Tin Tức - 13/12/2019


DECEMBER 13 – 2019
  
CẬP NHẬT ĐÀN HẶC
Cuối cùng thì việc phải đến đã đến. Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện sau màn tuồng hát bội tranh cãi kéo dài vài ngày, đã chính thức tố TT Trump vi phạm hai tội: 1) lạm quyền và 2) cản trở quốc hội thi hành trách nhiệm. Biểu quyết đã được thông qua tuyệt đối theo đúng làn ranh đảng phái.
Bước kế tiếp là đưa ra trước Hạ Viện để biểu quyết tuần tới, một biểu quyết mà ai cũng đoán được kết quả. Sau khi thông qua, sẽ chuyển qua Thượng Viện đầu năm tới để biểu quyết truất phế hay không, một biểu quyết khác mà ai cũng biết trước kết quả.
Ở đây, thiên hạ nhớ lại câu nói của ông Tom Daschle năm xưa: “Chúng ta không thể chấp nhận cho một tổng thống – CH hay DC- có thể bị truất phế qua một biểu quyết tại Hạ Viện theo đúng làn ranh đảng phái”. Ông Daschle khi đó là thượng nghị sĩ lãnh đạo khối thiểu số DC trong Thượng Viện, chống lại việc đàn hặc và truất phế TT Clinton. Không hiểu bây giờ ông Daschle nghĩ sao.
Điểm đáng ngạc nhiên không phải quyết định đàn hặc của khối DC, mà là chuyện ‘vắng bóng’ cái tội mà phe DC hô hoán từ đầu: đó là không ai thấy cái tội ‘quid pro-quo’ hay tội ‘hối lộ’ –bribery- nữa.
Cái tội đổi chác bây giờ biến mất, thay thế bằng tội ‘lạm quyền’. Chỉ vì sau khi cả tá nhân chứng ra điều trần, phe DC vẫn không tìm ra được bằng chứng là có đổi chác hay hối lộ gì hết. Chẳng có đổi chác bằng viện trợ quân sự, cũng chẳng đổi chác bằng việc TT Trump tiếp kiến TT Ukraine. Văn Phòng Ngân Sách của chính phủ đã xác nhận viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị giữ lại vài tuần vì cần phải duyệt lại theo đúng thủ tục luật định, giống như tất cả mọi viện trợ khác, chứ không phải bị giữ lại vì toan tính đổi chác của TT Trump.
Phe DC đành phải chế ra tội mới là ‘lạm quyền’, dựa vào chức vị để áp lực Ukraine vì quyền lợi cá nhân. Một cái tội khó định nghĩa hơn mà không cần bằng chứng cụ thể vì thực tế là vẫn chẳng có bằng chứng cụ thể nào ngoài những tin nghe qua nói lại.
Cái tội thứ hai mới chế ra là tội cản trở quốc hội thi hành trách nhiệm, vì đã không hợp tác với Hạ Viện trong việc điều tra chuẩn đàn hặc. Tội này thì hiển hiện, không cần bằng chứng dĩ nhiên. NHưng phải nói ngay, TT Trump đã bất hợp tác với phe DC trong Hạ Viện chứ không phải là bất hợp tác với cả quốc hội. Gần một nửa Hạ Viện và hơn một nửa Thượng Viện vẫn không đồng ý có đàn hặc mà. Phe DC đã đồng hoá một nhúm hai tá dân biểu trong hai ủy ban của Hạ Viện với cả quốc hội. Họ có quyền đòi hỏi đàn hặc nhưng không có tư cách đại diện cho cả quốc hội.
Cái tiếu lâm trong câu chuyện là tại sao tổng thống lại phải ‘hợp tác’ với một nhúm dân biểu đối lập khi họ tìm cách truất phế ông, bác bỏ kết quả của một bầu cử chính danh, hợp pháp và hợp hiến?
Thế thì việc phe đối lập nhắm mắt nhắm mũi tìm đủ cách đánh phá và lật đổ tổng thống có thể được coi là đã phạm tội ‘cản trở tổng thống thi hành trách nhiệm dân cử‘ không?
Một thăm dò mới nhất về đàn hặc của cơ quan thăm dò của đảng DC, Global Strategy Group cho thấy trong khối cử tri trước đây lưỡng lự không có ý kiến về đàn hặc thì bây giờ họ đã có ý kiến. 42% cảm thấy chán chường và mệt mỏi – exhausted-, 27% cảm thấy bị rối trí không hiểu rõ bên nào đang lạm quyền, chỉ có 12% ủng hộ đàn hặc.
Một thăm dò mới của Đại Học Quinnipiac cho thấy từ đầu tháng 11 tới đầu tháng 12, số người chống đàn hạc và truất phế đã tăng từ 48% lên tới 51%. Trong khi một thăm dò khác của Đại Học Monmouth cho thấy tỷ lệ ủng hộ đàn hặc trong một tháng qua, đã rớt từ 51% xuống còn 45%.
Những kết quả thăm dò đã khiến đảng DC bối rối vì hiển nhiên, các cuộc điều trần rầm rộ trước Hạ Viện đã không mang lại hậu thuẫn phe DC mong đợi, trái lại số người ủng hộ đàn hặc đã giảm đồng loạt theo tất cả các thăm dò.
Giới tài chánh tỉnh bơ trước tin đàn hặc mà TTDC khua chiêng trống như đại họa của thế kỷ. Ngày tội đàn hặc được Ủy Ban Tư Pháp biểu quyết, chỉ số Dow Jones đã tăng... 3 điểm!
Nói chung, giới tài chánh tiên đoán TT Trump sẽ tái đắc cử và coi chuyện đàn hặc như pha khi họ gọi đó là ‘background noise’, tiếng lào xào phiá sau, giống như trong tiệm ăn, hai người nói chuyện với nhau trong tiếng ồn của cả tiệm mà chẳng ai để ý.

THƯỢNG VIỆN TÍNH TOÁN SÁCH LƯỢC ĐÀN HẶC
Việc Hạ Viện biểu quyết đàn hặc coi như ván đã đóng thuyền. Một số dân biểu DC sẽ đào ngũ để bảo vệ ghế của chính mình, nhưng bù lại, một số dân biểu CH thuộc khối chống Trump sẽ biểu quyết ủng hộ đàn hặc. Do đó, quyết định đàn hặc chắc chắn sẽ được Hạ Viện thông qua. Sau đó sẽ qua Thượng Viện để kết án.
Tất cả mọi người đều biết Thượng Viện sẽ không đủ phiếu để truất phế, do đó, cấp lãnh đạo CH tại Thượng Viện có ý định không muốn biến Thượng Viện thành rạp xiếc như Hạ Viện. Trái lại, phe CH muốn tìm cách rút tiến trình càng ngắn càng tốt, sẽ không gọi nhân chứng ra đối chất, kể cả anh thổi còi và cha con cụ Biden hay các chủ tịch các ủy ban Hạ Viện, vì họ nghĩ sẽ biến Thượng Viện thành rạp xiếc trong khi sẽ chẳng có hậu quả gì, chẳng thay đổi được thái độ của các nghị sĩ mà cũng chẳng thay đổi được dư luận quần chúng. Thượng Viện lý luận đàn hặc chỉ là chuyện vớ vẩn, nên không có nhu cầu nối đuôi theo Hạ Viện dàn dựng một cuộc đàn hặc quy mô kéo dài cả vài tháng với điều trần đủ loại.
Mặt khác, Thượng Viện cũng cần chấm dứt tiến trình này sớm để các thượng nghị sĩ còn thời giờ vận động tranh cử cho chính họ. Kỳ bầu cử tới, có tới 22 thượng nghị sĩ CH ra tranh cử lại trong khi bên DC chỉ có 12 vị. Bảo vệ thế đa số tại Thượng Viện là chuyện tối quan trọng cho đảng CH, nhất là khi Hạ Viện có thể sẽ vẫn nằm trong tay đảng DC sau bầu cử năm tới.
Cấp lãnh đạo CH tại Thượng Viện hiện đang điều đình với TT Trump vì ông này muốn lôi thật nhiều nhân chứng ra điều trần để minh oan cho ông và tố giác phe DC.

ĐẾM PHIẾU ĐÀN HẶC
Trong thời gian qua, cả hai bên, nhất là bên đảng DC, đã cố vặn vẹo tội trạng của TT Trump để câu chuyện có một bề ngoài ‘coi được’, dựa trên yếu tố pháp lý lờ mờ nào đó. Sự thật như diễn đàn này đã viết quá nhiều, tất cả chỉ là chuyện chính trị, đếm phiếu. Các vị dân biểu và nghị sĩ đếm phiếu cử tri, rồi cấp lãnh đạo hai đảng đếm phiếu các vị dân cử trong hai viện.
Theo các chuyên gia, hiện nay trong Hạ Viện, có hơn 30 dân biểu DC được bầu trong những khu vực đã từng ủng hộ mạnh TT Trump, hay có thể dễ dàng chuyển qua phiá TT Trump, nghĩa là hơn 30 dân biểu DC đang cân nhắc quyết định của mình về vấn đề đàn hặc, cân nhắc so với cái ghế mình đang ngồi. Bù lại, cũng có thể có hơn nửa tá dân biểu CH chống Trump.
Về phiá Thượng Viện ai cũng biết cần ít nhất 20 nghị sĩ CH nhẩy rào qua bên đối lập thì mới đủ túc số truất phế TT Trump. Cho đến nay, các chuyên viên dự tính có thể có 3-4 vị có thể bỏ phiếu chống TT Trump thôi. Đó là các ông bà Mitt Romney (Utah), Susan Collins (Maine), Lisa Murkowsky (Alaska) và Cory Gardner (Colorado), là những nghị sĩ thường chống Trump nhất. Đó là ước tính con số tối đa, khó có thể có hơn.

CẬP NHẬT TRANH CỬ
Dù bị lu mờ nhiều bởi vụ đàn hặc, bên phiá đảng DC vẫn còn đang cố chạy đua.
Tin xấu chung đầu tiên là đàn hặc sẽ phải qua giai đoạn Thượng Viện cứu xét việc truất phế. Điểm hại lớn trước mắt cho các thượng nghị sĩ DC đang tranh cử tổng thống: họ sẽ phải bỏ bớt thời giờ tranh cử để hiện diện trong các buổi thảo luận và biểu quyết tại Thượng Viện, có thể sẽ bắt đầu đầu năm, đúng trong một tháng trước cuộc bầu sơ bộ đầu tiên tại Iowa.
Hai cụ xã nghĩa Sanders và Warren đều là nghị sĩ. Rồi còn có bà Klobuchar, ông Booker nữa. Ngư ông hưởng lợi lớn là cụ Biden và ‘chị’ Buttigieg, tha hồ thong dong đi vận động vì không phải là nghị sĩ.
Cho đến nay, vẫn chưa ai nhìn thấy rõ hướng đi của đảng DC, ai thắng ai thua. Chỉ biết có 4 người trong nhóm top, gồm 3 cụ khủng long và một ‘chị’ vừa qua tuổi vị thành niên, còn lại đều là… ruồi muỗi.
Tin mới: trước áp lực của ‘chị’ Buttigieg, bà Warren đã miễn cưỡng phải nhìn nhận trong mấy chục năm qua, bà đã có ‘nghề tay trái’ là cố vấn pháp luật cho nhiều đại công ty, và đã lãnh sơ sơ có hai triệu đô thôi. Lại một giả dối thô bạo: trong khi suốt ngày ra rả công kích các đại công ty thì ban đêm đi làm lén cho chính các đại công ty đó, lãnh bạc triệu chơi.

PHÚC TRÌNH ĐIỀU TRA FBI
Tổng thanh tra bộ Tư Pháp, ông Michael Horowitz đã công bố báo cáo về cuộc điều tra xem FBI đã có vai trò gì trong việc theo dõi ủy ban vận động tranh cử của ông Trump trong mùa tranh cử năm 2016.
Xin nhắc lại, FBI khi đó dưới quyền giám đốc James Comey của chính quyền Obama, đã dựa trên một số tin tức họ có được, đi xin tòa FISA lấy trát để theo dõi ủy ban vận động của ông Trump, xem có thông đồng với Nga hay không.
Báo cáo dầy hơn 400 trang của ông Horowitz kết luận FBI đã làm rất nhiều sơ hở, vi phạm rất nhiều thủ tục hành chánh khi lập hồ sơ cũng như khi xin trát tòa, và lại dựa trên nhiều dữ kiện rất lỏng lẻo không kiểm chứng rõ ràng. Đặc biệt là FBI đã không xác nhận được những điểm nghi ngờ lớn mà đã chỉ xác nhận một vài chi tiết nhỏ theo suy diễn (nguyên văn: “the FBI was unable to corroborate any of the specific substantive allegations against Carter Page contained in the election reporting and relied on in the FISA applications, and was only able to confirm the accuracy of a limited number of circumstantial facts). Dù vậy, theo ông Horowitz, FBI đã không có gian ý, cố tình làm chuyện này vì tính phe đảng chính trị với ý đồ hãm hại ông Trump, nên không đề nghị truy tố ai hết.
Làm người ta nhớ lại báo cáo của cựu giám đốc FBI Comey về vụ emails của bà Hillary, hay báo cáo về vụ đại sứ Mỹ bị khủng bố giết tại Benghazi: vi phạm một vạn tội nhưng không ai bị truy tố gì hết. Đó là mô thức đã thành tiền lệ của các vụ ‘điều tra’ chính trị của Mỹ: vi phạm đủ thứ chuyện nhưng chẳng ai bị tội gì hết.
Ông Christopher Wray, giám đốc FBI do TT Trump bổ nhiệm thay thế ông Comey đã tuyên bố chấp nhận báo cáo và sẽ có nhiều biện pháp để siết chặt lại thủ tục mở điều tra của FBI trong tương lai. Ông Wray hiển nhiên chỉ chú trọng đến khiá cạnh thủ tục kỹ thuật, không quan tâm đến kết luận chính trị của báo cáo.
Tuy nhiên, bộ trưởng Tư Pháp, ông William Barr cho biết ông không đồng ý với nhiều nhận định và kết luận của ông tổng thanh tra. Theo ông Barr, nhưng dữ kiện khiến FBI xin theo dõi ban vận động của ông Trump không chính đáng, không đủ nghiêm trọng và không đủ bằng chứng phạm pháp để FBI có thể đi xin trát tòa theo dõi ban vận động. Có nghĩa là thật sự đã có ý đồ chính trị phe đảng của chính quyền Obama muốn giúp bà Hillary. Ông Horowitz do TT Obama bổ nhiệm.
Cuộc điều tra của ông Horowitz chỉ giới hạn trong đúng một vấn đề: xin trát tòa để theo dõi ban vận động của ông Trump, không phải  điều tra về toàn bộ các hoạt động của chính quyền Obama trong những ngày vận động tranh cử.
Trong khi đó, công tố John Durham vẫn còn đang điều tra nguyên nhân tại sao có chuyện bổ nhiệm công tố Mueller điều tra về việc ông Trump ‘thông đồng’ với Nga, từ đâu ra cái ý nghĩ đó, đã có những dữ kiện cụ thể nào hay chỉ là một mưu đồ phá ông Trump của ‘Nhà Nước Ngầm’.
Công tố Durham cũng đã ra thông cáo chính thức xác nhận không đồng ý với nhiều kết luận của công tố Horowitz, tuy thông cáo không nói rõ không đồng ý ở những điểm nào.

TIN KINH TẾ
Bộ Tài Chánh cho biết từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống, đã có hơn 7 triệu việc làm mới được mở ra, đưa đến tình trạng tỷ lệ thất nghiệp xuống tới mức thấp nhất từ nửa thế kỷ này, ở mức 3,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã xuống tới những mức thấp nhất cho các khối dân thiểu số da đen, da nâu, da vàng và cả khối phụ nữ luôn.
Điều đáng chú ý là hầu hết những việc làm mới được tạo ra đều là những việc có tương lai lâu dài, không phải là loại việc tạm thời hay bán thời như dưới thời TT Obama.
Điểm đáng nói nữa là trong tháng Mười Một vừa qua, mức lương trung bình cũng đã gia tăng 3,5% so với cùng tháng năm ngoái. Nghĩa là nhiều người có việc hơn và việc làm họ kiếm được cũng trả lương cao hơn.
Còn nhớ câu châm ngôn ăn tiền nhất của ông Clinton khi ông này mới ra tranh cử năm 1992 là “It’s the Economy, Stupid!”. Nếu câu châm ngôn này còn giá trị, thì đảng DC quả thực không còn cách nào khác là phải ôm chặt lấy đàn hặc chứ không có cách nào cản được việc TT Trump tái đắc cử.
Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố quan trọng nhất đã kích động phát triển kinh tế chính là việc TT Trump giảm thuế trên lợi nhuận công ty, khuyến khích các công ty mở thêm hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho thiên hạ.
Sự kiện này đã khiến những tuyên truyền “Trump cắt thuế nhà giàu, giết nhà nghèo’ của phe DC trở nên tuyên truyền trống rỗng, không ai coi ra gì hết.
Đó là TT Trump vẫn chưa đạt được thành quả nào trong việc ngăn chặn hàng nhập cảng để bảo vệ kinh tế Mỹ. Nếu đạt được thành quả, giảm hàng nhập cảng từ Trung Cộng và Âu Châu, và cả hai anh láng giềng, thì tăng trưởng kinh tế sẽ còn mạnh hơn tuy tỷ lệ thất nghiệp khó có thể giảm thêm nữa. Trên căn bản, trong một nền kinh tế như Mỹ, thất nghiệp ở mức 4% được coi là đã đạt mức toàn dụng rồi.

HIỆP ƯỚC THƯƠNG MẠI MỸ-MỄ-CANADA
Tin báo chí cho hay thỏa ước mậu dịch mới Mỹ-Mễ-Canada thay thế NAFTA có thể sẽ được Hạ Viện phê chuẩn trong một hai tuần tới, ngay sau khi Hạ Viện biểu quyết đàn hặc TT Trump. TTDC đã tung hô đây là thành công lớn cho cả TT Trump lẫn phe DC. TTDC dĩ nhiên không thể nào nhìn nhận Trump có được một thành công nào, vạn bất đắc dĩ phải nhìn nhận thì cũng phải thòng theo nhận định đó là thành công của cả hai bên.
TT Trump dĩ nhiên muốn thỏa ước này được thông qua vì đây là thỏa ước do ông điều đình lại với hai ông láng giềng, trên nguyên tắc có lợi cho Mỹ nhiều hơn NAFTA trước đây. Hạ Viện đã ngâm tôm gần cả năm nay, nhưng bây giờ thấy cần phải phê chuẩn để có dịp chứng tỏ phe DC nắm đa số tại Hạ Viện cũng đang làm việc, cũng muốn hợp tác với TT Trump chứ không phải chỉ chúi mũi lo chuyện đàn hặc, đảo chánh TT Trump.
TT Trump, đúng theo mô thức thích chọc cho ra chuyện, thay vì vui mừng chấp nhận việc phe DC phê chuẩn hiệp ước mới, lại chọc quê, phán ngay “chính vì cái chuyện đàn hặc ngu xuẩn mà phe DC đã phải chấp nhận thỏa ước mới, để gỡ gạc”. Đúng là ‘ông thần Trump’!

THỎA ƯỚC MẬU DỊCH VỚI TRUNG CỘNG
Mỹ và Trung Cộng đã đạt được thỏa thuận mậu dịch đầu tiên. Đầu tiên vì cuộc thương thảo còn tiếp tục qua năm tới.
Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ ngưng áp đặt thuế quan mới trên hàng nhật cảng từ TC trị giá trên 160 tỷ đô, tuy thuế quan mới áp đặt trên 250 tỷ trước đây vẫn được duy trì.
Đáp lại, TC cam kết sẽ mua 50 tỷ hàng nông nghiệp Mỹ, xiết chặt các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ -intellectual properties- và mở cửa thị trường tài chánh cho các công ty tài chánh Mỹ vào làm ăn tại TC. Chi tiết thỏa thuận chưa được công bố.

TIN TÒA ÁN
Tối Cao Pháp Viện đã đồng ý cứu xét việc quốc hội truy đòi hồ sơ tài chánh của TT Trump. Hiện nay đã có ba vụ xử liên quan đến việc này. Trong cả ba trường hợp, tòa dưới phần lớn do các TT Clinton và Obama bổ nhiệm, đã phán quyết TT Trump phải giao nộp hồ sơ tài chánh cho quốc hội.
Phán quyết của TCPV sẽ cực quan trọng vì sẽ đụng chạm tới vấn đề một tổng thống đương nhiệm có thể bị quốc hội truy tố và truy lùng để tìm tội gì không. Đây là chuyện phức tạp mà các luật gia đang tranh cãi rất mạnh. Các cụ tỵ nạn chưa đủ trình độ nên tự chế, đừng bàn ẩu vì tính phe đảng. TCPV sẽ có quyết định sớm lắm là tháng Sáu năm tới, vài tháng trước bầu cử.

BẦU CỬ BÊN ANH
Kết quả bầu cử quốc hội bên Anh Quốc đã đưa ra một bắt ngờ lớn: chiến thắng quá lớn của thủ tướng bảo thủ Boris Johnson, là người chủ trương bỏ Liên Âu, hợp tác chặt chẽ với Mỹ và là đồng minh lớn của TT Trump.
Chiến thắng của ông Johnson được coi như lớn nhất từ ba chục năm nay.
Phe cấp tiến do ông dân biểu thiên tả cực đoan Jeremy Corbyn lãnh đạo đã đại bại. Hóa ra dân Anh cũng không mù quáng mê man chuyện ‘tất cả mọi thứ free’ mà ông Corbyn hứa hẹn.
Kết quả bầu cử bên Anh là một gáo nước lạnh xối lên đầu các ứng cử viên thiên tả cực đoan của đảng DC Mỹ, cụ ông Sanders và cụ bà Warren.
Cái điều khá thú vị là ông thủ thướng Johnson này cũng là một loại chính trị gia ‘quái chiêu theo trường phái Trump’: khá cực đoan, ăn nói vung vít, làm việc bốc đồng khó đoán, chống TTDC kịch liệt. Chỉ khác có bộ tóc lúc nào cũng rối bù, không bao giờ thèm chải.

BỆNH KỲ THỊ LAN TRÀN RA THẾ GIỚI?
Khi TT Trump ra sắc lệnh kiểm soát vấn đề di dân hợp pháp, đảng DC và TTDC và vài cụ tỵ nạn thông ngôn đồng loạt ca bài ca kỳ thị chủng tộc, mà không cần biết đến những yếu tố kinh tế, văn hóa, chính trị của những quyết định đó.
Nếu kiểm soát di dân chỉ là chuyện kỳ thị thì dường như cái bệnh kỳ thị đã lan mạnh qua nhiều nước lớn khác,
Điển hình là thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố sẽ lấy quyết định giới hạn chặt chẽ việc di dân từ Âu Châu qua Anh. Theo ông Johnson, vì tình trạng kinh tế khó khăn, quá nhiều dân Âu Châu đã tìm cách chạy qua Anh sống, gây khó khăn cho kinh tế Anh luôn.
Chưa nghe báo Mỹ chửi thủ tướng Anh là kỳ thị. Mà lại là dân da trắng Anh kỳ thị dân da trắng Âu Châu mới lạ.
Trong khi đó, Ấn Độ mới cải tổ luật di dân, nhằm mục đích dễ dãi hóa cho dân thiểu số các xứ láng giềng Pakistan và Bangladesh chạy qua tỵ nạn tại Ấn Độ. Tuy nhiên luật mới lại ghi rõ những dễ dãi mới không áp dụng cho dân Hồi giáo của những xứ này.
Công khai kỳ thị Hồi giáo đó.