Phải đạo chính trị cấp tiến thời thượng mang rất nhiều hình thức, từ những chuyện hết sức dấm dớ như không nhìn nhận giới tính qua thể xác để rồi tất cả bối rối không còn nhận thức được ai đực, ai cái, cầu tiêu, phòng tắm lẫn lộn, hôn nhân loạn xà bần, con cái chẳng còn bố hay mẹ, đến những chuyện như sỉ vả thượng tôn da trắng nhưng lại tung hô thượng tôn da đen, rồi chuyện dạy trẻ con 6 tuổi cách thủ dâm, cho tới miệt thị các tôn giáo trong khi tôn giáo chính là nền tảng đã khuyến khích lòng nhân đạo và bảo đảm sinh tồn cho nhân loại cả mấy ngàn năm nay,…
Cả nước Mỹ đang sôi nổi bàn tán về một phong trào mới trong chính sách giáo dục nhồi sọ và tẩy não của khối cấp tiến. Đó là việc ‘tưng bừng khai trương’ một môn học mới, trong sách lược tiến nhanh, tiến mạnh xuống hố cả nước.
Phải đạo chính trị bây giờ đang thâm nhập sâu đậm vào giáo dục, với hy vọng thay đổi cách suy nghĩ và lối sống của các thế hệ tương lai, qua việc mở các lớp dạy gọi là ‘Critical Race Theory’.
Cái trò quái quỷ đó là gì?
Trước hết, nói về danh từ. ‘Critical Race Theory’ đại ý, nghĩa là ‘lý thuyết sâu sắc về chủng tộc’. Critical ở đây mang ý nghĩa một nghiên cứu hay phân tích sâu sắc, kỹ lưỡng.
Đây là một môn học mới, tuy đã được ‘phát minh’ ra từ thập niên 90, nhưng không thành công thu hút được ai. Thời TT Trump, ông cấm không cho dạy môn học này trong các trường nhận tài trợ của chính quyền liên bang, và cấm trong các chương trình huấn luyện nhân viên của các công ty có hợp đồng với chính quyền liên bang. Năm 2019, phong trào gọi là ‘nghiên cứu về quá trình kỳ thị da đen trong lịch sử Mỹ’ nổ bùng ra với một đề nghị của báo thiên tả New York Times, tung ra cái gọi là Project 1619 hay Dự Án 1619. Năm 1619 là năm người da đen từ Phi Châu lần đầu tiên được mang vào Mỹ làm nô lệ. Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu.
(https://en.wikipedia.org/wiki/The_1619_Project).
Qua thời cụ Biden, môn học này bất thình lình trở thành thời thượng, rất là ‘à la mode’. Tuy nhiên, ít nhất 6 tiểu bang đã hay đang soạn thảo luật cấm dạy môn này trong các trường của tiểu bang (Tennessee, Texas, Georgia, Arkansas, South Dakota, và Arizona). Tiểu bang Florida chưa có trường nào dạy nhưng Hội Đồng Giáo Dục -Board of Education- của tiểu bang đã phê chuẩn việc cấm dạy môn này trong tiểu bang. Một số phụ huynh tại Virginia đã kiện để cấm không cho các trường công dạy môn này.
Một cách thật tóm gọn, môn học này trên căn bản dạy thiên hạ về lịch sử tình trạng nô lệ da đen ở Mỹ, nghiên cứu những khác biệt và xung đột về chủng tộc, đưa đến tình trạng kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, nhưng trên thực tế mang tính công kích dân da trắng, cho đây là khối dân đã kỳ thị, chèn ép hay thậm chí áp bức tất cả các sắc dân khác, đặc biệt là dân da đen. Trên căn bản, đây có vẻ là một môn học nhằm mục đích đả phá mọi kỳ thị chủng tộc, xây dựng đại đoàn kết, nhưng trên thực tế, là môn học có tính bôi bác, kỳ thị dân da trắng, đốc thúc hay sách động dân da màu nổi lên chống lại khối dân da trắng, và tung hô những đức tính và đóng góp của dân da đen. Cổ võ cho việc dân da trắng phải tạ lỗi và bồi thường tài chánh cho dân da đen.
GS Christopher Rufo, một chuyên gia xã hội học Mỹ, cho rằng đây chỉ là một hình thức biến thể của đấu tranh giai cấp mà Karl Marx chủ trương.
https://tinyurl.com/DDTC-CriticalRace
Ai cũng biết Marx hô hào cổ võ cho đấu tranh giai cấp, trong đó khối dân nghèo đứng lên lật đổ khối dân giàu, thiết lập chế độ độc tài vô sản chuyên chính. Chủ thuyết gọi là marxism đã thành công, chiếm được quyền tại Nga, Tầu, và một số nước chậm tiến khác.
Nhưng những thành công đó, dù được duy trì bằng những phương thức tàn bạo nhất khiến cả trăm triệu người đã bị giết từ Liên Xô đến Trung Cộng, Việt Cộng và Khờ-Me Đỏ, cuối cùng cũng vẫn xụp đổ toàn diện như ở Liên Xô, Đông Âu, hay xụp đổ một phần lớn tại Trung Cộng và VN, là những nơi chế độ CS còn sống sót vì khéo léo núp sau bức màn 'ái quốc', 'đấu tranh chống ngoại bang' (TC), hay 'đấu tranh giành độc lập' (VN), chứ không dám trắng trợn hô hào vô sản chuyên chế, để rồi cuối cùng vẫn phải đẻ ra những quái thai ‘kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa’ để tồn tại.
Quan trọng không kém là cái chiêu bài đấu tranh giai cấp không ăn khách tại Tây Âu và Mỹ.
Bên Tây Âu, các tư tưởng gia thiên tả đành chấp nhận một thứ gọi là ‘marxism light’, nghĩa là xã nghĩa hồng hồng mà Diễn Đàn Trái Chiều đã bàn qua. Trong khi bên Mỹ, tình trạng tệ hại hơn khi ngay cả cái xã nghĩa nửa nạc nửa mỡ của Tây Âu cũng bị nghi ngờ và bác bỏ, không được dân Mỹ chấp nhận, mà trái lại, chỉ đưa đến những phản ứng ngược là dân Mỹ sau khi nếm sơ sơ mùi xã nghĩa hồng nhạt của các TT Carter, Clinton, Obama, bị kiết lị, đã lại nhẩy qua các ông bảo thủ nặng như Reagan, Bush con, và Trump. Theo cái đà này, người kế nhiệm cụ Biden sẽ lại là một ông bảo thủ nặng nào đó.
Nói cách khác, theo GS Rufo, lá bài đấu tranh giai cấp chỉ ăn khách trong các chế độ Âu Châu thời mới bước vào cách mạng kỹ nghệ -industrial revolution- của đầu thế kỷ 20, hay trong những xứ canh nông chậm tiến, nhưng không ăn khách trong các xứ kỹ nghệ tân tiến Âu Mỹ.
Do đó, các nhà tư tưởng thiên tả phải nghĩ ra một phương thức kích động đấu tranh mới, lái câu chuyện đấu tranh giai cấp thành câu chuyện đấu tranh chủng tộc, vũ khí mới của marxism, để thay thế đấu tranh giai cấp, không còn hữu hiệu nữa.
Kỳ thị chủng tộc là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Mỹ, nơi đã có tình trạng nô lệ da đen trong cả mấy trăm năm từ những ngày lập quốc. Trên thế giới, không có xứ nào có một chế độ nô lệ công khai và phải nói thẳng, tàn bạo như Mỹ thời đó, kể cả thời đế chế La Mã.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dân nô lệ da đen được giải thoát không phải vì họ vùng dậy tranh đấu, mà là nhờ những dân da trắng khác, nhân đạo hơn, chống nô lệ, muốn giải thoát họ bằng mọi cách, kể cả việc da trắng đánh giết nhau với da trắng trong một cuộc nội chiến đẫm máu nhất lịch sử Mỹ. Ngay cả hiện nay, những người tranh đấu mạnh nhất chống kỳ thị da đen phần lớn cũng là những dân da trắng, đặc biệt là khối trí thức thiên tả.
Cái mỉa mai lớn của lịch sử Mỹ là đảng DC bây giờ đang là đảng cổ võ ồn ào nhất chống lại nạn kỳ thị dân da màu, lo chụp cái mũ kỳ thị lên đầu đảng CH, trong khi trước đây, đảng DC này chính là đảng chủ trương giam hãm nô lệ da đen, chống lại tổng thống CH Abraham Lincoln đưa đến nội chiến đẫm máu, và cũng chống luôn tổng thống DC Lyndon Johnson khi ông này cố tung ra những luật bảo vệ nhân quyền và dân quyền của dân da đen thập niên 60. Nhắc lại, TT Johnson đã thành công thông qua được những luật lớn nhất giúp dân da đen được tham gia chính trị Mỹ (Civil Rights Act 1964 và Voting Rights Act 1965), đưa đến việc sau này bầu ông da đen Obama làm tổng thống, phần lớn nhờ hậu thuẫn của đảng CH khi đó thống trị các tiểu bang miền bắc, trong khi gặp sự chống đối mạnh nhất của các tiểu bang DC miền nam. Luật này khi đó bị khối 14 nghị sĩ DC miền Nam -gọi là Southern Bloc- chặn, cầm đầu bởi các TNS James Eastland của Mississippi và Strom Thurmond của South Carolina. Cũng phải nhắc lại, tổ chức da trắng thượng tôn kỳ thị dân da đen một cách tàn bạo và độc ác nhất là Ku Klux Klan, chính là một con đẻ của đảng DC, và lãnh đạo khối DC tại thượng viện thời đó là TNS Robert Byrd, một thành viên bí mật của KKK.
Chủ đề chính, hay mũi dùi chính của thuyết đấu tranh chủng tộc hiện nay nhắm vào việc đòi ‘công bằng’ cho dân da đen. Danh từ phải đạo chính xác là ‘bình đẳng xã hội’, social equity. Bình đẳng hay công bằng là một cái gì hết sức quan trọng trong văn hóa Tây phương, rất ăn khách, ngay từ cuộc cách mạng của Pháp năm 1789, đẻ ra khẩu hiệu ‘Liberté, Égalité, Fraternité’ nổi tiếng của Pháp. Tất cả các lý thuyết nhân sinh của các nhà tư tưởng xã nghĩa xuất phát từ Âu Châu đều lấy bình đẳng làm nền tảng. Nhưng bình đẳng trong giai cấp hết ăn khách, bây giờ phải chuyển qua một thứ bình đẳng khác, bình đẳng chủng tộc.
Ở đây, danh từ ‘bình đẳng’ cần phải được bàn rộng hơn.
Trước đây, danh từ Mỹ dùng chữ ‘equality’, mà tiếng Việt dịch ra là ‘bình đẳng’. Bây giờ, danh từ Mỹ mới gọi là ‘equity’, mà tiếng Việt chưa có danh từ tương đương, dịch cho chính xác. Do đó, cần phải giải thích chi tiết.
‘Equality’ thường được hiểu như không kỳ thị, không phân biệt màu da, cho tất cả mọi người cơ hội đồng đều để tiến thân. Chẳng hạn, tất cả mọi người đều được hưởng cùng một chính sách giáo dục, hay cùng một cơ hội có việc làm, và cùng một cơ hội thăng quan tiến chức, cùng một cơ hội làm giàu. Đi xa tới đâu là tùy mỗi người. Chính sách này được gọi là ‘đồng đều cơ hội’ hay equal opportunities. Chỉ cho ‘cơ hội’ đồng đều thôi.
Cái kẽ hở của chính sách đồng đều cơ hội, theo phe cấp tiến cực đoan nhất, là vẫn chưa đủ bình đẳng, hay chính xác hơn là chỉ bình đẳng ở ‘đầu vào’ mà không ở ‘đầu ra’, nghĩa là mọi người đều được cùng cơ hội tiến thân, nhưng thành công hay không là chuyện khác, đưa đến tình trạng có người thành công lớn, trong khi nhiều người vẫn thất bại nặng, không khai thác được cơ hội đồng đều, vì nhiều yếu tố căn bản phức tạp. Chẳng hạn họ tố cáo nền giáo dục hiện hữu thiên vị dân da trắng vì do dân da trắng sáng tạo ra để phục vụ văn hóa và khả năng của dân da trắng, có thể không thích hợp với văn hóa hay khả năng bẩm sinh của dân da đen, do đó dân da đen cho dù có học, cũng không thể thành công bằng dân da trắng.
Ngay cả trong công việc làm, những yếu tố cần có để thành công cũng là những yếu tố phù hợp với tính tình và khả năng của dân da trắng, nên dân da đen khó thành công hơn. Không bình đẳng!
Ở đây, kẻ này nhớ lại có một bà nhà văn da đen của Phi Châu đã viết một cuốn sách từng được hoan nghênh kịch liệt tại Phi Châu. Trong sách đó, bà lên án các quốc gia văn minh tiên tiến đã tích cực giúp Phi châu những thứ Phi Châu không cần mà cũng chẳng muốn. Bà hỏi tại sao các xứ Mỹ và Âu Châu muốn giúp Phi Châu xây đường xá, xa lộ, muốn dân Phi Châu có máy lạnh, TV, tủ lạnh, nhà chọc trời, đi xe hơi,… Bà cho rằng dân Phi Châu không có những nhu cầu mà dân da trắng coi như thiết yếu nhất trong cuộc sống, không có không được. Bà cho rằng dân Phi Châu không cần toán học, không cần kỹ sư cầu cống, không cần tìm cách lên mặt trăng, không cần những tiện nghi vật chất tây Phương, rất thoải mái với mái nhà tranh đầy cửa sổ mà không cần máy lạnh, chỉ muốn đi câu cá sau hồ gần nhà hay ăn gà vịt nuôi trong sân nhà, hay săn nai trong rừng sau nhà, mà không cần ăn thịt bò trong tủ lạnh. Nói tóm lại, bà tố cáo dân da trắng chỉ cố biến dân da đen thành da trắng, tập cho dân Phi Châu có những nhu cầu của dân da trắng để tư bản da trắng có thể bán hàng hóa của họ tại Phi Châu. Nghĩa là đã chẳng ai coi văn hóa hay khả năng bẩm sinh của dân da đen ra gì.
Do đó, phe cấp tiến cực đoan nhất tung ra chiêu bài bình đẳng mới, gọi là ‘equity’. Nôm na ra, đồng đều cơ hội chưa đủ, mà trái lại, các khối thiểu số còn cần phải được giúp đỡ, được nhiều kiểu ưu thế khác thì mới thật sự đưa đến bình đẳng -equity- một cách công bằng -fair. Một cách cụ thể chẳng hạn, học sinh da đen phải được thêm điểm đặc biệt so với học sinh da trắng, hay tốt hơn nữa, hủy bỏ luôn chính sách chấm điểm để không còn ‘kỳ thị’ giữa các học sinh giỏi hay dở nữa.
Có một bức tranh mang tính hý họa, nhưng có thể giải thích khá rõ ràng sự khác biệt giữa equality và equity:
Trong equality, cả ba đứa trẻ đều được đứng trên cùng một thùng bằng nhau, equal opportunity, do đó, đứa lùn nhất vẫn chẳng nhìn được gì. Trong equity, các thùng đều khác biệt tùy từng đứa trẻ, do đó, giúp cả ba đứa đều nhìn thấy hết.
Cái lý luận này thoạt nghe có vẻ hợp lý và hấp dẫn, nhưng có một sơ hở vĩ đại mà ông thẩm phán da đen duy nhất trong Tối Cao Pháp Viện, Clarence Thomas, đã lớn tiếng công kích: đó là dựa trên giả thuyết dân da đen bẩm sinh khả năng thấp kém hơn dân da trắng nên cần tới hai thùng để đứng mới bằng một anh da trắng. Nói trắng ra, mạc nhiên coi như trong bức tranh hý họa trên, anh lùn nhất là anh da đen trong khi anh cao nhất là anh da trắng. Bỏ qua chiều cao thực tế, lý thuyết này hiển nhiên mang tính miệt thị, sỉ nhục dân da đen, không hơn không kém.
Theo ý kiến của TP Thomas, đây mới chính là kỳ thị thật.
Còn nói về khác biệt văn hóa gì đó, có vẻ cường điệu vì 1+1=2 chẳng hạn, là một nguyên tắc luôn luôn đúng, bất kể học sinh là da trắng hay da đen hay da vàng. Hiểu được hay không là chuyện khác, không liên quan gì đến màu da.
Cái sơ hở thứ hai là kiểu lý luận này khuyến khích những người không giỏi an phận ở chỗ không giỏi, để chờ được người khác cõng hay bắc thùng cho leo lên cho bằng người giỏi. Nghĩa là tạo ra cái thế ỷ lại, bạc nhược, không muốn tranh đấu để tiến thân.
Nhưng sơ hở lớn nhất, bị công kích nhiều nhất, chính là cái mâu thuẫn của thuyết này: trên căn bản có mục đích xóa làn ranh chủng tộc, mà trên thực tế lại hoàn toàn đặt nền tảng trên sự khác biệt màu da, và triệt để khai thác khác biệt đó, cố tận diệt quan điểm thượng tôn da trắng nhưng lại tung hô thượng tôn da đen. Có thể nói thuyết này đi ngược lại quan điểm của chính mục sư Martin Luther King khi ông này chủ trương thật sự đồng đều màu da chứ không bao giờ có ý nghĩ chà đạp da trắng để nâng cao da đen.
Dù sao thì cái quan điểm equity mới này cũng đã đi đến kết luận tất cả phải bắt đầu lại từ đầu, phải xóa bỏ hết những cái quan niệm sai lầm trước đây. Đưa đến hiện tượng mới, gọi là ‘văn hóa xóa bỏ’ -cancel culture-, xóa bỏ hết, kể cả lịch sử cũng phải viết lại hết.
Tất tần tật, giáo dục, lịch sử, văn hoá, cả thể thao, luôn cả thẩm mỹ (black is beautiful) đều phải được cách mạng hóa, lật ngược lại hay thay đổi trọn vẹn, tất cả mọi nơi. Nhân danh cái gọi là ‘woke culture’ hay ‘văn hóa thức tỉnh’. Một cuộc cách mạng văn hóa toàn diện. Toàn bộ câu chuyện nằm trong chính sách phải đạo chính trị cấp tiến, mà danh từ thời thượng mới xuất hiện gọi là ‘woke culture’. Woke là thì quá khứ của ‘to wake’, thức tỉnh.
Mới đây, ta đã có dịp thấy cuộc cách mạng văn hóa này trong chính quyền của cụ Biden. Chẳng hạn tổ chức gián điệp CIA tung ra quảng cáo để tuyển nhân viên dựa trên những tiêu chuẩn thức thời vận lạ lùng nhất, đưa một bà da đen đồng tính ra làm mẫu nhân viên lý tưởng của CIA, chứ không phải là loại gián điệp lạnh lùng, cực kỳ bén nhạy, bắn nhanh như chớp, biết đủ võ Tầu võ Nhật, sử dụng đủ loại vũ khi tân kỳ, hào hoa nhanh trí như James Bond nữa.
Trong khi đó, bộ Quốc Phòng sa thải cả mấy trăm nhân viên không phải vì không có khả năng chuyên môn, mà chỉ vì chưa ‘giác ngộ’ được nhu cầu thức tỉnh theo phải đạo chính trị cấp tiến mới. Bộ Tài Chánh thì bắt tất cả nhân viên theo học khóa huấn luyện lại các nguyên tắc tài chánh phải đạo mới, trong đó, căn bản là tất cả dân da trắng đều kỳ thị chủng tộc, khai thác dân da đen để làm giàu, do đó tất cả các công chức của chính quyền liên bang phải chống kỳ thị chủng tộc, chặn đứng mọi ý đồ khai thác dân da đen.
Nôm na ra, các công chức Mỹ, từ trước đến giờ vẫn là những chuyên gia văn phòng, là những người có thể nói lửng lơ con cá vàng với các loại ý thức hệ bất kể tả hữu, bây giờ đang bị bắt phải trở thành những chiến sĩ trong cuộc chiến của ‘ý thức hệ thức tỉnh’ hay ‘woke ideology' mới.
Như kẻ này đã viết, tiêu chuẩn mới của hệ thống hành chánh Mỹ là ‘hồng hơn chuyên’, y chang dưới các chế độ Tầu cộng và Việt cộng.
Kẻ này chẳng mấy thắc mắc chuyện mấy ông công chức biến thành chiến sĩ gì gì đó vì cái nghề công chức cạo giấy, sáng xách ô đi, chiều vác cặp về, có làm chiến sĩ cũng chẳng đe dọa ai. Tuy nhiên, phải nói kẻ này thật sự lo lắng cho an ninh nước Mỹ khi các quan chức CIA và bộ Quốc Phòng toàn là loại cấp tiến ‘thức tỉnh’ chăm chú vào những tư tưởng phải đạo chính trị dấm dớ mà lại lơ là chuyện an ninh và quốc phòng, những mối nguy thực tế Nga, Trung Cộng, Hồi giáo quá khích,…
Ở đây, xin mở ngoặc viết về một chuyện lạ mới thấy. Trên hệ thống email của cộng đồng, có người hãnh diện loan tin trường hải quân Mỹ năm nay có tới 9 sĩ quan gốc Việt. Một anh cuồng mê Biden, hiển nhiên thiên tả, đã phán ngay đại khái phải như có 9 bác sĩ hay nha sĩ, dược sĩ, luật sư,… có tốt hơn không? Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn nhất. Vâng, có thể là tốt hơn, cho đến khi lính Nga hay Trung Cộng hay Iran gì gì đó đổ bộ lên bờ biển Cali hay New York, thì ta sẽ thấy các bác sĩ mang kim chích và luật sư đó mang miệng lưỡi ra chống cự, bảo đảm lính xâm lăng sẽ lăn ra chết hết ngay.
Trở về câu chuyện, theo GS Rufo, trên thực tế cái equity mới này vẫn chỉ là một thứ marxism với một cái áo mới, mũ mới thôi. Bằng chứng cụ thể nhất là một bà giáo sư của Đại Học UCLA của Los Angeles, một trong những tác giả khai sinh ra chủ thuyết racial equity, đã công khai cổ võ cho việc thực hiện equity bằng cách sung công đất đai và của cải của giới có của da trắng để tái phân phối lại cho dân da đen, nghĩa là tái phân phối tài sản quốc gia dựa trên tiêu chuẩn màu da. Nhìn vào bức tranh hý họa trên, có nghĩa là lấy hết mấy cái thùng để cho anh lùn da đen.
Marxism nguyên thủy chủ trương sung công hết tài sản của giới nhà giàu để tái phân phối lại cho dân nghèo, bây giờ, equity chủ trương sung công hết tài sản của dân da trắng để tái phân phối lại cho dân da đen.
Đây thật ra không phải là chuyện mới lạ. Tại Zimbabwe ở Phi Châu, nhà độc tài Robert Mugabe, đã từng công khai tịch thu tất cả ruộng đất, đồn điền của dân da trắng thời thuộc địa Anh, để tái phân phối lại cho dân da đen. Nhưng mục tiêu của ông Mugabe khác vì đây là việc ông chia đất của đám thực dân đã cưỡng chiếm cả trăm năm trước để trả về cho dân bản địa. Trong mô thức hiện nay của equity kiểu Mỹ, dân da đen chưa bao giờ là chủ mảnh đất nào cũng chẳng phải là dân bản địa, nhưng được chia vì lý tưởng công bằng equity.
Chưa nói tới chuyện Mỹ đang theo gương văn minh, công bằn của Zimbanwe! Nước Mỹ hồi nào tới giờ là gương văn minh chính trị cho cả thế giới, bây giờ, Zimbabwe lại trở thành gương sáng của Mỹ. Xin chúc mừng cụ Biden, học trò giỏi của Mugabe! Đã mang nước Mỹ lùi lại vài trăm năm tới sau lưng... Zimbabwe luôn.
Chúc mừng cụ Biden vì chính quyền Biden đang cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của khối da đen nhân danh equity. Dưới đây là vài chương trình cụ Biden đã, đang, và có thể sẽ thực hiện:
- Xóa nợ sinh viên, hầu hết các sinh viên mắc nợ mà không trả là sinh viên da đen;
- Bồi thường dân da đen vì đã bị dân da trắng bắt làm nô lệ trước đây; kế hoạch dự trù sẽ tốn vài chục ngàn tỷ, lấy từ tiền thuế. Hiển nhiên, thực hiện kế hoạch bồi thường này sẽ có nghĩa là những người chưa bao giờ sở hữu một anh nô lệ da đen nào (như quý vị và cá nhân tôi) sẽ phải đóng thuế để bồi thường tiền cho những người da đen chưa bao giờ từng làm nô lệ một ngày nào (như mấy anh bạn đồng nghiệp da đen cùng sở làm, có khi là xếp của quý vị và tôi luôn);
Ngoài ra còn nhiều chương trình khác nhắm sửa đổi chính sách trợ cấp, chính sách gia cư, chính sách kinh doanh, chính sách thầu dự án của liên bang,… để nâng đỡ dân da đen.
Hiển nhiên, tất cả đều nhằm mục đích tái phân phối lợi tức và tài sản theo đúng chủ nghĩa Marxism, nhưng lần này, không phải dựa trên tiêu chuẩn giàu nghèo nữa, mà là dựa trên tiêu chuẩn màu da, tức là da đen hay không.
Ở đây, chưa ai rõ đám da nâu và da vàng có được ké gì hay không. Chỉ biết cho đến nay, chuyện kỳ thị da vàng đã được chính quyền Biden và TTDC bung ra, một phần để hóa giải tinh thần chống Tầu, giúp cụ Biden thân thiện lại với Trung Cộng để cậu ấm Hunter có dịp bỏ túi vài triệu nữa, nhưng phần khác cũng là loại râu rai hoa lá cành, màu mè một chút cho bớt đen xì cho chính sách chống kỳ thị da đen, không hơn không kém. Cái đáng buồn là nhiều cụ tị nạn Việt đã không nhìn thấy rõ những hậu ý nên đã nhẩy tưng tưng ca bài ca kỳ thị da vàng như một đám vẹt dễ dạy bảo.
ĐỌC BÁO MỸ:
Bình đảng xã hội – Wikipedia:
https://en.wikipedia.org/wiki/Social_equity
Critical Race Theory đi ngược lại lý tưởng của Martin Luther King – Quilette.com:
https://quillette.com/2021/06/06/no-critical-race-theory-isnt-a-new-civil-rights-movement-just-the-opposite/
Văn hoá xóa bỏ - Fox News:
https://www.foxnews.com/entertainment/judge-judy-cancel-culture
Equity chính là kỳ thị - Fox News:
https://www.foxnews.com/opinion/tucker-carlson-equity-is-racism-bigotry-prejudice-and-hatred
Equality và Equity – Social Change (báo Anh):
https://social-change.co.uk/blog/2019-03-29-equality-and-equity/