Tháng Giêng 2019, bà Mạnh Vãn Chu bị Mỹ chính thức truy tố hơn một
tá tội, trong đó có chuyển tiền bất hợp pháp, ăn cắp bí mật doanh thương đặc biệt
liên quan đến kỹ thuật 5G,
giao dịch với Iran là xứ đang bị Mỹ cấm vận,... Tuy nhiên khi đó thì bà đã được
Canada cho tại ngoại.
Câu chuyện Hoa Vi nổi đình đám lại đầu
tháng 5 này khi TT Trump ra lệnh cấm các công ty Mỹ không được giao thương với
Hoa Vi. Rồi ra sắc lệnh đặc biệt bảo vệ công nghệ Mỹ chống gián điệp chui vào
‘cửa hậu’ ăn cắp kỹ thuật và dữ liệu. Giá cổ phiếu của Hoa Vi và ngay cả các
công ty điện toán lớn của Mỹ, nhất là Apple, rớt như sung ngay. Tại sao lại có
chuyện lộn xộn này.
Trước hết nói về căn bản.
Hoa Vi là một công ty chuyên làm điện
thoại di động, máy điện toán và thiết bị truyền tin viễn thông. Công ty được một
cựu sĩ quan công binh của TC, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei, bố của bà Mạnh
Vãn Chu), thành lập năm 1987 tại Thẩm
Quyến. Ông này khi đó thuyết phục được chủ tịch Giang Trạch Dân phương tiện
truyền tin là tương lai của thế giới, là phương tiện bành trướng ảnh hưởng TC hữu
hiệu nhất, cũng là vũ khí độc hại gấp vạn lần bom nguyên tử nếu xẩy ra chiến
tranh với Mỹ hay Nga hay bất cứ xứ nào khác, thậm chí có thể nhờ phương tiện
thông tin mà chưa cần ra quân đánh đã thắng như Tôn Tử đã dạy. Được chính quyền
TC tận tình giúp đỡ trên đủ mọi phương diện, nhất là tài chánh và đào tạo
chuyên gia, cũng như giúp Hoa Vi... ăn cắp kỹ thuật của thế giới.
Nhờ sự giúp đỡ này cũng như nhờ thị trường hơn một tỷ dân Tàu, Hoa Vi lớn
như thổi. Hiện nay, ngoài các thiết bị thông tin, Hoa Vi là công ty sản xuất điện
thoại di động ‘thông minh’ lớn thứ nhì trên thế giới sau Samsung của Đại Hàn,
và trên cả Apple. Tài sản cũng như thu nhập của Hoa Vi lên tới khoảng 100
tỷ đô với gần 200.000 nhân viên trên 170 quốc gia trên thế giới.
Ngoài thị trường khổng lồ Tàu ra, Hoa Vi cũng chiếm một thị phần rất lớn tại
Đông Nam Á, Trung Đông, Phi Châu và Nam Mỹ. Một cách tổng quát, trên thế giới,
dân giàu sang, theo thời trang của Âu Mỹ thì dùng Apple hay Nokia, trong các nước
nghèo hay đang mở mang thì dân trung lưu dùng Samsung, dân nghèo mua Hoa Vi vì
rẻ nhất, tuy không bền và hay bị trục trặc kỹ thuật, như tất cả các hàng hoá
ma-dzê in China.
Tại Việt Nam, tất cả các công ty điện thoại như Viettel, Vietnamobile, Vinaphone,
Mobifone,... đều dùng thiết bị của Hoa Vi, tuy dân chúng xài điện thoại di động
iPhone và Samsung nhiều hơn.
Đáng nói hơn nữa, Hoa Vi hiện nay có bộ phận nghiên cứu và phát triển –research
& development- về công nghệ
thông tin lớn nhất thế giới với nhiều chuyên gia giỏi, rất trẻ, tốt nghiệp các
trường lớn nhất thế giới, từ trường Mỹ đến Nhật và Âu Châu, với một ngân sách
thật lớn khoảng 15 tỷ đô. Số
chuyên gia về nghiên cứu lên tới gần 80.000 người, hay 40% tổng số nhân
lực của cả công ty. Hiển nhiên là Hoa Vi có chủ ý muốn tự lập, không lệ thuộc
vào các công ty Âu Mỹ trên phương diện kỹ thuật, nhắm mục đích cạnh tranh trực
tiếp luôn.
Quan trọng hơn nữa, Hoa Vi có lẽ là công ty đi tiên phong trong kỹ thuật gọi
là AI –Artificial Intelligence-, có thể dịch nôm na ra là ‘Thông Minh Nhân Tạo’.
Là khu vực nghiên cứu khoa học quan trọng nhất trong tương lai cả chục năm tới.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là đã có nhiều nghi ngờ Hoa Vi đã tích cực giúp bộ
máy an ninh của nhà cầm quyền TC, vừa trong nước qua các hoạt động theo dõi và
bắt bớ đối lập và ngoài nước qua các hoạt động tình báo và ăn cắp kỹ thuật quân
sự cũng như doanh thương.
Vì tầm mức quan trọng của Hoa Vi, vừa quan trọng trong kinh tế TC, vừa quan
trọng như là ‘vũ khí xâm lược kinh tế của bá quyền TC’ trên thế giới, TT Trump
đặt ra sách lược đánh Hoa Vi. Một công ba chuyện: chặn bớt một đối thủ lớn của
các công ty Mỹ, chặn bớt sự bành trướng của TC, và đồng thời dùng Hoa Vi trong
chiến thuật điều đình mậu dịch hiện nay với TC [chính TT Trump đã tuyên bố có
thể “bàn về Hoa Vi trong cuộc thương lượng mậu dịch hiện nay”]. TT Trump cũng viện
dẫn nhu cầu an ninh quốc gia, nhưng có lẽ chỉ đúng một phần nhỏ, như Hoa Vi mua
kính cho điện thoại di động thì đâu có liên quan gì đến chuyện an ninh quốc
gia.
Đòn cấm các công ty Mỹ giao dịch với Hoa Vi là đòn đánh vào ‘tử huyệt’ của
Hoa Vi vì hầu hết nguyên liệu cho các bộ phận ‘cứng’ -hardware- và nhất là nhu
liệu –software- Hoa Vi xử dụng đều mua lại từ các công ty Mỹ như Apple, Google,
Cisco, Intel, ... Sắc lệnh cấm giao dịch với Hoa Vi cực tai hại cho Hoa Vi vì
khá nhiều đại tập đoàn công nghệ trên thế giới đã vội vã ngưng giao dịch, hay
rút ra khỏi TC vì sợ Mỹ trừng phạt.
Công ty ARM là một trong những công ty đó. ARM không sản xuất nhưng vẽ hay
thiết kế chips dùng trong tất cả các computer, điện thoại di động,... Là nhà
cung cấp nhu liệu chính của Hoa Vi. Đây là một công ty của Anh, mới được một tỷ
phú Nhật, ông Masayoshi Son mua lại với giá 32 tỷ đô năm 2016, nhưng phần lớn cơ xưởng đều hoạt động tại Mỹ, do
đó, bị chi phối bởi luật cấm của Mỹ.
Không có giao dịch với các công ty Mỹ, Hoa Vi sẽ chết. Dĩ nhiên không chết
ngay đâu, vì Hoa Vi đã có hợp đồng mua hàng của Mỹ từ lâu rồi. Nhưng sẽ chết
trong tương lai vì không thể mua hàng mới, nghiã là không thể cập nhật với các
tiến bộ và khám phá khoa học, các máy của Hoa Vi sẽ mau chóng trở thành lỗi thời,
không còn khả năng cạnh tranh với các máy Âu Mỹ, Đại Hàn hay Nhật nữa. Chưa kể
thiết bị của Hoa Vi cho đến nay vẫn còn nhiều lỗ hổng, sơ suất kỹ thuật, với một
đặc điểm nhiều công ty lo ngại là rất yếu về phương diện bảo mật, tức là rất dễ
bị thâm nhập vào phá hay truy lùng tin tức, dữ kiện.
Mỹ chặn Hoa Vi là chặn công nghệ tân tiến nhất và vũ khí chiến lược lợi hại
nhất của TC.
Nghe rất khiếp cho TC. Nhưng vấn đề dĩ nhiên không giản dị như vậy. TC sẽ
phản ứng và hậu quả cũng sẽ rất tai hại cho Mỹ.
Một cách ngắn gọn, nhiều công ty Mỹ sẽ chết nếu không có TC. Nếu TC trả đũa
cấm hay giới hạn các công ty Mỹ mở hãng xưởng hay bán sản phẩm tại TC thì rất
nhiều công ty lớn của Mỹ sẽ ngắc ngư. Công ty lớn nhất và bị thiệt hại trước nhất
chính là Apple, giải thích việc giá cổ phiếu Apple rớt mạnh nhất, vì Apple sản
xuất phần lớn iPhone và computer bên Tàu, và hơn 1/5 thu nhập và 1/3 lợi nhuận
của Apple đến từ Tàu. Tuy Apple hy vọng nhiều dân Tàu sẽ bỏ điện thoại di động
của Hoa Vi để mua iPhone vì sợ Hoa Vi trở thành lỗi thời, một số ứng dụng mới sẽ
không xài được trên máy Hoa Vi.
Chẳng phải chuyện lắp ráp iPhone không mà đi xa hơn nữa, Apple mua bộ nhớ
-memory chips- từ Toshiba, Samsung và Micron trong khi 3 công ty này sản xuất
những chips này từ TC. Ngay cả pin điện –batteries- và các phụ kiện linh tinh
như các hộp plastic và giấy cứng đựng iPhone hay laptop của Apple cũng được sản
xuất từ TC.
Báo chí loan tin Apple mới chuyển một bộ phận phát triển nhu liệu –software
development- qua Ấn Độ. Đây chỉ là việc nhỏ trong doanh vụ của Apple, không nghiã
lý gì nhiều. Apple dĩ nhiên có thể đóng cửa tất cả các hãng xưởng tại TC hay
tìm thị trường tại những nơi khác như Ấn Độ, Brazil,... nhưng đây là chuyện rất
dài hạn, cả một chục năm là ít, trong khi trong ngắn hạn, Apple sẽ mất cả chục
tỷ đô mỗi năm.
Một chuyên gia nghiên cứu và cho biết Apple có thể sản xuất tất cả mọi thứ
tại Mỹ, không nhờ vào xứ nào khác hết, tuy nhiên trong trường hợp đó, một cái
iPhone sẽ phải bán với giá 5.000 đô, thay vì 500-600 đô như hiện nay.
Quan trọng hơn nữa là chuyện liên quan đến cái gọi là ‘rare earth’. Dịch bừa
theo kiểu Google là ‘đất hiếm’. Thực chất, rare earth không phải là đất, cũng
chẳng hiếm. Đó là một số loại đá –mineral- gồm có 17 kim loại như nhôm, cobalt,
thiết, ..., có nhiều đặc tính như cứng, chắc và bền, có tính từ trường rất cao,
dẫn điện rất tột, hết sức nhẹ. Không hiếm gì vì chẳng hạn như ‘cerium’ là kim
loại có nhiều hơn đồng –copper- trên thế giới hiện nay. Những kim loại rare
earth được xử dụng triệt để trong kỹ nghệ truyền tin, điện thoại di động, computers,
pin điện, chip, làm kính,... Nói trắng ra, không có rare earth thì không có điện
thoại di động thông minh mà tất cả chúng ta hiện nay đều coi như sinh tử, không
có không được.
Khoảng 80%-90% rare earth công nghệ Mỹ xử dụng là nhập cảng
từ Tàu. Nếu như TC trả đũa, cấm bán rare earth cho Mỹ thì Apple và toàn thể kỹ
nghệ điện thoại di động và computer của Mỹ sẽ lâm nguy ngay. Thiệt hại cho Mỹ
phải tính là bạc ngàn tỷ ngay lập tức.
Tuy nhiên, đây chỉ là nói chuyện giả thuyết thôi chứ thực tế sẽ không có
chuyện Tàu cấm bán rare earth cho Mỹ, vì quyết định này sẽ có hậu quả còn kinh
hồn hơn thả bom nguyên tử xuống thủ đô Washington! Và bảo đảm Mỹ sẽ thả
lại bom nguyên tử nào đó trên Bắc Kinh ngay. Thực tế hơn, TC chỉ cần giới hạn bớt
việc xuất cảng rare earth thì các đại tập đoàn công nghệ Mỹ cũng đủ mệt rồi, và
đây chính là chuyện TC đang hăm he.
Nhưng TC cũng không khoẻ hơn. Trước
đây, TC cãi nhau với Nhật về chuyện vài hòn đảo, cấm xuất cảng rare earth qua
Nhật để thị uy, nhưng chỉ vài tháng sau phải thu hồi lệnh này lại vì chính TC
cũng bị thiệt hai nặng khi thiếu máy móc công nghệ Nhật vì Nhật thiếu rare
earth giảm mức sản xuất.
Đó là chưa nói tới nhiều yếu tố bất
lợi khác cho TC, như việc Mỹ vẫn có thể tự sản xuất rare earth vì Mỹ cũng đầy
rare earth nhưng không khai thác vì đắt hơn mua của TC và có nhiều rủi ro đe dọa
môi trường của Mỹ, cũng như Mỹ cũng có thể mua rare earth từ các nước khác, khi
TC chỉ có khoảng 40% rare earth trên
thế giới. Đồng minh Nhật hiện có mỏ chứa tới 16 triệu tấn rare earth, không thua gì TC, có thể
đáp ứng nhu cầu hiện tại của cả thế giới. Cũng như Mỹ, Nhật đã không khai thác
rare earth của họ vì sẽ tốn kém hơn mua của TC mà còn hại cho môi sinh Nhật.
Tuy nhiên, những giải pháp thay thế trên là chuyện đường dài, trong ngắn hạn,
TC có ưu thế hơn trong chuyện rare earth.
Một yếu tố bất lợi khác cho TC là áp lực quốc tế. TC chặn việc bán rare
earth cho Mỹ sẽ gây khó khăn cho các đại tập đoàn hi-tech của Mỹ đang cung cấp
thiết bị thông tin cho cả thế giới, có nghiã là TC sẽ gây khó khăn cho cả thế
giới. Một chuyện TC sẽ phải suy tính kỹ. [*]
Trong cái thế giới liên lập này, với
trận đánh Hoa Vi, cả hai bên đều sẽ bị thương tích nặng. Bên nào bị lỗ nặng
hơn? TC sẽ bị thiệt hại nặng về kỹ thuật, sẽ tụt lùi lại cả chục năm vì Hoa Vi
vẫn chưa đủ khả năng thay thế kỹ năng của Apple, Google, Cisco,… Nhưng các công
ty Mỹ sẽ thiệt hại bạc tỷ, vẫn là chuyện nhỏ đối với các đại tập đoàn đa quốc của
Mỹ. Nôm na ra, TC sẽ bị bể đầu trong khi Mỹ chỉ sứt trán.
Hiển nhiên, TT Trump nhìn vấn đề dưới
con mắt chiến lược địa chính trị lâu dài, không quá quan tâm đến những thiệt hại
tiền bạc ngắn hạn. Tuy nhiên, TT Trump cũng cho biết sẽ dành một ngân khoản 700 triệu đô để giúp nhiều công ty công nghệ
Mỹ thay thế thiết bị của Hoa Vi. Con số nghe lớn, nhưng thực tế không bằng một
giọt nước trong đại dương. Trong những ngày tới, giới lobby của các đại
công ty Mỹ sẽ tốn bộn bạc mua chuộc các dân biểu, nghị sĩ, và truyền thông Mỹ để
áp lực lên TT Trump.
Ta cũng không nên quên TT Trump là
chuyên gia ‘hét giá’ trong các cuộc điều đình, để rồi sau đó sẵn sàng thoả hiệp
và … bớt giá. Thí dụ mới nhất, sau khi hăm dọa tăng thuế quan trên tổng số 300 tỷ đô hàng nhập cảng từ TC, TT
Trump đã hoãn lại quyết định trong sáu tháng để tiếp tục cuộc điều đình với phó
thủ tướng TC Lưu Hạc.
Thực tế của hiện tại: TC là nước
quá lớn không thể nào loại bỏ ra khỏi bất cứ sách lược nào trong khi Hoa Vi lại
là công ty thiết bị thông tin lớn nhất TC và lớn nhất nhì trên thế giới. Khó có
thể cấm quan hệ doanh thương với Hoa Vi được, mà chỉ có thể giới hạn phần nào,
hay đặt điều kiện trao qua đổi lại nào đó thôi. Ngược lại, TC cũng không thể
nào đuổi hết công nghệ Mỹ ra khỏi xứ, trực tiếp hay gián tiếp.
Tóm lại, câu chuyện chưa biết ngã
ngũ như thế nào, chỉ biết là cuộc chiến thương mại Mỹ-TC đã leo thang thêm một
vài bực lớn trong chiến thuật ‘hét giá’. Một mặt, ta có thể lo sợ vì hậu quả quá
lớn, mặt khác, ta cũng có thể lạc quan khi nghĩ cả hai bên đã leo lên gần tới
‘đỉnh’ của cuộc hét giá, khó mà đi xa hơn, do đó, sẽ phải tìm ra giải pháp.
Phần trên, ta chỉ mới bàn đến khiá
cạnh thuần tuý thương mại. Cuộc chiến mậu dịch Mỹ-TC phức tạp hơn và đi xa hơn
nhiều, vì sau lưng câu chuyện bán buôn còn hai yếu tố quan trọng nữa là an ninh
quốc gia và tác quyền hay tài sản trí tuệ.
Tin tức báo chí gần đây cho thấy
hàng loạt vụ FBI bắt các hoạt động gián điệp của TC, từ gián điệp tài tử tiếu
lâm như một bà Tàu bị bắt tại tư dinh của TT Trump tại Mar-A-Lago, tiểu bang
Florida, cho đến các hoạt động quy mô mua chuộc giáo sư và sinh viên đại học
cung cấp tin tức về các công trình nghiên cứu, rồi các vụ ăn cắp kỹ thuật 5G có
thể giúp TC chui vào các hệ thống mạng tuyệt mật an ninh và quân sự Mỹ, cho đến
những vụ lắt nhắt như làm hàng nhái, hàng giả dựa trên mẫu ăn cắp qua internet để
bán trong các chợ Tàu.
Hoa Vi cũng đã có thành tích bị
dính dáng vào những thưa kiện ăn cắp kỹ thuật của các tập đoàn công nghệ lớn
như Cisco, Motorola, T-Mobile,…
Tổng giám đốc một công ty chuyên về
an ninh mạng CyberSponse khẳng định “việc TC lớn mạnh thành một cường quốc trên
thế giới phần lớn dựa vào các hoạt động gián điệp, ăn cắp kỹ thuật công nghệ Âu
Mỹ”.
Hoạt động gián điệp ở đây chẳng phải
chỉ là ăn cắp kỹ thuật Mỹ hay lùng tin tình báo an ninh kẻ thù Mỹ, mà còn trải
rộng ra các hoạt động gián điệp an ninh và thương mại của tất cả các nước xử dụng
thiết bị của Hoa Vi, và nhiều người nghi ngờ thiết bị của Hoa Vi có cài đặt ngầm
các máy móc ăn cắp dữ liệu của người xử dụng. Ngoài Mỹ ra, một số quốc gia khác
cũng cấm thiết bị của Hoa Vi như Úc và Ấn.
Chẳng có gì là chuyện bí mật hết vì
ai cũng biết. Vấn đề là làm sao ngăn chặn thôi.
Hoa Vi chỉ là một đối tượng riêng rẽ
trong khi Mỹ đã nhắm vào toàn bộ khu vực công nghệ TC. Ngoài Hoa Vi ra, cả nửa
tá công ty hi-tech TC khác đã bị cấm giao dịch với Mỹ lấy cớ vì lý do an ninh
quốc gia hay giao dịch với Iran là xứ bị cấm vận.
Hậu quả cụ thể chưa rõ ràng lắm,
tuy nhiều chuyên gia đã tiên đoán những biện pháp cấm giao dịch với Mỹ sẽ có những
hậu quả lớn nghiêm trọng nhất cho một số khu vực kinh tế TC ngoài ngành công
nghệ, như ngành hàng không, sản xuất máy xe hơi, xe lửa,… trong tương lai khi
các ngành này không thay thế hay cập nhật thiết bị phụ tùng được.
Tám năm dưới thời TT Obama đã là
tám năm TC múa võ Sơn Đông, tự do tung hoành trên khắp thế giới, công khai ăn cắp
kỹ thuật Âu Mỹ, phát triển trong nước, bành trướng ngoài nước,… trong khi TT
Obama lo gập người xin lỗi cả thế giới vì mang mặc cảm Mỹ đã là một ‘đế quốc ưa
can thiệp chuyện thiên hạ’. Bây giờ, gió đổi chiều, TT Trump là một trong cả
triệu người nhìn thấy nguy cơ của Tàu đỏ, nhưng lại là người duy nhất dám thử
làm một cái gì để chặn đứng nguy cơ này. Việc làm không dễ chút nào và sẽ gặp
nhiều khó khăn. Những người cuồng chống Trump sẽ rình đợi để công kích mỗi bước
lùi của Mỹ trong khi nhắm mắt phủ nhận những bước tiến.
Cũng phải nghĩ đến chuyện đánh Hoa
Vi như là cách TT Trump thúc dục TC phải
có thiện chí hơn, quyết định nhanh hơn trong cuộc điều đình mậu dịch hiện nay,
vì TC hình như cố trì hoãn, kéo dài cuộc thương lượng, để xem tình hình bầu cử
Mỹ, biết đâu kéo dài tới khi cụ ‘ngái ngủ’ Biden lên thì chính sách của Mỹ sẽ
thân thiện hơn, trở về tình trạng tự do múa võ Sơn đông của thời Obama?
Một điều ‘lạ’ đáng chú ý: trong khi
đảng DC và TTDC không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đánh Trump thì trong cuộc chiến đánh
Hoa Vi này, dường như không ai nghe thấy tiếng chống đối ồn ào nào của phe cấp
tiến. Họ đồng ý với Trump sao?
Cuộc chiến mậu dịch TT Trump tung ra với TC là một ‘đại chiến thế giới’ quy
mô và cực phức tạp, khó khăn, với những hậu quả vĩ đại khó lường nhưng cần thiết
cho Mỹ và cho cả thế giới. Dù vậy không ít cụ tỵ nạn bị bệnh cuồng chống Trump
với mắt ruồi không nhìn ra, mà vẫn chỉ nhìn thấy vài đôi giầy bà Ivanka trước
đây sản xuất tại TC.
[*] Ghi chú: những tin về
‘rare earth’ viết ở trên là dựa vào bài nói chuyện của KTG NX Nghiã trên
YouTube ngày 22/05/2019: