Lời phi lộ: kẻ này mỗi năm tự cho quyền đi du lịch ngoài nước Mỹ trước khi quá muộn, nằm trong viện dưỡng lão không còn đi đâu được nữa, và mỗi lần đi lang thang, đều cố kể lại chuyện vui buồn, chuyện lạ và không lạ xứ người, chia vui cùng độc giả. Nhận thấy loạt bài này được nhiều người thích đọc để thay đổi không khí khô khan của thời sự chính trị, kẻ này, muốn viết thêm vài chuyện xứ người khác mà kẻ này đã đi qua hay sống qua, gọi là chia xẻ chuyện thiên hạ với quý độc giả.
Loạt bài này sẽ bắt đầu từ số 'tân niên' này của DĐTC, coi như một cuộc mở đầu vui tươi cho năm mới. Loạt bài này sẽ được đăng không phải mỗi tuần, mà tùy thuộc vào số lượng những tin quan trọng khác cũng như thời giờ eo hẹp, trí nhớ và sức khỏe giới hạn của lão già tám bó này, xin quý độc giả thông cảm.
Loạt bài này kể lại cùng quý độc giả vài kinh nghiệm cá nhân của tôi khi đi làm việc tại những xứ khác. Thật ra, tôi có cái may mắn đi làm việc tại rất nhiều xứ trên thế giới -cỡ hai tá quốc gia- nhưng xin phép chỉ chia sẻ ít kinh nghiệm đặc biệt, khác lạ, đáng biết thôi.
Tuần này, xin mời quý độc giả cùng đi Miến Điện cho vui.
------------------
1. Miến Điện
Trước đây, kẻ này đã có dịp làm việc tại Yangon hay Rangoon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, trong 4 năm, xin kể lại vài chuyện đặc biệt của xứ này.
Miến Điện là tên cũ, dịch ra tiếng Việt, trong khi chính thức bây giờ thì tên xứ là Myanmar. Tên trước là Burma tiếng Anh, hay Birmanie tiếng Pháp. Sở dĩ đổi tên là vì Burma chỉ là tên của một vùng hay bộ tộc Miến trong khi xứ này có cả nửa tá vùng của cả chục dân tộc (bộ tộc) khác nhau.
Kẻ này đi làm việc tại Miến qua một chương trình hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan GIZ của chính phủ Đức, tương tự như USAID của Mỹ. Làm cố vấn trưởng cho ngân hàng thương mại lớn nhất Miến -với hơn 18.000 nhân viên- trong 4 năm trường.
Miến có diện tích lớn gấp rưỡi -1,5 lần- Cali, với 56 triệu dân, so với Cali có 40 triệu dân, hơn Cali 1,4 lần. Miến có chiến tranh nội bộ từ mấy chục năm nay, khi nhiều bộ tộc phía đông-bắc, muốn tự trị. Đám phiến quân này hoạt động trong vùng biên giới Miến-Trung Cộng, nên Miến rất lệ thuộc vào hậu thuẫn của Bắc Kinh. Bắc Kinh ủng hộ sẽ tiếp kềm chế các bộ tộc này, ngược lại, Miến không thân thiện với Bắc Kinh thì Bắc Kinh sẽ giúp các nhóm nổi loạn đánh phá.
Miến trước đây bị trị bởi một nhóm tướng lãnh chiếm quyền sau khi đảo chánh, nên bị cả thế giới Âu Mỹ tẩy chay, cấm vận toàn diện, không giữ quan hệ gì, ngoại trừ Đức. Cái ngu xuẩn của khối Âu Mỹ, nhất là Mỹ, một hai bắt Miến Điện phải có dân chủ, phải có tự do chính trị, đa đảng và bầu bán tự do [như bầu cử TT Mỹ năm 2020 ???]. Khi Miến là một nước nghèo chậm tiến, dân trí thấp, dân chủ không thể có được thì Âu Mỹ tẩy chay, cấm vận, ngoại trừ Đức. Đẩy cả nước phải bám vào Trung Cộng để sống. TC thao túng cả nước, chiếm độc quyền khai thác đá quý như cẩm thạch, hồng ngọc,... mang từng tảng đá cẩm thạch về Tầu, xẻ nhỏ ra thành đồ trang sức, bán lẻ lại, một lời cả trăm, cả ngàn. Chẳng những vậy, TC giúp xây xa lộ, phi trường, hải cảng, nhà máy điện, máy nước,... giúp cả quân sự như xe tăng, tàu chiến, máy bay phản lực,... Biến Miến Điện thành cửa sau chiến lược của TC để vào biển Ấn Độ Dương. Chi tiết này cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng thủ cả TC khi ta nhớ lại Miến Điện đã là cửa ngỏ để quân Anh và Mỹ vào Tầu, giúp Tưởng Giới Thạch chống Phát-xít Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai.
Nhóm tướng lãnh nắm quyền cả hơn 50 năm, sau đó, vì muốn thoát khỏi vòng kim cô Trung Cộng nên cho tổ chức bầu quốc hội dân chủ, đưa đến việc đảng của bà Aung San Suu Kyi đại thắng, lên nắm quyền, mở bang giao lại với các quốc gia Âu Mỹ. Vì Hiến Pháp cấm TT có người phối ngẫu là ngoại quốc nên vì bà này có chồng người Anh, không được nắm chức TT, bà bèn chỉ định một ông phụ tá lâu năm ra tranh cử TT do quốc hội bầu, mà quốc hội lại do đảng của bà nắm quyền kiểm soát tuyệt đối, ông này dễ dàng đắc cử TT nhưng bà Aung San Suu Kyi là người thực tế nắm quyền hết, qua chức mới lập ra cho bà, 'Cố Vấn Tối Cao', Supreme Counselor. Nhưng chỉ sau một thời gian vài năm, quân đội lại đảo chánh và từ năm 2021, các tướng lãnh lại nắm quyền trong khi bà Aung San Suu Kyi ngồi tù. Vì bà Aung San Suu Kyi toan tính lấn quyền các tướng, trở về thân TC hơn. Ngay sau khi được bổ nhiệm 'Cố Vấn Tối Cao' việc đầu tiên bà Aung San Suu Kyi làm là đi 'thăm viếng' Bắc Kinh. Bà Suu Kyi không có một chút thiện cảm nào với Mỹ. Khi Obama qua thăm Miến năm 2014, được TT bù nhìn khoản đãi quốc yến, bà Suu Kyi không thèm tham dự. Obama xin gặp. Bà bắt Obama phải đích thân tới tận nhà riêng của bà, và Obama đã tới, nói chuyện với bà chừng một tiếng đồng hồ. Qua năm 2021, sau khi quân đội đảo chánh, Biden lại tẩy chay, cấm vận lại, đẩy Myanmar vào tay TC lại.
Trước khi các con vẹt tị nạn u mê nhai lại tin tức của truyền thông cấp tiến thiên tả tung hô bà Aung San Suu Kyi lên chín chục tầng mây, cần phải hiểu cho rõ bà Aung San Suu Kyi tuy được quần chúng tôn thờ như Phật sống, nhưng lại là người có quan điểm công khai ủng hộ cộng sản, rất tôn sùng Trung Cộng, rất thân thiện với Hà Nội. Bố của bà là tướng Aung San, người đã cầm đầu cuộc chiến dành độc lập của Miến chống Anh Quốc, bị ám sát chết ngay sau khi Miến vừa dành được độc lập, là cha đẻ ra quân đội Miến mà tất cả các tướng lãnh đang nắm quyền đều là đàn em của ông ta, nhưng tướng Aung San cũng là cha đẻ ra đảng Cộng Sản Miến, là đảng bây giờ đã bị các tướng cấm hoạt động. Tướng Aung San được tôn sùng như đại anh hùng quốc gia, tên của ông được dùng cho rất nhiều đường phố, công viên, dinh thự,...
Cách đây đâu ba chục năm, khi đó Yangon là thủ đô, mấy ông tướng thân Trung Cộng, sợ Mỹ đổ bộ chiếm Yangon sau khi thất bại tại Nam VN, nên ra ý kiến xây một thành phố mới toanh, trong trung tâm xứ, cách xa biển, làm thủ đô mới, lấy tên là Nay Pyi Daw. Bỏ ra bạc tỷ đô trong một xứ nghèo mạt rệp, xây nguyên một thủ đô mới với cả trăm cao ốc tối tân khổng lồ làm dinh tổng thống, văn phòng cả trăm bộ, sở, nha, với những con đường rộng thênh thang cho ít nhất bốn hàng xe chạy song song mỗi chiều. Sau khi thủ đô khánh thành, các công sở phải dọn từ Yangon lên Nay Pyi Daw, phần lớn công chức... từ chức, không chịu dọn nhà lên thủ đô mới. Công chức Miến rất nghèo, chồng đi làm, vợ ở nhà buôn gánh bán bưng nuôi con. Phần lớn công chức không chấp nhận vợ chồng xa nhau, chồng đi Nay Pie Daw, vợ ở lại Yangon, nên từ chức. Chính quyền phải chịu thua, chỉ chuyển một số bộ phận chính quyền cần thiết nhất lên thủ đô mới, còn phần lớn công sở vẫn phải giữ lại tại Yangon. Bây giờ thủ đô Nay Pie Daw vắng như chùa bà đanh, đường xá rộng mênh mông không có một chiếc xe nào chạy. Ngay cả phần lớn các cơ sở quốc tế, tòa đại sứ cũng không chịu dọn lên. Tòa Đại sứ Mỹ ở lại Yangon, không ở thủ đô Nay Pyi Daw. Quan chức xứ nào làm việc cũng giống nhau, vung tiền thuế của dân ra cửa sổ lãng xẹc.
Bỏ qua vấn đề chính trị, ta nói về xứ Miến và dân Miến.
Kẻ này chưa đi Nepal hay Bhutan nên không biết ảnh hưởng của Phật giáo như thế nào tại những nơi đó, nhưng Miến Điện quả là xứ tôn sùng Phật giáo lớn nhất thế giới mà kẻ này được biết. Chùa chiền nhiều vô số kể, khác nhau, rất đẹp, sư sãi đi đầy đường. Vị sư thâm niên nhất nước đi đâu cũng bằng xe Mẹc-xe-đì -cũ mèm- của Nhà Nước, có xe jeep với 4 quân nhân võ trang AK-47 hộ tống với đầy đủ còi hụ, để tránh bị hại bởi các bộ tộc đang nổi loạn. Vị sư cụ đi đâu cũng được dân quỳ sụp lạy, chờ cụ... vỗ đầu mấy cái. Điều đáng nói là dân Miến rất nghèo, nghèo hơn xa dân Việt nói chung, nhưng chùa thì lại cực kỳ nguy nga, sơn son phết vàng, các tượng Phật phần lớn đều bằng vàng khối hay sơn phết vàng, vàng thật chứ không phải sơn màu vàng.
Tại cựu thủ đô Mandalay -tương tự như cố đô Huế của ta-, có hai ngôi chùa rất nổi tiếng: một là chùa đặc biệt bằng cẩm thạch mới xây, tất cả từ ngoài đến trong, đến tất cả mấy chục tượng Phật, bàn thờ, lối đi, cầu thang,..., đều bằng cẩm thạch khối, trị giá không tính bằng tiền được. Chung quanh chùa có mấy chục tiệm nhỏ bán đồ ăn và đồ lưu niệm cho khách thập phương, và đặc biệt là nhiều tiệm bán đủ thứ lặt vặt bằng cẩm thạch như vòng đeo tay, tượng Phật nhỏ đeo cổ, chuỗi tràng bằng đá quý...:
Và một chùa khác mà tượng Phật chính trông như một hòn đá tròn khổng lồ bằng vàng, vì dân chúng đắp mấy miếng vàng lá lên tượng, lâu ngày, che kín hết tượng, chỉ còn thấy một hòn đá lớn tròn trịa bằng vàng. Những miếng vàng lá đó được bán ngay tại chùa. Điểm rất đặc biệt: trong các chùa Miến, chỉ có đàn ông mới được lại gần tượng Phật nơi chánh điện để lễ hay gắn vàng, phụ nữ không được lại gần, chung quanh chánh điện, có vẽ làn ranh cấm phụ nữ bước qua. Đó là hai ngôi chùa đặc biệt cần phải đi xem tại Mandalay.
Tại Yangon, có ngôi chùa lớn nhất Miến tên là chùa Shwedagon, không thể bỏ qua. Có tháp chính cao hơn 110m, cứ vài năm lại sơn phết vàng lại, cũng là vàng thật không phải sơn màu vàng. Trong tháp, có 8 sợi tóc của Đức Thích Ca. Tương truyền, chùa này nguyên thủy -nhỏ hơn nhiều- được xây cách đây hơn 2.500 năm khi Đức Thích Ca còn sống, bởi hai vị sư đã từng qua Nepal làm đệ tử chính gốc của Đức Thích Ca, dó đó mới xin được 8 cọng tóc thật của Đức Thích Ca. Theo sách sử chính thức thì chùa này được xây lại như ta thấy hiện nay vào năm 1362, tuy khi đó, tháp chính chỉ cao có 18m. Trên đỉnh của tháp là một viên đá kim cương 76 cà rá (15 gram), bao chung quanh bởi gần 5.500 viên kim cương nhỏ và hơn 2.300 viên hồng ngọc. Thành phố Yangon có luật cấm xây cao ốc cao hơn đỉnh chùa Shwedagon:
Gần Yangon, có một ngôi chùa bình thường không có gì lạ, nhưng ở ngay bên cạnh một tảng đá không lồ nằm trên mép núi thiếu điều muốn lăn xuống núi mà từ cả mấy trăm năm nay không lăn. Phản lại mọi nguyên tắc vật lý.
Phiá tây, có nguyên một vùng tên là 'Bagan' có di tích cả trăm chùa của mấy trăm năm trước, được UNESCO nhìn nhận là 'Di Sản Thế giới' -World Heritage, là nơi cả ngàn du khách ngoại quốc đến chiêm ngưỡng mỗi năm:
Chùa Miến có đặc điểm ở giữa là một cái tháp -tiếng Anh gọi là stupa- khổng lồ, chung quanh là cả mấy chục cái tháp nhỏ giống như mấy cái miễu, trong mỗi tháp nhỏ là đền thờ một ông Phật. Tháp lớn là nơi thờ thánh tích Phật giáo nào đó, có khi là một sợi tóc của Đức Phật, có khi là nguyên bản của một cuốn kinh cổ, có khi chỉ là một tượng Phật chính.
Sáng sớm ra đường là thấy rất nhiều đoàn tăng lữ từ các chùa bưng bát đi xin, mỗi người cầm một cái tráp tròn đường kính chừng 20-30cm, trong đó có ngăn lớn để đựng thức ăn thiên hạ cúng dường, ngăn trên mỏng hơn để đựng tiền cúng dường. Phật giáo Miến theo Nam Tông, không ăn chay, thiên hạ cúng dường cái gì thì ăn cái đó, phần lớn là cơm, rau, và thịt gà. Họ đi kiếm đồ ăn và tiền cho chùa mỗi buổi sáng. Hầu như chùa nào cũng vậy, cho các sư trẻ và chú tiểu nhỏ đi một vòng chừng một hai tiếng đồng hồ sáng sớm. Dân Miến cúng dường mà coi như là một phúc lớn mới có dịp gặp mấy vị sư này.
Nhiều chùa Miến cũng là ... ngân hàng luôn. Cho dân nghèo vay tiền không tính lãi, không cầm thế gì hết. Thế nhưng không bao giờ bị quịt nợ vì dân Miến coi như mượn tiền của Phật, không thể không trả đầy đủ đúng hẹn.
Miến sản suất đâu 3-4 loại bia địa phương nhưng không ngon, rót ra ly không có bọt trắng gì hết, uống đăng đắng, không có mùi bia. Dân Miến thích uống rượu nội hóa, rất rẻ, làm bằng nước cốt một loại dừa nước, có mùi lạ hơi khó uống mà rất dễ say.
Một hôm, tôi được ông đại sứ Đức tại Miến Điện nói chuyện riêng khá thân thiện sau một buổi họp. Hơi lạ cho dù tôi đang làm cho một dự án của chính phủ Đức. Nhưng khám phá ra tại sao: bà vợ ông đại sứ Đức là người Việt, dân Hà Thành chính cống, quen và lấy ông đại sứ khi ông này còn làm đại sứ Đức tại Hà Nội.