Tin tức thế giới thời gian qua đã
hoàn toàn bị ‘khống chế’ bởi tia hy vọng hòa bình từ xứ Hàn. Lần đầu tiên từ
hơn một chục năm nay, lãnh đạo hai miền bắc-nam đã gặp nhau. Lần này mang ý
nghĩa nhiều hơn vì là lần đầu tiên một lãnh tụ Bắc Hàn bước qua vĩ tuyến 38, trong khi viễn tượng giải giới vũ khí
nguyên tử trên cả bán đảo Hàn Quốc lớn hơn bao giờ hết.
Cũng phải nói ngay, chuyện BH và NH nói chuyện với nhau lần này quan trọng hơn tất cả những lần trước vì hai bên nói chuyện với nhau sau cả mấy năm mài dao, dũa kiếm, lên đạn chuẩn bị đánh nhau thật. Nói cách khác, việc hai bên gặp nhau là chuyện hoàn toàn không ai đoán được chỉ cách đây vài ba tháng và đã có hậu quả lớn là giảm nhiệt rất nhiều khiến cả thế giới bớt lo phần nào.
Diễn tiến câu chuyện cả thế giới đã biết quá rõ, kẻ này không có nhu cầu lập
lại, mà chỉ muốn bàn về những nguyên nhân và hậu quả, xa cũng như gần.
Tuy nhiên, cũng cần phải tóm gọn sơ qua vài tin mới nhất. Sau hội nghị lịch
sử giữa TT NH và CT BH tại Bàn Môn Điếm, biên giới Bắc và Nam Hàn, một thông
cáo chung đã được phổ biến trong đó đại khái có 3 điểm quan trọng chính:
I. Hai miền Nam và Bắc sẽ cải
thiện quan hệ để tìm kiếm sự thịnh vượng chung và thống nhất.
· Hai bên đồng ý tìm kiếm sự thống nhất, và thực
thi mọi biện pháp đã được đồng ý trước đó.
· Hai bên sẽ thiết lập một văn phòng truyền
thông tại Kaesong.
· Hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác
trong nhiều lĩnh vực.
· Hai bên sẽ mở các cuộc đàm phán Hội hồng thập
tự để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nhân đạo.
II. Hai miền Triều Tiên sẽ hợp
tác để giảm căng thẳng quân sự
· Hai bên sẽ ngăn chặn mọi sự thù địch.
· Hai bên sẽ thiết lập một khu vực hòa bình ở
Biển Tây gần đường ranh giới phía bắc
· Hai bên sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo
các dự án trao đổi, tổ chức các cuộc đàm phán quân sự
III. Hai miền sẽ hợp tác để thiết
lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
· Hai bên đồng ý không sử dụng hành động quân sự
· Hai bên đồng ý giảm chi tiêu quân sự để giảm
sự căng thẳng quân sự.
· Hai bên đã đồng ý tìm kiếm một cuộc đàm phán
Nam Hàn-Bắc Hàn-Mỹ để đưa ra một hiệp ước hòa bình.
· Hai bên tái khẳng định mục tiêu mang lại hòa
bình thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Sau khi hội nghị chấm dứt, BH đã đi thêm một bước quan trọng nữa: công bố
việc đóng cửa căn cứ thử nghiệm bom và hỏa tiễn nguyên tử, đồng thời mời NH, Mỹ
và cả thế giới đến kiểm tra (có thể đây cũng là cách Cậu Ấm cải chính
tin hầm thử nghiệm đã bị xập?). Cậu Ấm
Ủn cũng xác nhận sẽ hủy hết vũ khí nguyên tử nếu có được cam kết Mỹ sẽ không tấn
công BH. Trong khi đó, TT Trump đánh tiếng có thể tới gặp mặt họ Kim tại ngay
Bàn Môn Điếm, bên kia vĩ tuyến 38, tức là chấp nhận đi gặp Cậu Ấm trên lãnh thổ BH, một cách bán chính thức
nhìn nhận chế độ này.
Nhiều người chống Trump đã cho rằng TT Trump đã bị Cậu Ẫm lừa để phải công
nhận chế độ độc tài BH. Cũng không sai lắm. Nhưng nếu việc nhìn nhận tượng trưng
này có thể tránh được chiến tranh chết hàng chục triệu người thì đó là cái giá
quá rẻ. Ai không đồng ý, cho rằng vài chục triệu người chết là chuyện nhỏ xin
cho biết!
Không phải kẻ này có tài làm thầy bói gì, nhưng từ cả năm nay, chưa khi nào
kẻ này nghĩ sẽ có chiến tranh tại bán đảo Hàn Quốc, bất kể những hò hét, khua
chiêng gõ trống của cả... ba bên. Ta thử nhìn lại vấn đề dưới con mắt quan điểm
hay đúng hơn, quyền lợi của cả ba phiá, Mỹ, Bắc và Nam Hàn.
Về phiá Mỹ, TT Trump đập bàn đập ghế, cổ võ Liên Hiệp Quốc cấm vận BH, và
hăm dọa nếu BH hó hé dám đụng đến các đồng minh NH hay Nhật –khoan nói tới chuyện
dám thực sự đụng tới Alaska, Guam, hay Hawaii- thì sẽ có hậu quả trầm trọng nhất,
có thể cả nước bị xoá khỏi bản đồ thế giới, và cả dòng họ Kim bị chu diệt vĩnh
viễn. Nghe vậy thì hiểu là Mỹ có thể tàn sát BH thật, nhưng chỉ có hành động nếu
BH ra tay trước. TT Trump là người luôn luôn ‘đóng vai khùng’ hay hung thần để
hăm dọa đối phương, nhưng không khùng đến độ mở màn thế chiến thứ ba với một xứ
có bom nguyên tử, cho dù chỉ có vài trái bom.
Hung hăng miệng lưỡi thực sự đã trở thành mô thức hành động có tính toán của
TT Trump. Trong tất cả mọi vấn đề, dường như ông đã nhận trách nhiệm đóng vai
hung thần, rồi cho nội các và phụ tá đóng vai ôn hòa để trấn an hay điều đình.
Giống như ngày xưa TT Nixon chuyên đóng vai điên (“mad man” theo chính ngôn từ của TT Nixon) để cho Kissinger đóng vai hiền triết đi
thương thảo. Sách lược cây gậy và củ cà-rốt, đứa trẻ lên ba cũng biết.
TT Trump cũng muốn gửi một thông điệp thật rõ cho BH là ông không phải là
Clinton hay Bush hay Obama, không có chuyện vuốt ve, xoa dịu như cũ. Clinton bận
chống đỡ đàn hặc vì vụ gái gú, Bush thì kẹt cứng trong hai cuộc chiến tại Trung
Đông, còn Obama thì chỉ biết đi xin lỗi. Trump sẽ khác.
Về phiá Nam Hàn, hiển nhiên đây là phe sợ chiến tranh nhất. Cả thủ đô Hán
Thành với gần hai chục triệu dân nằm trong tầm bắn của cả chục ngàn khẩu đại
bác lớn của BH. Có thể trong một cuộc chiến lâu dài, NH với sự yểm trợ của Mỹ, sẽ
dư sức tiêu diệt đám quân ốm đói của BH, nhưng chỉ trong vài tuần đầu của cuộc
chiến, cả chục triệu dân Hán Thành đã chết rồi. Và đó chính là cái vòng kim cô
của BH dùng để khóa tay khóa chân NH và Mỹ, không thể nào dám đánh BH trước.
Về phiá Bắc Hàn, Cậu Ấm Ủn chưa khùng. Việc Cậu thanh toán hết cả
đám cận thần của bố để lại để thay thế bằng người của mình, giết luôn cả cậu ruột
và anh ruột, chứng tỏ ý đồ muốn trường tồn làm chủ tịch muôn năm, chứ không muốn
tự tử sớm bằng cách đánh bom Guam hay Alaska.
Như kẻ này đã từng viết, giấc mộng lớn nhất của
Cậu là thực hiện được thống nhất Nam Bắc Hàn dưới chế độ của Cậu, nếu không được
thì ít ra cũng phải lên ngôi đại đế BH muôn đời, với sự chấp nhận và bảo đảm của
NH, Mỹ và cả thế giới. Cậu nghiến răng nghiến lợi xúc tiến việc chế tạo bom
nguyên tử và hoả tiễn, coi như là một vũ khí để thủ thân, cảnh cáo và ngăn cản
Mỹ can thiệp vào việc thực hiện giấc mộng của dòng họ Kim, chứ không phải để
đánh Mỹ. Cậu la hoảng về nguy cơ Mỹ đánh để có lý do biện giải cho dân BH và cả
thế giới việc Cậu bỏ bạc tỷ ra làm bom trong khi cả nước chết đói. Cậu hiểu rất
rõ, đánh Mỹ thì số phận của Cậu cũng sẽ như Saddam Hussein thôi. Mỹ sẽ tràn vào
chiếm toàn thể BH, xóa sạch hết vết tích của CSBH và chu di bẩy đời nhà Cậu ấm.
Người ngây thơ nhất cũng hiểu Cậu Ấm chẳng bao
giờ ôm mộng... tự tử. Cậu cũng hiểu rõ hơn ai hết là thật sự BH chưa có khả
năng đánh Mỹ, còn lâu lắm. Cho đến nay, BH vẫn chưa điều khiển được hỏa tiễn tầm
xa, chỉ bắn lên trời rồi hỏa tiễn nổ tung trên cao, vẫn chưa biết cách gắn đầu
đạn nguyên tử vào hỏa tiễn, và vẫn chỉ có khả năng sản xuất năm ba trái bom để
biểu diễn hù thiên hạ thôi. Hơn thế nữa, Cậu Ấm cũng hiểu BH thả một trái bom
xuống Hạ Uy Di, ông thần Trump sẽ thả ngay một trăm ngàn trái bom xuống Bình
Nhưỡng.
Hơn thế nữa, BH cũng nhìn thấy rõ vài
chuyện:
-
TT Trump là ‘tay khùng’ dám đánh thật, chứ không
lo cúi rạp người xuống xin lỗi đâu. Thời đại tổng thống Mỹ đi vòng quanh thế giới
xin lỗi những lỗi thật của Mỹ cũng như xin lỗi luôn khi không có lỗi, đã cáo
chung.
-
Cấm vận của Liên Hiệp Quốc do Mỹ chủ động, đã có
những hậu quả tai hại thật sự cho BH. Nếu chỉ tai hại cho dân BH không thì Cậu Ấm
Ủn đã chẳng thắc mắc, nhưng tai hại luôn cho chính sách của Nhà Nước BH, tai hại
cho việc chế bom và hỏa tiễn nguyên tử, khi BH cạn kiệt nguồn ngoại tệ nặng để
mua dầu xăng, nguyên liệu chế bom, không mua được thực phẩm nuôi mấy triệu bộ đội
và đảng viên,… Mới đây, các bác sĩ NH khám nghiệm anh lính BH đã chạy băng qua
vĩ tuyến 38 để xin tỵ nạn tại NH, đã
thấy trong bao tử anh ta đủ loại sâu bọ, côn trùng, khiến họ nghi ngờ anh này
đã ăn không ít rễ và củ cây để sống. Nếu Cậu Ấm không nuôi được lính và đảng viên,
và nhất là không đấm mõm các quan lớn bằng tiền hay quà cáp gì đó được thì ngay
cả mạng sống của Cậu cũng bị đe dọa. Việc Cậu không dám đi đâu xa vì sợ đảo
chánh mang đầy ý nghĩa.
-
TT Trump cũng đã thành công phần nào qua áp lực
trên Trung Cộng. Việc chủ tịch Tập Cận Bình đón rước TT Trump một cách long trọng
nhất đã khiến nhiều anh nhà báo của TTDC phê bình đó là cách TC vuốt ve cái tôi
vĩ đại của Trump, nhưng theo kẻ này, không phải vậy. Đó là cách CT Tập gửi thông điệp cho cả thế giới, nhất là cho BH,
là TC rất chú tâm đến các chính sách và tuyên bố của TT Trump cũng như muốn có
quan hệ tốt đẹp và chặt chẽ với Mỹ. Qua những diễn biến mới đây, không ai nghi
ngờ việc Cậu Ấm đã bị áp lực nặng của TC trong hậu trường. Hơn ai hết, Cậu Ấm
cũng hiểu rõ BH hoàn toàn dựa trên hậu thuẫn của TC để sống còn. Không phải hậu
thuẫn tinh thần hay chính trị không, mà hậu thuẫn cụ thể nhất như dầu lửa, thực
phẩm và ngoại tệ nặng nữa. Việc Cậu Ấm lần đầu tiên ra khỏi xứ để đi chầu Thiên
Tử tại Bắc Bình đã mang rất nhiều ý nghĩa. Tin mới nhất cho biết ngay sau khi Cậu
Ấm họp với TT Nam Hàn và trước khi Cậu họp với TT Trump, ngoại trưởng TC đã đến
Bình Nhưỡng họp mật, nghe Cậu báo cáo và có thể để ra chỉ thị luôn.
Ở đây có chuyện vui đáng kể lại.
Anh cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman, là người đã được Cậu Ấm tiếp đón nồng hậu
trước đây, trong lần cuối viếng thăm BH, đã tặng Cậu Ấm cuốn sách The Art of
the Deal của ông Trump viết. Bây giờ anh Rodman cho biết là Cậu Ấm đã thay đổi
cái nhìn về TT Trump nhờ cuốn sách đó, sẵn sàng nói chuyện với TT Trump. Không
hiểu ý anh Rodman muốn nói Câu Ấm đâm ra sợ Trump hơn, hay có cảm tình với
Trump hơn, hay nghĩ Trump có điểm yếu nào đó Cậu có thể khai thác.
Chuyện BH ‘tự nhiên’ nhũn nhặn chứng
minh rất rõ ràng cái triết lý các cụ ta đã đưa ra không biết từ đời nào: ‘thân
lừa ưa nặng’. Đối xử với những tay độc tài tàn bạo nhất thì cần phải có những
lãnh đạo cứng cựa nhất. Một Chamberlain yếu hơn sên của Anh Quốc đã củng cố tư
tưởng hiếu chiến và tham vọng vô đáy của Hitler. Một playboy Kennedy chỉ là mồi
ngon cho Khrushchev khi tay độc tài CS này muốn tháo gỡ hệ thống hỏa tiễn
nguyên tử Mỹ đang đe dọa Liên Xô từ Thổ Nhĩ Kỳ. Một Obama chỉ biết gập mình xin
lỗi thì chỉ biết ngồi nhìn Cậu Ấm thử bom và hỏa tiễn, giỏi lắm là chỉ nghĩ được
việc đấm mõm các giáo chủ Iran một vài tỷ. Chỉ một Nixon ‘điên’ (mad man) mới
dám đi Trung Cộng lôi TC ra khỏi liên minh với Liên Xô, tạo thế chân vạc trong
chính trường quốc tế. Bây giờ, chỉ một Trump ‘khùng’ mới biến Cậu Ấm Ủn thành một
ứng viên chia giải Nobel Hoà Bình với Trump.
Nhiều tiếng nói ca tụng TT Trump xứng đáng nhận được giải Nobel Hòa Bình. Ngay
cả TT Nam Hàn khi có người nói ông xứng đáng nhận giải này thì ông đã lắc đầu
và nói “không, TT Trump mới xứng đáng”.
Thú thật, kẻ này không hồ hởi gì với chuyện giải Nobel Hoà Bình. Giải này
đã mất ý nghiã từ lâu lắm rồi, không còn là giải để tưởng thưởng những người
làm chuyện gì vĩ đại cho hòa bình nhân loại, bây giờ chỉ còn là một phương tiện
các ông dân biểu Na Uy (hầu hết
là chính khách theo khuynh hướng xã hội chủ nghiã thiên tả của Bắc Âu, là những
người chọn 5 vị giám khảo chấm
giải Nobel Hòa Bình) dùng để
khoá tay các chính trị gia, hay để tưởng thưởng các ông bà cấp tiến thiên tả. Các
tổng thống cấp tiến của Mỹ như Carter, Obama đã được giải. TT Clinton đáng lẽ
cũng được giải nhưng bị kẹt xì-căng-đan Monica và đàn hặc nên các ông Na Uy
mang giải đi cho ông phó Gore vì có công báo động thế giới sắp sửa thành lò lửa
thiêu đốt hết nhân loại trong ba triệu năm nữa. Chẳng có tổng thống CH nào được
giải, kể cả TT Eisenhower là người đã chấm dứt hai cuộc chiến chống Đức và chống
Bắc Hàn, hay TT Reagan là người đã giải thể chế độ tàn bạo CS trên cả thế giới.
Đây mới là hai vị tổng thống thực sự mang lại hòa bình cho thế giới nhưng không
được giải. Nếu hai tổng thống này không được giải mà TT Obama lại được giải,
thì giải đó có ý nghĩa gì?
Khi các ông Na Uy tặng Nobel Hòa Bình cho Anwar Sadat của Ai Cập cùng với
Menachem Begin của Do Thái, đó là để ép hai ông này phải tôn trọng hòa ước, nhất
là trói tay Do Thái không cho đánh Ả Rập nữa. Cũng như khi trao giải này cho
Kissinger và Lê Đức Thọ, cũng muốn ép Mỹ không thể trở lại tham chiến tại VN được
trong khi cả thế giới biết CSBV sẽ đánh tiếp sau khi Mỹ đã rút. Khi giải này được
tặng cho TT Obama cho dù ông này chưa làm gì hết thì cái giải đó là cách mấy
ông Na Uy tuyên cáo hậu thuẫn cho TT Obama mặc dù ông này vừa vào Tòa Bạch Ốc, chưa
đếm xong Tòa Bạch Ốc có bao nhiêu phòng ngủ.
Trong vụ đàm phán Mỹ-Bắc Hàn này, nếu có giải Nobel Hòa Bình, thì các ông Na
Uy sẽ không tặng cho riêng TT Trump đâu, mà sẽ tặng cho cả ba người, TT Trump,
TT Nam Hàn, và CT Bắc Hàn. Tức là nâng vai trò một tên độc tài khát máu đã giết
cả vạn người, Kim Jong Un, lên ngang hàng với các vị lãnh đạo của những xứ dân
chủ nhất thế giới. Đó không phải là chuyện đáng mừng cho nước Mỹ và NH!
Không ai phủ nhận viễn tượng hòa bình trường cửu tại bán đảo Hàn Quốc là ước mơ
của cả nhân loại, nhưng chúng ta vẫn
không nên và không thể vì chuyện đó mà quên cái tội đại tàn ác của ông cháu nhà
họ Kim kể từ ngày họ cầm quyền, đã giết trực tiếp hay gián tiếp cả triệu người
qua các chính sách tàn bạo hay những thất bại kinh tế trầm trọng, chưa kể chuyện
tung quân xâm lăng Nam Hàn khiến cả triệu người chết.
Nếu kẻ này là TT Trump và nhận được giải Nobel Hoà Bình, sẽ liệng trả cái
giải bá láp này về Na Uy liền.
Dù vậy, việc TT Trump được giải Nobel Hòa Bình nếu xẩy ra, sẽ khiến phe cấp
tiến phát điên ngay, điên vì tức giận thế giới đã nhìn nhận một khiá cạnh ‘vĩ đại’
của TT Trump, và điên vì ông thần Trump sẽ đấm ngực tuýt cho cả thế giới đọc
phát khùng luôn. CNN và các cụ tỵ nạn thông ngôn không có mắt để nhìn thấy xa
hơn đầu mũi, hay nhìn thấy cái gì lớn bộ ngực cô đào đóng phim sex, sẽ tìm đủ
cách để đánh trống lảng, kiếm chuyện xe cán chó để khỏa lấp thôi.
Câu kết: đàm phán luôn luôn là giải pháp ai cũng mong muốn. Tuy vậy, với
kinh nghiệm tráo trở của CS nói chung và của ông cháu họ Kim nói riêng, tất cả
đều phải dè dặt, không thể vui mừng quá sớm có thể mắc bẫy Cậu Ấm muốn mua thời
gian vì bom và hỏa tiễn chưa làm xong. Ta đừng quên BH đã từng hứa hẹn phi
nguyên tử hoá nhiều lần từ thời TT Clinton rồi chứ không phải đây là lần đầu
tiên đâu. Lần nào cũng chỉ là để mua thời gian thử nghiệm vũ khí thôi. Lần này
có gì khác? Đó là câu hỏi TT Trump phải đặt ra và tự tìm câu trả lời chính xác
nhất.