Saturday, June 2, 2018

BÀI 23: #NEVERTRUMP VÀ DEEP STATE


Tựa bài tuần này là danh xưng của hai nhóm chống TT Trump mạnh mẽ nhất ngoài khối đối lập DC và TTDC.
#NeverTrump là một nhóm bảo thủ CH chống TT Trump đến cùng. Không phải là nhóm DC đâu mà là ‘phe ta’ CH với nhau đấy. Gọi là phe ta xé xác phe mình! Cũng không phải chống sau khi ông Trump đã đắc cử, mà chống ngay từ khi ông mới ngóc đầu lên trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống trong nội bộ đảng CH, cuối năm 2015. #NeverTrump không phải là tên chính thức gì, mà chỉ là cách nhóm này tự xưng trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter,...
Deep State là khối công chức lão làng, không ai bầu, nhưng lại nắm thực quyền chính trị hiện nay.
       Đầu năm 2015, cả hai chính đảng rục rịch chuẩn bị tranh cử tổng thống.
Bên đảng CH, không khí y chang chợ Tết. Sau 8 năm Obama, thiên hạ chán ngấy các chính sách cấp tiến thiên tả với những hậu quả quá tai hại. Đã vậy, đảng DC đưa ra bà Hillary chẳng những còn thiên tả hơn cả Obama, mà lại là ác mộng của 8 năm xì-căng-đan Clinton trở lại. Hay chính xác hơn, là sự tiếp nối của 16 năm kinh hoàng Clinton-Obama. Do đó, ai cũng muốn nhẩy vào cuộc. Tổng cộng 17 ứng cử viên nặng ký ghi danh, một con số kỷ lục chưa từng thấy. Mà hầu hết là những vị rất tên tuổi. Có 9 thống đốc, đương nhiệm hay cựu, trong đó có những vị từ các tiểu bang lớn như Florida, Ohio, Texas, New York và New Jersey. Năm thượng nghị sĩ trong đó hai vị từ hai tiểu bang lớn là Texas và Florida. Hai đại doanh gia triệu phú. Chưa kể không biết bao nhiêu vị khác ngồi ngoài dòm ngó chờ thời.
Với thành quả của TT Obama và tiếng tăm không được tốt lắm của bà Hillary, ai cũng nghĩ cơ hội đã đến cho mình. Kể cả ông tỷ phú chưa bao giờ biết chính trị là gì, Donald Trump.
Cuộc chạy đua bắt đầu từ mùa xuân năm 2015. Ngay từ đầu, phần lớn chuyên gia nghĩ cuộc bầu tổng thống năm 2016 sẽ là cuộc đấu lý thú thứ hai giữa hai đại gia tộc Clinton và Bush, khi bà Hillary đụng đầu với thống đốc Florida Jeb Bush. Bà vợ tổng thống đấu với ông con/em của tổng thống. Bù lại, nhiều người cũng không vui lắm: bộ nước Mỹ hết nhân tài rồi sao mà đi xào nướng lại mấy món ăn cũ mèm này?
Tỷ lệ hậu thuẫn của tất cả các ứng cử viên đều không ghê gớm gì lắm vì bị chia ra quá nhiều người. TĐ Bush đứng đầu với khoảng 15% hậu thuẫn của cử tri CH, trong khi bà Hillary được đâu 80% hậu thuẫn của cử tri DC.
Tháng Sáu 2015, tỷ phú Donald Trump thông báo ông ra tranh cử. Báo chí làm ngay một cuộc thăm dò mới. Ông Trump được hậu thuẫn của chưa tới... 2% cử tri CH, tức là chưa tới 1% cử tri cả nước. Chẳng ai coi ông này ra gì.
Nhưng ông Trump là một hiện tượng không giống ai. Một chính khách quái chiêu chuyên tuyên bố nẩy lửa và bạt mạng. Ngay trong bài diễn văn thông báo tin ra tranh cử, ông đã phạng ngay “đám di dân gốc Nam Mỹ đều là dân du thủ du thực, đầu trộm đuôi cướp, chuyên đi hãm hiếp đàn bà con gái, cần phải bị bắt đuổi hết ra khỏi xứ”. Đời thuở nào từ thời lập quốc đến giờ, làm gì có loại chính khách ăn nói quái chiêu như vậy?
Chính nhờ cái quái chiêu đó mà ông đã thu hút được sự chú ý chẳng những của truyền thông, mà cả dân Mỹ luôn. Cả nước bất kể DC hay CH, trẻ hay già,... đều muốn tìm hiểu ông này là ai, muốn gì. Thiên hạ thấy rõ ông Trump này có quan điểm lập trường rất rõ ràng, và quan trọng hơn nữa, là người dám nói, dám làm, quăng ‘phải đạo chính trị’ vào thùng rác, khác xa các chính khách khác chuyên nói năng khách sáo, rào trước đón sau, uốn lưỡi cả chục lần, hoàn toàn giả đối, đưa ra những kế sách cổ điển, hứa hẹn ai cũng được một phần bánh, chán phèo.
Kết quả dĩ nhiên là hậu thuẫn của ông Trump tăng vọt cực kỳ nhanh chóng.
Chưa tới nửa năm sau, hậu thuẫn của ông leo lên hàng đầu, hạ hết mấy ngôi sao sáng hay tối của CH, kể cả TĐ Bush luôn. Tháng Chạp năm 2015, trong cái rừng ứng cử viên CH, tỷ lệ hậu thuẫn của ông Trump leo lên đến trên 40%, trong khi ông thứ nhì là TNS Ted Cruz của Texas lẹt đẹt chưa tới 15%. TNS Marco Rubio thoi thóp với 10%. Các vị khác chết chìm trong khoảng dưới 5%, kể cả ông Jeb Bush.
Tháng Chạp đó cũng là tháng nẩy sinh ra phong trào chống Trump trong nội bộ đảng CH. Hai người đầu tiên công khai tìm cách chặn ông Trump là hai cựu phụ tá của TĐ Mitt Romney. Một người tung ra một loạt quảng cáo đánh Trump trên TV, và một người lập một tổ chức gây quỹ lấy tiền để làm thêm quảng cáo chống Trump. Nhưng rồi cũng không ai cản được đà chiến thắng của ông Trump.
Tháng Ba năm 2016, ông Trump đại thắng trong cái ngày gọi là Super Tuesday, bầu nội bộ trong 17 tiểu bang thì ông Trump thắng 12. Cả tại Florida, tiểu bang nhà của hai ông Bush và Rubio luôn.
Ngay tháng đó, hơn 20 tai to mặt lớn của đảng CH họp kín, đưa đến quyết định tất cả sẽ gom sức để cản việc ông Trump trở thành đại diện cho đảng CH trong cuộc bầu tổng thống. Kêu gọi các ứng cử viên đoàn kết, đừng đánh lẫn nhau mà nên tập trung đánh Trump thôi. Thậm chí còn đề nghị nhiều ứng cử viên ít hy vọng nên rút lui sớm để dồn phiếu vào một người khác không phải là ông Trump.
Đồng thời, một số cử tri đoàn cũng tập họp thành nhóm tìm cách thay đổi luật lệ cử tri đoàn, cho phép họ bầu tự do, thay vì bầu cho ông Trump đã thắng cử tại tiểu bang của họ.
Ông Romney bắt đầu công khai lộ diện như một ‘anh cả’ tìm cách cứu vãn đảng CH ra khỏi ‘tai họa’ Trump, tự nguyện ra làm Lê Lai cứu đảng, là điểm tập hợp mới của đảng, kêu gọi hậu thuẫn của tất cả các ứng viên của đảng CH.
Ông Jeb Bush và cả gia tộc Bush, kể cả TT Bush cha và bà vợ, tất cả chống ông Trump tuy tương đối lặng lẽ bề ngoài, nhưng tích cực vận động trong hậu trường.
Tạp chí The Weekly Standard, được coi như cơ quan ngôn luận của khối bảo thủ, biến thành tiếng nói đánh ông Trump mạnh nhất. Cả báo National Review, một tạp chí bảo thủ lớn khác, cũng công khai chống ông Trump.
Tháng 5 năm 2016, tổ chức chống Trump lớn nhất ra đời, lấy tên là ‘#NeverTrump’, đi xin chữ ký cho một thỉnh nguyện thư kêu gọi cử tri CH không bỏ phiếu cho ông Trump. Gần 60.000 chữ ký được lấy trong vòng một tháng.
Tháng 7 năm 2016, đảng CH tổ chức đại hội tại Ohio. Thống đốc Ohio, John Kasich từ chối không tham dự để bày tỏ ý chống Trump đến cùng. Hai TT Bush cha và con và TĐ Jeb Bush cũng từ chối tham dự, cũng như TĐ Romney. Cả tá thượng nghị sĩ tên tuổi nhất của CH không tham dự, trong đó có các ông McCain và Marco Rubio của Florida. TNS Ted Cruz tham dự, được mời đọc diễn văn trong ngày chính của đại hội, nhưng trong bài diễn văn, lại không nói gì về việc ủng hộ ông Trump.
Tất cả đều vô hiệu. Ông Trump đắc cử làm đại diện cho đảng CH ra tranh cử tổng thống chống bà Hillary.
Trong khi đảng CH tìm đủ cách cản ông Trump thì đảng DC lại hể hả nâng cao ông Trump lên vì họ nghĩ ông này sẽ là miếng mồi ngon nhất cho bà Hillary. Nghe tin ông Trump đắc cử trong nội bộ CH, bà Hillary và cả đảng DC hý hửng ăn mừng. Chưa bắt đầu tranh cử đã nghe tin bà Hillary chuẩn bị danh sách nội các. Chứng tỏ bà Hillary và đám cố vấn là những chính trị gia thật dở, lượng giá đối thủ sai bét. Không thua mới lạ.
Trong cuộc tranh cử giữa ông Trump và bà Hillary, phòng trào chống Trump trong nội bộ CH có vẻ dịu đi bớt vì dù sao, dân CH cũng ghét bà Hillary hơn, nhưng không chết hẳn. Một số nhân vật tên tuổi của CH vẫn không thể chấp nhận ông Trump.
Hai TT Bush cha và con cho biết các ông sẽ không đi bầu. Vài nhân vật khác kêu gọi bầu cho những ứng viên tép riu khác. Một số nhân vật tên tuổi khác công khai bỏ đảng, ủng hộ bà Hillary như tướng Colin Powell, cựu ngoại trưởng của TT Bush con. Ông Powell trước đây cũng đã bỏ đảng, bầu cho Obama cả hai lần. Hầu hết nội các của TT Bush con đều chống Trump. Một tá thượng nghị sĩ CH và một tá thống đốc CH cũng công khai chống.
Một phong trào nẩy ra đề nghị khối CH đưa ra một ứng cử viên mới, như ông Romney, hay một chính khách tên tuổi nào khác, với hy vọng sẽ chia phiếu cử tri làm ba, giữa bà Hillary, ông Trump và ứng cử viên mới. Như vậy, có thể không ai hội đủ 270 phiếu cử tri đoàn, Hạ Viện sẽ bầu tổng thống, và với phe CH nắm đa số, họ sẽ bầu một tổng thống CH xứng đáng hơn ông Trump. Một giải pháp tuyệt hảo loại được cả hai ứng cử viên nhiều người ghét là ông Trump và bà Hillary.
Như thường lệ, mọi cố gắng cản ông Trump cũng thất bại hết. Ông Trump hạ bà Hillary, đắc cử tổng thống trong ngỡ ngàng của cả thế giới.
Nhìn vào nhóm #NeverTrump, ai cũng có hai câu hỏi trong đầu: Ai cầm đầu, đạo diễn mọi chuyện? Và tại sao lại có sự chống đối này?
Nói về ‘cầm đầu’ thì câu trả lời khá rõ: chẳng có ai hết. Đảng CH nói chung vẫn phân hoá nội bộ trước cũng như sau bầu cử, khi có tới 17 nhân vật ra chạy đua và ... 17 vạn nhân vật khác ngồi chờ sung rụng phiá sau.
TĐ Romney trước bầu cử hung hăng chống ông Trump mạnh nhất, nhưng sau đó lại khúm núm đến xin chức Ngoại Trưởng, hụt chức, quay qua chống Trump lại, để rồi bây giờ lại nhờ Trump ủng hộ ông ra tranh cử ghế thượng nghị sĩ Utah. Ba ông thượng nghị sĩ lớn tiếng chống TT Trump mạnh nhất thì –không biết có phải vì ‘số trời’ không-, đều không còn làm được gì: ông McCain bn viết di chúc, hai ông Jeff Flake và Bob Corker thì đều đã tuyên bố không ra tái tranh cử năm 2018 nữa vì hậu thuẫn của hai ông ngay trong tiểu bang nhà cũng èo uột không tới 20%, vô vọng đắc cử lại.
Cái nhức răng của nhóm này cũng giống như cái nhức răng của đảng DC: chẳng có ai có đủ uy tín đứng ra làm điểm tập hợp, làm lãnh tụ, và nhất là cũng chẳng có sách lược trị quốc hay ho hấp dẫn cử tri hơn là những sách lược của TT Trump. Tất cả những chuyện khối bảo thủ muốn làm, ông Trump cũng đã hứa sẽ làm và thật sự đang làm rồi.
Câu hỏi thứ hai: tại sao #NeverTrump lại chống TT Trump như vậy, là câu hỏi phức tạp hơn. Trên căn bản, người ta có thể thấy hai nhóm chính.
Nhóm thứ nhất chống ông Trump là nhóm bảo thủ cực đoan nhất, nhưng thường đứng ngoài chính quyền, điển hình là hai tạp chí cực hữu Weekly Standard và National Review. Họ cũng có hậu thuẫn trong quốc hội, qua các nhóm bảo thủ nặng, xuất thân từ các nhóm Tea Party như các TNS Paul Ryan, Marco Rubio, Ted Cruz,…
Nhóm này chỉ trích TT Trump là ‘RINO’, Republican In Name Only, tức là CH mạo danh. Dựa trên quan điểm mập mờ của ông Trump trong quá khứ, họ không tin ông là bảo thủ thật. Chẳng hạn như trước đây ông Trump chấp nhận phá thai, đồng tính hay chuyển giới, kiểm soát súng, tăng thuế, … Họ tố ông Trump chỉ là thời cơ chủ nghĩa, mượn áo bảo thủ CH để ra tranh cử tổng thống thôi. Lập luận này có vẻ nặng ký trước đây, nhưng bây giờ đang mất căn bản khi TT Trump thực sự đã lấy những quyết định thật bảo thủ như giảm thuế, bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ, chống di dân lậu, thu hồi gia tài cấp tiến của TT Obama, cấm dân chuyển giới tham gia quân lực, không tích cực ủng hộ việc kiểm soát súng quá chặt,…
Nhưng bù lại, TT Trump lại tăng thuế quan hàng TC, đi ngược lại chủ trương tự do mậu dịch của khối  bảo thủ, có vẻ muốn ân xá cho nhóm trẻ em DACA, và nhất là mới đây, thông qua ngân sách hơn… một ngàn tỷ. Lại khơi dậy những nghi ngờ của khối bảo thủ cực đoan.
Nhóm thứ hai chống TT Trump là nhóm Mỹ gọi là ‘establishment’, tức là giới cầm quyền, kiểm soát bộ máy chính quyền nói chung. Đây là nhóm của các ông Bush cha, con và em, đa số các dân biểu, nghị sĩ, nhất là các lãnh đạo Hạ Viện và Thượng Viện là DB Paul Ryan và TNS Mitch McConnell, đa số các thống đốc như John Kasich, Scott Walker, Mitt Romney, …, và các quan chức lâu năm.
Nhóm này chống ông Trump vì ông này thuộc loại … ngựa rừng lạc vào buổi tiệc gia đình mà chẳng ai biết cách trị. Ông Trump nắm quyền có nghĩa là giới cầm quyền mất hết quyền, hết còn kiểm soát được guồng máy chính quyền, vì chẳng kiểm soát được ông Trump.
‘Nguy hiểm’ hơn nữa, nhóm này lo sợ ông Trump sẽ lợi dụng quyền thế và uy tín của một tổng thống để thành lập một đảng mới, cho đảng CH ra rìa. Một đảng mới tương đối ôn hòa hơn trong chính sách kinh tế (tăng thuế quan, chấp nhận thâm thủng ngân sách,…), bảo thủ hơn trên phương diện xã hội và tôn giáo (chống di dân, tôn vinh những giá trị luân lý Mỹ, bảo vệ văn hoá và tôn giáo Tây phương, chống ba cái chuyện phải đạo chính trị vớ vẩn,…), theo khuynh hướng quốc gia cực đoan –nationalism-  qua ảnh hưởng lớn của ông Steve Bannon trong những ngày đầu.
Nhưng đó là nguy cơ lâu dài. Ngay trước mắt khối establishment là nguy cơ bị cho về nhà bắt gà, đuổi vịt.
Khi tranh cử, ông Trump lớn tiếng đả kích tất cả giới cầm quyền, DC cũng như CH, và hăm dọa sẽ vớt hết sâu bọ, ruồi nhặng ra khỏi đầm lầy Hoa Thịnh Đốn. Tức là ông Trump trực tiếp đe dọa sự sống còn của khối quan chức chuyên nghiệp, ngồi lâu lên lão làng này. Đây là khối báo Mỹ gọi là Deep State, Nhà Nước Ngầm đang chống phá TT Trump đến cùng.
Trong cái Nhà Nước Ngầm đó, đa số là đám quan chức tàn dư của tám năm chính quyền DC Obama. Họ đã làm đủ chuyện để bảo đảm việc bà Hillary đắc cử, tức là bảo vệ cái ghế của họ, kể cả những việc phạm pháp trắng trợn trước đây, điển hình là những vụ FISA, hay FBI cài gián đệp vào ban vận động của ông Trump. Họ dám làm những chuyện phạm pháp đó vì ỷ y bà Hillary sẽ đắc cử và họ sẽ chẳng sao hết mà lại còn được ghi vào bảng công thần.
Nhưng trong Nhà Nước Ngầm cũng có một số không nhỏ là quan chức của các thời TT Bush cha và con, CH hết nhưng không ủng hộ ông Trump. Ta đừng quên các ông như công tố Mueller (là giám đốc FBI của TT Bush), giám đốc FBI Comey (là thứ trưởng Tư Pháp của TT Bush), phó giám đốc FBI McCabe (20 năm làm FBI), thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein (trước đó là công tố liên bang –US attorney- của tiểu bang Maryland do TT Bush bổ nhiệm) đều là người của cánh CH hết.
Mấy vị này có chống TT Trump đến cùng hay không thì không biết, nhưng họ cũng không phải là những người sẽ sống chết vì ông.
Hiện tượng Nhà Nước Ngầm chống phá chính quyền không có gì mới lạ. Ngay từ thời TT Eisenhower, tuy là một đại tướng, nhưng khi là tổng thống, cũng phải than vãn là đã phải đương đầu với ‘liên minh kỹ nghệ-quân sự’, (industrial-military complex). Ngày nay, dưới thời TT Trump, đó là khối liên minh Tư Pháp-An ninh, bao gồm bộ Tư Pháp, FBI, CIA, và các cơ quan an ninh, tình báo luôn.
Khi mới đắc cử, TT Trump đã khai chiến với khối này. Bị thượng nghị sĩ Schumer của đảng DC cảnh giác ngay là đụng vào khối an ninh này sẽ bị họ phá mệt nghỉ (nguyên văn “you take on the intelligence community, they have six ways from Sunday at getting back at you”; ý nói họ sẽ có 6 cách đánh trong cả 6 ngày trong tuần sau ngày Chủ Nhật, không ngừng nghỉ!).
Ta cũng cần hiểu tuy TT Trump bổ nhiệm các bộ trưởng và thứ trưởng, nhưng guồng máy các bộ với cả chục, cả trăm ngàn nhân viên, thật sự vẫn nằm trong tay cả ngàn quan chức trung cấp như giám đốc, trưởng phòng, ban, sở,… phần lớn lên chức, nắm quyền dưới thời TT Obama. Những tin nội bộ trong Tòa Bạch Ốc hay bộ này bộ kia bị xì ra báo chí, đều từ đám quan chức kỳ cựu này.
Trong hơn một năm qua, các bộ trưởng do TT Trump bổ nhiệm vẫn phải vật lộn với đám quan chức này, nhiều khi phải làm trái ý TT Trump khi ông này muốn tháo nước khỏi đầm quá nhanh, đe dọa cả guồng máy bị xụp đổ. Khó khăn nhất là ông bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và giám đốc FBI Christopher Wray. Hiểu được những khó khăn thực tế này thì ta sẽ bớt trách cứ họ và hiểu luôn tại sao TT Trump ‘nạt nộ’ mấy ông này suốt ngày nhưng không sa thải họ. Thật ra, khi TT Trump ‘nạt nộ’ họ, không ai rõ ông đang muốn gửi một thông điệp cho đám Nhà Nước Ngầm, gián tiếp giúp các bộ trưởng, tạo áp lực lên đám quan chức Nhà Nước Ngầm; hay ông thực sự bất mãn vì mấy ông bộ trưởng quá yếu đối với đám quan chức Nhà Nước Ngầm, nhất là trong bộ Tư Pháp.
Mới đây, TT Trump vất vả lắm mới được Thượng Viện phê chuẩn việc bổ nhiệm bà  Gina Haspel làm giám đốc CIA. Bà này cả đời làm CIA, nằm trong chăn từ hồi nào đến giờ nên nhìn thấy rất rõ ai là ‘chí rận ngầm’ sẽ đánh phá TT Trump, nên đã bị đám này chống đối rất  mạnh, vận động hành lang với các nghị sĩ cả DC lẫn CH chống bà.
Nhìn vào sự kiện ông Trump hạ được cả hai bộ máy chính trị khổng lồ của hai chính đảng, bị đánh tả tơi từ đảng DC qua đến đảng CH và cả TTDC, mà vẫn đắc cử tổng thống, thì ta hiểu TT Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ thật sự được dân bầu chứ không phải do các chính khách chuyên nghiệp, lãnh tụ các chính đảng bầu, theo kiểu ‘đảng cử đảng bầu’. Ông Trump không phải là sản phẩm của guồng máy chính quyền nào đẻ ra. Ở đây, đúng là chuyện ‘dân cử dân bầu’ luôn. TT Trump chính là kết quả của một cuộc ‘cách mạng’ từ hạ tầng quần chúng chống lại giai cấp cầm quyền chính trị cổ điển Mỹ. Cũng vì vậy mà cho đến nay, ông vẫn phải chống đỡ đủ loại tấn công từ đủ phiá trong hệ thống cầm quyền của lưỡng đảng Mỹ.