Saturday, June 16, 2018

BÀI 25: TRUMP – KIM ĐẢO LỘN THẾ GIỚI


Trong tuần qua, cả thế giới đã chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa TT Trump và CT Kim Chánh Ân. Một cái bắt tay của hai nhân vật lãnh đạo nổi tiếng là… bốc đồng không giống bất cứ các vị lãnh đạo nào khác. Cả hai đều có điểm giống nhau ở chỗ… không giống ai. Cái không giống ai đầu tiên được mọi người nhìn thấy ngay là hai bộ tóc. Ông tổng thống thì tóc như ca sĩ nhạc giựt gân trong khi ông chủ tịch thì cắt tóc kiểu chưa bao giờ thấy từ ngày nhân loại bắt đầu biết cắt tóc.
Quan trọng hơn cả, đó là cái bắt tay của hai người có thể xóa bản đồ cả thế giới trong vài giây đồng hồ. Cả thế giới có quyền ngủ yên thêm ít lâu. Vài năm hay vài chục năm?
     Có hai câu hỏi ai cũng có trong đầu: 1) từ đâu có mâu thuẫn Mỹ-BH? Và 2) đâu là điểm có thể hóa giải mâu thuẫn?
Câu chuyện quan hệ Mỹ với Hàn Quốc, cả nam lẫn bắc, giống y chang câu chuyện quan hệ Mỹ với Việt Nam, cả nam lẫn bắc. Mỹ can thiệp để cứu miền nam khỏi lưới CS của miền bắc. Chỉ khác là kết quả Mỹ thành công tại Hàn Quốc trong khi thất bại tại VN.
Câu hỏi thứ hai, đâu là điểm có thể hoà hợp? Tất cả tùy thuộc BH.
Như đã bàn trên cột báo này, sách lược võ trang nguyên tử của BH chỉ có đúng một mục tiêu: tự bảo vệ chống tấn công của NH và Mỹ chứ không phải để xóa Hawaii. Gia tộc họ Kim độc tài tuyệt đối trong nước vì muốn nắm quyền vĩnh viễn như những triều đại vua chúa thời xưa và cho đến nay, họ đã thành công, nhưng vẫn lo ngại NH và Mỹ sẽ đánh. Nên muốn dùng vũ khí nguyên tử, trên căn bản để trao đổi: chấm dứt đe dọa nguyên tử từ BH đổi lấy việc nhìn nhận triều đại Kim và viện trợ kinh tế từ NH và thế giới. Sách lược này đã được áp dụng từ đời bố cậu Ấm khi BH bắt đầu có khả năng nghiên cứu việc chế tạo bom nguyên tử, chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của Pakistan và nhờ các kỹ sư tốt nghiệp ở Nga, TC, cả Âu Châu và Mỹ về giúp (Hàn Quốc cũng không thiếu gì trí thức mơ ngủ).
Ông bố cậu Ấm đã nhiều lần ký thỏa hiệp với Mỹ, ngưng nghiên cứu làm bom đổi lấy viện trợ từ các TT Clinton và Bush. Nhưng lần nào cũng công khai vi phạm rồi hủy hiệp ước. Đến thời TT Obama thì cả hai bên ngưng nói chuyện, BH tha hồ thử bom và hỏa tiễn, TT Obama ngồi nhìn, không làm gì hết. Gọi là “kiên nhẫn chiến lược”! Strategic patience! Ngồi chờ cho BH đủ sức đánh vì biết rõ tới khi đó thì mình đã về hưu rồi. Tổng thống vô phúc nào kế nhiệm ráng chịu!
Tình trạng trở nên căng thẳng dưới TT Trump, một phần vì BH đã có khả năng làm bom và đang đi bước kế tiếp là thử hỏa tiễn chở bom, và một phần vì đụng TT Trump là người cứng rắn hơn TT Obama nhiều, không biết ‘kiên nhẫn chiến lược’ là gì. Cả thế giới lo sót vó sẽ có đụng độ lớn.
Nhưng rồi cuộc diện biến đổi theo chiều hướng ngược lại. Cậu Ấm có thể nghĩ mình đã đủ mạnh, nhưng cũng có thể đã đến nước bí không thể đi xa hơn, nên bất ngờ đấu dịu, đề nghị nói chuyện với TT Trump. Ông này không chậm trễ, đáp ứng ngay trước sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Đi đến cuộc họp lịch sử tại Tân Gia Ba ngày 12/6/2018.
Tiến trình đi đến cuộc họp không dễ gì.
Ngay từ đầu, New York Times, qua cây bút của Nicholas Christof đã đả kích việc TT Trump đe dọa san bằng BH để ép BH vào bàn họp là sai lầm, là viễn vông, là cực kỳ nguy hiểm. Rồi sau đó, cậu Ấm tháu cáy TT Trump, bị bắt ngay chóc. Cậu lớn tiếng đả kích PTT Pence là “ngu”, rồi hăm dọa hủy bỏ cuộc họp. Ngay sau đó, TT Trump tống ngay một lá thư chính thức hủy buổi họp luôn. TTDC hý hửng tung tin: Trump thất bại, bị cậu Ấm xỏ mũi quay như dế. Nhưng chỉ một ngày hôm sau, BH đổi giọng, xác nhận muốn gặp TT Trump bất cứ lúc nào, tại đâu, vô điều kiện ngay. Và bây giờ cuộc họp đã diễn ra.
Cuộc họp tại Singapore thật ra chỉ là gặp mặt ngắn giữa hai quốc trưởng để xác nhận ý chí muốn thảo luận. Rồi sau đó là việc làm của nội các, của các chuyên viên. Tiến trình đàm phán về những chuyện quan trọng như giải giới vũ khí nguyên tử, thu hồi cấm vận, rút quân Mỹ, bảo đảm hòa bình lâu dài,… không phải là việc làm trong 20 phút nói chuyện giữa hai lãnh tụ. Tung tin phải có kết quả ngay chỉ là cái mánh của TTDC đưa ra để có cớ tấn công TT Trump sau khi không thấy kết quả cụ thể nào ngay sau đó.
Cuộc gặp mặt là một biến cố đổi đời nếu thành công đi đến hoà bình lâu dài và thống nhất Hàn Quốc. Nhưng TTDC vẫn không thể nào nuốt trôi một ‘thành công’ nào của TT Trump.
Bình luận sơ khởi về cuộc gặp mặt, CNN nêu lên vài điểm mà họ cho là quan trọng nhất như cậu Ấm tươi cười hớn hở vì bây giờ đã được ngồi ngang hàng với vị lãnh đạo thế giới (bây giờ thì CNN nhìn nhận TT Trump là một lãnh đạo thế giới!); hai vị lãnh đạo gặp nhau riêng trong 45 phút, thông dịch mất một nửa, còn lại chia làm hai, mỗi người nói được 10 phút, chẳng nghĩa lý gì. CNN không phải không biết hai bên đã, đang, và sẽ nói chuyện với nhau cả tháng, cả năm nữa không chừng, nhưng vẫn cố moi ra chuyện lắt nhắt để đánh.
CNN nhìn nhận có thể hai bên sẽ đi đến một hiệp ước giải giới nguyên tử thật, nhưng lại kèm theo lời bàn Mao Tôn Cương ngay: vấn đề là BH có tôn trọng hiệp ước hay không. Chuyện tôn trọng hiệp ước hay không dĩ nhiên là câu hỏi đầu tiên cả thế giới đặt ra mỗi khi điều đình với CS, bất kể CSBH hay CSVN, có gì lạ? Không cần phải là ‘chuyên gia’ của CNN, một thằng bé đánh giầy ở VN cũng biết. Một lời bàn thừa thãi.
Washington Post kết luận: “Trump đại bại vì ngây thơ, Kim đại thắng”. Bằng chứng? Cùng nhận xét như CNN, cậu Ấm được nhìn nhận ngang hàng với tổng thống đại cường, Trump đi không về không. Hãy hỏi thử gia đình ba ông Mỹ gốc Hàn mới được trả tự do xem TT Trump có ‘đi không về không’ hay không? Hãy thử hỏi gia đình cả chục ngàn lính Mỹ chết mất xác tại BH bây giờ đang hy vọng nhận được hài cốt của cha, và ông xem TT Trump khác các tổng thống từ Truman đến Obama chỗ nào? Chưa kể việc BH ngưng thử nghiệm bom và hỏa tiễn, trong khi Mỹ chưa đụng đến cấm vận, chưa rút lính Mỹ, chỉ mới có ý định ngưng tập trận trong tương lai, nhưng sẽ tập trận lại ngay nếu cậu Ấm không chứng tỏ thiện chí thực thụ.
TTDC đặt vấn đề TT Trump giúp cậu Ấm thực hiện được tham vọng của ông nội Kim Nhật Thành: BH bây giờ được đứng ngang hàng với Mỹ, 70 năm sau ngày thành lập. Không sai, nhưng trách nhiệm ai chịu?
Giấc mơ được công nhận đúng là giấc mơ của dòng họ Kim từ ba đời nay. Họ đã nghiến răng nghiến lợi cho dân chết đói để nghiên cứu làm vũ khí nguyên tử với chủ ý đạt được ước vọng đó. Cậu Ấm thử được bom và hỏa tiễn không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là kết quả của cả mấy chục năm cố gắng. Trong thời gian đó, thế giới đã làm gì để cản? Bao nhiêu đời tổng thống Mỹ đã làm gì để cản?
 Bây giờ TT Trump phải làm gì? Có hai việc có thể làm: một là vùi đầu dưới cát theo kiểu ‘kiên nhẫn chiến lược’ như Obama đã làm, để cậu Ấm tiếp tục cho đến ngày nào đó, cậu làm như ông nội cậu, tung bom nguyên tử vào Hán Thành, giết vài chục triệu dân, thống nhất cả nước; hai là nhìn nhận thực tế, hậu quả của mấy chục năm bất lực hay khoanh tay ngồi nhìn của các chính quyền Mỹ và thế giới, để tìm cách đối phó, nhìn nhận họ Kim một cách bán chính thức đổi lấy hòa bình cho dân Hàn và cho cả thế giới.
Quý vị chống TT Trump, xin quý vị cho biết muốn làm gì khác hay có thể làm gì khác? Muốn chiến tranh, với cả chục triệu dân bắc và nam Hàn chết không? Đừng chửi đổng vu vơ, nói chuyện thực tế đi, có giải pháp gì hay ho hơn? Kẻ này vểnh tai nghe.
Bà Rachel Maddow của đài MSNBC cao giọng chỉ trích việc cờ Mỹ bay cạnh cờ của một tay độc tài. Chắc bà Maddow mới ra đời tuần rồi, nên không biết trước đây cờ Mỹ đã bay cạnh cờ của Xít-Ta-Lin, Mao, Hồ, Pol Pot,... toàn là những tay đồ tể tay dính máu cả trăm triệu người. Khi cờ Mỹ bay cạnh cờ Cuba dưới thời Obama, thì bà Maddow ở đâu? Hai xứ xung đột, có nguy cơ chiến tranh chết hàng chục triệu người. Họ nói chuyện được với nhau sao lại bài bác?
Một anh nhà báo phán TT Trump đúng là ngu vì nếu được cởi trói, thì BH sẽ theo mô thức tư bản đỏ độc tài của Trung Cộng chứ không theo mô thức tư bản dân chủ của Mỹ.
Chỉ có những người ngớ ngẩn nhất mới nghĩ cậu Ấm sẽ biến BH thành một Nam Hàn thịnh vượng và dân chủ theo mô thức Mỹ. Cái ‘giàu có’ mà TT Trump hứa hẹn chỉ là một tình trạng giàu có tương đối cho dân BH đỡ chết đói, bất kể qua mô thức nào, với viện trợ nhân đạo và kinh tế của Mỹ. TT Trump chưa bao giờ nêu vấn đề mô thức TC hay Mỹ, dân chủ hay cả nhân quyền. Thực tế mà nói, chuyện dân BH đang nhe răng chết, cần giúp đỡ mới là chuyện quan trọng, sao lại đi bới móc chuyện ‘mô thức’ này nọ? Hãy đi hỏi người dân BH xem họ muốn có bữa cơm hay họ lo cho ‘mô thức’ nào?
Chẳng những dân BH không cần biết ‘mô thức’ nào mà ngay cả Mỹ, nhất là các doanh gia, cũng không cần biết luôn. Miễn làm sao BH giàu có hơn, dân có ăn và tốt hơn nữa, lo làm giàu để có tiền mua hàng Mỹ như ‘mô thức’ TC hiện nay, mấy ông doanh gia này cũng sẽ rất happy. Chỉ có mấy anh trí thức mà không tri thức và các nhà báo lo tìm sâu mới thắc mắc chuyện ‘mô thức’.
Các cụ tỵ nạn cũng cố nặn óc, tìm cho ra chuyện để bôi bác: TT Trump dơ tay chào một sĩ quan BH, Trump phục khi Kim nói chuyện tất cả đám tùy tùng ngồi nghiên chỉnh lắng nghe,... Chuyện càng lắt nhắt càng lộ ra cái nhỏ nhen và đuối lý của các cụ. Thật ra, cũng khó trách họ. Đòi hỏi các cụ phải phân tích luật thuế, hay chế độ thuế quan, hay quy trình giải giới vũ khí nguyên tử là bắt các cụ với quá tầm tay. Trong khi cả thế giới nhìn thấy viễn tượng hòa bình cho nhân loại thì các cụ có đeo kính cận nặng cũng không nhìn xa hơn được cái chào của TT Trump. Hay đôi giầy cao gót của bà Melania.
Cố bới vết tìm cho ra sâu. Cách nào cũng phải tìm cho ra chuyện để chỉ trích hay bôi bác. Thử tưởng tượng TT Obama đang bắt tay và điều đình với Cậu Ấm xem? Cả TTDC đang xì xụp lạy, nhất loạt đòi Nobel thứ hai cho Đấng Tiên Tri rồi.
Một cái gian ý nữa của TTDC. Phe ta vì nhu cần đánh Trump, quay qua tung hô cậu Ấm như người biết phải quấy, có thiện chí tìm giải pháp hòa bình với tay hung hãn Trump. TTDC tuyệt đối tảng lờ chính vì những cấm vận mạnh của TT Trump mà BH đang đi vào cửa tử, phải tìm cách thoát ra, và cậu Ấm mới phải đấu dịu. Cửa tử không phải vì dân lầm than bởi cấm vận, mà vì không còn tiền trả lương cho lính và công an bảo vệ chế độ và bản thân cậu Ấm, không tiền trả lương cho các kỹ sư làm bom, cũng như không tiền tiếp tục thử nghiệm bom và hỏa tiễn, không mua được dầu xăng và các nguyên liệu khác từ nước ngoài.
Một lý do khác mà TTDC cũng nín khe là cậu Ấm thật sự sợ ông thần Trump. Nhìn vào gương Bush đánh Saddam và Obama giết Khadafi, thì rõ. So với ông thần Trump, Bush và Obama hiền hơn bụt sống. Hơn ai hết, cậu Ấm muốn bảo vệ ngai vàng đã chuyền tay từ ông nội, và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để giữ ngai vàng đó. Cái ‘hy vọng’ hòa bình lâu dài nằm ở điểm này: chỉ cần Trump bảo đảm giữ ngai vàng cho cậu, cậu sẽ chấp nhận hết, kể cả giải giới vũ khí nguyên tử. TT Trump hiểu điều này rõ hơn ai hết. Căn bản của thành công trong điều đình, là sở trường của ông Trump, là biết rõ đối phương muốn gì.
Đây không phải lần đầu BH ký hiệp ước rồi xù, nhưng lần này ‘hy vọng’ là sẽ khác vì có yếu tố mới: đó là vì có kèm theo bảo đảm an ninh cho cậu Ấm.
Nhiều người hình như chưa hiểu rõ TT Trump nên chỉ trích ông này bất nhất, nói năng lung tung, sáng nắng chiều mưa, ai biết được ngày mai ông lại đổi ý, hủy tuyên cáo chung, mang B-52 ra dọa câu Ấm thì sao? Thực sự TT Trump là người có quan điểm và chiến lược rất rõ, thực tế và kiên định, cái ông thay đổi như thay áo là những lời hăm he, những chiến thuật để đạt mục tiêu chiến lược. Như việc ông quảng bá cho cuộc họp với cậu Ấm, rồi bất ngờ viết thư hủy bỏ, rồi sau đó lại tiếp tục điều đình, đi đến buổi họp ngày 12/6.
Trở lại cuộc gặp mặt, ngay sau đó, một tuyên cáo chung –joint statement- đã được TT Trump và cậu Ấm ký. Dĩ nhiên chẳng có chi tiết gì mà chỉ là tuyên cáo về ý định chung chung, không phải một hiệp ước phải được Thượng Viện phê chuẩn.
Nhưng có hai điểm hết sức quan trọng trong tuyên cáo là 1) BH cam kết sẽ triệt tiêu hoàn toàn vũ khí nguyên tử trên bán đảo Hàn, có nghĩa là bao gồm cả NH, và 2) trong toàn bộ tuyên cáo, không có một chữ nào đòi hỏi Mỹ phải chấm dứt cấm vận, bất kể thu hồi ngay hay thu hồi từ từ. Trước đây, cậu Ấm đã từng đòi hỏi phải tháo gỡ cấm vận trước khi nói chuyện, bây giờ, không nhắc đến, tức là đương nhiên chấp nhận cấm vận sẽ không thu hồi ngay.
Ta phải hiểu là trước khi có cuộc họp, hai bên đã hiểu ý, hay đồng ý với nhau rất nhiều chuyện tuy chưa thể công bố hết cho thiên hạ biết ngay. Bỏ cấm vận chắc chắn đã có trong các điều kiện trao đổi. Nếu cậu Ấm từng bước hủy kho vũ khí nguyên tử thì Mỹ cũng bắt buộc phải từng bước thu hồi cấm vận, chuyện đương nhiên.
Một điểm có thể nói là ‘hiểu ý’ của Mỹ là ngay sau đó, TT Trump cũng cho biết sẽ chấm dứt những cuộc tập trận với NH, là chuyện cậu Ấm vẫn khiếu nại từ hồi nào đến giờ. Nhưng lại dọa sẽ tập trận lại nếu cậu Ấm lật lọng. TT Trump đang treo củ cà-rốt trước mũi cậu, nhưng vẫn giữ cái roi để đánh nếu cần. TTDC lại có cớ la hoảng mà cố tình lờ đi việc chẳng có gì chắc chắn TT Trump sẽ hủy bỏ tập trận thật. TT Trump đã từng viết thư chính thức hủy cuộc họp Singapore đó. Tất cả chỉ là chiến thuật cùa Trump thôi.
TTDC chê bai TT Trump đi không về không trong khi cậu Ấm hưởng tất cả lợi lộc cậu muốn. Muốn có một cái nhìn trung thực hơn, ta thử so sánh cuộc gặp mặt này với thỏa ước mà TT Obama ký với Iran, một thoả ước mà TTDC tung hô lên chín từng mây:
- Ngưng phát triển và thử nghiệm vũ khí nguyên tử. Iran hứa và sẽ có kiểm soát qua các báo cáo do chính Iran phụ trách, không có giám sát quốc tế hay Mỹ gì hết, thế thì ai biết được đâu là sự thật? BH hứa nhưng chưa có chi tiết kiểm soát vì chưa điều đình.
- Cấm vận. Obama tháo bỏ cấm vận Iran toàn diện và tức khắc không cần biết Iran sẽ giải giới thật hay không; Trump chưa bỏ gì hết vì còn tùy thuộc việc giải giới của BH.
- Tiền bạc: Obama trả lại 1,8 tỷ đô tiền mặt cho Iran ngay lập tức; Trump không trả một xu nào cho BH, ngay cả tiền cậu Ấm đi Singapore, cậu cũng đòi Mỹ trả, Trump từ chối, cuối cùng Singapore trả.
Quý độc giả tự cân nhắc hai cuộc trao đổi.
Nói tóm lại, cuộc gặp gỡ Trump-Kim là một biến cố lịch sử vĩ đại, mang lại niềm hy vọng lớn cho cả nhân loại, cho dù chưa ai biết thực tế sẽ như thế nào. Hơn 70% dân Mỹ ủng hộ cuộc gặp mặt lịch sử trong khi 81% dân NH hoan nghênh. Nhưng vẫn chỉ là bước đầu, chưa có gì đáng tung hô hay sỉ vả. Trong tương lai, tất cả tùy thuộc vào những thỏa thuận giữa hai bên. Nhiều người sẽ mỉa mai ‘chỉ là hy vọng’! Điều thực sự mỉa mai là cũng chính những người chê bai hy vọng này đã bỏ phiếu bầu ông vua bánh vẽ, vua ‘hy vọng’, ông ‘Hope We Can Believe In’, làm tổng thống Mỹ!
Tiến trình kiểm soát để bảo đảm BH thật sự giải giới là một tiến trình cực kỳ khó khăn và phức tạp, nhất là khi nhìn vào những tráo trở trong quá khứ của ông cháu nhà họ Kim. TT Trump quá lạc quan khi tuyên bố mối nguy nguyên tử đã qua rồi. Nhưng nếu thật sự cậu Ấm lo cho nước, lo cho gia tộc nhà Kim, lo cho cá nhân mình, thì biết đâu, cuộc gặp mặt sẽ là bước đầu của biến cố đổi đời, không khác gì cuộc gặp mặt Nixon-Mao đã thay đổi Trung Cộng một cách hoàn toàn, từ một xứ lạc hậu, điên khùng của Hồng Vệ Quân của Mao chuyển qua thời các đại gia đỏ đi Rolls Royce ngày nay. Chưa kể việc BH sẽ có dịp thoát khỏi gông cùm chính trị và kinh tế của họ Tập.
Cho dù còn rất nhiều câu hỏi về lâu về dài, nhưng trong ngắn hạn cuộc gặp gỡ  Trump - Kim sẽ gây khó khăn lớn cho đảng DC trong cuộc bầu cử cuối năm nay, cũng như khiến công tố Mueller phải cẩn trọng hơn nếu muốn khuyến cáo đàn hặc TT Trump.
Khuyến cáo của kẻ này cùng quý độc giả: chuẩn bị bông gòn nhét tai vì TT Trump sẽ gáy điếc con ráy luôn, nhất là trong năm bầu cử này.
NH, Nhật, Âu Châu, Nga, TC,… đều lên tiếng cổ võ. Chỉ có đám chính khách chống TT Trump là im re. Quan và dân của đảng DC và nhóm #NeverTrump, từ TT Obama đến bà TT hụt Hillary, từ cụ Schumer đến lão bà Pelosi, từ cụ Biden đến lão đồng chí McCain, tất cả bất thình lình bị đau cổ họng, á khẩu hết. Suốt cuộc họp và cả mấy ngày sau, không một vị nào dám lên tiếng, bất kể ủng hộ hay chống, trong khi cả thế giới đang chứng kiến biến cố chính trị quan trọng nhất từ mấy chục năm nay.
Chống thì có nghĩa là chống … hy vọng hòa bình, hoan nghênh thì lại là hoan nghênh… Trump! Trịnh Công Sơn đâu rồi, làm ơn ca bài ‘Tiến Thoái Lưỡng Nan’ đi!