DU KÝ BỒ ĐÀO NHA

DU HÀNH XỨ RƯỢU PORTO


[Ghi chú: bài Tây Du Ký II tuần rồi bị một độc giả bên Tây công kích nặng, tóm tắt lại như đó là bài của một anh Mỹ đi Pháp du lịch, chẳng biết mô tê gì về Pháp nhưng lại dám chê bai nước Đại Pháp, không ý thức được Houston -nơi kẻ này cư ngụ- không thể so sánh được với Paris của ngàn năm văn vật (dân Pháp, nhất là dân Pa-ri gồ, có quyền chê bai, bôi bác cả thế giới, nhưng dân Mỹ cấm không được đụng đến Kinh Đô Ánh Sáng!!! Tôi phải xin lỗi thành phố Houston, tự nhiên tôi viết lăng nhăng khiến Houston bị ăn đòn, chê bai rất oan uổng!) Phản ứng này nói lên tính quá nhạy cảm -hay mặc cảm- của nhiều người, đụng đến mình, hay ngay cả đụng đến thành phố mình ở, đụng đến "đường đi lối về", hay xứ mình cư ngụ là dẫy nẩy như đỉa phải vôi, phải biện bạch, bào chữa, sống chết phải tử thủ như David Crockett tử thủ giữ thành Alamo. Độc giả này không hiểu trọng tâm bài ký là gì: chỉ là phóng sự vui buồn, có hay có dở, có tốt có xấu, mà người viết có đúng có sai, chỉ là phóng sự nửa đùa nửa thật cho vui, không có giá trị gì ghê gớm đến phải nhẩy dựng lên bào chữa, rằng thì là mà,... Bài ký về du lịch Porto này cũng vậy thôi, chỉ là phóng sự cấp tốc sau khi viếng thăm Porto vài ba ngày, ý kiến cá nhân, đọc cho vui, thay đổi không khí, ra khỏi các bài bình luận chính trị khô khan. Có thế thôi, quý vị thích thì đọc rồi cười chơi, không thích hay có thành kiến không ưa tên Mỹ giấy bựa cuồng Trump này thì đừng đọc, khỏi mang phiền toái vào cho chính mình]

----------------


    Giờ này năm ngoái, VL đã du ngoạn Bồ Đào Nha, hay chính xác hơn, thủ đô Bồ là Lisboa hay Lisbon. Và đã có báo cáo cùng quý độc giả rồi.

https://diendantraichieu.blogspot.com/p/tay-du-ky-2-bo-ao-nha.html

    Lần này, ta đi một thành phố khác của Bồ Đào Nha, là thành phố Porto.     

    Điểm nổi bật khiến tôi hết sức ngạc nhiên, Porto có lẽ là thành phố lớn nhất của Bồ Đào Nha, có thể lớn hơn cả thủ đô Lisbon. Và theo ý kiến cá nhân, có lẽ cũng đáng đi thăm viếng hơn xa Lisbon. Ít nhất vì ba lý do: Porto có bãi biển đẹp hơn xa bãi biển Lisbon; Porto có khu phố cổ cũng đẹp hơn xa Lisbon; và Porto có dư thừa rượu đủ loại cho các ông nhậu nếm thử.


    Porto được cả thế giới biết như là tên của một loại rượu nổi tiếng. Đó là loại rượu vang hơi ngọt, đậm đà, thường dùng để nhâm nhi trước khi vào bữa ăn, gọi là aperitif. Bây giờ, tôi mới biết thêm Porto cũng là tên một thành phố lớn, và cũng là tên của cả một vùng phía bắc Bồ Đào Nha. Trong vùng và thành phố này, có thể nói rượu porto hoàn toàn chi phối mọi chuyện. Ngoài thành phố thì chung quanh toàn là những dẫy đồi trồng nho làm porto, trong thành phố thì chỗ nào cũng thấy chỗ cho thử rượu porto, và trong khu kỹ nghệ thì toàn là những nhà kho khổng lồ đựng rượu porto. Các tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách cũng toàn là quảng cáo cho thành phố Porto và rượu porto, dĩ nhiên.

    Vì được thử tứ tung và bị nghe quảng cáo, giải thích mệt nghỉ, nên bây giờ, kẻ này mới biết porto không phải chỉ có loại 'aperitif' bán bên Mỹ mà cũng có loại để uống khi ăn bữa như rượu vang thường, và cũng có hai loại trắng và đỏ. kẻ này đúng là dân Mỹ giấy ngáo gốc tị nạn nhà quê được đi học hỏi ở Âu Châu, cái nôi của văn hóa văn minh ngàn năm văn vật Tây. Trong thực đơn nhà hàng, porto được kê ra như loại aperitif, nhưng cũng được kê ra như 'vins fortifiés' -rượu mạnh- để ăn với bữa ăn, giống như rượu vang thường. Đọc thấy 'fortifiés' tưởng rất mạnh, nhưng thật ra khá nhẹ, vẫn có vị hơi ngọt, không hẳn hợp 'gu' với dân nhậu, nhưng các bà có thể thích hơn vì uống nhiều không xỉn, chứ mấy bà mà xỉn thì hơi khó coi.

    Nhắc lại, như bài báo cáo trước đã viết, rượu porto được 'khám phá' ra qua tai nạn. Số là khi người Bồ bắt đầu gửi các thùng rượu vang qua Mỹ bằng thương thuyền lớn, thì vì bị lắc lư trên biển cả mấy tháng trời, nên số rượu vang này bị hư, uống đâm ra hơi ngọt. Hư nhưng uống lại thấy ngon ngon. Từ đó, những nhà sản xuất rượu chế biến thêm thắt gì đó, thành ra rượu porto.

    Sẵn đang nói chuyện về uống, xin bàn qua chuyện ăn.

    Dân Bồ có vẻ rất thích ăn cá, đặc biệt là cá gọi là bacalhau -tiếng Mỹ là cod fish, tiếng Việt là cá tuyết (?). Tiệm ăn nào cũng quảng cáo loại cá này, nấu nướng theo nhiều kiểu. Kẻ này ăn thử, cũng chẳng thấy có gì đặc biệt, không dai cũng chẳng bở, không có mùi vị gì đặc biệt. Có lẽ thịnh hành vì biển Bồ Đào Nha có nhiều loại cá này nhất?

    Tại Bồ, có nhiều tiệm chuyên môn bán chỉ có đúng một thứ là cá hộp, nhưng không phải chỉ có cá mòi -sardine- mà có rất nhiều loại cá khác nhau, đóng hộp y như hộp cá mòi ta thường thấy.


Cá hộp

    Đặc biệt khá lạ là dân Bồ có món heo sữa quay, coi hình hết sức hấp dẫn, y chang như hình chụp tại Chợ Lớn năm nào. Cũng có món da heo sữa quay, hình chụp trông thấy phải thèm muốn ăn liền, nhưng da không dòn, mà trái lại, nghe nói hơi dai tuy kẻ này chưa nếm thử.

    Vật giá Porto rẻ hơn bên Pháp. Nói chung đi ăn tiệm vừa vừa, một miếng thịt bò nướng -grilled steak- khoảng 15 đô, với một ly rượu vang 3,5 đô, trong khi bên Lyon, một miếng steak phải tính tối thiểu 30 đô, với ly rượu cỡ 7-8 đô. Đi lòng vòng thành phố cả bốn ngày trời, không thấy một tiệm ăn Tầu nào, đúng là chuyện lạ bốn phương. Trái với lời rao truyền "chỗ nào có người ta sống, chỗ đó có mấy anh chú Ba mở tiệm ăn".

    Dân Porto -hay dân Bồ nói chung?- có một thú tiêu khiển khá đặc biệt là đi nghe cái mà tôi gọi là 'nhạc thính phòng'. Trong một tiệm như tiệm cà-phê nhỏ, có chừng hai chục khách ngồi quanh một sân khấu nhỏ chừng hai thước vuông, coi/nghe một ca sĩ hát với hai nhạc sĩ đệm ghi-ta phụ. Ca sĩ hát không cần micro, nhưng giọng hát cực kỳ mạnh, xuống rất thấp, lên rất cao, có khi 'hét' bể nhà luôn, giống như đi nghe hát ... opera. Không giống như nhiều ca sĩ Việt thều thào không ra hơi, nhất là nhiều 'ca sĩ' ka-ra ô-kê. Khách ngồi nghe, không có ăn uống gì, mà mỗi người được tặng một ly rượu porto nhỏ nhâm nhi khi nghe hát. Khách đi nghe hầu hết là khách du lịch ngoại quốc, đi nghe để thưởng thức cái giọng cực mạnh của ca sĩ, chứ ca sĩ hát tiếng Bồ, chẳng mấy ai hiểu họ hát gì.

    Tiếng Bồ không giống tiếng Tây Ban Nha, tuy có nhiều chữ tương tự, có thể đoán mò ra được. Tiếng Bồ có vẻ khó hơn tiếng Tây Ban Nha.

    Như tất cả các thành phố Âu Châu, tại Porto, đường xá rất nhỏ, ngoằn nguèo, khó đi, kẹt xe thường trực, nhất là trong khu phố cổ. Thế nhưng tài xế taxi chạy nhanh bạt mạng khi có đoạn đường trống. Muốn an toàn, ngồi xe taxi nên chú tâm nhìn phong cảnh, đừng nhìn cách tài xế lái xe.


Con đường trong phố cổ

    Chuyện khá lạ bên xứ Porto: kẻ này đi bộ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trong bốn ngày, mà lạ lùng thay, chẳng thấy có con chó nào và dĩ nhiên chẳng thấy phân chó đầy đường như bên Pháp. Không hiểu vì dân Bồ không thích nuôi chó, hay trái lại, quá mê thịt cầy như dân Mít ta nên không còn con chó nào thoát khỏi nồi nước sôi có sẵn củ giềng?

    Porto có khá nhiều du khách Á Đông. Những du khách Nhật thường đi từng nhóm dăm ba người, có vẻ bạn nhau, ăn mặc quần áo có vẻ sang trọng hay theo thời trang, kiểu nhà giàu; trong khi du khách Tầu thì thường đi theo đoàn, theo tour, với cả chục người đi theo một hướng dẫn viên. Du khách Tầu đi đâu cũng vẫn là ... du khách Tầu, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, nói năng ồn ào, vào tiệm gọi nhau ơi ới, nhìn ngang nhìn dọc như lũ ngáo.

    Porto có khu phố cổ, tiêu biểu bởi nhiều nhà thờ rất cổ, kiến trúc với những hình tượng tinh xảo, đáng chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên, trong phố cổ, cũng có rất nhiều nhà kiến trúc hay trang trí có hơi hám Hồi giáo. Bồ Đào Nha trước đây đã bị đế quốc Hồi -của Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ- thống trị cả mấy trăm năm.

    Ra ngoài các thành phố, toàn là đồi nho. Gọi là đồi, nhưng tất cả đều cao lớn gấp mấy lần các 'núi' của VN ta, như Núi Bà Đen, Núi Ngũ Hành Sơn,...

 
Đồi nho

     Dân Việt ta mắc nợ dân Bồ rất lớn, hay chính xác hơn, mặc nợ các giáo sĩ Bồ qua VN giảng đạo. Họ là những người đã sáng chế ra cách viết tiếng Việt với các mẫu tự La-tinh, thay vì phải dùng những dấu phết phẩy rất khó học của Tầu. Sau đó, giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes mới dựa trên phát minh đó, sửa chỉnh lại thành cách viết thông dụng của chúng ta hiện nay. 

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes

    Nói chung, dân Bồ có vẻ lịch sự nhưng không vui vẻ, không dễ thân thiện như dân Pháp hay dân Tây Ban Nha. Không thấy gì có vẻ không an toàn. Qua nhiều khu phố nghèo, cũng thấy dăm ba anh di dân Phi Châu tụm năm tụm bẩy nói chuyện rất ồn ào, nhưng không sợ bị móc túi hay giựt đồ gì. Cũng thấy vài ba anh vô gia cư ngủ ngay trên vài con đại lộ chính. Kẻ này không dám hỏi nên không biết là dân vô gia cư địa phương hay là di dân lậu từ Phi Châu qua.

    Chính quyền Porto có vẻ rất quan tâm đến vấn đề an toàn cho dân. Đi đâu cũng thấy cảnh sát đầy đường, võ trang tới răng như sắp ra chiến trường Iraq. Không thấy anh dân nào biểu tình đòi cắt tiền hay giải tán cảnh sát. Dân Bồ hình như thực tế, không 'thức tỉnh' ngớ ngẩn như đám dân Mỹ gọi là 'cấp tiến' khai phóng.