Tin Vắn - 09/2018


SEPTEMBER 29 - 2018
  
TIN HÀNH LANG VỤ KAVANAUGH
Câu chuyện ông Kavanaugh có một triệu chuyện lẩm cẩm ngoài lề mà khuôn khổ bài Bình Luận không cho phép bàn tới.
Đành tạm mượn trang Tin Vắn để nói thêm.

1. Ngoài bà Ford ra, TP Kavanaugh đã bị hai bà khác tố.
-     Bà đầu tiên là Deborah Ramirez, bạn học năm thứ nhất tại đại học luật Yale của ông Kavanaugh. Bà này tố trong một buổi tiệc nhậu của sinh viên Yale, bà say bí tỷ, bị ông Kavanaugh khi đó 18 tuổi, cũng say không kém, đè ra, tuột quần rồi dí của quý vào mặt bà. Nhưng rồi cũng chẳng có chuyện gì khác. Ông Kavanaugh kéo quần lên rồi ra khỏi phòng.  Báo New York Times phỏng vấn mấy chục cựu sinh viên Yale, hy vọng tìm được ra người xác nhận câu chuyện của bà Ramirez, nhưng không tìm ra ai hết. Bà Ramirez từ chối ra điều trần vì bà nói không nhớ hết chi tiết câu chuyện. 

-     Bà thứ nhì độc đáo hơn, là bà Julie Swetnick, do ông Avenatti ‘giới thiệu’. Ông Avenatti là luật sư của bà đào chuyên đóng phim sex đang kiện cáo TT Trump. Bà Swetnick tố ông Kavanaugh tham gia cả chục buổi tiệc nhậu trong đó thanh niên hãm hiếp tập thể các cô. Bà này không được mời ra điều trần vì nhẩy ra tố cáo quá muộn. Bà Swetnick là người đầy ‘thành tích’, bị thưa kiện vì thiếu thuế, và không biết bao nhiêu chuyện tiền bạc khác. Bà đang bị một công ty bà làm việc thưa kiện. Bà cũng dính dáng vào thưa kiện tùm lum với ông kép cũ. Ông kép này đã tuyên bố bà Swetnick là chuyên gia nói láo không ai nên tin bà. Câu hỏi là tay ma giáo Avenatti đã trả bà này bao nhiêu tiền để bà tố ông Kavanaugh giờ chót.
Cả hai bà, chẳng bà nào có bằng chứng hay nhân chứng gì hết.
2. Hàng trăm sinh viên đai học Yale biểu tình bãi học phản đối ông Kavanaugh. Đây là một tin đáng lo hơn đáng buồn. Sinh viên Yale tương lai sẽ là những luật gia ưu tú nhất của Mỹ. Họ biểu tình vì cho là bà Ford đã nói sự thật trong khi ông Kavanaugh có tội và ông có bổn phận chứng minh mình vô tội. Luật pháp Mỹ từ trước đến giờ dựa trên nền tảng lý luận “không có tội cho đến khi chứng minh được có tội”. Đám sinh viên luật của Yale bây giờ lật ngược nền tảng đó, cho là người bị tố là có tội phải chứng minh mình vô tội. Đại khái, tôi có thể tố cáo bất cứ ai về bất cứ tội gì, vô tội vạ. Người bị tôi tố có trách nhiệm phải chứng minh là không có tội. Một lý luận ai đồng ý xin ghi tên gia nhập đảng DC.
3. TTDC chỉ trích ông Kavanaugh
Vài ngày trước khi ra Thượng Viện điều trần, ông bà Kavanaugh đã lên Fox News trả lời phỏng vấn trực tiếp. Ông nghiêm trang nói chuyện từ đầu vì nói chuyện với khán giả TV và nhà báo mà ông cho là không có đính dáng gì về chuyện bôi bác ông. Ông chỉ muốn bình tĩnh trình bày câu chuyện. Bị TTDC đả kích ông là loại người máy, robot, không có đủ cảm xúc, đủ tình người để làm thẩm phán TCPV.
Mấy ngày sau ông Kavanaugh ra trước Thượng Viện, đỏ mặt đả kích những nghị sĩ DC ngay trong Ủy Ban đang phá tan sự nghiệp và gia đình ông. TTDC phê bình ông quá xúc động, không đủ bình tĩnh làm thẩm phán TCPV.
Cách nào thì cũng không wa-li-phai thôi. Có gì lạ?
4. Bà nghị sĩ Hirino hỏi mớm bà Ford “khi bà tố cáo chuyện này, bà có động cơ chính trị nào không?” Dĩ nhiên là bà Ford trả lời “không”. Nên nhớ bà Ford là một phụ nữ trí thức, dạy học tại đại học Palo Alto, ghi danh là thuộc đảng DC. Phụ nữ trí thức của Cali là thành phần cử tri cấp tiến nồng cốt của DC, chống Trump kịch liệt nhất.
5. TNS Jeff Flake là dân CH, của tiểu bang Arizona, cùng tiểu bang với cố Người Hùng McCain. Ông Flake là một trong những nghị sĩ CH chống TT Trump mạnh nhất. Ông coi thăm dò dư luận, được hậu thuẫn của chưa tới 18% cử tri CH, nên tuyên bố không ra tranh cử nữa.
Trong cuộc điều trần của ông Kavanaugh, ông Flake ngồi im từ đầu đến cuối, phát biểu một câu chung chung chưa tới một phút. Sau đó ông tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ông Kavanaugh. Ngay sau đó, bị phe tả uy hiếp sao đó, ông de lui, cho biết sẽ chỉ ủng hộ nếu có FBI điều tra. Hai bà nghị sĩ CH khác là bà Murkowski của Alaska và Collins của Maine, mừng như bắt được vàng vì trước đây không ủng hộ ông Kavanaugh, vồ lấy cơ hội, ép đảng CH phải cho FBI điều tra, nếu không họ sẽ chống ông Kavanaugh. Phe CH đếm phiếu, thấy không đủ, đành phải chấp nhận để FBI điều tra, cho DC thêm một tuần câu giờ.
Ai biết được trong một tuần sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu nhân chứng mới nữa, bao nhiêu người FBI cần phải phỏng vấn nữa. Biết đâu tới hạn kỳ lại tìm ra được lý do mới để trì hoãn nữa?

ROSENSTEIN BỊ RẮC RỐI
Báo New York Times đã xì ra một tin động trời về thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein.
Một tháng sau khi ông đưọc bổ nhiệm, tháng Năm năm 2017, ông đã có buổi họp nội bộ trong bộ Tư Pháp. Nhiều quan chức của bộ đã đả kích TT Trump, một số không nhỏ thuộc thành phần Nhà Nước Ngầm còn lại từ thời TT Obama (trong đó có bà luật sư Lisa Page, ‘mèo hai chân’ của ông Strzock; hai người này nổi tiếng đã tìm mọi cách đánh phá TT Trump ngay từ trước khi bầu cử). Trong cuộc thảo luận nội bộ, có tin là ông Rosenstein đã “đề nghị gắn máy thu âm trong các buổi họp nội các để lấy bằng chứng truy tố TT Trump không đủ khả năng lãnh đạo, và truất phế ông”.
Báo NYT viện dẫn nhiều nguồn tin nặc danh, nhưng cũng viện dẫn một ký chú của ông McCabe, khi đó là quyền giám đốc FBI.
Ông Rosenstein ban đầu đã cải chính, sau đó xác nhận có nói điều đó, nhưng không có ý đó, mà chỉ là hỏi móc mấy người chống TT Trump, kiểu như “thế mấy ông muốn tôi phải làm gì? Gắn máy thu âm... sao?”
Ngay sau khi tin này được bung ra, báo chí đã loan tin ông Rosenstein biết sẽ bị sa thải nên đã đi gặp chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, tướng Kelly để xin từ chức. Nhưng tin này sau đó bị coi là tin sai. Ông Rosenstein đi gặp tướng Kelly với tư cách đại diện cho bộ trưởng Sessions, họp về một vấn đề khác.
Sau đó, Tòa Bạch Ốc loan tin TT Trump sẽ gặp ông Rosenstein tại Tòa Bạch Ốc ngày Thứ Năm vừa qua. Nhưng vì trùng ngày với cuộc điều trần của ông Kavanaugh nên cuộc gặp mặt được hoãn lại đến tuần tới. Trong khi đó, TT Trump cũng đánh tiếng cho biết ông sẽ không có quyết định gì về ông Rosenstein cho đến sau khi bầu cử.
Nhiều quan sát viên tin là sau bầu cử, TT Trump sẽ dọn dẹp nhà cửa và nhiều nhân viên nội các sẽ ra đi, trong đó có triển vọng là hai ông Rosenstein và Sessions đều sẽ bị thay thế. Hai ông tướng được chú ý nhiều là ông Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, và Kelly, chánh văn phòng.
Tin giờ chót, Hạ Viện đã triệu ông Rosenstein ra điều trần kín về vụ gắn máy thu âm này, và ông Rosenstein đã chấp nhận. Chưa rõ chừng nào thì sẽ có điều trần, nhưng chắc sẽ là sau khi ông Rosenstein gặp TT Trump. Hạ Viện đòi ông Rosenstein ra báo cáo do áp lực của khối bảo thủ trong đảng CH, đã bất mãn với ông Rosenstein từ lâu.
Một tin đặc biệt mà hình như không báo hay đài TV nào nhắc lại: đúng một ngày sau cuộc họp nội bộ đả kích Trump đó, ông Rosenstein bổ nhiệm ông Mueller làm công tố đặc biệt điều tra TT Trump ‘thông đồng’ với Nga. Câu chuyện dường như cho thấy rõ việc bổ nhiệm công tố Mueller đã được ông Rosenstein quyết định như thế nào: do áp lực của khối Nhà Nước Ngầm trong bộ Tư Pháp.

TT TRUMP SẼ GẶP KIM
Tòa Bạch Ốc cho biết ngoại trưởng Mike Pompeo đang chuẩn bị cho một cuộc họp lần thứ hai giữa TT Trump và chủ tịch Bắc Hàn, trước cuối năm nay, theo lời đề nghị của chủ tịch BH.
Tình hình BH càng ngày càng tiến triển tốt đẹp hơn mọi dự đoán. Hai vị lãnh đạo Nam và Bắc Hàn đã gặp nhau lần thứ ba, lần này tại thủ đô BH, Bình Nhưỡng, như bản Tin Vắn tuần rồi đã đề cập.

CHUYỆN ÔNG COMEY
Trong một buổi nói chuyện với một nhà báo, ông Eric Holder, cựu bộ trưởng Tư Pháp của TT Obama đã cho biết nếu ông còn là bộ trưởng Tư Pháp khi giám đốc Comey họp báo tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra về emails của bà Hillary, thì ông đã sa thải ông Comey ngay khi đó rồi. Ông Holder làm bộ trưởng đến năm 2015 và được bà Loretta Lynch thay thế.
Theo ông Holder, ông Comey trong tư cách giám đốc FBI không có quyền họp báo rồi tự quyết định chấm dứt cuộc điều tra, tố bà Hillary đủ tội nhưng lại không truy tố bà này. Toàn là những việc chéo cẳng ngỗng mà lại đi quá quyền hạn.
Câu chuyện TT Trump cách chức ông Comey là cả một sự mỉa mai phản ảnh rõ tính giả dối phe đảng của khối DC cũng như TTDC. Toàn bộ khối này tức giận những việc làm của ông Comey mà họ cho đã là yếu tố then chốt khiến bà Hillary thất cử. Họ đòi lấy đầu ông Comey. Nhưng khi TT Trump cách chức ông Comey thì thái độ của họ quay ngược 180 độ, ca tụng ông Comey rồi chỉ trích TT Trump đã sa thải ông Comey vì ông này đã dám điều tra TT Trump.
Cái bà dân biểu cuồng điên chống Trump, Maxine Waters, trước đó một hai đòi cách chức ông Comey. Đến khi TT Trump làm thật thì ngay sau đó, bà đổi giọng, đả kích TT Trump đã sa thải ông Comey. Được hỏi về chuyện tráo trở này, bà trả lời tỉnh bơ “Ý tôi muốn đòi bà Hillary cách chức hắn chứ Trump thì không có quyền vì Trump không phải là tổng thống của tôi”.
Chính trị muôn mặt hay lưỡi không xương?

HẬU THUẪN CỦA ĐẢNG CH VÀ TT TRUMP
Theo thăm dò mới nhất của Bloomberg, một công ty con của tỷ phú Bloomberg, cựu thị trưởng New York, chỉ số đo mức lạc quan trong kinh doanh đã tiếp tục leo qua những kỷ lục mới, đưa đến việc hậu thuẫn của đảng CH leo thang theo.
Theo Bloomberg, chỉ số lạc quan rất cao trong khối cử tri CH dĩ nhiên, nhưng cũng rất cao trong khối độc lập không đảng phái (Independents), lên tới mức gần 60 điểm:


Nhìn vào biểu đồ, ta thấy chỉ số lạc quan đã ở mức thấp nhất trong nhiệm kỳ đầu của TT Clinton (1990-1994), hai năm cuối của Bush (2007-2008), và suốt nhiệm kỳ đầu của TT Obama (2009-2014).
Tỷ lệ hậu thuẫn CH cũng đã leo thang theo, hiện nay đang ở mức 45%, tăng 9 điểm so với mức 36% của tháng Chín năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng Giêng năm 2011, cách đây hơn 7 năm, ngay sau khi CH đánh bại DC thảm thiết trong cuộc bầu cử giữa mùa đầu tiên dưới thời TT Obama khiến DC mất 63 ghế tại Hạ Viện.
Theo một thăm dò khác của cơ quan Gallup, đảng DC đang gặp khó khăn với giới trung lưu đồng thời cũng đang mất hậu thuẫn của phụ nữ, là hai khối cử tri then chốt của đảng này.
Cách đây một năm, DC được hậu thuẫn của 46% giới trung lưu trong khi CH chỉ được 36%. Hiện nay, con số này đã bị lật ngược khi DC được hậu thuẫn của 45% cử tri nhưng hậu thuẫn của CH leo lên tới 49%.
Tỷ lệ hậu thuẫn cũng theo chiều hướng tương tự với phụ nữ. Cách đây một năm tỷ lệ phụ nữ hậu thuẫn  DC-CH là 49%-35%. Bây giờ tỷ lệ đó đã trở thành 48%-40%.
Những con số trên đã mang lại hy vọng đảng CH sẽ không bị thua đậm trong kỳ bầu quốc hội tới, mà trái lại, có hy vọng thắng lớn.



TƯƠNG LAI BÀ HILLARY
Một thăm dò mới của công ty American Barometer cho thấy nếu bà Hillary ra tranh cử tổng thống lần nữa vào năm 2020, bà sẽ thất bại vì không đủ hậu thuẫn. Theo thăm dò, bà Hillary chỉ được hậu thuẫn của 44% dân Mỹ, tức là chỉ có khối DC trung kiên còn ủng hộ trong khi bà không có phiếu của khối CH và nhất là của khối độc lập không đảng phái.
Tin vui cho những người chống TT Trump: thăm dò cũng cho thấy TT Trump chỉ được hậu thuẫn của 36% cử tri Mỹ.
Nói cách khác, cặp Hillary – Trump vẫn là hai ứng cử viên tổng thống được ít hậu thuẫn nhất trong lịch sử bầu tổng thống Mỹ.
Thăm dò cũng cho thấy ngay cả trong khối DC, hai phần ba cũng bác bỏ các ứng cử viên thiên tả cực đoan của đám ông cháu Sanders – Ocasio Cortez. Nói chung cho tất cả các cử tri, gần 80% dân Mỹ không chấp nhận cặp ông cháu này.

CNN HẠNG BÉT
Thống kê mới nhất về truyền hình Mỹ cho thấy Fox News tiếp tục thống trị các chương trình nói chuyện về chính trị Mỹ trong khi CNN tiếp tục đứng hạng bét trong tháng Chín này. Tổng số người coi Fox lớn hơn gấp 4 lần số người coi CNN.


FOX
MSNBC
CNN
HANNITY
5,857,000


INGRAHAM
5,369,000


TUCKER
5,283,000


MADDOW

4,033,000

HAYES

2,791,000

O’DONNELL

2,750,000

COOPER


2,061,000
CUOMO


1,889,000
TỔNG CỘNG
16,509,000
9,574,000
3,950,000


Trong một tin liên hệ, ông Ted Turner, chồng cũ của bà Hà Nội Jane Fonda, cũng là sáng lập viên đài CNN, trong một cuộc nói chuyện với đài CBS, đã than phiền CNN đã bị chính trị hóa quá nặng nề, ít chú tâm về việc thông tin trung thực, và do đó, thiếu cân bằng. Ông Turner đã không có liên hệ gì đến CNN từ lâu rồi.


GOOGLE GẶP DÂN BIỂU CH
Tổng giám đốc Google, ông Sundar Pichai, sẽ gặp một số dân biểu CH trong nỗ lực giải quyết mâu thuẫn giữa công ty Google với khối CH.
Google là trang mạng nổi tiếng như cuốn tự điển vĩ đại nhất lịch sử, mà bất cứ ai có thắc mắc muốn tìm hiểu về bất cứ chuyện gì cũng đều có thể vào đó truy cứu, hay tìm tài liệu.
Lúc sau này, Google đã bị tố cáo ‘phe đảng’, có khuynh hướng cấp tiến, thường hay dìm những tin tức hay tài liệu có lợi cho tư tưởng bảo thủ trong khi quảng bá mạnh mẽ các tin tức và tài liệu cấp tiến.
Google không phải là trang mạng thông tin duy nhất bị tố phe đảng. Ngay cả Facebook cũng bị tố phe đảng, thường hay xoá hay không đăng những trang hay tin có tính bảo thủ, đặc biệt là kiểm duyệt những trang của các nhân vật bảo thủ.
Cả Google lẫn Facebook đều bị tố là đã hợp tác mật thiết với các chính quyền các nước độc tài, kiểm soát thông tin quần chúng chặt chẽ như Trung Cộng và Việt Cộng. Tại Việt Nam, Facebook bị tố cáo đã chặn cửa cho những tiếng nói chống đối chế độ.
Trong một tin liên hệ, Facebook cho biết vừa khám phá ra trương mục của hơn 50 triệu khách hàng đã bị tin tặc thâm nhập. Công ty còn đang điều tra và chưa biết đã có những tai hại nào.




SEPTEMBER 22 – 2018

KINH TẾ TRUMP TIẾP TỤC BAY BỔNG
Từ Tháng Ba vừa qua cho đến nay, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã tăng xấp xỉ 3.500 điểm, hiện nay đang ở ngưỡng cửa 27.000 điểm, cao nhất lịch sử. Tháng Ba đó là lúc Dow Jones tuột dốc vì lo ngại cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Trung Cộng sẽ gây thiệt hại nặng cho kinh tế Mỹ như TTDC và phe cấp tiến la hoảng. Nhưng ngay sau đó, giới kinh tế tài chánh Mỹ đã cân nhắc vấn đề và sự lạc quan đã trở lại.
So với ngày bầu cử tổng thống đầu tháng 11 năm 2016, khi Dow Jones ở mức dưới 18.000, đã tăng gần 9.000 điểm hay 50% trong 22 tháng, chưa tới hai năm.
Trong hai năm cuối của TT Obama, từ 11/2014 đến 11/2016, Dow Jones đã tăng từ 17.500 lên tới 18.000, tăng 500 điểm hay 3% trong hai năm.
Nhìn vào hai tỷ lệ trên mà vẫn có người gân cổ biện giải kinh tế hiện hữu là ‘kinh tế Obama’ thì… không thể nào mang tính chất phe đảng mù quáng hơn.
Thật ra, Dow Jones không phải là chỉ số biểu tượng cho tình trạng kinh tế hiện hữu, mà chỉ phản ảnh cách nhìn vào tương lai của giới kinh doanh. Đây chính là lý do tại sao các chuyên gia tài chánh thường dùng ngày bầu cử làm mốc để nghiên cứu chính sách kinh tế của các tổng thống, chứ không dùng ngày tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức, vì có tổng thống mới là biết sẽ có chính sách kinh tế mới. Chỉ trong một tháng sau khi ông Trump đắc cử, Dow Jones đã vọt ngay lên hơn 1.000 điểm, bằng hai lần gia tăng trong hai năm cuối của Obama. Hiểu theo cách này thì ta thấy ngay tại sao trong hai năm cuối của TT Obama, Dow Jones èo uột như vậy. Khi đó, cả thế giới chờ đợi sự đắc cử của bà Hillary để bà tiếp tục chính sách kinh tế ‘tái phân phối lợi tức’ của TT Obama và phe cấp tiến.
Đó là loại kinh tế chú trọng vào cái gọi là ‘công bằng xã hội’, không đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế để tạo công ăn việc làm cho thiên hạ. Không có công ăn việc làm, người dân sẽ bị lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà Nước DC, tức là sẽ trở thành nô lệ của DC, sẽ bắt buộc phải bỏ phiếu cho DC. Lý luận này coi thường tính tự trọng của người dân Mỹ muốn có việc làm chứ không muốn chià tay xin trợ cấp suốt đời, đưa đến chiến thắng của ông Trump và đảng CH, là đảng chủ trương ‘tự lực cánh sinh’.
Sách lược kinh tế của TT Trump mang lại lạc quan trong giới kinh doanh, chẳng những nhờ những biện pháp thân thiện với tăng trưởng kinh tế như giảm thuế suất trên lợi nhuận công ty, giảm thuế suất trên lợi tức cá nhân, thu hồi hàng ngàn luật lệ, thủ tục hành chánh rườm rà trong kinh doanh, mà kết quả đã thể hiện ngay trước mắt, khi tỷ lệ tăng trưởng GDP đã ở mức trên 4% trong 2 tam cá nguyệt liền.
Viễn tượng một cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Cộng, Mễ, Canada và cả Âu Châu đã không lay chuyển được tính lạc quan của giới kinh doanh Mỹ. Họ tin rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh, và việc tăng thuế quan sẽ không ảnh hưởng gì nhiều khi kinh tế Mỹ nói chung lệ thuộc rất ít vào hàng nhập cảng hay xuất cảng. Nước Mỹ dư thừa khả năng sống một mình, không cần thế giới.

CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH VỚI TRUNG CỘNG
TT Trump quyết định tăng thuế quan trên một số mặt hàng Trung Cộng trị giá tổng cộng 200 tỷ đô. Ngay bây giờ, thuế quan tăng lên tới mức 10%, đến tháng Giêng tới, sẽ tăng lên tới 25%. Đây là đợt tăng thuế quan lần thứ nhì, sau đợt đầu tăng thuế quan trên hàng TC trị giá 50 tỷ đô.
TT Trump đe dọa nếu TC trả đũa, tăng thuế quan hàng nông nghiệp Mỹ, ông sẽ thi hành đợt ba, tăng thuế quan trên hàng TC trị giá 267 tỷ. Dù vậy, TC vì thể diện, đã tăng thuế quan trên hàng nhập từ Mỹ trị giá 60 tỷ để phản đòn.
Cuộc chiến không cân đối này sẽ gây thiệt hại nặng cho TC, vì hầu như tất cả hàng nhập cảng từ Mỹ đã bị tăng thuế quan rồi, không còn tăng gì nữa.
Ông Jack Ma, chủ đại tập đoàn Alibaba của TC –giống như Amazon, chuyên bán hàng qua trang mạng- đã viện cớ cuộc chiến của TT Trump để rút lại đề nghị mở cơ sở kinh doanh tại Mỹ giúp tạo một triệu việc làm tại Mỹ. Đề nghị này ngay từ đầu đã chỉ là màn phù phép tiếp thị -marketing- của ông Ma thôi, chứ ít ai nghĩ ông này sẽ có khả năng tạo tới một triệu việc làm tại Mỹ. Giá cổ phiếu của Alibaba đã rớt 25% trong thời gian gần đây. Nói chung, thị trường chứng khoán TC, từ Bắc Kinh đến Thượng Hải đến Thẩm Quyến, đã rớt như sung rụng. Các công ty TC đã mất cỡ 5.000 tỷ đô trị giá từ ngày TT Trump ‘khai chiến’.
Chẳng những vậy, nhiều công ty TC đã ‘di tản chiến thuật’ bỏ TC chạy qua Đài Loan. Ngay cả vài đại tập đoàn Âu Châu cũng bắt đầu chạy loạn, trở về Âu Châu lại hay tìm xứ đang phát triển nào khác. Những diễn biến tai hại này đi xa hơn cuộc chiến hàng xuất nhập cảng và đe dọa đến cả nền tảng của kinh tế TC, khiến các lãnh đạo TC đang bối rối tìm biện pháp đỡ đạn. Quan trọng hơn nữa, những biện pháp của TT Trump đe dọa giết kế hoạch kinh tế dài hạn của Tập Cận Bình trong trứng nước.
Từ trước đến giờ, các chính quyền Mỹ nhất là dưới thời TT Obama, vẫn gờm con rồng ngủ TC, bây giờ TT Trump coi TC như con ruồi ngủ.
Như đã bàn ở trên, cuộc chiến mậu dịch Mỹ -TC mới đầu đã reo nghi ngờ và sợ hãi cho giới kinh doanh. TTDC đã không bỏ lỡ cơ hội nêu ra ít trường hợp thiệt hại cho kinh tế Mỹ, hay chính xác hơn, cho vài ngành kỹ nghệ, đặc biệt là giới nông nghiệp. Sau khi điều nghiên vấn đề, các chuyên gia đều nhận thấy hậu quả bất lợi dĩ nhiên khó tránh, nhưng tương đối rất nhỏ, không phải là mối nguy lâu dài lớn cho Mỹ.
Việt Nam đáng lẽ ra phải là ‘ngư ông thủ lợi’ trong cuộc chiến Mỹ-TC này, có thể hy vọng các nhà đầu tư Mỹ và Âu Châu chuyển một số kinh doanh từ TC qua VN như đang làm với Đài Loan. Nhưng vì cái ngu của các lãnh đạo đại tài của CHXHCNVN khi họ ra luật “An Toàn Mạng” kèm theo tình trạng tham nhũng toàn diện, cũng như những màn biểu diễn tài lệ thuộc TC qua các đặc khu kinh tế, Việt Nam đã không được coi như nơi lý tưởng để làm ăn kinh doanh, chẳng ai thèm dòm ngó tới.
Bài viết dưới đây của chuyên gia Gordon Chang rất đáng đọc để hiểu thêm về hậu quả của cuộc chiến mậu dịch tai hại như thế nào cho TC.

TT TRUMP KÝ LUẬT BẦU CỬ
TT Trump đã ký sắc lệnh trừng phạt mọi can dự của ngoại quốc vào các cuộc bầu cử của Mỹ. Sắc lệnh có tính cách chung chung, không nhắm và bất cứ một xứ cụ thể nào.
Theo ông Dan Coats, giám đốc An Ninh Quốc Gia, ngoài Nga ra, các xứ khác như Trung Cộng, Iran, và Bắc Hàn đều có thể đang tìm cách can dự vào chính trị nội bộ Mỹ.
Ngay sau đó, vài thượng nghị sĩ bảo thủ CH đã than phiền sắc lệnh tương đối hơi yếu, và việc can thiệp phải bị trừng trị nặng nề hơn.

MANAFORT HỢP TÁC VỚI MUELLER
Cựu giám đốc Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump, ông Manafort đã chấp nhận một số tội và hợp tác với công tố Mueller.
Trên nguyên tắc, chỉ là hợp tác trong việc truy tố ông Manafort về các tội nhận tiền của Ukraine, trốn thuế, rửa tiền của ông Manafort cách đây cả chục năm. Tất cả đều là những chuyện chẳng dính dáng xa gần gì đến việc thông đồng với Nga, hay liên quan đến ông Trump hay gia đình ông. Trên thực tế, ai cũng hiểu là muốn tránh tội, ông Manafort cần phải thỏa mãn ông Mueller, tố giác vài chuyện nào đó của ông Trump, giúp ông Mueller vồ TT Trump, hay ít nhất là mấy đứa con hay phụ tá của tổng thống.
Một trong những ‘khúc mắc’ lớn nhất liên quan đến chuyện ‘thông đồng’ với Nga là cuộc họp mặt giữa một bên là con trai, con rể của ông Trump và ông Manafort, và bên kia là bà luật sư Nga. Ông Mueller hy vọng ông Manafort sẽ tiết lộ tin tức động trời về cuộc họp đó.
Ông Manafort cũng có quan hệ rất chặt chẽ với một số quan chức Ukraine rất thân cận với Nga. Ông Mueller đang đi ‘mò cua’, muốn tìm hiểu ông Manafort có thể có móc nối gì với Nga qua những đường giây này không.
Tin buồn cho các cụ tỵ nạn: khoan mừng rỡ về việc ông Manafort hợp tác với công tố Mueller. Nhà báo Woodward, tác giả cuốn sách chống Trump nổi đình nổi đám mới nhất, đã lên tiếng về vụ ‘thông đồng’ với Nga. Theo ông ta, không có chuyện thông đồng gì hết. Ông đã điều tra hai năm trời liền mà không thấy dấu vết gì. Chuyện này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Công tố Mueller điều tra gần 2 năm mà vẫn chưa tìm ra gì.
Chính vì vậy mà công tố Mueller, trong nỗ lực vồ TT Trump, đang rượt theo hai ông Manafort và Cohen để tìm tội khác, đặc biệt là những tội liên quan đến kinh doanh, hay trốn thuế của gia đình Trump cách đây ... 300 năm nếu cần.
Đây mới chính là chủ đích của công tố Mueller cũng như là lo ngại chính của TT Trump. Hai ông Manafort và Cohen đang hợp tác với công tố Mueller chỉ là việc ‘thành thật khai báo’ những tội của chính họ để có hy vọng giảm tội. Những điều họ khai về việc kinh doanh của ông Trump mới là quan trọng.

TT TRUMP VÀ FISA
TT Trump đã ra lệnh cho bộ Tư Pháp công bố một phần lớn hồ sơ liên quan đến việc FBI dùng ‘Hồ Sơ Nga’ xin trát tòa FISA để theo dõi ông Carter Page, một cố vấn trong Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump.
Ngay sau khi tin này được tung ra, phe DC, nhất là các cựu viên chức của FBI, CIA, NSA của TT Obama đã nhao nhao phản đối việc công khai hoá tài liệu điều tra của bộ Tư Pháp và các cơ quan an ninh. Làm như thể đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ công khai hóa một hồ sơ điều tra nào đó. Việc công bố này thuộc phạm vi quyền hành của tổng thống và đã được áp dụng dưới tất cả các tổng thống trước đây, kể cả các tổng thống DC như Clinton và Obama. Có tật giật mình sao?
Dù vậy, TT Trump mới đây đã tạm rút lại lệnh này và chỉ định Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp truy xét lại toàn bộ vấn đề. TT Trump đưa lý do việc công bố này có thể cản trở cuộc điều tra của công tố Mueller, và cũng có thể liên quan đến vài quốc gia khác (Nga và Anh), bất lợi trên phương diện quan hệ ngoại giao.
TTDC như thông lệ, lại có dịp đả kích TT Trump bất nhất. Vấn đề là TT Trump thật sự ‘bất nhất’ hay đó vẫn chỉ là mô thức hành động tiêu biểu của ông ta. Chuyên môn ‘hét giá’ cho to, rồi điều đình, trả giá (công khai hay trong hậu trường), rồi giảm giá.

NAM HÀN - BẮC HÀN TIẾP TỤC NÓI CHUYỆN
TT Nam Hàn, Moon Jay In đã đi Bình Nhưỡng nói chuyện với chủ tịch Bắc Hàn, Kim Jong Un trong ba ngày liền. Ông đã được đón rước như một quốc khách, trọn vẹn vớn những ‘màn xiếc’ như trẻ con tặng hoa, phụ nữ BH ăn mặc sặc sỡ đứng vẫy tay hai bên đường,… Cả bà vợ và bà em của Cậu Ấm đều ra tận phi trường đón TT Nam Hàn và phu nhân.
Quan trọng hơn dĩ nhiên là những thỏa thuận.
Hai bên đã đồng ý nhất quyết không dùng chiến tranh để giải quyết những xung khắc.
Cậu Ấm Ủn đã tuyên bố sẽ phá hủy toàn diện căn cứ thử nghiệm hỏa tiễn nguyên tử chính, với sự giám sát quốc tế. Ông cũng cho biết sau đó có thể hủy luôn can cứ thử nghiệm bom nguyên tử chính. Trên căn bản là sẽ dựa trên việc thảo luận với Mỹ để xem Mỹ đáp ứng như thế nào. Hai bên cũng ký thỏa ước chấm dứt mọi cuộc tập trận trong vùng biên giới cũng như phá bỏ 11 căn cứ quân sự của hai bên trong vùng biên giới này.
Cậu Ấm xác nhận có thể sẽ đi Hán Thành đáp lễ và tiếp tục cuộc thương thảo với NH, có thể trong năm nay. Đây sẽ là việc chưa từng xẩy ra từ ngày chia cắt xứ này.
Trước khi tổng thống NH đi BH, TT Trump đã ra lệnh cho ngoại trưởng Pompeo hủy chuyến đi BH của ông này, lấy lý do đã không có những tiến bộ xứng đáng với nỗ lực của Mỹ. Cũng chỉ là một chiêu trong mô thức điều đình của TT Trump.



JOHN KERRY NÓI CHUYỆN VỚI IRAN
Cựu ngoại trưởng John Kerry đang bị tố cáo tiếp tục liên lạc với quan chức Iran. Không ai biết ông này đã nói những chuyện gì, làm những gì với Iran. Hiển nhiên là ông đang cố cứu vãn thỏa ước bán chính thức Mỹ-Iran mà ông đã điều đình khi còn làm ngoại trưởng dưới thời TT Obama. Vấn đề là ông không còn quyền hành gì nữa thì có thể làm được gì?
 Theo cựu phát ngôn viên của TT Bush, Ari Fleisher, ông Kerry đang làm ‘cố vấn’ cho Iran, giúp họ cách chống quyết định của TT Trump thu hồi thỏa ước và tái lập cấm vận và các biện pháp trừng phạt Iran.

John Kerry và quan chức Iran

Trong câu chuyện này, câu hỏi lớn là ông Kerry có đang vi phạm luật pháp Mỹ hay không.
Luật Mỹ có cái gọi là Luật Logan –Logan Act- cấm mọi công dân Mỹ không có trách nhiệm không được can thiệp vào chính sách đối ngoại của chính phủ. Đây là một luật đã có từ rất lâu, nhưng chẳng ai để ý hay mang ra thi hành, cho đến khi công tố Mueller cáo buộc tướng Flynn đã có liên lạc vứi Nga khi ông Trump chưa đắc cử tổng thống và ông Flynn còn là công dân thường, chưa là cố vấn An Ninh của TT Trump.
TNS Marco Rubio của Florida đã lên tiếng kêu gọi điều tra xem ông Kerry đang làm trò trống gì và có vi phạm luật Logan hay không.

FAKE NEWS
Báo New York Times viết bài đả kích bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc,  vì tội tiêu xài vung vít trong khi sa thải nhân viên. Theo NYT, bà đã chi tới hơn 57.000 đô thay thế dàn màn cửa sổ tại tư dinh của bà.
Trong một quốc gia mà ngân sách, tức là chi tiêu của Nhà Nước, lên tới bạc ngàn tỷ, khui ra một chi tiêu vài chục ngàn chỉ chứng tỏ tính tiểu nhân nhỏ mọn của tờ báo lớn nhất Mỹ. Chỉ vì muốn tìm mọi cách đánh TT Trump.
Nhưng quan trọng hơn nữa, là tính ‘fake news’ của mẫu tin trên. Căn nhà bà Nikki Haley ở là tư dinh chính thức của Bộ Ngoại Giao dành cho đại sứ Mỹ tại LHQ. Quyết định thay thế dàn màn cửa –hay thay thế bất cứ đồ đạc gì khác- là quyết định của bộ Ngoại Giao. Riêng chuyện thay thế màn cửa, đó là quyết định của cựu ngoại trưởng John Kerry theo yêu cầu của bà Samantha Powers, tiền nhiệm của bà Haley, chẳng liên quan gì đến bà Haley hết.
Bị bắt quả tang không chối cãi được, báo NYT sau đó viết một câu ngắn gọn, đính chính là đây là quyết định đã có trước khi bà Haley nhậm chức. Không một lời xin lỗi bà Haley hay độc giả.
Thêm một bài học cho các cụ tỵ nạn nào còn coi NYT như kinh thánh.



SEPTEMBER 15 – 2018 

ĐẤNG TIÊN TRI HẠ SAN
Hai tháng trước ngày bầu cử giữa mùa, TT Obama chấm dứt việc giữ im lặng và quyết định săn tay áo lên, ra vận động tranh cử cho các ứng cử viên DC.
Đây là việc làm chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ. PTT Pence đã tỏ ý “thất vọng” thấy một cựu tổng thống phá lệ, nhẩy vào võ đài đấm đá thay vì giữ tư cách cựu quốc trưởng đứng trên đảng phái.
Có vài lý do chính khiến ông đã phải ‘phá lệ’:
-       TT Trump đang từng bước tháo gỡ gia tài cấp tiến ông đã khổ công gây dựng.
-       Đảng DC có vẻ đang gặp khó khăn vì không có ứng cử viên nào sáng giá ra phất cờ cho đảng, cũng chẳng có chủ trương, sách lược gì ‘ăn tiền’ với cử tri.
-       Trong cuộc bầu cử quốc hội sinh tử tới, đảng DC hoàn toàn trông cậy vào lá phiếu của dân da đen, mà TT Obama dĩ nhiên là người duy nhất có thể huy động cử tri da đen đi bầu.
Bài diễn văn đầu tiên đã được tung ra, hoàn toàn vẫn theo mô thức diễn văn tiêu biểu của Đấng Tiên Tri, tự ca tụng mình và tự đấm ngực khoe thành tích hão của mình nhiều hơn là nói về đảng DC hay về các ứng cử viên của đảng. Có người đã đếm ông Obama nói về cái tôi –“me”, tới hơn 100 lần. Phần lớn biện giải cho ‘thành tích’ của mình, nhận công về các thành quả của TT Trump, cũng là những ‘phá lệ’ của một cựu tổng thống với tư cách kém trong cái ‘tôi’ quá lớn, nhiều mặc cảm nên cố phân bua.
Kẻ này có thể viết nguyên một bài phản bác từng câu trong bài diễn văn đó, nhưng nghĩ lại, câu chuyện không đáng để mất thời giờ quá nhiều. TT Obama là dĩ vãng. Có nói gì cũng chỉ còn dăm ba người luyến tiếc vì tính phe đảng, để rồi cũng chẳng đi đến đâu hết.
Chỉ muốn nêu lên vài điểm ‘hấp dẫn’ đáng lưu ý ba giây đồng hồ:
TT Obama nhìn nhận kinh tế đang phất, công ăn việc làm đang trở lại mạnh, rồi đấm ngực khoe công ngay là chính ông là người đã có công phục hồi kinh tế. TT Obama nhắc nhở thiên hạ phải nhớ lại xem “cuộc phục hồi bắt đầu khi nào”, ý muốn kể công cuộc phục hồi đã bắt đầu dưới thời của ông.
Thưa ‘ngài’, tôi nhớ rất rõ và xin nhắc lại ‘ngài’ là những biện pháp cứu nguy ngân hàng, cứu nguy các hãng xe, kích cầu kinh tế đầu tiên đều được TT Bush ban hành trước khi ‘ngài’ tuyên thệ nhậm chức. Luật kích cầu kinh tế của ‘ngài’ được ký ngày 17 tháng 2 năm 2009, ba tuần sau khi ‘ngài’ tuyên thệ nhậm chức, chỉ xác nhận lại sách lược chặn khủng hoảng và phục hồi của TT Bush, với vài sửa đổi chi tiết.  ‘Ngài’ chỉ là người tiếp tục thi hành các sách lược đó, mà lại thi hành một cách... dở ẹc, đưa đến phục hồi kinh tế yếu và chậm nhất lịch sử kinh tế Mỹ.
Theo cái lôgic của ‘ngài’, công giết Bin Laden là của TT Bush, là người đã phát động chiến dịch lùng bắt tên khủng bố này, bằng cách thành lập lực lượng SEAL đặc biệt, chứ không phải công của ‘ngài’, là người chỉ lưu giữ lực lượng này thôi. ‘Ngài’ chỉ là người ra lệnh giết sau khi Bin Laden đã được lực lượng đặc biệt đó tìm ra, một quyết định mà bất cứ anh sheriff làng nào cũng có thể lấy.
-         Một câu nói để đời của ‘ngài’: “Sự thật là những công việc chế xuất đã mất rồi, sẽ không bao giờ trở về. Đã đến lúc khối dân trong kỹ nghệ này phải chuyển nghề, học nghề mới thôi”. Đó là cách ‘ngài’ giải thích việc hàng triệu dân lao động trong vùng Đại Hồ mất jobs. Bây giờ, dưới TT Trump, hàng triệu người đó đang có công ăn việc làm lại.
-         Một câu nói để đời khác của ‘ngài’: “Thời buổi của kinh tế tăng trưởng trên 2% đã là quá khứ rồi. Ông Trump tranh cử với kế hoạch tăng trưởng trên 4% sao? Ông ta có đũa thần chắc?”. Tin giờ chót, tăng trưởng kinh tế trong hai tam cá nguyệt mới nhất đều là trên 4%.
Không, thưa ‘ngài”, ông Trump không có đũa thần, chỉ có tài kinh tế hơn ‘ngài’ thôi. ‘Ngài’ đừng nhắc thì người ta sẽ không nhớ lại những cái dở của ‘ngài’.
Cái miả mai lớn nhất là TT Obama hùng hổ liệt kê những ’thành tích’ của mình mà không ý thức được đó chính là những lý do khiến ông Trump đã đắc cử. Kinh tế bết bát là lý do quan trọng nhất khiến dân lao động các tiểu bang kỹ nghệ Đại Hồ bỏ phiếu cho ông Trump. Không có những lá phiếu này, không có cách gì ông Trump đắc cử.
TT Obama cũng lập lại lý luận của bà Hillary, trách cứ cái đám dân bỏ phiếu cho ông Trump là đám dân kỳ thị, tệ hại,... Kẻ này xin nhắc lại chính cái đám dân đó đã bỏ phiếu hàng loạt cho ông năm 2008 và 2012. Khi đó họ có kỳ thị không? Có tệ hại không?
Cái di sản phân hóa của ông, là người đã từng được báo Washington Post phong là ‘tổng thống tạo phân hóa nhất lịch sử Mỹ’, thì dĩ nhiên TT Obama không nhắc đến. Hay chính xác hơn, nhắc đến nhưng không nói đến việc phân hoá... ‘bắt đầu từ khi nào’.
Mô thức Obama từ hồi nào đến giờ vẫn không thay đổi: có chuyện tốt thì rất nhanh nhảu nhẩy ra đấm ngực nhận công; có tin xấu thì biến mất, im re, hay xỉa tay đổ lỗi cho tất cả mọi người ngoại trừ chính mình.

KINH TẾ TRUMP TIẾP TỤC PHẮT
Giữa những lùm xùm của TTDC đánh phá TT Trump và trong khi cựu TT Obama bận khoe công, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hàng loạt chỉ dấu tiếp tục minh chứng cho việc này.
Chỉ số ‘lạc quan về tình trạng kinh doanh’ trong giới tiểu thương đã leo lên mức cao nhất kể từ thời TT Reagan cách đây 35 năm.
Theo nghiên cứu của Pew Research Center, lợi tức của giới trung lưu đã leo lên lại tới mức của năm 2000, khoảng trên 78.000 đô một năm cho một gia đình ba người. Theo cách tính của Pew, khoảng một nửa dân Mỹ thuộc thành phần trung lưu, trong khi giới ‘nghèo’ chiếm 30% dân số và giới thượng lưu chiếm 20%.
Thị trường chứng khoán tiếp tục leo thang, với Dow Jones ở ngưỡng cửa 26.000 điểm và NASDAQ ở mức 8.000 điểm.
Báo ‘phe ta’ Washington Post đã viết bài nhìn nhận số việc làm lao động (blue-collar jobs) hiện nay đang tăng nhanh nhất từ hơn 30 năm qua, trong hai ngành chính là chế suất –manufacturing- và xây cất –construction, đặc biệt là trong các thành phố nhỏ và trong các vùng quê –rural areas-, là những vùng đất của Trump. Chỉ trong một năm qua, khu vực blue collar này đã có thêm 656,000 người có job.
Theo đúng truyền thống TTDC, WaPo không thể nào đăng một tin tốt cho TT Trump mà không kèm theo một câu khều cẳng. Báo này cho rằng hai khu vực kinh tế trên chỉ tổng cộng có chưa tới 15% kinh tế Mỹ. Điều WaPo không nói là đây là tin cực kỳ đáng lo ngại cho đảng DC vì hai khu vực này chính là hai khu vực sinh tử trong vùng Đại Hồ của Michigan, Pennsylvania, Ohio, Indiana, Wisconsin, Iowa. Không có được những tiểu bang này, DC không có cách nào vào Tòa Bạch Ốc được.
Bất kể TT Obama nhận công kiểu nào, người dân lao động chỉ nghĩ “dưới thời Obama tôi ăn tiền thất nghiệp, dưới thời Trump, tôi có việc làm, thế thì có đáng thắc mắc chuyện ông Trump ăn bánh trả tiền cách đây mấy chục năm không?”.
Theo một thăm dò mới nhất của WaPo, 58% dân Mỹ cho rằng tình hình kinh tế đang trong mức ‘tốt’ –good- đến ‘rất tốt’ -excellent.
Một thăm dò khác cho thấy 72% dân lao động –blue collar- ‘lạc quan’ về tình trạng tương lai, trong khi 76% dân làm việc ăn phòng –white collar- cũng tin như vậy. Đây là những chỉ dấu về lạc quan cao nhất từ mấy chục năm nay.
Trong khi đó, thành đồng của khối cấp tiến DC, tiểu bang Cali, một lần nữa, đã được xác nhận là tiểu bang với tỷ lệ dân nghèo cao nhất nước, đặc biệt là trong quận Los Angeles. Ít nhất là 7 triệu người được liệt kê là sống dưới mức lợi tức tối thiểu.

DỰ LUẬT THUẾ MỚI
Khối CH trong Hạ Viện đang tìm cách ra luật mới về thuế, khiến luật giảm thuế cá nhân sẽ có hiệu lực vĩnh viễn. Xin nhắc lại, trong luật giảm thuế vừa qua của TT Trump, trong khi việc giảm thuế lợi nhuận công ty có hiệu lực vĩnh viễn, thì các thuế xuất lợi tức cá nhân cũng như khấu trừ tiêu chuẩn cá nhân –standard deduction- chỉ có hiệu lực đến năm 2025 thôi.
Luật thuế mới cũng sẽ có thêm nhiều luật phụ khác, chẳng hạn như cho phép mọi người có thể tiếp tục bỏ tiền vào các trương mục tiết kiệm như 401K hay IRA sau khi đã qua tuổi 70 ½. Luật hiện hành chỉ cho phép bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm đến 70 tuổi rưỡi, sau đó, bắt buộc mỗi năm phải rút ra một số tối thiểu. Luật mới cũng sẽ cho phép lấy tiền trong các quỹ tiết kiệm trên để trang trải học phí đại học cho con cháu.
Nhiều chi tiết khác cũng đã được đề cập đến trong dự luật mới.
Tuy nhiên việc thông qua dự luật sẽ gặp nhiều khó khăn khi chỉ còn hai tháng nữa là có bầu quốc hội. Nếu dây dưa qua bầu cử thì mọi việc sẽ tùy thuộc đảng nào thắng cử chiếm đa số Hạ Viện và Thượng Viện.

YALE ỦNG HỘ KAVANAUGH
Trường Đại Học Luật Yale, danh tiếng nhất thế giới –cũng là trường có khuynh hướng cấp tiến nặng- mới đây đã ra tuyên cáo có chữ ký của khoa trưởng Heather K. Gerken cùng nhiều giáo sư luật của trường, ca tụng thẩm phán Kavanaugh hết lời, cho ông là người thật sự xứng đáng vào Tối Cao Pháp Viện vì sự hiểu biết uyên bác cũng như tinh thần tôn trọng Hiến Pháp hết sức đặc biệt của ông. Một GS, ông Abbe Gluck than phiền là “chính trị đã gây hại cho thủ tục pháp lý để bổ nhiệm thẩm phán TCPV”. Đây cũng là nhận định của TP Clarence Thomas, thẩm phán da đen duy nhất được TT Bush cha bổ nhiệm. Ngay cả bà thẩm phán TCPV Ruth Bader Ginsberg cũng than phiền cuộc điều trần phê chuẩn ông Kavanaugh đã bị tính phe đảng chính trị chi phối quá nhiều. Bà Ginsburg được TT Clinton đề cử và được phê chuẩn với 96/100 phiếu, trong đó có 40 phiếu của khối bảo thủ CH cho dù khi đó bà đã nổi tiếng là cấp tiến nặng. Tinh thần hợp tác lưỡng đảng bây giờ đã chết rồi khi gần như tất cả các nghị sĩ DC quyết tâm chống ông Kavanaugh đến cùng.
Hậu thuẫn của Yale được công bố ngay sau khi Thượng Viện chấm dứt ba ngày điều trần ông Kavanaugh, đã khiến cho các thượng nghị sĩ DC hết sức bối rối, khó lên án ông Kavanaugh như một quan tòa kỳ thị da đen và kỳ thi ̣phụ nữ, nặng tính phe đảng, chỉ được bổ nhiệm trong mục đích bảo vệ TT Trump trong trường hợp ông bị công tố Mueller truy tố.
Trong câu chuyện phê chuẩn ông Kavanaugh, có vài sự kiện đáng bàn chơi cho vui.
-     Bà TNS Dianne Feinstein của Cali, lên tếng cảnh giác “nếu ông Kavanaugh được phê chuẩn, sinh mạng hàng triệu phụ nữ sẽ bị đe dọa vì TCPV sẽ cấm phá thai”. Bà nêu bằng chứng là trước khi có luật Roe vs. Wade, là án lệ của TCPV cho phá thai, đã có “hơn 1,2 triệu phụ nữ bị chết mỗi năm vì phá thai trong các thập niên 1950-1960”. Fake news! Con số 1,2 triệu phụ nữ là số phụ nữ đi phá thai chứ không phải số phụ nữ chết vì phá thai. Số tử vong chỉ có chưa tới 1.000 người mỗi năm.
-     Cũng bà Feinstein đã thực sự ‘biến thái’, dở trò hạ cấp chưa từng thấy trong lịch sử đấm đá chính trị Mỹ: tiết lộ đã trao cho FBI một lá thư nạc danh tố cáo ông Kavanaugh trong thời trung học, đã có ‘bồ’, xách nhiểu cô này, hứa hẹn cưới nhưng không giữ lời hứa. Bà Feinstein cho biết đã có bức thư từ hơn ba tháng nhưng im re, chờ đến bây giờ mới ‘phục kích’ ông Kavanaugh. FBI đã cho biết sẽ không điều tra gì hết vì tính vớ vẩn của bức thư nạc danh. Cụ tỵ nạn nào cảm thấy sốc nặng về chuyện này xin trước khi sỉ vả ông Kavanaugh theo chân bà Feinstein, nhìn lại gương xem khi mình còn là học trò đã có đào/kép gì đó, hẹn cưới mà không cưới không, để xem chuyện đó là ‘đại tội’ lớn cỡ nào.

-     TNS Cory Booker hùng hổ công bố vài ‘emails tối mật’ của ông Kavanaugh đã gửi đi khi còn làm việc trong văn phòng pháp lý của Tòa Bạch Ốc dưới thời TT Bush con. Điều đáng nói là những emails này đã được Tòa Bạch Ốc duyệt và chấp nhận cho công bố, nhưng chưa kịp công bố thì ông Booker đã ‘nhanh chân’ công bố trước, làm như thể ông có tin giựt gân mà Tòa Bạch Ốc dấu nhẹm.

NHỮNG VẤN ĐỀ DI DÂN
Thời gian qua, đã có vài tin mới liên quan đến vấn đề di dân.
Tin của báo Washington Times cho biết số di dân lậu bị bắt tại biên giới Mễ đã tăng lên đến mức kỷ lục. Trong năm qua, hơn 90.000 gia đình –family units- đã bị bắt so với 78.000 năm ngoái.
Các viên chức biên phòng cho biết gia tăng này là hậu quả của nhiều yếu tố, đặc biệt là những chính sách di dân rất tai hại như:
-       cấm chia cắt gia đình, do đó nhiều gia đình đã mang theo trẻ con vì biết họ có nhiều hy vọng chính quyền Mỹ bắt buộc phải trả tự do cho họ vì tòa Mỹ cấm chia cách gia đình đồng thời cũng cấm luôn việc giam giữ trẻ em;
-       luật ‘An Toàn Di Dân’ -Sanctuary Law- của tiểu bang Cali khuyến khích di dân tràn qua Mỹ với hy vọng sẽ được Cali bảo vệ chống việc chính quyền liên bang trục xuất.
Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters loan tin hàng ngàn bố mẹ di dân lậu bị bắt, trục xuất về nước, đã không chịu nhận lại con cái được chính quyền trả về gia đình lại theo đúng quyết định của tòa. Những trẻ em này bị cách ly khi bố mẹ bị bắt giam, sau đó bố mẹ bị trục xuất về nước. Bây giờ chính phủ Mỹ muốn trả con cái về cho họ để đoàn tụ gia đình lại. Nhưng đa số bố mẹ này từ chối không nhận đám con lại.
Lý do dễ hiểu là họ muốn con của họ vẫn được ở lại Mỹ, sau này sẽ có dịp ‘bảo trợ’ họ qua Mỹ luôn.
Tin mới nhất do Breitbart loan: cảnh sát biên giới Mỹ mới bắt được hơn 100 người Bangladesh trong đám di dân lậu băng qua biên giới Mễ - Texas.
Bangladesh là xứ Hồi giáo nằm giữa Ấn Độ và Miến Điện tuốt bên Đông Á. Vậy mà họ cũng kiếm được đường vào Mỹ bất hợp pháp qua ngã Mễ. Dân nước này không có lý do chính trị hay kinh tế nào để được xin quy chế tỵ nạn hay di dân qua Mỹ.
Câu hỏi cho chính phủ Mỹ: như vậy trong đám di dân lậu, có thể có bao nhiêu tên khủng bố từ Trung Đông len lỏi vào qua ngã Mễ?

CHỦ TỊCH CBS BỊ TREO GIÒ
Chủ tịch tập đoàn truyền thông CBS, ông Leslie Moonves, đã bị ‘treo giờ’, ngưng chức, chuyển qua làm ‘cố vấn’ vì bị một tá phụ nữ tố giác đã xách nhiễu tình dục họ. Ông Moonves không bị sa thải vì theo hợp đồng, nếu sa thải, ông sẽ nhận được 120 triệu tiền bù đắp. CBS chưa muốn trả số tiền khổng lồ đó, nên lưu giữ ông làm cố vấn trong khi chờ đợi điều tra để có lý do chính đáng sa thải mà khỏi phả trả bạc trăm triệu. 
Ông Moonves trong hai năm qua đã lãnh lương khoảng 70 triệu đô mỗi năm.
Ông Moonves là nhân vật nổi tiếng thứ nhì của CBS mất job vì bị tố xách nhiễu tình dục, sau nhà báo kỳ cựu Charlie Rose. Vài ngày sau ông Moonves mất job, ông Jeff Fager, giám đốc chương trình nổi tiếng ’60 minutes’ của CBS cũng bị mất job, cũng vì nguyên do xách nhiễu tình dục.
Đây là những tin khiến TTDC hết sức bối rối. Ai cũng biết trong thời gian qua, TTDC luôn hô hoán những chuyện xách nhiễu tình dục, làm như họ là những chiến sĩ tranh đấu tuyệt đối cho việc tôn trọng phụ nữ. Tất cả chỉ là những tuồng hát hạng bét, cho đến khi bị lộ mặt giả dối thô bỉ nhất.



SEPTEMBER 8 – 2018

VẪN CHUYỆN McCAIN
Đám táng của TNS McCain đã biến thành một thứ mít-tinh chống TT Trump khi hầu hết những người tham dự đều lo đọc điếu văn đả kích TT Trump nhiều hơn là ghi công trạng của ông McCain. Từ các cựu TT Bush và Obama đến các chính khách, luôn cả bà vợ và bà con gái của ông McCain, đã không ngớt lời chỉ trích xéo hay chửi thẳng TT Trump. Nếu không có cái quan tài nằm giữa sảnh đường thì ít ai biết đó là đám táng.
Quý độc giả mở báo hay TV coi về đám táng, sẽ thấy toàn những câu bề ngoài có vẻ ca tụng McCain, nhưng thằng bé trăn châu ở VN cũng hiểu là ý muốn chửi Trump. Bà con gái nói “The America of John McCain has no need to be made great again, because America was always great” (Nước Mỹ của John McCain không có nhu cầu phải làm cho vĩ đại lại vì nước Mỹ vẫn luôn luôn vĩ đại). Nghe câu này, kẻ này có vài ý nghĩ.
-     Thứ nhất, “nước Mỹ của John McCain” tốt hay xấu không biết, chỉ biết dân Mỹ đã hai lần bác bỏ nó.
-     Thứ nhì, nếu nước Mỹ “vẫn luôn luôn vĩ đại” thì tại sao các ứng cử viên tổng thống của đảng DC từ Bill Clinton đến John Kerry và nhất là Obama lại ra tranh cử với chiêu bài “thay đổi”?
Hiển nhiên ông McCain đã bị biến thành cây gậy được dùng để đập ông Trump, không hơn không kém. Kẻ này thắc mắc không hiểu đây có phải là cách đúng nhất để thể hiện sự kính trọng người quá cố không.
Một điều đáng ghi nhận và đáng suy nghĩ mà TTDC im re: trong tất cả các quan khách được mời lên khóc ông McCain và chửi ông Trump, đã không có một bạn đồng tù nào của ông McCain hết. Không dám mời họ đến nói sự thật của những ngày trong Hỏa Lò, hay họ không muốn tham dự?
Một số nghị sĩ hăng tiết vịt trong cuộc chạy đua ca tụng: muốn đổi tên một tòa nhà của quốc hội nằm đối diện, bên kia đường với điện Capitol, là trụ sở quốc hội. Tòa nhà này là trụ sở chính của Thưng Viện, nơi các thương nghị sĩ có văn phòng, hiện mang tên cố thượng Nghị Sĩ Richard Russell.
Tòa nhà này cũng có tên là Senate Office Building, viết tắt là SOB, nếu đổi qua tên ông McCain, sẽ chính thức là ‘McCain Senate Office Building’. Trong thông lệ thích viết tắt của hành chánh Mỹ (FBI, CIA, NSA, POTUS, SBA, EO,…), tòa nhà này sẽ được biết là ‘McCain SOB’.

ARIZONA CÓ THƯỢNG NGHỊ SĨ MỚI
Thống đốc Arizona đã bổ nhiệm ông Jon Kyl làm thượng nghị sĩ thay thế ông McCain. Theo luật Arizona, ông này sẽ làm thượng nghị sĩ tới năm 2020, khi đó sẽ có bầu lại, nhưng ông Kyl chỉ cam kết làm tới cuối năm nay thôi, sau đó sẽ tính sau. Ông Kyl có thể sẽ từ chức cuối năm nay thay vì nhiệm chức tới 2020. Arizona sẽ bỏ phiếu bầu tân thượng nghị sĩ thay thế TNS Jeff Flake cuối năm nay, giữa dân biểu CH Martha McSally và dân biểu DC Kirsten Sinema. Nếu bà McSally thua, có thể ông Kyl sẽ từ chức để thống đốc Arizona bổ nhiệm bà McSally làm nghị sĩ, giúp bà ra tranh cử thật sự năm 2020.
Ngay sau khi tin này được công bố, bà quả phụ Cindy McCain đã lên tiếng ủng hộ ông Kyl, cho rằng ông này là bạn thân và cùng chí hướng với ông McCain.
Ông Kyl đã làm dân biểu 8 năm, sau đó làm nghị sĩ 18 năm trước khi về hưu. Năm nay ông 76 tuổi. 
Ông Kyl đã từng đảm nhiệm chức vụ cao thứ nhì trong khối nghị sĩ CH tại Thượng Viện. Ông thuộc khuynh hướng bảo thủ nặng. Khi TT Trump mới chấp chánh, ông đã được liệt kê vào danh sách những người có thể được bổ nhiệm là bộ trưởng Quốc Phòng, nhưng ông đã không nhận. Việc ông Kyl được bổ nhiệm sẽ mang lại đa số 51 phiếu cho khối CH tại Thượng Viện, kịp thời cho việc phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện. TNS Kyl là ‘ông bầu’ hiện đang dắt ông Kavanaugh đi giới thiệu cho các đồng viện cũ tại Thượng Viện, do đó dĩ nhiên ông sẽ biểu quyết phê chuẩn ông Kavanaugh. Tuy nhiên không ai rõ ông Kyl sẽ hậu thuẫn TT Trump trong các vấn đề khác hay không. Ông Kyl cũng đã từng là luật sư bênh vực cho đám trẻ con DACA được ở lại Mỹ trái với ý muốn của TT Trump.
Ông Kyl đã nhiều lần lên tiếng đả kích Obamacare, do đó, có dư luận là đảng CH đang nghiên cứu việc mang Obamacare ra biểu quyết lại, với tính toán ông Kyl sẽ là lá phiếu quyết định trong việc thu hồi Obamacare.

VIỆC PHÊ CHUẨN TP KAVANAUGH
Thượng Viện đã bắt đầu cuộc điều trần để phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện (TCPV) ngày Thứ Ba 4/9/2018 vừa qua.
Sóng gió đã nổi lên ngay từ khi chưa bắt đầu, biến cuộc điều trần thành một diễn đàn biểu diễn tài cãi lộn của các thượng nghị sĩ của cả hai đảng. Phe cấp tiến huy động cả trăm người đến phá đám, la hét om sòm đả kích ông Kavanaugh từ ngoài đến trong phòng họp (hơn 70 người đã bị cảnh sát bắt). Chỉ phản ảnh sự hoảng sợ tột cùng hay tuyệt vọng của phe cấp tiến.
Các nghị sĩ DC khiếu nại họ chỉ mới nhận được có 43.000 trang tài liệu trong khi họ yêu cầu tới gần một triệu trang. Họ cũng tố cáo Tòa Bạch Ốc đã không chịu giao nộp ít nhất 100.000 tài liệu liên quan đến công việc của ông Kavanaugh khi ông làm phụ tá pháp luật cho TT Bush con. Có vài điểm đáng ghi nhận trong những càu nhàu này:
-     Số tài liệu mà phe DC đòi hỏi hết sức vô lý, lớn hơn số tài liệu Thượng Viện xét trong việc phê chuẩn năm thẩm phán TCPV trước đây cộng lại. Thượng Viện từ trước đến giờ chỉ xét qua từ một đến hai trăm ngàn trang là tối đa. Với một triệu trang, Thượng Viện sẽ cần ít nhất vài ba năm mới đọc xong. Không ai không thấy âm mưu câu giờ lố bịch của phe DC.
-     Những tài liệu mà phe DC tố cáo Tòa Bạch Ốc đã không công bố là tài liệu khi ông Kavanaugh làm phụ tá cho TT Bush, là tài liệu mật của Hành Pháp, ghi chép các thảo luận của tổng thống với các phụ tá, thuộc đặc quyền của Hành Pháp –Executive Privilege-, được bảo vệ bởi Hiến Pháp để bảo đảm tổng thống có thể thảo luận thẳng thắn với các phụ tá khi lấy quyết định Hành Pháp quan trọng. Đây là luật lệ được áp dụng từ thời TT Washington, không liên quan gì đến chuyện “Trump mờ ám che dấu” gì hết như TTDC tố cáo. Dù vậy, những tài liệu này cũng đã được trao cho các nghị sĩ DC và CH với điều kiện không được phổ biến ra báo chí và công chúng.
Ngay từ những phút đầu, hai thượng nghị sĩ nổi bật nhất trong công tác đả kích ông Kavanaugh là bà Kamala Harris và ông Cory Booker. Cả hai đều là nghị sĩ da đen đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống năm 2020, nên cố tìm mọi cách ‘chơi nổi’.
Phe DC đang điên cuồng chống ông Kavanaugh vì họ biết chắc chẳng có cách nào cản được việc ông này sẽ được phê chuẩn. TNS Lindsey Graham của CH tiên đoán ông Kavanaugh sẽ được ít nhất 55 phiếu vì sẽ có 4-5 nghị sĩ DC ủng hộ.
TTDC la hoảng là TCPV đang “trên bờ vực thẳm” vì có thể sẽ chuyển sang khuynh hướng bảo thủ. Chuyển sang bảo thủ là đang trên bờ vực thẳm? Thế chuyển sang cấp tiến thì là gì? Đứng trước cửa thiên đàng xã nghĩa chắc?

MUELLER VÀ VIỆC PHỎNG VẤN TỔNG THỐNG
Sau những điều đình kéo dài cả mấy tháng nay, công tố Mueller đã đồng ý những câu hỏi chính của ông với TT Trump về việc ‘thông đồng’ với Nga sẽ được nộp cho TT Trump trên giấy trắng mực đen để văn phòng tổng thống trả lời cũng trên giấy trắng mực đen, tránh việc gài bẫy tổng thống. Một số ít câu hỏi phụ sẽ được đặt ra qua hình thức vấn đáp thẳng khi phỏng vấn tổng thống.
Các câu hỏi viết sẽ không bao gồm những câu hỏi về cản trở công lý liên quan đến việc sa thải giám đốc FBI ông Comey. Luật sư Giuliani của TT Trump đã cho biết tổng thống sẽ không trả lời những câu hỏi về cản trở công lý.
Cuộc điều đình còn đang tiếp tục.
Trong một tin liên hệ, anh Papadopoulos  bị công tố Mueller truy tố về tội nói láo, đã bị ra tòa và bị phạt tù tới …14 ngày. Đọc TTDC tưởng tội gì kinh thiên động địa, hoá ra chỉ là tội nói láo một chi tiết gì đó, bị phạt tới hai tuần lễ tù.

THÀNH QUẢ KINH TẾ
Tin mới nhất cho biết  số người thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất kể từ 1969 cách đây gần 40 năm, trong khi tháng vừa qua đã có thêm 201.000 jobs mới. Tỷ lệ thất nghiệp xuống tới mức kỷ lục 3,9%.
Mức lương trung bình cũng gia tăng mạnh tới 2,9%.

TTDC BÁO ĐỘNG VIỆC THƯA KIỆN HARVARD
Bộ Tư Pháp đang xúc tiến mạnh việc thưa kiện đại học Harvard đã có chính sách nhận sinh viên bất công đối với sinh viên Á Châu.
Trong mục đích thi hành luật chống kỳ thị bắt các đại học phải có tối thiểu một số sinh viên da đen theo tỷ lệ nào đó, đại học Harvard đã có chính sách nâng điểm cho sinh viên da đen xin nhập học, trong khi đó lại loại trừ những sinh viên Á Châu mặc dù họ đạt được điểm cao hơn mà không cần nâng đỡ. Một nhóm sinh viên gốc Á Châu đã nộp đơn kiện Harvard trong khi bộ Tư Pháp cũng kiện Harvard luôn.
Báo phe ta Washington Post đăng bài và chỉ trích việc làm này chỉ phản ảnh sự kỳ thị chống dân da đen của chính quyền Trump. Theo WaPo, nếu việc thưa kiện này đem thắng lợi lại cho chính quyền Trump, thì hậu quả sẽ bất lợi cho sinh viên da đen vì sẽ cản họ không vào được các đại học lớn.
Một cách gián tiếp, WaPo đã nhìn nhận sinh viên da đen không đủ khả năng cạnh tranh với sinh viên da trắng và sinh viên gốc Á Châu. WaPo bênh vực sinh viên da đen mà lại không thấy mình đang chặn sinh viên gốc Á.
Ai cũng hiểu đại đa số sinh viên gốc Á ở đây chính là sinh viên Tầu, nhưng biện pháp của Harvard cũng đã ảnh hưởng bất lợi cho sinh viên gốc Việt luôn.
Nhân chuyện này, WaPo cũng làm rùm beng việc vài ngàn dân tỵ nạn Việt có thể cũng sẽ bị trục xuất về VN. WaPo viết về một anh tỵ nạn tên là Robert Huynh, con lai, qua Mỹ từ 1984, có thể sẽ bị trục xuất vì đã phạm tội nhiều lần (bán ma túy, tổ chức cờ bạc).
TTDC và truyền thông thông ngôn thiếu lương thiện dịch lại, viết “cả chục ngàn người gốc Việt sẽ bị trục xuất về VN qua việc áp dụng chính sách di trú cứng rắn của TT Trump”. Fake news! Luật di dân Mỹ ghi rất rõ ràng những di dân chưa có quốc tịch, phạm tội có án, sẽ không được nhận vào quốc tịch Mỹ và sẽ bị trục xuất. Đây là luật đã có từ hồi nào đến giờ chứ không phải luật do TT Trump chế ra. Luật cũng đã được TT Obama áp dụng. Cả chục ngàn người gốc Việt mà TTDC bàn tới đã bị giam từ thời Obama chứ không phải mới bị bắt bởi chính quyền Trump. Họ chưa bị trục xuất vì CSVN không chịu nhận lại những người Việt đã rời khỏi xứ trước 1995, là năm thỏa ước trục xuất di dân gốc Việt được ký kết giữa TT Clinton và CSVN. Cả hai chính quyền Obama và Trump đều tìm cách điều đình với CSVN để trục xuất họ về lại VN.
Bài học cho dân tỵ nạn chúng ta: nước Mỹ là nước thượng tôn luật pháp, không ai đứng trên luật hết, kể cả di dân. Muốn được sống yên thì đừng phạm tội.

SÁCH MỚI CHỐNG TRUMP
Lại thêm một cuốn sách được phát hành để bôi bác TT Trump. Viết sách để chửi tổng thống dường như đã trở thành một cái nghề kiếm được bộn bạc nên thiên hạ dành dựt nhau làm cái nghề này. Tác giả mới nhất là Bob Woodward. Anh này uy tín hơn xa bà phụ tá Omarosa trước đây. Và dĩ nhiên TTDC đã xúm lại tung hô như tất cả các cuốn sách đánh Trump khác trước đây.

Bob Woodward (T)  và Carl Berstein (P)

Bob Woodward là một trong hai nhà báo của Washington Post (anh kia là Carl Bernstein) đã đi điều tra vụ Watergate, khui xì-căng-đan này hàng ngày trên WaPo, đưa đến việc TT Nixon phải từ chức. Từ đó, anh Woodward tận tình khai thác thành tích đó, viết hàng loạt sách về những chuyện thâm cung bí sử trong Tòa Bạch Ốc, chú tâm vào việc đánh các tổng thống CH dĩ nhiên. Anh ta viết tới 3 cuốn sách về TT Bush con, không có cuốn nào thuận lợi cho ông Bush, nhưng chỉ một cuốn về TT Obama, dĩ nhiên với giọng văn khác. Bây giờ anh ta viết cuốn sách (đầu tiên?) về TT Trump.
Dĩ nhiên toàn là những chuyện bôi bác Trump một cách thậm tệ, trong đó nhiều chuyện đã được TTDC khai thác trước đây. Cũng như tất cả những chuyện đã được khui ra trước đây, chỉ là những chuyện thu lượm được qua việc dò hỏi, phỏng vấn, nói chuyện với người này người kia, chẳng những không có gì là bằng chứng cụ thể hết, mà trong số những người được phỏng vấn đã có không biết bao nhiêu người thuộc khối Nhà Nước Ngầm chống Trump, và nhiều người bất mãn vì đã bị sa thải.
Có một câu chuyện được WaPo đăng lại là câu chuyện tranh cãi giữa TT Trump và cố vấn pháp luật John Dowd về việc công tố Mueller muốn phỏng vấn TT Trump. TT Trump muốn nhận hiển nhiên vì lý do chính trị, và ông tự tin có thể trả lời trơn tru vì ông chẳng có tội gì hết. Ông Dowd phản đối, cho là tổng thống ngây thơ. Ông đề nghị một cuộc phỏng vấn giả để chứng minh. TT Trump nhận lời. Ông Dowd đóng vai ông Mueller, chỉ ngay trong vài phút đầu đã đánh lừa TT Trump qua các câu hỏi hóc búa, đưa đến việc TT Trump trả lời trái ngược, có thể được công tố Mueller dùng là lý do tố TT Trump nói láo hữu thệ, perjury. Ông Dowd vạch rõ ngay đó chính là cách ông Mueller sẽ vồ TT Trump, để tố ông Trump là khai gian trái với lời thề. Ông Trump tức giận, chửi bới lung tung, nhưng vẫn khẳng định không muốn tránh né cuộc phỏng vấn vì sẽ khiến dân Mỹ hiểu lầm ông có tội gì đó. Ông Dowd cũng giận dữ, ngày hôm sau từ chức.
Được hỏi về câu chuyện, ông Dowd trả lời ông từ chức vì không đồng ý việc TT Trump cho công tố Mueller phỏng vấn, có thể TT Trump sẽ bị giăng bẫy và ông không muốn chịu trách nhiệm về chuyện này, nhưng những chi tiết cuốn sách ghi ra phần lớn là phịa từ trí tưởng tượng của tác giả. Ông cho biết việc ông được phục vụ TT Trump là niềm vinh hạnh lớn nhất đời ông.
Cuốn sách toàn là những chuyện trong hậu trường kiểu này, kể cả những chuyện như các phụ tá cao cấp nhất chửi rủa ông Trump sau lưng ông, cũng như những chuyện TT Trump chửi rủa các phụ tá, những chuyện mà chẳng ai kiểm chứng được. Chẳng những vậy, cuốn sách này có điểm tương tự với cuốn Fire & Fury của anh Wolff trước đây: hầu hết các câu chuyện đều là chuyện... nghe kể lại chứ tác giả chẳng nghe được một lời nào từ chính tai mình.
Dù sao cũng là dịp các cụ tỵ nạn hý hửng gửi emails thông báo cho thế giới. Vui được ít ngày trước khi sách bị cất vào nhà kho.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng thì 1 hay 1.000 cuốn sách bôi bác Trump cũng chỉ xoa dịu nỗi ấm ức, cay cú của phe cấp tiến thôi chứ chẳng bứng được ông thần Trump.

NHÀ NƯỚC NGẦM
Báo New York Times đã tung bom mới: một bài viết nạc danh của một người tự nhận là ‘viên chức cao cấp trong Tòa Bạch Ốc’.
Theo tác giả, trong Tòa Bạch Ốc, có nguyên một hệ thống Nhà Nước Ngầm -Deep State- đang làm đủ chuyện để phá TT Trump, chẳng hạn như xì tin mật cho báo chí, đánh cắp tài liệu của tổng thống, sửa tin hay dấu tin lừa tổng thống,...
Tác giả biện giải họ làm những việc này vì “yêu nước”, muốn bảo vệ nước Mỹ chống lại “sự phá hoại”, tính phản quốc của TT Trump.
Câu hỏi cho đám này: chuyện gì đã xẩy ra cho thể chế dân chủ Mỹ? Việc bầu tổng thống có còn ý nghĩa gì không? Ai có thể tự cao tự đại đứng ra tự nhận việc mình làm mới là đúng, mình mới là “yêu nước”, trong khi tổng thống do nửa dân Mỹ bầu lại là sai, là “phản quốc”? Nếu ông hay bà nào tự tin là mình yêu nước và nghĩ đúng thì tại sao không chường mặt rồi ra tranh cử để dân bầu, mà lại lén lút làm chuyện ném đá dấu tay hèn hạ vậy? Với những ‘đồng minh’ bênh vực người nạc danh này, người ta có câu “Nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”.
Câu hỏi cho NYT: tác giả “cao cấp” tới mức nào? Tài xế hay thư ký đánh máy, ai biết được? Thân cận với TT Trump như thế nào? Biết được những tin gì? Đáng tin đến mức nào? Hay tất cả những chi tiết này đều không quan trọng, mà quan trọng là có dịp bôi bác TT Trump? Từ hồi nào thư nạc danh với những tố cáo vu vơ không bằng chứng đã trở thành tin tức quan trọng của NYT? Đây là tiêu chuẩn mới của ngành truyền thông Mỹ?
Một cụ tỵ nạn đặt câu hỏi tại sao TT Trump không kiện tác giả -hay kiện cả anh Woodward- ra tòa về tội vu khống, phỉ báng. Một câu hỏi ngớ ngẩn chứng tỏ cụ chẳng hiểu gì về tự do ngôn luận của Mỹ, vẫn tưởng mình đang sống trong xứ ‘đỉnh cao trí tuệ’.

HỒ LY VỌNG LÀM PHIM CHỐNG MỸ?
Hồ Ly Vọng vừa tung ra phim mới, First Man, về việc phi hành gia Neil Amstrong là người đầu tiên đặt chân xuống mặt trăng dưới thời TT Nixon.
Cuốn phim dĩ nhiên ca tụng ông Amstrong hết mình, là chuyện bình thường. Nhưng có điều quái lạ là cuốn phim không quay cảnh ông Amstrong cắm quốc kỳ Mỹ xuống mặt trăng, là cảnh đã đi vào lịch sử mà tất cả dân Mỹ bất kể khuynh hướng chính trị đều cảm thấy hãnh diện.
Bị chỉ trích, đạo diễn cuốn phim giải thích, cho rằng sự kiện ông Amstrong đặt chân lên mặt trăng là một thành tích mà cả nhân loại hãnh diện và ông Amstrong khi đó là đại diện cho nhân loại chứ không phải chỉ đại diện cho nước Mỹ.
Một lần nữa, các anh chị cấp tiến của Hồ Ly Vọng lại muốn nâng cao tinh thần ‘thế giới đại đồng’ của xã hội chủ nghĩa và hạ uy tín của nước Mỹ.


SEPTEMBER 1 – 2018

JOHN McCAIN
Trong mấy ngày qua, TTDC và cả đảng DC xì xụp vái lạy và tung hô cố TNS John McCain như chưa bao giờ thấy. Những lời ca tụng ông này lên đến không phải 9 mà là 19 tầng mây.
Công bằng mà nói, ông McCain cũng đáng được ca tụng so với hầu hết các chính khách thời cơ hay tham nhũng của cả hai đảng. Riêng đối với dân VN như Diễn Đàn này đã viết nhiều lần, chúng ta không thể không nhớ ơn ông McCain, vừa trong tư thế một quân nhân đã chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam của chúng ta bất kể trong hoàn cảnh như thế nào hay vì lý do gì, vừa trong tư thế một thượng nghị sĩ uy quyền đã tranh đấu cho các cựu quân nhân của VNCH và gia đình được qua Mỹ định cư.
Cá nhân tôi rất tôn trọng và ghi ơn ông McCain trên hai vấn đề đó. Tôi có nhiều bạn được qua Mỹ nhờ ông McCain. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, tôi đã viết nhiều bài ủng hộ ông McCain và đã cực kỳ thất vọng khi thấy ông bị TNS Obama hạ.
Nhưng, những năm cuối đời của ông, ông đã khiến tôi thất vọng khi ông đã để cái ‘TÔI’ của ông che mờ những quyết định chính trị, nổi giận chống TT Trump, đả kích ông này hơn cả các ông bà trong đảng đối lập DC, và quan trọng hơn cả, đã để ý muốn trả thù cá nhân chi phối đến độ biểu quyết chống việc thu hồi Obamacare trong khi chính ông, trong lúc vận động tái tranh cử thượng nghị sĩ, năm 2016 đã khẳng định với cử tri sẽ chống Obamacare tuyệt đối và sẽ tìm mọi cách thu hồi nó, chưa kể khi ở Thượng Viện, ông đã nhiều lần biểu quyết thu hồi Obamacare. Chỉ vì thù ghét, muốn phá TT Trump, khi phải quyết định thực sự, lá phiếu cuối cùng của ông đã cứu sống Obamacare.
Một hành động ‘không đẹp’ khác: theo dặn dò của ông chồng trước khi qua đời, bà quả phụ Cindy McCain quyết định không cho mời bà Sarah Palin dự tang lễ. Mà cũng không mời luôn 3 phụ tá chính của ông trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, ông Steve Schmidt, giám đốc Ban Vận Động, ông John Weaver, cố vấn chiến lược, và bà Nicole Wallace, cố vấn. Trước đây, ông McCain đã công khai lên tiếng cho rằng đám phụ tá và nhất là bà Palin quá dở khiến ông thất bại, thua ông Obama. 
Người hùng McCain đã thiếu can đảm để nhìn nhận hai chuyện:
-     Trước cũng như sau khi lựa chọn bà Palin, không ai tin ông McCain sẽ thắng. Khi đó, ông là người hùng thật, nhưng là người hùng của một cuộc chiến mà giới trẻ không biết đến và giới già muốn quên đi. Ông thua không phải lỗi của bà Palin hay các phụ tá.
-     Nếu bà Palin và đám phụ tá thật sự quá dở thì trách nhiệm là chính ông McCain khi đã chọn họ. Những quyết định quan trọng nhất của ông trước khi làm tổng thống đã là một chuỗi sai lầm thì khi ông làm tổng thống thật, ai biết được còn sai lầm lớn nào khác?
Nhỏ mọn hay không thì đó vẫn là những quyết định của ông McCain và gia đình, họ hoàn toàn có quyền. Ông McCain cũng chỉ là người bằng xương bằng thịt, nhiều đức tính và công trạng, nhưng cũng không thiếu sai sót.
Điểm đáng bàn là thái độ giả dối thô bỉ của phe cấp tiến và TTDC. Tất cả những lời ca tụng ông McCain mà ta đang nghe hay đọc trên TTDC, những lời ca tụng đó ở đâu khi ông McCain tranh cử tổng thống chống lại ‘Đấng Tiên Tri’ năm 2008?
Khi đó, những báo lớn như Washington Post và New York Times, và nhất là đài CNN, đã không tiếc lời thoá mạ ông McCain như là ‘chó con’ –lapdog- của Bush, là kỳ thị chủng tộc, là thiên hữu cực đoan, là phát xít, là già lú (vì đã lựa bà Sarah Palin đứng cùng liên danh), là diều hâu hiếu chiến (vì muốn đánh mạnh Iraq và Afghanistan), là đầy thành kiến phe đảng, là tham nhũng có quan hệ mật thiết với các tài phiệt trong vụ án Keating Five (quý độc giả muốn biết thêm, có thể vào Google truy cứu), là ‘tù binh giả’ (“phony POW”) vì đã hợp tác với CSBV khi bị tù, là bất nghĩa khi bỏ bà vợ tàn phế đã chờ ông bao nhiêu năm để lấy bà vợ vừa giàu, vừa trẻ đẹp, vừa có nhiều quan hệ chính trị có thể giúp sự nghiệp chính trị của ông, là đủ thứ đáng khinh ghét.
Don Lemon, anh phóng viên da đen của CNN hiện nay suốt ngày mạt sát TT Trump, khi đó tố ông McCain là “người đã tạo ra một không khí kỳ thị và hận thù”. Bây giờ, thì cũng chính anh Lemon này suốt ngày thổi ông McCain lên mây.
Theo mt nghiên cứu của trung tâm Pew Research, tin tức và bình luận khi đó có cảm tình với McCain chỉ là 14%, còn 86% đả kích hay bất lợi, chỉ hơn TT Trump hiện nay một chút.
Bây giờ cũng chính cái TTDC đó ca tụng ông McCain lên mây, tuyệt hảo hơn một ông Thánh, quên hết những sỉ vả trước đây.
Ca tụng là chuyện bình thường với người quá cố, nhưng trong trường hợp ông McCain, đã mang thêm ý nghĩa khác mà không ai không thấy: dùng ông McCain để đánh xéo Trump. Một cách ghi ơn không thật lòng mà chắc ông McCain sẽ buồn nhiều hơn vui.

FBI MÁNH MUNG
Một dân biểu CH, ông Mark Meadows đã cho biết một viên chức FBI, Jonathan Moffa trong cuộc điều trần trước Hạ Viện, đã nhìn nhận FBI dưới thời ông Comey đã xì tin mật ra cho báo chí, rồi dựa trên tin do báo đăng, xin trát tòa FISA để điều tra về ban vận động tranh cử của ông Trump. Ông Moffa cho biết khi đó, FBI xì tin mật cho báo chí là việc làm bình thường mỗi khi có nhu cầu.
Ông Moffa khi đó làm việc cùng với ông Strzock là nhân viên FBI mới bị sa thải, trong vụ điều tra về emails của bà Hillary rồi sau đó được chuyển qua điều tra về vụ Hồ Sơ Nga.
Một nguồn tin FBI đã cải chính tin này, cho rằng việc xì tin mà ông Moffa nói không liên hệ trực tiếp đến trát tòa FISA, và việc xì tin cũng không phải là việc thông dụng.
Ông Meadows không nói rõ FBI đã xì tin gì và lấy trát tòa điều tra ai. Điều này hiển nhiên các dân biểu trong Ủy Ban điều tra biết rõ hơn.
Trong vụ lộn xộn này, còn rất nhiều chuyện mà chúng ta không biết, trong khi TTDC tìm cách dấu dùm tội của đám Nhà Nước Ngầm khi đó tìm đủ cách hại ông Trump, giúp bà Hillary.

MỸ THỎA HIỆP VỚI MEXICO
Chính phủ Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mexico về việc hủy bỏ Hiệp Ước NAFTA để thay thế bằng một hiệp ước khác, công bằng hơn cho Mỹ.
Có vài chi tiết đã được công bố tuy còn nhiều điều khoản khác chưa bàn xong, trong đó có những chi tiết về thuế quan đánh trên thép và nhôm, có thể vì có liên quan nhiều đến Canada nên phải bàn tiếp với Canada. Đại cương thì
-             75% trị giá các bộ phận xe ráp tại Mexico phải xuất phát từ Bắc Mỹ Châu (tức là từ Mỹ);
-             40% đến 45% việc ráp xe phải được thực hiện bởi các nhân công lãnh lương tối thiểu 16 đô một giờ (tức là lương tương đương với lương Mỹ để tránh việc chuyển job từ Mỹ qua Mễ);
-             Không tăng thuế quan trên các sản phẩm canh nông trao đổi giữa Mỹ và Mễ.
Việc làm tới là Mỹ và Mễ đều phải có thỏa hiệp mới với Canada thì việc thay thế NAFTA mới được hoàn tất.
Việc thương lượng lại NAFTA do con rể của TT Trump, ông Jared Kushner âm thầm điều đình từ nhiều tháng nay. Nếu chuyện này thành công thì sẽ là một thắng lợi lớn của TT Trump trong kế hoạch tìm những thỏa ước thương mại quốc tế công bằng hơn cho Mỹ. Đây là loại chiến thắng sẽ bảo đảm TT Trump tiếp tục được hậu thuẫn mạnh của giới lao động Mỹ và sẽ là nhức đầu lớn cho đảng DC. TTDC dĩ nhiên đã đăng tin thỏa hiệp với Mexico một cách rắt ngắn gọn cho có thôi.

KINH TẾ MỸ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG
Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tại Atlanta đã tiên đoán tăng trưởng kinh tế có thể sẽ lên tới 4,6% trong tam cá nguyệt 3 của năm nay. Mức tăng trưởng của các đầu tư vào máy móc kỹ nghệ được dự đoán sẽ lên tới mức kỷ lục 7,5%, là chỉ dấu việc các công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào khu vực kỹ nghệ.
Những mức tăng trưởng kỷ lục này không phải là không có mặt trái: Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kềm hãm nguy cơ lạm phát vì tăng trưởng quá nhanh.
Trong khi đó, một văn phòng nghiên cứu kinh tế đã cho biết ‘chỉ số tin tưởng vào tương lai’ của giới tiêu thụ đã leo lên mức cao nhất từ 18 năm nay. Chỉ số này được tính dựa trên nhiều yếu tố, trong đó ‘khả năng có thể tìm được việc làm dễ dàng’ là yếu tố chính, và ‘khả năng của giới tiêu thụ có thể mua các sản phẩm lớn’ [đắt như xe, tủ lạnh, máy lạnh,...] là yếu tố quan trọng khác.
Theo một thăm dò mới, 83% các doanh gia nhận định kinh doanh chưa khi nào tốt đẹp như hiện nay, trong khi 76% tin tưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Thị trường chứng khoán tiếp tục leo thang mạnh, với Dow Jones vượt qua mức 26.000 và Nasdaq qua khỏi mức 8.000 điểm. Cả hai đều là những kỷ lục chưa bao giờ thấy. Chứng minh các nhà đầu tư đã chẳng quan tâm một ly nào về những ‘đại họa’ và ‘tận thế’ của TT Trump mà TTDC đang hô hoán.
Việc này có lẽ giải thích rõ ràng một thăm dò mới của đài TV phe ta CBS. Theo một chuyên gia thăm dò của CBS, ông Anthony Salvanto, ‘cơn thủy triều xanh’ tràn ngập cuộc bầu quốc hội cuối năm nay [ý nói DC sẽ đại thắng] là điều khó có thể xẩy ra.
Nhớ lại TT Obama đã từng lớn tiếng tuyên bố “Thời đại của tăng trưởng kinh tế trên 2% đã qua rồi, nước Mỹ sẽ không bao giờ thấy được mức tăng tưởng này nữa”. Bây giờ thì trên 4% là chuyện bình thường. Thế mà không ít người vẫn nằng nặc cho rằng tăng trưởng kinh tế hiện nay là ‘thành quả lâu dài’ của chính sách kinh tế của Obama.
Ta thử tưởng tượng nếu kinh tế bây giờ bị trì trệ xem mấy vị này có dám nói đó là ‘thành quả lâu dài’ của Obama không? Tiêu chuẩn của họ: tốt là của Obama hết ráo, xấu là tại ... một vạn lý do không dính dáng gì đến Obama hết. 

PHỤ TÁ CỦA BÀ HILLARY VÀ MUELLER
Cuộc điều tra của công tố Mueller bị phe TT Trump chống trong khi phe cấp tiến hoan nghênh là điều dễ hiểu. Cái đáng nói là cuộc điều tra đã gây tranh cãi ngay trong đám cận thần và phụ tá của TT Clinton và bà Hillary.
Phe hợp tác hay hoan nghênh ông Mueller đáng nói nhất là LS Lanny Davis đang bênh vực LS Cohen của ông Trump. Ông Davis trước đây là luật sư biện hộ cho TT Clinton trong vụ công tố Kenneth Starr điều tra về vụ Whitewater và Monica, sau đó làm cố vấn trong ban vận động tranh cử tổng thống của bà Hillary; bây giờ là LS biện hộ cho ông Cohen, tìm đủ cách giúp công tố Mueller đi vồ ông Trump, có vẻ như là hành động trả thủ dùm bà Hillary đã thất cử.
Các phụ tá của nhà Clinton bây giờ đả kích ông Mueller cũng không phải là những người nhẹ ký gì.
Đứng đầu là giáo sư luật của đại học Harvard, Alan Dershowitz, luôn luôn viết báo và lên TV đả kích ông Mueller đã lạm quyền, tố cáo TT Trump những chuyện vô lý, chẳng có gì là vi phạm luật lệ hết. Ông Dershowitz là DC kỳ cựu, cấp tiến nặng, rất thân cận với TT Clinton trước đây.
Thứ nhì là ông Mark Penn, trước đây là cố vấn chuyên làm thăm dò dư luận và thống kê cho ban vận động tranh cử của bà Hillary. Ông Penn cũng không tiếc lời đả kích công tố Mueller đã đi quá xa. Ông này cũng tố giác việc bắt các ông Manafort và Cohen rõ ràng là cách ông Mueller giăng bẫy để vồ Trump, chứ những tội của hai ông này chẳng liên hệ gì đến việc Trump ‘thông đồng’ với Nga hay cản trở công lý. 


Ông thứ ba mới nhất là LS nặng ký Bob Bennett, là người đã biện hộ cho TT Clinton trong vụ bà Paula Jones thưa kiện vì xách nhiễu tình dục, đưa đến vụ điều tra cô Monica và đàn hặc. Ông Benneth còn đi xa hơn hai ông trên: ca tụng thẩm phán Kavanaugh hết lời.



TTDC TIẾP TỤC XUYÊN TẠC
Báo phe ta Washington Post đăng bài, chỉ trích việc một số ‘công dân Mỹ’ đi Mexico về bị chặn tại biên giới để truy cứu thông hành vì nghi là thông hành giả hay thông hành cấp dựa trên giấy khai sinh giả. Ý muốn tố TT Trump tìm cách trục xuất dân gốc Mễ dù là đã có quốc tịch Mỹ.
Việc chặn xét thông hành có nguyên nhân rõ rệt. Chính phủ Mỹ biết rất nhiều bác sĩ và nữ hộ sinh sống trong những vùng sát biên giới thường bán giấy khai sinh giả, chứng nhận đã sanh trên đất Mỹ để đứa trẻ tự động được quốc tịch Mỹ. Do đó, phải chặn xét để kiểm tra.
Điều WaPo không viết ra là việc tra xét này đã có từ hồi nào đến giờ, ít ra cũng từ thời TT Johnson chứ không phải là biện pháp do TT Trump mới chế ra. Trái lại, theo thống kê chính thức của bộ Ngoại Giao, con số di dân bị bắt vì thông hành giả hiện đang ở mức thấp nhất.
Cách đây ít năm, dưới thời TT Obama, WaPo cũng đã viết bài về vấn đề này và ca tụng việc chính quyền lùng bắt di dân lậu với thông hành và giấy khai sanh giả, cũng như việc lùng bắt bác sĩ và nữ hộ sinh.
Thế mới thấy cái gian trá một chiều của TTDC. Cùng một việc làm, dưới thời Obama thì được ca tụng, dưới thời Trump thì bị chỉ trích. Cụ nào giải thích được, kẻ này xin tình nguyện tiếp tay phổ biến cho thiên hạ biết.
WaPo cũng đã mở ra mục mới, chuyên kiểm tra dữ kiện –fact check- các quảng cáo chính trị của các ứng cử viên quốc hội của CH. Cũng là chuyện tốt, giảm được các quảng cáo phịa của các chính trị gia. Vấn đề là tại sao WaPo lại chỉ kiểm tra các ứng cử viên CH, mà lại không kiểm tra các ứng cử viên DC?

KINH TẾ KEYNESIAN VÀ OBAMA
Cách đây ít lâu, đã có bài viết về Kinh Tế Obama-Trump trên Diễn Đàn này hồi đầu tháng 8 vừa qua. Một vị nhân sĩ đã ‘phản ứng’ bằng cách chuyển lại một bài viết bằng tiếng Anh về “Kinh Tế của Keys”, Keynesian economics, được gọi là chính sách kinh tế mà TT Obama đã ‘ứng dụng’.
Phản ứng này thật ra hết sức quan trọng và hữu dụng để hiểu thêm vấn đề kinh tế rất phức tạp của Mỹ. Nhân dịp này, tôi xin bổ túc thật vắn tắt để quý độc giả của DĐTC hiểu rõ hơn.
Keynesian economics là kinh tế theo lý thuyết của John Maynard Keynes (không phải Keys). Ông Keynes là một đại lý thuyết gia kinh tế người Anh, có thể nói là tác giả của sự phục hồi kinh tế của Âu Châu ngay sau Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhì chấm dứt.

Khi đó dĩ nhiên có nhu cầu tái thiết. Vấn đề là cả Âu Châu là đống gạch vụn, chẳng còn ai có tiền, cũng chẳng còn bao nhiêu nhà máy hãng xưởng hoạt động ngoài hãng xưởng của Anh Quốc. Việc tái thiết chỉ có thể thực hiện được qua nỗ lực của Nhà Nước. Nhà Nước sẽ đứng ra lập hãng xưởng, tạo dự án để cung cấp việc làm cho cả nước. Chi phí sẽ do Nhà Nước gánh chịu bằng bội chi ngân sách và công nợ. Nhà Nước sẽ mắc nợ ngập đầu và ngân sách bị thâm thủng rất nặng. Nhưng ông Keynes biện giải tất cả chỉ là khó khăn nhất thời, vì sau đó, kinh tế sẽ sống lại, sẽ có tăng trưởng mạnh, Nhà Nước sẽ thu thuế lại để lấp bội chi cũng như trả nợ. Ông Keynes tính toán rất đúng và Âu Châu đã phục hồi, nhất là với sự trợ giúp của Kế Hoạch Marshall của Mỹ, bơm 100 tỷ đô (tính theo đối giá tương đương với năm 2106). Sách lược này được coi như là nền tảng của chính sách kinh tế Nhà Nước Vú Em của khối cấp tiến.
Sau này, chính sách này được cải sửa ít nhiều cho hợp với thế kỷ 21, được gọi là kinh tế neo-keynesian, hay là tân-keynesian.
TT Obama áp dụng chính sách kinh tế tân-keynesian này, và kết quả là đã thất bại.
Ông cho ra luật kích cầu kinh tế, dựa trên việc Nhà Nước tung ra khoảng 800 tỷ tiền các dự án đủ loại, nhằm giúp tạo công ăn việc làm. Vài tháng sau khi luật được ban hành, tỷ lệ thất nghiệp thay vì giảm mạnh như TT Obama hứa, đã vọt từ 6% lên tới 10% và khựng tại đây trong hơn 5 năm trời trước khi suy giảm. Kinh tế có phục hồi, nhưng là cuộc phục hồi yếu và chậm nhất lịch sử, theo CNN.
Tại sao thất bại? Vì nhiều lý do từ thực tế đến lý thuyết. Đại khái:
-     Việc xử dụng số tiền đó là một sai lầm vĩ đại, vì phần lớn bị xẻ nát ra phân tán cho 50 tiểu bang vì nhu cầu chính trị, một cách ‘hối lộ’ các dân biểu và nghị sĩ để họ biểu quyết thuận cho luật kích cầu. Đã vậy một số lớn được chi cho những dự án vớ vẩn mà phe cấp tiến coi trọng như... trồng hoa các nhà tù, các nghiên cứu khoa học cực kỳ tốn kém mà kết quả cụ thể chẳng bao nhiêu, và nhất là tài trợ các khoản trợ cấp xã hội và tiền thất nghiệp trong mục tiêu tái phân phối lợi tức (ưu tiên số một của TT Obama), không giúp gì cho tăng trưởng kinh tế hay tạo công ăn việc làm.
-     Kinh tế Mỹ cũng chẳng có gì để tiêu xài. Dự án lớn nhất có thể làm được là nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, nhà máy điện nước,... (là việc TT Trump đang muốn làm) thì tốn quá nhiều tiền, hơn xa mức được TT Obama cung cấp. TT Obama sau đó đã tuyên bố một câu để đời, đại khái là “chúng ta đã không tìm ra được những dự án sẵn sàng để dùng xẻng cuốc” (We couldn’t find enough shovel-ready projects).
-     Kinh tế Âu Châu sau Thế Chiến là con số không, chỉ có Nhà Nước, qua viện trợ ào ạt của Mỹ là có tiền và có phương tiện. Kinh tế Mỹ thập niên 2010 dù khủng hoảng, vẫn là nền kinh tế thị trường cực kỳ lớn và hùng mạnh. Tám trăm tỷ chỉ là muối bỏ biển, chẳng có một tác dụng nào hết, trong khi các tác nhân thực tế của kinh tế Mỹ là hàng triệu doanh gia chứ không phải là một ông Nhà Nước. Và các doanh gia này đều lo âu trước viễn tượng bị đóng thuế nặng hơn, nên lo gửi tiền ra ngoài nước chứ không đầu tư mở mang hãng xưởng. Ngay khi đó, rất nhiều kinh tế gia cấp tiến đã chỉ trích TT Obama rất nặng vì cho luật kích cầu đó chỉ là chuyện màu mè chính trị. Nếu muốn có kết quả thật phải chi ra cỡ năm bẩy lần số tiền đó và tập trung vào một số dự án lớn rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà TT Obama đã đánh giá sai: kinh tế Mỹ quá lớn để có thể áp dụng thuyết Keynesian một cách nhỏ giọt.
Kinh tế bảo thủ của TT Trump giảm thiểu vai trò Nhà Nước tối đa, chỉ lấy những biện pháp gián tiếp như ấn định thuế suất hay lãi suất, giảm thiểu các thủ tục luật lệ kinh doanh để ‘cởi trói’ cho các doanh gia. Nhà Nước không tung một xu nào ra để kích cầu kinh tế. Khác một trời một vực với kinh tế tân-keynesian. Những người nói kinh tế hiện hữu là thành quả lâu dài của kinh tế Obama là những người không biết gì về kinh tế, chỉ bàn góp theo tính phe đảng ngớ ngẩn.
(Trong phạm vi giới hạn của bản Tin Vắn, DĐ này không thể phân tích chi tiết hơn)