Bài Khách: Vui Nguyen


NỘI CÁC BÁT NHÁO? THẬT THẾ Ư? BÁT NHÁO RA LÀM SAO NHỈ?
Tôi vào “Diễn đàn Trái chiều” thường chỉ để đọc bài của tác giả Vũ Linh và ý kiến của qúy độc giả thôi chứ ít khi ý kiến ý cò, thảng hoặc, viết đôi giòng cho vui, vì rằng chính thức góp ý bàn một việc gì cho ra lẽ, e rằng sẽ … “hao điện” lắm: phải đọc nhiều, phải sưu tầm, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi góp ý. Thôi thì xin trân trọng … nhường ưu tiên này cho … “khổ chủ” , vì, tôi vốn thuộc loại … “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm làm thêm giờ nghỉ”, làm 24/7 không thiếu … giây nào, đó là … làm biếng với … làm thinh.
Tuy nhiên, hôm nay đành phá lệ, góp ý nghiêm chỉnh … dài thòong. Đó là … “ý kiến trái chiều một chút của … Diễn đàn Trái chiều”. Một chút thôi chứ không nhiều lắm. Những bất đồng chút chút với tác giả về những điểm sau đây:
1) Tiêu đề “Nội các bát nháo”;
2) Chức vụ “Chủ tịch Hội đồng CỐ VẤN Kinh tế”;
3) Ê-kíp của một tổng thống luôn luôn gồm có hai nhóm khác nhau:
- NHÓM VẬN ĐỘNG TRANH CỬ
- NHÓM ĐIỀU HÀNH CHÍNH QUYỀN;
4) “… rõ ràng rẽ mạnh qua hướng bảo thủ cứng rắn …”;
5) Cả hai ông Cohn và McMaster dù sao cũng chỉ là cố vấn, có trách nhiệm góp ý, khuyến cáo thôi. Nếu họ khác quan điểm với tổng thống, làm sao cố vấn tổng thống được nữa?
Dưới đây tôi sẽ trình bày từng điểm một:
1) Tiêu đề “Nội các bát nháo”
Tôi tự hỏi nhóm chữ này là của “4T” hay của tác giả?
Nếu là “sản phẩm” của “Fake News Media” thì đằng sau tiêu đề phải thêm dấu hỏi, để rồi từ đó tác giả sẽ phân tích, nhận định, trình bày luận chứng và đi đến kết luận đây chỉ là “sản phẩm bố láo” của mấy anh “thổ tả” … tìm mọi dịp trả thù “tông tông Trump” cho bỏ ghét. Và việc 4T gán cho hành động chấn chỉnh
nội bộ chính quyền của TT là “nội các bát nháo” thì tác giả đã giải thích cặn kẽ, không phải chỉ riêng trong bài viết này, mà còn trong nhiều bài viết trước đó. (Tại sao 4T lại căm hận TT Trump đến thế? Theo thiển ý, đây không phải chỉ vì bênh bà “tổng thống … hụt” và phe DC, cấp tiến gì gì đó mà thôi mà còn nhiều lý
do khác nữa, tôi hy vọng sẽ trình bày trong một dịp … xuống núi khác.)
Còn nếu đây là từ ngữ của chính tác giả khi thấy TT có hành động kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại nội bộ chính quyền, nhất là để đối phó với một tình thế có thể là vô cùng nghiêm trọng trong giai đoạn sắp tới thì tôi cho rằng từ ngữ “bát nháo” không chính xác, vì rằng, tình trạng “bát nháo” chỉ xảy ra trong một gia đình, một cơ quan, một công ty, một chính quyền, v.v…, khi người gia trưởng, ông giám đốc, ông tổng thống, BẤT ĐỘNG, BẤT LỰC, không nói năng, không lệnh lạc gì ra hồn mà để cho mọi người trong nhà, trong cơ quan, trong chính quyền, tranh chấp nhau loạn xà ngầu, không ra thể thống, tôn ty trật tự gì ráo (như những ngày cuối tháng Tư, 1975 tại VN, tại Saigon, tại tòa Đại sứ Hoa kỳ, …,) thì mới gọi là “bát nháo” chứ?
Còn ở đây ta thấy một vị TT tỏ lộ quyền uy khi chỉ tay năm ngón ra lệnh: “Anh này, không làm hả? Làm không nên thân hả? Anh chống lại lệnh của tôi hả? Mời anh đi chỗ khác giùm tí đi! Còn anh này, làm việc này cho tôi! Chắc anh biết tánh cương quyết của tôi chứ? Vậy thì cố gắng làm cho ngon lành nhé!” Và ta thấy, nhiều người, kẻ đi qua, người đi lại, anh đi ra, chị đi vô, tấp nập, răm rắp tuân lệnh TT mà không có một lời phản kháng nào thì sao gọi là bát nháo? 4T nói gì thì nói, gán gì thì gán, kệ họ chứ, nếu họ không khua chiêng gõ mõ ầm ỹ … để bán cao đơn hoàn tán nhãn hiệu cầu chứng “Fake News” thứ xịn, thì không lẽ, họ dẹp tiệm, về nhà … đuổi gà cho vợ? Mà cũng không có gà mà đuổi, lấy tiền đâu nuôi vợ đợ con?
2) Chức vụ “Chủ tịch Hội đồng CỐ VẤN Kinh tế” của ông Gary Cohn:
Không, ông Gary Cohn không phải là Chủ tịch hội đồng Cố vấn Kinh tế của TT Trump mà là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia (National Economy Council,) 4T có thể không biết rõ hoặc cố tình “tôn lên hoặc đổi chức vụ đại cho ông Gary Cohn hầu có cớ … goánh Trump cho đã” mà thôi.
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho đến nay vẫn còn tại nhiệm là Tiến sĩ Kinh tế Kevin Allen Hansett, được TT Trump đề nghị bổ nhiệm ngày 16/05/2017, ông Hansett ra điều trần trước Thượng viện từ ngày 06/06/2017. Thượng viện thảo luận việc bổ nhiệm ông kéo dài cho đến ngày 12/09/2017 mới bỏ phiếu
chuẩn thuận với kết quả 81 thuận/16 chống, và ông đảm nhiệm chức vụ này kể từ 13/09/2017 cho đến nay và là vị Chủ tịch Hội đồng Cố Vấn Kinh tế thứ 29 trong lịch sử Hành pháp Hoa Kỳ.
Thực ra trước đây TT Trump đã tính loại bỏ (remove) cơ quan này trong “ê-kíp” (toán, nhóm,) làm việc có tên gọi “carbinet-level” (sẽ giải thích thêm dưới đây,) mà việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan này vẫn phải được Thượng viện chuẩn thuận, nhưng sau đó ông đổi ý, cho nên mãi đến tháng 5, 2017, ông mới
đề nghị TS Hansett như nói trên.
Việc TT Trump lơ là bổ nhiệm Chủ tịch HĐCVKT, là vì, theo thiển ý, trong nội các của ông có quá nhiều vị liên quan đến kinh tế, mà ai cũng có thể là cố vấn kinh tế cho tổng thống khi họp toàn thể nội các để thảo luận về một vấn đề nào đó liên quan đến “quốc sự” (nói chung về chính trị, quân sự, kinh tế, …,) dù không có tên gọi “cố vấn kinh tế” chính thức.
Nào hãy xem đó là những ai?
Trong nội các (carbinet gồm 15 vị Bộ Trưởng) :
1) Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin,
2) Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross,
Ngoài nội các (carbinet-level gồm các Cơ quan, Ủy ban, Hội đồng, Nha, Sở quan trọng):
3) Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Kevin Hansett (còn tại vị), (1)
4) Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Hoa kỳ Gary Cohn (vừa ra đi), (1)
5) Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Hoa Kỳ Peter Navarro, (1)
6) Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Jay Clayton, (2)
7) Đại diện Ngoại thương Hoa kỳ Robert Lighthizer
8) Giám đốc sở Quản trị và Ngân cách Mick Muvaney
9) Giám đốc Nha Tiểu Thương Linda McMahon (3)
Vậy, không có ông/bà số 3 hay số 4 thì có “chết thằng chệt” nào đâu kìa?
3) Ê-kíp của một tổng thống luôn luôn gồm có hai nhóm khác nhau
- NHÓM VẬN ĐỘNG TRANH CỬ
- NHÓM ĐIỀU HÀNH CHÍNH QUYỀN
Điều mà tôi bất đồng nhiều nhất với tác giả chính câu thứ 3 này. Có lẽ tác giả quá bận rộn trong việc đọc và viết mà lẫn lộn (hay không để ý hiệu đính,) hai vai trò HOÀN TOÀN KHÁC nhau của một con người: vai trò ứng cử viên TRƯỚC ngày bầu cử và vai trò TỔNG THỐNG sau ngày bầu và đắc cử?
Tổng thống không khi nào “luôn luôn gồm có 2 nhóm khác nhau” như liệt kê trên đây. Bởi đã có nhóm thứ nhất, thì không có nhóm thứ hai, mà đã có nhóm thứ hai thì nhóm thứ nhất không còn hiện diện. Tại sao vậy?
“Ta hãy bình tâm xem xét sự việc xem sao” (mượn nhóm chữ của tác giả hay dùng.)
NHÓM VẬN ĐỘNG TRANH CỬ
Khi anh đang là tay trơn, bạch diện thư sinh, anh đang cần và đang làm việc với DUY NHẤT nhóm vận động tranh cử (ban tham mưu tranh cử, ban điều hành hoạt động tranh cử, hay là một cái tên gì đó tương tự,) của anh, thì có nghĩa là anh là một tư nhân ra dự cuộc đua bầu cử nào đó, một ứng cử viên tranh cử, trong trường hợp này là ứng cử viên tổng thống, thì anh lấy tư cách gì làm việc với “nhóm điều hành chánh quyền” để gọi là có 2 nhóm?
Anh là ứng cử viên tư nhân, thuê người làm việc cho anh, họ là những tư chức làm việc cho anh một thời gian dài ngắn nào đó, thì anh phải tự bỏ tiền túi ra trả, chớ đừng hòng đụng tới công qũy, nếu không đủ tiền thì vận động gây qũy, xin thiên hạ đóng góp giúp cho anh. Nghĩa là anh chưa phải là một dân
cử, một bộ mặt tượng trưng hay đại diện cho công quyền. Một nhóm thôi nhé.
NHÓM ĐIỀU HÀNH CHÍNH QUYỀN
Một khi anh đắc cử, anh trở thành một vị dân cử, trong trường hợp này, anh trở thành tổng thống tân cử, lên ngôi cữu ngũ, quyền uy khuynh loát thiên hạ, thì anh đâu cần làm việc với nhóm thứ nhất, vì anh đâu cần tranh cử gì nữa với ai mà phải cần làm việc với nhóm này và nhóm điều hành chính quyền để
gọi là làm với 2 nhóm khác nhau? Nhóm thứ nhất phải ra rìa, chắc chắn ra rìa, lâu hay mau là tùy … ông chủ.
Có thể là ông chủ với vai trò mới, sẽ xem trong nhóm người làm cũ, có người nào có tài năng gì, hay có ơn nghĩa gì để có thể được tuyển dụng vào vai trò mới (không dính dáng gì với vai trò trước đây,) và bây giờ người nhân viên này sẽ chức vụ mới, làm công chức, ăn lương chính phủ, chớ không đụng vào túi tiền riêng của ông chủ, hay tiền trong qũy tranh cử.
Sĩ tử đi thi mới cần lều chõng, bút nghiên, chứ một khi đã trở thành quan tân trạng thì thứ mà quan trạng cần đến là ngựa và võng, chứ lều chõng thì đi … chỗ khác chơi, chú tiểu đồng theo hầu bút nghiên thì có thể trở thành … bí thư hay phụ tá của quan trạng, oai ra phết, nếu quan tân trạng muốn.
Vậy thì 2 nhóm này làm việc trong 2 gian đoạn khác nhau của một nhân vật trước và sau ngày … đắc cử. Ứng cử viên không làm việc với 2 nhóm vì không có tư cách với nhóm thứ hai, vị dân cử thì lại làm việc với nhóm thứ hai mà không cần và không còn làm việc với nhóm thứ nhất: nếu có người nào trong nhóm này được tuyển dụng thì ở trong vai trò mới chứ không phải lưu dụng trong vai trò cũ hay mới. Vâng, thế thì cũng một nhóm thôi nhé.
Trong trường hợp tái tranh cử, thì tổng thống, tạm rời bỏ chức vụ công cử, đóng lại vai trò ứng cử viên tái tranh cử, thì cũng phải tự bỏ tiền túi ra, hay vận động gây qũy để cung cấp chi phí cho ban vận động, và hoạt động tranh cử, tuyệt đối không dính dấp với nhóm công chức đang hoạt động chính quyền hay tơ hào đến công qũy.
Nếu ứng cử viên tái tranh cử cần người nào trong nhóm công chức, thí dụ TT Trump cần bà Kellyanne Conway, hiện đang làm cố vấn trong văn phòng tổng thống, trở về làm Giám đốc Ban Vận động Tranh cử cho ông trong kỳ tranh cử tổng thống 2020, thì việc đầu tiên là bà này phải từ chức, trở về đời sống dân sự, trước khi được ứng viên Trump bổ nhiệm vào chức vụ mới và ăn lương trong qũy vận động.
Còn nếu mà lộn xộn, nhập nhằng về tiền bạc và công việc, vô tình hay cố ý, lẫn lộn giữa hai thứ công tư thì … coi chừng mất toi cả chì lẫn chài đó.
4) “… rõ ràng rẽ mạnh qua hướng bảo thủ cứng rắn …”
Không biết có phải vì đoạn văn này mà độc giả Bảo Phước cho rằng: “Đề tài tuần nầy của ông VL, chứng minh có Siêu Quyền Lực thật sự” như một câu kết luận chắc nịch nhưng … khơi khơi vì không dẫn chứng hay trích dẫn ở chỗ nào, câu nào, đoạn nào trong bài viết của tác giả. Vị độc giả này “ăn chắc như bắp” là “Hệ Thống Siêu Quyền Lực của Tư bản Tài phiệt, có khả năng vô địch”. Ông ta còn quả quyết khi trả lời “théc méc” của “tại hạ” rằng … thì là mà … “Thưa anh, tôi không tưởng tượng và bịa đặt vấn đề, mà hoàn toàn góp ý dựa theo tài liệu đã có.” Để cho sự quả quyết của mình thêm phần … vững chắc, độc giả Bảo Phước dẫn chứng … nguồn tài liệu vô cùng qúy giá là … là… “(tham khảo theo tài liệu Diễn Đàn Người Dân Vietnam).” (Ố là là! Tôi phải bụm miệng để khỏi kêu lên: “Má ơi! Cứu con!”)
Nghiên cứu cuộc đời của TT Trump từ hồi còn trẻ cho đến bây giờ thì thấy là ông ta bảo thủ nặng nề chứ có bảo thủ … khơi khơi, bảo thủ kiểu “phải đạo chính trị” như 16 ông bà Cộng Hoà đối thủ trong tranh cử sơ bộ đâu. Chính vì bảo thủ nặng và ăn nói “có vẻ” bạt mạng (thực ra, theo thiển ý, đây là chỗ dụng tâm, dụng kế,) mà ông được lòng ít nhất là dân nửa nước, và đa số đảng viên Cộng Hòa, cho nên, ông chỉ cần “hích” nhẹ một tí là các đối thủ Cộng Hòa trong tranh cử sơ bộ, cứ rụng … lả tả như … sầu riêng rụng ban đêm sau vườn. Và ông, mặc dù một mình một ngựa “Boeing 747” rong ruổi … đường trường xa, đi tranh cử đến đâu, thiên hạ cũng cứ bu quanh dày đặc đến vài chục ngàn người, bị hớp hồn nghe ông …
thuyết pháp.
Ông bảo thủ từ trước, trong và sau nhiều cuộc phỏng vấn với: Rona Barrett (1980), Larry King (1988), Oprah Winfrey (1988), và sau đó, v.v… Lúc bấy giờ, để trả lời cho câu hỏi rằng ông có thích ra tranh cử tổng thống hay không, ông cho biết có lẽ là không, nhưng nếu “đất nước trở nên tệ hại thì ông không loại trừ ý tưởng đó,” và rằng không có lý do gì Hoa Kỳ rải tiền khắp thiên hạ, giúp cho họ giàu có sung sướng mà người dân trong nước này lại không được, điều này khó thể chấp nhận.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này mà trước 2015 ông luôn luôn dấu kín, ông đã hết sức, hết lòng đem tất cả tài năng và trí tuệ thông minh ra để làm giàu, tích cóp tiền bạc cho việc lớn. Qua nhiều kinh nghiệm thăng trầm trong kinh doanh, ông hiểu rằng, không đủ khả năng tài chánh thì đừng nói chuyện gì cả vì sẽ lệ thuộc những kẻ bỏ tiền ra mua chuộc để điều khiển. Ông tính rằng muốn thành công thì phải chuẩn bị kỹ, một khi tính chuyện gì là phải chắc ăn, hy vọng thành công phải nhiều hơn, nếu không, sẽ chuốc lấy thất bại đau thương, nhất là trong lãnh vực chính trị, và người con trai lớn của ông, Donald Trump Jr., hiểu tính cha mình, đã trả lời ngắn gọn rằng “rút lui không phải là đặc tính của bố” khi ông bị hơn 3 tá ông bà
chức sắc, tai to mặt lớn trong đảng Cộng Hòa, áp lực và yêu cầu ông rút lui trước ngày và có thể có một “coup d’etat” trong ngày Đại Hội đảng Cộng Hòa 2016. Còn Trump vẫn cứ tỉnh queo, “phớt tỉnh Ăng lê” như … Trump.
Áp lực đó cũng một phần nào thất bại, vì luật sư Reince Priebus, lúc bấy giờ là Chủ tịch đảng Cộng Hòa (đúng hơn là Chủ tịch Ủy ban Toàn Quốc đảng Cộng Hòa,) không chấp thuận, vì ông cho rằng, không thể để cho đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục “bát nháo”, đưa đến tình trạng đảng tan vỡ thành nhiều mãnh. (Cho nên, ngay sau khi đắc cử, TT Trump, để trả ơn ông Priebus, đã mau mắn mời ông này làm Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc, tương đương chức vụ Bộ trưởng phủ Tổng thống, từ ngày 20/01/2017, cho đến khi cựu Đại tướng John Kelly, Bộ trưởng Nội an, thay thế ngày 31/07/2017.)
Và thế là, ứng cử viên tổng thống Donald Trump lừng lững tiến tới như … một chiếc xe “hũ lô” cán “dẹp lép như … con tép” mọi trở ngại trên đường “lăn” của mình vào “White House”. Không những 16 đối thủ Cộng Hòa cứ rụng như …sung mà vui nhất là “tảng băng DC” cũng bị “đá văng” đi một cách dễ dàng: chúng ta nhớ lại rằng TT Trump có 304 phiếu cử tri đoàn (306 – 2) trong khi “nàng Hill” chỉ được 227 phiếu cử tri đoàn (232 – 5) mà thôi khiến “nàng” đang vui … “thắng trận …hụt” bổng chuyển sang … về nhà nằm … bẹp dí.
Tóm lại, TT Trump đang ở ngay “mép” của cánh hữu thì ông làm sao còn “… rõ ràng rẽ mạnh qua hướng bảo thủ cứng rắn …”? Theo thiển ý, cũng như nhiều vị khác, là sau hơn một năm trời “self-apprentice”
(tự học,) sàng qua, lọc lại, thay tới, đổi lui, TT Trump đã xếp đặt lại “bàn cờ tướng” của mình, kiện toàn nhân sự, thống lãnh đội ngũ quần hùng, để sẵn sàng … thắng lớn.
Trong nghệ thuật trị nước, ông áp dụng ngón “võ say” của Thiếu Lâm Tự, hay môn khinh công “Lăng ba vi bộ” nghiêng qua, ngữa lại, xàng tới, xê lui, khiến thiên hạ hoa cả mắt, và bất thần ông ra tay khiến thiên hạ chới với, tá hỏa tam tinh, chẳng biết đằng nào mà mò chứ đừng nói là đỡ gạt. Suy nghĩ, thái độ, lời
nói và hành động của ông trong việc “make America great again” đã khiến cho các tay đại gian hùng thế giới như Putin hay “tân hoàng đế muôn năm” họ Tập của Chệt cộng còn phải e dè, huống hồ là các tay tép riu khác? 4T thì Trump cứ coi như … ruồi nhặng vo ve “fake news, fake news, …” bên tai chớ “chẳng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.”
Bất đồng cuối cùng là
5) Cả hai ông Cohn và McMaster dù sao cũng chỉ là cố vấn, có trách nhiệm góp ý, khuyến cáo thôi. Nếu họ khác quan điểm với tổng thống, làm sao cố vấn tổng thống được nữa?
Đây là một quan điểm … hơi lạ của tác giả. Xưa nay, làm cố vấn mà luôn luôn đồng quan điểm với người mình cố vấn thì việc cố vấn hữu ích gì?
Giả dụ rằng tác giả thuê tôi làm cố vấn mà mỗi khi tác giả hỏi ý kiến của tôi, tôi luôn luôn hụ hợ, tán tụng, đồng ý rằng việc này, việc kia, quan điểm nọ kia của tác giả luôn luôn đúng thì liệu rằng tác giả giữ tôi làm cố vấn được … mấy ngày?
Theo thiển ý, cố vấn là phải KHÁC quan điểm, nhưng là một thứ ý kiến hay hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn ý kiến của người mà mình muốn cố vấn, và nhất là, phải có khả năng trình bày có tính thuyết phục sao cho người được cố vấn cảm thấy bùi tai vì thấy hữu lý, hiệu nghiệm để nghe theo, làm theo. Chứ ý kiến của người cố vấn mà chỉ có đồng ý, dở hơn, không có hiệu quả, không có tính thuyết phục thì đi chỗ khác chơi là phải.
Còn nhớ trước khi thực hiện “show” truyền hình “The Apprentice” năm 2002, người đại diện của Trump đã khuyên ông không nên thực hiện việc này để làm thương mại cho nhãn hiệu Trump vì sẽ là một sự thất bại “kinh khủng”, ông không nghe và sau đó anh này nhận được câu “you get fired!” và ông “chơi”
một lèo từ 2002 cho đến ngày tuyên bố tranh cử năm 2015 đồng thời báo cho NBC là mình đã hết giai đoạn “apprentice” để thực sự “tung cánh chim” bắt tay “make American great again!” đây. Bây giờ cũng vậy thôi, có gì khác?
Thực ra, làm cố vấn cho một người có chỉ số thông minh IQ 156 như Trump với bề dày mấy chục năm kinh nghiệm đàm phán trên thương trường không phải là điều dễ dàng, nếu không nói là vô cùng khó khăn. Với ông thần này, tốt nhất là “President, go ahead! We’re ready to follow you up!”
Vui Nguyễn.
***
Ghi chú:
(1) Lẽ ra, 3 ông 3), 4) và 5) phải gọi là Giám đốc mới đúng vì chức vụ chính thức trong tiếng Mỹ là Director, chứ không phải là “President” hay “Chairman”, thôi thì quen miệng tôn xưng một tí là Chủ tịch cho nó … oai.
(2) Ông này mới đúng là Chủ tịch vì chức vụ chính thức là “Chairman”.
(3) Còn bà này đúng là Quản đốc, hay Quản trị viên (Qủy, Cơ quan Trợ giúp Tiểu Thương: Administrator), thôi thì cứ gọi là (thưa ông bà) Giám đốc cũng chả sao.

Vui Nguyen



Trả lời ông Vui Nguyễn.

Trước hết, tôi xin chân thành đa tạ ông đã góp ý một cách nghiêm chỉnh và xây dựng. Đây chính là loại góp ý mà Diễn Đàn này mong nhận được từ quý độc giả.
Ông Vui Nguyễn nêu lên những vấn đề hết sức chính đáng và bài viết rất dài, không thích hợp cho khuôn khổ góp ý trong bài Bình Luận, do đó, tôi đã đăng nguyên văn trên một trang riêng. Bây giờ tôi xin phép trả lời từng điểm.

1)    Tựa đề
Tựa đề bài Bình Luận tuần này “Nội Các Bát Nháo” cũng như tất cả tựa đề các bài tôi viết đều luôn luôn thay đổi, ít ra hai ba lần nếu không phải là năm bẩy lần.
Có lần tôi đã lựa “Nội Các Bát Nháo?”, với dấu hỏi. Ai cũng biết TTDC đã mô tả chẳng những việc thay đổi nhân sự mới đây, mà tất cả những việc TT Trump làm ngay từ cả năm qua như là ‘total chaos’, mà tôi tạm gọi là ‘bát nháo toàn diện’. Nhưng đặt tựa đề với dấu hỏi như vậy, độc giả sẽ thấy ngay là tôi không đồng ý và chỉ trích TTDC. Tôi không muốn độc giả thấy kết luận quá sớm cho dù ai cũng biết quan điểm của tôi về TTDC.
Rồi tôi đổi qua “Nội Các Bát Nháo!”, với dấu than. Nhưng nghĩ lại, cũng có vẻ mang nặng thành kiến ngay từ đầu, than vãn chuyện TTDC làm.
Cuối cùng, tôi quyết định không có dấu hỏi hay dấu than gì hết. TTDC đã đưa ra hình ảnh bát nháo toàn diện, ok, thì tôi coi như chấp nhận cái thành kiến đó, rồi trong bài viết sẽ tìm cách phá cái thành kiến đó.
Có thể ông Vui đồng ý hay không đồng ý, nhưng đó là cách suy luận của tôi.

2)    Chức vụ chính thức của ông Gary Cohn
Vâng, ông Vui đúng 100%.
Thật ra, tôi viết bài bình luận, không phải là viết bản tin, do đó, lơ là không để tâm quá nhiều vào những chi tiết này. Dĩ nhiên viết bình luận là phải dựa trên tin tức và dữ kiện thật và chính xác. Nhưng trong vấn đề chức vụ chính thức của ông Cohn, giữa ‘Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế’ -như tôi viết- hay ‘Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế Hoa Kỳ’ – như ông Vui viết cho chính xác- không có quan trọng gì lắm. Nếu như tôi viết ông Cohn là ‘Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn An Ninh Quốc Gia’ thì mới là sai lầm lớn.
Dù sao, cũng xin cám ơn ông Vui đã viết lại cho chính xác.

3)    Ê-kíp của TT Trump
Tôi đọc lại góp ý của ông Vui nhiều lần mà vẫn không hiểu giữa ông Vui và tôi, có sự khác biệt nào, mà ông Vui lại cho đó là “điều ông bất đồng nhiều nhất”.
Tôi nghĩ tôi đã viết khá rõ đây là hai ê-kíp hoàn toàn khác nhau trên rất nhiều điểm, đặc biệt trong vấn đề thời gian tính: một nhóm là ‘trước’ bầu cử và một nhóm là ‘sau’ bầu cử, không có sự trùng hợp hay hai nhóm làm việc cùng lúc. Dưới đây là những câu tôi đã viết:
-             Thông thường thì nhóm này (nhóm vận động tranh cử) được lưu giữ trong một thời gian chuyển tiếp sau bầu cử, rồi cho nghỉ vì tới lúc tổng thống cần những phụ tá với những khả năng khác”.
-             Sau khi ông Trump đắc cử thì đến lúc phải tuyển lựa ca sĩ mới”.
-             Từng bước từng người, ê-kíp đầu mà khả năng không còn thích hợp và cần thiết nữa, lần lượt ra đi khi TT Trump cần chuyên gia quản trị việc nước.
Dĩ nhiên có nhiều khác biệt chi tiết nữa như nhóm đầu là ‘tư chức’ làm việc và lãnh lương theo điều kiện của ông Trump, trong khi nhóm sau là ‘công chức’, làm việc và lãnh lương theo tiêu chuẩn Nhà Nước, có khi còn bị điều tra an ninh, hay phải có phê chuẩn của Thượng Viện, … Nhưng đó lả những chi tiết hành chánh không ảnh hưởng gì đến bài Bình Luận.
Tóm lại, xin ông Vui cho biết, tôi sai ở điểm nào?

4)    TT Trump rẽ qua hướng bảo thủ
Tôi viết TT Trump chuyển hướng qua “bảo thủ cứng rắn”, ông Vui không đồng ý và cho rằng ông Trump từ hồi nào đến giờ đã là bảo thủ, bằng chứng là các cuộc phỏng vấn trên TV của ông từ năm 1980.
Ở đây, rất tiếc, tôi không cùng quan điểm với ông Vui. Theo sự hiểu biết của tôi, ông Trump không có quan điểm cố định, “bảo thủ nặng nề” như ông Vui viết. Ông Trump là người có quan điểm ‘độc lập’ không giống các chính trị gia bình thường khác. Có những chuyện ông theo khuynh hướng bảo thủ, nhưng cũng có những chuyện ông theo khuynh hướng cấp tiến. Đồng thời, ông cũng đã thay đổi quan điểm nhiều lần trong nhiều vấn đề lớn.
Một lý do quan trọng mà một số chính khách bảo thủ CH chống ông Trump là vì ông chưa đủ bảo thủ. Tạp chí The Weekly Standard là tiếng nói của khối bảo thủ CH, cũng là tờ báo chống ông Trump mạnh nhất, ngay từ khi ông mới ra tranh cử. Trong đảng CH, có phong trào #NeverTrump của khối bảo thủ cực đoan, chống ông Trump ngay từ đầu vì chưa đủ bảo thủ.
Vài thí dụ về thế đứng của ông Trump: trước đây ông chống phá thai, ủng hộ chế độ bảo hiểm y tế Nhà Nước theo mô thức Canada, chủ trương tăng thuế nhà giàu, hoan nghênh gói kích cầu kinh tế của TT Obama, ca tụng bà Hillary cứng tay điều đình với Iran. Đây là những chủ trương của khối cấp tiến mà bây giờ TT Trump đã từ bỏ. Tuy nhiên, một số quan điểm cấp tiến khác, TT Trump vẫn giữ: chấp nhận ân xá cho nhóm trẻ di dân lậu DACA, muốn bỏ cả ngàn tỷ đô tu bổ lại toàn bộ hạ tầng cơ sở Mỹ theo đúng chủ trương của nhóm cấp tiến tân-keynesian. Việc tăng thuế quan chống TC bị phần lớn khối bảo thủ CH chống trong khi tổ chức thợ thuyền cấp tiến AFL-CIO và khối DC ủng hộ mạnh, kể cả TNS Schumer, cấp tiến cực đoan nhất của New York.
Điểm cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là tôi đã viết “bảo thủ cứng rắn”, xin ghi nhận cụm từ ‘cứng rắn’, tức là mạnh tay hơn trước, khi TT Trump thay thế ông Tillerson bằng ông Pompeo.

5)    Vai trò cố vấn
Tôi viết “Cả hai ông Cohn và McMaster dù sao cũng chỉ là cố vấn, có trách nhiệm góp ý, khuyến cáo thôi. Nếu họ khác quan điểm với tổng thống, làm sao cố vấn tổng thống được nữa? Ông Vui không đồng ý và cho rằng “Xưa nay, làm cố vấn mà luôn luôn đồng quan điểm với người mình cố vấn thì việc cố vấn hữu ích gì?
Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy có hai chuyện khác nhau rất xa: quan điểm căn bản và phương thức hành động. Cái mà ta thường gọi là cứu cánh và phương tiện.
Tôi cho rằng muốn làm cố vấn thì bắt buộc phải cùng quan điểm, tức là cùng căn bản, cùng mục tiêu tối hậu. Có khác là khác phương cách đi đến mục tiêu chung đó, cố vấn là cố vấn để làm sao thực hiện được mục tiêu đó, giúp đưa ra nhiều phương cách và giúp tổng thống lựa chọn phương cách nào hữu hiệu nhất, chứ khác quan điểm thì không có cách nào làm cố vấn được.
Như chuyện giảm thuế chẳng hạn, phải đồng ý trên căn bản là giảm thuế chứ chống giảm thuế thì cố vấn gì nữa? Ông Gary Cohn là DC có ghi danh, ủng hộ bà Hillary, nhưng ủng hộ việc giảm thuế nên được mời làm cố vấn để thực hiện việc giảm thuế. Tuy nhiên, ông chủ trương hợp tác mậu dịch quốc tế, chống lại việc tăng thuế quan, do đó không thể cố vấn nữa khi TT Trump tăng thuế quan.
Khổng Minh làm cố vấn cho Lưu Bị vì cùng chung quan điểm đánh Tào Tháo và Ngô Quyền để thống nhất Tàu dưới nhà Thục. Ông Nhu làm cố vấn cho ông Diệm vì cùng mục tiêu chống CSBV.
Tôi hy vọng đã trả lời đầy đủ ông Vui Nguyễn.
Một lần nữa, xin đa tạ ông Vui Nguyễn đã cho tôi cơ hội làm sáng tỏ vấn đề hơn.
Trân trọng,
Vũ Linh