CABO VERDE

 CABO VERDE


    Tiếp tục cuộc hành trình lòng vòng thế giới, tuần này, xin mời quý độc giả viếng thăm đảo quốc Cabo Verde (CV). Là một nơi chắc chưa có người Việt nào đặt chân tới.

    Cabo Verde là tên tiếng Bồ Đào Nha vì trước đây, quần đảo này là thuộc địa của Bồ, tiếng Pháp gọi là Cap Vert, tiếng Anh là Cape Verde.

    Cabo Verde là một nhúm chừng một chục đảo nhỏ, ngoài khơi Senegal của Tây Phi Châu, cách Senegal khoảng hơn 600 cây số, tổng cộng hơn 4.000 cây số vuông, với nửa triệu dân. Để có thể so sánh, quận Cam của Cali lớn gấp hai lần CV và có dân số hơn 3 triệu dân. Thủ đô CV là Praia, nằm trên hòn đảo lớn nhất. Praia có khoảng hơn 50.000 dân. Dân CV là dân Phi Châu, nhưng nước da nâu đậm, không đen. Tiếng Bồ Đào Nha vẫn là ngôn ngữ chính thức.

    Tôi ký hợp đồng làm việc ngắn hạn -2 tháng- với Cơ Quan Viện Trợ Phát Triển Mỹ -USAID- cuối năm 1992. Giúp tư hữu hóa một số công ty quốc doanh vì khi đó, CV mới chuyển từ chư hầu Liên Xô qua thể chế kinh tế thị trường, nhiều công ty quốc doanh được tư hữu hóa, bán cho các doanh gia tư nhân.

    CV là đảo quốc khá nhỏ, trong khi tôi làm việc rất ngắn hạn, tuy nhiên, có nhiều chuyện vui lạ, đáng kể lại cùng quý độc giả.


    Trước hết, xin nói qua về lịch sử và địa dư khá lạ.

    Quần đảo này được Bồ Đào Nha khám phá ra thế kỷ 15, khoảng năm 1450, trở thành thuộc địa Bồ từ ngày đó. Được độc lập năm 1975. Ngay sau đó, CV nằm dưới quyền một đảng cực tả, chư hầu của Liên Xô. Trước áp lực quần chúng, CV cho bầu cử đa đảng tự do lần đầu năm 1991, mang lại chiến thắng cho một đảng thiên hữu. Kể từ đó, CV trở thành một quốc gia tách ra khỏi khối CS Xô Viết, nhất là sau khi Xô Viết xụp đổ, có tự do dân chủ vững chắc. Ảnh hưởng của Mỹ tăng mạnh, đưa đến việc tôi có hợp đồng làm việc với USAID năm 1992.

    CV là một nhúm quần đảo nhỏ, gần như vô danh, chẳng ai biết đến, cũng chẳng là một trung tâm du lịch quốc tế, mà trái lại, chẳng bao giờ có du khách nào tới viếng thăm. Nhưng trên phương diện địa dư quốc tế cũng như chiến lược quân sự, lại là một quần đảo hết sức quan trọng.

    Trên phương diện địa dư quốc tế, CV chính là nơi xuất phát của hầu hết các trận bão lớn -hurricanes- tàn phá Đông Mỹ, tiểu bang Florida, các đảo Cuba, Haiti, Puerto Rico, Bahamas,... Kẻ này không phải chuyên gia khí tượng nên không có câu giới thích, nhưng CV là vùng lúc nào cũng có gió lớn và mạnh, và những cơn gió đó du hành, băng qua Đại Tây Dương, tới tàn phá vùng Caribbean và Florida hàng năm. CV có rất nhiều cây lớn, nhưng không cao, mà lại nghiên hẳn qua một bên vì gió lớn quanh năm ngày tháng.


    Về địa chính trị, CV là một căn cứ không quân then chốt của CS Xô Viết thời chiến tranh 'lạnh'. CV là trạm nghỉ và đổ xăng của máy bay Xô Viết từ Nga chở lính và quân viện qua Cuba hay qua Angola, phiá tây Phi Châu. Đi đến tình trạng quái lạ của các chuyến bay kể cả dân sự tới CV, mà tôi xin được kể lại dưới đây.

    Thủ đô là Praia trên đảo chính, lớn nhất, nhưng Praia chỉ có một phi trường nhỏ xiú, kiểu như phi trường Liên Khương của Đà Lạt trước đây. Các phi cơ dân sự Boeing lớn không tới phi trường Praia được, phải tới một phi trường lớn hơn là phi trường tên là Amílcar Cabral International Airport, hay thường gọi là Sal International Airport vì nằm trên một đảo khác, nhỏ hơn, tên là đảo Sal. Phi trường này lớn hơn vì được Liên Xô xây và phát triển để làm trạm nghỉ, đổ xăng cho các máy bay quân sự lớn của Liên Xô bay từ Mạc Tư Khoa đi Cuba hay Angola như vừa viết.

    Đưa đến câu chuyện hết sức ngộ nghĩnh của kẻ này khi tới CV. Đi máy bay dân sự Boeing lớn của Bồ Đào Nha tới phi trường SAL. Tới nơi, hành khách phải xuống hết, qua thủ tục kiểm tra thông hành, lấy hành lý ra, rồi đổi máy bay nhỏ đi tới Praia. Việc đổi máy bay hết sức đặc biệt và... thú vị. Máy bay nhỏ từ SAL đi Praia như loại 'xe búyt con thoi' -shuttle bus-, mỗi giờ có một chuyến, hành khách tới SAL phải đổi máy bay, không cần mua vé, giữ chỗ gì hết. Khi máy bay nhỏ tới, đáp xuống phi trường SAL, hành khách, chẳng ai xếp hàng gì hết, lo xách hành lý rồi chạy cho nhanh chiếm ghế ngồi trên máy bay nhỏ, quăng hành lý ngổn ngang phía đuôi máy bay, nhân viên phi hành đoàn sẽ xếp lại, cho tới khi hết ghế trống thì những người sau phải ở lại, chờ chuyến bay tới, rồi lại chạy dành ghế.

    Máy bay đi từ SAL tới Praia, nếu tôi nhớ không lầm, hơn nửa tiếng đồng hồ bay, là loại Nga chế, Tupolev gì đó, là máy bay cánh quạt ở trên hai cánh, phiá trên máy bay, nghĩa là hành khách ngồi trong máy bay nhìn qua cửa sổ sẽ thấy cánh máy bay và quạt phiá trên đầu mình, trong khi thấy mình ngồi sát trên bánh xe. Khi máy bay đáp, có cảm tưởng như mình bị kéo lê bàn tọa trên phi đạo. Lạ lùng thay, dân Nga khá to con, nhưng ghế máy bay lại rất hẹp, kẻ này, 'mít con' ngồi mà còn thấy chật. Mỗi máy bay chở được chừng 30-40 người. Chuyện lạ đáng nói là ngồi trên máy bay gần hàng đầu -vì tôi đã hụt chuyến bay trước nên chuyến này được lên trước, ngồi ghế hàng đầu-, tôi thấy ông phi công chính, quay cửa sổ kính xuống, gác tay trên cửa sổ trong khi bay, chẳng khác gì khi tôi lái xe hơi, xuống kính, gác tay trên cửa sổ xe hóng gió! Phi công không đội mũ, tóc bay phất phới. Tôi không phải dân không quân, không biết gì loại máy bay ngộ nghĩnh này. Sau này, khi ở Miến Điện tôi đi máy bay cánh quạt rất thường xuyên vì đó là những loại máy bay thông dụng trong nội địa Miến. Cánh quạt nhưng mới toanh, rất tân tiến, rất êm và nghe tiếng máy không quá ồn. Nhưng đều là máy bay lớn, chở cỡ từ 50 tới 80 hành khách, phi công ngồi trong buồng lái riêng đóng kín cửa. Miến có 5-6 hãng máy bay nội địa, toàn sử dụng những máy bay cánh quạt kiểu này, phần lớn sản xuất tại Pháp.


Máy bay cánh quạt lớn của Miến Điện

     Kẻ này xin kể chuyện đi ăn tiệm tại Praia.

    Phải nói ngay khi đó, tình cờ, tôi đi làm cùng với một chuyên gia tư vấn gốc Việt khác, chính là một anh 'bạn già' của tôi. Hai chúng tôi, một hôm, đi vào một nhà hàng địa phương ăn trưa. Địa phương nhưng có các món 'Tây' như thịt bò bít-tếch và mì Ý. Vào tiệm, tuy chẳng có một khách hàng nào chừ hai chúng tôi, vẫn phải ngồi chờ chừng 5 phút mới thấy một cô phục dịch, từ từ lết từ trong nhà bếp ra, chẳng nói chẳng rằng gì, đặt hai cái thực đơn trên bàn rồi từ từ vào bếp lại. Ngồi chờ chừng 5 phút sau, thấy chị ta lại từ từ lết ra, đặt một cuộn khăn giấy trong đó có một cái nĩa và một con dao trước mặt tôi, rồi lại biến vào nhà bếp, chẳng hỏi han, nói chuyện câu nào. Rồi lại ngồi chờ, 5 phút sau, chị ta lại lết ra, đặt một cuộn khăn với dao nĩa thứ nhì trên bàn trước mặt anh bạn, rồi lại đi vào bếp. Lại chờ thêm 5 phút nữa, thấy chị ta trở ra với một quyển sổ tay nhỏ và cây bút BIC, khi đó mới nghe chị ta hỏi chúng tôi muốn ăn gì. Gần nửa giờ mới đắt đầu gọi món ăn. Tôi sốt ruột, nói với cô phục dịch "chúng tôi phải trở về sở làm việc, xin cô nhanh nhanh giùm". Cô phục dịch nhìn tôi một cách hết sức ngạc nhiên, quay lưng đi vào, không thèm trả lời một tiếng nào. Chờ thêm cỡ ... 15 phút nữa, mới thấy mang đồ ăn ra. Anh bạn tôi số may hơn, được ăn trước, tôi phải chờ thêm 10 phút. Sau cả tiếng đồng hồ chờ, tôi đã hưởng được một trong những bữa ăn dở nhất trong đời. Miếng thịt bò dai hơn đế giầy, may là khi đó tôi còn trẻ, răng còn tốt hơn bây giờ nhiều.

     Đúng như Einstein đã nhận định, thời gian có giá trị rất tương đối. Ở Mỹ cả nước lúc nào cũng phải chạy đua để sống. Như thời cao bồi lập quốc, bắn chậm thì chết. Bây giờ làm việc chậm chạp ở Mỹ, mất job ngay. Nhưng ở CV nói riêng và cả Phi Châu nói chung, thời gian là cái gì thiên hạ ít quan tâm nhất. Cho tôi một bài học vô giá: kiên nhẫn, từ từ mà sống, không cần phải chạy đua với ai hết. Rồi mọi chuyện cũng vẫn xong.

    Lần sau, chúng tôi rút kinh nghiệm, không đi tiệm ăn địa phương mà đi ăn một tiệm Tầu. Trên thế giới này, chỗ nào có người sống, là có tiệm ăn Tầu. Trên cái đảo khỉ ho cò gáy này, cũng có tiệm ăn Tầu. Đi ăn mì cho nhanh, cũng bảo đảm phải ngon hơn món xì-tếch dai nhách. Tiệm Tầu này phục vụ tốt hơn, nhanh hơn nhiều, khỏi phải chờ cả nửa giờ dù nhiều khách hàng hơn, toàn dân Tầu. Ngay khi đó, tôi đã thấy khá nhiều chuyên gia Tầu cộng làm việc tại Phi Châu rồi. Tôi gọi món mì xá xíu. Được bưng ra một tô mì, nhìn kỹ, hóa ra là ... mì gói, với những sợi mì quăn quăn quá quen thuộc. Cùng vài miếng thịt heo luộc, chẳng có xá xiú gì ráo. Không rau không hành gì hết. Thế mà mấy anh Tầu trong tiệm ăn một cách thật ngon lành. Có lẽ mấy anh này khi còn sống ở mẫu quốc,  có mì gói để ăn là trúng số rồi.

    Nghĩ lại, cái may lớn nhất cho tôi khi đó là hợp đồng này rất ngắn hạn, chỉ có hai tháng.

    Trên phương diện du lịch, thủ đô Praia bé tí, gần như hình tròn với đường kính khoảng hơn 5 miles, đi một vòng xe chừng 15 phút là hết thành phố, chẳng có gì đặc biệt, bãi biển cũng bình thường, không có gì khác lạ, không đẹp cũng chẳng xấu, sạch sẽ vì chẳng thấy ai tắm. Gió quá mạnh, sóng lớn, mà lại hơi lạnh.

    Thật ra, công việc khá nhàn rỗi, nhưng khi đó, đúng là lúc đang có cuộc bầu cử TT Mỹ giữa đương kim TT Bush cha và thống đốc Bill Clinton. Anh em chúng tôi ngồi coi tivi -CNN International được thành lập năm 1987-, bàn ra tán vào cả ngày. Cá nhân tôi khi đó, ung dung ngồi chờ tin đại thắng của TT Bush cha, chứ tay 'playboy' hỷ mũi chưa sạch Clinton là thứ ma nào, ai thèm bầu. Để rồi sau đó, tôi trắng mắt ngồi nghe tân TT Clinton đọc diễn văn thắng cử.

    Chuyện bên lề: chúng tôi được gặp ông đại sứ Mỹ tại đây. Ông này rất quen thuộc với VN, vì trước đây là lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ trước năm 75, giờ chót đã phải nhẩy lên xà-lan đi từ Cần Thơ qua sông Cửu Long ra biển. Ông có bà vợ VN, nhưng tôi không có dịp gặp. Tuy CV là đảo rất nhỏ, nhưng trách nhiệm ông đại sứ khi đó rất quan trọng. CV vừa thoát ra khỏi gông cùm CS LIên Xô, Mỹ nhẩy vào để chiếm ảnh hưởng, qua cả lô dự án viện trợ tài chánh và kỹ thuật từ USAID. Và đã thành công, biến CV thành một trong những quốc gia dân chủ, tự do nhất Phi Châu cho tới ngày nay.