Saturday, March 14, 2020

BÀI 116: CORONAVIRUS TỚI ĐÂU RỒI?

Mới đây, Diễn Đàn Trái Chiều đã bàn qua dịch corona và viết “chính con vi khuẩn corona chưa hẳn đã tới Mỹ”. Chỉ vỏn vẹn hai tuần sau, vi khuẩn corona chẳng những đã đổ bộ mà còn tấn công Mỹ một cách tàn bạo luôn.
Cách đây hai tuần, ở Mỹ chỉ có 15 ca với 1 người chết. Hai tuần sau, bây giờ đã có 1.500 ca ‘có triệu chứng’, tuy chỉ có hơn 200 ca được xác nhận, với hơn 30 người chết. Cách đây hai tuần, Dow Jones còn ở mức 26.700 điểm, bây giờ đã rớt xuống còn 23.200 điểm.
Một cách cụ thể nhất, vi khuẩn corona đã đánh vào 4 mặt trận: y tế, tâm lý, chính trị, và kinh tế.
       Ta thử điểm qua tình hình ‘chiến sự’ này.

MẶT TRẬN Y TẾ
Tình trạng bị nhiễm đã bắt đầu bộc phát mạnh hai tuần trước. Ba tiểu bang bị nặng nhất là Washington, New York và Cali, cũng là ba tiểu bang có nhiều dân gốc Tầu, đã về Tầu ăn Tết nhiều nhất. Đặc biệt là Tây Âu đã trở thành tâm điểm mới với nhiều ca nhất. Lạ lùng thay, Đông Âu vẫn tương đối an toàn, có thể là do ít quan hệ với Trung Cộng và dân Tầu, là trung tâm phát sinh ra dịch. Ngay cả Phi Châu và nhất là Ấn Độ với dân số hơn một tỷ người, cũng chỉ có 60 ca và chưa ai chết hết. Chắc tại nóng quá?
Nói cách khác, dịch corona chưa tàn phá kinh hồn như thiên hạ đang nghĩ.
Dịch corona bộc phát rất nhanh vì tính dễ lây truyền trong khi vi khuẩn corona, quái ác thay, có thể nằm trong cơ thể không phát tác ra triệu chứng nào trong vòng từ 5 đến 30 ngày, mà trong thời gian đó lại vẫn có thể lây qua người khác dễ dàng. Khi chưa phát tác thì không ai biết mình đã bị nhiễm nên chẳng có biện pháp chữa trị hay phòng ngừa gì hết. Để rồi trong thời corona nằm trong cơ thể đó, người bị nhiễm có thể đã có cả trăm, cả ngàn ‘đụng chạm’ với người khác, trực tiếp bắt tay, khi thỉnh thoảng ho hay hắt hơi hay thậm chí nói chuyện văng nước miếng, hay gián tiếp qua việc chạm tay vào các vật dụng như thành cầu thang, hàng hoá trong các tiệm, thậm chí như cầm vòi đổ xăng.
So sánh với các nạn dịch trước đây như SARS, cúm heo, cúm gà, hay kể cả cúm bình thường thì con số nạn nhân chưa là bao nhiêu cho đến nay. Nhưng dĩ nhiên bây giờ chỉ mới là giai đoạn ‘sơ khai’, bắt đầu. Cái phiền toái đưa đến hoảng loạn quá đáng là không ai biết vi khuẩn này sẽ tấn công mạnh tới  đâu.
Trên phương diện thuần túy y học, vi khuẩn này cũng chỉ là một loại vi khuẩn cúm trong họ nhà corona, với tỷ lệ chết tương đối thấp. Người bị nhiễm có thể được chữa trị không khó lắm, tuy những người trên bẩy bó, đã có nhiều bệnh sẵn như tiểu đường, cao máu,… (nghe như đang mô tả… chính kẻ này!), có sức đề kháng yếu, sẽ dễ chết hơn là các thanh niên thanh nữ còn khỏe mạnh. Ở Mỹ, hầu hết những người chết đều là các lão niên, một số lớn đang ở nhà già.
Tin vui (tương đối) là vi khuẩn corona rất dễ bị giết bởi những thuốc khử trùng thường như thuốc rửa tay sanitizer, giấy lau tay có thuốc khử trùng thường; và vi khuẩn corona tương đối to con, có thể bị cản phần nào bằng khẩu trang thường. Đây cũng là những tin chưa được chính thức xác nhận, nhưng… cẩn thận dùng những thứ này không hại gì.
Vấn đề lớn không phải là khó chữa trị khi đã phát tác, mà là việc không ai biết tầm mức phát tác, đưa đến những câu hỏi như có đủ thuốc không, có đủ nhà thương không, có đủ dụng cụ thử nghiệm và chữa trị không, và dĩ nhiên, có đủ bác sỹ chuyên khoa không.
Một khúc mắc lớn mà chưa có ai có câu trả lời. Từ đó đưa đến tâm lý hoảng loạn. 
Trên phương diện thuần túy y khoa, đây là vấn đề chuyên môn mà kẻ này không đủ khả năng bàn xa hơn những gì lượm lặt được trên báo, nên không dám bàn thêm.

MẶT TRẬN TÂM LÝ
Ai cũng thấy rõ tàn phá của vi khuẩn corona chưa bằng một góc tàn phá của các đại dịch trước đây trên phương diện con số nạn nhân bị nhiễm và bị tử vong. Nhưng trên phương diện tâm lý, thì sự tàn phá của dịch corona lớn gấp vạn lần các nạn dịch trước.
Một lý do quan trọng là các mạng xã hội. Những nạn dịch trước, thiên hạ được biết tin qua các báo và TV, tuy khá nhiều, nhưng không thấm thiá vào đâu so với tình trạng hiện nay khi thiên hạ có được hệ thống emails, các mạng xã hội như tweeter, facebook, YouTube, đủ loại diễn đàn, …, giúp các tin tức về bệnh dịch loan truyền cực mau chóng và rộng rãi. Cái hại là mối nguy bị thổi phồng phóng đại quá mức khiến thiên hạ không tránh khỏi lo sợ sảng.
Đã vậy, trong cái rừng tin tức đó lại đã có vô số tin phịa, có thể nhiều người cố tình tung ra vì ý đồ bất chính nào đó, nhưng phần lớn là do nhiều người vô tình tiếp tay tung ra vì thiện chí muốn cảnh báo giúp người khác. Chẳng hạn như đã có những tin như chỉ cần uống nước nhiều là vi khuẩn trôi xuống bao tử, bị acid trong bao tử giết, hay chỉ cần uống nước nóng vì vi khuẩn không chịu được sức nóng trên 27 độ. Toàn là tin tào lao.
Trong khi đó, truyền thông vì ý đồ chính trị cũng như nhu cầu thương mại (tin xấu luôn giúp dễ bán báo hơn), đã thổi phồng quá mức, loan đủ thứ tin giựt gân nhất ngày này qua ngày khác mà tuyệt đối không hề có ý nghĩ xây dựng hơn, giúp trấn an dân chúng gì hết. Nhất là truyền thông Mỹ mà ta sẽ bàn ở phần dưới.
Cái sợ tâm lý này đang là nguy cơ lớn nhất đe dọa cả thế giới. Đưa đến những việc làm không còn lý trí nữa như đi tích trữ giấy đi cầu cho dù vi khuẩn corona không có hậu quả gì trong việc tiêu hóa. Hay đi tích trữ mì gói và gạo dù biết rằng cái xứ Mỹ này không phải là một cái làng nhỏ hẻo lánh trên cao nguyên Kontum, chính phủ Mỹ có thể để dân bị chết đói chết khát trong nhà. Hay đi mua cả thùng nước trong khi nước máy ở Mỹ an toàn 100%.

MẶT TRẬN CHÍNH TRỊ
Một bệnh dịch đe dọa giết cả trăm, cả ngàn người dân vô tội đã và đang được đảng DC lạnh lùng chính trị hóa tối đa làm công cụ đánh một tổng thống họ chống đối. Đây hiển nhiên là một mặt trận chỉ có ở Mỹ.
Nhìn vào các bản tin và bình loạn của TTDC thì thấy rõ sự cố tình hù dọa. Mỗi lần có tin tốt có thể ổn định thị trường chứng khoán là y như rằng, TTDC kiếm cho ra tin xấu để đánh gục thị trường xuống lại.
Cái điểm vô lương tâm đáng nói là cho dù bệnh dịch corona đã thành một đại họa chung cho cả nhân loại nói chung và nước Mỹ nói riêng, khiến không biết bao nhiều người chết oan, bất kể da màu gì, bảo thủ hay cấp tiến, CH hay DC,… nhưng phe cấp tiến đảng DC và đồng minh TTDC vẫn kiên trì bất chấp, vẫn tìm cách khai thác vì mưu đồ chính trị.
Mối nguy của corona không phải là không có, nhưng lại được thổi phồng một cách vô giới hạn để hù dọa. Điển hình mới nhất là một ngày sau khi TT Trump công bố tin có thể giảm thuế để giúp dân, dân tình có vẻ phấn khởi, Dow Jones vọt lên hơn 1.000 điểm, báo Washington Post vội tung ngay một bài xã luận, khẳng định giảm thuế là chuyện vớ vẩn vì corona nguy hiểm hơn xa nạn dịch ‘cúm Tây Ban Nha’ -Spanish flu- đã tấn công thế giới năm 1918, khiến cho khoảng 500 triệu người bị nhiễm và khoảng 50 triệu người chết, riêng tại Mỹ đã có khoảng 100 triệu người bị nhiễm và 650.000 người chết. WaPo có bằng chứng gì corona nguy hại hơn cúm Tây Ban Nha không? Tuyệt đối không, nhưng vẫn khẳng định chắc như đinh đã đóng cột để hù dọa thiên hạ chống Trump thôi. Tác giả bài báo cũng chẳng phải là chuyên gia y tế hay bác sĩ gì mà chỉ là một chị nhà báo trẻ măng, mới bắt đầu cầm bút viết về chính trị vài năm nay, toàn là những bài công ch Trump. Dĩ nhiên tác giả cũng phớt lờ không nói rõ tình trạng y học của một thế kỷ trước không thể nào so sánh với y khoa Mỹ của thế kỷ 21.
Đây là khủng hoảng toàn cầu, nhưng quý độc giả sẽ thấy phe đối lập khai thác triệt để, đổ tất cả trách nhiệm lên đầu TT Trump thôi.
Thực tế, TT Trump bị trói tay rất chặt.
Trên phương diện thuần túy y khoa, ông chỉ có thể làm được những gì mà các bác sĩ, khoa học gia nghĩ ra được để cản sự phát triển của dịch corona, chẳng ai làm gì hơn được, kể cả tay độc tài họ Tập.
Trên phương diện chính trị thì đây là cuộc chiến tranh tâm lý kiểu ông nói gà, bà nói vịt, dân hoang mang chẳng biết tin ai. Trên phương diện kinh tế, tài chánh thì tất cả những biện pháp TT Trump có quyền đưa ra được mà không cần phê chuẩn của quốc hội thì đương nhiên bị đối lập và TTDC công kích, chê bai trong vòng 30 giây đồng hồ. Những biện pháp cần sự đồng ý hay hợp tác của phe đối lập vì phải qua quốc hội như giảm thuế thì dĩ nhiên, phe DC không hợp tác, hay hợp tác với điều kiện khó khăn, vì phe DC đã quyết tâm không giúp TT Trump tái đắc cử.
Những biện pháp tài chánh như giảm lãi suất hay bơm tiền vào kinh tế là những việc chỉ có Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang mới có quyền làm.
Trên thực tế, TT Trump chỉ có quyền ban hành những biện pháp nhỏ có tính cục bộ hay tạm thời như giới hạn người ra vào nước Mỹ, hay họp báo đọc diễn văn trấn an dân thôi. Nhưng nói chung, bất cứ TT Trump lấy biện pháp nào hay tuyên bố câu gì thì đảng DC và TTDC cũng mau mắn vặn vẹo tìm ra cách tấn công ngay, không công kích thì cũng chê bai đủ kiểu.
TT Trump ngay từ ban đầu giới hạn du khách Tầu, bị tố ngay là kỳ thị da vàng. Phe CH gọi dịch corona là dịch Vũ Hán, bị tố là kỳ thị Tầu, cho dù trước đây đã có cúm Tây Ban Nha, Ebola Phi Châu, dịch West Nile, sởi Đức,… mà chẳng ai đặt vấn đề kỳ thị dân nào hết. Bây giờ giới hạn du hành với Âu Châu thì bị CNN tố là do tinh thần bài ngoại. Báo cấp tiến cực đoan Rolling Stones xoa tay, miả mai “Trump thất bại, không cản coronavirus vào Mỹ mà cũng không trục xuất chúng được”, hàm ý nhắc lại chuyện di dân lậu.
Năm 2009 khi dịch H1N1 tấn công Mỹ khiến hơn 12.000 người Mỹ chết, TT Obama im hơi lặng tiếng, không làm gì hết trong sáu tháng đầu, không một cơ quan truyền thông nào phê bình. Bây giờ, trong vòng một tháng corona bắt đầu tấn công, TT Trump họp báo hay đọc diễn văn trước cả nước 3 lần, vẫn bị TTDC tố lơ là, không ý thức được mối đe dọa của dịch. Bây giờ, chỉ một tháng sau khi corona bắt đầu tấn công, TT Trump đã ban bố tình trạng khẩn trương ngay.
TT Trump đọc diễn văn cho toàn dân, thống đốc Ohio, ông Kasich là người thuộc khối CH chống Trump rất mạnh, khen bài diễn văn hay, đủ tầm mức. Anh Don Lemon và anh Chris Cillizza của CNN quả quyết bài diễn văn chứng tỏ Trump chẳng hiểu gì về dịch corona, làm như thể mấy anh này mới là siêu chuyên gia về corona vậy. Báo bảo thủ New York Post nhận định bài diễn văn đúng là những gì dân Mỹ đang cần nghe. Báo cấp tiến Washington Post phán diễn văn dở tàn tệ, tất cả những gì Trump nói đã đi ngược lại những gì ông cần phải nói.
Thống đốc Cali, Gavin Newsom hoan nghênh TT Trump đã tích cực giúp Cali trong chiến dịch phòng ngừa, thử nghiệm và cách ly người bị nhiễm, bị báo Los Angeles đặt vấn đề ‘Newsom sai lầm?’ ngay.
TT Trump khuyến cáo giảm thuế thì bị TTDC chê ‘biện pháp lờ mờ’ thiếu chi tiết, cho dù chuyện giảm thuế là chuyện phải được điều đình để được phe DC trong Hạ Viện chấp nhận chứ tổng thống không có quyền đơn phương quyết định, mà chưa có đồng ý của phe DC thì làm sao công bố chi tiết? Tin báo chí cho biết bộ trưởng Tài Chánh Mulvaney đã có nhiều buổi họp riêng và mật với bà chủ tịch Hạ Viện Pelosi chứng tỏ rõ ràng bà Pelosi đang bắt chẹt TT Trump chứ không dại gì giúp ông để ông có cơ hội tái đắc cử. Dow Jones có xuống vài ngàn điểm nữa và hãng xưởng bắt đầu đóng cửa, sa thải công nhân thì càng tốt cho bà và đảng DC thôi. Đó là thực tế chính trị Mỹ.
Coi CNN, đọc Washington Post hay New York Times, 10 bài thì đủ 10 công kích TT Trump, nghĩa là trong nhận định ‘công tâm’ của TTDC, TT Trump không thể làm hay nói bất cứ chuyện gì đúng hết. New York Times sáng tạo nhất, đổi tên coronavirus thành “trumpvirus” (?!). Trước đây, Harvard cho biết TTDC chống Trump hơn 90%, bây giờ thì thành 100% rồi. Quý vị nào tìm được một bài thuận lợi cho TT Trump trên TTDC xin vui lòng gửi về cho kẻ này làm tài liệu lịch sử hiếm hoi, xin đa tạ.
Đảng DC và TTDC chỉ trích TT Trump đủ chuyện, thế thì họ có đề nghị gì hay hơn không?
TTDC dĩ nhiên chỉ công kích không có đề nghị gì hết. Cụ Biden có đưa ra đề nghị: “Tôi sẽ có chuẩn bị tốt hơn, phản ứng tốt hơn và phục hồi nhanh hơn. Tôi sẽ chặn fake news gây rối loạn, thử nghiệm nhiều người hơn, giúp nhà thương có thể chứa nhiều người hơn, và ra biện pháp kinh tế để giảm thiệt hại cho dân”. Xin lỗi cụ, những đề nghị của cụ, Vũ Linh cũng đưa ra được.
 Cái nguy hại lớn cho TT Trump là nếu bệnh dịch không thuyên giảm nhanh, kéo dài tới ngày bầu cử, đảng DC và TTDC sẽ khai thác triệt để, dân Mỹ mất kiên nhẫn, sẽ muốn thử nghiệm người lãnh đạo khác bất kể ai và cũng bất kể công hay tội của TT Trump luôn. Đó là tâm lý chính trị bình thường của dân Mỹ. Chính trị Mỹ là vậy.
Đòn ‘thông đồng với Nga’ đã thất bại. Chiêu ‘đổi chác với Ukraine’ cũng sập tiệm. Vũ khí corona coi mòi hữu hiệu hơn, làm sao không thể khai thác mạnh được.

MẶT TRẬN KINH TẾ
Đây là mặt trận vi khuẩn corona tấn công mạnh nhất.
Cho đến hôm nay thì vẫn chưa có gì ghê gớm lắm mà tương đối chỉ giới hạn trong ngành du lịch với các ng máy bay, công ty du lịch, du thuyền, khách sạn, nhà hàng,…, coi như khu vực đã chết đứng trọn vẹn, nhưng hậu quả trong những tháng năm tới sẽ rất nặng nề trên toàn bộ kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Trung Cộng, các nước phụ thuộc kinh tế TC (mua bán hàng TC rất nhiều), và kinh tế các nước Âu Mỹ. Nhiều người đã cho kinh tế Mỹ và toàn cầu đã vào giai đoạn suy thoái rồi. Nhiều hãng xưởng sẽ đóng cửa, nhiều người sẽ mất job.
Thị trường chứng khoán là thị trường phản ảnh những dự đoán tương lai gần của các nhà kinh doanh. Họ mua bán cổ phiếu là chuyện đầu tư dựa trên dự phóng tương lai gần của họ. Hiểu như vậy và thấy thị tường cổ phiếu Mỹ và cả thế giới rớt như sung rụng thì biết được tương lai kinh tế thế giới không sáng sủa gì.
So với cao điểm cách đây một tháng, thì thấy chỉ số Dow Jones đã rớt cỡ 20%, tức là bước qua ngưỡng cửa của thị trường chứng khoán suy thoái -bear market-, tuy chưa phải là kinh tế suy thoái. Rất đáng lo ngại dĩ nhiên. Nhất là cho những công ty nhỏ lệ thuộc rất nhiều vào giá cổ phiếu để gây quỹ phát triển công ty, và cho những người lớn tuổi gần hay đã về hưu, trông cậy vào các tiết kiệm của mình cho những ngày hưu. Những người sống hoàn toàn nhờ vào tiền già SSI của Nhà Nước thì có phần lợi chút đỉnh. Khi thiên hạ trốn chạy thị trường chứng khoán thì sẽ đổ đi mua trái phiếu, nhất là công khố phiếu của Nhà Nước, và lãi suất trái phiếu sẽ gia tăng tuy không nhiều. Quỹ tiền già SSI của Nhà Nước đều đầu tư hoàn toàn vào công khố phiếu. Dĩ nhiên, nhiều ông nhà giàu như bác sĩ, kỹ sư, luật sư,... dư tiền đầu tư đây đó để kiếm thêm tiền mua mẹc-xe-đì mới sẽ mất tiền bộn, nhưng với họ, chỉ là chuyện 'muỗi đốt gỗ'.
Xét cho kỹ, Dow Jones rớt lần này không nguy hại lắm.
Trước hết, suy giảm chỉ số Dow hiện nay chưa thấm thiá gì so với những suy giảm của 1987, 2000 2008. Sau đó, những suy giảm trước là do những yếu tố thuần tuý kinh tế, để rồi sau đó vẫn phục hồi lại sau khoảng nửa năm. Suy giảm lần này xẩy ra hoàn toàn không phải vì lý do kinh tế vì kinh tế Trump vẫn còn rất hùng mạnh. Tháng trước, đã tạo ra thêm 225.000 việc làm mới, hơn xa con số 175.000 mà các chuyên gia kinh tế đã dự đoán trước đó. Do đó, sau khi cơn dịch đi qua, thì việc phục hồi sẽ dễ dàng và mau chóng hơn nhiều. Trên phương diện kinh tế, dịch corona không phải là một đe dọa khủng khiếp lắm. Phản ứng mạnh cho đến bây giờ vẫn chỉ là phản ứng phát xuất từ lo sợ, chưa phải là phản ứng dựa trên dữ kiện thật.
Rắc rồi lớn là TT Trump, quốc hội và cả Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đã lấy nhiều quyết định để giảm thiểu những hậu quả kinh tế trầm trọng, nhưng tất cả đều như nước đổ đầu vịt, đã không cản được sự suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán, chỉ vì sự suy giảm này đến từ nỗi lo sợ nên biện pháp đưa ra mà chưa hóa giải được mối lo sợ thì cũng vô hiệu quả. Những liều thuốc kinh tế đã không chữa được bệnh lo lắng tinh thần.
Ở Mỹ, đã có nhiều trường học đóng cửa, nhiều trung tâm giải trí như Disneyland, rạp hát, các tổ chức thể thao, lễ hội đã bị hủy không tổ chức nữa, nhưng sự thật là họ sợ bị thưa kiện nhiều hơn là sợ khách hàng bị lây nhiễm.
Cái đáng nói là phe ta bất cần biết, hay không nhìn thấy cái đại họa chung cho cả nhân loại mà trước mặt chỉ nhìn thấy có đúng một ông thần Trump nên họ chỉ muốn tìm cách diệt Trump mà không nhìn thấy gì khác nữa, vẫn đang cố bằng mọi giá khai thác dịch chẳng những như vũ khí chính trị mà cũng còn là vũ khí kinh tế để đánh gục Trump luôn.
Ông Nobel kinh tế Paul Krugman đã từng tiên đoán kinh tế Trump sẽ xụp đổ rất mau và rất thê thảm, đã viết bài, mừng rỡ khoe thị trường chứng khoán Dow Jones rớt như diều đứt giây đúng như ông đã tiên đoán. Xin lỗi cụ Krugman, có vài điều cụ ‘quên’ bàn qua: thứ nhất Dow rớt hơn ba năm sau khi ông Trump lên tổng thống chứ không rớt ngay, và cho dù rớt mạnh, tính cho tới cuối tuần này, vẫn còn cao hơn ngày TT Trump đắc cử cỡ hơn 5.000 điểm hay 30%; và thứ nhì Dow rớt và thị trường chứng khoán rớt toàn diện trên cả thế giới vì vi khuẩn corona từ Trung Cộng, chẳng liên quan gì đến các chính sách kinh tế hay tài chánh nào của Trump như cụ đã tiên đoán. Cụ Krugman đấm ngực khoe tài tiên tri chỉ là bốc phét.
Lấy một ví dụ cụ thể, ông chồng đòi mua xe Camry, bà vợ đòi con Mẹc và tiên đoán xe Camry sẽ không thọ vì rất dở. Ông chồng nhất định mua xe Camry. Chẳng may vừa mua được mấy tháng bị một thằng say rượu đâm sầm vào, xe bể nát hết chạy được. Bà vợ xỉa xói ngay “thấy chưa, tôi đã tiên đoán xe Camry sẽ không lâu bền mà!”. Quý vị nào thấy lý luận kiểu này quá chính xác, xin dơ tay! Kẻ này thiết nghĩ một người với lý luận kiểu ông Krugman mà được giải Nobel thì thật là quái dị.
Cái không quái dị là ngay sau đó, lập luận của ông Krugman đã được một cụ tỵ nạn chăm chỉ phiên dịch ngay. Mà cụ này, được bạn bè phe ta gọi là một ‘guru kinh tế’ (J), siêu hơn ông thầy Krugman. Cụ hý hửng email tứ tung để chia sẻ niềm vui bất tận vì Dow Jones rớt như sung rụng khiến cho Trump hết dịp đấm ngực đúng như cụ đã tiên đoán (nguyên văn: “tôi phải tự khen mình,tôi mừng vì mình đã tính đúng ...).
Chuyện này thật ra không đáng trách mà đáng buồn.
Cụ guru này mắc bệnh cuồng ghét Trump nên khi nghe tin có hại cho TT Trump thì cụ mừng rỡ như trúng số là chuyện hiểu được, chẳng thể trách cụ. Nhưng đáng buồn là cụ vui ‘mừng’ quá nên quên cái giá phải trả. Cụ “mừng vì mình đã tính đúng” là Trump sẽ ê mặt mà cụ có đủ tính nhân ái để nghĩ tới cả triệu người đau buồn không? Ngoài cả triệu người bị nhiễm còn có cả triệu người sẽ mất tiền bộn (20% cho đến ngày bài này được viết, có thể hơn nhiều nữa trong những ngày tới). Mất tiền đầu tư, tiền già, tiền 401k, tiền tiết kiệm 529 cho con cháu, cả vạn người có thể sẽ mất job phải ngửa tay xin phiếu thực phẩm như dưới thời Đấng Tiên Tri, thậm chí khai phá sản, bất kể họ cuồng chống hay cuồng mê Trump. Dĩ nhiên chỉ mấy anh nghèo mới sợ kinh tế khó khăn, chứ mấy ông nhà giàu kiểu luật sư, bác sĩ thì cho dù về hưu rồi, tiền vẫn rủng rỉnh để nhâm nhi cognac bàn chuyện thế sự, khen lẫn nhau, hay “tự khen” nếu chưa nghe ai khen mình.
Mục tiêu chính của phe ta cũng như của cụ là đánh gục Trump, cả ngàn người có chết hay kinh tế có phá sản vẫn là chuyện mà Mỹ gọi là ‘collateral damages’, tức thiệt hại phụ, kiểu như các cụ ta gọi là ‘tai bay vạ gió’, phải ráng chịu thôi.
Nhớ lại anh bình loạn gia Bill Maher đã từng công khai cầu xin cho Mỹ bị khủng hoảng kinh tế để Trump bị mất job, dù cho cả triệu dân phải mất job cũng ô-kê. Cụ có quyền cụng ly ăn mừng với Maher rồi đó. Mừng cho cụ đã tính đúng!



Những Đều Cần Biết Về Corona – Fox News:

Tình Hình Trên Thế Giới – 12/3/2020:

Washington Cần Chấm Dứt Tình Trạng Phe Đảng – New York Post: