Saturday, February 8, 2025

BÀI 372: 'CUỘC CHIẾN' MẬU DỊCH PHÁO XÌ?

    Tin gây chấn động tuần rồi là việc TT Trump đa ra lệnh tăng thuế quan trên hàng nhập cảng từ Canada, Mexico, và Trung Cộng. Thật ra chuyện này không có gì bất ngờ đáng ngạc nhiên. TT Trump đã cảnh báo trước, ngay từ sau khi ông đắc cử, chưa tuyên thệ nhậm chức. Có nghĩa đây không phải là việc làm bốc đồng nhất thời, mà trái lại đã có tính toán chu đáo, cân nhắc nhu cầu cũng như hậu quả đầy đủ.

    Ta nhìn lại vấn đề cho kỹ, để tránh rơi vào rừng tin xuyên tạc ngớ ngẩn.


A/ TĂNG THUẾ QUAN CANADA VÀ MEXICO

Nguyên nhân

    Có hai cách nhìn vào nguyên nhân việc TT Trump tăng thuế quan.

1. Nguyên nhân căn bản: sách lược của TT Trump

    Mỗi người lãnh đạo đều có cách đối phó với tình hình qua cách riêng, có người yếu đuối, liên tục thối lui; có người hiếu chiến dùng võ lực, thậm chí chiến tranh; có người dùng ngoại giao, nói chuyện,... TT Trump, xuất thân là một nhà kinh doanh, muốn dùng các biện pháp kinh tế, cụ thể là dùng thuế quan làm vũ khí chính trị.

    Qua kinh nghiệm lịch sử cận đại, chiến tranh không bao giờ giải quyết được bất cứ xung khắc nào mà chỉ mang lại giết chóc, tàn phá đất nước, thiệt hại kinh tế vô vàn cho cả hai bên đánh và thủ, như chiến tranh Ukraine đang chứng minh rõ nét nhất. TT Trump chẳng những là một doanh gia mà còn là người không hiếu chiến, chủ hòa không bao giờ muốn chiến tranh, tin tưởng vào những giải pháp kinh tế, trên căn bản, dựa trên hai thứ 'vũ khí', thỏa hiệp song phương và mậu dịch song phương. 

    Thỏa hiệp song phương là việc hai quốc gia điều đình, thỏa hiệp với nhau về các vấn đề kinh tế, văn hóa, y tế, chính trị, quân sự,..., dựa trên việc bảo vệ quyền lợi của chính mình trong khi tôn trọng việc làm tương tự của đối tượng. TT Trump không tin tưởng vào các hiệp ước, thỏa hiệp hay liên minh đa phương, của từng khối nhiều quốc gia, trong đó các thành viên lớn hiếp đáp, lấn át quyền lợi các thành viên nhỏ, hay trong trường hợp có Mỹ tham gia, các thành viên xúm vào vắt sữa con bò Mỹ.

    Mậu dịch song phương là việc trao đổi hàng hóa quốc tế, dựa trên thuyết khai thác hàng hóa từ xứ sản xuất hữu hiệu, ít tốn phí hơn. Muốn cạnh tranh lại, thì phải có cách sảnh xuất hàng tốt hơn, hay rẻ hơn, hay tăng thuế quan để hàng nhập trở nên đắt hơn. Chẳng hạn như giầy được sản xuất ít tốn kém hơn tại Trung Cộng thì TC sẽ là nước sản xuất rồi xuất cảng hay bán giầy cho Mỹ. Mỹ muốn cạnh tranh phải sản xuất giầy tốt hơn, hay bán giầy rẻ hơn giầy nhập cảng từ TC, hay tăng thuế quan trên giầy nhập cảng từ TC vào Mỹ, nhất là khi các công ty sản xuất giầy TC được sự tài trợ nào đó của Nhà Nước TC. TT Trump tin vào mậu dịch song phương chứ không tin vào những thỏa hiệp đa phương kiểu như TPP chẳng hạn. Đi xa hơn nữa, TT Trump với kinh nghiệm doanh thương, cho rằng những thỏa hiệp mậu dịch song phương có thể có những hậu quả đi ra ngoài vấn đề tiêu thụ một món hàng, do đó, có thể dùng chính sách mậu dịch để đạt được những thành quả chính trị khác.

2. Nguyên nhân gần: quyền lợi Mỹ

    Nước Mỹ từ lâu nay, nhưng đặc biệt dưới thời Biden, đã gặp khủng hoảng di dân lậu tràn vào, lớn như chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ. Dĩ nhiên, chẳng ai có thể biết chắc số di dân tràn vào Mỹ bất hợp pháp là bao nhiêu, nhưng các chuyên gia đã ước tính từ 7 tới 10 triệu người, mang lại những tai họa và khó khăn khổng lồ cho nước Mỹ, tai họa về kinh tế, tài chánh, ngân sách, công nợ, y tế, giáo dục, trật tự xã hội, an ninh quốc gia,... Đó là chưa nói tới việc di dân lậu cũng là cơ hội để đám xã hội đen, băng đảng chuyển vào Mỹ cả tấn ma tuý, cocaine, fentanyl, ...TT Trump cũng như ý muốn của tuyệt đại đa số dân Mỹ đã coi các biện pháp chặn nạn di dân lậu là ưu tiên số một, nhưng TT Trump có tài thánh cũng không có cách nào trục xuất hết từ 10 tới 20 triệu di dân lậu, nhất là trong khi đó di dân lậu tiếp tục tràn vào, tuy ít hơn, từ Mexico và Canada, liên tục không ngừng.

    Ngay trong khi vận động tranh cử, ông Trump đã khẳng định rõ ràng ý muốn chấm dứt khủng hoảng di dân lậu. Rồi ngay sau khi đắc cử, ông đã kêu gọi Mexico và Canada tiếp sức với Mỹ ngăn chặn di dân lậu tràn vào Mỹ qua hai xứ này. Ông cũng đã đe dọa nếu những xứ này không có biện pháp cụ thể giúp Mỹ thì ông bắt buộc sẽ phải có biện pháp để ép họ phải làm một cái gì. Biện pháp ông Trump muốn dùng và đã đe dọa là sẽ tăng thuế quan trên hàng nhập từ hai xứ này vào Mỹ.

    Ngay sau khi ông Trump lên tiếng, thì thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau đã hấp tấp bay xuống Mar-a-Lago để 'nói chuyện' với ông Trump, đại khái cam kết sẽ có biện pháp giúp Mỹ chặn di dân lậu từ Canada tràn vào Mỹ để tránh bị tăng thuế quan, chẳng hạn như siết chặt biên giới hơn, thành lập lực lượng biên phòng phối hợp Canada-Mỹ,... Thế nhưng hành động của thủ tướng Trudeau đã bị khối tả trong chính nội các ông phản đối mãnh liệt. Họ muốn ông tiếp tục chính sách di dân 'thả lỏng' như trước, cũng như họ bất mãn vì cho rằng Trudeau đã bị Trump lấn át. Đưa đến khủng hoảng chính trị tại Canada, khiến thủ tướng Trudeau phải từ chức lãnh đạo đảng nắm quyền, cũng như từ chức thủ tướng. Các biện pháp thủ tướng Trudeau hứa hẹn với ông Trump cũng trôi sông theo, và Canada chẳng làm gì hết trong việc giúp khóa chặt biên giới.

    Về phiá Mexico, tuy bà TT Claudia Sheinbaum đã ra lệnh chặn một đoàn xe di dân từ các xứ Trung Mỹ đi ngang qua Mexico tới biến giới Mỹ, nhưng đây là việc 'muối bỏ biển' có tính màu mè trình diễn cho dư luận thấy, chứ trên thực tế Mexico cũng chẳng làm gì hơn.

    Việc Canada và Mexico không có phản ứng, không chịu tiếp tay với Mỹ chặn di dân lậu tràn vào Mỹ đưa đến việc TT Trump ra tay, ra lệnh tăng thuế quan trên hàng nhập từ Canada và Mexico, rồi đưa đến phản ứng trả đũa của Canada và Mexico. Tại sao Canada và Mexico không giúp Mỹ khoá biên giới? Chẳng có gì khó hiểu. Cả Canada và Mexico đều là cửa ngỏ vào Mỹ của dân tứ xứ khắp thế giới, khi dân Trung và Nam Mỹ thích con đường ngã Mexico thì dân Tầu, dân Trung Đông, dân Phi Châu từ Âu Châu qua thích con đường Canada, chính phủ Canada và Mexico không dại gì khoá biên giới với Mỹ để giữ đám di dân lậu khắp thế giới đó lại xứ của họ mà tất nhiên muốn đám đó đi qua Mỹ cho rảnh nợ. 

Bên nào lợi hại?

    Truyền thông cấp tiến Mỹ dĩ nhiên hô hoán ầm ĩ Trump đã tung ra chiến tranh thương mại. Thật ra, nói 'chiến tranh' nghe quá lố, vì thật ra nếu là chiến tranh, thì hiển nhiên đây là một cuộc chiến không cân tay chút nào khi Mỹ chiếm ưu thế lớn trong khi Canada và Mexico dưới cơ rất xa. Thực tế mà nói, ít ai nghĩ những mức thuế quan mới của Mỹ cũng như mức thuế quan trả đũa của Canada và Mexico sẽ kéo dài vô tận hay kéo dài tháng này qua năm khác như chiến tranh Ukraine. TT Trump chỉ dùng thuế quan như vũ khí để ép cả Canada lẫn Mexico phải làm một cái gì để giúp Mỹ giải quyết khủng hoảng di dân lậu, sẽ phải ngồi lại với Mỹ để bàn thảo nghiêm chỉnh.

    Việc Canada và Mexico trả đũa dĩ nhiên đã nằm trong tính toán của TT Trump trước khi ông ra quyết định. Nếu có hại lớn cho Mỹ, dĩ nhiên ông đã không ban hành. Các biện pháp trả đũa của Canada và Mexico cũng là những biện pháp tối thiểu hai xứ này phải đưa ra chứ không thể im re hứng chịu, không phản ứng.

    Ta nhìn qua vài con số để có một khái niệm cụ thể về cái mà truyền thông Mỹ gọi là 'chiến tranh mậu dịch':

VỀ GDP (Tổng sản lượng nội địa):

  • Mỹ:             28.000 tỷ đô
  • Canada:       2.000
  • Mexico:        2.000
  • Cali:             4.000
  • Texas:          3.000

    Nói cách khác, về kinh tế, cả Canada lẫn Mexico đều nhỏ hơn Cali hay Texas; riêng một mình Cali cũng đã bằng Canada cộng với Mexico; trong khi Mỹ lớn gấp 7 lần cả Canada cộng với Mexico. Nếu 'đánh nhau' thì bên nào thắng bên nào thua?

VỀ MẬU DỊCH

Với Canada

  • Tăng thuế quan lên tới 25% cho tất cả mặt hàng, 10% cho nhiên liệu như dầu, xăng.
  • Hàng Mỹ lên tới 63% tổng số hàng nhập của Canada, trong khi Mỹ nhận 77% tổng số hàng xuất cảng của Canada.
  • Hàng Canada chỉ lên tới 14% tổng số hàng nhập của Mỹ; Canada nhận 18% tổng số hàng xuất cảng của Mỹ.

Với Mexico:

  • Tăng thuế quan lên tới 25% cho tất cả mặt hàng.
  • Hàng Mỹ lên tới 68% tổng số hàng nhập của Mexico; Mỹ nhận 78% tổng số hàng xuất cảng của Mexico.
  • Hàng Mexico lên tới 16% tổng số hàng nhập của Mỹ; Mexico nhận 18% tổng số hàng xuất cảng của Mỹ.
  • Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, nếu mức thuế quan của Mỹ không giảm sớm, thì GDP của Mexico sẽ giảm mạnh, giảm cỡ 4% ngay trong năm nay.

    Hai bên cùng tăng thuế quan, bên nào thiệt hại hơn? Trong 'cuộc chiến' này, Canada và Mexico không thể 'đánh nhau' lâu dài với Mỹ được. Nếu như Mỹ cắt hoàn toàn mậu dịch với Canada và  Mexico, cả hai xứ này không thể kiếm ra đối tác mậu dịch lớn để thay thế Mỹ, trong khi Mỹ sẽ dễ dàng tìm ra đối tác khác để thay thế Canada và Mexico. Thay thế đối tác mua bán cỡ 60%-80% hàng là chuyện lên cung trăng, trong khi thay thế đối tác mua bán cỡ 14%-18% mậu dịch là chuyện không có gì khó khăn, nhất là đối với Mỹ.

    Với những ưu thế hiển nhiên như trên, tuyệt đối không ai có thể nói về 'chiến tranh thương mại' giữa Mỹ với Canada và Mexico. Muốn chính xác, phải nói Mỹ 'trừng phạt Canada và Mexico'.

    Trên thực tế, TT Trump không muốn trừng phạt ai hết, mà chỉ muốn dùng thuế quan để ép Canada và Mexico giúp Mỹ tích cực hơn trong việc kiểm soát biên giới, chặn di dân lậu, chặn ma túy tràn vào Mỹ thôi. Có nhiều triển vọng Canada và Mexico sẽ sớm phải đàm phán với Mỹ chứ không thể tính chuyện chiến tranh mậu dịch lâu dài với Mỹ được.

    Cuộc chiến trong tương lai đi về đâu? Chẳng ai biết. Tuy nhiên, kẻ này nghĩ sẽ không kéo dài lâu, vì đây chỉ là cách 'điều đình' của TT Trump, chứ trong cuộc chiến mậu dịch, chẳng bên nào có lợi. 

    Tuần rồi, TT Trump đã 'nói chuyện' với thủ tướng Trudeau và TT Sheinbaum. Tin mới cho hay:

- Bà Sheinbaum đã ra lệnh tăng cường 10.000 quân ra biên giới Mỹ giúp chặn không cho di dân tràn qua Mỹ tự do nữa. Việc tăng thuế quan với Mexico đã được hoãn lại trong một tháng để hai bên tiếp tục thảo luận.

- Thủ tướng Canada Trudeau cũng cho biết đã đạt được thỏa thuận Mỹ hoãn tăng thuế quan với Canada một tháng để hai bên tiếp tục thảo luận. Thủ tướng cho biết Canada sẽ:

  • chi ra 1,3 tỷ đô cho kế hoạch bảo vệ biên thùy;
  • gửi 10.000 quân tới biên giới;
  • bổ nhiệm một 'sa hoàng' đặc trách kiểm soát thuốc fentanyl;
  • hợp tác với Mỹ thành lập một lực lượng đặc biệt lo chống băng đảng ma túy, rửa tiền,...;

    Dường như cái mà đám vẹt nhao nhao gọi là 'chiến tranh thương mại đã nổ' chỉ là một cuộc chiến tranh cuội như pháo tịt khi mà Canada và Mexico chưa đánh đã dương cờ trắng. Như các chiến lược gia quân sự đã từng nhắn nhủ "chiến thắng lớn nhất là chiến thắng không cần ra quân".    

    Nhìn cho kỹ, sách lược dùng thuế quan để áp lực chính trị đã có hiệu quả hơn mọi dự tính. Đó chính là cái tài giỏi của TT Trump.

    Đám vẹt cuồng chống Trump lại có dịp khóc sướt mướt khi đau quặn ruột trước những thành công của Trump.

    Con vẹt già Katumtran viết "Con cọp giấy Trump lộ nguyên hình với 2 cái răng nanh bằng cao su...". Mới có răng nanh cao su mà đã khiến thủ tướng Canada và tổng thống Mexico 'tè trong quần' thì cần gì răng nanh bằng xương hay sắt! 

    Một con vẹt khác la hoảng "Thị trường chứng khoán đã tuột dốc sau khi TT Hoa Kỳ Donald Trump chính thức tuyên bố áp đặt 20% thuế trên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico & Canada". Kinh khiếp quá! Trên thực tế, Dow Jones ngày Thứ Hai 3/2/2025 chỉ rớt có 0,3%, coi như chẳng có gì xẩy ra. 

B/ TĂNG THUẾ QUAN HÀNG TRUNG CỘNG

    Con vẹt Võ Trọng Bản Thân từ bên Đức, đọc lờ mờ báo Đức, hùng hổ phán "Tại sao đóng thuế ĐỒNG MINH của mình 25%, mà lại đóng thuế hàng hoá TC chỉ 10% mà miệng luôn rêu rao: TC LÀ KẺ THÙ CỦA MỸ???". 

    Kẻ này không nhớ đã đọc ở đâu câu "Ngu hay khôn mà không lên tiếng thì không ai biết mình ngu hay khôn". Tay VTBảnThân này sợ thiên hạ không biết mình khôn hay ngu nên vội lên tiếng để thiên hạ biết cho rõ.

    TT Trump đánh thuế hàng nhập TC 10%, không sai, nhưng đó là thuế quan mới tính cộng thêm vào mức hiện hữu là 25%, đi đến tổng cộng là 35%, hơn xa con số 25% thuế quan đánh trên hàng hai xứ VTBT gọi là 'đồng minh của mình'.

    Muốn bằng chứng: cứ đi hỏi ChatGPT:

Trích ChatGPT

    [Ở đây, cũng xin mở ngoặc nhắc nhở cụ VT Bản Thân viết tiếng Việt nên cẩn thận hơn: Mỹ KHÔNG đóng thuế gì hết, mà là 'đánh thuế'; đóng thuế khác xa đánh thuế. Tôi đóng thuế cho Nhà Nước vì Nhà Nước đánh thuế tôi, chứ không phải tôi đánh thuế Nhà Nước và Nhà Nước đóng thuế cho tôi. Không biết cụ này ở bên Đức bao lâu mà tiếng Việt đã bết bát đến vậy? Chỉ biết cụ này thích bàn những chuyện mình mù tịt mà lại bàn bằng ngôn ngữ mình không thông! Thế mới tài !]


       Xin nhắc lại, TT Trump ngay trong nhiệm kỳ đầu đã tăng thuế quan 25% trên rất nhiều hàng nhập cảng từ Trung Cộng. 

C/ HẬU QUẢ

    Cả 3 nước bị tăng thuế quan đều là những đối tác lớn nhất trong mậu dịch Mỹ, do đó việc tăng thuế quan hàng của cả 3 xứ này tất nhiên sẽ có hậu quả trên vật giá Mỹ. Tới mức nào thì dĩ nhiên còn tùy vào hai yếu tố: thứ nhất tăng thuế quan kéo dài bao lâu, và thứ nhì, Mỹ sẽ mua hàng thay thế ở xứ nào khác, với giá bao nhiêu.

    Ta có thể xem qua hậu quả trên vài khu vực kinh tế theo nghiên cứu dưới đây của CNN. Cần phải lưu ý quý độc giả là CNN không bao giờ thân thiện với TT Trump, nên nghiên cứu dưới đây tất nhiên bị bóp méo ít nhiều để bi thảm hoá hơn thực tế, bất lợi cho TT Trump. DĐTC đăng lại vì không có nghiên cứu nào khác chi tiết hơn, nhưng với hy vọng độc giả sẽ lưu ý tính thiên vị của CNN. Dù vậy, tôi cũng sẽ góp ý thêm khi nào có thể.

Thực phẩm

    Canada xuất cảng qua Mỹ ngũ cốc, thịt bò và gà, trong khi Mexico xuất cảng trái cây và rau quả. Hậu quả việc tăng thuế quan có thể không quan trọng lắm khi nước Mỹ thặng dư về sản phẩm canh nông, xuất cảng nhiều hơn nhập cảng. Hàng canh nông Mỹ có thể thay thế hàng nhập qua việc giảm phần nào xuất cảng của Mỹ. Mễ cũng xuất cảng khá nhiều bia và rượu mạnh, đặc biệt là bia Corona, Modesto, và rượu tequilla, cho dân Mỹ gốc Mễ, nhưng những thứ này không quan trọng, có đủ loại bia và rượu mạnh khác ở Mỹ để thay thế nên giá bia và tequilla khó tăng mạnh. 

Dầu xăng và nhiên liệu 

    Mỹ nhập cảng khá nhiều từ Canada, cũng vì vậy, thuế quan chỉ tăng tới 10% thôi. Các chuyên gia nhận định bây giờ là thời điểm Mỹ ít có nhu cầu dầu xăng nhất, và nhu cầu này chỉ lên cao khoảng mùa hè là mùa du lịch. Nếu tăng thuế quan kéo dài qua tới mùa hè, có thể giá xăng sẽ tăng vài chục cents.

Phụ tùng xe hơi

    Gần đây, đặc biệt là dưới thời Biden, vì lạm phát nặng, nhiều hãng xe Mỹ đã chuyển nhiều cơ sở lắp ráp xe cũng như sản xuất phụ tùng xe qua Mễ. Việc tăng thuế trên những hàng này sẽ có thể đưa đến tăng giá xe Mỹ và phụ tùng xe Mỹ. Xe Nhật, Hàn và Âu Châu không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên tăng giá này sẽ bắt các hãng xe Mỹ phải gia công nhiều hơn cho các công ty Mỹ sản xuất phụ tùng, giúp tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ.

Sắt

    Một phần ba sắt Mỹ nhập cảng là từ hai xứ Canada và Mexico, do đó, tăng thuế quan trên sắt nhập cảng có thể có hậu quả quan trọng nhất nếu thuế quan tăng quá lâu, đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới kỹ nghệ xe hơi và xây cất nhà cửa. Thuế quan trên sắt có lẽ sẽ là yếu tố thương thảo quan trọng nhất giữa Mỹ và hai xứ láng giềng.

Máy móc điện tử, đồ chơi trẻ con

    Đây là những hàng của Tầu cộng bị thuế quan nặng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thuế quan trên những hàng này đã tăng lên tới 25% từ năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu của TT Trump, mà cho tới nay cũng không có ảnh hưởng quan trọng gì trên giá cả tivi, điện thoại,... Tăng giá hàng điện tử Tầu sẽ giúp Nam Hàn mạnh, nhất là Samsung.

https://www.cnn.com/2025/02/01/economy/trump-tariffs-mexico-canada-china-increased-costs?cid=ios_app

    Chuyện vật giá có tăng hay không, tăng nhiều hay ít, chưa ai biết, ngoại trừ mấy con vẹt mù tịt chuyên kinh tế nhưng lại là chuyên gia hù dọa sảng. Một con vẹt 'hoàng tráng' khẳng định "dân chúng thì è cỗ ra trả thêm tiền giá cả các mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt tăng cao, đã nguyền rủa BIDEN  rồi đến tên TRUMP có khác chi, thậm chí  còn tệ hơn nữa...". Chuyện hù dọa đúng hay không, không quan trọng, đúng thì đấm ngực ầm ầm, sai thì 'làm thinh', hết chuyện, nhưng đã hù được rồi, có dịp chửi Trump là vui rồi.

    Một con vẹt già hùng hổ phán "Trump kinh hoàng vì thuế quan bị chống trả có CHIẾN THUẬT". Xin lỗi, một thằng nhóc chăn trâu tại Đồng Tháp cũng biết trước các biện pháp của TT Trump sẽ gặp phản ứng trả đũa. Tố Trump 'kinh hoàng vì thuế quan bị chống trả' là chuyện ngớ ngẩn.

    Một độc giả của DĐTC đã đặt câu hỏi trong việc tăng thuế quan, giữa nhà xuất cảng và nhà nhập cảng, ai phải đóng thuế và hậu quả trên kinh tế các xứ liên quan sẽ như thế nào? Kẻ này xin nói cho rõ:

   Trên nguyên tắc, công ty nhập cảng hàng sẽ phải đóng thuế quan khi nhận hàng từ ngoài nước tới Mỹ và muốn lấy hàng ra. Để khỏi lỗ nặng, công ty sẽ phải tăng giá bán món hàng họ đã đặt mua. Tăng thuế quan 25% thì nếu họ muốn giữ nguyên mức lời thì họ sẽ phải tăng giá món hàng họ đặt mua lên 25%. Đó là nói chuyện nguyên tắc, trên thực tế không hẳn như vậy.

1. Hầu hết các hàng đều được đặt mua rất lâu trước khi hàng được gửi và nhận. Công ty nhập cảng nếu không ngu, biết kinh doanh, sẽ phải điều đình để dự trù sẽ có khoản tăng thuế xuất cảng của xứ xuất cảng hay thuế nhập cảng của Mỹ khi điều đình giá cả, nhất là việc ông Trump có thể đắc cử và tăng thuế quan là điều khá rõ rệt cả năm trước khi bầu cử. Nếu công ty nhập cảng không tính trước chuyện này khi điều đình giá mua thì công ty đó không rành về kinh doanh, sẽ xập tiệm sớm. Đó là quy luật kinh tế thị trường.

2. Trong trường hợp không tiên liệu trước, bị tăng thuế quan bất ngờ, công ty nhập cảng sẽ phải tăng giá, nhưng tăng tới mức nào còn có thể bán món hàng được, tăng thấp quá sẽ lỗ, tăng cao quá, hàng sẽ không bán được, cũng như giá cao quá sẽ giúp hàng tương tự nội địa Mỹ hay hàng nhập cảng từ xứ khắc không bị tăng thuế quan trở thành rẻ, người tiêu thụ sẽ không mua hàng của công ty nhập cảng mà mua hàng Mỹ hay hàng xứ khác.

3. Công ty nhập cảng bị nạn lần đó, lần sau sẽ không mua hàng bị tăng thuế quan nữa, hay là sẽ điều đình lại giá mua. Công ty sản xuất và xuất cảng hàng qua Mỹ sẽ phải giảm giá bán hay chấp nhận trả một phần thuế quan 25% tiếp sức cho công ty nhập cảng.

4. Các nước bị tăng thuế quan có thể trả đũa, tăng thuế quan hàng Mỹ, nhưng họ sẽ phải cân nhắc hậu quả trên chính nước của họ. Ví dụ như hàng Mỹ lên tới 63% tổng số hàng Canada nhập cảng từ khắp thế giới. Câu hỏi là nếu Canada đánh thuế quan 25% lên 63% hàng nhập cảng của Canada, thì hậu quả kinh tế, lạm phát cho Canada sẽ tai hại như thế nào, Canada có hứng chịu nổi không? Trường hợp Mexico cũng không khác.

    Nói tóm lại, nếu tăng thuế quan, trong nhất thời, giá hàng sẽ tăng ở Mỹ và dân Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn khi mua hàng nhập bị tăng thuế, trong khi các hàng khác không bị tăng giá. Tuy nhiên, ngân khố Mỹ có thêm tiền nhờ tăng thu thuế quan, giúp Mỹ có thể giảm thuế lợi tức cho dân Mỹ. Nghĩa là dân Mỹ có thể bớt trả thuế lợi tức mà chẳng bị thiệt thòi gì khi không mua món hàng nhập cảng của TC nữa. Chẳng hạn không mua tivi TC mà mua tivi Hàn Quốc. Nhưng sau đó, giá hàng tivi TC sẽ phải giảm nếu muốn tiếp tục có người mua ở Mỹ, nghĩa là tới phiên công ty TC lãnh nạn. TC sẽ giảm xuất cảng qua Mỹ trong khi Mỹ giảm nhập cảng từ TC. Cán cân mậu dịch của Mỹ với TC sẽ bớt thâm thủng.