BÀI KHÁCH: PĐCHÍ

BÀI KHÁCH: WELT


GHI CHÚ:

DĐTC nhận được bài này của TS Phạm Đỗ Chí, là một trùng hợp lý thú vì cùng đề tài với bài Bình Luận chính của tuần này.

Đây là bài nhận định của chủ bút một báo lớn của Đức. Xin đăng lại nguyên văn bài dịch do anh Chí gửi tới. Xin cám ơn anh Chí.

-----------


CHINA UND RUSSLAND: ROADMAP ZUR WELTHERRSCHAFT - WELT

LỘ TRÌNH  TRỞ THÀNH BÁ CHỦ THẾ GIỚI

Von Stefan Aust, Adrian Geiges


    Lúc này dường như chưa rõ là như vậy, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của  phương Tây không phải là Nga mà  là Trung Quốc. Tập Cận Bình và Vladimir Putin là đối tác, cấu kết chặt chẽ với nhau khiến người khác phải lệ thuộc vào chúng. Đây là một sự thật chua chát: Mỹ và đồng minh đang bị cô lập hơn bao giờ hết.

    Ngay cả trong tuần thứ bảy của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin và sau vụ thảm sát ở Butscha, giới chính trị Đức vẫn kiên trì nguyên tắc cơ bản là coi những giấc mơ là sự thật. Một trong những mơ ước đó là cả thế giới trừng phạt nước Nga. Cả thế giới?  Cả thế giới lên án chiến tranh, điều đó chúng ta nghe thấy ra rả trên tivi. Đúng, cả thế giới?

    Có được đa số cho một nghị quyết tương ứng trong Đại hội đồng LHQ là do các nước như Liên bang St. Kitts và Nevis với 53.000 dân hoặc Liechtenstein với 38.000 dân, mỗi nước đó cũng có một phiếu bầu, ngang bằng  Trung Quốc với 1,4 tỷ hoặc Ấn Độ với 1,38 tỷ.

    Tuy nhiên, các nước như Pakistan và Việt Nam, Senegal và Nicaragua, tổng cộng gồm 35 quốc gia với khoảng bốn tỷ dân, tức hơn một nửa dân số thế giới, đã bỏ phiếu trắng. Nếu người ta đặt nó trong bối cảnh lịch sử, thì ngược lại mới đúng: Hiện tại Mỹ và các đồng minh của Mỹ đang bị cô lập, điều này trước đây chưa từng xẩy ra. Chỉ vài thập kỷ trước, thế giới rất khác so với ngày nay.

    Gần đúng 50 năm trước,  ngày Putin tấn công Ukraine, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, một kẻ chắc chắn không phải là bạn của cộng sản đã đến thăm Bắc Kinh, Hàng Châu và Thượng Hải từ ngày 21 đến 28 tháng 2 năm 1972.  Nixon sau đó đã bị mất chức ngay tại Mỹ vì vụ bê bối Watergate.

    Nhưng Nixon đã sớm nhận ra rằng Mỹ sẽ gặp khó khăn khi phải đối phó với một liên minh giữa Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù khi đó cuộc  Cách mạng Văn hóa vẫn đang hoành hành  nhưng ông ta đã thiết lập quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Khi đó sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc chỉ bằng một phần rất nhỏ so với hiện nay. Mọi sự thay đổi cho tới nay đều  bắt đầu từ chuyến thăm định mệnh của Nixon hồi đó.

    Hai thập kỷ sau Liên Xô sụp đổ, các quốc gia kế thừa của nó nhẽ ra cần được sự giúp đỡ để trở thành thành viên xứng đáng của phe dân chủ. Thay vào đó, Mỹ và Tây Âu một mặt vênh vang,  tự cao, tự đại,  mặt khác là sự ngây thơ về lịch sử.

    Việc làm ăn, kinh doanh với Trung Quốc tưởng như sinh lời vô tận và người ta nhào vào vỗ béo đối thủ mạnh nhất hiện nay. Đồng thời, họ cũng không ngần ngại khi thấy các dân tộc Nga và các nước khác thuộc Liên Xô cũ đang bị bọn tài phiệt đầu sỏ và giới chính khách tham ô, hủ hại vơ vét cho đầy túi tham.  Barack Obama hí hửng vui mừng vì Nga lúc này  chỉ là một cường quốc khu vực.

    Với các cuộc tấn công vào Iraq và Libya, những cuộc đàn áp đối với những người chỉ trích như Edward Snowden và Julian Assange, họ đã bất chấp những tuyên bố về đạo lý của chính mình.

    Việc các nước Đông Âu trước đây muốn gia nhập NATO là điều dễ hiểu. Nhưng với việc phớt lờ những lo ngại của Nga về điều đó, Mỹ và Tây Âu vô tình đã đẩy Putin vào vòng tay của Tập Cận Bình, một kẻ độc tài khác xa với quan niệm về tự do của phương Tây.

    Ông Tập không cần phải phá bỏ quyền tự do báo chí như những gì mà Putin đã hoàn thành trong vài tuần vừa qua vì tự do báo chí chưa hề tồn tại ở Trung Quốc. Trong việc kiểm duyệt Internet, Nga hiện đang cố gắng sao chép những gì mà Trung Quốc đã hoàn thiện từ lâu.

    Ngay cả khi hình ảnh trên truyền hình hiện nay có vẻ khác: Vấn đề lớn nhất, về lâu dài, không phải là sự rãy chết của nước Nga, một cường quốc thế giới đang suy tàn. Điều nguy hiểm chính là Trung Quốc, một nước đang trên đà trở thành cường quốc số một thế giới, một cường quốc mạnh hơn nhiều so với Nga và Liên Xô trước đây. Đó là một " Obervolta với tên lửa hạt nhân", như Thủ tướng Helmut Schmidt khi đó đã nói – ghê gớm về quân sự, nhưng về kinh tế chỉ là một chú lùn.

    Hoàn toàn khác với Trung Quốc. Năm 2005, nước này vượt qua Pháp để chiếm vị trí thứ 5 trên thế giới về sức mạnh kinh tế. Vượt Vương quốc Anh năm 2006, Đức năm 2007 và Nhật Bản năm 2009. Khi nói đến GDP được điều chỉnh theo sức mua, Trung Quốc  đã vượt  Hoa Kỳ để trở thành cường quốc kinh tế số một vào đầu năm 2014,  vị trí mà nước Mỹ đã nắm giữ từ năm 1872.

    "It’s the economy, stupid!“ từng là khẩu hiệu tranh cử của  Bill Clinton. Ông ta liên hệ với tình hình nội bộ ở nước Mỹ, nhưng trên trường quốc tế cũng ít nhiều giống như vậy: các chính phủ, đại diện cho phần đông dân số thế giới, sở dĩ ngại không dám bỏ phiếu chống Nga vì các nước này đều lệ thuộc vào nền kinh tế của quốc gia đồng minh là Trung Quốc.

    Ngày 4 tháng 2 năm 2022, Tập Cận Bình khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Thủ đô của Trung Quốc là nơi đầu tiên trên thế giới đăng cai cả Thế vận hội Mùa hè và Mùa đông.

    Vào ngày được coi là chiến thắng vĩ đại của cá nhân mình, ông Tập Cận Bình đã tiếp khách mời Thế vận hội Vladimir Putin tại Bắc Kinh. Nhưng thay vì chỉ trao đổi vài câu vui vẻ như thường lệ tại các cuộc gặp bên lề các sự kiện thể thao, họ đã thông qua "Tuyên bố chung về quan hệ quốc tế hướng tới kỷ nguyên mới và phát triển bền vững toàn cầu".

    Ngay tiêu đề của tập tài liệu 14 trang này nghe cũng đầy mỉa mai, vì đúng 20 ngày sau, cuộc chiến chống Ukraine của Putin bắt đầu. Nó bao gồm các cụm từ kiểu Orwell  như: "Các trang ghi nhận rằng Nga và Trung Quốc, với tư cách là những cường quốc trên thế giới, với bề dày lịch sử văn hóa, có truyền thống dân chủ lâu đời."

    Di sản văn hóa và lịch sử phong phú là điều không cần bàn cãi, nhưng cho đến nay những người Trung Quốc và Nga ủng hộ chính phủ vẫn cho rằng đất nước họ không có truyền thống dân chủ như vậy và do đó phải được quản lý theo cách thức độc đoán, chuyên quyền.

    Bản "Tuyên bố chung" này là giấy phép của Putin để xâm lược Ukraine. Lập luận của ông đã được thông qua: "Các bên bác bỏ sự mở rộng hơn nữa của NATO và kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ bỏ các phương pháp tiếp cận chiến tranh lạnh theo ý thức hệ của mình."

    Đổi lại: "Phía Nga nhắc lại sự ủng hộ của mình với nguyên tắc một Trung Quốc, xác nhận Đài Loan là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc và bác bỏ mọi hình thức độc lập của Đài Loan."

    Điều này dẫn đến lập luận của một số chính trị gia và doanh nhân cho rằng Tập Cận Bình không thể so sánh với Putin vì không giống như ông ta, ông ta không gây chiến. Trung Quốc muốn xâm lược Đài Loan không phải là vấn đề có hay không mà vấn đề là khi nào.

    Tập Cận Bình nói rằng ông muốn trở thành vị chủ tịch "giải phóng" Đài Loan. Đây là một sự thanh minh nhẹ nhàng về việc ông ta dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ của mình, để ông có thêm vài ba năm nhằm thực hiện ý đồ của mình.  Một vài năm trước, người ta  nói về một sự "tái thống nhất" trong hòa bình dựa trên công thức "một quốc gia, hai hệ thống". Nhưng giờ với sự cuồng loạn muốn kiểm soát bằng được Hồng Công  không một ai ở Đài Loan còn tin vào Tập Cận Bình nữa.

    Vì vậy giải pháp duy nhất còn lại là giải pháp quân sự. Và lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thỏa mãn chỉ riêng với hòn đảo này. Tập khẳng định các yêu sách về lãnh thổ đối với  Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và đối với  Philippin, Malaysia, Brunei và Việt Nam ở Biển Đông. Cũng giống như Putin muốn khôi phục đế chế Nga như  trước năm 1917, thì Tập Cận Bình cũng muốn khôi phục đế chế Trung hoa của hàng nghìn năm trước.


    Đây không phải là những bài phát biểu có tính chất nghi lễ, chúng là chính trị thực sự. Trong một lộ trình, Trung Quốc và Nga đã quy định cách họ tăng cường sức mạnh cho nhau. Tháng 11 năm 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu đã đồng ý tăng số lượng các cuộc diễn tập quân sự chung và phối hợp bảo vệ không phận của hai nước.

    Cùng tháng đó, máy bay ném bom chiến lược Xian H-6K của Trung Quốc và máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95MS của Nga đã bay tuần tra chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông.

    Trung Quốc cũng không trung lập trong cuộc chiến Ukraine, khi nhìn vào các phương tiện truyền thông người ta thấy: Báo chí Trung Quốc  áp dụng những tuyên bố của Nga rằng Ukraine liên kết với Hoa Kỳ phát triển vũ khí sinh học. Ngược lại, kỹ sư phần mềm người Trung Quốc Wang Jixian đã bị gọi là "kẻ phản bội" ở đất nước mình và ông bị chặn trên mạng xã hội chỉ vì hiển thị hình ảnh về cuộc chiến ở Odessa, nơi ông này đang sinh sống.

    Chiến lược quân sự được bổ sung bởi chiến lược kinh tế. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tăng gần 50% từ mức tương đương 127 tỷ euro vào năm 2021 lên 180 tỷ vào năm 2024. Tập Cận Bình và Putin đã nhất trí về 65 dự án đầu tư trị giá 110 tỷ euro.

    Trong khi Đức đang loại bỏ dần than đá và năng lượng hạt nhân, thì Trung Quốc đang đầu tư vào khai thác và chế biến tài nguyên ở Nga và đổ tiền của vào các công viên năng lượng mặt trời và điện gió tại nước này. Đến lượt mình, Nga  giúp Trung Quốc xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân. Matxcơva cũng muốn tăng nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Hoa lên gấp 10 lần (!). Điều này đòi hỏi phải mở rộng và hiện đại hóa hệ thống đường ống, điều mà Trung Quốc chắc chắn có thể làm được  một cách nhanh chóng.

    Trung Quốc đã thành công ở châu Phi, họ muốn mở rộng cơ sở hạ tầng ở Nga, bao gồm cả đường ô tô và thiết lập các kho nông sản. Tài nguyên phong phú ở vùng Siberia rộng lớn  và Trung Quốc với hàng trăm triệu lao động làm việc cần cù và có tay nghề đây là một sự hợp tác hứa hẹn nhiều hiệu quả nhưng cũng là tín hiệu về  sự “nguy hiểm chết người” đối với kẻ thù chung của hai nước.

    Ngoài ra còn có sự ăn ý, tâm đầu ý hợp  giữa Putin và Tập Cận Bình. Cả hai đều coi mình là người thực thi sứ mệnh lịch sử để làm cho đế chế của họ vĩ đại trở lại. Cả hai đều cảm thấy bị phương Tây giỡn mặt. Putin bởi sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, mà từ đó cá nhân ông phải chịu đựng hậu quả, từ  một cựu sĩ quan KGB lần đầu tiên phải làm công việc lái xe taxi. Tập Cận Bình tư duy  với tầm vóc to lớn hơn, ông tiếp tục nói về những gì các cường quốc thực dân từ nhiều thế kỷ trước đã đầy đọa  Trung Quốc.

    50 năm sau cuộc gặp Nixon-Mao, Trung Quốc và Nga lại là hai anh em, và đều là kẻ thù của Mỹ. Nhưng trước đây, sau 1949 Mao là đàn em của Stalin  nay thời thế đảo ngược: Tập Cận Bình trở thành ông anh cả  và Putin chỉ là chú em.


[Tác giả: Stefan Aust là chủ bút của báo WELT và nhà báo Adrian Geiges chuyên về Trung Quốc, hai ông là tác giả cuốn  “Xi Jinping – der mächtigste Mann der Welt“, cuốn tiểu sử đầu tiên về nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc]