Saturday, May 12, 2018

BÀI 20: CÔNG TỐ MUELLER GẶP RẮC RỐI


 Cá Tháng Tư thường được dùng để chỉ một tin phịa, được tạo ra với dụng ý lừa thiên hạ cho vui nhà vui cửa, nhưng Cá Tháng Tư năm nay đã mang lại nhiều tin nghe có vẻ hoang đường, nhưng hình như lại là sự thật. Ngọn gió chính trị Mỹ hình như đang đổi chiều từ Tháng Tư qua, trở thành thuận lợi cho TT Trump và ngược lại, dĩ nhiên bất lợi cho công tố Mueller, đảng DC, và TTDC.

Chuyện đầu tiên là phúc trình điều tra vụ Nga can dự vào bầu cử tổng thống do Hạ Viện công bố đã đưa ra nhiều chi tiết lạ trong hậu trường.
Theo phúc trình, ông James Clapper, cựu giám đốc Tình Báo Quốc Gia, National Intelligence Agency (NIA) là người đã thông đồng với CNN về vụ Hồ Sơ Nga. Đây là hồ sơ liên quan đến chuyện ông Trump năm 2013 đã đi Nga, thuê hai chị em ta đến tè trên giường của TT Obama đã ngủ khi trước đó ông viếng thăm Nga. Hồ sơ này, xin nhắc lại, được vài người Nga không rõ là ai, cung cấp cho một anh cựu gián điệp của Anh, anh này bán hồ sơ lại cho tổ chức Fusion GPS được bà Hillary thuê để đi lùng tin xấu về ông Trump. Hồ sơ này được gửi đến cả chục cơ quan ngôn luận lớn nhưng không được đăng vì tính vu vơ, không bằng chứng đáng tin nào.
CNN qua cửa sau, móc nối với bà Valerie Jarrett, cố vấn tâm phúc của TT Obama, xin bà Jarrett chỉ thị cho giám đốc FBI Comey báo cáo vụ Hồ Sơ Nga lên TT Obama. Chỉ cần ông Comey báo cáo cho tổng thống là tự động Hồ Sơ Nga trở nên ‘nặng ký’, đáng đăng. Ông Comey làm đúng như vậy, báo cáo lên TT Obama (và cả TT đắc cử Trump). Ông Clapper mau mắn xì ngay cho CNN tin ông Comey đã báo cáo. Một cách gián tiếp đốc thúc CNN công bố chuyện này ra. Và CNN đã là cơ quan truyền thông lớn duy nhất tung toàn bộ Hồ Sơ Nga ra công chúng ngay sau đó.
Sau khi CNN xì ra thì tới phiên FBI ra tay: dùng Hồ Sơ về một chuyện lăng nhăng không ai kiểm chứng đi xin trát tòa theo dõi một phụ tá cao cấp của ông Trump.
Tin động trời hơn mới được Hạ Viện công bố là đã có một nhóm một chục đại gia, phần lớn từ Cali và New York, bỏ ra 50 triệu tài trợ anh gián điệp Anh tiếp tục đi lùng tin xấu về ông Trump sau khi ông đã đắc cử, qua trung gian một công ty có tên là Penn Quarter Group của anh Daniel Jones, một cựu nhân biên FBI, cũng là cựu phụ tá của bà Dianne Feinstein, thượng nghị sĩ DC của Cali.
Toàn bộ câu chuyện là một ‘phối hợp công tác’ tuyệt hảo giữa ban vận động của bà Hillary với Fusion, Nga, gián điệp Anh, FBI, NIA, bà Jarrett, bà Feinstein, và CNN. Có cần điều tra không nhỉ?
Câu hỏi là tại sao cuộc điều tra về ông Trump ‘thông đồng’ với Nga hơn cả năm nay vẫn chẳng có một chút dấu vết mà cứ kéo dài mãi, trong khi đủ loại mánh mung về bà Hillary ‘thông đồng’ với Nga đã lộ ra nhưng chẳng ai điều tra gì hết. Có cái gì sặc mùi phe đảng, nhất là nếu công tố Mueller kết luận phiá ông Trump đã phạm tội gì đó.
Đã vậy, tuần qua, đã nổ ra hàng loạt tin không vui cho công tố Mueller.
Tin thứ nhất, thẩm phán liên bang Amy Berman Jackson đã nêu vấn đề dường như thứ trưởng Rosenstein đã cho công tố Mueller quá nhiều quyền hạn, vượt xa luật lệ hiện hành của bộ Tư Pháp liên quan đến quyền hạn của công tố đặc biệt. Theo bà thẩm phán này, luật lệ bộ Tư Pháp đòi hỏi cuộc điều tra phải dựa trên một sự kiện thực tế và cụ thể -specific factual matter- chứ không thể dựa trên một nghi ngờ nào đó, rồi cho công tố tha hồ đi ‘mò cua’ để tìm tội. Nói cách khác, theo bà thẩm phán, phải có tội thì mới có điều tra, chứ không thể đi điều tra để nặn ra tội.
Tin thứ nhì là bom thứ thiệt. Thẩm phán liên bang T.S. Ellis, thụ lý vụ truy tố ông Manafort, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Trump về cả chục tội như lừa đảo, rửa tiền,… Tất cả đều là tội –nếu có- vi phạm mấy năm trước khi ông Manafort hợp tác với ông Trump. Quan tòa nói toạc với luật sư của công tố Mueller “ai cũng biết các ông thật ra chẳng cần biết ông Manafort có lừa đảo ngân hàng hay không mà chỉ muốn bắt ông này để ép ông ta khai ra tội của ông Trump thôi”. Dĩ nhiên đây là điều cả thế giới đã biết, nhưng ông Ellis là quan tòa đầu tiên nói huỵch tẹt ra. Chẳng những vậy, ông tòa còn chất vấn luật sư của ông Mueller là ai cho các ông cái quyền đó khi những việc các ông truy tố chẳng liên quan xa gần gì đến công tác các ông được giao phó, tức là điều tra về vụ thông đồng với Nga. Ông tòa cho luật sư của công tố Mueller hai tuần để chứng minh công tố Mueller có thẩm quyền truy tố ông Manafort. Vấn đề ở đây cực kỳ quan trọng. Nếu không chứng minh được rõ ràng thẩm quyền, ông tòa có thể bác bỏ việc truy tố ông Manafort. Có nghiã là việc truy tố các ông khác như Gates, Papadopoulos, tướng Flynn, và cả chục người khác, có thể bị bác hết luôn và công tố Mueller tay trắng hoàn trắng tay.
Chưa hết. Tin thứ ba, một thẩm phán khác, bà Dabney Friedrich từ chối đơn xin hoãn xử vụ 13 công dân Nga và 3 công ty Nga bị truy tố can dự phá đám cuộc bầu cử. Công tố Mueller truy tố những người này nhưng họ đều đã trở về Nga từ lâu lắm rồi và không có cách nào gửi trát tòa tới họ được và chắc chắn chẳng có ai điên rồ qua Mỹ hầu tòa hết. Nhưng tự nhiên lại có một văn phòng luật sư tự nhận là đại diện cho một trong ba công ty Nga đó, chất vấn công tố Mueller dựa trên tài liệu nào để truy tố họ, liệt kê ra một danh sách những câu hỏi và tài liệu họ muốn công tố Mueller đưa cho họ làm bằng chứng về ‘tội’ của ông Manafort. Trong số đó có nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề ngoại giao tế nhị cũng như an ninh có tính mật không công khai hóa trước tòa được. Công tố Mueller bị đặt trong tình trạng kẹt cứng, nên xin hoãn phiên xử để xét lại hồ sơ tố tụng. Nhưng bà quan tòa bác bỏ mà không giải thích. Theo các chuyên gia luật, bà bác bỏ vì vấn đề thủ tục. Đáng lẽ ra công tố Mueller phải có chuẩn bị đầy đủ tài liệu trước và dự đoán những tài liệu sẽ bị chất vấn trước, chứ không phải đợi đến giờ chót rồi xin hoãn. Tòa đâu có rảnh dữ vậy. Công tố Mueller hình như đinh ninh những bị cáo Nga chẳng ai qua Mỹ hầu tòa, chẳng có luật sư nào của họ khiếu nại gì, nên đã lập hồ sơ hơi ‘cẩu thả’.
Cả 3 quyết định của 3 quan tòa dựa trên 3 vụ truy tố khác nhau, đều hoàn toàn bất lợi cho công tố Mueller và đe dọa toàn bộ hồ sơ Mueller xụp đổ.
Rồi thiên hạ cũng được đọc trong phúc trình của Hạ Viện là cả hai ông giám đốc và phó giám đốc FBI, Comey và McCabe, đều đã ra điều trần trước Hạ Viện và khẳng định họ không thấy tướng Flynn ‘nói láo’ chuyện gì hết. Ở đây, xin nhắc lại công tố Mueller tố tướng Flynn bốn tội nói láo, nhưng tướng Flynn chỉ nhận có một tội là ‘khai lộn ngày gặp đại sứ Nga’. Nếu công tố Mueller tố tướng Flynn nói láo FBI mà FBI lại nói tướng Flynn không nói láo, thì ông Mueller tố tướng Flynn chuyện gì bây giờ?
Chuyện khác nữa. Báo New York Times đăng nguyên văn danh sách gần 50 câu hỏi công tố Mueller muốn hỏi TT Trump. Những câu hỏi xoáy quanh hai vấn đề chính như ông Trump có những liên lạc nào với các viên chức Nga và diễn biến việc giải nhiệm giám đốc FBI Comey ra sao, nhưng cũng có những câu hỏi liên quan đến các vụ kinh doanh của ông Trump trước đây, cũng như những trao đổi với luật sư riêng của tổng thống, ông Cohen.
Không ai rõ danh sách này có chính xác hay không và làm sao NYT nhận được, do ai xì ra? Thật ra câu hỏi “ai xì ra” cũng bằng thừa khi danh sách do nhóm Mueller lập ra mà lại được NYT phổ biến. Đó là cách ông Mueller loan tin cho thiên hạ biết TT Trump đang bị nghi ngờ chuyện gì, qua đó, TTDC bảo đảm sẽ tiếp tay vặn hỏi TT Trump. Chưa bao giờ lại có chuyện công tố ‘thông đồng’ với báo chí lộ liễu như bây giờ.
Bỏ qua việc ai xì danh sách này ra, nhìn vào các câu hỏi, các chuyên gia thấy ngay đó là một cái bẫy khổng lồ để bắt TT Trump không phải về tội thông đồng với Nga, mà về tội cản trở công lý hay nói láo với ông Mueller. Các câu hỏi đều thuộc loại gọi là ‘câu hỏi mở’ –open questions- không cho TT Trump trả lời ngắn gọn kiểu ‘có hay không’, ‘đúng hay sai’,… mà ép ông phải dài dòng giải thích và nhất là phát biểu tư tưởng, là những chuyện có tính chủ quan, rất dễ diễn giải, vặn vẹo để truy tố.
Các chuyên gia luật cũng ngạc nhiên thấy có nhiều câu hỏi rất lạ, như TT nghĩ sao về việc này, việc nọ. Hay TT cân nhắc như thế nào, nghĩ gì, bàn với ai trước khi giải nhiệm ông Comey? Hay tại sao đến bây giờ TT vẫn còn chỉ trích ông Comey? Đây là loại câu hỏi không phải là để đi tìm dữ kiện mà là đi tìm ý đồ, cách suy nghĩ. Người ta có thể đặt câu hỏi công tố Mueller đang làm ‘cảnh sát tư tưởng’ hay sao? Đang tìm cách truy tố TT Trump về tội ‘suy nghĩ’ chuyện gì đó hay sao? Luật pháp Mỹ quy định ‘làm’ một chuyện gì sai luật mới là phạm pháp. Công tố Mueller bây giờ tìm cách tố TT Trump không phải vì đã ‘làm’ chuyện gì, mà vì đã ‘suy nghĩ’ chuyện gì đó.
Danh sách câu hỏi có điểm đặc biệt là … chẳng có gì mới lạ về chuyện ‘thông đồng’ với Nga. Tất cả những câu hỏi đều liên quan đến những chuyện ai cũng biết rồi. Có nghĩa là trong hơn một năm qua, công tố Mueller đã không khám phá ra bất cứ ‘tội’ mới nào ngoài việc vồ mấy con ruồi về những chuyện chẳng dính dáng gì đến thông đồng với Nga của ông Trump. Nếu dựa trên những chuyện mọi người đều biết thì cho đến nay, chưa ai thấy TT Trump đã phạm tội gì.
LS Giuliani của TT Trump đang điều đình về các chi tiết của cuộc phỏng vấn TT Trump của công tố Mueller, như phỏng vấn bao lâu, bao nhiêu câu hỏi, có hữu thệ không, câu hỏi nào được hay không được hỏi, có thu hình, có phổ biến cho báo chí và công chúng hay không,… Tin mới nhất, ông Giuliani đã đề nghị công tố Mueller nộp các câu hỏi để TT Trump trả lời trên giấy tờ cho rõ ràng minh bạch chứ không qua phỏng vấn miệng, nhưng công tố Mueller đã bác đề nghị này, có thể vì biết tính nói năng bừa bãi của TT Trump, nên muốn hỏi miệng, dễ bắt tội ‘khai gian’ nếu tổng thống nói lộn chuyện gì, như tướng Flynn khai lộn ngày gặp đại sứ Nga.
Tin mới nhất được xì ra là công tố Mueller đe dọa nếu TT Trump không hợp tác, tự nguyện nhận gặp công tố Mueller để trả lời các câu hỏi, thì công tố Mueller có thể ra pháp lệnh –subpoena- bắt TT Trump phải gặp ông hay ra trước một đại bồi thẩm đoàn –grand jury- để trả lời.
Chuyện không giản dị. Trong lịch sử Mỹ, chưa có một tổng thống nào đã bị subpoena và phải ra điều trần. TT Nixon bị trát tòa bắt phải giao nộp cuốn băng ghi âm chứ không bị bắt ra thẩm tra. TT Clinton bị dọa subpoena, sau đó điều đình để được chất vấn với nhiều điều kiện quan trọng, vì áp lực chính trị. Đặc biệt hơn nữa trong trường hợp TT Trump, công tố Mueller không phải là công tố độc lập thuộc ngành Tư Pháp, mà chỉ là công tố đặc biệt của bộ Tư Pháp, tức là viên chức thuộc thẩm quyển của Hành Pháp dưới quyền tổng thống.
Trên căn bản pháp lý, subpoena của công tố Mueller nếu có, có giá trị như thế nào với TT Trump là điều các luật gia đang tranh cãi, có thể sẽ phải lên đến Tối Cao Pháp Viện giải quyết (các cụ tỵ nạn xin đừng hấp tấp kết luận ẩu vì phe đảng để rồi hố to như vụ TCPV biểu quyết 9-0 cho TT Trump trong vụ sắc lệnh giới hạn di dân). Dù sao, subpoena cũng sẽ đặt TT Trump dưới áp lực chính trị rất nặng nề. Và đó chính là vũ khí công tố Mueller muốn dùng: áp lực chính trị lên TT Trump.
Dân Mỹ cũng đã bắt đầu nhìn thấy bức hình chung: Theo thăm dò của một đài TV ‘phe ta’, CBS, 54% khối độc lập không đảng phái nghĩ công tố Mueller có mưu đồ chính trị -politically motivated- trong cuộc điều tra, và gần 1/4 cử tri DC cũng nghĩ vậy. Một con số nguy hơn nữa: 64% cho rằng ông Mueller đi câu lâu quá và đã đến lúc kết thúc cuộc điều tra rồi. Đây là những con số khá lạ lùng khi ta biết toàn thể bộ máy TTDC đã bênh vực, bào chữa, tiếp tay cho công tố Mueller mạnh như thế nào trong cả năm qua. Chứng tỏ dân Mỹ không dễ bị TTDC cho vào tròng đâu.
Cũng trong câu chuyện này, có tin ông Comey đã có ‘sáng kiến’ tự biện minh nghe rất vui tai: bị chất vấn về vấn đề xì các bản ghi chú của ông ra, ông Comey giải thích ông “không phải là xì tin mật” mà chỉ là “chia sẻ suy nghĩ cá nhân” vì tài liệu ghi chép của ông là tài liệu cá nhân không thuộc sở hữu của FBI. Đây là cách ngụy biện phản sự thật thô bạo nhất của một giám đốc FBI là người chuyên đi bắt người khai gian. Ông ghi chép cuộc thảo luận mật của giám đốc FBI với tổng thống, kể lại những câu nói của tổng thống, trên máy computer của FBI, trong giờ làm việc tức là trong khi làm công vụ lãnh lương của FBI, sao lại là tài liệu cá nhân của riêng ông.
Nhân vụ ‘có tội’, TT Trump đi vận động cho cuộc bầu tháng Mười Một tới, đã tuyên bố nếu phe DC thắng, họ chắc chắn sẽ tìm cách đàn hặc ông, đúng như diễn đàn này đã bàn nhiều lần.
Ta cần biết TT Trump nói đến nguy cơ đàn hặc để lay tỉnh cử tri CH, cho họ thấy phe DC sẽ không từ một thủ đoạn nào để đảo chánh ông, chẳng có nghiã là TT Trump nhận tội gì. Đàn hặc hay không chưa ai biết, chỉ biết cả hai lãnh tụ DC tại Hạ Viện (bà Pelosi) và Thượng Viện (ông Schumer) đều đã chính thức bác bỏ và cảnh giác các đồng nghiệp cần chấm dứt nêu chuyện này ra, chẳng những không thực hiện được mà lại kích động cử tri ủng hộ TT Trump đi bầu cho đông thôi, bất lợi cho phe ta.
Nôm na ra, phe DC đang cố tránh né nói chuyện đàn hặc trong khi TT Trump lại cố lôi chuyện đàn hặc ra để kích động cử tri CH.
Khổ cho vài cụ tỵ nạn không hiểu vấn đề, nghe TT Trump nói lo sợ bị đàn hặc, nhẩy tưng tưng mừng rỡ gửi email khắp nơi, đại khái hô hoán Trump đã biết mình có tội và cho các fans của ông biết ông sắp sửa bị truất phế. Vì thiếu hiểu biết, các cụ tưởng đang đánh Trump trong khi thật ra đang tiếp tay cho ông ta. Hố to rồi các cụ ơi!
Trong khi đó, TTDC đang làm rùm beng về câu chuyện luật sư Avenatti của cô đào đóng phim sex tố cáo luật sư Cohen của TT Trump đã nhận được tiền của vài công ty Nga. TTDC làm rùm beng chuyện nhận tiền với ý đồ ám chỉ đây là tiền Nga ‘thông đồng’ với Trump. Chẳng biết có đúng hay không, kẻ này chỉ théc méc sao ông Avenatti lại có được những hồ sơ kinh doanh tuyệt mật của ông Cohen vài ngày sau khi công tố Mueller cho FBI đến tịch thu hồ sơ của ông Cohen? Có mùi khét khét! Đã có sự ‘thông đồng’ gì giữa ông Avenatti với ông Mueller chăng?
Một câu hỏi khác: các luật sư Mỹ đều lãnh lương cỡ cả ngàn đô một giờ làm việc. Vậy chứ ai là người đứng trong hậu trường trả lương cho ông Avenatti nhỉ? Ông Avenatti cho biết ông lãnh thù lao từ một quỹ do thiên hạ đóng góp để bênh vực cô đào, dĩ nhiên chẳng ai biết ai đóng góp vào quỹ và đóng bao nhiêu. Có cần công khai hóa ra không?
Một điều lộ liễu mà TTDC không bàn tới: những giao dịch kinh doanh của ông Cohen có liên quan gì tới việc Trump thông đồng với Nga? Cho dù ông Cohen có nhận tiền của một công ty Nga thì cũng có thể chỉ là tiền thù lao do ông Cohen làm việc gì đó cho công ty Nga thôi, có liên quan gì đến TT Trump hay cuộc bầu cử? Ta đừng quên TT Trump chỉ là một thân chủ và ông Cohen còn không biết bao nhiêu thân chủ khác và lo không biết bao nhiêu vụ thưa kiện khác, không dính dáng gì đến TT Trump hết.
Nhìn vào tất cả những chuyện trên, người ta có cảm tưởng cuộc săn phù thủy của công tố Mueller đang gặp khó khăn lớn. Ít nhất thì muốn tiếp tục, công tố Mueller sẽ phải vất vả thuyết phục các quan tòa là ông không đi săn phù thủy và sẽ phải đưa ra ánh sáng cách làm việc của ông, các tài liệu và ‘bí mật’ ông đã khám phá, không còn có thể điều tra trong bí mật, không ai biết ông đang làm gì, có được những tin gì, và ông không thể tự do múa võ Sơn Đông, giăng bẫy giờ chót được nữa. Để xem ông sẽ làm gì đây.

Giới thiệu bài: Sau khi viết xong bài này, Diển Đàn có nhận được một bài của độc giả KTAH cũng viết về công tố Mueller. Tuy có vài phần trùng hợp, nhưng bài viết của độc giả này có tính bổ túc, có nhiều chi tiết bài Bình Luận này không viết tới. Xin giới thiệu cùng quý độc giả bài mới này trên trang ‘Bài Khách’ tuần này. Và cũng xin cám ơn độc giả KTAH đã góp bài.