Tạm bỏ qua chuyện 'chính trị lý lịch' hay chính trị phe đảng, nhắm mắt bầu cho phe ta, ta giả dụ có một cử tri tị nạn tỉnh táo, thật tình muốn tìm hiểu khác biệt giữa hai ứng cử viên của hai chính đảng CH và DC, để có thể vào phòng phiếu cuối năm nay, lấy một quyết định sánh suốt, vì quyền lợi cá nhân mình, vì quyền lợi gia đình, bố mẹ, vợ con, cháu chắt của mình, và vì quyền lợi chung của quê hương thứ hai, xứ cho mình dung thân này.
Người cử tri đó muốn quên hẳn những tiểu tiết 'lý lịch' như thói hư tật xấu cá nhân của những ứng cử viên Trump, Vance, Kamala, Walz, để chỉ nhìn vào 'hiện thực đời sống' (mượn tạm cụm từ của cụ TVTích! Mà chưa trả tiền bản quyền tác giả), xem ai sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của cử tri đó, bỏ qua những hứa hẹn cuội, những xu nịnh mỵ dân, những tuyên truyền lừa dân của cả hai phía, những định kiến phe đảng, những nổ sảng của Trump, những cái cười thô bạo của Kamala.
Làm sao làm được những chuyện này, nhất là trong hỏa mù chính trị, trong tuyên truyền phe đảng phịa nhiều hơn thật của cả hai phe?
Bài này sẽ cố đưa ra so sánh để quý độc giả có thể lựa chọn trong hiểu biết nhiều hơn. Ta sẽ bàn chi tiết về vài vấn đề quan trọng chính. Bài này được viết cho quý đồng hương tị nạn, do đó chú tâm vào những nhu cầu, những ưu tư của dân tị nạn, không để ý nhiều đến ưu tư của dân Mỹ chính gốc, không nhất thiết giống nhau. DĐTC sẽ bàn qua những ưu tư đó, từng điểm một, theo thứ tự mà DĐTC nghĩ là quan trọng nhất đối với dân tị nạn.
Xin nói ngay, bài viết này dành cho những người muốn cân nhắc chuyện chính sách, còn những người chỉ cần hai tiêu chuẩn 'lý lịch' phụ nữ và da đen, như cụ VVLộc nhà ta thì khỏi cần đọc, cứ nhắm mắt bỏ phiếu cho Kamala, chết bỏ.
Một số rất lớn dân tị nạn sống nhờ trợ cấp vì lợi tức tương đối thấp hay vì không có lợi tức nào khác vì không đi làm, hay sống bằng tiền già vì qua tuổi 65.
Bất chấp mọi xuyên tạc lừa thiên hạ, trợ cấp hay tiền già tuyệt đối không có thay đổi quan trọng gì bất kể dưới TT Trump hay TT Kamala, nếu mọi chuyện khác đều không thay đổi. Mọi thứ trợ cấp hay tiền già đều là những định chế đã có từ mấy chục năm nay, không có tổng thống nào có thể tăng hay giảm trợ cấp hay tiền già, hay thay đổi điều kiện hưởng nhận tùy hỷ, theo ý muốn cá nhân.
Ở đây, phải nói ngay những quỹ tiền già SSA-SSI hay ngay cả quỹ tiền bảo hiểm y tế như Medicare, Medicaid, đều đang bị đe dọa phá sản vì số người hưởng nhận ngày càng tăng -nhờ tiến bộ y khoa, dân Mỹ sống ngày càng lâu, số người già được hưởng tăng mỗi năm- trong khi số người trẻ hơn phải đóng góp ngày càng giảm -vì ham vui không muốn có con, vì chính sách phá thai thả giàn vô trách nhiệm, số dân trong giới trẻ ngày càng giảm mạnh-. Do đó, muốn những quỹ này trường tồn trong lâu dài, bắt buộc sẽ phải có những cải tổ, thay đổi cần thiết. Nhưng những thay đổi đó sẽ không tùy tiện vào bất cứ cá nhân một tổng thống nào, mà sẽ phải qua những thủ tục cực nhiêu khê, cần có tuyệt đại đa số phiếu của cả hai chính đảng trong quốc hội.
Đó là nói chuyện thực tế, nói chuyện nguyên tắc thì đảng DC luôn luôn là đảng chủ trương vung càng nhiều trợ cấp càng tốt trong khi đảng CH chủ trương càng giới hạn càng tốt.
Đảng DC chủ trương vung trợ cấp không hoàn toàn chỉ vì 'nhân đạo' giúp dân nghèo, mà cũng vì trợ cấp đã trở thành một thứ vũ khí chính trị, hay chính xác hơn, trở thành một thứ nhà tù khổng lồ, một thứ gông tròng vào cổ dân, khiến họ trở thành tù nhân của trợ cấp, tức là nô lệ của đảng DC. Trợ cấp càng nhiều thì gông càng nặng, càng siết chặt vào cổ dân. Trong khi đảng CH chủ trương trợ cấp chỉ là biện pháp giúp đỡ cuối cùng, một thứ lưới an toàn cuối cùng cứu giúp người bị nạn, trong khi cố giúp người dân thoát ra khỏi vòng trợ cấp, càng nhiều càng nhanh càng tốt để có thể tự túc tự cường, tự hào về khả năng tự lực cánh sinh, tự tay làm nên cuộc đời của chính mình, không lệ thuộc vào tiền chìa tay xin xỏ Nhà Nước, xin xỏ Biden hay Kamala hay Newsom.
Trong hoàn cảnh cá nhân, có nhiều người hoàn toàn phải trông cậy vào trợ cấp, không có lựa chọn nào khác, tiêu biểu là rất nhiều dân tị nạn HO qua Mỹ, vừa không thông thạo Anh ngữ, vừa không có khả năng nghề nghiệp cần thiết, cũng vì sức khoẻ yếu kém chẳng những vì cao tuổi mà còn vì bị CS hành hạ tới bến trong cả chục năm tù cải tạo, chưa chết là may. Đó là những người không thể nào sống không trợ cấp, chuyện tất nhiên phải hiểu và thông cảm.
Nhưng cũng có nhiều người vô ý thức, vô trách nhiệm, lười, chỉ muốn kiếm cớ nằm nhà ăn trợ cấp, rồi cũng có những người giả nhân giả nghĩa mở những cơ sở xã hội hay thiện nguyện cuội, trên nguyên tắc có mục đích trợ giúp dân tị nạn, nhưng trên thực tế chỉ là lợi dụng danh nghĩa dân tị nạn để kiếm 'funds' bỏ túi. Hai loại người sau này dĩ nhiên sẽ tìm đủ cách lừa gạt, hù dọa dân tị nạn để họ bầu cho đảng DC, là đảng muốn dùng trợ cấp để nô lệ hóa người dân.
Phe DC xuyên tạc là họ lo bảo vệ bảo hiểm y tế cho cả nước, nhất là dân trung lưu, qua cái gọi là Obamacare, trong khi phe CH chủ trương triệt tiêu Obamacare, bất cần biết giết Obamacare thì cả chục triệu dân sẽ không có bảo hiểm y tế, chết ráng chịu. Đây là loại xuyên tạc rẻ tiền, vô lý nhất, nhưng lạ lùng thay, không ít người tin là thật. Như thể đảng CH gồm những người có thể dửng dưng chống mắt nhìn cả chục triệu người lăn ra chết vì bệnh hoạn vì không có bảo hiểm y tế.
Không sai là đảng CH và nhất là ông Trump, chủ trương đóng cửa Obamacare, chỉ vì đúng như cựu TT Clinton đã nói "So you’ve got this crazy system where all of a sudden 25 million more people have health care and then the people who are out there busting it, sometimes 60 hours a week, wind up with their premiums doubled and their coverage cut in half. It’s the craziest thing in the world".
Câu hỏi là tại sao sau khi ông Trump đắc cử TT, và đảng CH nắm ưu thế trong quốc hội, năm 2017-18, họ đã không thu hồi Obamacare, để mặc cho cả chục triệu dân chết ngay khi đó?
Câu trả lời: chỉ vì nếu thu hồi Obamacare thì bắt buộc phải có hệ thống bảo hiểm y tế khác thay thế, và đảng CH đã không thu hồi Obamacare được vì không có sự đồng ý trên giải pháp thay thế. Nghĩa là cho dù muốn thu hồi Obamacare, nhưng đảng CH hiểu rất rõ chỉ thu hồi được nếu có hệ thống bảo hiểm y tế hữu hiệu khác thay thế. Chứ tuyệt đối không có chuyện đảng CH chủ trương cứ thu hồi, bỏ mặc cho cả chục triệu người chết như đảng DC hù dọa sảng.
Nôm na ra, không có ai phải lo sợ gì hết. Một là Obamacare sẽ còn đó, hai là Obamacare bị thu hồi, thì sẽ có hệ thống bảo hiểm y tế tốt hơn thôi.
Nhìn chung vào tương lai xa, đảng DC và nhất là bà Kamala chủ trương áp đặt một mô thức bảo hiểm y tế theo mẫu Tây Âu, tức là Nhà Nước độc quyền cung cấp bảo hiểm và dịch vụ y tế cho dân cả nước, toàn quyền ấn định giá thuốc, giá bác sĩ và giá bệnh viện, trong khi dân cả nước khỏi phải trả tiền gì hết. Nói cho dễ hiểu, đó là chính sách quốc hữu hóa hay xã nghĩa hóa hệ thống y tế, từ bảo hiểm y tế tới cung cấp dịch vụ y tế cho toàn dân. Tất cả 'miễn phí'.
Tất cả 'miễn phí'? Nghe cứ như thật. Thực tế, trong chế độ đó, đang được thi hành bên Tây Âu, người dân, bất cần biết có bệnh hay không, kể cả các thanh niên trẻ rất khỏe mạnh, không biết cảm cúm sổ mũi là gì, cũng đã phải đóng trước gần nửa tiền lương hay lợi tức cá nhân cho bảo hiểm y tế rồi. Trên cõi đời ô trọc này, chẳng có gì miễn phí hết. Câu hỏi là muốn có chính sách bảo hiểm y tế 'miễn phí' cho cả nước, sẽ tốn bao nhiêu? Pháp có chính sách y tế này, và mỗi người dân phải đóng thuế mỗi năm gần nửa mức lương, bất kể bệnh hay không. Dân Mỹ và dân Việt tị nạn có sẵn sàng đóng gần nửa lợi tức cho Sở Thuế cả đời, cho dù không bệnh hoạn gì không?
Trong khi đó, đảng CH chủ trương duy trì tính đa dạng của hệ thống bảo hiểm và dịch vụ y tế, qua cả trăm công ty bảo hiểm, cả ngàn bệnh viện tư, và cả triệu bác sĩ hoạt động riêng, tất cả bị chi phối bởi luật cung cầu, đưa đến tình trạng cạnh tranh tự do, các bác sĩ, bệnh viện, hãng thuốc ra sức thi đua cung cấp sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất cho thiên hạ.
Muốn biết chính sách nào tốt hơn, chỉ cần so sánh tình trạng y khoa của Mỹ với các xứ tiến bộ nhất Tây Âu. Hầu hết các loại thuốc đều sản xuất ở Mỹ, hầu hết các bệnh viện, đại học y khoa, bác sĩ giỏi nhất thế giới đều là Mỹ, phần lớn các giải thưởng y khoa như giải Nobel đều được bác sĩ Mỹ chiếm, các máy móc, dụng cụ y khoa tân kỳ nhất đều sản xuất ở Mỹ và được sử dụng nhiều nhất ở Mỹ, những nghiên cứu y khoa lớn nhất, hữu hiệu nhất cũng phát xuất từ Mỹ. Các nhà giàu, tai to mặt lớn của Tây Âu có bệnh nặng, đều đi Mỹ chữa.
Nhiều người đã trách cứ hệ thống y tế Mỹ quá đắt. Không sai. Nhưng thực tế là người dân chẳng phải trả bao nhiêu, phần lớn trả còn ít hơn phải trả bên Pháp hay bên Đức. Chính kẻ này đã từng nằm bệnh viện 5 ngày, hoá đơn bệnh viện là hơn 100.000 đô, đắt thật, nhưng kẻ này chỉ trả tới mức 'tiền túi tối đa' (maximum out-of-pocket) là 1.000 đô. Nếu ở Pháp, thì kẻ này có lẽ cũng phải trả cỡ đó, chứ không hoàn toàn miễn phí đâu; trong khi trước đó, trong khoảng 50 năm đi làm (từ ngày trốn chạy khỏi VN) đã đóng tới nửa mức lương mỗi tháng cho bảo hiểm y tế, không biết tới mấy trăm ngàn đô rồi. Cứ tính đổ đồng giả tưởng, kẻ này lãnh lương trung bình 50.000 đô một năm, trong 50 năm, lãnh tổng cộng 2.500.000 đô, chắc đã phải đóng tiền bảo hiểm y tế ít ra cũng 1.000.000 đô rồi. Trong khi ở Mỹ, tôi đi làm, được hãng mua bảo hiểm y tế, chẳng đóng xu nào, tới khi về hưu cách đây ít năm, phải đóng hơn 100 đô Medicare mỗi tháng, tổng cộng có vài ngàn đô cho tới nay. Mô thức tư bản Mỹ hay xã nghĩa Tây Âu, cái nào có lợi cho cá nhân tôi, một tên dân quèn, hơn?
Cuối năm 2017, TT Trump tung ra biện pháp giảm thuế cho cả nước, từ những người giàu nhất cho tới những người trung lưu, và cũng giảm luôn thuế đánh trên các đại công ty. Phe DC tố cáo đây chỉ là chuyện giảm thuế cho nhà giàu, và họ dẫn chứng bằng cách tố cáo một anh Bill Gates chẳng hạn, sẽ được giảm cả triệu tiền thuế trong khi một anh lao động tay chân vất vả chỉ được giảm thuế có vài ngàn, và mấy anh nghèo kiết xác chẳng được giảm xu nào. Cái gian trá trong tố giác trên là ở điểm họ 'quên' là Bill Gates chẳng hạn, sau khi được giảm cả triệu tiền thuế, vẫn phải đóng cả triệu đô thuế, trong khi anh lao động sau khi được trừ vài ngàn tiền thuế chỉ còn đóng vài trăm đô thuế hay thậm chí miễn đóng thuế luôn; và anh nghèo kiết xác từ hồi nào tới giờ chẳng đóng xu thuế nào thì sao có quyền đòi giảm thuế? Đám DC cũng khôn ngoan không nhắc lại đám 1% người giàu nhất, cho dù sau khi được giảm thuế, vẫn đóng góp tới gần một nửa (46%) tổng số thu nhập thuế của cả nước, 10% đóng tới 3/4 (76%) tổng số thu nhập thuế của cả nước, trong khi có tới gần một nửa nước chẳng đóng một xu thuế nào mà lại lãnh hầu hết khối tiền trợ cấp Nhà Nước tung ra.
Nôm na ra, nếu tổng số dân Mỹ là 300 triệu người, thì:
- 3 triệu người giàu nhất đã đóng gần một nửa tổng số thu nhập thuế của cả nước, trong khi 297 triệu người còn lại đóng một nửa còn lại; 3 người đóng bằng 297 người!
- 30 triệu người giàu nhất đóng ba phần tư tổng số thu nhập thuế của cả nước trong khi 270 triệu người còn lại đóng một phần tư còn lại. 30 người đóng gấp 3 lần 270 người!
Thế đấy, nhưng đảng DC vẫn ra rả tố chính sách thuế không công bằng, các nhà giàu phải đóng thuế nhiều hơn nữa nhân danh chính sách thuế công bằng -fair tax. Cái ngu xuẩn là không ai để ý đến chuyện con gà đẻ trứng vàng, bóp cổ nó càng chặt thì nó càng chết sớm, thế thì lấy đâu ra trứng vàng nữa?
Mặt khác, luật giảm thuế đánh trên lợi tức của các đại công ty đã đưa đến hậu quả là các đại tập đoàn đã mang về Mỹ lại hơn 1.000 tỷ tiền lợi tức họ giấu ở ngoài nước Mỹ, mang về để đầu tư lại vào kinh tế Mỹ, giúp mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho cả chục triệu dân Mỹ, bất kể da trắng, da đen, da nâu, hay da vàng.
Luật giảm thuế năm 2018 của TT Trump sẽ hết hạn năm 2025. Nghĩa là qua năm tới, sẽ phải có quyết định gia hạn hay chấm dứt giảm thuế đó để trở về mức thuế cao hơn của thời Obama.
Ông Trump nếu đắc cử, dĩ nhiên sẽ gia hạn, có nghĩa là thuế suất thấp của ông sẽ tiếp tục có hiệu lực. Đi xa hơn nữa, ông Trump cũng đã hứa sẽ ra luật miễn đánh thuế lợi tức trên tiền típ -hay tiền 'boa'- của dân làm việc trong ngành khách sạn và tiệm ăn, là dân sống nhờ tiền típ. Ông Trump cho biết cũng sẽ xét lại việc miễn thuế đánh trên tiền già các cụ cao niên đang lãnh.
Bà Kamala mới đây đã chôm ý kiến miễn thuế trên tiền típ của ông Trump. Ngoài ra, đảng DC từ lâu nay, đã khẳng định sẽ không gia hạn luật giảm thuế của TT Trump. Nghĩa là các thuế suất sẽ trở lại mức cao hơn của thời Obama. Riêng về thuế đánh trên lợi nhuận công ty, bà Kamala đã xác nhận bà sẽ tăng thuế xuất tuy chưa rõ bao nhiêu. Rồi cũng sẽ tăng luôn thuế suất trên lợi nhuận đầu tư, để rồi cuối cùng những nhà giàu sẽ tìm cách không đầu tư ở Mỹ mà đầu tư vào các xứ khác.
https://www.foxnews.com/politics/harris-proposes-hiking-corporate-tax-rate-reversing-trump-era-business-tax-cuts
Quý cụ vẹt khoan ăn mừng, nhẩy tưng tưng vội vì cho rằng bà Kamala sẽ chỉ tăng thuế các đại tập đoàn hay đại gia chứ dân ti nạn thuộc loại cùng đinh, đâu có bị tăng thuế đâu mà sợ. Chiệng coi dzậy mà hổng phải dzậy đâu, các cụ ơi.
Thứ nhất, các đại công ty chẳng có công ty nào ngu, chịu cong lưng lãnh đủ mức thuế cao hơn mà không tìm cách 'thua me gỡ bài cào'. Tất nhiên là khi thuế suất tăng, họ sẽ có biện pháp hóa giải ngay. Hoặc là sa thải hay giảm lương nhân công -không bao giờ có chuyện các tổng giám đốc và giám đốc tự hạ lương mình đâu-, hoặc là tăng giá sản phẩm để người tiêu thụ -tức là quý độc giả đó- trả thuế giùm họ. Đó là luật bù trừ sơ đẳng nhất.
Thứ nhì, nếu thuế tăng cao quá, khó giảm lương nhân viên hay tăng giá sản phẩm để bù đắp, thì các đại công ty sẽ tìm cách lách thuế, chẳng hạn như mở trụ sở chánh ở đâu Bahamas gì đó, chuyển lợi nhuận qua đó để bớt đóng thuế cho Mỹ, hay đóng cửa bớt các hãng xưởng, cơ sở kinh doanh như trong thời Obama, để rồi nạn nhân chính là dân tiêu thụ và lao động Mỹ thôi.
Ta đã bàn qua chuyện này tuần trước rồi.
Vấn đề phá thai có thể là vấn đề quan trọng nhất cho phụ nữ Mỹ, đang được liên danh Kamala-Walz cố xuyên tạc, khai thác tối đa để chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Nhưng đây lại có thể là vấn đề có ưu tiên rất thấp trên tuyệt đại đa số các bà tị nạn Việt. Tuy nhiên cũng có thể là vấn đề lớn trong khối các cô gái trẻ, thuộc thế hệ tị nạn thứ nhì, bị ảnh hưởng khá nặng của khối cấp tiến sau cả hai chục năm bị cải tạo tư tưởng trong các trường Mỹ, từ trung học tới đại học.
Liên danh Kamala-Walz không ngưng hù dọa Trump đắc cử sẽ ra luật cấm phá thai tuyệt đối trên khắp nước.
Thứ nhất, ông Trump từ hồi nào tới giờ không bao giờ chủ trương cấm phá thai tuyệt đối, Ông còn công khai chỉ trích luật Florida cấm phá thai sau 6 tuần là quá gắt. Ông đã nói rõ, phá thai là chuyện Tối Cao Pháp Viện đã quyết định là việc của mỗi tiểu bang, TT liên bang không có quyền xía vào.
Thứ nhì, ngay cả nếu ông Trump muốn ra luật gì thì cũng phải qua phê chuẩn của quốc hội, một mình ông Trump không có quyền gì hết. Mà nếu đa số nghị sĩ và dân biểu đồng ý cấm phá thai tuyệt đối, thì đó cũng là tuân theo ý của đại đa số dân thôi.
Trên thực tế, bà Kamala đắc cử, và nếu có được thế đa số trong quốc hội, ta sẽ thấy ngay việc phá thai thả giàn sẽ thành luật trên cả nước.
Chưa gì thì ta đã thấy ngay trong khi đảng DC mở đại hội, thì bên ngoài, đã có mở ra ngay vài cơ sở phá thái miễn phí tại chỗ rồi.
Tin mới: ứng cử viên phó của ông Trump, ông JD Vance đã cho biết nếu quốc hội đưa ra dự luật cấm phá thai toàn diện trên cả nước, ông Trump nếu là TT khi đó, sẽ phủ quyết ngay.
Phe DC gân cổ khẳng định họ không muốn cho di dân lậu tràn vào Mỹ. Biden bổ nhiệm bà phó Kamala làm 'sa hoàng', chịu trách nhiệm toàn quyền chặn đứng nạn di dân lậu. Thực tế, 'coi dzậy mà hổng phải dzậy':
- Chính quyền Biden thật ra đã mở toang cửa biên giới để đón di dân lậu tràn vào, hy vọng trong tương lai số dân đó sẽ thay thế số cử tri da trắng đang bỏ đảng DC chạy qua phía CH.
- Bà Kamala trong gần 4 năm làm sa hoàng lo chuyện biên thùy đã không làm bất cứ chuyện gì, ngoại trừ đi thăm 3 nước Trung Mỹ trong vài ngày, hoàn toàn với zero thành quả, không có hiệp ước nào được ký.
- Ông Walz từng hùng hổ tuyên bố "Cho tôi biết bức tường biên giới cao bao nhiêu. Nếu cao 20 feet, tôi sẽ bỏ tiền đầu tư vào công ty làm thang cao 30 feet".
Vài con vẹt cuồng mê Biden đã ồn ào hỏi "Bằng chứng Biden mở cửa biên giới đâu?". Muốn bằng chứng?
- Biden chấm dứt việc xây tường biên giới, ra lệnh bán tháo tất cả vật liệu Trump đã mua để xây tường như thanh sắt lớn, xi-măng,... Cả triệu tấn sắt và xi-măng đã được bán đi, không ai biết bán bao nhiêu, tiền thu lại đi vào túi ai.
- Texas lập hàng rào kẽm gai dọc biên giới. Biden kiện ra tòa, và một quan tòa DC phán Texas phải tháo gỡ hàng rào kẽm gai đe dọa tính mạng di dân lậu trèo qua; tức là không được cản di dân lậu trèo qua.
- Texas đặt phao nổi khổng lồ giữa dòng sông Rio Grande phân chia Mỹ-Mễ. Biden kiện ra tòa vì phao nổi cũng đe dọa tính mạng di dân lậu muốn trèo qua (như trên), và vi phạm luật môi trường (?). Quan tòa DC đồng ý, Texas còn đang kháng cáo, chưa có phán quyết cuối cùng.
- Texas đòi di dân muốn xin vào Mỹ phải nằm ở đất Mễ, nộp đơn xin di dân, chờ tới khi được chấp thuận mới được vào Mỹ. Biden kiện, đòi cho di dân vào Mỹ chờ quyết định. Nhưng hầu hết quyết định cần cả năm hay lâu hơn nữa, chính quyền Biden dựa trên lý do không chỗ chứa, thả di dân lậu vào Mỹ sống tại ngoại chờ ngày bị gọi ra tòa di trú. Hầu hết được thả vào Mỹ rồi biến mất hết, hoặc là không nhận được giấy gọi hầu tòa, hoặc là nhận được nhưng vứt thùng rác.
Nếu không phải muốn mở toang cửa biên giới, sao lại kiện đòi bỏ hết những rào cản di dân lậu của Texas?
Việc di dân lậu tràn cả hai chục triệu người qua Mỹ trong thời gian chưa tới bốn năm của Biden, đã gây những đại họa lớn cho Mỹ trong vấn đề an ninh trật tự, trong chi tiêu cảnh sát, chi tiêu giáo dục trẻ em, chi tiêu y tế cho cả triệu dân ốm đau bệnh hoạn, nhất là trong những năm COVID hoành hành khi Biden mới cầm quyền, chi tiêu nuôi di dân lậu, ...
Di dân lậu tràn vào Mỹ có hậu quả ra sao với dân Việt tị nạn?
Di dân tị nạn Việt thế hệ 2 đã rất thành công, không còn cần trợ cấp gì nữa; nhưng tuyệt đại đa số dân tị nạn thế hệ đầu vẫn rất cần trợ cấp, cần tiền già SSA-SSI, cần Medicaid, Medicare. Khi số di dân lậu tràn vào cả mấy chục triệu người, tất cả đều được chính quyền Biden và các chính quyền địa phương như Cali cung cấp đủ loại trợ cấp thì tất nhiên dân tị nạn Việt sẽ lãnh hậu quả. Cái 'bánh' trợ cấp, nếu có thêm cả mấy chục triệu miệng ăn, sẽ có thay đổi: một là Nhà Nước phải làm cho cái bánh to ra, tức là phải tăng thuế, phần lớn trên đầu khối dân trung lưu -cũng là khối dân tị nạn đã thành công phần nào-; hai là phải giảm phần trợ cấp của mỗi người, giảm EBT, giảm SSA, SSI, Medicaid, Medicare, giảm trợ cấp thất nghiệp,... Không có tam thập lục chước nào khác. Chưa kể những hậu quả khác như nạn gia tăng trộm cướp, ma túy, bệnh truyền nhiễm,...
Dân Mỹ nói chung không sợ cộng sản lắm tuy không ưa, chỉ vì nói như Kim Dung, "dân Mỹ chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ". Điều lạ đáng nói chính là dân Việt tị nạn CS, sách dép chạy bá thở để trốn CS, thế nhưng bây giờ, no cơm ấm cật, lại quay qua tung hô cái liên danh Kamala-Walz thân cộng nhất lịch sử chính trị Mỹ. Đã thấy quan tài, đã đổ lệ ào ào, lo chạy bá thở qua tới Mỹ, mà lại hô hởi tung hô xã nghĩa Mỹ. Hiểu được chết liền!
Về bà Kamala, trước đây, bà thuộc loại chính khách tàng hình vì chẳng có chính sách gì, chẳng ai biết quan điểm bà như thế nào một cách rõ ràng, cho dù một tổ chức đánh giá chính khách Mỹ đã chấm điểm bà thượng nghị sĩ Kamala Harris như thượng nghị sĩ thiên tả nhất, hơn xa các cụ xã nghĩa Bernie Sanders và Elizabeth Warren. Mới đây, sau khi bà tung ra vài biện pháp kinh tế đầu tiên, thì thiên hạ thấy rõ bộ mặt thật của bà: bà đưa ra sách lược chống lạm phạt, hoàn toàn chép từ sách vở Kinh Tế Chỉ Đạo của Liên Bang Xô Viết: kiểm soát giá cả, bắt bỏ tù những người bán quá giá Nhà Nước ấn định. Luật cung cầu của kinh tế thị trường bị quăng hết vào thùng rác.
Về ông phó của bà, ông Tim Walz: ông này là chính khách Mỹ thân Trung Cộng nhất từ xưa tới nay. Công khai ca tụng Đặng Tiểu Bình dùng xe tăng đàn áp sinh viên nổi loạn đòi tự do tại Thiên An môn ngày 4 tháng 6/1989. Ông Walz bái phục Đặng Tiểu Bình tới độ 5 năm sau, chọn ngày kỷ niệm đổ máu đó làm ngày đám cưới của mình, rồi sau đó, dắt vợ mới đi Trung Cộng hưởng tuần trăng mật. Noi theo gương cụ xã nghĩa Bernie Sanders, qua Liên Xô làm đám cưới, hưởng tuần trăng mật tại 'thiên đàng' cộng sản Liên Xô. Trong hơn ba chục năm qua, ông Walz đã đi TC hơn ba chục lần. Rồi còn hiên ngang ca tụng TC có chính sách công bằng nhất, bác sĩ hay nhân công xây cất cũng chỉ được lãnh 14 ký gạo mỗi tháng, ngang nhau.
Ngược lại, TT Trump là TT duy nhất trong lịch sử cận đại Mỹ đã ra trước Đại Hội Liên Hiệp Quốc, có mặt đại diện Trung Cộng, VC, Cuba,... công khai tố chủ thuyết và chế độ CS tàn bạo, vô nhân nhất lịch sử nhân loại.
Chính sách thân cộng của một chính quyền Kamala-Walz sẽ ảnh hưởng ra sao trên cộng đồng tị nạn? Việc đầu tiên ta có thể tiên đoán ngay là biên giới sẽ mở rộng cửa hơn để đón di dân mới từ TC và VC vào. Cộng đồng tị nạn ta sẽ thấy tràn ngập côn an và dư lợn viên VC tràn vào quậy tan cộng đồng. Dưới chính quyền Kamala-Walz, trong một ngày không xa, cờ đỏ sẽ công khai bay phất phới trên khắp phố Bolsa, Bellaire,... Tượng Trần Hưng Đạo và Quang Trung sẽ được thay thế -hay ít nhất, bổ túc thêm- bằng tượng Cáo Hồ. Bellaire sẽ có thêm phố Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp,... Chẳng mấy chốc, dân Việt tị nạn sẽ nói Inh-Gờ-Lích như Ngờ Xờ Phờ hết: xin xem link dưới đây:
https://www.facebook.com/reel/869326811298295
--------------
Khác biệt giữa hai liên danh Trump-Vance và Kamala-Walz rõ hơn ban ngày, tuỳ quý vị lựa chọn thôi.