Monday, August 16, 2021

BÀI 191: AFGHANISTAN - LỊCH SỬ TÁI DIỄN

DIỄN ĐÀN TRÁI CHIỀU: TRANG ĐẶC BIỆT: AFGHANISTAN


Đáng lẽ ra bài này sẽ được đăng cuối tuần này, nhưng vì tính quan trọng đặc biệt của tình hình Afghanistan cũng như diễn tiến thay đổi quá nhanh, DĐTC phải ra trang đặc biệt về Afghanistan, cùng với trang Tin Tức đặc biệt, phát hành sớm hơn thường lệ.


BÀI 191: AFGHANISTAN - LỊCH SỬ TÁI DIỄN


    Tin tức thời sự từ đầu năm tới nay cho thấy nước Mỹ đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc xuống hố tự diệt. Chính quyền của cụ Biden trong hơn nửa năm qua đã đi từ khủng hoảng vĩ đại này tới khủng hoảng khổng lồ nọ. Mà đó chỉ là thành quả của hơn nửa năm, và cụ Biden sẽ còn ngồi đó gần ba năm rưỡi nữa, nếu còn sức khỏe thể xác và tinh thần, là việc càng ngày càng nhiều người nghi ngờ. Và càng run sợ.

    Nếu thật sự chưa đủ để nghi tài cụ Biden thì chỉ cần thêm một chuyện nữa thôi. 

    Đó là chuyện … mất Afghanistan.



Tân chính quyền Taliban trên bàn giấy tổng thống Afghan

(Đài TV Al Jazeera được độc quyền theo chân các lãnh tụ Taliban vào chiếm dinh tổng thống)


    New York Times viết bài nhận định, ca ngợi cụ Biden khi ra lệnh tháo chạy, đã lấy một quyết định dứt khóa và can đảm -decisive and courageous-. Nếu vắt chân lên cổ tháo chạy lúc 3g sáng là can đảm thì tất cả tự điển trên thế giới này cần phải  được sửa lại hết.

    CNN, đài TV cấp tiến cuồng, đã biện hộ cho cụ Biden, nhận định mất Afghanistan sẽ là một vết dơ nhỏ -small stain- trong gia tài cụ Biden để lại. Hả? “vết dơ nhỏ”? Xin lỗi CNN chứ mất Afghanistan là một đại họa khủng khiếp nhất cho dân Afghan, một đại họa mà may ra chỉ có dân Việt ta mới hiểu và đánh giá được mức tai hại thật sự. Nhìn lại quá khứ khi Taliban còn nắm quyền trước khi bị TT Bush con đuổi vào núi, tất cả những biện pháp ngu xuẩn và khắt khe, cuồng tín nhất trong luật Sharia của Hồi giáo cực đoan đã được áp đặt. Ngoại đạo bị chặt đầu, ăn trộm bị chặt tay, tội khác bị đánh bằng roi tới nát thịt, phụ nữ có quan hệ với bất cứ ai ngoài chồng sẽ bị ném đá tới chết, đàn ông có quyền bốn vợ kể cả vợ 12 tuổi, đàn bà bị trùm kín người, không thấy cả mắt luôn, không được ra đường nếu không có chồng, bố hay anh em gì đi theo, con gái không được đi học, không ai được nhẩy nhót, nghe nhạc, cả nước mất trọn vẹn mọi quyền tự do tối thiểu sơ đẳng nhất. Hậu quả đối với dân Afghan kinh hồn, vượt qua tưởng tượng của mọi người, nhưng mà với CNN, chỉ là “vết dơ nhỏ” trong gia tài của cụ Biden! 

    Chưa kể cái ‘vết dơ nhỏ’ đó có thể lại sẽ trở thành bàn đạp cho một 9/11 nữa.

    Đối với những cử tri trung kiên của cụ Biden thì đó là một giải thoát, giúp Mỹ bớt một gánh nặng đau đầu. Ít ra là trong nhất thời, cho đến khi xẩy ra một vụ 9/11 nữa thì khi đó… tính sau. Dân Mỹ, nhất là chính khách Mỹ, có trí nhớ của một con muỗi và cái nhìn xa hơn đầu mũi đúng nửa ly.

    Lịch sử luôn luôn tái diễn, không xẩy một ly. Mà tái diễn một cách thật nhàm chán, chẳng có gì mới lạ. Nhìn vào những diễn biến tại Afghanistan, dân Việt ta đều xót xa ngồi nhớ lại khúc phim VN từ ngày Bác Sam xiá vào chuyện đất nước ta. 

    Cuộc chiến Afghanistan giống hệt cuộc chiến tại VN, khởi đi với đầy đủ lý do chính đáng và chính danh.

    Chẳng những cuộc chiến là cần thiết để trừng trị đám khủng bố al Qaeda, mà đi xa hơn nữa, để diệt trừ hẳn nhóm khủng bố này để trừ hậu hoạn sau này. Việc phát động cuộc chiến cũng như trong thời gian vài năm đầu của cuộc chiến, tuyệt đại đa số dân Mỹ và chính khách cả hai chính đảng tuyệt đối ủng hộ. Tỷ lệ hậu thuẫn của TT Bush con leo lên tới mức không tưởng là hơn 90%. 

    Thật ra, chính quyền Taliban không phải là thủ phạm đánh Mỹ ngày 9/11. Cái tội của Taliban là đã cho Osama Bin Laden tá túc, tập họp, chuẩn bị, tổ chức và điều khiển cuộc tấn công 9/11 từ thủ đô Kabul của Afghanistan, sau đó, không chịu bắt và trao Bin Laden cho Mỹ. Do đó, đánh chiếm Afghanistan chỉ là để phá sào huyệt của al Qaeda và bắt Bin Laden. 

    Với chính nghĩa trong tay và quân đồng minh của hơn 40 quốc gia, TT Bush đã khai thác tối đa sức mạnh quân sự của Mỹ, đánh, chiếm Afghanistan và đuổi chính quyền Taliban ra khỏi thủ đô trong vòng hai tháng.

    Nếu như ngay sau đó, Mỹ bỏ về nước hết thì lịch sử đã được viết rất khác. Nhưng Mỹ và cả NATO, khi đó đều thấy có trách nhiệm tận diệt Taliban và đồng minh khủng bố al Qaeda cũng như xây dựng lại xứ Afghanistan, đưa đến một cuộc chiến dây dưa kéo dài hai chục năm. Những bài học thất bại ê chề tại Afghanistan từ thời Đại Đế Alexander của Hy Lạp, tới quân thuộc địa Anh, rồi gần đây hơn, đoàn quân viễn chinh Liên xô, ai cũng biết. Nhưng người Mỹ, với truyền thống tự tin cố hữu, chỉ cười khẩy, chắc chắn mình sẽ tận diệt quân Taliban dễ hơn đập trứng.

    Cái tự tin của Mỹ không phải hoàn toàn vô căn cứ khi một mình Mỹ hai tay đấu với Đức và Nhật, trên hai mặt trận khổng lồ Âu Châu và Thái Bình Dương, đã diệt tan cả hai đại cường này. Vài ba anh cuồng tín Taliban nghĩa lý gì?

    Để rồi khám phá ra tận diệt Taliban và al Qaeda, nhất là xây dựng lại đất nước Afghanistan, khó ngoài sức tưởng tượng, ngoài những tính toán chiến lược của Mỹ. Và ngoài cả khả năng thực tế của các lực lượng quân sự Mỹ và Liên Minh Âu Châu NATO.

    Về cái NATO này, thật ra chỉ là nói cho vui thôi, chứ một mình nước Mỹ đã gánh chịu đâu hơn 80% cuộc chiến, về tài chánh lẫn nhân sự. Cũng chẳng khác gì sự hiện diện làm kiểng của lính Úc, lính Tân Tây Lan, lính Phi, lính Thái của SEATO trong chiến tranh VN. May ra trong cuộc chiến Afghanistan, quân Anh có thể hiện diện nhiều hơn một chút, giống như lính Đại Hàn ở VN.

    Các lực lượng Taliban và al Qaeda có thể bị đánh bật ra khỏi thủ đô dễ dàng, nhưng chúng không dễ bị tận diệt. Cứ dai dẳng tiếp tục cuộc chiến du kích lai rai từ trong rừng trong núi, trong hang trong động, mà Mỹ không có cách gì tận diệt được. Afghanistan có cả vạn hang động, bà Dương Nguyệt Ánh làm bao nhiêu bom cũng không đủ. Ai đứng sau lưng Taliban? Nhớ lại, khi Taliban nằm trong khối Mujahideen đánh nhau với Liên Xô, chúng đã được hậu thuẫn rất mạnh của toàn khối Hồi Giáo bất kể Sunni hay Shia, trong đó có triệu phú Osama Bin Laden. Bây giờ cũng không khác lắm, Taliban vẫn nhận được hậu thuẫn tài chánh và chính trị từ các ông vua dầu hỏa, và chí nguyện quân từ các nước Hồi giáo.

    Ở đây, ta phải nhìn rõ cái mâu thuẫn trong quan hệ giữa Mỹ và các xứ Hồi giáo Ả Rập. Ai cũng biết các Vương Quốc Ả Rập vùng vịnh là những đồng minh kinh tế và chính trị mạnh nhất của Mỹ, vậy chứ cái đài TV suốt ngày ra rả sỉ vả Mỹ, cổ võ cho Hồi giáo quá khích là đài Al Jazeera của ông vua Qatar, phát hình từ Doha, thủ đô Qatar.

    Taliban đánh cá trên tính kiên nhẫn của Mỹ, y chang như VC trước đây. Họ không có một ly hy vọng đánh đuổi hay hạ được quân lực Mỹ, nhưng họ cũng hiểu rất rõ, Mỹ -hay Pháp hay NATO cũng vậy- là dân nhà giàu, lo hưởng thụ, ăn ngon mặc đẹp,  thời TT Johnson thì là lính bị bắt miễn cưỡng, thời Nixon tới giờ là lính tình nguyện, phần lớn đi lính để lấy tín chỉ để học đại học sau đó chứ không phải để chết trong trận mạc, tổng tư lệnh thì cứ 4 năm hay cùng lắm 8 năm là thay đổi, không có kiên nhẫn đánh nhau lâu dài, mãi rồi cũng thấy chết nhiều quá, không sợ chết thì cũng chán nản bỏ đi thôi. Chỉ có đám du kích khố rách áo ôm bị tẩy não kỹ VC hay Taliban mới có thể nghiến răng nghiến lợi chịu trận trong cả vài thập niên. Cuộc chiến tại VN kéo dài 30 năm, từ 1945 tới 1975, nhưng Mỹ chỉ thật sự dính dáng từ 1960, tức là trong 15 năm. Cuộc chiến tại Afghanistan kéo dài tới 20 năm, Mỹ chịu đựng lâu hơn tới 5 năm, giỏi lắm rồi. 

    Mỹ tháo chạy khỏi Afghanistan vì những yếu tố không khác gì những nguyên nhân đã đưa Mỹ đến tháo chạy khỏi VN. Chuyện dĩ nhiên là những sai lầm giống hệt tất nhiên sẽ đưa đến những hậu quả giống hệt. Cái quái lạ là cả ngàn nhà lãnh đạo chính trị, quân sự tài ba nhất của Mỹ vẫn không học được bài học nào từ cuộc chiến tại VN. Taliban hay VC cũng chỉ là những nhúm du kích mà Mỹ trên nguyên tắc, có thể bóp mũi chết trong ba giây đồng hồ, nhưng chúng cuối cùng lại là … bên thắng cuộc. 

    Trước hết, phải khẳng định cho rõ: giống y như ở VN, không phải là Taliban chiến thắng, cũng như không phải VC đã chiến thắng, mà phải nói là chính Mỹ tự đánh vào chính mình cho mình thua, để rồi cuối cùng tháo chạy, bỏ lại khoảng trống chính trị và quân sự để rồi VC hay Taliban nhẹ nhàng và nhanh chóng vào trám mà chẳng tốn bao nhiêu đạn. Miền Nam mất trong 55 ngày. Afghanistan mất trong 3 tuần.

    Ta thử kiểm điểm lại những sai lầm quan trọng nhất của Mỹ tại Afghanistan. Mà cũng chính là những sai lầm lớn nhất của Mỹ đã phạm phải ở VN. Lịch sử tái diễn một cách thật nhàm chán.


ÁP ĐẶT CHÍNH TRỊ

    Như đã viết ở trên, nếu Mỹ ngưng can dự ngay sau khi loại được Taliban, trao quyền lại cho các quan chức địa phương, thì chẳng ai biết được lịch sử đã được viết như thế nào. Có thể Afghanistan đã trở thành một thành đồng của tự do dân chủ tại Trung Đông, cũng có thể Hồi giáo quá khích bây giờ đã thống trị toàn thể Tây Á và Trung Đông, chẳng ai biết được.

    Chỉ biết thực tế lịch sử là Mỹ khi đó đã có một tinh thần trách nhiệm đáng phục là đã ở lại để một tay đánh giặc Taliban, một tay xây dựng lại Afghanistan. Cũng như Mỹ đã đến VN để một tay đánh giặc cộng, một tay giúp xây dựng lại miền Nam VN. Cái ý thì quá tốt, nhưng cách làm thì sai bét. Người Mỹ chủ quan cho rằng cái thể chế chính trị họ đang có, chỉ có thể là tuyệt siêu, độc nhất vô nhị, không có gì hay ho bằng. Nên đều cố tận sức áp đặt cái thể chế đó lên cả thế giới, lên VN rồi lên Afghanistan.

    Một số các nhà lãnh đạo thành công tại Á Châu như thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore, và tướng Phác Chánh Hy của Nam Hàn, khi đó đã từng lớn tiếng khẳng định cái thể chế chính trị tự do dân chủ của Mỹ có thể tuyệt hảo cho Mỹ, nhưng không hẳn đã thích hợp cho cả thế giới, nhất là các nước Á Châu, với văn hoá và truyền thống chính trị khác một trời một vực với văn hóa Âu Mỹ.

    Nhưng tại Nam VN cũng như tại Afghanistan sau đó, Mỹ vẫn giữ y nguyên chủ trương phải xây dựng một thể chế chính trị dân chủ đúng theo mô thức của ông George Washington, được viết ra qua Hiến Pháp của ông Thomas Jefferson. chứ không cần biết Khổng Tử là ai, Nho giáo là gì, cũng chẳng thể nhìn nhận hay tìm hiểu tại sao anh nông dân Á Đông lại tin ông vua -hay ông tổng thống- chính là ông… Con Trời, thế thiên hành đạo. Mỹ bắt anh nông dân này chỉ được tin vào đa dạng, đa đảng, bầu cử tự do, dân chủ, anh đạp xích lô cũng ngang quyền với quan tổng đốc, mỗi người một lá phiếu, vì đó chính là những vũ khí sẽ mang lại chiến thắng cuối cùng. 

    Ông quan lại Diệm? No good! Ông lính Tây Thiệu? No good!

    Ở đây, phải nói cho rõ, chẳng phải là quan điểm của riêng một tổng thống nào, Kennedy hay Johnson hay Bush hay Obama,… mà đó là cái nhìn chung của người Mỹ, bất kể dân hay quan chức, bất kể CH hay DC.


ÁP ĐẶT QUÂN SỰ

    Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara sau này có viết hồi ký (In Retrospect), biện giải cho cái thất bại của ông trong cuộc chiến tại VN. Đọc hồi ký thì bất cứ người Việt nào cũng thấy ngay cái sai lầm lớn nhất của ông McNamara mà cho đến khi viết hồi ký, ông vẫn chưa nhìn ra.

    Đọc hồi ký này, ta có cảm tưởng như ông McNamara đang mô tả một cuộc chiến giữa VC và một tiểu bang nào đó của Mỹ, đâu gần Alabama vậy. Chỉ là lính Mỹ đánh nhau với lính VC. Chiến lược, chiến thuật Mỹ chống lại chiến lược, chiến thuật VC. Tướng Westmoreland chống tướng Võ Nguyên Giáp. TT Johnson chống họ Hồ. Dân VN đứng nhìn, tướng tá hay lính tráng VNCH chẳng có ai dính dáng vào cuộc chiến hết. Cuốn sách dầy hơn 500 trang, trong đó chỉ có một vài chục trang viết loáng thoáng về nước VN, dân VN, lính VN, và chính quyền VN.

    Bản tính dân Mỹ rất chủ quan, luôn luôn chỉ tự tin ở chính mình, không tin ai khác, đặc biệt lúc nào cũng nghĩ chỉ có mình mới đúng, mới tài giỏi, mới biết cách. Cái gì cũng phải tự tay làm, mà Mỹ gọi là ‘hand-on mentality’-. Khi cuộc chiến bước qua giai đoạn quy mô, thì họ cho rằng VNCH, từ chính quyền, đến quan, lính và dân, đều không có khả năng cáng đáng cuộc chiến, nên họ nhẩy vào cuộc với sự tham gia của lính chiến đấu Mỹ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Mỹ về quân sự, của đại sứ Mỹ về chính trị. Quân lực VNCH còn cần huấn luyện, từ chỉ huy chiến trường đến cách đi diễn hành, bồng súng chào. Chính khách VN còn cần học hỏi về dân chủ đa dạng, đa đảng, bầu cử tự do, không bắt nhốt đối lập, không kiểm duyệt báo chí, bất chấp nhan nhản VC nằm vùng khai thác thả giàn. Người Mỹ ngây thơ tin rằng cuối cùng anh nông dân Việt sẽ vô cùng sáng suốt tin vào tự do dân chủ của ông Washington chứ không nghe lời xuyên tạc đấu tranh chống 'giặc đế quốc xâm lăng da trắng' của ông Hồ.

    Phải nói ngay, những tố cáo của VC Mỹ là đế quốc, muốn thống trị VN là bá láp. Mỹ, từ người dân đến tổng thống, rất trân trọng quyền độc lập, tự do của thiên hạ, chẳng bao giờ mang mộng đế quốc thống trị hay chiếm đoạt tài sản của bất cứ xứ nào. Chỉ là cái tính tự tin quá nặng, nghĩ chỉ có mình mới đúng, tự tay làm mới thành công, đã đưa họ đến cách xử thế như ông chủ nhà, khiến VC có cớ xuyên tạc thôi.

    Sau cuộc chiến, ta nghe thấy nhiều chuyện đổ thừa thất bại vào sự bất tài của tướng tá chỉ huy của QLVNCH. Vấn đề là tướng tá VNCH thật sự chẳng có bao nhiêu quyền hành, khi trong tất cả các đơn vị, ngay từ những năm mới bắt đầu có chiến tranh dưới thời cụ Ngô, đã có sự hiện diện của những sĩ quan ‘cố vấn’ nhưng lại có quyền quyết định tối hậu trong các trận đánh, cụ thể nhất là quyền gọi không quân hay pháo binh Mỹ yểm trợ, là những yếu tố quyết định phần lớn thắng thua trong một trận đánh. Không nghe lời cố vấn, cố vấn không gọi yểm trợ không quân hay pháo binh là phiền to.

    Tại Afghanistan sau này, cũng không khác. Quân lực Mỹ là quân lực chủ động hoàn toàn trong khi quân Afghanistan còn đang học bài, được huấn luyện. Về chuyện này, báo phe ta Washington Post đã xác nhận.

https://www.washingtonpost.com/investigations/2021/08/12/obama-afghan-war-ending-afghanistan-papers-book-excerpt/


    Cái vô lý trong lý luận trên là thế thì tại sao lính VC cũng là những đội quân cùng sắc dân, cùng lò, sanh ra cùng làng, cùng ăn cơm với nước mắm, sao họ không cần được Mỹ huấn luyện mà lại biết đánh nhau, giỏi đến độ đánh thắng được cả Mỹ? Có cái gì không ổn?

    Cái không ổn không phải là chuyện huấn luyện hay không, mà là cái ý chí và chính nghĩa. Khi Mỹ đổ quân tràn vào VN hay Afghanistan, chiếm quyền chỉ huy toàn diện, thì người lính bản xứ mất động lực chiến đấu, vì họ không hiểu họ đang chết cho đất nước hay chết cho quyền lợi Mỹ, tướng tá bất mãn vì không còn quyền hành, vì bị chê dốt, phải học hỏi nhiều, cấp tá Mỹ 'cố vấn' cho cấp tướng Việt là chuyện bình thường. Trong khi kẻ thù VC tự nhiên chiếm được lòng dân qua cái chính nghĩa đánh quân da trắng đồng minh của giặc xâm lăng Pháp.

    Mà phải chi việc huấn luyện đã được làm đúng hướng thì chẳng nói làm gì, nhưng việc huấn luyện lại sai bét vì các tướng Mỹ của West Point đều sai bét, luôn lẽo đẽo chạy theo VC. Ngay từ đầu, Mỹ huấn luyện QLVNCH để sẵn sàng ứng chiến với cả chục sư đoàn cộng quân từ bắc vượt vĩ tuyến theo kiểu quân Bắc Hàn, để rồi chỉ thấy VC đánh du kích lẻ tẻ trong rừng. Mỹ đổi chiến lược, huấn luyện QLVNCH vào rừng tìm du kích VC, để rồi thấy VC thí mạng Mặt Trận Giải Phóng, đánh cả trăm căn cứ và thị xã trong Tết Mậu Thân. Mỹ lại đổi chiến lược, huấn luyện QLVNCH giữ an ninh thành phố để Mỹ vào rừng lùng bắt du kích, để rồi thấy CSBV tập trung thiết giáp và đại bác đánh Quảng Trị và An Lộc trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Khi hiệp định Paris được ký, thì Mỹ lo huấn luyện QLVNCH chiến thuật lấn đất dành dân, đánh nhau trong thế ‘da beo’, để rồi CSBV tung toàn lực 12 sư đoàn vài dẫm nát da beo.

    Trong cái bối cảnh tồi tệ vậy, mà QLVNCH còn có được những chiến thắng vĩ đại như ở An Lộc hay Quảng Trị, thì phải nói đó là những bằng chứng cụ thể nhất về những sai lầm của Mỹ.

    Cái họa của Mỹ là chiến tranh kiểu Mỹ là chiến tranh hoàn toàn dựa trên sức mạnh quân sự, khác xa với chiến tranh kiểu Mao và Hồ dựa trên chính trị, thế nhưng cuộc chiến theo kiểu Mỹ lại được chỉ huy bởi các ông dân sự với tối thiểu hiểu biết về quân sự, trong khi hoàn toàn bị chi phối bởi các cuộc bầu cử bốn năm một lần. Dưới thời TT Johnson, ông này là người một mắt kiểm tra từng địa điểm ném bom của không quân Mỹ trên đất Bắc Việt, một mắt liếc nhìn tỷ lệ hậu thuẫn bầu cử. Chiến tranh chính trị của Mao và Hồ là lừa gạt dân để chiếm được lòng dân và chiến thắng. Chiến tranh chính trị của Mỹ là làm sao kiếm được nhiều phiếu để cá nhân mình chiến thắng, đắc cử.


CHÍNH SÁCH BẤT NHẤT

    Trong thể chế chính trị Mỹ, tất cả mọi chính sách, từ kinh tế đến xã hội, văn hóa hay y tế, kể cả quân sự, quốc phòng, an ninh, đều do những quan chức dân sự nắm quyền quyết định. Mà quan chức dân sự thì lại do dân bầu lên mỗi vài năm, quan trọng nhất là cuộc bầu tổng thống.

    Một cách cụ thể nhất, tất cả các chính sách, kể cả quân sự, quốc phòng, an ninh và cả ngoại giao, đều có thể thay đổi nếu không phải sau 2 năm thì cũng sau 4 hay 8 năm. Nhìn vào cụ Biden thì thấy rõ. Chỉ trong vòng một chục ngày đầu sau khi tuyên thệ nhậm chức, cụ đã ký ngay hơn một tá sắc lệnh lật ngược lại những quyết định của TT Trump, bất kể đúng hay sai, trong vấn đề gì. Cứ phóng bút ký ngược lại là xong.

    Hậu quả tất nhiên là đưa đến tình trạng chính trị Mỹ, kể cả cả chiến lược, chiến thuật quân sự, quốc phòng hay an ninh quốc gia, hoàn toàn bất nhất, nay vầy mai khác, thay đổi như chong chóng.

    Cuộc chiến tại VN đã xẩy ra suốt 5 đời tổng thống Mỹ, từ Eisenhower tới Ford, 3 ông CH, 2 ông DC, chưa kể không biết bao nhiêu ông tướng và ông đại sứ chỉ huy. Phiá địch, trong suốt cuộc chiến, chỉ có một đảng CSVN với ông Hồ và người kế nhiệm Lê Duẩn cầm đầu. Cuộc chiến tại Afghanistan diễn ra dưới 4 đời tổng thống, từ Bush con tới Biden, 2 CH và 2 DC, và trong suốt cuộc chiến, phe Taliban vẫn chỉ có một nhúm người cầm đầu.

    Những thay đổi lớn về chính sách, từ cách can thiệp chính trị, kinh tế, quân sự , bên cánh những thay đổi lớn về cả nhân sự cấp cao, dĩ nhiên gây xáo trộn, hay ít nhất cũng gây bối rối trong hàng ngũ lãnh đạo quân sự. Không thua mới là lạ.

    Chung cuộc, Mỹ luôn luôn có thể chiến thắng rất dễ, rất nhanh trong ngắn hạn, cuộc chiến kéo dài, Mỹ không thua trước cũng thua sau. Thế chiến thứ hai, Mỹ bị Nhật đánh tại Hawaii tháng Chạp 1941, mùa hè 1945, Nhật đầu hàng. Sự tham gia của Mỹ kéo dài 3 năm rưỡi dưới đúng một tổng thống Roosevelt (với PTT Truman kế nhiệm sáu tháng trước khi Nhật đầu hàng). Chiến thắng dễ dàng.


CỤ BIDEN

    Nếu bàn về cuộc chiến Afghanistan và cuộc chiến VN năm xưa, thì không thể bỏ qua việc trong hai cuộc chiến đó, có một mẫu số chung rất lớn, mang tính quyết định. Đó chính là ông Joe Biden.

    Năm xưa, nghị sĩ Biden là đồng chí lớn nhất của VC. Không bao giờ bỏ sót một biểu quyết nào đòi Mỹ phải rút quân về. Chưa đủ, ông cũng không bao giờ bỏ sót một biểu quyết nào nhắm cắt súng đạn cho QLVNCH, để bảo đảm miền Nam không thể chống cự được sau khi Mỹ đã rút, chứ Mỹ rút mà QLVNCH cứ ‘ngoan cố’ đánh như ở Quảng Trị hay An Lộc thì cũng như không, đâu có giúp các đồng chí bộ đội được. Mục tiêu quan trọng là giúp cho các đồng chí chiến thắng mà, phải không? Tuy nhiên khi đó, ông Biden chỉ có thể làm vậy là tối đa, vì ông chỉ là một trong 100 nghị sĩ liên bang, quyền hạn chỉ tới đó thôi.

    Bây giờ, trong cuộc chiến Afghanistan, quan điểm của ông không thay đổi bao nhiêu. Luôn luôn chủ trương tháo chạy, sợ đụng chạm. Nhưng quyền hạn của ông thì khác xa, lớn hơn nhiều, rất nhiều.

    Bây giờ, khác với thời chiến tranh VN, cụ Biden đã là tổng thống, có thực quyền trong tư cách tổng tư lệnh quân lực. Thế là cụ mau mắn múa bút, ký lệnh tháo chạy. Tháo chạy bạt mạng luôn khi quân Mỹ được lệnh chạy trốn khỏi căn cứ lớn nhất vào lúc 3g sáng, 3 ngày trước ngày chính thức bàn giao, để rồi chẳng bàn giao cũng chẳng thông báo cho viên tướng Afghan tiếp quản căn cứ luôn.

    Sau đó thì những gì phải xẩy ra đã xẩy ra, chỉ nhanh hơn dự đoán quá nhiều thôi.

    Cụ Biden đã mau mắn ra tuyên cáo cụ chỉ làm theo thỏa thuận của Trump thôi. Lại vẫn sách lược đổ thừa hèn yếu. TT Trump trước đây đã ký thỏa thuận rút quân với Taliban, không sai. Nhưng thỏa thuận ghi rõ Mỹ chỉ rút quân nếu đạt được hai điều kiện: 1) Taliban tuyệt giao với al Qaeda, và 2) Taliban thỏa thuận đình chiến với chính phủ Afghan. Nếu hai điều kiện này không xẩy ra mà Taliban vi phạm hưu chiến, Mỹ sẽ phản công với tất cả sức mạnh của quân lực Mỹ. Cả hai điều kiện đều không xẩy ra, và cụ Biden đã dùng tất cả sức mạnh của quân lực Mỹ, kể cả việc gửi thêm 6.000 TQLC khẩn cấp bay qua để bảo vệ phi trường Kabul để… tháo chạy cho nhanh.  

    Hơn nữa, thỏa thuận của TT Trump dù sao cũng không phải là loại hiệp định có giá trị công pháp quốc tế như hiệp định Paris, không có gì trói tay cụ Biden hết. Cụ đã từng ký cả tá sắc lệnh lật ngược các chính sách và quyết định của TT Trump được, tại sao lại không vứt thỏa thuận Trump-Taliban vào thùng rác được?

    Đổ thừa để trốn tránh trách nhiệm là hèn nhát, không phải tác phong của người lãnh đạo.

    Chưa hết đâu, quý vị ơi. Afghanistan trong những ngày tới sẽ còn gặp chuyện giống y chang chuyện đã xẩy ra ở VN; quý vị sẽ nghe/đọc mệt nghỉ đủ loại đổ thừa, tố giác Afghan không có dân chủ theo gương George Washington như Mỹ muốn, chính quyền Afghan tham nhũng, thối nát, tướng tá Afghan dốt nát, lính Afghan hèn nhát, …

    Thật ra, những đổ thừa này đã bắt đầu rồi. New York Times tố chính quyền Afghan tham nhũng tàn bạo. Washington Post tố TT Afghan đào tẩu mang theo cả va-li tiền đô, và trích dẫn cả lô tướng tá Mỹ miệt thị quân đội Afghan.

    Trên căn bản, Mỹ không thể tiếp tục cuộc chiến trong vài chục năm nữa, hay ngay cả trong vài năm nữa. Quyết định rút về của TT Trump và cụ Biden trên căn bản không sai và có thể đã đáp ứng nguyện vọng của dân Mỹ. Tuy nhiên, có nhiều cách rút lui. Rút ra có điều kiện như TT Trump đã đặt ra khác rất xa với tháo chạy vô trách nhiệm nhất lúc 3g sáng.

    Chính việc tháo chạy bạt mạng này đã khiến quân dân Afghan mất tinh thần, mất niềm tin, đưa đến sụp đổ toàn diện quá nhanh chóng. 

    Dù sao thì với cuộc tháo chạy thê thảm tại Afghanistan này, cụ Biden đã bảo đảm được một cách vững chắc nhất ghế ngồi của cụ trong lịch sử: như một trong những tổng thống yếu đuối, hèn nhát và tồi tệ nhất lịch sử Mỹ. Lịch sử thế giới cũng sẽ ghi nhận bàn tay dính máu dân Afghan của cụ.