Từ cả chục năm nay, kẻ này đã viết
quá nhiều bài về cái gọi là ‘Truyền Thông Dòng Chính’ Mỹ, viết tắt là TTDC, dịch
nôm na từ “Main Stream Media’. Có thể nói lý do chính khiến kẻ này phải lò mò
gõ bàn phím trên Việt Báo trước đây và Diễn Đàn Trái Chiều lúc sau này là muốn
có một tiếng nói ‘trái chiều’ với cái truyền thông đó, để độc giả trong cộng đồng
tỵ nạn chúng ta có dịp nhìn thấy mặt trái của chính trường lề phải, xuôi chiều
và phải đạo chính
trị của Mỹ.
Nhu cầu trái chiều đó hết sức cần
thiết khi mà truyền thông tỵ nạn từ cả mấy chục năm nay hầu như đã một chiều lề
phải theo gương các đàn anh Mỹ, cung cúc phiên dịch tin tức và bài vở của cái
TTDC đó, mà lại phiên dịch không mấy suất sắc, nhiều khi sai nghĩa hoàn toàn.
Xin phép nhắc lại, TTDC nói chung
bao gồm các cơ quan truyền thông như báo, radio, TV bao phủ cả nước Mỹ như các
báo New York Times, Washington Post, USA Today, Wall Street Journal, các đài TV
như CNN, ABC, NBC, CBS, MSNBC, Fox. Khác với các báo địa phương như Los Angeles
Times, San Francisco Chronicle, Miami Herald,… và các đài TV với những tên viết
tắt chẳng ai hiểu là gì như KNTV, KTXL, KRON,…
Trong TTDC đó, có một tờ báo được
giới báo chí Mỹ gọi là “The Gray Lady’ một cách hết sức kính trọng, coi như ‘sư
mẫu’ của làng báo Mỹ. Vì đã xuất hiện lâu đời nhất, cùng với thành tích từ cả
trăm năm là có tin tức tương đối chính xác nhất, đặc biệt nhất, với các bài
bình luận giá trị nhất, của những nhà báo lão thành, uy tín nhất. Đó là báo The
New York Times (NYT) phát hành từ năm
1851.
Đó là chưa nói đến ảnh hưởng khổng lồ của NYT trên truyền thông Tây Âu và cả
thế giới, khi NYT đã là nguồn tin chính và nguồn cảm hứng chính cho cả khối
truyền thông thiên tả Tây Âu. NYT là tờ báo Mỹ duy nhất có ‘con ruột’ là báo
International Herald Tribune, được phổ biến rất rộng rãi trên các thủ đô của
Tây Âu và Á Châu.
Cho đến nay, NYT vẫn duy trì được vị
thế ‘chị cả’ của làng báo Mỹ. Nhưng trên thực tế, uy tín càng ngày càng bị thu
hẹp lại khi NYT để mất từng mảng uy tín trong vài chục năm qua, vì NYT càng
ngày càng đi xa khỏi chủ trương thông tin khách quan thuần tuý để tự biến mình
thành tiếng nói của một quan điểm chính trị phe phái ngày càng lộ liễu.
Ở đây, có lẽ lại phải nhắc lại một
cách ngắn gọn là trong ngành
truyền thông, có hai ‘nhánh’ khác nhau một trời một vực mà nhiều người, lạ lùng
thay bao gồm cả nhiều vị gọi là đại trí thức hiểu biết hơn người mà vẫn mù tịt,
không hiểu được sự khác biệt. Thông tin thuần túy, có mục đích báo cáo tin tức
thời sự, phải khách quan tuyệt đối, không thêm mắm hay bớt muối trong việc loan
tin thời sự. Khác xa với bình luận (như Diễn Đàn Trái Chiều), diễn tả cái nhìn
chủ quan về một biến cố thời sự nào đó. NYT trên nguyên tắc là cơ quan thông
tin và bình luận luôn, nghĩa là có phần tin tức trung thực, khách quan, và cả phần
bình luận chủ quan luôn. Trên thực tế hiện hữu, làn ranh thông tin và bình luận
dường như đã bị lu mờ rất nhiều trên NYT nói riêng và trên cả khối TTDC nói
chung. Đại Học Harvard đã xác nhận chuyện này khi họ nghiên cứu thấy TTDC Mỹ có
khuynh hướng chống TT Trump trong hơn 90% bình luận của họ, và cả trong các bản tin luôn. Tin bất lợi cho Trump thì
thổi phồng, thêm mắm thêm muối, tin có lợi thì ém nhẹm không đăng.
Công bằng mà nói, trong chính trị, khó có thể có chuyện khách quan, công
tâm 100%. Biết vậy, nhưng khi
có thái độ chống Trump trong hơn 90% bản tin thì quả là đã đi quá xa, mà lại
còn ngoan cố vỗ ngực cho mình trung thực thì chẳng khác gì tát vào mặt dân ngu
khu đen. Ấy vậy mà truyền thông tỵ nạn và không ít cụ tỵ nạn vẫn coi báo Mỹ
như... Kinh Thánh!
Tiến trình rẽ trái của NYT thật ra
không phải là chuyện xẩy ra một sớm một chiều. NYT đã đi từng bước, từ khách
quan thông tin của thế kỷ trước và cách đây vài chục năm; chuyển qua tiếng nói
của khối thiên tả gọi là ‘liberal’ hay ‘progressist’; bây giờ trở thành một thứ
lực lượng xung kích của khối thiên tả cực đoan, chống TT Trump tới cùng.
Xin nói ngay, đây không phải là ý
kiến của kẻ tỵ nạn ngu ngơ này đâu, mà là quan điểm của Andrew Sullivan, là một
nhà báo kỳ cựu thiên tả, trước đây tôn sùng Đấng Tiên Tri Obama hơn ai hết, và
bây giờ sỉ vả TT Trump nặng nề hơn ai hết (Quý độc giả có thể đọc bài của ông Sullivan
trên trang Báo Mỹ trên DĐTC tuần này).
Ông Sullivan cho là NYT đã chuyển từ
‘cấp tiến’ qua ‘sách động’ (from liberal to activist), đã đi quá xa khi mới đây
đã viết bài công khai khẳng định những nguyên tắc và lý tưởng ‘độc lập, tự do,
dân chủ,…’, là những nguyên tắc chỉ đạo của thể chế chính trị Mỹ, và là nền tảng
cho Hiến Pháp Mỹ, đều là “giả tạo” (nguyên văn của NYT: “false”).
Theo NYT, các nguyên lý nền tảng
này chỉ là màn khói che giấu thực tế của một chế độ thượng tôn da trắng, trong
khi cuộc chiến dành độc lập cũng chỉ là để đáp ứng nhu cầu duy trì chế độ nô lệ
da đen (nguyên văn: “1776 … is a smoke-screen to distract you
from the overwhelming reality of white supremacy as America’s ‘true’ identity…
that independence was required in order to ensure that slavery would
continue”). [DĐTC ghi chú: 1776 là
năm Mỹ dành được độc lập].
Từ xưa đến nay, chưa ai thấy một tiếng
nói công kích nền tảng của nền cộng hòa Mỹ nặng nề như vậy, kể cả các tuyên
truyền chống ‘đế quốc’ Mỹ của khối CS từ Xít-ta-lin cho tới Mao và Hồ trong suốt
nửa thế kỷ sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Mới đây, nhân dịp ngày giỗ Mao chết, 9/9/1976, NYT cho treo hình khổng lồ cao hai tầng lầu của Mao
tại trụ sở chính, còn nức nở ca tụng Mao như là “một trong những nhà cách mạng
lớn nhất lịch sử nhân loại”. Bị công kích mạnh vì đã khỏa lấp việc Mao đã giết
đâu 40-50 triệu người và hành
hạ cuộc sống của cả mấy trăm triệu người khác, hôm sau, NYT xin lỗi và rút lại
lời nhận định này.
Những câu chuyện trên đánh dấu một bước ngoặc lớn mới nhất trong tiến trình
thiên tả hóa của NYT. Trên thực tế, NYT đã ngả mạnh qua phiá tả từ thập niên 1960
dưới thời các TT Kennedy, Johnson và Nixon.
Dưới thời các TT Kennedy và Johnson,
NYT đã đi tiên phong trong chiến dịch công kích việc Mỹ tham chiến tại Nam VN,
qua các nhà báo trẻ cấp tiến nặng của báo này. Tất cả những bài báo, từ tin chiến
trường đến tin chính trường miền Nam VN, toàn là những tin có tính đại họa cho
VNCH, từ những tin đảo chánh, tham nhũng, đàn áp đối lập, kỳ thị Phật giáo, đến
tin thua trận chết lính, cho đến các bài bình luận, đều công khai mang tính thân
CSBV và chống VNCH lộ liễu nhất, đã khiến TT Kennedy rối bù đầu óc khi so sánh
với các báo cáo chính thức, lạc quan hơn của bộ Quốc Phòng, của bộ tư lệnh quân
lực Mỹ tại Sàigòn, và của các phái đoàn điều tra đặc biệt ông gửi qua VN.
Dưới thời TT Nixon, NYT là báo đã công khai hóa Hồ Sơ Ngũ Giác Đài, gọi là
The Pentagon Papers. Tiết lộ những tin bí mật nhất liên quan đến việc Mỹ bắt đầu
can dự vào cuộc chiến chống xâm lăng CS. Hiển nhiên đã gây tai hại không thể lượng
giá được cho Mỹ và VNCH trong khi lại là một kho tàng tài liệu vô giá cho CSBV.
Trong khi không ngừng bôi bác chuyện ‘Việt Nam Hóa’ chiến tranh và công kích TT
Nixon.
Chiến thắng cuối cùng của CSBV một phần không nhỏ là nhờ công tuyên truyền của
TTDC nói chung và NYT nói riêng. Chuyện ai cũng biết.
Qua đến thời TT Trump thì toàn bộ các tiết mục chính trị của NYT chỉ nhắm
vào một mục đích duy nhất: đánh Trump tới cùng. Cái áo ‘thông tin khách quan’
đã bị liệng vào thùng rác từ khuya rồi. Mà chống một cách thật mù quáng, bất cần
dữ kiện, cũng chẳng thiết tha gì với vấn đề bảo vệ uy tín.
Ngay sáng ngày bầu cử tổng thống năm 2016, trong khi dân Mỹ xếp hàng vào
phòng phiếu, NYT vẫn còn cố đánh gỡ, loan tin cho biết theo thăm dò mới nhất,
bà Hillary có 98% hy vọng thắng trong khi ông Trump chỉ có 2% (xin ghi nhận: bà Hillary có 98% hy
vọng thắng, chứ không phải 98% hậu thuẫn như nhiều người đã hiểu lầm). Mục đích
hiển nhiên của NYT là làm nản chí cử tri muốn bầu cho ông Trump, khiến họ nằm
nhà, không buồn đi bầu bán gì nữa.
Như DĐTC đã có dịp viết qua, một tin mới bị xì ra đã tiết lộ rõ ràng thái độ
thật của NYT đối với chính quyền Trump và cá nhân ông Trump: chống đến cùng dựa
trên cái gọi là “Ba Rờ”: Russian, Racism, Recession.
Tin không vui cho NYT, chiến thuật
này thất bại hoàn toàn. Chuyện thông đồng với Nga đã yên giấc ngàn thu dưới ba
thước đất từ lâu rồi. Chuyện kỳ thị da màu cũng mất sức thu hút khi hàng loạt
thống kê cho thấy khối dân hưởng được lợi nhiều nhất trong kinh tế Trump không
phải là nhà giàu da trắng thượng tôn, mà là các khối dân thiểu số da màu. Đòn
khủng hoảng kinh tế có hiệu lực được vài ngày khiến các doanh gia Mỹ hoảng sợ,
thị trường chứng khoán rớt mạnh trong một hai ngày, nhưng hai tuần sau đã lại
leo lên những mức kỷ lục.
Làm gì bây giờ? Thôi thì kiếm chuyện
khác để đánh.
NYT đi moi móc, khám phá ra chuyện
mới, đánh Trump một cách gián tiếp qua ông thẩm phán Brett Kavanaugh mới được
TT Trump mang vào Tối Cao Pháp Viện.
Quý độc giả hẳn còn nhớ cách đây
khoảng một năm, thẩm phán Kennedy từ chức, TT Trump bổ nhiệm thẩm phán
Kavanaugh thay thế. Mở ra một thứ đại chiến chưa từng thấy trong lịch sử chính
trị Mỹ, khi phe DC và đồng minh TTDC xúm lại khai thác một tố cáo của một bà xồn
xồn, tố ông Kavanaugh cách đây nửa thế kỷ khi còn là sinh viên, đã có hành động
sàm sở, sách nhiễu tình dục và xém hãm bà. Ông Kavanaugh bị đánh tàn bạo, bị
lôi ra trước Thượng Viện hạch tội hai lần, bị FBI mở điều tra khẩn cấp. Cuối
cùng, chẳng ai thấy bằng chứng cụ thể đáng tin nào, nên đa số thượng nghị sĩ CH
phê chuẩn, mặc dù tất cả các thượng nghị sĩ DC nhắm mắt biểu quyết chống.
Trong câu chuyện đình đám đó, có một
tin ‘phụ đính’ là khi đó cũng đã có tin một bà khác tên là Deborah Ramirez cũng
đã bị ông sinh viên Kavanaugh sách nhiễu tương tự. Nhưng tin đó bung ra rồi mau
mắn chết yểu. FBI điều tra sơ qua rồi cũng dẹp.
Chẳng mấy ai để ý. Ngoại trừ NYT nhất
quyết đi moi rác.
Trong suốt một năm trời qua, NYT
cho hai chị nhà báo đi điều tra thêm chi tiết về vụ này. Họ viết cuốn sách sắp
sửa được phát hành trong nay mai. Báo NYT viết bài dài quảng bá cuốn sách đó.
Theo sự điều tra của hai nhà báo
này, FBI dưới thời TT Trump đã cố ý dìm câu chuyện của bà Ramirez, trong khi
hai nhà báo cho biết đã tìm ra được hai tá nhân chứng xác nhận câu chuyện ông
Kavanaugh sách nhiễu bà Ramirez có thật, nhưng không một nhân chứng nào chịu
đưa tên và chường mặt ra hết! Câu chuyện đại khái là có một bữa tiệc loạn, mà tất
cả sinh viên tham dự đều say lướt khướt, ông Kavanaugh đã tuột quần, dí ‘của
quý’ vào mặt bà Ramirez, khiến bà này lấy tay gạt ra, dĩ nhiên đã ‘đụng’ vào của
quý của ông Kavanaugh.
Hai nhà báo còn cho biết thêm chi
tiết là có ông tên là Max Stier, ‘bạn thân’ của ông Kavanaugh khi đó đã chứng
kiến, và ông Stier này đã báo cáo cho FBI chuyện này khi Thượng Viện bắt ông
Kavanaugh điều trần, nhưng FBI đã bỏ qua, không điều tra thêm vì coi như chuyện
lăng nhăng không đủ bằng chứng để tốn công tốn tiền điều tra thêm.
Bài báo đầu tiên của NYT có một nhận
định cho là việc ‘khoe hàng’ của ông Kavanaugh chỉ là ‘chuyện phá phách vui, vô
hại’ (nguyên văn: “harmless fun”). Ngay sau đó, NYT bị độc giả cấp tiến khiếu nại,
chỉ trích là chuyện sách nhiễu phụ nữ không thể gọi là “harmless fun” được, hạ
phẩm giá phụ nữ. NYT hết hồn hết vía, vội vã rút lại lời bàn này và xin lỗi trối
chết.
Qua ngày hôm sau, bị chất vấn của
phe bênh ông Kavanaugh, NYT bẻn lẻn thú nhận ‘quên’ không nhắc đến hai chi tiết
cực then chốt trong câu chuyện: thứ nhất, chính bà Ramirez chưa bao giờ tố cáo
ông Kavanaugh, câu chuyện do một hai bà bạn của bà Ramirez tiết lộ, và chính bà
Ramirez đã xác nhận bà không nhớ câu chuyện này có xẩy ra hay không, bà từ chối
bàn thêm và không nhận cho NYT phỏng vấn vì bà chẳng nhớ gì hết; và thứ nhì,
ngay cả ông Stier cũng không có ý kiến nhận hay không nhận vai trò của mình và
cũng từ chối không cho NYT phỏng vấn luôn.
Bất kể việc hai nhân vật chính là
bà Ramirez và ông Stier đều chưa một
lần nào nói chuyện trực tiếp với NYT hay hai bà nhà báo đi điều tra và đều từ
chối xác nhận câu chuyện, bất kể việc cả hai tá gọi là nhân chứng đều không chịu
chường mặt và cho phỏng vấn, NYT vẫn khua chiêng trống như khám phá kinh thiên
động địa sốt dẻo nhất của mình, và TTDC nhao nhao hâm nóng câu chuyện ông
Kavanaugh sách nhiễu tình dục lại.
Ông Stier được TTDC tung hô như là
một luật sư nổi tiếng là thanh liêm, rất uy tín, có công tâm, không phe đảng,
nên việc ông tố giác với FBI phải đáng tin. Nhưng TTDC lại ém nhẹm việc ông
Stier không có gì có thể gọi là khách quan được khi ông là một luật sư trong
nhóm luật sư bênh vực cho TT Clinton trong vụ ông bị đàn hặc vì vụ lem nhem với
cô Monica Lewinsky, trong khi đó, ông Kavanaugh làm việc trong nhóm luật sư của
công tố Kenneth Starr, khởi tố TT Clinton. Hai ông, hai chiến tuyến đối nghịch,
làm sao có chuyện ‘bạn thân’ hay ‘công tâm đáng tin’ được?
Câu chuyện tiếu lâm đáng nói nữa,
là khi bài báo của NYT vừa xuất hiện, trước khi biết chi tiết hơn, và trước khi
NYT thú nhận bà Ramirez đã khẳng định bà không nhớ chuyện này có xẩy ra hay
không, thì đảng DC đã nhẩy nhổm vào cuộc chiến. Các ứng cử viên tổng thống từ
bà Warren tới bà Harris, qua các ông Booker, Beto, Buttigieg, và Castro, đã
không chậm trễ, hô hào phải đàn hặc và truất nhiệm ông Kavanaugh ngay, lấy cớ
là ông Kavanaugh đã khai gian trong khi điều trần hữu thệ trước Thượng Viện. Nạn
nhân không tố cáo, FBI nói không có gì, Thượng Viện không đủ túc số đàn hặc bất
cứ ai, không cần biết, cứ đập bàn đòi đàn hặc thôi.
Bài viết mới nhất của NYT có thể là một cố gắng trong tuyệt vọng
của NYT và TTDC để ‘đảo chánh’ ngay, hay ít nhất cũng để chặn đứng việc tái đắc
cử của một tổng thống đã được dân bầu hợp Pháp và hợp Hiến.
Nhưng cũng có nghi ngờ là thật sự
NYT không nhắm đánh TT Trump mà thực ra đang cố hạ uy tín của cả Tối Cao Pháp
Viện nói chung. Khối cấp tiến biết họ sẽ bị bất lợi nặng khi TCPV nghiêng về
phiá hữu mà họ không có cách nào cản được, do đó tung đòn đánh phủ đầu, hạ uy
tín của TCPV.
Không ai không hiểu vai trò của
truyền thông trong một thể chế chính trị dân chủ tuyệt đối như Mỹ này. Họ là những
‘cảnh sát’ canh chừng không cho các chính khách, từ hành pháp đến lập pháp đến
tư pháp có thể lạm dụng quyền thế để làm bậy. Vai trò cảnh sát này dĩ nhiên
không có nghĩa là TTDC có quyền bắt nhốt hay truất phế bất cứ chính khách nào,
mà tựu chung lại chỉ là vạch trần sự thật ra cho công luận thấy để cái khối
công luận đó có thể lấy được những quyết định bầu bán trong sự hiểu biết rõ
ràng.
Đó là một vai trò, hay chính xác
hơn, một trách nhiệm thiêng liêng và hết sức quan trọng trong thể chế dân chủ tự
do ‘ma-dzê in USA’. Trong các xứ độc tài tàn bạo, không thiếu gì các nhà báo
đóng vai cảnh sát kiểu này đã mất mạng hay đi tù mọt gông. Trong chế độ tự do của
Mỹ, không có một nhà báo nào bị giết hay đi tù, phúc lớn cho nghề báo chí.
Nhưng nếu cái quy chế ‘bất khả xâm
phạm’ này bảo đảm cho việc người dân có được thông tin đầy đủ, khách quan, và
chính xác, thì nó cũng là cánh cửa mở cho các lạm dụng vô tội vạ của những nhà
báo thiếu lương thiện và thiếu lương tâm chỉ muốn kiếm tiền hay tạo danh cho
mình, hay phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình, là cái bệnh dịch hạch mà ta
đang thấy tràn lan ở cái thành đồng của tự do ngôn luận này.
Chính bà Jill Abramson, cựu chủ bút
của NYT, đã viết hồi ký, thẳng thắn công nhận NYT đã mất hết tính khách quan của
một tờ báo thông tin, mà đã biến thành một khí cụ trong cuộc chiến ý thức hệ giữa
khối bảo thủ CH và khối cấp tiến DC. Theo bà Abramson, đó là hệ quả khó tránh của
hai yếu tố đang chi phối TTDC Mỹ:
-
Thứ nhất, TTDC đã lo tuyển mộ những nhà báo trẻ,
cực năng động, xuất sắc, tốt nghiệp những đại học danh tiếng nhất nước. Cái khổ
là đám nhà báo trẻ này hầu hết theo quan điểm cấp tiến sau khi cả cuộc đời học
trò đã bị giáo chức cấp tiến nhồi sọ, nên các bài báo cáo và nhất là bình luận
của họ phản ảnh rõ ràng quan điểm chính trị của cấp tiến. Đám nhà báo trẻ này
cũng là những người có tham vọng lớn, muốn leo nấc thang nghề nghiệp rất mau
nên rất hăng tiết vịt.
Cái khối nhà báo năng động này đã xóa hết các nguyên tắc
thông tin khách quan cổ điển từ lâu rồi. Đưa đến tình trạng ngày nay, những tờ
NYT hay Washington Post không còn một chút khách quan nào nữa mà cũng chẳng cảm
thấy ái ngại gì hết, lương tâm cũng chẳng bị con giun con dế nào cắn rứt hết.
-
Thứ nhì, vì nhu cầu tài chánh, không tiền hết sống,
TTDC phục vụ khách hàng trí thức, sinh viên các đại học các tỉnh lớn, hay ngay
cả đa số di dân sống ở các thành phố lớn, bắt buộc phải có khuynh hướng sao đó
để khách hàng của họ ủng hộ. Viết bài đi ngược lại đa số trí thức sinh viên của
Berkeley hay University of Southern California, hay đi ngược lại quyền lợi của
đại đa số di dân gốc Nam Mỹ, thì báo Los Angeles Times sẽ khó thọ hơn ba tháng.
Đó là chính là thực tế của tình trạng báo chí Mỹ, mà cũng là của truyền thông tỵ
nạn luôn. Làm báo vì tiền, không hơn không kém. Lương tâm không bằng lương
tháng.
NYT là ‘chị cả’ đã làm gương, đàn em chỉ việc
nhắm mắt đi theo thôi.
Ghi chú: tin về NYT treo hình Mao không chắc là thật, nhưng NYT tuýt ca tụng Mao là có thật 100%!
Ghi chú: tin về NYT treo hình Mao không chắc là thật, nhưng NYT tuýt ca tụng Mao là có thật 100%!