ các đại học. Hai trường lớn nhất trong UC và một trường Ivy League nhận. Gần đến ngày trả lời các trường, tôi hỏi thế con chọn trường nào?

    Cậu ta chọn đi xa thay vì học ở trong California và còn nói thêm “nếu bố mẹ không trả tiền hết được thì con sẽ vừa đi làm vừa đi học.” Cả hai vợ chúng tôi ngạc nhiên và lo sợ. Ngạc nhiên là vì cậu con trai biết cân nhắc lựa trường và có vẻ chính chắn, cương quyết. Lo sợ là vì đi học xa sẽ tốn $56,000 cho mỗi năm, trường cho học bổng $6,000/năm. Trong khi đó nếu học trong UC, học phí và ăn ở là $25,000/năm. Có đủ tiền và can đảm để cho con đi học xa không? Hai vợ chồng chúng tôi chỉ khen và hoãn binh “Congratulations! But let us have some time to think about it!”

    Về tiền học trong 4 năm, đi xa sẽ tốn gấp đôi, tổng cộng $200,000, chưa kể sách vở và những chuyến bay đi lại thăm gia đình. Trường cậu con chọn trong Ivy League là một trường nhỏ với sĩ số tổng cộng chưa đến 6,000 sinh viên, kể cả bậc post-doc. Ngoài ra tỷ lệ SV/giáo sư là 50/1. Đa phần SV là da trắng nhưng số SV da vàng cũng khá.

    Nếu chọn UCLA hoặc UC Berkeley, hai trường giỏi, thì cũng mất $100,000 cho 4 năm. Nhưng có nhiều điểm mà tôi hiểu tại sao con trai tôi không chọn. Thứ nhất, UC quá đông! Cả mấy nghìn tân SV cho năm đầu, giảng đường chen chúc, lạc lõng, tỷ số SV/GS quá cao, mấy trăm SV làm sao có cơ hội và thời gian tiếp cận với một giáo sư. Và điểm tệ nhất là vì ít lớp học, không có gì bảo đảm sẽ ra trường trong 4 năm.

    Trên phương diện tiếng tăm thì các trường trong UC đa số đều giỏi, ban giảng huấn đạt nhiều giải trong đó có Nobel. Tôi không màng nếu đứa con trai chịu ở lại Cali. Nhưng trên toàn nước Mỹ, không phải hệ thống đại học công nào cũng đều giỏi và nổi tiếng như hệ thống UC và không phải tiểu bang nào cũng có hệ thống tương đương. Nhưng nước Mỹ cũng có nhiều ĐH tư cũng rất nổi tiếng, còn hơn cả UC, trong đó có các trường trong Ivy League.

    Vấn đề ở đây là chọn trường ĐH công hay tư? Trước khi trả lời, tôi xin phép quý vị cho tôi kể lại kinh nghiệm khi còn đi làm. Tôi không phải là luật sư nhưng làm việc với luật sư của hãng. Một hôm đi họp ở một văn phòng LS, tôi thấy nhiều người rất trẻ ngồi phía sau, ăn mặc rất là professional, nhưng họ im lặng chẳng nói năng gì. Sau buổi họp thì tôi mới nhỏ nhẹ hỏi người LS chủ tọa “LS mới hả?” Ông LS này trả lời “Không, tụi nó sắp ra trường, tôi mướn làm tập sự, $40,000 cho 3 tháng hè, kiểu như xí trước vậy đó chứ chúng nó có làm gì đâu.” Ông ta kể tên những trường, toàn những trường tư lớn, nổi tiếng, nhưng trong đó có một SV học ở UCLA. Tôi thầm nghĩ phải có lý do để người ta coi trọng các bằng tốt nghiệp từ trường giỏi và đa số trường giỏi là trường tư.

    Kể ra thì mang tiếng là sì nốp, nhưng thực tế là vậy. Chính bản thân tôi đã trải qua nhiều lần phỏng vấn thu nhận nhân viên và đi “on-campus interview”. Tôi không kỳ thị học trường nào, tất cả phải qua cùng những câu hỏi, bài luận văn dành cho tất cả mọi thí sinh. Và nhiệm vụ của tôi là tuyển những người có triển vọng, có khả năng cao nhất trước mắt, không phải cho riêng tôi mà là cho hãng và tương lai của hãng. Chưa có một trường hợp nào mà tôi mướn hay đề nghị mướn lầm người, và tiếc rằng trong các thí sinh/người xin việc không qua nổi các câu hỏi sát hạch, phỏng vấn, luận văn, có nhiều người tốt nghiệp ĐH công. Một lần nữa, tôi khẳng định là không kỳ thị vì hãng giữ lại các băng thâu phỏng vấn và các bài thi viết để làm bằng chứng tránh lôi thôi, thưa gửi sau này nếu có người chống đối kết quả.

    Chọn trường ĐH công hay tư? Câu trả lời là tuỳ. Nếu hệ thống ĐH công của tiểu bang nổi tiếng giỏi và sự chênh lệch về phẩm chất không khác gì so với nhiều trường ĐH tư thì không nên bỏ tiền ra để học ĐH tư. Đây là thuần tuý phân tích cost-benefits. Một cái tuỳ nữa là con em chọn học ngành gì, có ý định học cao hơn không và trường ĐH tư đó có đặc điểm gì để giúp sinh viên tiến thân sau này. Nếu chọn học những ngành vớ vẩn thì học ĐH công gần nhà cũng được. Vì trả tiền học, dù không nên bắt buộc con cái theo ngành gì, phụ huynh nên phân tích khả năng kiếm được việc sau khi ra trường, hoặc cơ hội học lên về ngành chuyên môn gì.

    Nhưng nếu gần nhà không có hệ thống ĐH công lập thuộc hạng khá thì học sinh nên chọn ĐH tư nếu được nhận. Tôi dùng chữ “nếu” vì đôi khi không dễ dàng xin vào các ĐH tư nổi tiếng.

    Một thực tế khá thông thường trong các gia đình Á Đông là vấn đề quá cẩn thận về tài chính, nói toạc ra là tiếc tiền. Dù giàu có, họ không muốn bỏ thêm tiền để cho con cái đi học xa. Họ đẩy con cái vào một con đường duy nhất mà theo họ, đó là con đường tốt nhất. Đó là con đường của họ và cũng là con đường ích kỷ nhất, dù con cái học rất giỏi nhưng tiếc rằng chúng không được thấy bất cứ con đường nào khác. Đối với những người thật sự không có khả năng tài chính thì các trường ĐH tư đều có học bổng toàn phần dựa theo nhu cầu trang trải trong khi học (need-based). Do đó các phụ huynh nên khuyến khích con em nộp đơn trường ĐH tư vì cơ hội được học bổng toàn phần rất cao nếu gia đình nghèo.

    Điểm chót mà tôi muốn bàn đến là tình cảm ràng buộc. Qua kinh nghiệm cá nhân thì đúng là không dễ dàng để cho con cái đi xa. Chính tôi đã chứng kiến cảnh các bà mẹ quay mặt đi để dấu hai dòng nước mắt khi tiễn con. Nhưng đây là một điều nên làm, hãy buông con ra để chúng biết tìm cách tự lập cánh sinh. Có thể họ nghĩ đi xa con cái dễ hư vì không có bố mẹ bên cạnh. Nhưng có gì bảo đảm con không hư khi giao du với những đứa bạn ở trường làng? Cả hai đứa con tôi “được” đi học xa và hai vợ chồng tôi rất hài lòng với sự trưởng thành, nhanh nhẹn, biết điều của chúng sau 4 năm. Nếu buộc hai đứa con ở nhà và học gần nhà thì chưa chắc gia đình đã hạnh phúc, hoà thuận và vui vẻ như vậy.

    Những gì anh VL viết ở trên đều đúng nếu nhìn vào những gia đình có truyền thống thành công và giàu có. Họ cứ tiếp tục truyền thống như vậy qua các đời con cháu. Tiền đẻ ra tiền và thành công đưa đến thành công. Nhưng chưa chắc sự thành công, giàu có hoặc thất bại, nghèo khó sẽ theo đuổi mãi mãi, kiểu con vua được làm vua, con thầy chùa đi quét lá đa. Thời buổi này không có gì chắc chắn. Nhưng hãy can đảm để cho con em cái tự do lựa ĐH. Nếu không có ĐH công lập nào khá thì phải đành xin vào ĐH tư, tuỳ theo trường hợp. Nếu hai đứa con hiện giờ có cuộc sống, sự nghiệp chẳng ra gì thì tôi rất ân hận vì đã không cho đi học ĐH xa nhà.

    Để kết thúc “câu chuyện”, sau khi hoãn binh một ngày để bàn bạc riêng với nhau, hai vợ chồng báo cho con trai biết là chúng tôi đồng ý trả thêm tiền để con đi học xa, với ba điều kiện: học ngành gì cũng được miễn là có lợi cho con đường tiến thân sau này, phải học xong 4 năm, nếu kéo dài thì tự lo lấy và điểm kém là đi về học gần nhà.

    Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ ánh mắt sung sướng và biết ơn của hai đứa con vì đã không cản.


Dan Nguyen