Cuộc điều tra của công tố Mueller liên quan đến việc ứng cử viên Trump
‘thông đồng’ với Nga để dành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, chẳng
ai biết đã đi đến đâu, công tố đã khám phá ra chuyện gì, ai đã làm gì? Ai cũng
biết công tố Mueller đã truy tố một ít người, nhưng không kể 13 công dân Nga bị truy tố, còn tất cả những
người Mỹ bị vồ thì hiển nhiên đều vì những tội chẳng liên quan xa gần gì đến mục
tiêu cuộc điều tra.
Chuyện quái lạ là công tố càng điều tra thì lại càng lòi ra những chuyện
lem nhem không phải của ban vận động của ông Trump hay của cá nhân ông Trump,
mà của ban vận động của bà Hillary và những viên chức cao cấp nhất trong FBI và
bộ Tư Pháp của chính quyền Obama.
Hồ sơ được vận động để FBI trình cho TT Obama, nhờ đó, có đủ ‘uy tín’ để
CNN tung ra công chúng. Rồi cũng nhờ đó mà FBI có cớ đi xin trát tòa FISA để
theo dõi một cố vấn cao cấp trong ban vận động của ông Trump.
Mỗi ngày, chi tiết cuộc theo dõi lại đẻ ra vài tin bất ngờ, lòi ra sự can dự
của hết nhân vật này đến nhân vật khác của chính quyền Obama. Từ giám đốc FBI
Comey đến giám đốc An Ninh Quốc Gia Clapper, từ phó giám đốc FBI McCabe đến hai
luật sư của công tố Mueller, Peter Strzok và Lisa Page, từ gián điệp Anh Steele
đến viên chức bộ Tư Pháp Ohr bị giáng chức, từ tổ chức Fusion GPS đến tổ chức
Penn Quarter Group, từ thượng nghị sĩ McCain tới thượng nghị sĩ Feinstein,... Kết
quả là cho đến nay, thiên hạ hoàn toàn mù tịt, chẳng ai hiểu ai can dự vào chuyện
gì nữa. Một thứ bùi nhùi chồng chéo không ai gỡ được.
Nghe nói bộ Tư Pháp đang kín đáo điều tra, chẳng biết có hay không, và nếu
có thì đã đi đến đâu? Mai mốt có công bố kết quả gì không? Nếu khám phá ra có
người có tội, có bị đưa ra tòa gì không? Hay là chúng ta bao che cho nhau, xù hết
cho yên chuyện?
Hỏa mù dầy đặc chưa tan thì lại thêm mây mù kéo tới nữa.
Tin mới nhất là FBI đã cài người nằm vùng trong ban vận động của ứng cử
viên CH, Trump. Nghe thì có vẻ giản dị, nhưng thật ra, lại rối bù hơn cả chuyện
lấy trát tòa FISA.
Ta xem qua diễn tiến.
Báo phe ta Washington Post xì ra tin FBI đã cài một người ‘nằm vùng’ đi dò
la tin tức trong nội bộ ban vận động của ông Trump. Ngay sau đó, báo New York
Times cũng tiếp theo, phổ biến tin này với nhiều chi tiết hơn. FBI cảnh giác
ngay việc xì tên của người này ra rất nguy hiểm vì đe dọa an toàn cho họ và nhiều
người đang hợp tác, cung cấp tin tức cho FBI về rất nhiều cuộc điều tra khác của
FBI. Hai tờ báo vin vào lý do ‘bảo đảm an toàn cá nhân’ này để biện giải việc họ
không thể tiết lộ tên của người này ra.
Đúng là chuyện... bá láp, chỉ phản ảnh tính giả dối của hai tờ báo cấp tiến,
tự cho là lãnh đạo khối TTDC. WaPo và NYT đưa ra rất nhiều chi tiết như tay
gián điệp này đã gặp ai, ở đâu, khi nào, đã gửi email cho ai, ngày nào,... Với
những chi tiết này, không cần công bố tên tuổi, bất cứ anh nhà báo tập sự Mỹ
nào cũng chỉ cần năm phút là có thể truy ra tên ngay lập tức. Y như rằng, một
ngày sau khi hai tờ báo tung tin ra, hầu hết các báo và đài TV công bố cho cả
nước biết tay gián điệp đó là một giáo sư đã hồi hưu của đại học Cambridge, Stefan
Halper.
Đại khái câu chuyện là khoảng tháng 6 năm 2016, gần nửa năm trước bầu
cử, ông Halper móc nối với anh George Papadopoulos, một nhân viên trong ban vận
động của ông Trump, tìm cách dò la xem ban vận động có ‘thông đồng’ với Nga không.
Anh Papapopoulos là một sinh viên, tình nguyện làm việc trong ban vận động,
trong khối ngoại giao. Anh này bị công tố Mueller truy tố về nhiều tội nói láo
và đang chờ ngày hầu tòa. Công tố Mueller vồ anh này với hy vọng anh sẽ khai
báo nhiều tin hậu trường mà công tố có thể dùng để truy bắt ông Trump về một tội
gì đó. Anh này chỉ là một nhân viên tép riu, sinh viên tình nguyện làm việc
không lương, nhưng khi anh bị truy tố, TTDC muốn bi thảm hoá vấn đề, truy phong
cho anh ta lên chức ‘cố vấn ngoại giao’ của ông Trump ngay.
Ông Halper chính thức nhờ anh
Papadopoulos viết một tiểu luận nghiên cứu về một mỏ dầu khí trên biển
Mediterranean, là đề tài chuyên môn của anh sinh viên này. Tự nhiên được nhờ viết
bài nghiên cứu, được trả tiền, anh ta nhận lời ngay. Chưa hết. Anh lại còn được
GS Halper mời qua Luân Đôn để ‘bàn về đề tài nghiên cứu’, tất cả mọi chi phí do
ông giáo sư chịu, cộng thêm 3.000 đô
thù lao.
Anh sinh viên này hý hửng qua Luân Đôn, gặp ông giáo sư và khám phá ra ông
này toàn là hỏi chuyện Nga có quan hệ gì với ban vận động của Trump. Nói trắng
ra, cái chuyện viết tài liệu nghiên cứu về mỏ dầu khí và cuộc du hý Luân Đôn chỉ
là cái mồi câu cá Papadopoulos. Người ta đoán chừng tài liệu nghiên cứu của anh
Papadopoulos, dài có khoảng 1.500 chữ, tức là chưa bằng nửa bài bình luận này, có lẽ đã được vào thùng rác ngay
sau khi ông Halper nhận được.
Anh Papadopoulos chẳng trả lời gì
nhiều trước những dò hỏi của ông Halper. Có thể là vì anh ở cấp tép riu không
biết gì, hay cũng có thể anh biết nhiều chuyện nhưng không mắc bẫy, không khai
gì. Có lẽ anh biết ít nhiều chuyện nhưng không tiết lộ, do đó mới bị công tố
Mueller vồ, với ý định vắt vài tin từ anh ta.
Tin tức loan truyền ra còn cho biết
ông giáo sư này đã gặp ít nhất là hai hay ba nhân viên khác trong ban vận động
của ông Trump, trong đó có tướng Flynn, cố vấn an ninh, và ông Carter Page, cố
vấn đối ngoại của ông Trump khi đó.
Có một chi tiết khá lạ. Ông giáo sư
này đã gặp cố vấn Carter Page đầu tháng 7, 2016, trong khi ông Comey khai báo với quốc hội là cuộc điều tra về ban vận động
của ông Trump bắt đầu cuối tháng 7 đó. Tức là ông Halper đã gặp hai ông Papadopoulos và Page trước khi ông
Comey mở cuộc điều tra? Thế thì ông Halper gặp mấy ông này với tư cách gì? Để
làm gì? Hay là ông Comey đã nói láo, đã thuê ông Halper làm gián điệp cả tháng
trước khi mở cuộc điều tra?
Ông Halper có quan hệ như thế nào với FBI? Theo NYT, FBI trả tổng cộng gần
nửa triệu đô cho ông giáo sư từ tháng 7-2016 (một tháng sau khi ông giáo
sư đi gặp anh Papadopoulos) tới tháng 9-2017 (một tháng sau khi tân giám đốc
FBI Christopher Wray nhậm chức và chấm dứt quan hệ với ông giáo sư). Nửa triệu
để làm những gì? Chẳng lẽ để đi hỏi hai ba người hai ba câu hỏi sao? FBI cũng xác nhận ông Halper đã là chỉ điểm
viên ‘informant’ cho FBI và CIA từ mấy chục năm nay.
Lạ lùng hơn nữa, anh Papadopoulos cũng đã gặp ông Alexander Downer, đại sứ
Úc tại Luân Đôn. Ông đại sứ này, ngẫu nhiên thay, là bạn thân của bà
Hillary, tin báo chí cho biết ông đã ủng hộ bà Hillary và Quỹ Clinton
Foundation đâu 25 triệu đô. Ông đại sứ cũng tìm cách hỏi dò quan hệ của ban vận
động của ông Trump với Nga. Kiểu như hỏi có người Nga nào tiếp xúc với ai, khi
nào, bàn chuyện gì, v.v… Sau đó, ông đại sứ có viết một phúc trình về
cuộc gặp gỡ này, gửi cho FBI!
Trên căn bản, ông đại sứ là người nước ngoài, cho dù không phải là nước thù
địch. Sự can dự của ông đi bao xa? Có vi phạm luật cấm người ngoại quốc –bất kể
Nga hay Tàu hay Úc- can dự vào bầu cử Mỹ không? Nếu có thì lại là câu hỏi lớn
khác: FBI biết là có luật cấm người ngoại quốc can dự, sao lại có chuyện ông đại
sứ Úc này gặp anh Papadopoulos, hỏi chuyện can dự của Nga, rồi viết báo cáo cho
FBI? Bộ Ngoại Giao Mỹ (John Kerry), Úc và Anh có biết về chuyện này không? Đã có một sự thông đồng giữa ba
chính phủ này để cản ông Trump và giúp bà Hillary không?
Bây giờ, trong cái trận thiên la địa
võng bà Hillary dàn dựng chống ông Trump, ta thấy thêm hai tên tuổi mới, ông
giáo sư và ông đại sứ. Người ta biết ông giáo sư là gián điệp của FBI, nhưng vẫn
chưa hiểu ông đại sứ đóng vai trò gì.
TT Trump đã rất mau mắn tuýt ào ào,
tố cáo FBI cài gián điệp vào ban vận động của ông, một chuyện phạm pháp còn lớn
hơn vụ Watergate dưới thời TT Nixon.
Việc ông ta nằm vùng theo dõi ông
Trump nếu đúng như WaPo và NYT báo cáo thì quả là chuyện phi pháp 100%. Tức là FBI của TT Obama đã làm chuyện phạm
pháp. FBI phạm pháp thì ai bắt FBI bây giờ đây?
Hai tờ báo phe ta đều gân cổ biện hộ cho việc làm của FBI.
Báo WaPo cho rằng FBI cần theo dõi ban vận động của ông Trump vì FBI đã được
tin Nga đã cho người móc nối với một vài người trong ban vận động của ông
Trump, nên cần gửi người đến tìm cách ‘bảo vệ’ ông Trump chống lại những can dự
của Nga, và việc này nằm trong phạm vị hoạt động phản gián của FBI.
Nga can dự vào ban vận động của ông Trump có hay không thì không ai biết,
nhưng ai cũng biết khi đó ban vận động của bà Hillary la hoảng là họ đã bị Nga
thâm nhập, lấy cắp emails của Ủy Ban Quốc Gia của Đảng DC –National Committee-,
và lấy cắp toàn bộ các emails của ông John Podesta, giám đốc ban vận động của
bà Hillary. Như vậy, FBI khi đó có cài người vào
ban vận động của bà Hillary để bảo vệ bà không? Cho đến nay, không có tin tức
gì về chuyện này, có thể hiểu là không, FBI không cài người nằm vùng để bảo vệ
bà Hillary. Tại sao lại không ‘bảo vệ’ bà Hillary khi bà la toáng đang bị Nga
thâm nhập, mà lại lo ‘bảo vệ’ ông Trump khi ông này chẳng khiếu nại gì về Nga?
Cái vô lý thứ hai trong lời ngụy biện của WaPo là nếu cho người điều tra về
can dự của Nga để bảo vệ ông Trump, sao lại dấu nhẹm không cho ông Trump biết để
đề phòng? Đúng ra, nếu FBI biết được Nga đang tìm cách thâm nhập và ông Trump
đang là ‘nạn nhân’ cần được ‘bảo vệ’ thì FBI đã phải thông báo ngay cho ông
Trump biết, và thông báo luôn là FBI sẽ tìm cách bảo vệ ông. Chứ sao lại lén
lút hỏi dò người của ông Trump?
Báo NYT thì biện minh ông giáo sư là người đang tiếp tay FBI ‘điều tra’ chứ
ông không phải là ‘gián điệp’ như TT Trump tố cáo. Định nghiã của chữ ‘gián điệp’
là ‘lén lút thâm nhập, không ai biết, để lấy tin’. Đây chính là việc ông giáo
sư Halper đã làm. Nếu chỉ là FBI điều tra thì FBI là tổ chức có đầy đủ thẩm quyền
điều tra tất cả những gì họ muốn, tại sao không cho nhân viên FBI đi điều tra,
mà lại lén thuê một người ngoài, bí mật đi lòng vòng hỏi dò mà không khai báo
gì cho ai biết hết? Sao lại làm việc mờ ám vậy?
TTDC giải thích dùm FBI, cho rằng việc điều tra cần giữ bí mật vì khi đó là
thời điểm tranh cử, thiên hạ nghe ban vận động của ông Trump bị điều tra sẽ bất
lợi cho ông. Má ơi, FBI điều tra vụ emails bà Hillary rùm beng trong khi lại giữ
bí mật về cuộc điều tra ông Trump? Làm như thể FBI về phe với Trump hại bà
Hillary vậy.
Hơn nữa, ông Halper là giáo sư hồi hưu, lấy tư cách gì đi điều tra ai?
Hơn nữa, ông Halper là giáo sư hồi hưu, lấy tư cách gì đi điều tra ai?
Phản ứng của CNN? Chỉ là ‘tin đồn’ –rumor- vô căn cứ. Một cụ tỵ nạn mau mắn
làm thông ngôn cho CNN ngay, gửi email tứ tung ‘báo cáo’ cho bà con tỵ nạn “chỉ
là tin đồn không có bằng chứng gì hết”.
CNN tố cáo tin của WaPo và NYT là tin đồn vô bằng chứng, tin phịa, fake news? ‘Phe ta’ chống
‘phe mình’ rồi sao? Cái gian trá của CNN? Trong nguyên bài phân tích của CNN,
không có một chữ nào viết nguồn gốc của cái tin FBI cài gián điệp là từ WaPo và
NYT, không có một chi tiết nào như WaPo và NYT mô tả, cũng như không hề nêu tên
ông giáo sư. Đọc phân tích của CNN, người ta có cảm tưởng toàn bộ câu chuyện do
TT Trump phịa ra, chứ không phải là do hai anh phe ta WaPo và NYT khui ra.
Lạ lùng thay –hay phe đảng thô bạo hơn- là phản ứng của ông James Clapper,
cựu giám đốc An Ninh Quốc Gia của TT Obama, trước đây đã từng hùng hổ phản bác
chuyện FBI hay CIA theo dõi ban vận động của ông Trump, bây giờ trước bằng chứng
đành rành, đổi giọng ngay, và huỵch tẹt cho rằng việc FBI theo dõi ông Trump
như vậy là rất tốt.
Vài tiếng nói DC và TTDC mau mắn
bênh việc cài gián điệp này, cho rằng CH đang làm rùm beng chuyện này chỉ để
gây khó dễ cho cuộc điều tra của công tố Mueller. Xin thưa với những vị đó là nếu
quả thực FBI đã cài người vào làm gián điệp trong ban vận động của một ứng viên
tổng thống thì coi như đã làm một việc phạm pháp cực kỳ quan trọng, mà ông
Comey sẽ phải hầu tòa ngay, và nếu bà bộ trưởng Loretta Lynch hay TT Obama ra lệnh
làm, hay biết mà không cản, thì ngay cả hai người này đều có triển vọng vác chiếu
ra hầu tòa và đi tù luôn. Luật Mỹ tuyệt đối cấm dùng FBI hay CIA theo dõi đối lập
chính trị, nhất là khi việc theo dõi có tác động đến cuộc bầu cử tổng thống. FBI
không phải là Gestapo hay Công An Nhân Dân đâu.
Tin mới nhất, TT Trump đã yêu cầu bộ Tư Pháp điều tra vụ này, nhất là truy
ra ai là người đã ra lệnh này. Vì tính nghiêm trọng, bộ Tư Pháp không thể từ chối.
Thứ trưởng Rosenstein đã yêu cầu Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp điều tra ngay việc
FBI dùng giáo sư Halper để thu thập tin tức trong ban vận động của ông Trump
xem việc này như thế nào, có hay không và nếu có, có vi phạm luật gì không.
Nhiều câu hỏi cần câu trả lời. FBI trả ông giáo sư bao nhiêu tiền? Nhiệm vụ
của ông là gì? Ai lấy quyết định cài giáo sư vào ban vận động của ông Trump? Tiền
trả cho chuyến du hành và thù lao cho tài liệu nghiên cứu phịa của anh
Papadopoulos, ai trả?
Quan trọng hơn cả là câu hỏi TT Obama biết gì về chuyện này? Nếu ông ta biết,
thì đã có đồng ý không? Có nghĩa là cuộc điều tra mới này bắt buộc sẽ dây dưa
qua việc điều tra luôn về vai trò của TT Obama. Vậy mới vui! Một là TT Obama đã chấp nhận việc cài
gián điệp của FBI, hai là ông không kiểm soát được FBI đang làm chuyện phạm
pháp, đâu là sự thật?
Cho dù TT Obama không biết gì thì tối thiểu ông Comey khi đó cũng đã phải
xin phép bà bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch, chứ không thể tự ý làm chuyện động
trời một mình được. Tức là phải điều tra về bà này luôn.
Toàn bộ câu chuyện khét lẹt. Khét mùi chính quyền Obama cấu kết sao đó với
ban vận động của bà Hillary để tìm cách chặn phá ông Trump.
Tin lạ lùng mới nhất là ông Mark Penn, cựu cố vấn chiến lược của bà Hillary
[quý vị không đọc lộn đâu, cố vấn của bà Hillary đó] đã viết một bài báo
khá dài, lên án công tố Mueller với những lời lẽ nặng nề nhất, tố cáo ông công
tố đã đi câu cả năm trời, chẳng đi đến đâu, không có gì, nhưng vẫn nghiến răng
nghiến lợi mò cho ra chuyện để truy tố người này người kia, mà lại truy tố những
chuyện chẳng dính dáng gì đến chuyện ‘thông đồng’ với Nga. Ông Penn kêu gọi
công tố Mueller chấm dứt điều tra ngay vì các hoạt động của ông mang tính cách
một cuộc ‘đảo chánh’, đe dọa nền tảng chính quyền Mỹ, sau này sẽ không ai dám
tham gia vào các cuộc tranh cử hay tham gia vào chính quyền nữa. Công tố
Mueller đang đánh không phải chỉ một mình TT Trump, mà đánh phá cái định chế tổng
thống –presidency institution-, tức là toàn thể tất cả các tổng thống. (Quý độc giả có thể đọc nguyên văn bài viết
của ông Mark Penn trên trang ‘Báo Mỹ’ tuần này)
Toàn bộ câu chuyện tranh cử tổng thống
vừa qua hình như đang trở thành xì-căng-đan chính trị lớn nhất lịch sử Mỹ. Công
tố Mueller, Hạ Viện, Thượng Viện, bộ Tư Pháp, FBI,… không biết bao nhiêu cuộc
điều tra đang tiến hành. Tiêu biểu
cho thể chế dân chủ ‘ma-dzê in USA’. Điều tra, điều tra, điều tra,…
không ai có thể lem nhem chuyện gì. Nghe như hỗn loạn hơn nồi cháo lòng, nhưng vẫn
còn hơn là trong những chế đố độc tài, tất cả bị dấu nhẹm, bao che cho nhau.