Saturday, February 22, 2025

BÀI 374: CÂU CHUYỆN UKRAINE VÀ ÂU CHÂU CHỐNG MỸ

     Tuần rồi, Đức mở cuộc họp thường niên của Hội Nghị An Ninh Quốc Tế tại Munchen -Munich- với sự tham gia của các đồng minh trong NATO, trong đó có Mỹ qua sự tham dự của phó TT Vance.

    Qua diễn văn của các chính khách, đặc biệt là của tổng thống và thủ tướng Đức, là nước chủ nhà, người ta có cảm tưởng đây chính là một hội nghị được mở ra như một diễn đàn quốc tế để công kích tổng thống Mỹ, mặc dù trên căn bản, chủ đề của hội nghị là chiến tranh tại Ukraine. Dĩ nhiên là tất cả các bài diễn văn đều công khai chỉ trích việc Nga trắng trợn xâm lăng Ukraine, nhưng kèm trong các bài diễn văn luôn luôn có những nói bóng nói gió công kích TT Trump. Nói bóng nói gió nhưng đứa con nít lên ba cũng thấy và hiểu rõ.

    Ta nhìn qua hai vấn đề: cuộc chiến tại Ukraine và tại sao các đồng minh Âu Châu lại chống TT Trump đến vậy.

CUỘC CHIẾN UKRAINE

      Trước khi đi xa hơn, kẻ này phải 'thành thật khai báo' ngay là tất nhiên không thể nào chấp nhận cuộc chiến xâm lăng thô bạo của Putin đánh Ukraine, nhưng đồng thời kẻ này cũng không thể ủng hộ Ukraine khi nhớ lại trong cuộc chiến của miền Nam ta chống xâm lăng của CSBV, cả ngàn cả vạn dân quân miền Nam ta đã chết/bị thương phế tật vì bom đạn, súng ống do Ukraine sản xuất khi Ukraine còn trong Liên Bang Xô Viết, viện trợ cho VC. Sau khi chiến tranh miền Nam chấm dứt, và cả sau khi Ukraine độc lập, tách ra khỏi Nga, thì Ukraine vẫn là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Hà Nội. 

    Cũng phải nói thêm, Ukraine trước khi bị Nga tấn công và được truyền thông cấp tiến tung hô lên chín chục tầng mây xanh, đã nổi tiếng về hai chuyện: 

  • Ukraine là một trong những xứ tham nhũng thối nát nhất thế giới; điển hình là đại công ty dầu khí Burisma khi bị công tố Ukraine mở cuộc điều tra thì bổ nhiệm ngay quý tử Hunter Biden con của phó tổng thống Mỹ làm thành viên hội đồng quản trị để chặn điều tra; và y như rằng, PTT Biden đích thân bay qua tận Ukraine để bắt chẹt chính quyền Ukraine phải sa thải công tố đó, chấm dứt mọi điều tra về tham nhũng trong Burisma, đổi lấy một tỷ đô viện trợ của Mỹ.
Trích ChatGPT
  • Ukraine là ổ của khai thác trấn lột lao công đến từ các nước chậm tiến, trong đó có VN, điển hình là Phạm Nhật Vượng đã từng là lao công xuất khẩu của CSVN làm việc tại Ukraine, suốt ngày chỉ ăn mì gói nên mới có 'sáng kiến' mở hãng sản xuất mì gói, để rồi làm giàu nhờ mì gói.

    Bây giờ, ai muốn ủng hộ Ukraine là quyền của họ, chỉ là không có VL này thôi.

    Ngày 24/2/2022, Putin xua quân qua công khai tấn công Ukraine. Không ai ngạc nhiên vì Nga đã công khai đe dọa và chuẩn bị cả mấy tháng trước. Tổng thống Mỹ Biden trước đó, đã công khai cảnh cáo Nga là Mỹ sẽ nhẩy vào cuộc, sẽ gửi lính Mỹ qua giúp Ukraine chống Nga. Với hy vọng Nga sẽ sợ và không dám đánh. Nhưng Putin hiểu rõ Biden hơn ai hết, cười ruồi, rồi tung cả trăm ngàn quân chính quy Nga tràn qua biên giới, tấn công thẳng vào thủ đô Kyiv của Ukraine.

    Phản ứng của Biden? Không, Biden không gửi một anh lính TQLC hay lính dù nào như đã hùng hổ đe dọa, mà mau mắn điện thoại cho tổng thống Ukraine, Zelensky, cho biết trực thăng Mỹ đã được lệnh sẵn sàng bay từ Đức tới chở ông và gia đình ra khỏi xứ đi tị nạn ngay. Nghĩa là Biden mau mắn khuyến khích Zelensky tháo chạy, chấp nhận cho Nga chiếm toàn thể Ukraine ngay, bỏ cả nước lại cho Putin nuốt không tốn một viên đạn. Không phản kháng, chống đối gì ráo. 

    Trong bất ngờ của Biden, TT Zelensky trả lời "Không, tôi không cần trực thăng của Mỹ cứu tôi, tôi không đi đâu hết, và sẽ ở lại chiến đấu chống Nga tới cùng". Biden ngỡ ngàng, bối rối, ngẩn mặt không biết phải làm gì nữa. Sau khi các đồng minh NATO trong khối Tây Âu ào ạt ủng hộ Zelensky và cho biết sẽ quân viện khẩn cấp cho Ukraine, thì Biden sực tỉnh, ... cuốn theo chiều gió, hấp tấp đổi giọng, tung hô tinh thần bất khuất của Zelensky, nhẩy vào yểm trợ Ukraine qua quân viện mà Biden hùng hổ đấm ngực khoe vô giới hạn về số lượng cũng như về thời gian.

    Ta nhìn qua bối cảnh và hiện trạng cuộc chiến, một cách tóm gọn nhất.

1. Lịch sử quan hệ Nga-Ukraine

    Cho tới thế kỷ thứ 13, Nga và Ukraine là một nước. Sau đó, dân Nga dần dần chiếm thế thượng phong. Ukraine bất mãn, tách ra riêng, gia nhập vào liên bang Ba Lan-Lithuania, nhưng rồi tách ra và sát nhập lại vào Đại Đế Quốc Russian Empire. Năm 1922, Ukraine chính thức trở thành một 'tiểu bang' của Liên Bang Xô Viết. Và Nga vẽ lại bản đồ Ukraine, chuyển nhiều vùng với đại đa số dân là gốc Nga, theo văn hóa Nga, nói tiếng Nga, ủng hộ Nga, qua Ukraine, dĩ nhiên trong mưu đồ 'Nga hóa' cả xứ Ukraine. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ thì Ukraine dành lại được độc lập năm 1991. Trước đó, Ukraine là kho vũ khí nguyên tử của LBXV. Sau khi dành được độc lập, Ukraine đồng ý phá gỡ các trung tâm sản xuất bom nguyên tử, chuyển hết các cơ sở này và các kho bom nguyên tử về Nga, đổi lấy cam kết của Nga sẽ không xâm chiếm Ukraine và bảo vệ Ukraine nếu Ukraine bị tấn công.

2. Tại sao Nga tấn công Ukraine?

   Theo truyền thông loa phường, Nga tấn công Ukraine chỉ vì đúng một lý do: mộng 'bá quyền' của Putin. Thực tế chẳng bao giờ giản dị như vậy. Có nhiều lý do tại sao Nga tấn công đánh chiếm Ukraine.

    Thứ nhất, từ phiá Nga, Putin có tham vọng phục hồi lại đại đế quốc Xô Viết, hay ít nhất cũng lấy lại những đất Ukraine trước đó là của Nga, với tuyệt đại đa số dân gốc Nga sống, như Crimea, Donetsk và Luhansk (vùng Donbass). Những vùng này cũng là vùng chiến lược cực quan trọng, là cửa ngỏ của Nga đi vào Biển Azov, Hắc Hải và Địa Trung Hải.  

    Lý do này, không ai có thể chối cãi. Nhưng còn lý do khác ít người để ý, hay thường bị khỏa lấp. Từ sau khi LBXV sụp đổ, NATO trên nguyên tắc không còn lý do tồn tại, vì NATO thực sự là liên minh quân sự chống Liên Bang Xô Viết trong khi LBXV đã tiêu tan. Thế nhưng thực tế lại cho ta chứng kiến NATO bành trướng như chưa bao giờ thấy.

    NATO vẫn giữ mục tiêu là một liên minh quân sự nhưng không chống Liên Bang Xô Viết mà là chống Nga, đã bành trướng mạnh về phiá đông, gom cả lô quốc gia trước đây trung lập hay chư hầu của LBXV, gồm có: Albania, Bulgaria, Croatia, Czechia, Estonia, Finland, Hungaria, Latvia, Lithuania, Montenegro, Macedonia, Poland, Norway, Romania, Slovakia, Slovenia, Sweden, tức là thêm 17 xứ thành viên (chưa kể Đông Đức đã sát nhập tới Tây Đức), bao vây Nga từ bắc Âu xuống tới nam Âu. Nga chỉ còn hai xứ 'trái độn' là Belarus và Ukraine. Bây giờ NATO toan tính bao gồm luôn cả Ukraine, tiến tới sát nách Nga, khiến NATO trở thành mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia của Nga. Nhất là trong khi TT Mỹ lại ồn ào đòi hỏi các xứ NATO phải gia tăng ngân sách quốc phòng. Ukraine gia nhập NATO sẽ thu ngắn được nửa đường từ biên giới NATO tới Moscow. Dù không thể đồng ý với việc xâm lăng Ukraine -tiên hạ thủ vi cường- của Putin, ta cũng phải tự đặt mình vào vị trí của Putin, có trách nhiệm với nước Nga và dân Nga là phải lo cho an ninh quốc gia của Nga. Nếu Clinton, Bush con, Obama, Biden hay Trump làm tổng thống Nga, họ sẽ có thể ngồi yên nhìn xứ mình bị bao vây và đe dọa trực tiếp như vậy không?

    Công bằng mà nói, thật sự là NATO đã khơi mào ra cuộc chiến Ukraine khi khiêu khích, dồn Nga vào chân tường.

    Từ phiá Ukraine, sau cuộc cách mạng lật đổ TT Viktor Yanukovich thân Nga năm 2014 (có bàn tay lông lá của Xịa không?), Ukraine công khai đứng về phiá đồng minh Mỹ và NATO, còn muốn gia nhập NATO luôn, công khai chống Nga và trực tiếp đe dọa an ninh lãnh thổ Nga.

    Nghĩa là việc đánh Ukraine đối với Nga có mục đích công để bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng, nhưng cũng là thế thủ để chặn mối đe dọa trực tiếp của NATO.

    Ngoài ra, Ukraine cũng là một nước lớn (bằng Pháp), có rất nhiều tài nguyên quan trọng như canh nông (vựa lúa của Âu Châu), mỏ than và dầu khí, đất hiếm,...  mà cả Nga lẫn Mỹ đều dòm ngó.

3. Cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay

    Cuộc chiến có thể nói đã qua 4 giai đoạn chính:

  • GĐ I: Nga tấn công thủ đô Kyiv với hy vọng chiếm ngay cả nước Ukraine.
  • GĐ II: Nga tập trung nỗ lực lấy lại Luhansk và Donetsk, là đất của dân gốc Nga, khi thấy không thể chiếm cả Ukraine được.
  • GĐ III: Hai bên đánh lớn, nhưng bất phân thắng bại chết rất nhiều cho cả đôi bên.
  • GĐ IV: Nga dậm chân tại chỗ. Ukraine phản công. Nhưng cũng không đạt được thắng lợi đáng kể nào. Hai bên vẫn ngang ngửa, chết như rạ cả hai bên.

    Hiện nay, cả hai bên đều ý thức không bên nào thắng như ý muốn, nên đều có ý định tìm thỏa hiệp, nhưng cả hai bên vẫn kiên trì: Nga muốn giữ những đất đã chiếm và Ukraine không được gia nhập NATO để làm trái độn giữa NATO và Nga; trong khi Ukraine muốn lấy lại tất cả đất Nga đã chiếm, cùng với quyền tự do gia nhập NATO.

4. Vai trò của Liên Âu, NATO và Mỹ

    Khối này đã đóng một vai trò yểm trợ Ukraine chống Nga rất tích cực:

  • Qua viện trợ quân sự như súng đạn, xe tăng, và nhất là các hỏa tiễn phòng không Patriot của Mỹ, và phát triển kỹ thuật chiến tranh đánh bằng drones.
  • Qua nhiều hình thức trừng phạt Nga về kinh tế, trên căn bản là các biện pháp trừng phạt trên các ngân hàng Nga, và cấm vận mậu dịch quan trọng nhất như xuất cảng dầu khí của Nga.

    Nhưng Nga đã phản ứng. Chuyển quan hệ kinh tế, thương mại quan trọng nhất qua phiá Trung Cộng, Ấn Độ, Iran,... Về quân sự, đã huy động được sự tích cực tham chiến của Bắc Hàn luôn. Thế giới thấy lại tình trạng thời chiến tranh lạnh: một bên là Mỹ và Âu Châu, bên kia là Nga liên minh với Trung Cộng, Bắc Hàn.

5. Những khó khăn và lợi điểm của chiến tranh

Về phía Nga: 

  • vì thiệt hại lính quá nhiều, nên đã phải động viên tối đa, kể cả giảm tuổi động viên, và lôi các tù ra bắt đi lính;
  • khó khăn kinh tế lớn vì cấm vận của Liên Âu và Mỹ;
  • chống đối trong nội bộ, từ dân Nga tới các nhóm đối lập chính trị; 
  • không đạt được thắng lợi gì trên chiến trường;
  • ngược lại, chiến tranh kéo dài sẽ bảo đảm chính Nga không bị NATO tấn công.

Về phía Ukraine:

  • thiệt hại nhân sự -dân và lính- quá cao;
  • thiệt hại vật chất như nhà cửa, hãng xưởng, hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, đê đập,... quá lớn, sẽ di hại lâu dài;
  • cả chục triệu dân di tản, mất nhà, mất việc, mất lợi tức, mà chính quyền phải nuôi;
  • cuộc phản công bị tắc nghẽn, không có kết quả đáng kể;
  • ngược lại, chiến tranh kéo dài, Zelensky vẫn ngồi ghế tổng thống vô hạn trong khi Ukraine nhận được cả trăm tỷ viện trợ.

6. Viễn tượng hoà bình

    Không ai thấy gì vì cả hai bên đều bất phân thắng bại, mà cũng đều ngoan cố như nhau vì dưới một khiá cạnh, chiến tranh tiếp tục có lợi cho cả hai bên. TT Trump can dự trực tiếp vào cuộc điều đình mưu tìm hòa bình giữa hai bên, làm trung gian. Mỹ không dính dáng trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng trong tư cách đại cường số một trên thế giới, cũng như nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, tất nhiên sẽ có tiếng nói lớn, và đúng như cả Putin lẫn Zelensky đã nhìn nhận, chỉ có Trump mới đủ tiếng nói mạnh và quả quyết để làm trung gian đưa đến điều đình cho hoà bình.

    Có hai vấn đề cần giải quyết:

  • Việc Ukraine có tham gia NATO hay không: có thể giải pháp sẽ là không, nhưng nếu Nga vi phạm hòa ước, Ukraine bị đánh, thì coi như NATO đã bị đánh, và cả Mỹ lẫn NATO sẽ tham chiến chống Nga. Ngược lại, Mỹ, NATO và Ukraine sẽ cam kết không tấn công Nga trước. Đây là giải pháp tương đối dễ. 
  • Vấn đề khó là những vùng Nga đã chiếm sẽ giải quyết ra sao. Hiện nay chưa ai thấy giải pháp nào.
    Ngoài ra, còn một vấn đề mới nẩy sinh ra, sẽ cần điều đình giữa Mỹ và Ukraine: nếu Ukraine muốn Mỹ tham gia, bảo đảm an ninh chống xâm lăng của Nga, thì sẽ có cái giá Ukraine phải trả: đó là việc cho phép Mỹ khai thác đất quý đổi lấy chẳng hạn vài trăm triệu viện trợ quân sự hay khinh tế gì đó. Chính TT Zelensky đã tuyên bố đây là một đòi hỏi hợp lý -reasonable. Khi Mỹ có quyền lợi trực tiếp như vậy, Nga sẽ phải suy nghĩ lại trước khi đánh Ukraine nữa.

7. Hậu quả lâu dài

    Không có hòa bình, Ukraine tiếp tục chịu thiệt hại lớn trong không biết bao nhiêu năm nữa, chết dân, đất nước bị tàn phá, cả mấy chục năm nữa chưa đứng dạy lại được. Cả Âu Châu sẽ gặp khủng hoảng nhiên liệu vì mất nguồn cung cấp dầu khí lớn là Nga, và khủng hoảng thực phẩm vì mất vựa lúa Ukraine. Trong viễn tượng Âu Châu và cả Nga ngày càng suy xụp, người ta sẽ thấy Mỹ và Trung Cộng ngày càng lớn mạnh và thống trị thế giới. Do đó, Nga và Liên Âu nhìn vào đường xa, cũng rất cần hòa bình tại Ukraine.

8. Nhận định của DĐTC

    Cuộc chiến Nga-Ukraine xẩy ra sau khi TT Trump đã rời Tòa Bạch Ốc rồi, không ai có thể tố cáo Trump phải chịu trách nhiệm. Cái mà Trump tự nhận trách nhiệm là tìm giải pháp tái tạo hòa bình. Dĩ nhiên, trong lúc vận động tranh cử, ông Trump đã hùng hổ tuyên bố sẽ giải quyết chiến tranh này trong vòng 24g. Cả thế giới, ai cũng hiểu đây là những nổ sảng của một ứng cử viên chính trị, theo đúng truyền thống chính trị Mỹ, kiểu như Obama rình ràng tuyên bố sẽ đóng cửa trại tù Guantanamo ngay trong ngày đầu, để rồi, bây giờ, 17 năm sau, Guantanamo vẫn còn đó. Mọi người, ai cũng đủ thông minh để hiểu không phải tất cả những hứa hẹn của các chính trị gia đều có thể thực hiện được dễ dàng như hứa hẹn, vì không có cách nào chiến tranh giữa hai đại cường có thể chấm dứt trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đừng nói chi tới 24 giờ, mà 24 ngày hay 24 tuần mà giải quyết được chiến tranh, mang lại hoà bình đã phải được coi như một 'siêu' thành tích rồi. Chỉ những con vẹt cuồng chống Trump mới cố bám vào để nặn ra chuyện công kích Trump.

    Đi vào thực tế, việc tái tạo hòa bình không dễ chút nào.

    Mỹ bắt đầu nói chuyện với Nga tuần rồi tại Ả Rập Saoud, trên căn bản để tìm hiểu quan điểm của Nga, sẽ có thể nhượng bộ hay đòi hỏi tới đâu, trước khi nói chuyện riêng với Ukraine để tìm hiểu chuyện tương tự, để cuối cùng tìm giải pháp cả hai bên có thể chấp nhận. Tuần tới TT Trump sẽ thảo luận riêng với thủ tướng Anh và TT Pháp tại Tòa Bạch Ốc. 

    Đây là những cuộc 'nói chuyện' chuẩn bị cho điều đình thật sự. Chuyện hợp lý bình thường, thế nhưng vài con vẹt u mê hùng hổ tố cáo Trump điều đình ngưng chiến tại Ukraine với Putin mà cấm cửa không cho Zelensky tham gia, muốn giúp Nga áp đặt ý của Putin lên đầu Zelensky. Dốt mà thích bàn sảng, chửi nhảm, là vậy.

    Dĩ nhiên cả hai bên Nga và Ukraine đều áp dụng sách lược vừa đàm vừa đánh, đánh không ngừng trên mặt trận quân sự, mà cũng đánh trên mặt trận chính trị. Trong sách lược này, kể cả đánh nhau bằng chiến tranh chính trị võ miệng, khi Mỹ bắt đầu nói chuyện với Nga, thì TT Zelensky nhẩy nhổm lên tố cáo 'Trump đang bị Putin sai khiến' (tin này New York Times hay Washington Post hay CNN ém nhẹm!). Khi Zelensky công khai khai chiến bằng cách tố Trump là tay sai của Putin, thì cả thế giới phải chờ đợi phản ứng của Trump. TT Trump chưa bao giờ là người chấp nhận để người khác tát vào mặt mà ngồi yên. TT Trump công khai tố cáo ngược Zelensky là "một nhà độc tài không ai bầu". Tố cáo của TT Trump thật ra không sai. TT Zelensky đắc cử TT năm 2019 với nhiệm kỳ 5 năm, mãn nhiệm tháng 5/2024. Tuy nhiên, viện cớ chiến tranh, TT Zelensky không cho tổ chức bầu cử, và tự cho quyền tiếp tục làm tổng thống vô hạn định cho tới khi hòa bình được tái lập. 

    Đưa đến vấn đề lớn: nếu muốn ngồi làm tổng thống, Zelensky chỉ cần nhất quyết không chấp nhận bất cứ giải pháp hòa bình nào, cứ kiên trì đánh thì vẫn có quyền ngồi làm tổng thống. Với việc chưa chi đã đánh phủ đầu Trump để gây khó cho điều đình hòa bình, câu hỏi là TT Zelensky có thật sự muốn hòa bình không? Hay muốn duy trì chiến tranh vĩnh viễn để làm tổng thống muôn năm?

    Nhắc lại, trong khi CSVN xâm lăng miền Nam, thì VNCH ta vẫn có tổ chức bầu quốc hội và bầu tổng thống 2 lần, năm 1967 và 1971. Ông Thiệu có nhân danh chiến tranh để tự phong mình làm lãnh đạo muôn năm không?

    Thẳng thừng mà nói, việc Zelensky công kích Trump là việc làm ngu xuẩn khi Mỹ là xứ viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Chửi ông Trump có thể khiến ông này nổi điên cắt hết quân viện cho Ukraine thì ai chết? Do đó, cuộc khẩu chiến Trump-Zelensky có vẻ như hai bên đang đóng tuồng cho dư luận trước khi bắt tay nhau, nhiều hơn là cãi nhau thật.

ĐÔNG MINH QUAY QUA CHỐNG MỸ

    Câu hỏi đầu tiên dĩ nhiên là tại sao các đồng minh của Mỹ lại quay qua chống Trump như ta đã thấy tại hội nghị Munich và trước đó? TT Trump đã làm chuyện gì tai hại ghê gớm cho họ vậy?

    Câu trả lời không khó: chỉ vì TT Trump, ngay từ nhiệm kỳ đầu, đã có cái chủ trương 'thật đáng ghét' là lo cho nước Mỹ trước -America first- mà không lo cho thiên hạ trước, không lo cho Âu Châu trước, không lo cho thế giới trước, đã vậy, lại còn bắt các nước khác tự lo nhiều chuyện khác. Nghĩa là Trump đã cả gan không cho phép các đồng minh khai thác, lợi dụng Mỹ như trước đây nữa. Không đáng trách sao được? 

    Hãy nhìn qua Biden hay Obama cũng vậy. Dưới thời hai ông tổng thống này, nước Mỹ rất 'nhân bản' tham gia vào thỏa ước Paris về kiểm soát khí hậu, cũng như tham gia vào các tổ chức quốc tế như UNESCO, WHO,... Mà bây giờ Trump lại rút Mỹ ra. Trump đúng là độc tài tàn bạo, vô nhân đạo. Có thật vậy không?

- Thỏa Ước Khí Hậu Paris: trên căn bản, vì nhu cầu kiểm soát ô nhiễm, cản hâm nóng địa cầu, thỏa ước này đặt ra những tiêu chuẩn rất gắt gao trong kỹ nghệ, gây thiệt thòi lớn cho các nước đã phát triển, đặc biệt là Mỹ, nhưng cũng sẽ gây thiệt hại cho các nước gọi là 'đang phát triển', sẽ cản trở việc phát triển kinh tế của họ. Phần lớn các tiêu chuẩn này do đó, không áp dụng cho các xứ chậm tiến hay đang phát triển, và với những xứ mà tiêu chuẩn phải áp dụng, thì Mỹ sẽ bồi tường thiệt hại. Đưa đến hai chuyện quái dị nhất:

  • Mỹ nhận bỏ ra một tỷ đô để bồi thường những thiệt hại của các xứ chậm tiến hay đang phát triển. Hiện nay, qũy bồi thường này đã nhận được 'hứa hẹn' tổng cộng 13 tỷ đô từ 34 nước, hay trung bình 380 triệu mỗi nước. Trung Cộng và Nga đóng zero.
  • Trung Cộng là thủ phạm lớn nhất vi phạm tất cả mọi tiêu chuẩn về bảo vệ khí hậu và môi trường, nhưng lại được miễn tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe mới vì TC được xếp hạng là xứ 'đang phát triển'. Đây là chuyện giúp TC cạnh tranh thẳng với Mỹ trong những điều kiện thuận lợi hơn Mỹ nhiều.
  • Hai câu hỏi:

    1. Tại sao Mỹ đã bị thiệt thòi bởi thỏa ước, mà lại phải bỏ ra cả tỷ đô để bồi thường cho cả thế giới? Ai bồi thường cho Mỹ?
    2. TC chậm tiến hay đang phát triển?


    Trung Cộng chậm tiến hay đang phát triển?

    - UNESCO: đây là tổ chức mang tiếng văn hóa thuần túy, không chính trị. Thế đấy, nhưng tại sao lại muốn vinh danh tên tội đồ CS chống Mỹ là Hồ Chí Minh như một 'vĩ nhân của nhân loại'? HCM đã làm gì cho 'văn hóa thế giới' để UNESCO muốn vinh danh như 'vĩ nhân của nhân loại'? Dưới thời Bush con, Obama và Trump, Mỹ không tham gia UNESCO, không đóng tiền gì cho UNESCO. Biden cho Mỹ tham gia lại và chấp nhận đóng 600 triệu đô tiền đóng góp của Mỹ mà các TT Bush, Obama và Trump đã không chịu đóng. Để làm gì? Tại sao Mỹ phải tham gia vào UNESCO?

    - WHO: Đây cũng là một tổ chức y tế trên nguyên tắc không mang màu sắc chính trị. Thế sao lại phải làm theo ý của Trung Cộng, bầu một người Ethiopia không phải là bác sĩ, không có một ly kinh nghiệm y tế làm tổng giám đốc? WHO đã làm gì trong cơn đại dịch COVID tấn công cả thế giới? WHO đã giúp gì cho Mỹ để Mỹ phải đóng 500 triệu đô mỗi năm? Dưới đây là vài chi tiết về đóng góp tiền cho WHO:

    • Mỹ: 958 triệu đô cho hai năm 2024-2025, theo kế hoạch của Biden, hay trung bình 480 triệu đô một năm;
    • 27 nước trong Liên Âu: 412 triệu đô trong năm 2023, trung bình 15 triệu đô mỗi xứ một năm;
    • Trung Cộng: 41 triệu cho 2 năm 2023-2024, hay trung bình 20 triệu đô một năm.
        Cụ nào thấy đóng góp của Mỹ rất vừa phải, xin giơ tay và khai tên họ.

        Cái phiền toái là nếu Mỹ rút ra, các tổ chức trên sẽ mất bộn tiền, hoặc là trở thành vô dụng hoàn toàn, khiến các cường quốc Tây Âu mất thế, hoặc là nếu muốn duy trì các hoạt động thì các xứ Âu Châu sẽ phải bỏ tiền ra nhiều hơn.

        Nhưng cái nhức răng khiến các quốc gia Âu Châu thù ghét Trump chính là việc Trump không muốn tiếp tục làm cái dù che chở Âu Châu trong khi chính các xứ này hoàn toàn lơ là việc quốc phòng, bảo vệ chính mình. Âu Châu tặng tiền trợ cấp đủ kiểu cho dân, tặng dân giáo dục và y tế 'miễn phí', trong khi tháo khoán việc bảo vệ Âu Châu cho nước Mỹ lo, dân Mỹ trả tiền, và lính Mỹ chết thế. Ta nhìn qua vài con số về ngân sách quốc phòng:

    • Mỹ: 916 tỷ đô; hay 3,4% GDP Mỹ;
    • Đức: 67 tỷ đô; hay 1,5% GDP Đức;
    • Anh: 75 tỷ đô; hay 2,3% GDP Anh:
    • Pháp: 61 tỷ đô; hay 2,0% GDP Pháp.

        Theo Hiến Chương của NATO, các thành viên NATO phải có ngân sách quốc phòng tối thiểu 2% GDP, là điều TT Trump đòi hỏi nếu muốn Mỹ tiếp tục tham gia và bảo vệ. Sau đó những quốc gia lớn nhất đã đành phải gia tăng ngân sách quốc phòng, tuy Đức vẫn chưa đạt được mức 2%. Cái chuyện lạ lùng đáng nói là đòi hỏi của Trump hiển nhiên không thể nào hợp tình, hợp lý hơn, nhưng lại khiến cho cả Âu Châu, từ chính khách đến dân thường, đến cả đám vẹt tị nạn Tây Âu, nổi điên, chống đối mạnh mẽ. Ý của đám này dĩ nhiên chỉ muốn được sống lè phè ăn hưởng trợ cấp vô hạn dưới cái dù quốc phòng Mỹ. Các cụ tị nạn Tây Âu oán hận Trump một phần vì đang run như cầy sấy, sợ Mỹ bỏ, cả Âu Châu sẽ rơi vào tay Putin, các cụ sẽ bị đầy đi Tây Bá Lợi Á; một phần vì các cụ sợ mất ít tiền già hay tăng thuế vì Âu Châu phải gia tăng ngân sách quốc phòng.

        Dĩ nhiên là chẳng có xứ Âu Châu nào có thể công kích Trump trong việc ông đòi hỏi gia tăng ngân sách quốc phòng. Họ khôn ngoan xoay qua việc công kích Trump là độc tài, là phản dân chủ, là tay sai của Putin, là đang đứng về phe Nga chống lại xứ anh hùng Ukraine, là Chamberlain tái sinh [Ghi chú: Chamberlain là thủ tướng Anh lo nịnh Hitler để hy vọng tránh chiến tranh, bị chê là ngây thơ ngớ ngẩn bị Hitler lừa],...

        Cái cực kỳ vô lý là tố cáo Trump nịnh Nga, làm tay sai cho Putin trong khi Trump muốn NATO củng cố khả năng quốc phòng chống Nga bằng cách gia tăng ngân sách quốc phòng. Đòi hỏi gia tăng ngân sách quốc phòng chống Nga là việc làm 'tay sai' cho Nga??? Hiểu được chết liền!

        Ngoài ra, còn có một chuyện mà cả Âu Châu hiện nay, từ chính khách tới truyền thông, đã cố tình ém nhẹm. Trong khi các xứ Âu Châu hiện nay đang ồn ào giúp Ukraine, muốn nhận Ukraine vào NATO để bảo vệ Ukraine hữu hiệu hơn, thì trong Hội Nghị thượng đỉnh về an ninh Âu Châu tại Bucharest -thủ đô của Romania- năm 2008, Ukraine đã không được chấp nhận tham gia vào NATO vì chống đối của hai đại cường lớn nhất NATO khi đó, là Đức và Pháp, vì cả hai xứ này khi đó đang có quan hệ giao thương rất lớn với Nga. Chỉ sau khi Putin bất cần quan hệ giao thương này, công khai tiến đánh Ukraine, thì bây giờ Đức và Pháp mới ồn ào lên tiếng mời Ukraine tham gia vào NATO. Tính giả dối của Đức và Pháp trở nên thô bạo hơn khi một mặt, sau khi Putin đánh Ukraine, cả Đức và Pháp viện trợ quân sự cho Ukraine để chống Nga, mặt khác lại tiếp tục chi bạc tỷ mua dầu khí của Nga để Nga có tiền nuôi dưỡng chiến tranh.

        Điểm quái dị khó hiểu nhất trong câu chuyện Ukraine là tại sao cả khối NATO cũng như cụ Biden đã không chịu đứng ra làm trung gian tìm hòa bình tại Ukraine trong gần 3 năm qua, mà phải đợi tới ông Trump đắc cử TT mới có chuyện đi tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho Ukraine. Chẳng lẽ NATO và Biden đều muốn -hay ít nhất- chấp nhận chiến tranh lâu dài vì một quyền lợi nào đó sao?