CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC MỸ
(bổ túc)
Tuần rồi, ông Nhã Duy -mà tôi tuyệt đối không quen cũng chẳng biết- đã viết một bài về giáo dục Mỹ, dĩ nhiên vì đây là một trong những vấn đề thật quan trọng của cộng đồng tị nạn, của thế hệ đầu lo cho các thế hệ sau. Trong bài viết, cũng có đề cập về bài của Vũ Linh (BÀI 177: TƯƠNG LAI CON CHÁU TRONG GIÁO DỤC MỸ).
Trên căn bản, ông ND có cái nhìn lạc quan hơn VL, rất hãnh diện có con gái học đại học, lại dám lên tiếng khiếu nại chống thầy giáo khiến thầy giáo mất job. Ông ND là người có tư tưởng cấp tiến, ủng hộ quan điểm DC, đã từng chống CH và TT Trump mạnh. Tuy nhiên, ông cũng là một trong những người ít ai muốn nói là ‘cuồng’ này nọ, và ông cũng có ngôn ngữ nghiêm chỉnh, không sỉ vả lung tung.
Trong bài viết của ông ND, có hai điểm kẻ này không đồng ý, muốn nêu lên ở đây, gọi là để ‘rộng đường dư luận’.
Thứ nhất, ông ND trích dẫn một đoạn khá dài của VL mà ông gọi là “một nhà báo gốc Việt" nhưng không nêu tên:
“Một nhà báo gốc Việt nhận xét về nền giáo dục Mỹ là, “mang nặng tính tẩy não, nhồi sọ một chiều trên phương diện nhân văn. Một chính sách giáo dục một chiều khi tuyệt đại đa số giáo chức đều có tư tưởng cấp tiến, muốn “cải tạo”, truyền bá cái tư tưởng cấp tiến đó vào đầu học trò, trong suốt hai chục năm học đường. Từ tiểu học, đến trung học, đến đại học, không còn bí mật gì nữa, các trường học Mỹ đều là những ổ ươm cây cấp tiến, gọi là “trồng người”, của các nghiệp đoàn giáo chức thiên tả…”.
Ngay sau đó, ông ND bàn thêm:
“Suy nghĩ phổ biến này bắt gặp trong một số bậc phụ huynh gốc Việt dù ít nhiều mang sự mâu thuẫn. Trong khi hãnh diện, vui mừng vì con cái được vào đại học hay được chấp nhận vào các trường danh tiếng nào đó, họ đồng thời cũng cứ chỉ trích đó là những trường “thiên tả”, làm công việc tẩy não con cái họ bởi có sự bất đồng với con cái trong các vấn đề xã hội”.
Tôi hiểu việc ông ND gọi là “mâu thuẫn”. Điều tôi không đồng ý là ông ND trích dẫn không đầy đủ cốt ý chê tôi đã không nhìn thấy mâu thuẫn.
Tôi đã viết rất rõ:
“Nhưng mặt trái của vấn đề là cái nền giáo dục của Mỹ, chắc chắn hơn xa giáo dục cả thế giới về mặt kỹ thuật, cộng trừ nhân chia bằng computer, nhưng lại mang nặng tính tẩy não, nhồi sọ một chiều trên phương diện nhân văn. Một chính sách giáo dục một chiều khi tuyệt đại đa số giáo chức đều có tư tưởng cấp tiến, muốn ‘cải tạo’, truyền bá cái tư tưởng cấp tiến đó vào đầu học trò, trong suốt hai chục năm học đường”.
Tôi đã viết rất rõ trường Mỹ tuyệt hảo về kỹ thuật, nhưng lại một chiều trên các đề tài nhân văn. Phụ huynh Việt tất nhiên đã và vẫn ước mơ con được theo đại học Mỹ, cho dù một số phụ huynh biết rõ con có thể bị nhồi sọ tư tưởng thiên tả. Dù sao thì trên phương diện kỹ thuật, tốt nghiệp đại học Mỹ tất nhiên hơn rất rất xa các đại học Bà Chiểu hay Cầu Muối, thậm chí cũng hơn luôn tốt nghiệp đại học Âu Châu.
Chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Một số phụ huynh không nhìn thấy vấn đề, một số khác nhìn thấy rõ, nhưng không có lựa chọn nào khác, một số khác nữa thấy rõ tai hại của nhồi sọ thiên tả, nhưng đành chấp nhận, coi như cái giá con phải trả để thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư,…
Dù sao, đây cũng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là việc ông ND viết: “Còn giới trẻ can đảm lên tiếng theo suy nghĩ và lương tâm của mình, bất kể những gì có thể xảy ra”.
Không ai có thể phủ nhận giáo dục Mỹ và nói chung, lối sống của Mỹ, khuyến khích trẻ con bạo dạn hơn, dám nói hơn trong khi trong chế độ gia trưởng Á Châu, trẻ con bị bịt miệng, cấm cãi bất cứ ai, dù bị chửi oan.
Nhưng nói hay không nói chỉ là chuyện hình thức. Điểm tôi thấy quan trọng gấp bội, đáng bàn hơn là nội dung, là việc nói gì, có gì để cần phải can đảm nói ra.
Điểm tôi lo ngại chính là cách “suy nghĩ và lương tâm” của đám trẻ. Đó là những cái gì hoàn toàn không phải bẩm sinh, sanh ra là đã có, mà là thứ trẻ con được dạy bảo trong nhà trường suốt hai chục năm. Tại đó, cách suy nghĩ và lương tâm của trẻ con đã bị các thầy cô cấp tiến gần như mù quáng uốn nắn theo chiều hướng thiên tả của họ, chứ không phải các thầy cô dạy cho chúng đủ loại suy nghĩ để chúng tự do lựa chọn theo bản tính. Như sinh viên Đại Học Berkeley, mấy chục năm sau khi CS đã xụp đổ toàn diện, vẫn lo phất cờ đỏ, hoan hô CS!
Cái quan trọng không phải là chúng đã có can đảm nói lên những suy nghĩ của chúng, mà là những suy nghĩ của chúng, tới giờ này mà vẫn hoan hô CS.
Như tôi cũng đã viết khá rõ, đám trẻ tị nạn thành tài, nhưng đồng thời cũng thành… Mỹ con luôn. “Con cháu tị nạn cuối cùng đã thấm nhuần những tư tưởng cấp tiến tây phương, không còn gì dính dáng tới văn hoá bảo thủ cố hữu của dân Á Đông nói chung, hay dân Việt nói riêng, tức là của bố mẹ, ông bà chúng. … Những giá trị tôn giáo của bố mẹ bị con cháu cho là mê tín dị đoan ngớ ngẩn. Vào nhà đám trẻ tị nạn, bao nhiêu nhà có bàn thờ ông bà, bố mẹ? Những giá trị gia đình bị đánh giá là hủ lậu. … Những giá trị đạo đức bị coi là giả dối. … Con cháu nhìn bố mẹ với con mắt tội nghiệp, có khi hổ thẹn thấy thế hệ bố mẹ quá dốt, trình độ dân trí quá thấp, dễ bị lừa”.
Đó mới là điều tôi lo ngại, mà ông ND có vẻ không quan tâm, chỉ hãnh diện thấy chúng “có can đảm nói theo suy nghĩ và lương tâm” của chúng.