Nói về ‘tự do’, có lẽ dân Việt tỵ nạn ta phải là ‘chuyên gia’ hơn tất cả
các dân khác vì tất cả đều là những người đã hiểu tự do là gì, và đã trả một
giá rất đắt để mua nó: bỏ tất cả, nhà cửa, mồ mả ông bà, cơ nghiệp để đi tìm tự
do, chấp nhận có thể bị hải tặc cướp, hãm hay giết trên đường vượt biển. Nhận
cái xứ thành đồng của tự do này làm quê hương thứ hai, cho dù mắt vẫn nghắm
nghé hy vọng về quê hương thứ nhất.
Sự thật là đã không ít dân tỵ nạn hiểu chữ tự do, nhất là cái tự do ngôn luận
một cách sai bét như diễn đàn này đã có dịp bàn qua.
Họ nghĩ cái tự do đó là tự do biểu diễn cái tài sỉ vả, nhục mạ người khác,
một thứ ‘nghệ thuật’ dường như có trong máu dân Việt. Đưa đến nhiều cảnh tan
gia bại sản vì bị thưa kiện. Chưa kể việc mất uy tín cá nhân của chính mình.
Dân Việt tỵ nạn không biết rõ tự do ngôn luận là chuyện bình thường, dễ hiểu.
Ngay cả dân Mỹ cũng mù tịt khi một nửa dân Mỹ không biết Tu Chánh Án số 1 là cái gì. Nhưng khi TTDC Mỹ không hiểu
hay không tôn trọng giới hạn của tự do thì thật là chuyện khó hiểu. Khó hiểu
nhưng lại đang xẩy ra đấy.
Trên thế giới gọi là ‘thế giới tự do’ này, đặc biệt là xứ Mỹ này, không có
cái tự do nào mà không có giới hạn. Cái giới hạn đó rất... đa dạng, nghiã là có
rất nhiều giới hạn tùy vấn đề và tùy hoàn cảnh. Trong bài này, ta sẽ chỉ bàn về
tự do ngôn luận qua báo chí hay các phương tiện truyền thông thôi.
Khi đụng chạm đến cái mà Mỹ gọi là First Amendment, tức là Tu Chánh Án số 1,
là tu chánh án bảo vệ quyền tự do phát biểu tư tưởng, tự do ngôn luận, dân tỵ nạn
ta nhanh nhảu hiểu ngay là đó là quyền tha hồ nhục mạ, chửi lộn, tha hồ tung
tin vịt, fake news, được Hiến Pháp Mỹ bảo đảm cho tất cả mọi người sinh sống
trên đất Mỹ.
Trên thực tế, tự do ngôn luận của
dân Mỹ được Hiến Pháp bảo vệ rất kỹ, nhưng cũng không lớn lắm, vì nó bị giới hạn
ở cái tự do, cái danh dự của người bên cạnh, chứ tự do của mình không đạp lên đầu
tự do của người khác được. Nhà nào cũng có tường vách, hay hàng rào. Tự do của mỗi
người giới hạn trong cái tường vách hay cái hàng rào đó.
Muốn sống ở Mỹ, phải hiểu xứ Mỹ. Cũng
như muốn được tự do như Mỹ, phải hiểu cái tự do của Mỹ. Không phải là tự do vô
trật tự, vô kỷ luật của cái xứ mà dân ta gọi là “xứ của ‘một rừng luật rừng’ dưới
các lãnh đạo đại tài”, xứ của xe cộ tha hồ chạy ngược chiều hay vượt đèn đỏ.
Người Mỹ thường đưa ra một thí dụ dễ
hiểu: Tự do ngôn luận muốn nói gì thì nói của anh không có nghiã là anh có quyền
vào một rạp hát hô hoán “lửa cháy, lửa cháy!”, khiến khán giả hoảng sợ, đạp lên nhau mà chạy ra khỏi rạp hát. Tự do ngôn
luận của anh cũng không có nghiã là anh muốn sỉ vả, nhục mạ, phịa chuyện bôi
bác ai cũng được, cho dù danh dự và thể diện họ có bị tổn thương cũng bất cần,
hay... cho đáng đời!
Cái luật không được công kích, chửi bới này có thể được nới lỏng ít nhiều trong
trường hợp những người của công chúng, -public person- như nhân sĩ nổi tiếng,
tài tử, ca sĩ,... Vì luật khá lỏng lẻo trong những trường hợp này, nên đã không
ít người hiểu lầm hay cố ý làm bộ như không hiểu, để có dịp lợi dụng, bôi bác,
miệt thị người mình thù ghét.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi đụng đến chính trị vì ở đây, tự do ngôn luận
còn được nới lỏng hơn nữa, núp dưới cái dù khác biệt quan điểm chính trị.
Một cách ngắn gọn và tương đối dễ hiểu: gặp một người khác quan điểm về bất
cứ chuyện gì, mình có thể chê bai, chỉ trích quan điểm đó, vạch lên cái mà mình
nghĩ là sai lầm trong quan điểm đó, nhưng không thể nhục mạ cá nhân người có
quan điểm đó, hay bịt miệng hay dùng bạo lực.
Lấy một thí dụ cụ thể và dễ hiểu: một anh tỵ nạn vì nguyên cớ nào đó, ra
trước thương xá Phước Lộc Thọ, hô hào khẩu hiệu tung hô đảng CSVN. Theo luật Mỹ,
không ai có thể cấm anh ta được. Nếu muốn, người nào không đồng ý, có quyền ra
chất vấn, đối chất với anh ta xem tại sao lại tung hô, CSVN có gì hay ho để
tung hô, hay thậm chí hô đả đảo CSVN lại. Nhưng không ai có quyền lôi tên anh
ta ra, hay tên bố mẹ, con cái ra nhục mạ. Có thể có cả đám người bu lại chửi bới
loạn xà ngầu và cảnh sát có thể bắt anh ta vì tội gây xáo trộn trật tự công cộng,
không thể làm hơn, càng không thể dùng bạo lực đánh đuổi anh ta.
Câu hỏi mà không ít người đã đặt ra: thế đảng đối lập DC và TTDC bôi bác,
nhục mạ TT Trump tàn bạo như vậy, sao TT Trump không kiện ra tòa? Như cái bà
dân biểu lính mới tò te Rashida Tlaib vừa vào Hạ Viện đã mở miệng chửi TT Trump
là “motherfuker” ngay thì sao không bị kiện?
Có ít nhất ba lý do tại sao TT Trump –hay bất cứ các tổng thống nào khác
cũng vậy- đã không thưa kiện. 1) Chỉ vì muốn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do chính trị nên luật Mỹ rất ‘rộng
rãi’ trong vấn đề đấu đá chính trị, trong việc thiên hạ sỉ vả các chính trị gia;
2) TT Trump không dại gì thưa kiện để cho bà dân biểu có một diễn đàn để tất cả
mọi người chú ý vào bà ta, giải thích tại sao bà ta gọi Trump là “m...”, tức là
giúp cho bà ta có dịp thêm mắm thêm muối vào lời nhục mạ; và 3) bà Tlaib là dân biểu, có quyền tự do ngôn
luận rất lớn, được Hiến Pháp bảo vệ rất kỹ.
Còn việc báo chí công kích TT Trump thì lại còn rắc rối hơn nhiều. Báo chí
và TV, với tư cách các cơ quan truyền thông công cộng, được Hiến Pháp bảo vệ hết
sức kỹ, rất khó mà có thể thưa kiện truyền thông khi họ chỉ làm nhiệm vụ thông
tin, trong đó có bình luận, là quyền của họ.
Trên căn bản, có thể nói các chính trị gia hầu như không thể nào thưa kiện
truyền thông được. Mặt khác, không kể các trang mạng lá cải cực tả như
Dailykos, MoveOn, MotherJones, Huffington Post, Buzzfeed, hay cực hữu như
Infowars, Red State,..., ta cũng không nên quên các cơ quan truyền thông lớn, cho
dù thiên vị, cũng khá kỹ, vẫn có tinh thần trách nhiệm khá lớn khi loan tin. Những
cái mà TT Trump hay ngay cả diễn đàn này gọi là fake news, thật ra cũng không
hoàn toàn là fake, là phiạ, mà phần chính là bóp méo với ý đồ. Tức là không phiạ
tin mà cách loan tin, cách đặt tít, đưa hình ảnh,... có ý đồ dẫn dắt độc giả
hay thính giả đi đến một kết luận theo chiều hướng phe đảng của họ. Dĩ nhiên là
thỉnh thoảng cũng vẫn có fake news, nhưng họ không cố y loan tin phịa, nếu khám
phá ra là tin phịa thì họ cũng mau mắn xin lỗi ngay.
Nhưng họ vẫn không hoàn hảo. Trong không khí đánh Trump loạn xà ngầu, nhiều
khi vì cạnh tranh nghề nghiệp, các cơ quan tranh dành nhau loan tin giựt gân,
hay tin bất lợi cho TT Trump, nên nhiều khi cũng lỡ chân, đi quá xa.
Vụ Covington là một thí dụ điển hình. Vì mục đích đánh TT Trump, TTDC xúm lại
đánh một anh học sinh trung học vì tội mang mũ đỏ đứng trước mặt một cụ da đỏ.
Chuyện ruồi bu không đáng một mẫu tin ngắn, nhưng lại bị TTDC thổi phồng, bóp
méo, uốn nắn thành một xì-căng-đan vĩ đại, một hậu quả cụ thể và tất nhiên của
chính sách kỳ thị của TT Trump.
Kết quả không vui mấy: anh học sinh đã đâm đơn thưa kiện cả Washington Post
lẫn CNN, mỗi cơ quan bị thưa bồi thường 250 triệu đô. Luật sư của anh học sinh còn hăm he,
chưa hết đâu, còn nhiều cơ quan khác cũng sẽ bị kiện.
TTDC quên mất anh học sinh không phải là nhân vật của công chúng, càng không phải là chính khách mà TTDC tha hồ đánh đập. Trong đơn kiện
Washington Post, anh học sinh này đã tố cáo WaPo đã cố tình đánh anh như là một
cách gián tiếp để đánh TT Trump, xúc phạm nặng nề danh dự của anh chỉ vì ý đồ
chính trị của WaPo mà anh này chẳng liên quan gì.
Câu chuyện mới hơn và thật sự tiêu biểu cho chủ trương đánh Trump đến cùng
là chuyện thảm sát dân Hồi tại Tân Tây Lan.
Tin báo chí khiến cả thế giới bị sốc nặng là một anh thanh niên da trắng nổi
cơn điên, vác súng vào một đền Hồi giáo tại Tân Tây Lan –New Zealand-, xả súng
bắn loạn đả khiến 50 người chết, và cũng khoảng 50 người bị thương.
TT Trump đã là một trong những lãnh
đạo thế giới gay gắt lên án hành động phi nhân tàn bạo này.
Câu chuyện chẳng có một ly nào dính
dáng sơ múi gì đến TT Trump. Dù vậy, TTDC Mỹ đã xúm lại công kích TT Trump, gán
lên đầu ông tất cả mọi trách nhiệm, vì đã là người tạo ra cái không khí kỳ thị
Hồi giáo trên khắp thế giới (?), vì tay giết người đó đã ra một thứ tuyên cáo
chống Hồi giáo đọc thấy không khác gì những tuyên bố của TT Trump (?), vì TT
Trump tuy có lên án nhưng lời lẽ ển ển xìu xìu, phản ảnh việc ông trong thâm
tâm có kỳ thị Hồi giáo thật (?),…
Vài cụ tỵ nạn bị bịnh Dị Ứng Trump,
cũng vội vã làm cái loa cho TTDC, lên tiếng sỉ vả TT Trump theo như mấy con vẹt
đã được huấn luyện kỹ.
Những tố giác này đi xa hơn mức lố bịch cả ngàn dặm. TT Trump chưa bao giờ
có những tuyên bố chống Hồi giáo hết. Cả vạn dân Hồi giáo mỗi năm vẫn được vào
Mỹ một cách hợp pháp. Điều ông làm đã từng bị công kích và bóp méo để xuyên tạc
là ông chỉ muốn cấm cửa tất cả dân –bất kể Hồi giáo hay Công giáo hay vô giáo-
của một nhúm vài nước đang có chiến tranh loạn đả không ai kiểm soát và biết được
ai là ai, khủng bố hay không,... Những xứ Hồi giáo lớn như Ả Rập Saoud, Thổ Nhĩ
Kỳ, Ai Cập, Pakistan và Indonesia chẳng hề bị chút ảnh hưởng nào.
Quyết định của TT Trump như ta đã biết, đã bị đủ thứ tòa của các tiểu bang
cấp tiến như Cali, New York, Maryland, Hawaii,... phán là kỳ thị, là vi Hiến. Để
rồi lên đến Tối Cao Pháp Viện thì tất cả những phán quyết phe đảng đó đều bị liệng
vào thùng rác hết.
Thây kệ, TTDC vẫn tiếp tục ca bài ca con cá vàng, tay Trump kỳ thị Hồi
giáo! Cũng may là chưa nghe TTDC tố TCPV cũng là đồng lõa kỳ thị Hồi giáo và phải
chịu trách nhiệm luôn về vụ thảm sát.
Nếu có một ‘người’ từ trên Hỏa Tinh mới tới trái đất lần đầu, và đọc báo Mỹ,
anh ta sẽ tưởng thế giới này mới có xung đột Tây Phương - Hồi giáo vì bị Trump
khích động trong hai năm qua, chứ không biết là đã có xung đột từ ngày 9/11.
Ta nhìn thử vào phiên bản mạng của báo phe ta Washington Post ngày 19 tháng
3 năm 2019: có một lô tít của những tin thời sự hàng ngày. Dưới đây là tít lớn
của những mục tin quan trọng nhất, theo WaPo:
1.
Phản ứng
của Trump trong vụ thảm sát Tân Tây Lan phản ảnh quá trình chống Hồi giáo của
ông ta;
2.
Kellyanne
Conway bác bỏ lời ông chồng tố cáo tinh thần của Trump suy thoái;
3.
Chính
sách của Trump với Venezuela vẫn không cản ông trục xuất dân xứ này;
4.
Vụ kiện
Trump lấy tiền quan chức nước ngoài qua dịch vụ khách sạn và sòng bài của Trump lên
tới tòa liên bang.
Cả bốn cái tựa, cái nào cũng bất lợi cho TT Trump hết, 100% chứ
không còn là 90% nữa. Quý độc giả cũng để ý thấy Wapo gọi “Trump” cộc lốc, chứ
không viết “tổng thống Trump”.
Tính phe đảng của TTDC Mỹ đã đi đến mức thô bạo nhất. Từ chống TT Trump tới
mức cuồng, qua tới chống CH tới mất lương tri luôn.
Một tin ‘mật’ mới bị xì ra là khi
dân biểu Beto O’Rourke của DC còn đang tranh ghế thượng nghị sĩ Texas chống
TNS Ted Cruz của CH cuối năm 2018, thì một anh nhà báo của hãng thông tấn
Reuters, Joseph Menn đã khám phá ra ông O’Rourke này khi còn trẻ đã tham
gia vào một hội kín chuyên đi phá trang mạng –internet hacker-, hay vào trang mạng
để ăn cắp thẻ tín dụng của người khác lấy tiền xài. Nhưng tin này đã được anh
nhà báo dấu nhẹm cho đến sau ngày bầu cử, có ý giúp ông O’Rourke đắc cử, chỉ
sau khi ông O’Rourke đã thất cử mới đăng lên. Khi tin bị lộ ra, anh Menn không
chối cãi, nhìn nhận là có thỏa thuận với ông Beto là sẽ giữ bí mật cho tới sau
bầu cử, và còn tiết lộ đó chính là điều kiện của ông Beto nếu muốn ông ta cung
cấp thêm chi tiết cho bài báo sau này. Đây có phải là chuyện ‘thông đồng’ để
giúp ông Beto đắc cử không? Có cần bổ nhiệm công tố đặc biệt điều tra không?
Ted Koppel, nhà báo lão thành
chuyên đọc tin tức nổi tiếng của đài
ABC trước đây (đã về hưu) thẳng thắn nhìn nhận TT Trump đã có lý khi ông
tố cáo TTDC bây giờ đã không còn là những cơ quan thông tin trung thực nữa, mà
đều có chủ đích rõ rệt là diệt Trump (nguyên văn “out to get him”). New York Times và Washington Post ngày
nay đã khác xa cách đây 50 năm. Theo
ông Koppel, NYT và WaPO đã tự phong cho mình quyền quyết định ‘Trump không tốt
cho nước Mỹ’, cần phải diệt.
Ông Koppel chỉ xác nhận lại những gì bà Jill Abramson, cựu chủ bút của
chính NYT đã nhận định mới đây.
Những chuyện như trên chỉ củng cố sự bất tín nhiệm của quần chúng đối với
truyền thông, và khiến nhiều người nghĩ lại về tự do ngôn luận kiểu Mỹ. Có thể
nào có một giới hạn nào không? Hay là quyền muốn nói gì thì nói, muốn viết gì
thì viết là một thứ quyền thiêng liêng tối thượng của truyền thông mà không ai
được đụng đến hết?
Vô giới hạn sao? Tại sao chính quyền từ Hành Pháp đến Lập Pháp đến Tư Pháp
đều có giới hạn, đều có thủ tục kiểm soát lẫn nhau để tránh mỗi ngành đi quá xa
hay lạm quyền, mà truyền thông thì lại hoàn toàn không chịu bất cứ sự kiểm soát
nào được?
Trong lập luận này, TTDC đã tự biện minh là họ chịu sự chi phối hay ‘kiểm
soát’ của quần chúng, nghiã là nếu họ viết sai, nói bậy, sẽ mất khách hàng và tự
hủy diệt. Có thật vậy không? Câu trả lời rõ nhất là không, chẳng ai thật sự kiểm
soát họ hết. Khi mà tất cả khối TTDC loan tin và bình luận tới hơn 90% bất lợi cho TT Trump thì không ai có thể
nói là truyền thông đã có một sự tự chế, tự kiểm soát hết.
Thực tế chính trị Mỹ hiện nay là có một nửa nước ủng hộ Trump, một nửa chống.
TTDC nhắm mắt đánh Trump chết bỏ, mất hết một nửa dân Mỹ, nhưng lại được một nửa
kia ủng hộ chết bỏ, mua báo, coi đài. New York Times gần sập tiệm trước khi ông
Trump đắc cử. Đến nay, sau khi đánh TT Trump liên tục từ ba năm qua, đã hồi sinh
lại, thấy số độc giả tăng gần 200%, tức là gần gấp ba lần. Trong tình trạng
đó, ai dám nói NYT có nhu cầu tự chế?
Trong chính trị Mỹ, ai cũng biết chuyện tam quyền phân lập để cân bằng và
kiểm soát lẫn nhau. Truyền thông trước đây được tôn vinh như là đệ tứ quyền,
không dính dáng đến chính trị phe phái, có thể nói là ‘phi chính trị’, chỉ có một
nhiệm vụ là thông tin sự thật cho dân biết, để các vị dân cử chịu trách nhiệm
trước dân, để người dân thi hành nhiệm vụ công dân, bầu bán cho người mình tin
tưởng và đồng quan điểm. Nhưng ngày nay, khi mà hơn 90% các bản tin và bình luận của TTDC đều có mục đích
đánh TT Trump, thì vai trò thông tin trung thực và vô tư đã biến mất hết rồi.
TTDC hiện nay chỉ còn là cánh tay nối dài của một trong hai chính đảng là đảng
DC.
Trong những vụ đả kích TT Trump, hiển nhiên là TTDC đã bị sự thù ghét TT
Trump ám ảnh đến mù quáng, mất hết lý trí. Hoặc giả đã hoàn toàn bị chi phối bởi
nhu cầu thương mại, quảng cáo và bán báo. Đánh Trump thì mới sống còn chăng?
Cái điều quái lạ là trong khi TTDC mất lý trí, thì cũng không thiếu gì các
cụ tỵ nạn và truyền thông tỵ nạn, chẳng ăn cái giải gì trong cuộc đấu đá giữa
TT Trump và TTDC, cũng nhẩy vào ăn ké, sao y bản chính các tấn công của TTDC để
phổ biến lại.
Lạ lùng hơn nữa là các báo tỵ nạn có số người coi và người quảng cáo giới hạn
và nhất định, ít bị chi phối bởi những chuyện tài chánh như truyền thông Mỹ, có
bênh Trump hay đánh Trump cũng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu trên số báo bán được
hay quảng cáo thu được, lại cũng a dua theo TTDC Mỹ. Bao nhiêu phần vì nhu cầu
tài chánh, bao nhiêu phần vì không đủ khả năng độc lập, không đủ khả năng lọc
tin và không đủ vô tư?
Cuối cùng, nhìn lại cho kỹ thì ta thấy dân Mỹ có trình độ dân trí cao hơn
TTDC nghĩ. Bất chấp tất cả những đấm đá và xuyên tạc trong mùa bầu cử, kể cả những
‘thăm dò’ cuội để thổi phồng bà thần tượng cấp tiến Hillary, ông Trump vẫn thắng.
Tương lai ra sao? Sẽ không còn dễ dàng cho TT Trump. Trước hết, phe ta cũng
đã tỉnh giấc phần nào, bây giờ không còn dám coi thường ông thần Trump nữa. Sau
đó, như các cụ ta có câu “nước chẩy đá mòn”, TTDC đánh Trump liên tu bất tận
như vậy tất nhiên sớm muộn gì cũng phải có phần nào tác dụng. Cuộc bầu cử tổng
thống năm 2020, cử tri sẽ bị
chi phối một mặt bởi những tấn công liên tục và cuồng điên của phe cấp tiến và
TTDC, và mặt khác bởi những thành quả không ai có thể chối cãi được về kinh tế,
về công ăn việc làm,... của TT Trump.
Kẻ này không phải thầy bói biết gieo quẻ, chỉ biết... chờ xem.