Từ Pháp trở về Thụy Sỹ, tôi đã có dịp đi Croatia sau đó.
Đây là lần đầu tiên kẻ này đi du lịch Croatia. Đi qua tour do một công ty Thụy Sỹ tổ chức, toàn dân 'cao niên' Thụy Sỹ, hình như không có ai dưới sáu bó, ở khách sạn 3 hay 4 sao, ăn rất ngon, mọi người đều rất lịch sự, thân thiện, rất tôn trọng giờ giấc của chuyến đi. Đi xe buýt từ Thuỵ Sỹ qua, rồi cũng đi xe buýt lòng vòng gần cả nửa tá tỉnh nhỏ dọc biển của Croatia, không đi qua thủ đô Zagreb. Đi xe buýt có lẽ là phương tiện du lịch lý tưởng nhất bên Âu Châu. Xe rất êm ả, tiện nghi, sạch sẽ, thêm dịp ngồi ngắm núi tuyết và biển xanh suốt dọc đường trên các quốc lộ, tuyệt đối không giống như đi xa lộ Mỹ chán ngấy, cả ngàn dặm đường xá giống hết nhau, phong cảnh hai bên đường cũng chẳng thay đổi bao nhiêu từ Miami tới Seattle. Chỉ phiền là mất rất nhiều thời giờ. Kẻ này đi xe buýt từ Lausanne bên Thụy Sỹ qua tới thành phố Opatija, trạm ngừng đầu tiên trên đất Croatia, sát biên giới với Slovenia, mất tổng cộng 14 tiếng đồng hồ! Ngồi ê ẩm cả người tuy đường xá rất tốt, không bao giờ gặp ổ gà, và xe ngừng nghỉ giải lao mỗi 3-4 tiếng đồng hồ. Cái may là kẻ này đã về hưu, thời giờ không còn là một ưu tư gì nữa tuy post bài và góp ý của độc giả trên DĐTC bị chậm trễ và lộn xộn nhiều.
Từ Thụy Sỹ qua Croatia, phải đi qua dẫy núi vùng biên giới Thụy Sỹ-Ý cực kỳ hùng vỹ và tuyệt đẹp, vẫn còn tuyết trắng xóa, rồi đi qua vùng kỹ nghệ bắc Ý từ Milan qua Venezia hay Venice. Đây là vùng kỹ nghệ với nhiều công ty, hãng xưởng và dân lao động Tầu lớn nhất Âu Châu. Đi xa lộ băng qua vùng, nhìn hai bên đường thấy bảng hiệu lớn của các công ty Trung Cộng với chữ Tầu màu vàng trên nền đỏ. Kinh tế Ý mấy năm qua không tốt lắm, giống y như kinh tế cả khối Liên Âu, nên chính phủ Ý tìm đủ cách khuyến khích dân Tầu qua Ý kinh doanh, mở hãng xưởng. Đây cũng là vùng trước đây bị đại dịch COVID đánh tàn bạo chết nhiều người nhất Âu Châu vì các anh chị lao động Tầu về quê ăn Tết năm 2020, rồi mang theo về Ý cả tỷ tỷ vi khuẩn Vũ Hán. Sau khi băng qua hết bắc Ý, sẽ phải băng qua Slovenia là quê hương của bà Melania Trump, trước khi vào Croatia.
Croatia là một quốc gia có một lịch sử lâu dài -hơn 1.500 năm- hết sức phức tạp, y như lịch sử Âu Châu: chiến tranh liên tục cả ngàn năm, giữa các đại đế quốc La Mã, Pháp, Đức, Phổ, Ý, Hung, Áo, Nga, Thổ, LIên Xô,... với các tiểu quốc như Croatia lãnh nạn từ đầu, và bản đồ chính trị Âu Châu thay đổi không ngừng, chỉ khiến đám học trò điên đầu không thể nhớ nổi.
Sau đệ nhất thế chiến -vào năm 1918-, Croatia gia nhập Liên Bang Nam Tư hay Yougoslavia, gồm có nửa tá quốc gia như Macedonia, Serbia, Montenegro, Kosovo, Bosnia,..., sau đó trở thành chư hầu của Liên Bang Xô Viết, dưới quyền của nhà độc tài CS Josif Tito trong gần 40 năm. Cộng Hòa Croatia là quốc gia mới thành lập vào năm 1991, sau khi tuyên bố độc lập tách ra khỏi Liên Bang Nam Tư. Sau đó chiến tranh đã xẩy ra chống Nam Tư, kéo dài hơn 4 năm.
TT Tito tuy theo CS, chư hầu LBXV, nhưng thuộc loại cứng đầu, hay chống Moscow. Nhiều trí thức thiên tả VN đã từng ước mơ Hồ Chí Minh theo gương Tito thì may ra VN đã tránh được chiến tranh đẫm máu 'chống Mỹ'. Nhưng nhận định như vậy là không hiểu gì về HCM: HCM không sắc xảo, thông minh như Tito, không yêu nước bằng Tito, và nhất là tàn ác hơn xa Tito.
Croatia bây giờ là thành viên của Liên Âu và cả NATO luôn, xứ duy nhất trong tất cả các xứ trong cựu Liên Bang Nam Tư, nhưng không tích cực tham gia gì hết.
Croatia đúng là tiêu biểu cho Âu Châu, toàn là những thành phố nhỏ, đường phố chật hẹp đầy xe nhỏ xiú, không có các cao ốc chọc trời như Mỹ, cũng chẳng có xa lộ thênh thang với 3-4 làn xe mỗi chiều. Tại các thành phố lớn, có nhiều cao ốc chung cư, nhưng không cao hơn 5-7 tầng. Cuộc sống hiển nhiên trầm lặng với thời gian dường như ngừng trôi. Dân chúng hiền lành, từ từ sống, không có gì gấp gáp phải chạy như chạy giặc ở New York. Có vẻ như cả nước, toàn là dân về hưu, tà tà sống qua ngày.
Các thành phố lớn của Croatia thường khá nhỏ so với các thành phố Mỹ, lại có những cái tên quái dị rất khó đọc và không thể nhớ như Opatija, Crikvenica, Makarska, Plitvicka, Krka, Hrvatska,... Đi xa lộ dọc qua vùng quê, thấy rất nhiều làng nhỏ, có khi chỉ có chừng vài chục hay vài trăm căn nhà. Các nhà thường là nhà riêng, thông thường có hai tầng, khá nhỏ, chừng 1.000 sqf, vuông vắn với mái ngói đỏ, chung quanh là vườn hay đất trồng trọt hay nuôi cừu, nhìn qua thấy rất giống... Đà Lạt của trước 75. Chung quanh cũng đồi núi, rừng thông, hồ. Nhưng đi quốc lộ dọc bờ biền, từ bắc xuống tận phía nam, thì mới thấy được cái đẹp của Croatia, một bên là biển xanh, nước trong vắt nhìn thấu đáy, một bên là đường đèo ngoằn nghèo qua sườn núi, đi qua những thành phố đẹp khó tưởng tượng được, như Split. Ở đây có những khu đi bộ dọc biển, gọi là boardwalk, đông nghẹt du khách. Tại boardwalk của Split, giá căn hộ chỉ sơ sơ có gần 50.000 đô cho một mét vuông, hay nửa triệu đô cho 100 sqf, hay 5 triệu đô cho một căn hộ hai phòng ngủ cỡ 1.000 sqf. Quý độc giả nào dư tiền muốn mua, kẻ này sẽ giới thiệu vài công ty địa ốc.
Điểm đặc biệt của những địa điểm du lịch Croatia là có khá nhiều đoàn khách du lịch Nhật và Tầu.
Phần lớn các nhà đều tương đối mới xây, chứ không cổ lỗ sĩ như bên Pháp. Có thể có hai lý do. Thứ nhất Croatia có một lịch sử rất bi đát, chiến tranh không bao giờ ngừng vì vị trí chiến lược thật quan trọng. Chiến tranh mới nhất là vào khoảng năm 1991-1992 khi Liên Bang Yougoslavia tan vỡ thành cả hơn nửa tá các quốc gia độc lập, đánh nhau tàn bạo nhất. Nhà cửa bị chiến tranh tàn phá liên tục. Chiến tranh dây dưa qua tới 1998-1999 trong các xứ láng giềng trong vùng khi TT Clinton khi đó nhẩy vào tham chiến khá tích cực trong chiến tranh gọi là Kosovo War đầu năm 1998 để khoả lập bớt xì-căng-đan Monica Lewinsky 'hút xì gà' trong Tòa Bạch Ốc. Thứ nhì là Croatia cũng như các quốc gia khác trong Liên Bang Yougoslavia, trước đây sống trong chế độ CS, rất nghèo, chỉ mới phát triển, giàu có, kinh tế khấm khá nên dân mới bắt đầu có tiền xây nhà gạch. Tuy nhiên, trong nhiều thành phố nhỏ không bị chiến tranh tàn phá như Trogir hay Dubrovnik, người ta vẫn còn có thể thấy các tường thành và phố cổ từ thời La Mã. Tường thành rất kiên cố, hùng vỹ, trong khi các đường đi thì đúng là rất cổ, lát đá, nhiều chỗ rất hẹp, chỉ chừng hai thước bề ngang.
Nhiều người lần đầu tiên nghe nói tới xứ Croatia, nhưng xứ này có một công dân cả thế giới đều biết và nghe tên, nhất là lúc sau này, là nhà khoa học và kỹ sư điện Nikola Tesla, mà ông Musk đã mượn tên. Chuyện ít người biết hơn nữa là ông Tesla này mang danh kỹ sư nhưng thật sự không có bằng kỹ sư, chẳng có bằng gì ráo, đang học đại học thì bỏ ngang, đi làm nhân công lao động trong một công ty điện. Rồi nhờ thông minh và kinh nghiệm thực tế, trở thành một nhà phát minh hạng nhất về điện, là nguồn cảm hứng cho tỷ phú Elon Musk.
2/5/2025