Cuộc chiến đánh thẩm phán Kavanaugh đã leo thang mạnh trong tuần qua, cùng
lúc với cuộc điều trần trước Thượng Viện của cả ông Kavanaugh và bà Ford, là
người tố giác ông sách nhiễu tình dục cách đây hơn 35 năm.
Cuộc điều trần hiện rõ như một tấn tuồng với các diễn viên cực dở.
Tại sao là một tấn tuồng? Tại vì ai cũng biết cuộc điều trần chẳng thay đổi
một ly ông cụ nào về cuộc biểu quyết. Bất kể chuyện gì xẩy ra trong cuộc điều
trần, các nghị sĩ chống vẫn chống, ủng hộ vẫn ủng hộ, lừng chừng vẫn bận thăm
dò cử tri.
CUỘC ĐIỀU TRẦN TRƯỚC THƯỢNG VIỆN
Trước hết, phải nói ngay phe CH đã
chịu thua từng bước từng bước. Liên tục dời ngày điều trần theo yêu sách của bà
Ford khi bà này đòi thêm thời giờ để ‘chuẩn bị’, chấp nhận điều kiện không có đối
chất với ông Kavanaugh, không dám chất vấn trực tiếp bà Ford mà phải thuê một
bà công tố làm việc này, rồi hoãn ngày biểu quyết.
Trong khi CH rét, thối lui liên tục vì sợ mất phiếu phụ nữ, thì ông Rush Limbaugh,
một bình luận gia bảo thủ cực đoan nổi tiếng qua các bài nói chuyện trên radio,
đã lớn tiếng cảnh giác CH tiếp tục thối lui sẽ mất phiếu của cử tri của Trump
trong cuộc bầu quốc hội tới. Đúng là tình trạng nhức răng, tiến thoái lưỡng nan
cho các ông bà CH.
Phần điều trần của bà Ford:
Để tránh hình ảnh một chục ông đánh hội đồng một bà Ford cũng như để có vẻ
đây là một cuộc điều trần chuyên nghiệp, không mang tính chính trị, khối
đa số 11 nghị sĩ CH đã nhường quyền
chất vấn của họ cho bà Rachel Mitchell, một công tố chuyên về những tố tụng
sách nhiễu tình dục. Bà Mitchell đã tra hỏi bà Ford như một thám tử cảnh sát điều
tra một nạn nhân. Mục đích của bà Mitchell hiển nhiên không phải là tố cáo bà
Ford về tội gì hết, là điều mà khối CH muốn tránh tối đa, mà chỉ là đặt những
câu hỏi để bà Ford liên tục trả lời “không nhớ”, reo mối nghi ngờ lên những tố
cáo của bà Ford. Qua cả chục lần “không nhớ” của bà Ford, bà Mitchell coi như
đã chu toàn trách nhiệm.
Khối thiểu số 10 nghị sĩ
DC tất cả đều ca đúng một bài: ca tụng bà Ford mút mùa và đòi hỏi FBI điều tra.
Nói cách khác, tìm cách câu giờ cho qua bầu cử. Chẳng ai có một câu hỏi về câu
chuyện bà Ford hết.
Về phần bà Ford, bà diễn tuồng một nạn nhân đau khổ, bối rối, rất giỏi. CNN
dĩ nhiên đăng ngay hình bà Ford đang mếu máo muốn khóc. Câu chuyện của bà không
có gì mới lạ. Tất cả đều đã được báo chí phổ biến từ hai tuần nay. Hầu hết những
chi tiết khác mà bà Mitchell hỏi thì đều chỉ có một câu trả lời: không nhớ rõ.
Bà Ford đưa ra tên 3 người
mà bà cho là có thể làm nhân chứng, nhưng cả 3 người đều cho biết họ
không nhớ là đã có câu chuyện bà Ford kể lại, kể cả bà Leland Keyser mà bà Ford
gọi là bạn đời –lifelong friend-. Trả lời câu hỏi về chuyện này, bà Ford giải
thích bà Keyser “có vấn đề sức khoẻ” (ai muốn hiểu sao thì hiểu), và bà Keyser đã viết thư xin lỗi bà Ford.
Bà Ford ‘quên’ không nói rõ là bà Keyser xin lỗi vì đã phải nói sự thật bất lợi
cho bạn chứ không xin lỗi là đã nói láo.
Phần điều trần của ông Kavanaugh:
Ông Kavanaugh mở đầu với bài phát biểu dài gần một tiếng đồng hồ, tự bênh vực
và đả kích phe DC với những lời lẽ mạnh bạo nhất. Đôi lúc, ông quá xúc động,
nói không ra lời. Ông chấp nhận việc bà Ford có thể đã bị tấn công tình dục đâu
đó, nhưng khẳng định không phải là ông. Ông mạnh miệng đả kích việc phe DC đã lợi
dụng câu chuyện vì mưu đồ chính trị, tàn sát ông, tên tuổi ông, sự nghiệp và cả
gia đình của ông, đồng thời cũng gây tổn thương cho bà Ford qua tấn tuồng điều
trần này.
Điểm quan trọng: ông Kavanaugh trình cho Ủy Ban một lịch trình sinh hoạt cá
nhân trong đó ông ghi rõ việc làm mỗi ngày từ năm 1980, có ghi rõ 3 tháng mùa hè 1982, ông
Kavanaugh đã không có mặt ở Maryland là nơi xẩy ra câu chuyện.
Trái ngược hoàn toàn với phần trình bày của bà Ford, các nghị sĩ DC không
có một người nào có một lời khen hay lịch sự với TP Kanavaugh. Tất cả đều chất
vấn với đủ loại câu hỏi hóc búa về điều tra của FBI, về tuổi trẻ của ông, về việc
ông uống bia, có bạn gái, dự party,... Trong khi phần lớn các nghị sĩ CH thắc mắc
tại sao bà Feinstein giữ im lặng trong hai tháng, đợi đúng một tuần trước khi
biểu quyết mới tung hồ sơ bà Ford ra. Có cần FBI điều tra không?
Phần điều trần của bà Ford dĩ nhiên quan trọng hơn vì bà là người tố cáo.
Nhưng tiếc thay, bà đã chẳng đưa ra được bằng chứng hay nhân chứng nào. Hầu hết
các câu hỏi về chi tiết đều chỉ có một câu trả lời: “không nhớ”. Thế thì ai biết
đường nào mà mò?
Kẻ này vừa coi vừa ngủ gật. Cho đến khi TP Kavanaugh đăng đàn thì tỉnh ngủ hẳn
với bài diễn văn mở đầu nổ đùng như bom. Sau khi hai ba nghị sĩ nhường phần đặt
câu hỏi cho bà Mitchell, tới phiên nghị sĩ Lindsey Graham thì ông này dành lại quyền
chất vấn. Phát biểu của ông này nổ còn hơn bom CBU, mạt sát phe DC bằng những tố
cáo nặng nề hiếm thấy trong quốc hội Mỹ. Đây có lẽ là phần hấp dẫn nhất trong
cuộc điều trần:
Sau đó, tất cả các nghị sĩ CH đều tự phát biểu, cho bà Mitchell về hưu non.
Sai lầm của bà Mitchell là hỏi như cái máy, hết sức nhàm chán, những câu hỏi
chi tiết ít ai hiểu ý nghĩa của câu hỏi, khiến cả hội trường ngủ gật. Có lợi
cho bà Ford.
Dù vậy, bà Mitchell cũng khơi ra được vài điểm đáng chú ý:
-
Bà Ford
cho biết hai luật sư thầy dùi ngồi bên cạnh là do bà Feinstein ‘giới thiệu’. Chứng
tỏ bà Feinstein đã ‘hợp tác’ chặt chẽ với bà Ford ngay từ đầu, từ trước khi bà
Feinstein tung câu chuyện ra. Điều này đi ngược lại cái biện giải muốn giữ bí mật
cho bà Ford nên không công bố bức thư sớm hơn. Muốn giữ bí mật sao lại lo giới
thiệu luật sư cho bà Ford?
-
Bà Ford
nói bà không biết ai trả tiền bà đi thử máy đo nói thật (kiểm tra nói dối)
và cũng không nói rõ lý do tại sao
phải làm chuyện này. Trước hết, chẳng ai biết bà đi kiểm tra nói dối về chuyện
gì, có liên quan đến vụ tố ông Kavanaugh hay không. Sau đó, điều lạ lùng là bà
Ford không nhớ ai đã giới thiệu chuyên gia làm việc này cho bà, không biết tốn
bao nhiêu và ai trả tiền (số
tiền này do hai luật sư thầy dùi của bà Ford trả, có lẽ do bà Feinstein ‘thu xếp’).
-
Bà
Ford khẳng định bà viết thư nặc danh vì không muốn chường mặt ra. Nếu bà nghĩ
bà có thể gặp một dân biểu DC, viết thư cho bà nghị sĩ, thuê luật sư, kể chuyện
cho báo Washington Post mà vẫn có thể không chường mặt ra thì hoặc là bà nói
láo, hoặc là bà ngu ngơ hơn đứa con nít tiểu học chứ không phải là giáo sư đại
học về tâm lý. Quái lạ hơn nữa, bà nghị sĩ Feinstein biện giải việc bà giữ câu
chuyện bí mật vì bà tôn trọng ý của bà Ford muốn dấu tên. Xin lỗi, bà là ‘niên
trưởng’ của DC trong Ủy Ban, đã làm chính trị Mỹ đến bát tuần mà có thể nghĩ sẽ
giữ bí mật này sao? Trong chính trị Mỹ, giữ bí mật không khác gì lấy lưới đánh cá
chặn nước. Sự thật giản dị hơn nhiều: bà Feinstein ngay từ đầu đã bàn thảo kế
hoạch phục kích ông Kavanaugh với bà Ford, giới thiệu luật sư, trả tiền bà Ford
đi thử máy nói thật, dìm câu chuyện, đợi đến giờ chót mới bung ra, với hy vọng
sẽ là lý do chính đáng để hoãn mọi việc đến sau bầu cử.
-
Bà
Ford bị vạch rõ nói láo một chuyện: ban đầu, bà từ chối ra điều trần tại Hoa Thịnh
Đốn, vịn lý do bà sợ đi máy bay và đòi FBI điều tra, y chang lập luận của khối
DC, tìm cách câu giờ cho đến khi TNS Grassley cho tối hậu thư thì đành phải ra
điều trần. Bà Mitchell chứng minh bà Ford đi máy bay rất thường xuyên, rất
thích đi nghỉ hè tại Hawaii và du lịch thế giới. Khi chủ tịch Ủy Ban nhắc lại
Thượng Viện sẵn sàng cử người đi San Francisco gặp bà để bà khỏi phải đi máy
bay qua thủ đô, thì bà Ford nói bà “không hay biết” đề nghị này. Đề nghị này, cả
nước biết vì báo đăng đầy rẫy (kể cả diễn đàn này), “không hay biết“ nghiã là sao?
-
Bà
Ford nói đi dự party tại một nhà gần một câu lạc bộ có hồ bơi, nơi bà đi lội
trước khi đến dự party. Bà Mitchell đưa ra bản đồ cho thấy nhà bà Ford cách hồ
bơi gần 9 miles, không thể đi bộ được. Bà Ford khi đó 15 tuổi, chưa được lái xe, tất nhiên có người chở đến
và đưa về. Bà Ford không nhớ ai, và cũng chưa có một người nào nhận đã làm chuyện
này. Party đó có 5 người tham
dự theo bà Ford. Ngoài bà và ông Kavanaugh ra, cả 3 người kia đều ký giấy
xác nhận không biết gì về cái party đó. Thế thì ai đưa bà về? Ý định của bà Mitchell: chứng minh cái party đó
đã không xẩy ra, hay nếu xẩy ra thì bà Ford cũng đã không có mặt tại đó.
-
Chuyện
lạ: bà Ford khai bà lên lầu để đi vào nhà cầu trên lầu (căn nhà không có nhà cầu dưới nhà, gần phòng khách
sao?), nhà cầu trên lầu ngay cạnh một phòng ngủ, bà bất ngờ bị xô vào phòng ngủ và đè ngay lên giường,
bà đánh lộn, xô ông Kavanaugh ra, chạy ra khỏi phòng. Trong tình huống đó mà bà
lại nhớ rõ căn phòng như thế nào, có bàn ghế tủ giường như thế nào theo lời
khai của chính bà. Những chuyện lớn như nhà nào, của ai, bà đến và đi như thế
nào,... thì lại không nhớ. Trí nhớ của bà Mỹ gọi là ‘selective memory’, trí nhớ
có tuyển lựa.
(Những
điểm trên, dĩ nhiên TTDC không nêu lên!)
SỰ THẬT
Toàn bộ câu chuyện bà Ford thấy rõ là chuyện bá láp, vô căn cứ, mà nếu ra
trước tòa án thật, quan tòa sẽ bác bỏ ngay sau hai phút coi hồ sơ. Thế nhưng
các nghị sĩ DC lại muốn bám vào để cản việc bổ phiệm một thẩm phán vào TCPV.
Câu hỏi lớn dĩ nhiên là tại sao?
Ai cũng hiểu đây là một âm mưu lộ liễu của đảng DC để cản việc phê chuẩn TP
Kavanaugh không hơn không kém.
Việc không có bằng chứng cụ thể và không có nhân chứng đã không cho phép khối
DC thẳng thắn tố giác TP Kavanaugh, nhưng những tố cáo của bà Ford đã đủ là lý
do để DC kiếm cách câu giờ, đòi điều tra một chuyện không thể điều tra. Chỉ với
chủ đích là cố trì hoãn đến sau ngày bầu lại quốc hội, hy vọng DC chiếm được đa
số tại Thượng Viện là coi như ông Kavanaugh tiêu tan hy vọng vào TCPV. Chẳng những
vậy, mà TT Trump và khối CH cũng sẽ tiêu tan hy vọng bổ nhiệm bất cứ một thẩm
phán bảo thủ nào khác vào TCPV.
Tại sao lại phải nghiến răng nghiến lợi, bất chấp mọi việc để cản TP
Kavanaugh?
Thật ra đây không còn là việc cản cá nhân ông Kavanaugh nữa, mà cũng chẳng
còn là chuyện phá TT Trump luôn. Vấn đề đi xa hơn hơn cá nhân hai vị này rất
nhiều. Càng không phải là chuyện sex gì đó của mấy bà vô danh. Trên bàn cân là
hướng đi của toàn bộ xã hội Mỹ trong cả một thế hệ tới.
Ta nhìn lại TCPV.
Tư pháp là nhánh thứ ba của cơ cấu chính quyền Mỹ, sau hành pháp và lập
pháp, mà trong ngành tư pháp, TCPV là cơ quan có tiếng nói quyết định. Cho đến
nay, ít người để ý đến vai trò của TCPV, nhưng trên thực tế TCPV nắm giữ vai
trò then chốt hơn cả hai nhánh kia. Đây là nhánh có trách nhiệm ‘bảo vệ Hiến
Pháp’ trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế, có quyền ‘diễn giải’ Hiến Pháp,
nghiã là gián tiếp thay thế luôn cả Hiến Pháp, là nền tảng của thể chế chính trị
Mỹ.
Từ trái qua phải:
-
Hàng
đứng: bà Elena Kagan (Obama); ông Samuel Alito (Bush con); bà Sonia Sotomayor
(Obama); ông Neil Gorsuch (Trump).
-
Hàng
ngồi: bà Ruth Ginsburg (Clinton); ông Anthony Kennedy mới từ nhiệm (Reagan); chánh
án TCPV John Roberts (Bush con); ông Clarence Thomas (Bush cha); ông Stephen
Breyer (Clinton).
Điểm cực kỳ quan trọng của TCPV là nhân
sự và quyết định của TCPV là chuyện vĩnh viễn. Các thẩm phán ngồi đó cho đến chết hay tự ý từ chức với lý do chính
đáng. Các án quyết có giá trị hầu như vĩnh viễn, không ai thay đổi được, ngoại
trừ chính TCPV. Trong khi nhân sự trong hành pháp và lập pháp đến rồi đi, có thể
thay đổi vài năm một lần, và những quyết định của hành pháp và những luật của lập
pháp cũng vậy, có thể thay đổi liên tục. Hơn thế nữa, TCPV cũng có quyền hủy bỏ
các quyết định của hành pháp hay các luật của lập pháp, trong khi cả hành pháp
lẫn lập pháp đều không thể đụng đến một án quyết của TCPV.
Trong cái nhìn đó, TCPV đóng vai trò cực kỳ quan trọng, như thuyền trưởng lái
con tầu Cờ Hoa đi về hướng tả hay hữu. Hành pháp và lập pháp chỉ là thủy thủ
đoàn.
Trước đây, TCPV có bốn vị bảo thủ, bốn vị cấp tiến và một vị... ‘trung
dung’, là TP Kennedy. Một cách thật ngắn gọn và giản dị, ông Kennedy có khuynh
hướng bảo thủ về các vấn đề chính trị và kinh tế như quyền mang vũ khí, quyền tự
do gây quỹ tranh cử, quyền hạn của hành pháp,... nhưng lại thiên về cấp tiến trong các quyết định
mang tính xã hội, như ủng hộ phá thai, hôn nhân đồng tính, trợ cấp,...
Khi TP Kennedy từ chức và ông Kavanaugh được bổ nhiệm thay thế thì phe cấp
tiến hốt hoảng sợ những cải cách xã hội của các tổng thống cấp tiến từ thời TT
Kennedy, qua thời các TT Johnson, Clinton và Obama sẽ bị thu hồi, nhất là luật
cho phá thai tự do. Kinh hoàng hơn nữa cho phe DC là họ sẽ phải chịu đựng sự
‘thống trị’ của khuynh hướng bảo thủ, ngăn chặn bước tiến của ‘văn minh cấp tiến’
của họ trong hai ba chục năm nữa, tức là trong nguyên một thế hệ.
Đó là chưa nói đến việc trong ngắn hạn, TP Kavanaugh có thể là người sẽ cứu
TT Trump nếu ông này bị thưa kiện ra trước TCPV vì bất cứ chuyện gì. TP
Kavanaugh trước đây là phụ tá cho công tố Kenneth Starr truy tố TT Clinton.
Nhưng sau đó, ông làm phụ tá cho TT Bush và thay đổi lập trường, cho rằng sau
khi làm phụ tá cho TT Bsuh thì ông khám phá ra trách nhiệm khổng lồ của một tổng
thống và sự nguy hại của việc truy tố một tổng thống đương nhiệm. Do đó, quan
điểm hiện nay của TP Kavanaugh là không truy tố tổng thống khi còn tại chức, mà
phải đợi sau khi mãn nhiệm muốn truy tố gì thì truy tố. Đây dĩ nhiên là chuyện
phe DC không chấp nhận vì họ muốn đảo chánh TT Trump càng sớm càng tốt qua việc
truy tố về một tội nào đó.
Vì hậu quả của việc bổ nhiệm ông Kavanaugh đối với họ quá lớn, quá tai hại,
nên phe DC chấp nhận trả mọi giá để cản cho bằng được ông Kavanaugh. Đó chính
là lý do tại sao bà Ford được lôi từ trong nhà kho của 35 năm trước, chùi rửa rồi mang ra trình làng. Cho dù
không bằng chứng hay nhân chứng cũng không sao, vì đây không còn là chuyện pháp
lý, phải chứng minh tội lỗi gì hết, mà là chuyện chính trị, đánh là đánh, không
cần lý do hay lý luận.
Ai cũng thấy chuyện bà Ford là chuyện vớ vẩn. Cả phe DC cũng thấy vậy khi
bà TNS Feinstein nhìn nhận không chắc bà Ford đã nói thật, nhưng đây là cách cuối
cùng không còn cách nào khác để cản ông Kavanaugh cũng như để chiếm đa số tại
Thượng Viện. Họ hy vọng việc này sẽ khích động cử tri phụ nữ trước ngày bầu cử,
khiến các nghị sĩ CH rét, phải chịu thua.
Phe CH hiểu rất rõ vấn đề nên bằng mọi giá tìm
cách phê chuẩn ông Kavanaugh trước bầu cử. Không ai biết chắc kết quả bầu cử, nếu
CH mất Hạ Viện không sao, nhưng mất Thượng Viện thì sẽ là đại họa cho CH vì phe
DC sẽ bác bất cứ ai được TT Trump đề cử vào TCPV (hay bất cứ chức vụ nào
khác) để rồi tất cả các quyết định của
các tòa phá án liên bang, phần lớn do quan tòa cấp tiến của các TT Clinton và
Obama nắm, sẽ có hiệu lực (chuyện này đã bàn qua tuần rồi).
CH hiện chỉ có đa số đúng 1 phiếu tại Thượng Viện.
Chỉ cần 2 nghị sĩ CH ‘đào ngũ’ là ông Kavanaugh sẽ không được phê chuẩn. Hiện chỉ
còn ba nghị sĩ CH với quan điểm
chưa rõ rệt, đòi FBI điều tra trước; bù lại, cũng có ít ra là 3 nghị sĩ DC có thể bỏ phiếu thuận.
Trong câu chuyện TP Kavanaugh, vấn đề xin lập lại để mọi người nhìn cho rõ:
chẳng liên quan gì đến cá nhân ông Kavanaugh hay cá nhân TT Trump, càng không
liên hệ đến chuyện sex hay bảo vệ phụ nữ hay gì gì khác. Quý bà trước khi la hoảng
cần nhìn cho rõ họ đang bị lợi dụng làm vũ khí đánh nhau thôi. Tất cả chỉ vì mục
tiêu của đảng DC và TTDC là bảo vệ ý thức hệ cấp tiến bằng cách cản việc ông
Kavanaugh trở thành thẩm phán TCPV thôi. Cản việc nước Mỹ rẽ qua hướng bảo thủ.
Do đó, tất cả những tranh cãi về thủ tục pháp lý và lý luận phải trái, bằng chứng
hay nhân chứng, đều bằng thừa. Đối với phe DC, mục tiêu tối hậu biện minh cho mọi
phương tiện. Chấm hết.
Tin giờ chót: Ủy Ban Tư Pháp đã biểu quyết khuyến cáo việc phê chuẩn TP
Kavanaugh, theo đúng làn ranh đảng phái, 11 thuận, 10 chống. Tuy nhiên, Thượng
Viện đã yêu cầu TT Trump ra lệnh cho FBI điều tra thêm, với thời hạn cuối nộp
báo cáo là Thứ Sáu 5/10 để TV
có thể biểu quyết Thứ Ba 9/10. Một lần nữa, phe CH tháo lui, nhượng bộ phe DC, để cho FBI điều tra trước
khi biểu quyết.
Quý độc giả nào nghĩ sau khi FBI điều tra và bạch hóa ông Kavanaugh, phe DC
sẽ vui vẻ chấp nhận, biểu quyết phê chuẩn ông Kavanaugh, xin cho biết danh
tánh. Kẻ này sẽ trân trọng tặng giải thưởng “Người ngây ngô nhất thế giới”.