TÂY DU KÝ 2: BỒ ĐÀO NHA

 TÂY DU KÝ 2: BỒ ĐÀO NHA


    Bồ Đào Nha là tên diễn dịch ra tiếng Việt của các cụ, chẳng hiểu bằng cách nào, hay nghĩa là gì. Tên tiếng Anh là Portugal. 

    Kẻ này đi qua Bồ Đào Nha tuần thứ nhì. Lấy máy bay từ Geneva qua thủ đô Lisbon mà dân địa phương gọi là Lisboa. 

    Chuyến đi bắt đầu… không khá. Đáng lẽ cất cánh 11g sáng, tới nơi 1g trưa, trên thực tế, cất cánh 3g30 chiều, tới nơi gần 6g tối. Chỉ vì máy bay phải bay ngang không phận Pháp, mà các kiểm soát viên không lưu Pháp đang đình công đòi tăng lương, chỉ cho một số máy bay giới hạn bay qua không phận Pháp thôi. Đình công là hiện tượng thường trực ở Pháp. Cả nước thay phiên nhau đình công liên tục quanh năm ngày tháng. Ta sẽ bàn thêm về xứ Pháp trong một bài tới.

  Chưa hết, đó là chuyện chuyến đi. Chuyến về, máy bay dự tính cất cánh 1g20 trưa, nhưng tới 4g mới bay được. Lý do: một tiếp viên trong phi hành đoàn giờ chót cảm thấy bệnh, không đi bay được, do đó, phải chờ người thay thế. Theo luật, phải có một số tối thiểu tiếp viên tương xứng với số hành khách. Chuyến đi trễ bốn tiếng rưỡi, chuyến về trễ hai tiếng rưỡi.

    Đây cũng là lần thứ nhì kẻ này ghé Lisbon. Lần trước cách đây cả mấy chục năm, đi qua ‘huấn nghệ’ hai tuần cho một số chuyên viên ngân hàng, trong một chương tình của Ngân Hàng Đầu Tư Âu Châu, chỉ biết có khách sạn và sở làm, không có dịp đi đâu nhiều.

    Xứ Portugal phiá tây là biển Bắc Đại Tây Dương, phía bắc và đông là Spain hay Tây Ban Nha. Coi như rất an toàn, Nga có muốn chiếm, phải đi tuốt qua cả nửa tá quốc gia Âu Châu, chiếm cả Tây Ban Nha mới tới Portugal được. Dân số hơn 10 triệu, hơn Thụy Sỹ chỉ có chưa tới 9 triệu người.

    Xứ này ít nổi tiếng vì tương đối nhỏ, không nhiều chuyện, ít can dự vào chuyện thiên hạ, chuyện thế giới.

    Trong tư cách thành viên NATO, Portugal đã gửi 4.500 quân nhân tham gia cuộc chiến tại Afghanistan sau khi al Qaeda đánh Mỹ ngày 9/11, chẳng mấy ai nghe tin có đánh nhau trận nào hay không, nhưng Portugal từ chối không tham chiến tại Iraq. Trong Âu Châu hiện nay, từ Liên Âu đến NATO, Portugal là xứ tương đối nhỏ, ít ảnh hưởng.

    Tuy nhiên, trong lịch sử thuộc địa, Portugal đã là một đại cường, đã chiếm giữ những thuộc địa then chốt như Ba Tây (Brazil), Mozambique, và cả mấy chục thành phố then chốt dọc biển từ Phi Châu, qua Ấn Độ (Goa), Tầu (Macau) và Nhật (Tanegashima, gần Nagasaki). Hiển nhiên Portugal không đi xâm chiếm thuộc địa lớn để khai thác tài nguyên như Anh và Pháp, mà chỉ lo tìm các bến tàu cho việc mậu dịch với thế giới. Nhà thám hiểm Bồ Vasco de Gama là người đầu tiên đã từ Âu Châu qua tới Ấn Độ rồi qua Nam Dương bằng đường biển, đi vòng hết Phi Châu, vì khi đó chưa có kinh đào Suez cắt ngang qua Ai Cập.


    Trong đợt gọi là ‘boat people’ những năm 78-79, khi hàng trăm ngàn người Việt ào ra biển tìm đường sống, cả thế giới, nhất là Mỹ, Canada, Úc, Pháp, và Liên Âu -trong đó có Portugal- cũng mở cửa đón nhận hàng loạt dân boat people, nhưng hình như không có bao nhiêu dân tị nạn Việt chịu đi Portugal. Phần lớn dân Việt không quen thuộc với Portugal, chẳng biết xứ này ở đâu luôn. Trong thống kê chính thức về dân Việt tị nạn khắp thế giới, không thấy tên xứ Portugal, chắc vì quá ít.

    Tuy nhiên, đối với xứ Việt Nam ta, Bồ Đào Nha đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chữ Quốc Ngữ ta dùng hiện này đã được 'sáng chế' ra bởi một giáo sĩ Bồ Đào Nha tên là Francisco de Pina, đầu thế kỷ 17. Nhà truyền giáo này vì nhu cầu truyền giáo, đã học nói tiếng Việt rất thông thạo. Sau đó tìm cách đổi cách viết từ chữ nôm, giống như chữ Tầu, qua các mẫu tự la-tinh. Ông de Pina mới chính là cha đẻ ra Quốc Ngữ. Sau đó, nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes có công mở rộng thêm và hệ thống hóa quy mô tiếng quốc ngữ mới. Cũng về sau, tiếng Quốc Ngữ đã được hoàn chỉnh thêm bởi nhiều giáo sĩ khác như Pigneau de Behaine -Bá Đa Lộc-, Jean Louis Taberd,…. Và sau đó, bởi nhóm Tự Lực Văn Đoàn phổ biến rộng ra quần chúng.

GS Francisco de Pina và GS Alexandre de Rhodes

    Nói cách khác, vai trò của Bồ Đào Nha còn quan trọng hơn vai trò của Pháp trong lịch sử VN. Pháp đến đô hộ VN khai thác tận cùng cả trăm năm rồi cũng đi. Tiếng Quốc Ngữ do Bồ Đào Nha đặt ra, ở lại VN vĩnh viễn, một đóng góp không thể vĩ đại hơn cho văn hóa Việt.

    Dân Bồ Đào Nha chịu ảnh hưởng lớn của anh láng giềng Tây Ban Nha, nhưng không lệ thuộc. Tiếng Bồ Đào Nha giống giống tiếng Tây Ban Nha, có nhiều chữ có thể đoán được dễ dàng nếu biết tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp. Tính tình người dân tương đối cũng giông giống nhau, dễ thân thiện, nói năng ồn ào vui vẻ.

    Thủ đô Lisbon cũng không khác gì các thành phố lớn và cổ xưa của Âu Châu, có những khu rất cổ, nhà cửa, đường phố chật hẹp, khó đi, trong khi cũng có những khu đại lộ lớn với đại thương xá hàng hiệu đắt tiền nhất, hay khu tiên tiến toàn cao ốc bằng kính thật đẹp mắt. Lisbon chẳng có nét gì đặc biệt, đi xem cho biết chứ không có gì hấp dẫn lắm. Nói về các thủ đô Âu Châu, các thành phố Vienna (Áo), Budapest (Hung), Praha (Tiệp), Madrid (Tây Ban Nha),… đẹp hơn xa Lisbon, theo ý kiến cá nhân kẻ này. Nhưng ngoại ô Lisbon, có một thành phố nhỏ sát biển là Cascais, tuyệt đẹp, không thua gì các thành phố vùng Cote d‘Azur miền nam nước Pháp. Gần đó là cổ thành Sintra xây từ thời Ả Rập còn đô hộ Bồ Đào Nha. Hai nơi đáng đi coi.

Bến tàu Cascais và cổ thành Sintra

    Đặc biệt các tiệm ăn và giải khát rất nhiều trên các lề đường và hè phố Lisbon. Nhiều vô kể nhất là ngay trong khu trung tâm. Dân Bồ Đào Nha có vẻ lè phè, thích ngồi cà phê vỉa hè lai rai cả nửa ngày trời, hay thích đi bộ khi đường xá lúc nào cũng đầy người đi bộ. Họ có vẻ thích ăn cá, với rất nhiều món cá trong các tiệm ăn, đặc biệt là món cá ‘bacalao” mà kẻ này không biết tên Việt gọi là gì. Thịt bò chung quy chỉ có một món ‘steak’, ít người ăn. Kẻ này, dân Texas, dĩ nhiên không có lý do gì qua Bồ Đào Nha tìm ăn steak!

    Portugal có một loại rượu nổi tiếng khắp thế giới, gọi là Porto. Đây là thứ rượu vang ngọt, gần giống như một thứ 'liquor' nhưng nhẹ hơn nhiều, uống nhâm nhi chút đỉnh trước hay sau bữa ăn.

    Lịch sử rượu này khá ngộ nghĩnh. Trước đây, Bồ Đào Nha chở rượu đỏ bằng tàu qua Mỹ, rượu vang bị khí hậu nóng lạnh lung tung, lại bị sóng lắc lư cả tháng trời, nên qua tới Mỹ hầu hết bị hỏng, uống không ngon nữa. Do đo mấy nhà chế rượu tìm cách biến chế để có thể không bị hỏng, bất ngờ chế ra được loại Porto này.



    Đi Portugal mấy ngày, từ bỏ cái nắng ấm của Portugal để trở về với cái mưa và lạnh của  Lausanne lại, để đi thăm một anh bạn Việt tị nạn. Anh bạn già này là trường hợp thành công khá hy hữu và đáng nói. Anh ta cỡ tuổi tôi, là du học sinh từ Paris bỏ qua Thụy Sỹ vì Paris quá khó sống. Anh qua Lausanne làm việc trong một bệnh viện như một chuyên viên kỹ thuật, là một trong những nghề lãnh lương khá cao. Sau đó, vì lý do riêng tư gì đó, anh ta nhẩy vào tham gia chính trị Thụy Sỹ, là một trong ba người thành lập ra một đảng chính trị có khuynh hướng bảo thủ. Anh này thuộc loại ‘cuồng chống cộng’ mà. Thụy Sỹ có 4 đảng chính trị lớn và vô số kể đảng nhỏ, với ảnh hưởng lớn nhỏ tùy địa phương. Và oai hùng hơn xa, anh ta cũng đắc cử thị trưởng Orbe, một thành phố nhỏ nằm về phiá bắc Geneva. Cho dù chỉ là một thành phố nhỏ, nhưng một anh Việt tị nạn được bầu làm thị trưởng thật đáng nói khi trong cả thành phố, chẳng có một anh gốc Việt nào khác. Cách đây khá lâu, khi anh ta còn làm thị trưởng, tôi có dịp lái xe tới Orbe thăm, và đã được một xe cảnh sát đậu chờ ngay từ đầu thành phố, 'hộ tống đưa về dinh thị trưởng’, chỉ là một cái nhà ba phòng ngủ nhỏ xíu như tất cả các nhà bên Âu Châu.


Vũ Linh
8/10/2022